ẨN DỤ TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU - 2


Các nhà ngôn ngữ học trong nước cũng có quan điểm tương tự. Nguyễn Văn Tu cho rằng:

Ẩn dụ là phép gọi tên một sự vật bằng tên gọi của một sự vật khác theo mối quan hệ gián tiếp. Muốn hiểu được mối quan hệ đó chúng ta phải so sánh ngầm. Khác với hoán dụ, phép ẩn dụ, theo tưởng tượng của ta mà gọi một sự vật chỉ có vài dấu hiệu chung với sự vật mà từ biểu thị trước thôi. Chính nhờ những dấu hiệu chung gián tiếp ấy mà ta thấy mối quan hệ giữa các vật khác nhau [63, tr. 159].

Đỗ Hữu Châu cũng quan niệm: "Ẩn dụ là cách gọi tên sự vật hiện tượng này bằng tên gọi của một sự vật hiện tượng khác, giữa chúng có mối quan hệ tương đồng". [7, tr. 54]. Sau này, trong công trình Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt, Đỗ Hữu Châu giải thích một cách cụ thể hơn: "Cho A là một hình thức ngữ âm, X và Y là những ý nghĩa biểu vật. A vốn là tên gọi của X (tức X là ý nghĩa biểu vật chính của A). Phương thức ẩn dụ là phương thức lấy tên gọi A của X để gọi tên Y (để biểu thị Y), nếu như X và Y có nét nào đó giống nhau" [8, tr. 145].

Nguyễn Thiện Giáp cho rằng: "Ẩn dụ là sự chuyển đổi tên gọi dựa vào sự giống nhau giữa các sự vật hoặc hiện tượng được so sánh với nhau" [21, tr. 162].

Đào Thản đã giải thích khá rõ ràng, cụ thể khái niệm ẩn dụ trong mối quan hệ với sự so sánh: "Ẩn dụ cũng là một lối so sánh dựa trên sự giống nhau về hình dáng, màu sắc, tính chất, phẩm chất, hoặc chức năng của hai đối tượng. Nhưng khác với so sánh dùng lối song song hai phần đối tượng và phần so sánh bên cạnh nhau, ẩn dụ chỉ giữ lại phần để so sánh" [53, tr. 143].

Theo quan điểm của Nguyễn Đức Tồn thì bản chất của ẩn dụ là: "phép thay thế tên gọi hoặc chuyển đặc điểm, thuộc tính của sự vật, hiện tượng này sang sự vật, hiện tượng khác loại dựa trên cơ sở sự liên tưởng đồng nhất hóa chúng theo đặc điểm, thuộc tính nào đó cùng có ở chúng" [61, tr. 8].


Lần đầu tiên, trong sự phân tích ẩn dụ trong quan hệ với so sánh, Nguyễn Đức Tồn đã chỉ ra một cách cụ thể, rõ ràng cái mà lâu nay người ta vẫn nói ẩn dụ là so sánh ngầm. Và thực chất "về lôgic, chỉ có sự đồng nhất hoặc tương đồng hoàn toàn giữa các sự vật thì mới cho phép có thể dùng cái này để thay thế cái kia được (cũng giống như nguyên tắc thay thế phụ tùng, máy móc trong khoa học kỹ thuật" [60, tr. 5].

1.1.2.2. Ẩn dụ là một biện pháp tu từ (ẩn dụ tu từ)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Cù Đình Tú cho rằng: "Ẩn dụ tu từ là cách cá nhân lâm thời lấy tên gọi biểu thị đối tượng này dùng để biểu thị đối tượng kia dựa trên cơ sở mối quan hệ liên tưởng về nét tươnghs hiểu của đồng giữa hai đối tượng" [65, tr. 179].

Đinh Trọng Lạc quan niệm:

ẨN DỤ TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU - 2

Ẩn dụ là sự định danh thứ hai mang ý nghĩa hình tượng, dựa trên sự tương đồng hay giống nhau (có tính chất hiện thực hoặc tưởng tượng ra) giữa khách thể (hiện tượng, hoạt động, tính chất) A được định danh với khách thể (hoặc hiện tượng, hoạt động tính chất) B có tên gọi được dùng chuyển sang cho A [34, tr. 52].

Theo Nguyễn Thái Hòa: "Phép ẩn dụ là phương thức chuyển nghĩa của một đối tượng này thay cho đối tượng khác khi hai đối tượng có một nét nghĩa tương đồng" [36, tr. 194].

