Quá Trình Xác Lập Nền Giáo Dục Pháp Ở Nam Kỳ (1862-1886)

7

sách vở Nho học. Cũng như vua Tự Đức, Nguyễn Trường Tộ chỉ chú ý đến thời vụ, thực điển mà chưa có ý định tổ chức lại thể thức thi cử và hệ thống trường lớp. Một lớp học gồm đủ mọi lứa tuổi do một thầy đồ đảm nhiệm với bút lông giấy bản là phương tiện học tập không thể đáp ứng yêu cầu của lối học thực dụng. Trong một xã hội mà tư tưởng “Điển phần vi quý thứ hà trân”6F vẫn hằng ngự trị, sự trọng vọng chỉ dành cho những người đỗ đạt từ khoa cử thì chủ trương đề cao học nghề, mở khoa công kỹ nghệ của Nguyễn Trường Tộ chắc chắn sẽ không nhận được sự tán đồng rộng rãi.

Khoảnh khắc tràn đầy hy vọng cho một cuộc cải cách giáo dục đã diễn ra vào năm 1866, khi vua Tự Đức chấp thuận cử Nguyễn Trường Tộ và Giám mục Gauthier sang Pháp mời giáo sư, mua máy móc chuẩn bị mở trường kỹ thuật ở Huế. Nhưng rồi, chiến sự lại diễn ra vì sự bội ước và tham vọng của thực dân Pháp, triều đình không còn đủ bình tĩnh để tiếp tục thực hiện hay quan tâm đến các dự án canh tân. Những điều trần của Nguyễn Trường Tộ chỉ còn có thể được đánh giá ở tầm cao tư tưởng mà không có cơ hội kiểm chứng trong thực tế.

2.2. Quá trình xác lập nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1862-1886)‌


Khi người Pháp giành được những thắng lợi quân sự trên vùng đất Nam Kỳ, họ đã đặt sự quan tâm vào giáo dục. Đô đốc Bonard cho rằng “Trường học sẽ là cơ hội tốt để chúng ta đồng hóa toàn bộ một dân tộc bằng cách đưa ngay dân tộc này vào hàng các quốc gia thuộc ngôn ngữ Âu châu bởi việc loại bỏ chữ Hán …” [dẫn theo 115, tr.196]. “Chinh phục tâm hồn” của một dân tộc luôn thiết tha với các giá trị văn hóa truyền thống không phải là việc dễ làm. Trước khi có được sự ổn định, nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ đã phải trải qua nhiều lần thay đổi, điều chỉnh về chương trình học, tổ chức hệ thống, thậm chí, chính quyền thực dân còn dùng đến các biện pháp hành chính để hỗ trợ.

2.2.1. Mục đích của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ‌


Nền Nho học của thế kỷ XIX có thể là lực cản của sự phát triển xã hội, lạc hậu về nội dung và phương pháp giáo dục nhưng vẫn còn đủ khả năng để đào tạo nên những sỹ phu yêu nước, trung thành với nền độc lập của quốc gia - dân tộc. Do đó, khi quân đội triều đình vừa thất bại trước ưu thế về vũ khí của quân xâm lược thì ngay lập tức khởi phát một phong

7 Trần Văn Giàu chú giải như sau: “Trong bài Vịnh Dương họa (thơ nói về một bức vẽ của người Tây), Minh Mạng khen người Tây vẽ rất giống, biểu hiện được tinh thần, tình cảm của người, làm nổi được màu sắc của cảnh vật, nhưng nhà vua kết luận bằng câu: Điển phần vi quý thứ hà trân (nghĩa là: nhưng điển phần mới là quý, chớ những cái kia có quý gì? Điển là ngũ điển, phần là tam phần, ngũ điển tam phần nói về đạo học thời Tam hoàng Ngũ đế)” [xem 127, tr.358].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 146 trang tài liệu này.

