Chính Sách Cai Trị Của Thực Dân Pháp Ở Việt Nam: Từ “Đồng Hóa” Đến “Liên Hiệp”

Kiến Phúc đăng cơ; Đại bác quay hướng về tòa Khâm sứ; Các đoàn quân chí nguyện, gọi là “Đoàn kiệt”, được thành lập tại Huế; Phe chống Pháp, do Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cầm đầu, bí mật xây dựng, củng cố hệ thống sơn phòng, chuẩn bị kháng chiến lâu dài; Quan lại Bắc Kỳ, trừ Nguyễn Hữu Độ, không thừa nhận Hiệp ước; Dân chúng khẳng định: “Chúng tôi thuộc về Vương quốc Đại Nam” [dẫn theo 82, tr.340], và tiếp tục chiến đấu; Thiên triều Trung Hoa lên tiếng phản đối; Chính phủ Pháp không tán thành. Tất cả cho thấy cần phải có một sự thay đổi theo hướng, như tuyên bố của Thủ tướng Ferry, “Khôn ngoan là chỉ nên nghĩ đến một cuộc bảo hộ … Muốn giúp cho công cuộc kinh doanh của nước Pháp ở Đông Dương đạt hiệu quả tốt thì nước “Đại Nam” không thể là một cái hư không được” [dẫn theo 85, tr.333-334].

Đến Bắc Kỳ vào mùa xuân năm 1884, viện quân Pháp đã, với sự trợ giúp của cộng đồng Thiên Chúa giáo do các thừa sai đoàn ngũ hóa, mở cuộc tấn công trong Đồng bằng Bắc Bộ: Bắc Ninh, Hưng Hóa nối tiếp thất thủ. Đến lượt nhà Thanh, thông qua Hiệp ước Thiên Tân (5/1884), thừa nhận chế độ bảo hộ của Pháp ở Việt Nam và cam kết rút quân khỏi Bắc Kỳ. Trước những diễn biến vừa nêu, triều đình Huế chấp nhận bản dự thảo Hiệp ước do Patenôtre mang đến từ Paris. Lễ ký kết diễn ra ngày 6/6/1884, gồm 19 điều khoản, bản Hiệp ước xác định rõ vai trò “bảo hộ” của Pháp đối với Việt Nam, điểm khác biệt rõ nhất so với bản Hiệp ước đã ký gần 1 năm trước là: vùng cai quản của nhà Nguyễn được nới rộng ở hai đầu Trung Kỳ (từ Thanh Hóa đến Đèo Ngang ở phía Bắc và tỉnh Bình Thuận ở phía Nam).

Từ một cuộc viễn chinh có động cơ chủ yếu là tôn giáo, người Pháp, dưới tác động của giáo sỹ thừa sai và tham vọng thực dân, đã từng bước dấn sâu vào cuộc chinh chiến với rất nhiều khó khăn và chống đối từ phía chính giới Pháp (vì lo ngại gánh nặng ngân sách), từ phía triều đình và dân chúng Việt Nam (vì bảo vệ nền độc lập). Nhưng rồi, thực dân Pháp cũng đạt được điều mà không một người Việt Nam yêu nước nào muốn nghe đến: “Nước Annam công nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp” [xem 82, tr.624].

1.3. Chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam: từ “đồng hóa” đến “liên hiệp”‌

Tiếp sau những thắng lợi về quân sự, người Pháp đã tiến hành tổ chức việc cai trị vào tạo lập sự ổn định ở những vùng đất vừa được chinh phục. “Đồng hóa” (assimilation) và “liên hiệp” (assocation) là hai khuynh hướng chính chi phối chính sách cai trị của nhà cầm

quyền Pháp ở Việt Nam từ khi có được mảnh đất đứng chân ở Nam Kỳ (6/1862) đến khi bị Nhật đảo chính (3/1945). Cùng với chủ trương thiết lập nền hành chính, quan điểm về văn hóa - giáo dục của các vị Thống sứ, Toàn quyền là nơi phản ánh rõ quá trình chuyển đổi của hai khuynh hướng vừa nêu trong đường lối cai trị.

Khởi nguồn từ tư tưởng cổ điển và từ luật La Mã, lý tưởng đồng hóa đã ngự trị lâu đời trên đời sống chính trị nước Pháp “Quả thật người Pháp dễ dàng trong việc tiếp xúc với người bản xứ, đến với người đó, vui vẻ với người đó. Sự dễ dàng đó có gốc rễ từ sức mạnh đồng hóa, hoặc bẩm sinh, hoặc do lý giải, khiến người Pháp tự mình đến gần người bản xứ, không phải để bắt gặp hay hiểu biết tư tưởng của người đó, mà để áp đặt tư tưởng của mình trên người đó” [dẫn theo 115, tr.16]. “Đồng hóa” trở thành chính sách cai trị của thực dân Pháp trên các thuộc địa mà họ có được ở Châu Phi và Tân lục địa. Khi đến Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX, chính sách này vẫn không có nhiều thay đổi và được nhiệt tình thực hiện ở Nam Kỳ, rồi mở rộng dần ra các vùng đất còn lại bằng những biện pháp tinh tế, ẩn sau vẻ ngoài của thái độ tôn trọng nền văn minh bản địa.

Chasseloup-Laubat, ngay từ năm 1861, khi quân viễn chinh vừa làm chủ được Gia Định và thành Định Tường, đã xác định: Nam Kỳ sẽ không đơn thuần là một thuộc địa thế tục mà là một Đế quốc Gia Tô giáo và Pháp để “văn minh Gia Tô giáo có được trong vùng đất mới chiếm của chúng ta một cơ sở tuyệt vời, từ đó tỏa chiếu ra trên các vùng đất mà nhiều tập quán man rợ còn hiện hữu” [dẫn theo 115, tr.170-171]. Nhưng đối mặt với người Pháp không phải là một dân tộc ở trình độ bán khai sẵn sàng chấp nhận mọi sự áp đặt mà người Việt, từ rất lâu, đã tạo lập được những giá trị văn hóa vững bền. Do đó, Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa đã có những định hướng cho hành động của Bonard: tiến hành một cách khéo léo, bền bỉ và đừng áp chế một cách quá lộ liễu các phong tục và tín ngưỡng của dân chúng. Điều cốt yếu là trước mắt phải biết hòa giải các quyền lợi và hành động của tôn giáo mới với sự tôn trọng những thói quen của dân chúng [115, tr.176-177].

Tại Nam Kỳ, Bonard đã lĩnh hội đầy đủ và linh hoạt thực hiện chỉ thị của thượng cấp. Nhận thấy sức mạnh truyền thống của Nho giáo, sự vững chắc của chế độ quan lại và làng xã, quân Pháp đang trong tình trạng bị cô lập, Bonard cho rằng một chính sách tự do và tôn trọng các truyền thống của xứ này có vẻ thích hợp với tình hình hơn là một chính sách đồng hóa thái quá [115, tr.178]. Giữa lúc hỗn loạn, tìm kiếm đầy đủ nhân sự để kiến lập một nền hành chính trực trị là điều khó thực hiện: Quan lại triều đình hoặc vì cùng với nhân dân kháng chiến hoặc bị triệu hồi về Huế hoặc lo sợ đã từ bỏ nhiệm sở; lực lượng của người

Pháp tuy đủ khả năng để thay vào những khoảng trống đó nhưng số lượng quá ít, lại không biết bản ngữ; còn những người Việt chấp nhận cộng tác với Pháp thì không đủ trình độ và uy tín để tạo nên sự kính phục trong dân chúng. Giải pháp tốt nhất cho tình hình này, theo Bonard, là: “Cai trị bằng người bản xứ dưới sự kiểm soát của chúng ta” bởi “Nếu thay thế đột ngột từng vị trí nhỏ của nền hành chính An Nam bằng một số lớn sỹ quan mà phần đông không biết tiếng địa phương, không biết phong tục xứ sở, chúng ta sẽ tạo ra sự hỗn loạn vô chính phủ” [dẫn theo 115, tr.179]. Trong lĩnh vực giáo dục, Đô đốc chỉ huy chủ trương: duy trì nền giáo dục cũ như của triều đình Huế với hệ thống quan chức giáo dục (Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo) và các kỳ thi Hương, thi Hội theo thường lệ ba năm một lần [9, tr.36-37]. Những chính sách vừa nêu phản ánh đúng tinh thần “tôn trọng luật pháp và phong tục quốc gia của người An Nam” [dẫn theo 115, tr.180] nhưng điều kiện cần để chính sách được thực thi và phát huy hiệu quả trong thực tế là: sự hợp tác của quan lại và những nhà Nho. “Thế nhưng, người An Nam có học, thành phần ưu tú và trung thành với luật pháp và xứ sở của họ, chỉ có thể xem chúng ta như kẻ thù: tầng lớp có khả năng quản trị thì vắng mặt hoặc có ác cảm” [dẫn theo 115, tr.183-184]. Điều này đồng nghĩa với sự thất bại, Bonard phải quay về con đường cai trị trực tiếp và các đô đốc kế nhiệm ông đã thẳng tiến trên con đường này trong quá trình thiết lập chế độ thuộc địa ở Nam Kỳ. Cần lưu ý rằng, tuy chỉ là phương tiện để thực hiện chính sách “đồng hóa” trong hoàn cảnh tình hình Nam Kỳ còn nhiều bất ổn nhưng chủ trương tôn trọng nền văn minh bản xứ đã chi phối đến nền giáo dục Nam Kỳ: chữ Hán đã không bị vội vàng xóa bỏ để thay bằng mẫu tự Latin, theo đó, Nho học và Khổng giáo cũng không thể dễ dàng bị thay thế bằng giáo lý Gia Tô như tham vọng của các Thừa sai.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 146 trang tài liệu này.

Khuynh hướng đồng hóa tiếp tục chi phối đường lối cai trị của các Khâm sứ, Toàn quyền Pháp từ sau Hiệp ước Patenôtre (1884), ngoại trừ thời cầm quyền của Lanessan (1891-1894) với chính sách “bảo hộ thành thực và nhân từ” [dẫn theo 115, tr.526].

Được bổ nhiệm làm Tổng Khâm sứ tại Trung Kỳ và tại Bắc Kỳ, Paul Bert đến Việt Nam năm 1886, chủ trương tiến hành chính sách cai trị trực tiếp. Không thể thực hiện được ở Trung Kỳ vì sự tồn tại của triều đình Huế, vị Tổng Khâm sứ áp dụng chính sách này tại Bắc Kỳ. Bên cạnh việc thành lập “Viện Hàn lâm Bắc Kỳ” để chuẩn bị tuyển chọn viên chức thông qua các khoa thi Nho học; đặt chức Kinh Lược sứ để ngăn trở mối quan hệ giữa triều đình Huế và hệ thống quan lại, Paul Bert đã lập “Hội đồng Nhân sỹ Bắc Kỳ” mà thành viên chủ yếu là những nông dân nhân sỹ trong làng có nhiệm vụ chuyển đạt đến quan Tổng

Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862 - 1945 - 5

Khâm sứ “những nguyện vọng của dân chúng” [dẫn theo 115, tr.467]. Hoạt động của tổ chức này đã không như ý định của Paul Bert. Một mặt, “Hội đồng Nhân sỹ Bắc Kỳ” đã tạo ra những nghi ngại nơi quan lại về vai trò quản lý thật sự của họ; Mặt khác, Paul Bert đã không lưu ý rằng thành viên trong Hội đồng là những người nông dân yêu nước, do đó, không thể có được sự cộng tác hiệu quả giữa hai đối tượng thù nghịch nhau. Nguyên là Bộ trưởng Giáo dục, Paul Bert đã đề ra đường lối “chinh phục tinh thần” mềm dẻo hơn các vị Thống sứ Nam Kỳ: không phế bỏ chữ Hán, quan tâm việc dạy chữ quốc ngữ, khuyến khích các Nho sỹ học chữ Pháp, mở thêm các trường học, bảo trợ các trường tư [9, tr.57-58]. Khi sáng kiến “Hội đồng Nhân sỹ Bắc Kỳ” thất bại, Paul Bert đã dựa vào trường học để tìm kiếm “một đạo quân tông đồ”, dạy tiếng Pháp nhanh chóng và rộng rãi đến mức tối đa để chống lại “lũ người thù nghịch và vu cáo”. Lúc này, Paul Bert đã không ngần ngại tuyên bố “Không bao lâu nữa, chúng ta sẽ có trong dân chúng những gì chúng ta tìm kiếm, rất nhiều người phụ tá trung thành với chúng ta và không bị đồng bào của họ ngờ vực” [dẫn theo 115, tr.470-471].

Chính sách đồng hóa của Paul Bert được thực thi bằng những biện pháp khéo léo tạo cho người ta cảm giác, đúng như ý định của ông ta, rằng: Paul Bert tôn trọng hệ thống tổ chức bản xứ. Những người kế nhiệm ông đã không có được lòng kiên nhẫn, Richaud và sau đó là Paul Doumer đã cứng rắn thi hành chính sách trực trị.

5

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của Nho học ở Bắc Kỳ là nền giáo dục này nhận được từ Toàn quyền Lanessan một sự quan tâm “thành thực”4F . Muốn cai trị Bắc Kỳ bằng cách giữ nó trong nguyên trạng, với những phong tục, định chế, tôn giáo, tầng lớp lãnh đạo, sử dụng tối đa sức mạnh tinh thần và vật chất cổ truyền, quan Toàn quyền đã trả lại cho giới chức bản xứ một uy quyền và một trách nhiệm thật sự; đích thân khai mạc các kỳ thi Hương 3 năm một lần để tuyển chọn cử nhân và tú tài, “nhằm chứng tỏ cho thành phần có học và lãnh đạo bản xứ thấy rằng ngày nay chính quyền Pháp sẵn sàng không bít lối xuất thân làm quan của họ, trái lại còn muốn tìm nơi họ những phụ tá thông minh nhất và trung thành nhất” [dẫn theo 115, tr.533]. Nhận được thiện cảm của triều đình Huế và sỹ tử Bắc Kỳ nhưng lại gặp phải sự chống đối của giới quân sự cao cấp và các cộng sự thân cận, 3/1894, Lanessan bị triệu hồi về Pháp, thay bằng Paul Doumer với sự trở lại của chính sách áp chế.



5 Từ được Cao Huy Thuần trích dẫn để chỉ chính sách đô hộ của Toàn quyền Lanessan (1891-1894) ở Bắc và Trung Kỳ [xem 115, tr.526].

Raymond Betts định nghĩa đồng hóa là “thông qua việc cải tạo các thiết chế ở các thuộc địa theo đúng mô hình của nước Pháp chính quốc, [đồng hóa] sẽ dần dần xóa bỏ khoảng cách giữa các bộ phận khác nhau trên lãnh thổ Pháp và cuối cùng tạo nên một liên hiệp áp dụng một luật lệ chung” [dẫn theo 43, tr.27-28]. Thực hiện chính sách đồng hóa, người Pháp muốn xóa bỏ nền văn hóa bản địa bằng các phương tiện như tôn giáo, văn tự, giáo dục … nhằm tạo lập sự ổn định của nền cai trị thuộc địa, bởi lẽ, khi những giá trị văn hóa dân tộc không còn nữa thì dân chúng sẽ mất đi động lực chiến đấu và thế hệ trẻ, lớn lên trong môi trường giáo dục Pháp, sẽ trở thành những người thành thật phụng sự nền “bảo hộ”. Tuy nhiên, do tác động của những điều kiện khách quan, chính sách đồng hóa không phải lúc nào cũng được thực hiện bằng những biện pháp cứng rắn, đôi khi, quan chức thực dân vẫn có thái độ mềm mỏng và sử dụng những biện pháp khéo léo. Đầu thế kỷ XX, một lần nữa, do sự tác động của các nhân tố đến từ bên ngoài, mà nhà cầm quyền Pháp đã có một bước chuyển trong chính sách cai trị: từ khuynh hướng đồng hóa sang khuynh hướng liên hiệp.

“Bây giờ phải thay thế chính sách thống trị bởi một chính sách liên hiệp” [dẫn theo 8, tr.150]. Toàn quyền Paul Beau đã tuyên bố như vậy ngày 28/5/1905. Tiếp tục chính sách đồng hóa đã không còn là một khuynh hướng hợp thời và cần được thay đổi.

Sau một thời gian dài bị ràng buộc trong tín điều Nho học và bị vây kín bởi thành lũy của nền quân chủ, châu Á đã thức tỉnh: Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu khởi xướng cuộc Duy tân (1898), Nhật Bản giành thắng lợi trước hải quân Nga (1905), Cách mạng Cộng hòa ở Trung Hoa (1911) … Một bộ phận sỹ phu Việt Nam đã ngẩng cao đầu đón nhận những diễn biến vừa nêu với tất cả niềm hân hoan và tràn đầy hy vọng. Từ Trung Hoa, Nhật Bản, các tác phẩm của Montesquieu, Voltaire, J.J. Rousseau được chuyển sang Hán ngữ và truyền vào Việt Nam, mở ra một trào lưu tư tưởng mới. Các nhà Nho lên án chế độ khoa cử, thẳng thừng tuyên bố: “Bất phế Hán tự, bất túc dĩ cứu Nam quốc”, tự nguyện học chữ quốc ngữ, phát động phong trào Duy tân … Tầng lớp thượng lưu bản xứ ngày càng tỏ rõ cảm tình và sự ủng hộ đối với các hoạt động của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh … Trong khi đó, chính sách cai trị đồng hóa chỉ mang đến cho người Pháp một sự cô lập đáng sợ, như lời của Tổng Khâm sứ Chavassieux: “Số người chúng ta quá nhỏ giữa khối dân bản xứ quá mênh mông. Văn minh và tôn giáo chúng ta không tương cận với văn minh và tôn giáo của họ; tất cả đều ngăn cách chúng ta, và truyền thống của quá khứ cũng như nền giáo dục dân tộc đã dựng lên trước mặt chúng ta một bức tường nghìn đời, không sao vượt qua được” [dẫn theo

115, tr.563-564], và mang đến cho người Việt một thái độ bất mãn. Trước tình hình này, chính sách hợp tác trở thành châm ngôn trong các chỉ thị, các diễn văn, các tuyên bố chính thức của những người trách nhiệm về chính sách thuộc địa ở Đông Dương [115, tr.572]. Bên cạnh một số điều chỉnh trong lĩnh vực hành chính, chính sách liên hiệp được thể hiện qua thái độ của nhà cầm quyền đối với các giá trị văn hóa bản xứ. Paul Beau (1902-1907) đưa việc dạy chữ Nho vào lại trong chương trình học của các trường tổng, trường làng; cải tổ nền học chánh tiểu và trung học trong chiều hướng làm tiến gần nền giáo dục cổ truyền và nền giáo dục Pháp - Nam, tuyển dụng các nhà Nho vào dạy học, lập Đại học Đông Dương [115, tr.568-569]; Klobukowski xác định: “Tôi sẽ đích thân chăm sóc việc tôn trọng những nghi lễ, tập quán, truyền thống dân tộc của các người, việc bảo tồn những quyền lợi cá nhân, dù là của các quan, các nho sĩ, hay dân chúng ở thành thị cũng như nông thôn, việc thiết lập giữa các quan chức cao cấp Pháp và bản xứ các mối quan hệ thân hữu dựa trên tình cảm kính nể và tôn trọng lẫn nhau” [dẫn theo 115, tr.572].

6

Năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công, đã hiện thực hóa nỗi “ám ảnh” của châu Âu5F bằng một mô hình nhà nước kiểu mới được xây dựng dựa trên các nguyên lý của Chủ nghĩa Cộng sản, tỏa ánh sáng đến các nước thuộc địa phương Đông đang khát khao độc lập. Xã hội Việt Nam, sau thế chiến thứ nhất (1914-1918), tiếp tục diễn ra những biến đổi sâu sắc: cùng với các chỉ dụ hủy bỏ các kỳ thi Nho học ở Bắc Kỳ (1915) và ở Trung Kỳ (1919), ưu thế của tầng lớp sỹ phu đã từng bước lùi vào quá khứ nhường chỗ cho trí thức Tây học; thế hệ trẻ ngày càng hấp thụ những tư tưởng mới, thói quen mới, giá trị đạo đức mới đến từ phương Tây và “ngạc nhiên thấy rằng nước Pháp, hô hào trên toàn thế giới tư tưởng huynh đệ, tự do, lại quên mất, chẳng hề áp dụng tư tưởng đó tại nước họ …” [dẫn theo 115, tr.591]; Nhật Bản, Trung Hoa và nước Nga Xô viết trở thành những điểm sáng đầy hấp dẫn thu hút sự quan tâm của những tấc lòng yêu nước để từ đó, phong trào dân tộc Việt Nam tiếp tục phát triển. Albert Sarraut đã dựa vào giáo dục để cứu vãn tình hình “Cải tổ giáo dục là một trong các phương tiện hữu hiệu nằm trong tay chúng ta để mở rộng ảnh hưởng của chúng ta tại xứ này và giải thoát dân chúng khỏi tình trạng gần như nô lệ trí thức và tinh thần đối với Trung Quốc. Chỉ có cách phát triển việc dạy chữ Pháp và chữ An Nam và hạn chế chặt chẽ văn hóa cổ truyền, chúng ta mới có thể thiết lập vững vàng uy quyền chúng ta tại đây và làm chủ số phận xứ này” [dẫn theo 115, tr.580]. Những giá trị văn hóa truyền thống được nhà cầm quyền Pháp sử dụng như là phương tiện hữu hiệu nhất để chận


6 Từ dùng của Karl Marx - Friedrich Engels trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố năm 1848.

đứng sự du nhập, kiểm soát sự phát triển của những tư tưởng mới, kìm hãm cách mạng của trí thức trẻ [xem 115, tr.465,591].

Từ cuối thế chiến thứ nhất (1914-1918), chính sách đồng hóa bị chính sách liên hiệp đánh bại. Nhưng sự tranh đấu này chỉ dừng lại trên lý thuyết, bởi lẽ, chính sách liên hiệp được thi hành không phải phát xuất từ thái độ thành thật tôn trọng nền văn hóa bản xứ mà do sự tác động của hoàn cảnh, nhà cầm quyền Pháp nhận thấy những lời tán dương văn hóa Khổng giáo và hô hào hợp tác giữa hai nền văn minh Đông - Tây có khả năng quyến rũ tầng lớp thượng lưu bản xứ đang có xu hướng ngã theo các phong trào dân tộc [115, tr.591]; còn đối với thế hệ trẻ, thà để họ lẩn quẩn trong các định chế truyền thống còn hơn là để lực lượng này tiếp thu những tư tưởng cách mạng đầy nguy hiểm từ bên ngoài. Như vậy, “đồng hóa” hay “liên hiệp” chỉ là sự thay đổi về từ ngữ cho phù hợp với hoàn cảnh, nền tảng của quan niệm về thuộc địa của Pháp vẫn giữ nguyên như thuở ban đầu, theo Raymond Betts, “Nói thực thì nhiều người trong bộ máy thực dân thời kỳ này cho rằng chính sách hợp tác chỉ là một vỏ bọc mỏng manh che đậy cho các âm mưu đồng hóa” [dẫn theo 43, tr.30].

Chịu sự chi phối của khuynh hướng cai trị, chính sách văn hóa - giáo dục cũng nhiều lần được điều chỉnh: các giá trị văn hóa truyền thống từ chỗ là đối tượng nhất quyết phải triệt hạ để “đưa một dân tộc vĩnh viễn thuộc về nước Pháp” [dẫn theo 115, tr.195] đã có được chỗ đứng, tuy còn hạn chế, trong chương trình học phổ thông.

Nhu cầu truyền giáo - mục đích kinh tế - tham vọng thực dân đã quyện chặt vào nhau để cùng đi đến một hành động: xâm lược Việt Nam. Ưu thế quân sự, sĩ diện và bản tính phiêu lưu của người lính viễn chinh cùng với viễn tượng về một xứ thuộc địa giàu có ở Viễn Đông đã chiến thắng tất cả: thái độ do dự của chính giới Pháp, nỗ lực ngoại giao của triều đình Huế, sự kiên cường chiến đấu của quân đội và dân chúng Đại Nam. Văn hóa phương Tây đã du nhập vào xã hội Việt Nam truyền thống cùng với giáo sỹ thừa sai và đoàn quân xâm lược. Giáo sỹ thừa sai đã mang đến cho dân chúng niềm tin về sự cứu rỗi của Thiên Chúa và sự ngạc nhiên đối với vật phẩm Tây dương. Đoàn quân xâm lược thì phô diễn trước mắt của người lính và thành lũy An Nam sức mạnh của đại bác, tàu đồng so với cung tên, giáo mác. Sau khi giành thắng lợi trên chiến trường, “người Pháp tự mình đến gần người bản xứ, không phải để bắt gặp hay hiểu biết tư tưởng của người đó, mà để áp đặt tư tưởng của mình trên người đó” [dẫn theo 115, tr.16]. Nhưng người Việt Nam đã không còn ở trong tình trạng bán khai để lặng thinh chấp nhận sự đồng hóa. Dân chúng, mà trước hết là tầng lớp trí thức, cả Nho học lẫn Tây học, đã lên tiếng phản kháng hay một cách ôn hòa hơn,

họ chống lại bằng thái độ bất hợp tác. Để thoát khỏi tình cảnh bị cô lập, để chinh phục trái tim của tầng lớp thượng lưu bản xứ, nhà cầm quyền Pháp đã thay từ “đồng hóa” (assimilation) trong chính sách cai trị bằng một từ mới rất hợp thời: liên hiệp (assocation). Con đường dẫn đến quan hệ văn hóa Pháp - Việt được xây đắp bằng những toan tính, bằng hành động xâm lược, bằng sự thiết lập nền cai trị thực dân. Do vậy, văn hóa phương Tây đã phải nhận lãnh thái độ cự tuyệt của dân chúng và khi được chấp nhận thì những giá trị văn hóa này đã mang trong mình yếu tố bản xứ. Quá trình thiết lập nền giáo dục Pháp ở Việt Nam sẽ chứng thực hiện tượng vừa nêu.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/09/2023