Để tránh được những tình trạng kể trên, bài toán đặt ra cho doanh nghiệp là cần phải có nhận thức đúng về tình hình VHDN hiện tại của các công ty du lịch để xây dựng được một nền văn hoá phù hợp và phát triển nó xuyên suốt trong tổ chức. Vậy nên, đề tài “Xây dựng và phát triển VHDN của các Công ty du lịch Việt Nam” có ý nghĩa rất thiết thực cả về lý luận và thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu
2.1. Nghiên cứu về văn hóa doanh nghiệp
Về nội dung của văn hóa doanh nghiệp
Trên thế giới hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu khác nhau về VHDN. Do đó, có rất nhiều cách tiếp cận khác để định nghĩa VHDN, chẳng hạn như của Hofstede (1991), Trice & Beyer (1993), Schultz (1995), Deal & Kennedy (1999), Cameron & Quinn (1999), Ashkanasy, Wilderom & Peterson (2000), Martin (2002)… Gần đây cũng có các tác giả cũng đưa ra cách định nghĩa của mình về VHDN như Porter và cộng sự (2016), Robbins và Judge (2018), Rooji và Fine (2018), Tahir và cộng sự (2019),… Mỗi cách tiếp cận trên đều mang những đặc trưng riêng để định nghĩa, giải thích khái niệm VHDN, nhưng đó đều là một dấu hiệu tốt về việc nhìn nhận VHDN như một phạm trù, khái niệm khoa học. Denison một tác giả có nhiều công trình nghiên cứu về đề tài này, cũng đã chỉ ra cách nhìn nhận về nội hàm của VHDN và các yếu tố cần quan tâm khi nghiên cứu về VHDN trong các công trình Denison (1990), Fey và Denison (2003), Denison và cộng sự (2003), Denison và cộng sự (2014),… Nhà nghiên cứu Schein (Organizational Culture and Leadership, 2004), một tác giả chuyên nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa tổ chức và VHDN đã phân tích các vấn đề chung liên quan đến VHDN và mối quan hệ của chúng với sự lãnh đạo trong cuốn “VHDN và sự lãnh đạo”. Ngoài ra, còn có rất nhiều các nghiên cứu khác về VHDN như “Chinh phục các làn sóng văn hóa” của tác giả Trompenaars (1980), Các nghiên cứu về khác biệt văn hóa ở phạm vi quốc tế như “Năm chiều văn hóa” của Hofstede (2010).
Ở Việt Nam, vấn đề VHDN cũng ngày càng được quan tâm. Tác giả Nguyễn Mạnh Quân (2012) đã viết cuốn giáo trình “Đạo đức Kinh doanh và Văn hóa Công ty”, cung cấp những lý thuyết, triết lý về đạo đức kinh doanh, cũng như một số lý thuyết về xây dựng bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Tác giả Đỗ Thị Phi Hoài (2009), tác giả Nguyễn Đức Chinh (2015) với công trình nghiên cứu có tên “Văn
hóa doanh nghiệp”, đã đưa ra các lý thuyết về VHDN bao gồm khái niệm, các cấp độ VHDN, tác động của VHDN đến hoạt động kinh doanh. Tác giả Dương Thị Liễu (2012) là chủ biên cuốn giáo trình “Văn hoá kinh doanh”, kế thừa các công trình nghiên cứu trước đây, cung cấp những lý thuyết khái quát về văn hóa kinh doanh và những kỹ năng cần thiết để tổ chức ứng dụng và phát triển các kiến thức về văn hóa kinh doanh trong hoạt động kinh tế, kinh doanh... Trong bài báo khoa học có nhan đề “Đánh giá VHDN trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam” đăng tại Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc Gia Hà Nội, tác giả Đỗ Tiến Long (2015) đã đưa ra một nghiên cứu điển hình về đánh giá văn hóa tại doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.
Đây chính là những nghiên cứu nền tảng để tác giả có thể học hỏi, kế thừa và tổng hợp một khái niệm tổng quát về VHDN trong luận án. Luận án sẽ kế thừa các nghiên cứu này để tổng hợp các nội dung của VHDN và từ đó nghiên cứu thực VHDN mà các công ty du lịch Việt Nam đã xây dựng và phát triển được ra sao. Các nội dung chi tiết sẽ được trình bày trong chương 2 của luận án.
Có thể bạn quan tâm!
- Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp của các Công ty Du lịch Việt Nam - 1
- Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp của các Công ty Du lịch Việt Nam - 2
- Cơ Sở Lý Luận Về Xây Dựng Và Phát Triển Văn Hóa Doanh Nghiệp Chương 2: Giả Thuyết Nghiên Cứu Và Phương Pháp Nghiên Cứu
- Các Yếu Tố Cấu Thành Văn Hóa Doanh Nghiệp
- Mô Hình Văn Hóa Doanh Nghiệp Của Geert Hofstede
Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.
Về cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp
Khi nói về cấu trúc của VHDN và xem xét các nghiên cứu lý thuyết về cấp độ của VHDN, có ba lý thuyết chính đó là mô hình tảng băng của Hall (1976), mô hình của Schein (1985, 2010) và mô hình của Hofstede (1991, 2010). Mô hình tảng băng được xây dựng dựa trên mô hình tảng băng văn hoá xã hội của Hall (1976), xác định VHDN gồm 2 phần nổi và chìm giống như tảng băng – hay chính là yếu tố hữu hình và yếu tố vô hình. Mô hình các cấp độ của VHDN được Schein đưa ra trong cuốn sách có tên là “Tái cơ cấu văn hoá tổ chức”. Schein (2010) đã chia các yếu tố của VHDN thành 3 nhóm: (1) nhóm những giá trị văn hóa hữu hình, (2) những giá trị được công bố và (3) nhóm các giá trị ngầm định. Sau đó, Hogan và Coote (2014) cũng có nghiên cứu của mình để sử dụng và đánh giá độ tin cậy của mô hình này. Cùng thời gian Schein đưa ra mô hình 3 cấp độ VHDN thì Hofstede (2010) đưa ra mô hình gồm 4 lớp theo thứ tự từ ngoài vào trong là Biểu tượng – Người hùng – Nghi thức – Các giá trị. Nhìn chung, các mô hình đều có những điểm chung là VHDN bao gồm cả các yếu tố hữu hình và vô hình.
Về các phương pháp đo lường, đánh giá văn hóa doanh nghiệp
Schein (1989) đã đề ra một mô hình tương tác - phương pháp phỏng vấn gồm 10 bước được gọi là “Khám phá phối hợp thông qua phỏng vấn tương tác”. Sau
phỏng vấn, ông cũng đưa ra cách phân tích dữ liệu thu thập được về các quan điểm ngầm định, giá trị nền tảng của VHDN được đánh giá trên 5 phương diện: (1) Quan hệ của tổ chức đến bản chất, (2) Bản chất của thực tế và sự tin tưởng, nền tảng cho việc ra quyết định, (3) Bản chất của con người, (4) Bản chất của hành động con người, (5) Bản chất mối quan hệ con người.
Với phương pháp nghiên cứu sử dụng bảng hỏi có các câu hỏi được đánh giá theo mức độ, có hai phương pháp được sử dụng phổ biến là phương pháp OCI (Organizational Culture Inventory) của Cooke & Lafferty (1987), mô hình DOC (Denison Organizational Culture) của Denison (1990), O‟Reilly, Chatman và Caldwell (1991) cũng đưa ra phương pháp OCP (Organizational Culture Profile. Phương pháp này dựa trên bảng câu hỏi gồm 54 câu khẳng định nằm nhận định các giá trị và đặc điểm của một tổ chức. Người tham gia phỏng vấn sẽ được yêu cầu trả lời dựa trên một thang điểm cụ thể. Theo phương pháp này, VHDN được chia thành 7 phương diện: Đổi mới, Ổn định, Tôn trọng cá nhân, Định hướng kết quả, Định hướng chi tiết, Định hướng nhóm và Tính cạnh tranh. Phương pháp OCI là một công cụ phân tích và đánh giá VHDN định lượng cho phép lượng hoá các giá trị VHDN một cách rõ ràng, được xây dựng và phát triển bởi Cooke và Lafferty (1987). Mô hình VHDN của Denison được Bảng hỏi sử dụng khi áp dụng mô hình VHDN của Denison sẽ gồm 12 khía cạnh, 12 khía cạnh này tương ứng được xếp vào 4 nhóm chính là Sứ mệnh, Khả năng thích ứng, Sự tham gia, Tính nhất quán. Trong luận án này, tác giả sẽ sử dụng mô hình của Denison (1990) đề nghiên cứu và đánh giá VHDN của các công ty du lịch Việt Nam vì tính phổ biến, tin cậy của mô hình này.
2.2. Nghiên cứu về xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp
Về nội dung của xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp
Nhìn chung, xây dựng và phát triển VHDN là một quá trình xác định các giá trị của doanh nghiệp và chia sẻ rộng rãi để lan tỏa các giá trị đó đến các thành viên trong doanh nghiệp. Hai từ này thường đi song hành với nhau bởi vì khi doanh nghiệp đã xây dựng nền văn hóa của mình thì sẽ chia sẻ, lan tỏa và củng cố nền văn hóa này để nó ngày càng mạnh và có ảnh hưởng đến các thành viên trong doanh nghiệp. Đã có một số nghiên cứu về vấn đề này như: Denison (1990), Kotter & Heskett (1992), Gordon & DiTomaso (1992), Fey & Denison (2003), Denison và cộng sự (2014). Hay khi nói về các bước để xây dựng và phát triển VHDN, các tác
giả Gostick và Elton (2015) cũng đã có công trình nghiên cứu “Xây dựng VHDN, 7 bước dẫn đến thành công” của. Tại Việt Nam, cuốn sách “Đạo đức kinh doanh và VHDN” của Bùi Xuân Phong (2006) trình bày khái niệm, đặc điểm, biểu hiện của VHDN, các nhân tố tạo lập VHDN; nguyên tắc xây dựng VHDN… Ngoài ra, công trình cũng trình bày văn hóa trong các hoạt động kinh doanh như hoạt động marketing, văn hóa trong ứng xử, trong đàm phán và thương lượng… Các nghiên cứu này đã chỉ ra các nền tảng cơ bản của việc xây dựng và phát triển VHDN.
VHDN cũng như việc xây dựng và phát triển VHDN đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên một nền văn hóa mạnh và phù hợp cho doanh nghiệp. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra tầm quan trọng của VHDN với kết quả hoạt động của doanh nghiệp như các nghiên cứu (Gordon, 1985; Schein, 1985; Barney, 1986; Denison, 1990, Calori & Samil, 1991; Kotter & Heskett, 1992; Gordon & DiTomaso, 1992; Denison & Neale, 1996). Các tác giả Sadri & Lees (2001) cũng đã chỉ ra sự cần thiết phải phát triển VHDN thông qua việc nghiên cứu các trường hợp của Wal-mart, Southwest Ailines và HP. Xây dựng và phát triển một nền văn hóa mạnh có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của tổ chức (Fey & Denison, 2003; Schein, 2010). Các nhà lãnh đạo sẽ phát triển văn hóa của doanh nghiệp mình để từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. (Flamholtz & Randle, 2011; O‟Reilly và Chatman, 1991). Đặc biệt, Denison & Neale (1996) đã chỉ ra tác động của các khía cạnh của VHDN có thể tác động đến các tiêu chí trong hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn phát triển khía cạnh nào của VHDN (sứ mệnh, sự tham gia của nhân viên, khả năng thích ứng, sự nhất quán) để có thể tăng hiệu quả hoạt động của mình. Để cải thiện và phát triển các khía cạnh này của VHDN, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ của quản trị nguồn nhân lực để phát triển VHDN của mình: tuyển mộ và tuyển chọn nhân viên, đào tạo và phát triển, đánh giá thành tích, khen thưởng và đãi ngộ, hệ thống giao tiếp trong doanh nghiệp để qua đó chia sẻ, lan tỏa, và củng cố các giá trị của VHDN tới các thành viên (Guest, 1987; Keyton, 2005).
Tại Việt Nam, tác giả Bùi Xuân Phong (2010) có công bố một số đề tài nghiên cứu như: “Duy trì và phát triển VHDN nhằm phát triển bền vững và hội nhập quốc tế VNPT” (3/2010); “Bàn về quy trình xây dựng VHDN” (4/2010); “Duy trì và phát
triển VHDN nhằm phát triển VNPT bền vững và hội nhập quốc tế” (6/2010). Những đề tài này đã vận dụng lý thuyết về VHDN cho doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là VNPT, qua đánh giá thực trạng đề ra định hướng giải pháp giúp VNPT hướng tới sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cũng có một số luận văn thạc sỹ nghiên cứu VHDN của một số doanh nghiệp cụ thể như FPT, Viettel. Gần đây cũng có một số bài viết về phát triển VHDN như tác giả Vi Tiến Cường (2012) với bài “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam”, tác giả Dương Thị Thanh Mai (2015), “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”, tác giả Nguyễn Quang Trung (2015) với bài “Phát triển văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam: Đề xuất khái niệm và mô hình nghiên cứu”; tác giả Lê Hải Linh (2017) với bài “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trước những đòi hỏi của thực tiễn”, tác giả Phan Y Lan (2020) có bài “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời đại chuyển đổi số”. Các bài viết này đã chỉ ra các vấn đề thời sự và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển VHDN hiện nay đối với các doanh nghiệp.
Về các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp
Với các bài nghiên cứu khoa học nói chung và chủ đề VHDN nói riêng, các tác giả hiện nay có xu hướng tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến đối tượng nghiên cứu để chỉ ra phương hướng phát triển phù hợp. Với Schein (2004), ông tập trung vào nghiên cứu văn hoá của tổ chức liên quan đến lãnh đạo, nên lý thuyết của ông cũng tập trung vào nhà lãnh đạo. Ông đặt ra câu hỏi rằng tại sao 2 doanh nghiệp cùng một môi trường, cùng một lĩnh vực kinh doanh lại vẫn có thể trái ngược nhau về VHDN, và từ đó tìm ra ba yếu tố chính tác động đến sự ra đời của VHDN là: (1) giá trị và niềm tin của nhà sáng lập, (2) quá trình học tập trong đội nhóm khi tổ chức ngày càng thích ứng và thay đổi, (3) Sự truyền đạt tới lãnh dạo và nhân viên mới. Schien cũng đưa ra 6 cơ chế sơ cấp và thứ cấp dành cho nhà sáng lập và nhà quản trị trong xây dựng VHDN. Trong nghiên cứu “The impact of strong corporate culture during a period of growth and acquisition”, Carmen (2014) đã chỉ ra những tác động cả tích cực và tiêu cực từ những thay đổi của tổ chức bên ngoài lên nhận thức và văn hoá của nhân viên tại một công ty, trong đó cũng có nhắc đến các yếu tố tác động đến VHDN. Hay Blum (1998) đã góp phần chỉ ra nhân tố phong cách lãnh đạo và tác động đến VHDN qua bài nghiên cứu “A cause-and-effect
relationship between leadership and corporate culture: An educational perspective”. Một nghiên cứu khác tên “Impact of Corporate Social Responsibility on an Organization‟s Culture: A Multisite Case Study of a Global Nonprofit Organization” của Tracey và Odenwelder (2015) đã thử nghiệm và nghiên cứu các nhóm nhỏ trong cùng một tổ chức phi lợi nhuận, đã thành công khi chứng minh vai trò của trách nhiệm xã hội đối với mục tiêu, sứ mệnh của công ty, qua đó ảnh hưởng tích cực đến VHDN. Cùng bàn về nội dung này, Essounga (2009), Hofstede (2010), Tsui và Nifadkar (2007), Naraziana và cộng sự (2014), Szczepańska và Kosiorek (2017), Naraziana và cộng sự (2017), Ansah và Louw (2019) đã chỉ ra văn hóa quốc gia có ảnh hưởng đến VHDN và các giá trị cũng như là việc xây dựng và phát triển VHDN. Bên cạnh đó, nhà sáng lập và nhà lãnh đạo qua các thời kỳ, sự truyền đạt nội bộ cũng có tác động VHDN và các giá trị cũng như là việc xây dựng và phát triển VHDN theo các nghiên cứu của các tác giả Toor and Ofori (2009), Flamholtz & Randle (2012), Andish và cộng sự (2013), O‟Reilly và và cộng sự (2014), Mumby (2013), Sebastião và cộng sự (2017). Một yếu tố khác có tác động đến VHDN là văn hóa du nhập hay văn hóa học hỏi được (Nguyen & Aoyama, 2014); Uddin và và cộng sự, 2013).
Tại Việt Nam, tác giả Phùng Xuân Nhạ (2010) có đề tài cấp nhà nước “Nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế”, xây dựng các mô hình cấu trúc phân tầng với bảng thang các giá trị chi tiết nhân cách doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đưa ra khuyến nghị cho phát triển nhân cách doanh nhân và văn hóa kinh doanh, VHDN Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế và cũng đã nhấn mạnh vai trò của các doanh nhân trong việc xây dựng và phát triển VHDN và văn hóa kinh doanh nói chung. Bên cạnh đó, tác giả Mai Hân (2009) cũng đã đề cập đến một số yếu tố chính để xây dựng VHDN thành công trong bài viết “Chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp phù hợp kỷ nguyên số”.
Các nghiên cứu này sẽ tạo tiền đề để tác giả làm rõ vấn đề xây dựng và phát triển VHDN quan trọng như thế nào và từ đó nhấn mạnh được tính cấp thiết của đề tài và đưa ra được các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch Việt Nam.
Về văn hóa doanh nghiệp, xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp của các công ty du lịch
Đã có những nghiên cứu về xây dựng và phát triển VHDN của các công ty trong các ngành và lĩnh vực như tài chính ngân hàng, sản xuất, nhưng có khá ít các nghiên cứu đã công bố cụ thể về xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch. Về VHDN của các công ty du lịch, có một vài nghiên cứu đã tìm hiểu về chủ đề này, ví dụ như Robaki và các cộng sự (2020) đã có nghiên cứu về mối quan hệ giữa VHDN và kết quả kinh doanh trong ngành du lịch, nghiên cứu trường hợp của Luxury Tourist. Nghiên cứu này đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa VHDN và một số chỉ tiêu trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này, từ đó đã cho thấy tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch và khiến các nhà quản trị quan tâm nhiều hơn tới công tác này. Trước đó, tác giả Tepeci (2005) cũng đã chỉ ra tác động tích cực giữa VHDN và sự hài lòng của nhân viên trong lĩnh vực du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ. Yusof và các cộng sự (2012) cũng đã chỉ ra tác động tích cực của VHDN với sự thỏa mãn của du khách. Về xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch, Noonan (2017) cũng đã chỉ ra các nội dung quan trọng mà các nhà lãnh đạo cần quan tâm và các câu hỏi mà họ cần trả lời để xây dựng và phát triển VHDN của mình hỗ trợ cho chiến lược của công ty.
3. Khoảng trống nghiên cứu
Việc nghiên cứu các công trình trước đây cả ở trong nước và ngoài nước cho thấy nghiên cứu về VHDN không phải là một nội dung mới. Tuy nhiên, về việc nghiên cứu công tác xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch nói chung và các công ty du lịch Việt Nam có một số khoảng trống mà tác giả nhận thấy như sau:
Thứ nhất, ngành du lịch đang là một trong những ngành trọng điểm của nước ta, với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Ngày càng có thêm nhiều công ty du lịch khiến cho cạnh tranh trong ngành càng trở nên gay gắt, bên cạnh đó các vấn đề mới như dịch bệnh lại tác động lớn tới ngành du lịch và các công ty du lịch. Trong khi đó, VHDN từ những ngày đầu đã được coi là một trong những nhân tố then chốt tác động đến hiệu quả hoạt động, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Song, cho đến nay, việc xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch vẫn chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của các học giả, các nhà nghiên cứu.
Thứ hai, tuy nghiên cứu về VHDN hoặc xây dựng và phát triển VHDN không còn mới (có nhiều nghiên cứu nhưng chỉ tập trung đánh giá thực trạng VHDN của một doanh nghiệp cụ thể hoặc một số doanh nghiệp nói chung). Các nghiên cứu này đã chỉ ra mối quan hệ giữa VHDN, việc xây dựng và phát triển VHDN với các tiêu chí của kết quả hoạt động như doanh thu, lợi nhuận, thị phần, sự phát triển sản phẩm, sự hài lòng của nhân viên. Nhưng các nghiên cứu này tập trung vào các doanh nghiệp tại Mỹ, Nga, Châu Âu, Hồng Kông và các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể nào về công tác xây dựng và phát triển VHDN và các yếu tố đó tại các công ty du lịch Việt Nam.
Thứ ba, trong các nghiên cứu trước đây chưa có nghiên cứu nào chuyên sâu về giải pháp, định hướng cho các công ty du lịch Việt Nam để có thể xây dựng, duy trì và phát triển VHDN của mình.
Từ việc tìm hiểu những công trình nghiên cứu trước đây về các đề tài liên quan cả trong và ngoài nước, những vấn đề còn gây tranh luận đã tạo động lực cho tác giả tìm ra khoảng trống trong nghiên cứu về VHDN cũng như xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch. Đây cũng là căn cứ then chốt để tác giả lựa chọn đề tài “Xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch Việt Nam”.
4. Mục tiêu nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của luận án là phân tích thực trạng công tác xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch Việt Nam để tìm ra những ưu điểm và hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm giúp các công ty du lịch Việt Nam hoàn thiện việc xây dựng và phát triển VHDN của mình.
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu này, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án là:
- Hệ thống hóa cơ sở lý luận về xây dựng và phát triển VHDN
- Phân tích thực trạng công tác xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch Việt Nam
- Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến công tác xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch Việt Nam
-Đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác xây dựng và phát triển VHDN của các công ty du lịch Việt Nam