trào kháng chiến quy tụ toàn thể dân chúng Nam Kỳ mà lực lượng lãnh đạo, không ai khác, chính là quan lại và sỹ phu. Không thể thi hành chính sách đồng hóa thái quá trong tình cảnh hỗn loạn, Đô đốc Bonard quay sang tìm kiếm sự hợp tác từ phía các nhà Nho, bằng những lời lẽ đi ngược lại quan điểm của các nhà truyền giáo “Còn về tôn giáo của người Pháp, nguyên tắc của Pháp là không ép buộc ai theo tôn giáo đó cả; vì thế mọi người An Nam, không kể thuộc đạo nào, đều có thể hành đạo theo ý mình mà không sợ gì cả …; Người Pháp tôn trọng chữ nghĩa và những người học thức … Thay vì xua đuổi những người có học, Chính phủ chỉ mong muốn được dùng họ để phục vụ hạnh phúc dân chúng (…) Chỗ nào mà tổ chức của nước An Nam có thể lập lại được, thì các quan An Nam đều đã được phục chức. Mong rằng các bậc hiền giả đã cai trị dân chúng hãy xuất hiện! Những chức vụ chưa có người hay chưa có người xứng đáng nắm giữ chắc chắn sẽ được giao cho những người tài đức nhất …” [dẫn theo 115, tr.181]. Đối lại với thái độ đầy thiện chí đó, “các nhà Nho né tránh mọi sự tiếp xúc và trung thành với những mệnh lệnh của nhà vua đã rút lui, mang theo họ tất cả những tài liệu lưu trữ. Thế là các cơ quan hành chính của Pháp phải đứng trước một khoảng chân không tuyệt đối” [82, tr.265]. Trong nhận thức của người dân, mọi sự tiếp cận với quân viễn chinh và hợp tác với chính quyền thực dân đều là hành vi phản quốc, một tội lỗi không thể dung thứ. Chủ trương cai trị trực tiếp của Đô đốc De La Grandière cũng không mang lại hiệu quả. Số nhân viên bản xứ mà người Pháp thu nhận được nếu không phải là các con chiên thì là những tay ranh mãnh “sau khi bị đuổi khỏi làng vì đói khổ hay phạm tội, lưng họ dẻo, rất hám sống, không nghĩ gì đến cuộc chiến đấu dân tộc, sẵn sàng phục vụ mọi ông chủ” [dẫn theo 115, tr.186]. Buộc phải tuyển chọn những con người mà lòng trung thành quan trọng hơn khả năng thì những viên chức này chỉ có thể là khôn ngoan nhưng “rất ít học thức mà nhiều người trong số họ trước đây sẽ không bao giờ được nhận làm một chân thư lại trơn trong các văn phòng. Chúng ta bắt buộc phải lấy những con người rất ít được học hành trong một tầng lớp rất kém về đạo đức, … Bởi vì cần phải có những người theo chúng ta nên chúng ta đã phong những chức quan huyện cho những người rất tầm thường, mù chữ, và đã gây nên một sự tổn thương rất lớn về đạo lý cho nền cai trị của chúng ta” [dẫn theo 82, tr.269]. Trong khi đó, tại các trường làng, những nhà Nho hằng ngày vẫn dưỡng nuôi lòng yêu nước cho học trò bằng lời dạy của Thánh hiền; chữ Hán vẫn là phương tiện lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, kháng cự lại mọi chủ trương khai hóa, truyền bá văn minh phương Tây.

Bị cô lập giữa một xứ sở xa lạ, điều mà người Pháp cần là sự ổn định về chính trị; có một lực lượng nhân sự đủ trình độ và lòng trung thành cần thiết cho bộ máy công quyền; sự giao tiếp trực tiếp với người bản xứ mà không phải thông qua trung gian là những thông ngôn mà họ không mấy tin tưởng và đặc biệt, trong ánh mắt của chính quyền thực dân, nền Nho học và chữ Hán là nguyên nhân của mọi bất ổn, rào cản của mọi nhu cầu tiếp xúc với dân chúng, chướng ngại của mọi dự định truyền bá tôn giáo và văn minh, nhất thiết phải bị loại bỏ. Cùng với những cuộc hành quân, tất cả những ước muốn vừa nêu được trao cho sự nghiệp giáo dục do người Pháp đảm trách.

Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862 - 1945 - 7

Thế hệ trưởng thành trong môi trường Khổng giáo đang tích cực thực hiện các hoạt động kháng chiến rồi sẽ trôi vào quá khứ. Tương lai cho sự ổn định của nền thống trị Pháp ở Nam Kỳ thuộc về trẻ em - đối tượng hướng đến của nền giáo dục mới. G. Dumoutier, Giám đốc Học chính, cho rằng: “Một khi người ta muốn thay đổi hình dáng hoặc màu sắc của một cái cây, người ta không thể bắt đầu với những cây đã phát triển hoàn toàn và đã sinh hoa kết quả, mà người ta phải tác động đến các hạt, phải chăm sóc điều khiển việc nảy mầm và phát triển của nó trong những miếng đất được chọn lọc và chuẩn bị đầy đủ. Muốn biến cải một dân tộc cũng phải làm như vậy. Người ta sẽ thất bại nếu tấn công trực diện vào một nền văn minh cổ trên hai nghìn năm như nền văn minh này (…). Nếu chúng ta muốn đặt được vĩnh viễn ảnh hưởng của nước Pháp trên phần đất này của thế giới (…) thì phải làm cho họ tiêm nhiễm tư tưởng của chúng ta dạy cho họ tiếng nói của chúng ta và do đó phải bắt đầu từ nhà trường và chú ý trước tiên đến trẻ em” [dẫn theo 47, tr.14]. Thật vậy, một khi nền giáo dục mới thành công trong việc “giải phóng hoàn toàn và vĩnh viễn các thần dân mới của nước Pháp ra khỏi ảnh hưởng của những nhà Nho ở Huế và của nền văn minh Trung Hoa - Khổng giáo” [dẫn theo 106, tr.35] thì điều mà người Pháp có được không chỉ là “những nhân viên giàu năng lực” [dẫn theo 106, tr.33], như mong muốn của Đô đốc Bonard, mà to lớn hơn, Nam Kỳ sẽ trở thành “một mảnh đất Pháp trong trái tim, trong tư tưởng và trong khát vọng” [dẫn theo 123, tr.131]. Như vậy, giáo dục, cùng với các lĩnh vực khác, sẽ đảm nhận sứ mệnh: Biến Nam Kỳ thành “một Đế quốc Gia Tô và Pháp” [115, tr.177].

2.2.2. Tranh luận về đường lối giáo dục‌


Mục đích giáo dục đã được xác định nhưng đường lối giáo dục thì chưa có được sự thống nhất. Phát xuất từ những dụng ý và quyền lợi khác nhau, thương nhân, giáo sỹ và những sỹ quan “am hiểu tường tận nhất đất nước và nhân dân Nam Kỳ” [dẫn theo 9, tr.47]

đã nêu những quan điểm khác nhau trong việc định hướng con đường phát triển tiếp theo của nền giáo dục Pháp tại Nam Kỳ, sau hơn 10 năm tiến hành mà không có kết quả đáng kể.

Kéo sang Nam Kỳ với động cơ chủ yếu là lợi nhuận, các thương nhân Pháp đều mong muốn chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng loạn lạc do chiến tranh gây nên để dự phần hưởng lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu của cảng Sài Gòn và tập trung xây dựng các cơ sở kinh tế cạnh tranh với thương nhân người Hoa đã hiện diện từ trước và một số ít thương nhân người Việt. Không khó để những kẻ buôn bán nhận ra rằng giữa sỹ phu Nho học và quân phiến loạn có một mối quan hệ rất chặt chẽ. Do vậy, trong hội nghị giáo dục toàn Nam Kỳ được tổ chức vào đầu năm 1873, họ đã bày tỏ quan điểm: “Nền giáo dục của chúng ta trước hết, trên hết là bằng tiếng Pháp … Đó là một nền giáo dục thực dụng và phải đi đến một mục đích nhất định. Bằng cách phổ cập hóa tư tưởng và văn hóa (không phải về hình thức mà là nội dung) mà người ta giáo dục tinh thần yêu nước. Bằng phổ biến một cách liên tục những nguyên tắc về tài năng của người Pháp trong dân chúng mà chúng ta Pháp hóa người Việt” [dẫn theo 9, tr.42]. Để thực hiện, nhà cầm quyền chỉ cần làm theo phương pháp tuyên tuyền mà Giáo hội đã làm, tức là in nhiều sách và phát tận tay cho học sinh. Nội dung của sách không nên quá nặng về tuyên truyền mà trước hết phải tạo sự hứng khởi nơi người đọc bằng các mẩu chuyện cười của Việt Nam hay của Pháp rồi sau đó mới là những nội dung phục vụ chính trị. Còn đối với trường học của các thầy đồ, cũng chẳng có gì khó khăn để giải quyết, cứ lấy “văn học đối lập với văn học; với chữ Hán lấy chữ Latinh chọi lại, lấy tư tưởng chọi lại với tư tưởng, hình thức chọi hình thức” [dẫn theo 9, tr.42-43].

Có một sự tương đồng nhất định trong quan điểm về đường lối giáo dục giữa thương nhân và giáo sỹ. Cũng nên nhắc lại rằng, năm 1861, khi Đô đốc Bonard chủ trương bảo lưu sự tồn tại của nền Nho học thì các giáo sỹ đã không tiếc lời đả kích. Mãi sau này, khi nhắc lại, Linh mục Louvet vẫn chưa nguôi nỗi ấm ức, đã phê phán Bonard “là một đầu óc dối trá và hão huyền khi cho rằng cách cứu nguy duy nhất cho thuộc địa này là trao trọn việc cai trị cho những nhà Nho, là những kẻ thù nguy hiểm nhất của Gia Tô giáo và của nước Pháp” [dẫn theo 115, tr.182]; Trưởng Tu viện Launay cũng có cùng thái độ “Bonard cho tổ chức lại việc học chữ Nho và tái lập các danh hiệu tiến sỹ, cử nhân cũ mà không tự hỏi: phải chăng là tốt hơn nên tách người An Nam ra khỏi tất cả những gì có thể giữ họ trong tư tưởng dân tộc, nghĩa là tư tưởng đồng nghĩa với chống Pháp” [dẫn theo 115, tr.183]. Một bên vì mục đích kinh tế, một bên vì nhu cầu truyền giáo, nhưng cả thương nhân và giáo sỹ lại cùng xem chữ Hán là kẻ tử thù, nhất quyết cho rằng đường lối đúng đắn của

nền giáo dục phải là: xóa bỏ nền Nho học, thiết lập các trường học dạy những hiểu biết thường thức bằng chữ viết theo mẫu tự Latin.

Là sỹ quan có hiểu biết sâu sắc về tổ chức hành chính và xã hội Việt Nam, Luro đã nhìn nhận vấn đề một cách bình tĩnh. Sau khi chỉ ra một loạt bất cập của nền giáo dục do người Pháp tổ chức, Luro cho rằng: Không nên nóng vội mà phải đi sâu vào tâm lý nhân dân, vì đây cũng là một điều kiện cai trị bằng phương pháp “đồng hóa”. Phải hiểu rằng, phong tục, ngôn ngữ, luật pháp của một dân tộc không phải dễ dàng thay đổi trong vài ba năm. “Phải tìm hiểu những thứ đó, hướng dẫn người dân bị trị đi theo ý định của ta, muốn vậy ta cũng phải học chữ Hán” [dẫn theo 9, tr.45]; Không nên đóng cửa các trường học dạy chữ Hán mà cứ để họ dạy như thường nhưng bắt buộc các thầy giáo dạy chữ Hán phải học chữ quốc ngữ và dạy lại cho học trò. Lại phải dùng cả chữ quốc ngữ, chữ Hán để phổ biến khoa học, làm cho nền văn minh của nước Pháp thâm nhập vào nhân dân; Việc phổ biến tiếng Pháp thì đầu tiên phải dựa vào lớp công chức quan lại mới và các nhà giàu; Phải làm sao để nhân dân thấy rằng, tiếng Pháp là cái cửa ngõ mà mọi người phải qua để đi tới con đường khoa học. Trong các trường thì nên dạy cho học sinh về khoa học là sở trường của người Pháp. Đó là phương pháp duy nhất dể quần chúng hóa trường học và thu hút người dân thuộc địa vào quỹ đạo văn minh, khoa học; Sau khi được đào tạo, những người “cộng sự” phải vừa là nho sỹ vừa là công chức, vừa là thông dịch và không nên biến họ thành những con vẹt (…) [xem 9, tr.45-46]. Không tán đồng cách nhìn của Luro về vấn đề chữ Hán, ý kiến của Philastre là: Người Pháp vẫn phải dạy những nội dung như người Việt Nam đã học từ trước, nhưng phải thay chữ Hán bằng chữ quốc ngữ - “Người ta sẽ không từ chối học chữ La tinh, nhất là nếu tiếng An Nam sẽ được đưa ra bằng bản dịch của một vài tác phẩm sơ đẳng và cổ điển Trung Quốc. Nếu sau đó người ta cung cấp cho học sinh những sách viết bằng tiếng An Nam, chứa đựng những tư tưởng mới đối với họ, họ sẽ tiếp tục theo học, chữ Hán sẽ mất một phần uy thế và người An Nam sẽ bắt đầu viết tiếng nói của họ” [dẫn theo 9, tr.47].

Quan điểm về đường lối giáo dục của Luro (và Philastre) rất gần với chủ trương của Bonard, tức là, dù phát xuất từ chính sách đồng hóa nhưng khi tình hình Nam Kỳ còn nhiều bất ổn, thì khôn ngoan hơn trong đường lối cai trị là một vẻ ngoài tự do và tôn trọng các truyền thống văn hóa bản địa. Do vậy, chữ Hán và nền Nho học vẫn được duy trì, theo Luro; hay chí ít ra dù được biên soạn bằng chữ quốc ngữ, nội dung của nền Nho học vẫn được lưu giữ trong chương trình học, theo đề nghị của Philastre. Tính thuyết phục không thuộc về

những quan điểm chủ quan, xa rời thực tế và như sẽ thấy, khi xây dựng chương trình học và tổ chức nền giáo dục ở Nam Kỳ, người Pháp đã thay thế sự vội vàng ban đầu bằng những bước đi cẩn trọng hơn.

2.2.3. Những thay đổi về chương trình học và tổ chức giáo dục‌


Chương trình học và hệ thống tổ chức giáo dục được thiết kế nhằm đáp ứng mục đích giáo dục, phù hợp với đường lối giáo dục của nhà cầm quyền. Khi nền giáo dục còn đang trong quá trình dò dẫm thì chương trình học và hệ thống tổ chức, do sự chi phối của quan điểm cai trị và tình hình thực tế ở Nam Kỳ, chưa thể có ngay được sự ổn định.

Điều mà người Pháp quan tâm nhiều nhất từ khi chuyển quân vào Gia Định (1859) cho đến khi thâu tóm toàn bộ Nam Kỳ (1867) là các vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh giành lãnh thổ: kế hoạch đánh chiếm các tỉnh, thái độ của triều đình Huế, phong trào kháng chiến lan rộng khắp nơi do các sỹ phu lãnh đạo và được dân chúng hết lòng ủng hộ. Do đó, trong báo cáo đọc tại buổi họp ngày 23/10/1889 của Hội đồng Nghiên cứu Đông Dương, Emile Roucoules viết “Trong giai đoạn chiến tranh chinh phục, các vị tư lệnh không thể nghĩ đến việc tổ chức giáo dục, và chỉ cấp một số học bổng, trích từ quỹ quân đội, cho hai trường để đào tạo những phụ tá cần thiết, những người, hầu hết chỉ nói được một thứ tiếng La-tinh bập bẹ …” [xem 146]. Giáo dục, theo thứ bậc ưu tiên, còn ở vào vị trí thứ yếu, chưa được tổ chức quy củ.

Sau khi hạ thành Gia Định (1859), đoàn quân viễn chinh gặp phải trở ngại đầu tiên trên vùng đất mới: giao tiếp với người bản xứ. “Đối với một nước đi chinh phục, chướng ngại lớn nhất phải khắc phục trước những dân tộc bị chinh phục chính là sự khác biệt về ngôn ngữ” [dẫn theo 106, tr.32]. Bị cô lập, bị người bản xứ lợi dụng sự kém hiểu biết về ngôn ngữ lừa vào những ổ phục kích, gặp khó khăn khi muốn trưng lên một thông cáo hay chỉ thị, người Pháp chỉ còn biết trông cậy vào sự hỗ trợ của các giáo sỹ Thiên chúa và một số con chiên, những con người không đáng tin lắm, ở vai trò thông ngôn. Trong hoàn cảnh đó, ngày 21/9/1861, Đô đốc Charner ký Nghị định thành lập trường Bá Đa Lộc, do Giáo sỹ Croc và Linh mục Thu, người Việt, phụ trách, với mục đích được xác định: Đào tạo thông ngôn và những thư ký làm việc trong các cơ quan hành chính [9, tr.35]. Như vậy, mở trường đào tạo thông ngôn là bước đầu tiên của việc thiết lập một nền giáo dục Âu hóa tại Nam Kỳ. Trên thực tế, đây là một cơ sở đào tạo nhân viên phục vụ cho quân đội Pháp chiếm đóng ở Nam Kỳ hơn là một cơ sở giáo dục đúng nghĩa [106, tr.48].

Để tuyên bố “Người Pháp tôn trọng chữ nghĩa và những người có học thức” [dẫn theo 115, tr.181] không trở thành lời nói suông, Thống đốc Bonard, ngày 31/3/1863, đã ký Nghị định tái lập nền học chính tại 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường) mà nội dung chính là:

“Đứng đầu mỗi tỉnh về ngành giáo dục là một viên Đốc học. Nhiệm vụ của Đốc học cũng như xưa, tức tổ chức và tập trung tất cả những gì liên quan tới học chính tại phủ huyện và xã thôn trong tỉnh, mở các cuộc thi khảo lục cá nguyệt, trông nom việc thực thi quyền lợi của giới sỹ phu trong xã thôn, khuyến khích việc học hành …

Đốc học làm việc dưới sự chỉ đạo của Tổng đốc tỉnh (người Pháp) và có nhiệm sở tại tỉnh lỵ. Đốc học lại có những viên chức phụ tá trong nhiệm vụ học chính, giữ chức Giáo thọ tại phủ và Huấn đạo tại huyện …

Mỗi viên Đốc học phụ trách một nhà trường giáo dục thanh niên gọi là học sanh được lựa chọn trong số học sinh thông minh nhất trong tỉnh nhằm mục đích đẩy mạnh việc học vấn của họ: sẽ có 10 học sanh tại tỉnh Gia Định, 6 học sanh tại tỉnh Định Tường, 6 học sanh tại tỉnh Biên Hòa; có thể nhận cả tú tài hay cử nhân trong số học sanh đó (!).

Các cuộc đại khảo thí xưa được tổ chức 3 năm một lần, nay sẽ được tái lập dành cho 3 tỉnh thuộc Pháp, cũng giống như lề thói cũ. Khóa thi 3 năm đầu tiên sẽ được tiến hành vào tháng 9 năm Giáp Tí (10/1864). Sau mỗi cuộc khảo thí, các cấp bằng tú tài và cử nhân sẽ được trao cho những học sinh xứng đáng nhất của cả 3 tỉnh …

Để phổ biến chữ quốc ngữ la tinh, mỗi vị Giáo thọ sẽ có một viên thông ngôn phụ tá. Tuy nhiên chưa bắt buộc phải học chữ quốc ngữ ngay …

Tại xã thôn, việc học do các Thầy dạy học tiến hành vẫn được duy trì theo tập quán địa phương” [dẫn theo 32, tr.694].

Ban hành Nghị định này, Bonard hoàn toàn không có ý tổ chức một nền giáo dục mới ở Nam Kỳ. Ý định được thể hiện rất rõ ràng: hệ thống học quan (Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo) vẫn tồn tại và thực hiện chức trách giống như đã từng làm trước năm 1859; hệ thống khoa cử sẽ vẫn được tổ chức theo lệ định, giữ nguyên các học vị cử nhân, tú tài được tuyển chọn từ kỳ thi Hương dự định sẽ tổ chức vào năm sau (1864); tại các trường làng, các thầy đồ vẫn tiếp tục việc dạy học theo cách của họ, nhà cầm quyền Pháp sẽ không can thiệp. Chỉ một điểm mới duy nhất trong nội dung học tập là: phổ biến chữ quốc ngữ Latin. Nhưng ngay cả điều này cũng chỉ là một đề nghị, Bonard nêu rõ: “chưa bắt buộc phải học chữ quốc ngữ ngay …”. Cần lưu ý rằng, nội dung Nghị định không hề nhắc đến việc học chữ Pháp,

