cẩm, làm hướng dẫn viên du lịch ở thị trấn Sapa, Lào Cai là những công trình chuyên sâu của nhân học du lịch. Các nghiên cứu đều có xu hướng tập trung phân tích tính chủ thể, chủ động của người dân địa phương trong chiến lược khai thác bản sắc văn hóa tộc người để phát triển du lịch và xem xét tác động của hoạt động du lịch đến đời sống xã hội của tộc người. Ngoài ra, nghiên cứu của Trương Thị Thu Hằng (2012) cũng có thể xem là một nghiên cứu nhân học du lịch điển hình khi tìm hiểu mối tương quan giữa thực hành tôn giáo và tham gia vào hoạt động du lịch của người dân tại Nhà Lớn ở đảo Long Sơn, Vũng Tàu.
1.1.2.3. Các nghiên cứu về Bến Tre
Hiện nay, nghiên cứu về Bến Tre đã có nhiều công trình được công bố trong đó có các công trình do các tác giả nước ngoài viết như “Monographie de la province de Ben Tre”(1903) do Hội đồng nghiên cứu Đông Dương chủ trương thực hiện. Nội dung đề cập đến các vấn đề địa lý, lịch sử, chính trị, tôn giáo, tín ngưỡng… nhưng dưới góc độ đơn giản, không chuyên sâu.
Các công trình do các tác giả trong nước viết từ xưa có thể kể đến như: “Nhất thống dư địa chí” (2021) của Lê Quang Định, “Gia định thành thông chí “của Trịnh Hoài Đức, “Phương Đình địa chí loại” của Nguyễn Văn Siêu (2018)… Trong những thập niên gần đây có các công trình: “Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ” do Huỳnh Lứa chủ biên (1987), Lịch sử khẩn hoang miền Nam của Sơn Nam (1994). Hai công trình này đề cập đến quá trình khai phá vùng đất Nam bộ của lưu dân và quá trình giao lưu văn hoá giữa các tộc người, giúp người đọc hiểu về lịch sử của vùng đất Nam bộ.
“Chuyên khảo về tỉnh Bến Tre” của Hội đồng nghiên cứu Đông Dương do Nguyễn Nghị - Nguyễn Thanh Long dịch (2017) - là công trình nghiên cứu khá tỉ mỉ và chi tiết về mọi mặt của vùng đất Bến Tre xưa để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp tại vùng đất Tây Nam Bộ với nhiều tiềm năng kinh tế. Dù còn nhiều hạn chế nhưng công trình này đã giúp cho người đọc có cái nhìn khá toàn diện về các tỉnh ở Tây Nam Bộ vào đầu thế kỷ 20.
“Tỉnh Bến Tre trong lịch sử Việt Nam từ năm 1757-1945” của Nguyễn Duy Oanh (2017), giới thiệu tỉnh Bến Tre từ năm 1757 khi vùng đất này chính thức thuộc về quyền cai quản của chúa Nguyễn, cho đến năm 1945. Đồng thời cuốn sách giới thiệu địa lý, nhân văn vùng đất này; những hoạt động trị an, kinh tế, giáo dục, y
tế, tiểu sử danh nhân, văn chương… gắn với Bến Tre.
“Kiến Hoà xưa” của Huỳnh Minh (2001) là những bài viết về Bến Tre với nghìn lẻ một sự tích anh hùng, những nét khái quát của phong trào Đồng khởi cũng như về đội quân tóc dài của xứ dừa Bến Tre. Ngoài ra còn có các tác phẩm như “Địa chí Bến Tre” (Nguyễn Chí Bền, Ngô Quang Hiển, Vũ Hoàng, 1997); “Văn hoá Bến Tre” (Nguyễn Chí Bền, 2015); “Văn hoá dân gian Bến Tre” (Nguyễn Quang Ngọc, chủ biên, 2003); “Bến Tre Đồng khởi và đội quân tóc dài” nhiều tác giả (2010); “Các hình thức diễn xướng dân gian ở Bến Tre” Lư Hội (2010), “Tinh hoa văn hoá Bến Tre” Lư Hội (2012), “Dừa trong văn hoá ẩm thực ở tỉnh Bến Tre” Lư Hội (2014).
Công trình “Mấy vấn đề dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long” do Mạc Đường chủ biên (1991), là công trình tập hợp các bài viết của nhiều tác giả đề cập đến quá trình tộc người và văn hoá của từng tộc người ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre. “Nhà cửa, trang phục và ẩm thực của cư dân đồng bằng sông Cửu Long” của Phan Thị Yến Tuyết là công trình giới thiệu về văn hoá (văn hoá vật chất) của người dân Nam bộ nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Tuy nhiên, phần ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực của người Việt chỉ được đề cập một cách sơ lược.
Cùng nội dung với công trình này có thể kể đến công trình “Văn hoá cư dân đồng bằng sông Cửu Long” do Nguyễn Công Bình chủ biên (1996). Đây là tập hợp bài viết của nhiều tác giả, nội dung phân tích nhiều khía cạnh văn hoá, từ văn hoá vật chất đến văn hoá tinh thần và xã hội của các cư dân hiện đang sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể bạn quan tâm!
- Ẩm thực người Việt với du lịch ở tỉnh Bến Tre hiện nay - 2
- Ý Nghĩa Khoa Học Và Thực Tiễn Nghiên Cứu
- Các Nghiên Cứu Về Ẩm Thực Và Ẩm Thực Trong Du Lịch
- Mối Quan Hệ Giữa Văn Hoá Ẩm Thực Với Hoạt Động Du Lịch
- Đặc Điểm Tự Nhiên, Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa Bến Tre Trong Mối Quan Hệ Với Ẩm Thực
- Ẩm Thực Của Người Việt Ở Bến Tre
Xem toàn bộ 243 trang tài liệu này.
Công trình “Văn hoá cộng đồng làng vùng đồng bằng sông Cửu Long thập kỷ 80-90 (trường hợp Bình Phú Cai Lậy Tiền Giang)”, của Lương Hồng Quang (1997), cũng đề cập đến văn hoá vùng Tây Nam Bộ nhưng chỉ tập trung nghiên cứu một số trường hợp được cho là điển hình ở Tây Nam Bộ, rồi từ đó khái quát rộng ra. Khía cạnh mà công trình này đề cập đến là tổ chức cộng đồng, trong đó xét đến các mạng lưới xã hội đã và đang diễn ra trong cộng đồng, qua đó giúp người đọc hiểu thêm về mối quan hệ cộng đồng Tây Nam Bộ.
“Văn hoá người Việt vùng Tây Nam Bộ” của tác giả Trần Ngọc Thêm chủ biên được tái xuất bản năm 2014, xây dựng một bức tranh tổng quan về văn hoá
người Việt Tây Nam Bộ từ văn hoá nhận thức đến văn hoá tổ chức và ứng xử. Công trình đã hệ thống hóa các đặc trưng văn hoá để trên cơ sở đó nhận diện bản sắc văn hoá vùng của khu vực Tây Nam Bộ cùng các hệ quả và hậu quả, các điểm mạnh và điểm yếu của nó trong quá trình đi vào toàn cầu hoá và hội nhập.
Về du lịch, đã có một số nghiên cứu quan tâm đến phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre. Đỗ Thu Nga và Phạm Thị Thanh Hòa (2016) “Phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tại tỉnh Bến Tre” đã xem xét và đánh giá thực trạng du lịch tỉnh Bến Tre, trong đó, xem xét các lợi thế của Bến Tre trong phát triển du lịch sinh thái và đề xuất các định hướng phát triển du lịch sinh thái của Bến Tre. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa đề cập đến chiến lược thực hiện và cách thức thực hiện.
Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thành Long (2016), “Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Bến Tre” đã xem xét, đánh giá các mô hình thực nghiệm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và áp dụng vào thực tiễn tại các doanh nghiệp du lịch Bến Tre. Tuy nhiên, luận án chỉ mới xem xét phương diện hoạt động du lịch của Bến Tre qua các doanh nghiệp nên chưa bao quát hết thực trạng du lịch của tỉnh với sự đánh giá của các bên tham gia khác như chính quyền, người dân địa phương.
Đặng Thanh Liêm (2018) trong Luận án tiến sỹ “Marketing địa phương nhằm phát triển du lịch tỉnh Bến Tre” đã nghiên cứu trực tiếp đến marketing địa phương nhằm phát triển du lịch theo các góc độ khác nhau, từ đó, vận dụng nguyên lý, quy trình, công cụ, tiêu chí đánh giá tác động marketing địa phương đối với kết quả hoạt động du lịch, cụ thể là sự phát triển của du lịch tỉnh Bến Tre.
1.1.3. Một số nhận xét chung về tổng quan tài liệu liên quan đến luận án
Ẩm thực là một chủ đề nghiên cứu lớn trên thế giới được nhân học quan tâm từ khá sớm. Các nghiên cứu nhân học về ẩm thực tập trung nhiều vào tập quán ăn uống, vấn đề ăn uống và bản sắc, từ đó giúp làm rõ giá trị văn hóa của ẩm thực. Còn ở Việt Nam, tiếp nối truyền thống văn hóa ẩm thực từ ngàn xưa của dân tộc, các công trình nghiên cứu của sử học, văn học, văn hóa học đã cho thấy bức tranh tổng thể đặc sắc về ẩm thực của các vùng miền, tộc người của nước ta. Một số nghiên cứu dân tộc học/nhân học đi sâu tìm hiểu các tập quán, phong tục của các tộc người trong ăn uống. Đối với người Việt, đã có một số công trình thảo luận về đặc trưng ẩm thực của người Việt ở một số vùng miền như Kinh Bắc,
Huế hay Nam Bộ. Đây là những tư liệu, cơ sở khoa học quan trọng để luận án có thể kế thừa, so sánh với đặc trưng ẩm thực của tỉnh Bến Tre.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây cũng đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu gắn ẩm thực với du lịch tại các địa phương. Tuy nhiên, các nghiên cứu chủ yếu dừng ở việc hệ thống hóa các món ăn tiêu biểu của Việt Nam nói chung hay các vùng, địa phương nói riêng, chỉ ra các giá trị của các món ăn trong phục vụ du lịch và đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch ẩm thực. Còn thiếu vắng các nghiên cứu xem xét thực trạng khai thác ẩm thực trong du lịch, những vấn đề đặt ra và giải pháp để phát huy vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch.
Du lịch đã được quan tâm, nghiên cứu sớm ở phương Tây. Các cơ quan chuyên trách đã được thành lập như các viện nghiên cứu, các tạp chí du lịch. Số lượng các công trình nghiên cứu về du lịch nói chung và du lịch ẩm thực nói riêng là rất lớn. Nhiều lĩnh vực trong hoạt động du lịch đã được quan tâm như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Các nghiên cứu gồm cả lý thuyết và thực tiễn.
Tại Việt Nam, lĩnh vực du lịch được quan tâm nghiên cứu từ nửa cuối thế kỷ XX, nhưng tập trung chủ yếu trong vài chục năm trở lại đây. Có thể nói, bức tranh toàn cảnh về du lịch Việt Nam từ lý thuyết đến thực tiễn đã được đánh giá, luận bàn. Nhiều hội thảo chuyên ngành được tổ chức; nhiều công trình công phu được xuất bản; nhiều luận văn, luận án về những vấn đề mang tính thời sự của ngành được bảo vệ. Tổng quan cho thấy các nghiên cứu về du lịch ở Việt Nam tập trung vào các vấn đề lý luận về tổ chức hoạt động, phương pháp quản lý và quy hoạch du lịch; đánh giá tài nguyên du lịch, thực trạng du lịch của cả nước, các vùng miền và địa phương; dự báo phát triển; đề xuất giải pháp để phát triển du lịch theo hướng bền vững. Các nghiên cứu theo tiếp cận kinh tế du lịch và địa lý du lịch chiếm một số lượng đông đảo, trong khi các nghiên cứu của nhân học, văn hóa học còn hạn chế. Các công trình trên là những nguồn tài liệu tham khảo quý báu để luận án kế thừa các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan để phát triển hệ thống luận điểm của đề tài.
Nhìn lại các nghiên cứu về Bến Tre trong thời gian qua có thể thấy ngoài các nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của địa phương đã có một số đề tài quan tâm đến phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, các đề tài được tiếp cận chủ yếu từ góc độ các ngành kinh tế và du lịch, chưa có công trình nghiên cứu nào từ góc độ
Nhân học về du lịch ẩm thực hay mối quan hệ giữa ẩm thực và du lịch ở địa phương này. Chính vì vậy chúng tôi chọn đề tài "Ẩm thực người Việt gắn với du lịch tỉnh Bến Tre" làm đề tài luận án nghiên cứu sinh của mình với mong muốn khỏa lấp phần nào các khoảng trống nêu trên.
1.2. Một số khái niệm cơ bản, cơ sở lý thuyết và cách tiếp cận
1.2.1. Các khái niệm cơ bản
1.2.1.1. Ẩm thực và văn hoá ẩm thực
“Ẩm thực” trong từ điển tiếng Việt, chính là “ăn và uống” là cách gọi phương thức chế biến món ăn, nguyên liệu phối trộn, gia giảm gia vị và bao gồm cả những thói quen trong ăn uống của con người. Ẩm thực còn bao hàm cả ý nghĩa phổ quát nhất để nói về tất cả những món ăn mang tính phổ biến trong cộng đồng các dân tộc. Do đó, qua ẩm thực có thể nói lên nét đặc trưng văn hoá của dân tộc, một vùng hay một địa phương và cách ứng xử với điều kiện tự nhiên và xã hội. Ăn và uống là nhu cầu cơ bản của cả nhân loại trong hoạt động sinh tồn, không có sự phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, hay chính kiến… nhưng mỗi cộng đồng dân tộc do sự khác biệt về môi trường sinh thái, hoàn cảnh địa lý, truyền thống lịch sử, tín ngưỡng… đã có những thức ăn, đồ uống khác nhau, những quan niệm về ăn uống cũng khác nhau, từ đó hình thành nên những thói quen, tập quán, phong tục về ăn uống khác nhau.
Theo cố Giáo sư Trần Quốc Vượng (2010), trước tiên đặt con người trong nền sinh thái tự nhiên rồi trải qua diễn trình lịch sử “con người đã hóa cái văn hoá tự nhiên để thành văn hoá ẩm thực. Con người sống trong quan hệ với thiên nhiên, nhờ cách thức ứng xử môi trường tự nhiên để duy trì sự sống, sự tồn tại thông qua việc tìm cái ăn, cái uống, từ cách săn bắn, hái lượm trong đó có tự nhiên. Vì thế ăn uống là văn hóa, chính xác hơn và văn hóa tận dụng mối tự nhiên. Khi ăn uống được nâng tầm, không chỉ đơn thuần giúp con người tồn tại, mà còn thưởng thức, đó là văn hóa ẩm thực”.
Nguyễn Quang Lê (2003) cho rằng: Văn hoá ẩm thực hàm chứa nhiều nội dung, trong đó thể hiện rất rõ hai yếu tố văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Văn hoá vật chất trong văn hoá ẩm thực là các món ẩm thực và văn hoá tinh thần trong văn hoá ẩm thực là cách ứng xử, giao tiếp trong ăn uống và nghệ thuật chế biến các món ăn, cùng ý nghĩa, biểu tượng, tâm linh.
Hoàng Minh Khang và Lê Anh Tuấn (2011) cũng khẳng định: Yếu tố văn hoá vật chất trong văn hoá ẩm thực gồm các món ăn, đồ uống, các công cụ phục vụ chế biến, không gian và các dụng cụ phục vụ hoạt động ăn uống. Yếu tố văn hoá tinh thần, cái hồn của văn hoá ẩm thực là cách thức tổ chức các hoạt động từ quá trình khai thác nguyên liệu; cách lựa chọn, phối hợp nguyên liệu gia vị, cách chế biến, trình bày món ăn đồ uống và cách thức tiêu dùng, thưởng thức các món ăn, đồ uống. Nói đến ẩm thực là nói đến các món ăn, các loại đồ uống và nhà bếp với các công cụ nấu ăn, các nguyên liệu được khai thác từ thiên nhiên hoặc là sản phẩm của nền sản xuất được dùng làm thức ăn, thức uống. Khi nói đến văn hóa ẩm thực, thì không chỉ đề cập đến các món ăn, đồ uống mà trước hết phải đề cập tới việc các món ăn, đồ uống đó được chế biến, trình bày như thế nào và theo đó thể hiện các nghi thức, cách thức ăn uống trên cơ sở sử dụng dụng cụ, cách thức mời chào, tiếp đãi. Việc ăn uống được coi là vấn đề văn hóa, xã hội thể hiện mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên, xã hội.
Với cách hiểu văn hoá ẩm thực và ẩm thực như phân tích ở trên, khi nghiên cứu văn hoá ẩm thực phải xem xét ở hai góc độ: văn hoá vật chất (các món ăn) và văn hoá tinh thần là ứng xử, giao tiếp trong ăn uống và nghệ thuật chế biến món ăn cùng ý nghĩa, biểu tượng, tâm linh... Như học giả Trần Ngọc Thêm đã từng nói “Ăn uống là văn hoá, chính xác hơn là văn hoá tận dụng môi trường tự nhiên của con người”.
Về nghĩa rộng, “Văn hoá ẩm thực” chính là một phần của văn hoá nằm trong tổng thể, phức thể các đặc trưng về vật chất, tinh thần, tri thức, tình cảm… thể hiện một số nét cơ bản và đặc sắc của cộng đồng, hàng xóm, gia đình, quốc gia, vùng miền… và nó chi phối một phần không nhỏ trong cách ứng xử và trong giao tiếp của cộng đồng, từ đó tạo nên đặc thù của cộng đồng đó.
Theo nghĩa hẹp, “Văn hoá ẩm thực” là những thói quen và khẩu vị của con người, những ứng xử, những điều kiêng kỵ, những phương thức chế biến bày biện và cách thức thưởng thức món ăn trong ăn uống của con người.
Như vậy, văn hoá ẩm thực chính là một biểu hiện quan trọng trong đời sống văn hoá con người, nó cũng bao hàm cả những ý nghĩa triết lý, là những gì chính tạo hoá giúp nuôi sống họ lại còn cho họ hưởng thụ khoái lạc với những món ăn
ngon. Đó là tổng hợp các giá trị do con người sáng tạo, tích luỹ và lựa chọn những hoạt động ăn uống của mình, qua sự tác động lẫn nhau với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Trong luận án này, NCS sử dụng khái niệm theo nghĩa hẹp: Văn hoá ẩm thực là những thói quen và khẩu vị của con người, những ứng xử, những điều kiêng kỵ, những phương thức chế biến bày biện và cách thức thưởng thức món ăn trong ăn uống của con người.
1.2.1.2. Du lịch và các hoạt động du lịch
Du lịch hiện tại là một ngành mang tính năng động và tổng hợp rất cao vì nó liên quan đến nhiều phương diện khác nhau của cộng sống con người như văn hoá, kinh tế, chính trị… “Du lịch” nhìn chung là một khái niệm tương đối mang tính đặc thù và có rất nhiều cách hiểu, nhiều cách định nghĩa theo nhiều khía cạnh khác nhau vì vừa là một sản phẩm hàng hoá, vừa là một loại hình văn hoá hay là một hoạt động đáp ứng nhu cầu không thể thiếu cho con người. Do đó, không thể chỉ đơn thuần sử dụng một định nghĩa nào của du lịch vì nhìn chung đều chưa đủ tính phổ quát. Có thể kể một vài định nghĩa tiêu biểu về du lịch như:
Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp quốc (UNWTO) định nghĩa: “Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan đến sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức văn hoá và thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế và văn hoá” (dẫn theo Pirogionic, 1985).
Khoản 1, Điều 3, Chương 1 của Luật Du lịch Việt Nam năm 2017 quy định: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.
Căn cứ trên nhiều định nghĩa khác nhau, từ nhiều góc độ khác nhau, NCS nhận định du lịch là một dạng nghỉ dưỡng sức, tham quan tích cực của con người ngoài nơi cư trú với mục đích: nghỉ ngơi, giải trí, thưởng lãm danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá nghệ thuật. Du lịch là một ngành kinh doanh tổng hợp có hiệu quả cao về nhiều mặt: nâng cao hiểu biết của con người về thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hoá và dân tộc, từ đó góp phần làm tăng
thêm tình yêu đất nước; đối với người ngoài là tình hữu nghị với dân tộc mình; về mặt kinh tế, du lịch là lĩnh vực kinh doanh mang lại hiệu quả rất lớn, có thể coi là hình thức xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tại chỗ.
Hoạt động du lịch là tất cả những gì đang vận hành nhằm phục vụ cho ngành du lịch, bao gồm các cá nhân, tổ chức, khách du lịch… Theo Luật Du lịch Việt Nam 2017, tại Khoản 3, Điều 3, Chương I: “Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch”. Từ đó cho thấy để ngành Du lịch hoạt động, cần có sự huy động và tham gia của tất cả các lĩnh vực, ban ngành và toàn xã hội để phát huy các thế mạnh của ngành.
1.2.1.3. Văn hoá du lịch và du lịch văn hoá
Văn hoá du lịch, có thể được hiểu như là một loại hình văn hoá gắn liền với hoạt động du lịch. Đó chính là sự kết tinh và điểm gặp của nhu cầu văn hoá, tình cảm của du khách và ý thức, tố chất văn hoá của những nhà cung ứng dịch vụ du lịch và nhiều yếu tố khác nữa. Bản thân hoạt động du lịch đã mang tính văn hoá rất cao, du lịch nương vào văn hoá để tồn tại và phát triển.
Đổng Ngọc Minh và Vương Lôi Đình (2001, tr.325-326) cho rằng “Văn hoá du lịch không phải là phép cộng đơn giản giữa văn hoá và du lịch mà là sự kết hợp giữa du lịch và văn hoá, là kết quả tinh thần và vật chất do tác động tương hỗ lẫn nhau giữa 3 loại: nhu cầu văn hoá và tinh thần của chủ thể du lịch (du khách), nội dung và giá trị văn hoá của khách thể du lịch (là tài nguyên du lịch có thể thoả mãn sự hưởng thụ tinh thần và vật chất của người du lịch), ý thức và tố chất văn hoá của người môi giới phục vụ du lịch (hướng dẫn viên, thuyết minh viên, người thiết kế sản phẩm, nhân viên phục vụ… ) sản sinh ra”. Tác giả Bùi Thanh Thuỷ (2009) đồng thuận với khái niệm trên và từ đó bàn thêm về ba thành tố của văn hoá du lịch là khách thể du lịch, chủ thể du lịch và môi giới du lịch (đơn vị cung ứng du lịch) như những thành tố kết hợp để trở thành một hệ thống không thể tách rời. Từ đó, tác giả định nghĩa “Văn hoá du lịch tức là nội dung văn hoá do du lịch thể hiện ra – là văn hoá do du khách và người làm công tác du lịch tích luỹ và sáng tạo ra trong hoạt động du lịch. Văn hoá du lịch được sinh ra và phát triển lên cùng với hoạt động du lịch”.