Hữu Đạt cũng quan niệm:

Ẩn dụ là kiểu so sánh không nói thẳng ra. Người tiếp nhận văn bản khi tiếp cận với phép ẩn dụ phải dùng năng lực liên tưởng để quy chiếu giữa các yếu tố hiện diện trên văn bản với các sự vật, hiện tượng tồn tại ngoài văn bản. Như vậy, thực chất của phép ẩn dụ chính là việc dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên cơ chế tư duy và ngôn ngữ dân tộc[13, tr. 302].

Theo Nguyễn Đức Tồn, ẩn dụ tu từ:


Được sử dụng như một biện pháp tu từ nhằm tăng sức gợi cảm, gợi hình và giá trị thẩm mỹ cho sự diễn đạt. Cho nên có thể gọi nó là ẩn dụ lâm thời hay ẩn dụ tu từ. (…) Ẩn dụ lâm thời hay ẩn dụ tu từ mang tính sáng tạo riêng, do vậy mới có khả năng cùng chỉ một đối tượng nhưng mỗi người lại có thể có cách diễn đạt bằng hình ảnh ẩn dụ khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau [61, tr. 4].

Như vậy, qua những cách hiểu và định nghĩa nêu trên, có thể thấy rằng, trong Việt ngữ học, ẩn dụ ẩn dụ được xem xét theo hai góc độ. Thứ nhất, ẩn dụ là một trong những phương thức chuyển nghĩa cơ bản của đơn vị từ vựng dựa vào mối tương đồng giữa sự vật - đối tượng. Theo góc độ này, ẩn dụ là đối tượng nghiên cứu của từ vựng học. Thứ hai, ẩn dụ là một biện pháp tu từ nhằm tạo nên những biểu tượng trong nhận thức của con người. Ở góc độ này, ẩn dụ là đối tượng nghiên cứu của phong cách học, được coi là biện pháp tu từ (ẩn dụ tu từ). Với tư cách là biện pháp tu từ, ẩn dụ tu từ được khảo sát trong những ngữ cảnh cụ thể, gắn liền với văn bản. Nếu tách khỏi văn cảnh thì giá trị ngữ nghĩa của nó sẽ không còn tồn tại.


1.2. CÁC KIỂU ẨN DỤ


1.2.1. Quan niệm của Đỗ Hữu Châu

Theo Đỗ Hữu Châu, ẩn dụ có các kiểu sau đây:

+ Ẩn dụ hình thức là những ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về hình thức giữa các sự vật. Ví dụ, những ẩn dụ trong các từ chân trong chân bàn, chân núi, chân tường, từ mũi trong mũi thuyền, mũi đất, mũi dao; từ cánh trong cánh buồm, cánh đồng, cánh quạt...là những ẩn dụ chỉ hình thức.

+ Ẩn dụ chỉ cách thức là những ẩn dụ dựa vào sự giống nhau về cách thức thực hiện giữa hai hoạt động, hiện tượng.Ví dụ, nắm tư tưởng, cắt hộ khẩu chỉ rõ cách thức nhận thức tư tưởng, cách thức chuyển hộ khẩu cũng giống như cách chúng ta cắt, nắm một sự vật vật lí cụ thể nào đó.


+ Ẩn dụ chức năng là những ẩn dụ dựa dựa vào sự giống nhau về chức năng giữa các sự vật. Ví dụ, các ẩn dụ chức năng như chốt trong giữ chốt, cửa trong cửa sông, cửa rừng.

+ Ẩn dụ kết quả là những ẩn dụ dựa vào sự giống nhau về tác động của các sự vật đối với con người.Ví dụ, ấn tượng nặng nề là muốn nói tới tác động của ấn tượng đối với lí trí, tình cảm của chúng ta cũng giống như một vật nào đó có trọng lượng lớn mà chúng ta phải mang, phải gánh, làm chúng ta cử động khó khăn, đi đứng chậm chạp, không nhẹ nhàng, thanh thoát.

Trong những ẩn dụ kết quả, có một loại đáng được chú ý đặc biệt, đó là những ẩn dụ dùng tên gọi của những cảm giác thuộc giác quan này để gọi tên những cảm giác của giác quan khác hay những "cảm giác"của trí tuệ, tình cảm. Ví dụ, chua, ngọt, mặn, cay, chát... là những cảm giác vị giác được dùng để gọi các cảm giác thính giác nói chua loét, lời nói ngọt ngào, nói cay quá...

Sự phân loại các ẩn dụ theo cơ chế nét nghĩa đồng nhất không phải bao giờ cũng tách bạch, dứt khoát. Trong rất nhiều ẩn dụ không chỉ một mà thường là một số nét nghĩa cùng tác động. Ví dụ, trong những từ như: mũi, chân cả hai nét nghĩa hình dáng và vị trí phối hợp với nhau tạo nên các nét nghĩa ẩn dụ của chúng (trong chân bàn thì có nét nghĩa hình dáng nhưng trong chân núi thì chủ yếu là nét nghĩa vị trí).

1.2.2. Quan niệm của Nguyễn Thiện Giáp

Theo Nguyễn Thiện Giáp, ẩn dụ có các kiểu sau:

+ Ẩn dụ hình thức. Ví dụ, Bướm, loài côn trùng có cánh bay. Cái mắc áo có hình con bướm cũng được gọi là bướm. Mũi là bộ phận có đặc điểm nhọn, nhô ra. Phần đất nhô ra cũng được gọi là mũi đất.

+ Ẩn dụ chuyển tính chất của sự vật này sang sự vật hoặc hiện tượng khác. Ví dụ:


Giấy đỏ buồn không thắm Mực đọng trong nghiên sầu

(Vũ Đình Liên)

+ Ẩn dụ dựa trên sự giống nhau về một thuộc tính, tính chất nào đó.

Ví dụ, tình cảm khô khan; lời nói ngọt ngào.

+ Ẩn dụ chức năng. Ví dụ, bến trong bến xe, bến tàu điện… không giống nhau về hình dạng, không giống nhau về vị trí … với bến sông, bến đò. Nó chỉ giống bến sông, bến đò ở chức năng đầu mối giao thông.

+ Ẩn dụ đặc điểm hình thức, dáng vẻ bên ngoài.Ví dụ, người phụ nữ hay ghen gọi là Hoạn Thư; người đàn bà đẹp gọi là Tây Thi.

+ Ẩn dụ màu sắc.Ví dụ, màu da trời - màu xanh như da trời; màu cánh sen - màu hồng như màu của cánh sen; màu cốm - màu xanh như màu của cốm.

+ Ẩn dụ chuyển tên con vật thành con người. Ví dụ, cún con của mẹ; bồ câu của anh.

+ Ẩn dụ từ cụ thể đến trừu tượng. Ví dụ, hạt nhãn là cái cụ thể chỉ phần bên trong của quả được dùng để chỉ trung tâm quan trọng nhất của một vấn đề.

1.2.3. Quan niệm của Cù Đình Tú

Theo Cù Đình Tú, trên lý thuyết, nếu như có bao nhiêu khả năng tương đồng thì có bấy nhiêu khả năng cấu tạo ẩn dụ tu từ. Có thể nêu một số khả năng tương đồng được dùng làm cơ sở để tạo ra các ẩn dụ tu từ:

+ Tương đồng về màu sắc. Ví dụ:

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

(Nguyễn Du)

(Lửa hoa lựu có màu sắc như nhau (màu đỏ), lửa biểu thị hoa).

+ Tương đồng về tính chất. Ví dụ:


Đất nước Việt Nam chìm trong bóng đêm kéo dài hàng thế kỉ bỗng bừng lên ánh bình minh của thời đại.

(Bóng đêm chế độ thực dân phong kiến có tính chất như nhau (tăm tối), bóng đêm biểu thị chế độ thực dân phong kiến).

+ Tương đồng về trạng thái. Ví dụ:

Ngôi sao ấy lặn hóa bình minh

(Tố Hữu)

(Ngôi sao lặn Bác Hồ qua đời có trạng thái như nhau (không còn), sao lặn biểu thị Bác Hồ từ trần).

+Tương đồng về hành động. Ví dụ:

Thay mặt cho tất cả các tổ chức ấy chỉ có một mình anh ủy viên thường trực trẻ tuổi. Con sông nhỏ hứng đủ trăm dòng suối trút xuống.

(Hứng đủ trăm dòng nhận giải quyết mọi việc có hành động (tiếp nhận) giống nhau, do đó dùng hành động hứng đủ trăm dòng biểu thị nội dung: "nhận giải quyết mọi việc").

+ Tương đồng về cơ cấu. Ví dụ:

Thầy quen nhẫn nại như một người đan rổ: tay bắt từng nan một, uốn nắn cho khéo, vào khuôn vào khổ. Nhiều nan bị gãy nhưng rổ vẫn thành rổ.

(Rổ có nhiều nan có cơ cấu tương tự lớp có nhiều trò, rổ biểu thị lớp học trò).

1.2.4. Quan niệm của Đinh Trọng Lạc

Đinh Trọng Lạc chia ẩn dụ thành các kiểu nhóm sau: ẩn dụ, ẩn dụ bổ sung và ẩn dụ tượng trưng. Ngoài ra, ông cũng coi nhân hóa và vật hóa là những biến thể của ẩn dụ.

+ Ẩn dụ hình tượng là nguồn sản sinh ra đồng nghĩa. Ví dụ:


Hoa thơm bán một đồng mười Hoa tàn nhị rữa bán đôi lạng vàng

(Ca dao) Giá đành trong nguyệt trên mây Hoa sao hoa khéo đọa đầy bấy hoa

(Nguyễn Du) Nàng rằng khoảng vắng đêm trường

Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa

(Nguyễn Du) Phượng những tiếc cao, diều hay liệng Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi

(Nguyễn Trãi)

Ở nghĩa gốc, từ hoa là tên gọi cơ quan sinh sản hữu tính của một loại thực vật thường có màu sắc đẹp và hương thơm. Từ hoa khi thì dùng để ví người phụ nữ đẹp, khi thì được dùng để ví người tình nhân hào hoa phong nhã, khi lại dùng để ví người có phẩm chất cao đẹp. Như vậy, hoa đồng nghĩa với tốt đẹp, cao quý…

Có thể nói, ẩn dụ hình tượng là phương thức bình giá riêng của cá nhân nhà văn, nhà thơ. Bằng những sắc thái ý nghĩa, bằng ý nghĩa hình tượng tìm kiếm được, ẩn dụ hình tượng tác động vào trực giác của người nhận và đem lại khả năng cảm thụ sáng tạo.

+ Ẩn dụ bổ sung (ẩn dụ chuyển đổi cảm giác) là sự kết hợp của hai hay nhiều từ chỉ những cảm giác sinh ra từ trung khu cảm giác khác nhau làm cho cảm giác phong phú, đa chiều, đa vị, đa nghĩa. Ẩn dụ bổ sung được chia ra một số loại như sau:


+ Thị giác + nhiệt: Cái màu xanh này mát quá

+ Thính giác + vị giác: Câu chuyện nhạt phèo

+ Thị giác + khứu giác: Thấy thơm rồi đó

+ Khứu giác + vị giác: Một mùi đăng đắng

+ Thính giác + xúc giác: Một tiếng sắc nhọn

Ví dụ:


Này lắng nghe em khúc nhạc thơm Say người như rượu tối tân hôn Hãy tự buông cho khúc nhạc hường Dẫn vào thế giới của du dương….

(Xuân Diệu)

Khúc nhạc của nhà thơ không chỉ nghe bằng tai mà nghe bằng làn da, bằng lưỡi… thấm vào tâm hồn. Lúc này mọi giác quan được huy động đến tột cùng và dẫn tới sự giao thoa, xuyên thấm. Phải là nghệ sĩ mới có cái nghe kì diệu đến vậy! Dường như ngôn ngữ đưa ta vào một thế giới mới, một thế giới huyền diệu hơn, phong phú hơn và đánh thức trong ta những cảm quan nghệ thuật hằng ấp ủ trong lòng mỗi người.

+ Ẩn dụ tượng trưng là sự kết hợp của một khái niệm trừu tượng với một khái niệm về cảm giác. Ví dụ:

Cỏ cây một màu khổ não/ Xanh ve mãi lên một niềm hoài vọng/ Màu đỏ giận dữ

(Nguyễn Tuân)

Ở đây có sự kết hợp của các từ ngữ: màu với khổ não, màu đỏ với giận dữ. Sự kết hợp đó được thực hiện trên cơ sở khác loại, bởi vì một khái niệm thì trừu tượng, một khái niệm thì cụ thể.

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 26/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí