Ẩm Thực Của Người Việt Ở Bến Tre

loại cây ăn trái như cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài cát, bòn bon, dứa, vú sữa, bưỡi da xanh… được trồng ở Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày và Châu Thành.

Về thuỷ văn và tài nguyên nước, Bến Tre thuộc hạ lưu sông Tiền với 4 sông chính là Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên, Tiền Giang chạy ra biển Đông và hệ thống kênh rạch là trục giao thông quan trọng gắn kết kinh tế tỉnh Bến Tre với các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Bên cạnh các sông lớn là một mạng nhện các sông nhỏ, kênh, rạch chi nhánh từ các con sông lớn dẫn nước cho các vùng trồng cây ăn trái và lúa, cũng như nuôi trồng thuỷ hải sản. Mật độ sông ngòi trong tỉnh khoảng 2,7 km/km2, là một tỉnh có mật độ sông ngòi lớn nhất Việt Nam. Bến Tre được mệnh danh là “văn minh sông nước” với lợi thế về hệ thống thuỷ văn, thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, sông nước kết hợp với các hoạt động như tham quan chợ nổi, đi thuyền trên sông, thăm vườn cây ăn trái… Bên cạnh hệ thống sông, Bến Tre còn có hơn 65km bờ biển, với vùng biển Đông rộng lớn và không kém phần phong phú, đa dạng như các bãi biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Với địa hình thấp, các bãi biển của tỉnh Bến Tre rất thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch biển, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái ngập mặn - một đặc trưng của vùng ĐBSCL.

Với đặc tính thổ nhưỡng, thuỷ văn đã hình thành ba vùng sinh thái nông nghiệp là vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn, nên nguồn nguyên liệu ẩm thực phong phú và đa dạng theo hệ sinh thái của địa phương.

2.1.2. Đặc điểm văn hóa, xã hội

Về lịch sử văn hoá, Bến Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung là vùng đất mới được lưu dân nhà Nguyễn đến khai thác và định cư khoảng 3 thế kỷ nay, do đó, Bến Tre không có những di tích lịch sử lâu đời cổ kính. Thế kỷ XVII, người Việt từ miền Bắc, miền Trung (phần lớn là vùng ngũ Quảng) di cư vào khai phá, định canh, định cư tại vùng đất Nam Bộ, trong đó có Bến Tre. Cùng với lưu dân người Việt là nhóm người Hoa của Dương Ngạn Địch vào cư trú. Họ định cư ở các ấp ven sông Ba Lai nay thuộc huyện Châu Thành, không lập xóm ấp riêng mà sống cộng cư với người Việt. Người Hoa và các tộc người khác ở Bến Tre phát triển theo xu hướng hoà nhập vào đời sống của cộng đồng dân cư, từng bước được Việt hoá một cách tự nguyện cả về đời sống kinh tế, phong tục tập quán và sinh hoạt văn hoá, trong đó có ẩm thực.

Về tín ngưỡng, tôn giáo, Bến Tre là điểm hội tụ của của nhiều tôn giáo khác nhau, bao gồm: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao đài, Hòa hảo, Tin lành… Trong đó, Phật giáo chiếm 17,98%, Thiên chúa giáo 17,32%, với 17 nhà thờ, 27 chùa và 31 cơ sở tín ngưỡng… Trên địa bàn toàn tỉnh có khá nhiều chùa và đình được người dân và khách du lịch đến tham quan, thực hành nghi lễ. Hiện có 207 ngôi đình, trong đó có 3 đình: Bình Hoà, Phú Lễ và Tân Thạch được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và một số chùa lớn như: Chùa Hội Tôn, Chùa Tuyên Linh, Chùa Viên Minh… (Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Bến Tre, 2016). Ba tôn giáo chính: Phật Giáo, Cao đài, Thiên Chúa giáo, là những tôn giáo không sử dụng một loại nguyên liệu thực phẩm làm vật thờ cúng hoặc kiêng kỵ nên tập quán và khẩu vị ăn uống của người Việt ở Bến Tre không bị ảnh hưởng theo. Các tôn giáo, tín ngưỡng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống văn hoá, lối sống của con người và cách ăn, ở sinh hoạt đi lại.

Về lễ hội, Bến Tre hằng năm có khoảng 600 lễ hội, bao gồm các lễ hội truyền thống và đương đại. Trong đó, lễ hội truyền thống gắn liền với tín ngưỡng dân gian chiếm tỷ lệ trên 95%, như lễ Vía Bà, Lề Kỳ yên, lễ hội Nghinh Ông… là các hình thức tín ngưỡng của cộng đồng được bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ. Bên cạnh các lễ hội truyền thống ở Bến Tre có nhiều lễ hội đương đại nổi bật như lễ hội Dừa, lễ hội Cây trái ngon an toàn… Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ I diễn ra từ ngày 13 đến ngày 19 tháng 1 năm 2009. Từ đó đến nay, Bến Tre đã tổ chức 5 kỳ lễ hội với sự góp mặt của nhiều tỉnh có thế mạnh về dừa của Việt Nam và các nước thành viên Hiệp hội Dừa thế giới. Lễ hội Dừa lần thứ V tổ chức vào trung tuần tháng 11 năm 2019 với nhiều chương trình hoạt động phong phú như: tôn vinh người trồng dừa cho năng suất cao, hội thảo khoa học về cây dừa, sản xuất các mặt hàng dừa, hội thảo phát triển du lịch Bến Tre trong liên kết vùng, trưng bày sản phẩm hàng hoá dừa, thi người đẹp xứ Dừa, ẩm thực Dừa… Lễ hội Cây trái ngon an toàn được tổ chức lần đầu vào năm 2000. Lễ hội diễn ra từ ngày 2 tháng 5 đến ngày 6 tháng 5 âm lịch tại Chợ Lách gồm nhiều hoạt động. Điểm nhấn của lễ hội là lễ dâng hương Thần Nông, hội thi trái cây ngon, thi đấu xảo, thi kiểng bonsai, thi tạo dáng bonsai và các hội thảo khoa học, phiên chợ cây giống, hoa kiểng, phiên chợ ẩm thực, hoạt động trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương, trưng bày hoa kiểng và sinh vật lạ. Lễ hội là dịp thể hiện

lòng tôn kính các bậc hiền tài, có công với nước, với dân, cầu cho mưa thuận, gió hoà, dân chúng ấm no, hạnh phúc… nhưng cũng góp phần gìn giữ, bảo tồn và quảng bá văn hoá ẩm thực đến cộng đồng trong suốt thời gian qua.

Về làng nghề truyền thống, Bến Tre có nhiều làng nghề truyền thống, góp phần làm cho bức tranh tổng thể làng nghề Việt Nam thêm đa màu sắc. Có thể kể đến các làng nghề ươm tơ dệt lụa ở Ba Tri, làng nghề nhuộm ở thành phố Bến Tre, làng nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc ở Giồng Trôm; làng nghề sản xuất kẹo dừa ở Mỏ Cày và thành phố Bến Tre; làng nghề làm bánh dừa Giồng Luông ở Thạnh Phú; làng nghề kháp rượu Phú Lễ ở Ba Tri và thành phố Bến Tre; làng nghề làm hoa kiểng ở Chợ Lách và Mỏ Cày Bắc… Trong các làng nghề truyền thống có một số làng nghề liên quan đến ẩm thực như làm bánh, làm kẹo, kháp rượu… góp phần hình thành nét văn hoá ẩm thực đặc sắc trên quê hương xứ dừa Bến Tre.

2.2. Ẩm thực của người Việt ở Bến Tre

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 243 trang tài liệu này.

2.2.1. Các món ăn

Có nhiều cách để phân loại món ăn người Việt ở Bến Tre. Nếu phân loại theo chức năng, có thể chia thành ba nhóm chính gồm cơm, thức ăn và quà bánh. Nếu theo tính chất thì có thể chia thành món ăn thường ngày và món ăn lễ tết. Phân loại theo nguyên liệu, cụ thể là việc sử dụng dừa trong các món ăn có thể chia thành bốn nhóm: nhóm các món ăn cho nước cốt dừa trực tiếp vào thức ăn khi nấu, nhóm dùng nước cốt dừa đã nấu chín, nhóm dùng nước dừa tươi để nấu, nhóm dùng cùi dừa nạo thành sợi hay nạo nhuyễn để trộn với nguyên liệu khác. Cuối cùng, nếu phân chia theo các món chế biến từ những sản vật trong hệ sinh thái tỉnh Bến Tre có thể phân chia theo nhóm động vật, nhóm thuỷ hải sản và nhóm thực vật. Trong chương này, ẩm thực Bến Tre được trình bày theo tính chất món ăn thường ngày, món ăn lễ tết, món ăn bổ dưỡng, trị bệnh và món ăn chay.

Ẩm thực người Việt với du lịch ở tỉnh Bến Tre hiện nay - 8

2.2.1.1. Món ăn thường ngày

Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung xuất phát điểm từ nền văn minh lúa nước. Là một tỉnh nông nghiệp với điều kiện thời tiết và địa hình đồng bằng, Bến Tre có sản lượng lúa gạo lớn. Cơm được xem như là món ăn chính để ăn no trong các bữa ăn hằng ngày của người Việt nơi đây. Theo các nhu cầu khác nhau, cơm có thể được chế biến theo các cách nấu khác nhau hoặc cách sử dụng thêm

gia vị đặc trưng. Chẳng hạn, xôi được chế biến từ nguyên liệu là gạo nếp ngâm trước khi hấp cách thuỷ. Tuy nhiên, món này thường được sử dụng trong lễ hội, giỗ tết nhiều hơn. Cháo được chế biến từ gạo tẻ với lượng nước nhiều hơn gạo để cho gạo nát mịn và thường được kết hợp với các nguyên liệu động vật hoặc thực vật khác để tăng giá trị dinh dưỡng như cháo gà, cháo vịt, cháo nấm… Bún, bánh canh, hủ tiếu cũng là những loại nguyên liệu được chế biến từ gạo.

Trong bữa cơm hằng ngày, người Việt ở Bến Tre phổ biến ăn cơm với một món mặn, một món canh và một món rau xào, luộc hoặc rau sống. Món mặn tiêu biểu của người Việt vùng này là món Tép rang dừa. Đây là món ăn dân dã, có mặt thường ngày trong bữa ăn của mỗi gia đình. Món này cũng dễ chế biến. Những con tép đất, tép bầu, tép lóng, tôm càng xanh được bắt dưới sông, sau khi bỏ chân, rửa sạch và ướp gia vị đường, muối, bột ngọt để một lúc cho ngấm rồi đem rang lên với nước cốt dừa, để lửa liu riu cho ngấm. Khi tép chín sẽ chuyển sang màu đỏ quạch, thịt tép thơm vị nước dừa, ăn ngọt, dai. Ở Bến Tre những con tôm hùm, tôm càng xanh thì được gọi là tôm, còn các con tôm nhỏ đều gọi là tép như: tép đất, tép bầu, tép lóng… Trong khi đó, người Việt ở miền Trung và miền Bắc đều gọi là tôm nhỏ là tôm, chỉ có con tép rong mới gọi là tép. Tép rang dừa hiện đang là món ăn đặc sản được nhiều nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống đưa vào phục vụ khách du lịch và tạo được ấn tượng rất lớn đối với du khách.

Cá kho tộ được kho bởi các loại cá đồng như cá rô, cá kèo, cá lóc, cá bống, cá trê… cũng là một trong những món ăn dân giã và phổ biến ở Bến Tre. Người có điều kiện thì chế biến món cá kho tộ bằng những con cá to, ngon, còn người ít điều kiện hơn thì ăn những con cá nhỏ, cá lòng tong… Ngày nay, món kho tộ đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng, nhưng chất lượng không được như xưa. Vì nguồn cá đồng ngày nay ít dần do ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, ngập mặn, do cách đánh bắt tận diệt… nên ở Bến Tre đã có nhiều mô hình nuôi cá đồng. Thịt cá nuôi thường bở, không săn chắc, cũng không ngọt như cá thiên nhiên. Đó chính là lý do chất lượng món ăn ngày càng kém hơn trước.

Nhắc đến món ăn của người Việt Bến Tre không thể không nhắc đến món kho quẹt. Kho quẹt là món đơn giản, dễ làm. Món ăn này trước đây đơn giản chỉ có tóp mỡ, muối hạt, mắm và đường cùng hạt tiêu, ớt. Theo thời gian, món ăn ngày càng được biến tấu, thêm nhiều loại nguyên liệu như tôm khô, thịt ba chỉ,

tép… Vị ngọt thơm từ tôm khô, quyện chút béo của tóp ba chỉ, đẫm trong nước sốt sánh óng đậm vị mặn ngọt cay hài hoà rất quyến rũ. Món này thường ăn kèm rau sống như kèo nèo, đầu rồng hay rau cải trời luộc… Ngày nay, trong các nhà hàng, món kho quẹt này được ăn kèm với rau củ luộc.

Người Việt ở Bến tre cũng rất thích ăn khô và mắm vào mùa mưa. Khi mà lượng thuỷ sản giảm, người dân có thể ăn đến thức ăn dự trữ này và khí hậu mùa mưa làm cho những món này cảm thấy ngon hơn. Khô có rất nhiều loại từ cá nước ngọt, nước lợ và nước mặn như: khô cá lóc, khô cá sặc, khô cá tra, khô cá dứa, khô cá kèo, khô cá khoai, cá đuối, cá đù, cá mối… Các loại khô này được chế biến nhiều cách khác nhau như nướng, chiên, chưng, nấu canh… với các món khô cá dứa nấu canh chua hoặc khô cá dứa chiên khô, món khô cá kèo chiên ăn kèm nước mắm me… được cho là những món rất hao cơm.

Ở Bến Tre mắm được ăn dưới nhiều dạng như mắm sống, mắm chưng, mắm kho. Các mắm phổ biến là mắm tép, mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm cá chốt, mắm cá sặc, mắm cua… Món mắm tép của người Việt ở Bến Tre có nét giống với món tôm chua của Huế, nhưng mắm tép của Bến Tre sau khi tép đã đến độ vừa ăn thường được trộn với đu đủ mỏ vịt, củ riềng và một số gia vị khác. Bên cạnh đó người dân địa phương còn có mắm lóc chưng dừa. Để chế biến món này cần các nguyên liệu như: mắm lóc, dừa nạo cùng các gia vị và rau sống ăn kèm. Muốn có được tô mắm chưng thơm ngon, hấp dẫn, người dân phải tinh tế trong khâu lựa chọn mắm lóc. Trước khi chưng cho mắm vào tô, nêm thêm các gia vị như tiêu, hành, tỏi, ớt, gừng, bột nêm, rồi cho nước cốt dừa vào. Sau đó để vào nồi chưng cách thủy hay cho vào nồi cơm vừa mới chắt để chưng, khi cơm chín thì mắm cũng sẽ chín. Để tăng thêm hương vị của món ăn này không thể thiếu các loại rau ăn kèm như chuối chát, khế chua, rau sống hoặc ngọn rau lang, rau muống luộc… Mắm lóc chưng dừa với cơm trắng nóng là một sự kết hợp hoàn hảo. Tương tự, mắm cá linh chưng được làm từ thịt heo bằm nhuyễn, trứng vịt, hành, tiêu, đường, bột ngọt và không thể thiếu mắm cá linh đánh lên cho đều rồi đem chưng cách thủy. Cũng như món mắm cá lóc chưng, mắm cá linh chưng chấm với chuối chát, khế chua, rau sống thì rất ngon.

Một loại mắm đã được các nhà hàng đưa vào danh mục món ăn đặc trưng của tỉnh Bến Tre đó là mắm cá sặc. Mắm cá sặc ăn sống tức là thưởng thức món

ăn đặc trưng này không qua chế biến hay nấu nướng. Dù có vẻ khó ăn nhưng đây là món ăn dễ gây nghiện. Nhà hàng Quê Dừa ở huyện Châu Thành đã đưa món Bần chấm mắm cá sặc vào danh mục như là một món ăn đặc sắc của nhà hàng.

Mắm còng lột, trước đây là món ăn bình dân trong bữa cơm hằng ngày. Ở Bến Tre có lời ru “Gió đưa gió đẩy, về rẩy ăn còng/ Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa”. Có nhiều cách chế biến còng. Nếu ăn theo kiểu đơn sơ thì có còng rang, còng nấu canh tập tàng, kho tiêu, chiên bột… Đặc biệt có mắm còng cực kỳ nổi tiếng ở xã Châu Bình (Giồng Trôm). Cách làm mắm còng khá đơn giản. Còng được rửa sạch, nhặt bỏ mắt và miệng. Cứ mười con còng thì dùng một chén muối, cho vào cối giã nhuyễn, rồi bỏ vào lọ, đổ thêm một ly rượu trắng, trộn đều, đem phơi nắng từ hai đến ba ngày cho ngấm. Sau đó đem vắt, lọc lấy nước, mắm còng này tiếp tục phơi nắng cho đặc lại và cho đến khi ngả màu sẫm là dùng được. Có thể nói, mắm còng ở vùng đất Bến Tre nổi tiếng nhất, đã đi vào phương ngôn, ngạn ngữ Nam Bộ là “Mắm còng Châu Bình” thuộc huyện Giồng Trôm. Loại mắm đặc sản này ngon trứ danh, vang xa khắp các tỉnh miền Nam. Khi ăn, phải cho thêm gia vị, tỏi, ớt, chanh, đường… vào mắm. Mắm còng để chấm thịt luộc hoặc ăn với bún tạo thành một món ăn tuyệt vời.

Mâm cơm của người Việt ở Bến Tre bên cạnh món kho là món canh. Người dân Bến Tre rất thích ăn canh. Người Việt ở Bến Tre có thói quen chan canh vào cơm cho dễ ăn. Món canh tiêu biểu của địa phương là món canh chua. Nguyên liệu để tạo nên vị chua trong canh chua là vị chua của trái me, trái bần chín, lá giang… Canh chua thường được nấu với cá lóc, cá rô, cá linh, cá sặc, cá kèo, cá ba sa, cá bông lau… ngoài ra còn có món canh chua gà nấu lá giang. Phần bổi (nộm) thì có rau muống, rau nhút, rau bạc hà, bông so đũa, kèo nèo, bông súng… và một ít rau nêm như ngò gai, quế… Mùa nước lên là thời điểm cá linh to, béo và thịt của nó nhiều mỡ, ăn mềm và ngọt. Khi nấu người ta thường chọn những con cá linh to, bóp hết mật ở ngang bụng, rửa sạch để nguyên con cho ráo. Bông so đũa mua về ngắt bỏ nhụy bên trong và rửa nhẹ nhàng để bông không bị dập, sau đó để ráo nước. Chuẩn bị sẵn các loại gia vị như: rau thơm xắt nhỏ, ớt, đường, muối hoặc nước mắm, me, rau ngò. Đun nước sôi và dầm me, khi nước sôi thì bỏ cá linh vào nồi rồi đậy nắp lại. Đun nhỏ lửa để cá không bị nát, khi nước sôi trở lại thì cho các loại gia vị đã chuẩn bị sẵn vào nồi. Đợi một lát thì cho

bông so đũa vào, đảo nhẹ để bông không nhừ và cho bông ngập nước. Sau khi canh chín thì nêm lại gia vị cho vừa ăn, món canh canh chua ngoài ăn với cơm thì có thể ăn với bún. Cá linh là một đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long trong mùa nước nổi. Cũng với con cá linh, người Đồng Tháp kết hợp với bông điên điển tạo nên món ăn nổi tiếng canh chua cá linh bông điên điển thì ở Bến Tre, là vùng đất dồi dào bông so đũa, một đặc sản ẩm thực khác được tạo ra: canh chua cá linh bông so đũa.

Người dân Bến Tre có câu “Cá ngát sống cũng nhờ trái bần mà chết cũng vì trái bần”. Vì cá ngát là loại cá sống dưới cây bần, bần chín rụng cá ngát ăn để sống, và món canh chua bần ngon phải nấu với cá ngát. Bần được chế biến được nhiều món nhưng ngon nhất vẫn là canh chua bần. Canh chua bần có thể nấu với kèo nèo, điên điển, rau nhút, bông súng, bắp chuối… Cá nấu canh chua bần có thể là cá bông lau, cá lóc… nhưng ngon nhất vẫn là nấu với cá ngát. Cá ngát làm sạch và cắt khúc để ráo. Bắc nước lên bếp nêm chút muối, khi nước sôi, cho khoảng năm đến sáu trái bần tuỳ vào lượng nước. Tiếp theo cho cá ngát vào, nước sôi lại vớt bọt, nêm gia vị, bỏ rau vào và cuối cùng là nêm một chút rau nêm. Canh chua cá ngát nấu bần ngon khi vị chua thanh thanh vừa phải có vị ngọt khác hẳn vị chua của me, của lá giang và canh ăn ngon nhất khi còn nóng. Cá ngát trắng tươi, thơm lừng, béo ngọt chấm với muối ớt hoặc một chén nước mắm ngon thêm vài miếng ớt. Cây bần còn có trong một giai thoại liên quan đến chúa Nguyễn Phúc Ánh. Tương truyền, năm xưa, có lần Chúa chạy nạn đến Ba Tri. Nửa đêm đến Châu Thành, Chúa được một cụ già đưa đến nơi kín đáo ẩn trốn. Tại đây Chúa được một gia đình nông dân tốt bụng dâng một bữa cơm nghèo gồm đặc sản địa phương là mắm cá chốt và trái bần nên trái bần được chúa Nguyễn Phúc Ánh ban cho cái tên là cây Thuỷ Liễu vì cây mọc dưới nước, lá nhỏ, mềm mại rũ xuống như lá liễu. Giai thoại về nguồn gốc của món ăn này cũng là nét thú vị thu hút du khách khi đến đây thưởng thức món ăn này.

Người dân Bến Tre cũng rất thích ăn canh ngọt như canh gà nấu lá cách. Cây cách, lá cách quá quen thuộc với người dân miền Tây sông nước. Cây cách là cây rất dễ trồng, thường mọc nơi bờ bụi, mương vườn, ven sông rạch. Theo đông y, lá cách có vị ngọt, thơm, có tác dụng làm mát gan. Lá cách thường được dùng để ăn sống hoặc chế biến để tăng thêm hương vị cho nhiều món ăn trong đó

phải kể đến món Canh gà lá cách tại Bến Tre. Hay món Bí đỏ nấu canh dừa (bí rợ) cũng là một món ăn rất ưa thích tại Bến Tre. Bí đỏ được trồng tại Bến Tre và khoảng tháng 6 tháng 7 âm lịch, người dân sẽ thu hoạch. Những trái bí gần gốc sẽ cho trái to, cơm dày, vỏ cứng và có thể để được lâu (từ 5-7 tháng), thường được dùng biếu tặng, để làm giống hay trữ ăn dần. Để làm món bí đỏ canh dừa cần có các nguyên liệu như: bí rợ (nên lựa trái gốc, cơm dày, vỏ cứng) khoai lang, đậu phộng, ngò om, bột ngọt, trái dừa khô, đường, muối. Sau khi gọt vỏ bí, rửa sạch, cắt miếng vuông vừa ăn, ướp bí với 1 muỗng đường, muối đến khi gia vị tan thì bắc lên chảo xào cạn nước. Dừa khô nạo, vắt nước cốt để riêng, còn lại, cho nước ấm vào bóp đều và vắt lấy nước dão. Chế nước dão vào chảo bí, nấu cho bí chín, thêm gia vị cho vừa ăn, chế nước cốt dừa. Để món ăn thêm mùi vị và đặc sắc, cho thêm đọt gừng hoặc lá gừng cắt nhuyễn vào. Món bí đỏ hầm dừa được dùng như một món canh, hoặc có thể dùng như món ăn chơi đãi khách. Canh Chuối nấu canh phải là loại chuối xiêm chín thật muồi, muồi đến nỗi nâng nải chuối lên là từng trái rớt xuống. Chuối cắt khoanh nấu với nước dão dừa cho chín, sau đó mới chế nước cốt đặc lên. Thêm muối, bột nêm, hành lá... nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi múc ra tô. Vì đặc trưng của món này là làm canh chan cùng với cơm, nên phần nước dùng sẽ rất nhiều để dung hòa hương vị, tránh trường hợp nước cốt gây cảm giác béo ngậy, ngọt hắc.

Trong bữa ăn cơm của người Việt ở Bến Tre còn có món xào như đậu que, đậu đũa xào, giá hẹ xào, dừa xào... Rau là một thứ không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người Việt ở Bến Tre. Tuỳ vào các loại rau mà người ta có thể ăn sống, luộc, xào hay ăn kèm với món chính tương ứng.

2.2.1.2. Món ăn ngày lễ Tết

Tết Nguyên Đán là tết cổ truyền, dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng và có ý nghĩa với người dân Bến Tre. Cuối năm, các gia đình quét dọn nhà cửa, sửa sang, trang hoàng mọi thứ cho tươm tất để đón Tết. Hằng năm, vào khoảng 14, 15 tháng chạp âm lịch lúc các em nhỏ được phân công trẩy lá mai thì cũng là lúc các mẹ, các chị bắt đầu xây lò làm mứt, tráng bánh… Tết đến, nhà khá giả hay khó khăn cũng có một vài ổ bánh phồng, vì đây là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/03/2023