loại văn tự mà các Giáo sỹ rất mực đề cao trong sự nghiệp “đồng hóa”. Chính sách “phóng khoáng” của Bonard [xem 115, tr.178-188] - kết quả của dụng ý cai trị dựa trên phong tục, tập quán cũ trong điều kiện tình hình Nam Kỳ còn chưa ổn định - lại bị phản đối ngay trong chính nội bộ của đoàn quân viễn chinh, với những lo ngại về một tương lai “khôi phục lại trên đất Nam Kỳ những trường học hoàn toàn chống đối lại nền thống trị của chúng ta” và “một điều chắc chắn rằng những kỳ thi sẽ làm cho chúng ta hết sức lúng túng, vì với một thiểu số người Pháp không thể kiểm soát nổi việc học hành và xuất bản sách, và các thầy đồ sẽ lợi dụng cơ hội để quấy rối dân chúng và kích động họ chống lại chúng ta” [dẫn theo 9, tr.37]. Mong đợi một sự hợp tác giữa những sỹ phu yêu nước và kẻ xâm lược là điều không tưởng. Các nhà Nho vẫn thản nhiên tiến hành công việc của họ: dạy học, ủng hộ phong trào kháng chiến. Cuối cùng, Nghị định của Bonard, cùng với chủ trương cai trị gián tiếp do ông đề xướng, đã không thực hiện được. Sau năm 1861, các kỳ thi Nho học đã vĩnh viễn không còn được tổ chức trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

Nhìn nhận vấn đề giáo dục theo một chiều hướng khác với người tiền nhiệm nhưng lại phù hợp với xu hướng chung, Đô đốc De La Grandière nêu rõ: “Việc thay thế chữ Hán bằng chữ viết theo mẫu tự La Tinh, theo tôi, có lẽ là một trong các điều thích hợp nhất nhằm giáng một đòn chí tử trên tinh thần duy lý Trung Hoa cũ kỹ (…) việc phổ biến các mẫu tự La Tinh sẽ giải thoát chúng ta vĩnh viễn khỏi những kẻ nguy hiểm đó [nhà Nho] và sẽ làm cho quan hệ của chúng ta, với dân tộc ngoan ngoãn và dễ đồng hóa này, trở nên trực tiếp và chắc chắn hơn” [dẫn theo 115, tr.199]. Ngày 16/7/1864, Đô đốc De La Grandière ban hành Nghị định tổ chức một số trường tiểu học ở các tỉnh để dạy quốc ngữ và dạy toán. Sách giáo khoa được ấn hành, gồm: 1 cuốn về các mẫu chữ Quốc ngữ, 2 cuốn về số học và hình học sơ giản. Do chưa kịp biên soạn, học sinh tạm thời dùng tờ Nguyệt san Thuộc địa hoặc tờ Gia Định báo thay cho các sách tập đọc [9, tr.37]. Trong khi loại chữ Hán ra khỏi nội dung học tập tại các trường do người Pháp tổ chức, Nghị định vừa nêu cũng chưa xây dựng được một chương trình học và hệ thống tổ chức trường lớp hoàn chỉnh để thay thế Nho học, đảm đương vai trò giáo dục. Dù Đô đốc De La Grandière luôn có những biểu hiện quan tâm đến việc dạy học ở các trường vừa được thành lập nhưng dân chúng Nam Kỳ vẫn giữ thái độ cố hữu: bất hợp tác.

Như vậy, sau 5 năm đóng quân, nhà cầm quyền Pháp đã tổ chức được ở Nam Kỳ một số trường học theo kiểu mới, hoàn toàn khác với các trường Nho học: Loại thứ nhất là trường dạy tiếng Pháp cho một số người Việt và dạy tiếng Việt cho một số người Pháp

Xem tất cả 146 trang.

Ngày đăng: 09/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí