BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Hồ Thanh Tâm
YẾU TỐ PHÁP - VIỆT TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM
THỜI KỲ 1862 - 1945
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
Có thể bạn quan tâm!
- Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862 - 1945 - 2
- Con Đường Dẫn Đến Quan Hệ Văn Hóa Pháp - Việt
- Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862 - 1945 - 4
Xem toàn bộ 146 trang tài liệu này.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Hồ Thanh Tâm
YẾU TỐ PHÁP - VIỆT TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM
THỜI KỲ 1862 - 1945
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 66 22 02 13
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. TRẦN THỊ THANH THANH
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn này là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả, số liệu nêu trong Luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
LỜI CẢM ƠN
Chúng tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến:
Quý Thầy Cô Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình học tập, chúng tôi đã nhận được từ quý Thầy Cô những hướng dẫn tận tình trong nghiên cứu khoa học Lịch sử, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ... Quý Thầy Cô là những hình mẫu về tinh thần nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học và tận tâm trong giảng dạy.
TS. Trần Thị Thanh Thanh, người hướng dẫn khoa học. Trong quá trình thực hiện Luận văn tốt nghiệp, chúng tôi đã nhận được từ Cô sự động viên tinh thần, sự hướng dẫn tận tình, cẩn trọng và tinh thần nghiêm túc, trung thực trong nghiên cứu khoa học. Qua đó, chúng tôi đã tìm được hướng nghiên cứu chuyên sâu trong khoa học Lịch sử.
TS. Lê Vinh Quốc, người đã trao cho chúng tôi tình yêu khoa học và kiến lập nền tảng vững chắc để chúng tôi tiến bước trên con đường nghiên cứu khoa học. Trong quá trình thực hiện Luận văn tốt nghiệp, chúng tôi đã nhận được từ Thầy sự động viên tinh thần, hỗ trợ về tài liệu cùng những chỉ dẫn quý báu. Các thế hệ học trò sẽ nối tiếp nhau kế thừa để sự nghiệp của Thầy tồn tại mãi cùng với sự tiến lên của nền giáo dục đất nước.
Tất cả các bạn học viên cao học chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh, Mùa thu 2013
HỒ THANH TÂM
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN 1
LỜI CẢM ƠN 2
MỤC LỤC 3
MỞ ĐẦU 5
1. Lý do chọn đề tài 5
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 6
3. Phương pháp nghiên cứu 8
4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 9
5. Đóng góp mới của luận văn 15
6. Nguồn tư liệu 15
7. Cấu trúc của luận văn 16
CHƯƠNG 1: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN QUAN HỆ VĂN HÓA PHÁP - VIỆT 18
1.1. Đạo Thiên chúa - “Cửa ngõ” du nhập văn hóa phương Tây 18
1.2. Quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858-1884) 22
1.3. Chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam: từ “đồng hóa” đến “liên hiệp” 31
CHƯƠNG 2: YẾU TỐ PHÁP - VIỆT TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM THỜI KỲ 1862-1945 39
2.1. Vấn đề cải cách giáo dục trong thời Nguyễn (1802-1884) 39
2.1.1. Nho học thời Nguyễn: “Phải lưu ý cải cách đi thì hơn” 39
2.1.2. Nguyễn Trường Tộ: “Sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng” [xem 14, tr.288] 43
2.2. Quá trình xác lập nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1862-1886) 47
2.2.1. Mục đích của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ 47
2.2.2. Tranh luận về đường lối giáo dục 49
2.2.3. Những thay đổi về chương trình học và tổ chức giáo dục 52
2.2.4. Kết quả của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1862-1886) 61
2.3. Quá trình chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam: từ Nho học sang Tây học (1886- 1945) 64
2.3.1. Khởi sự nền giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ 64
2.3.2. Song hành tồn tại: giáo dục Nho học và giáo dục Pháp - Việt 67
2.3.3. Xác lập nền giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam 75
2.3.4. Một vài điều chỉnh của Merlin và Varenne 80
2.4. Quan niệm mới về giáo dục của các sỹ phu Nho học (đầu thế kỷ XX) 83
CHƯƠNG 3: LĨNH VỰC CẢI CÁCH GIÁO DỤC - MỘT BIỂU HIỆN CỦA SỰ TƯƠNG TÁC VĂN HÓA PHÁP - VIỆT 89
3.1. Văn hóa phương Tây - Cơ sở hình thành ý tưởng cải cách giáo dục 89
3.2. Phương thức “tiếp nhận Việt Nam” trong lĩnh vực cải cách giáo dục 92
3.3. Vai trò của chế độ thực dân Pháp trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục 97
KẾT LUẬN 101
TÀI LIỆU THAM KHẢO 107
PHỤ LỤC 118
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đến thế kỷ XIX, ngày càng nhiều những đoàn thuyền viễn dương từ Tây Âu, Bắc Mỹ cập vào bến bờ của các quốc gia quân chủ phương Đông để xin truyền đạo và thông thương. Khi thánh giá và lời yêu cầu buôn bán bị chối từ thì mỹ từ “khai hóa” và thực tế của “ngoại giao pháo hạm” được các đoàn quân viễn chinh sử dụng để mở toang các cửa biển, thiết lập nền thống trị thực dân. Đức tin Thiên Chúa và chiến tranh xâm lược đi cùng một con thuyền và cùng một ngọn nước với nhau, đã mở đường cho những thành tố của văn hóa phương Tây đến với xã hội Việt Nam truyền thống: tổ chức hành chính, hoạt động kinh tế, nghệ thuật kiến trúc, giáo dục ...
Trong sự biến chuyển chung của tình hình đất nước thời thực dân xâm lược và đô hộ, nền giáo dục Việt Nam đã diễn ra những thay đổi mang tính cơ bản. Không còn vẻ huy hoàng trong quá khứ, nền Nho học thời Nguyễn đã trở nên lỗi thời về nội dung và phương pháp, trở thành lực cản của sự phát triển xã hội. Nhận thấy sự xa rời thực tế của lối học cử nghiệp, vua Minh Mệnh (1820-1840), vua Tự Đức (1848-1883) và nhiều sỹ phu đã từng có những ý tưởng, kiến nghị chấn chỉnh lại việc học hành, thi cử, hướng nội dung giáo dục vào những vấn đề “thời vụ”, “thực điển”. Sau đó, phát xuất từ yêu cầu của việc cai trị và những nhận thức khác nhau về tình hình Việt Nam, các đô đốc, toàn quyền Pháp đã có những chủ trương khác nhau trong việc tổ chức nền học vấn mới ở Việt Nam. Quá trình chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam từ Nho học sang Tây học (1862-1945), thông qua những lần cải cách, điều chỉnh giáo dục, đã phản ánh sự tương tác giữa yếu tố văn hóa Pháp và yếu tố văn hóa Việt để dẫn đến sự hiện diện của “yếu tố Pháp - Việt” trong chính sách giáo dục của nhà cầm quyền. Đây là một góc nhìn của việc góp phần đánh giá thỏa đáng hơn về nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ.
Trong chương trình lịch sử Trung học Phổ thông của nhà trường chúng ta hiện nay, chính sách văn hóa - giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam là một nội dung quan trọng. Tuy nhiên, sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 (Ban cơ bản) chỉ đề cập đến nền giáo dục Pháp - Việt bằng thông tin ngắn gọn “Văn hóa - giáo dục cũng có những thay đổi. Hệ thống giáo dục Pháp - Việt được mở rộng gồm các cấp tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học” [67,
tr.77]. Trong trường hợp này, ngôn từ cô đọng có lẽ đã không đạt được sự thỏa đáng trong nhận thức quá khứ của người dạy - người học, cũng như không đủ cơ sở chứng minh cho nhận định tiếp sau đó: “Các yếu tố văn hóa truyền thống, văn hóa mới tiến bộ và văn hóa nô dịch cùng tồn tại đan xen đấu tranh với nhau” [67, tr.77]. Thông tin ngắn gọn trong sách này cũng khó lý giải được thuyết phục chủ trương đoàn kết tầng lớp trí thức của Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ đấu tranh cách mạng: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức
… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp” [48, tr.3].
Tìm hiểu lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945 từ góc nhìn tương tác văn hóa, luận văn muốn khắc họa sâu sắc hơn quá trình giao lưu văn hóa Pháp - Việt, vai trò quan hệ của nền giáo dục Việt Nam với yếu tố văn hóa ngoại lai đi cùng với nền cai trị của chủ nghĩa thực dân; nêu tác động của nền giáo dục Pháp - Việt đến văn hóa - xã hội Việt Nam; đồng thời có thêm tư liệu, luận chứng để tán đồng hay phản biện những quan điểm nhìn nhận về chính sách giáo dục của triều Nguyễn, chính quyền thực dân Pháp và phục vụ cho việc dạy học bộ môn Lịch sử ở trường Phổ thông.
Đề tài “Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945” được tìm hiểu nhằm góp phần đáp ứng những yêu cầu của khoa học và thực tiễn vừa nêu.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
1
Thuật ngữ “yếu tố Pháp - Việt” và “lĩnh vực cải cách giáo dục” trong tên đề tài cần được giải thích để làm rõ nội dung và phạm vi nghiên cứu của luận văn0F .
“Yếu tố” là “thành phần, bộ phận tạo thành sự vật, sự việc, hiện tượng” [138, tr.1889]. “Yếu tố Pháp - Việt” được diễn đạt rõ hơn là: yếu tố văn hóa Pháp và yếu tố văn hóa Việt; dấu gạch nối (“ - ”) dùng để chỉ mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố thuộc hai nền văn hóa này, trong đó có giáo dục. Mô hình giáo dục phương Tây (gồm chương trình học chứa đựng nội dung khoa học, tri thức nghề nghiệp và hệ thống tổ chức được phân chia thành các bậc học, cấp học, môn học) trong đề nghị cải cách giáo dục của các sỹ phu thời Nguyễn và trong chủ trương cải cách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp khi áp dụng vào thực tế đã gặp phải sự kháng cự của văn hóa Việt thể hiện qua thái độ nghi kỵ của triều đình và thái độ bất hợp tác của dân chúng đối với các trường học do chính quyền thực dân tổ
1 Khi trình bày nội dung này, chúng tôi có tham khảo Trần Thị Thanh Thanh (2012), Hỏi và đáp về nền giáo dục Nam Bộ thời kỳ 1867-1945, Báo cáo tổng kết Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh [xem 106, tr.9-10,12-14]