trường nên đời sống xã hội cũng như kinh tế của người dân ngày càng được đảm bảo và nâng cao. Song mặt trái của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến nhiều người sống buông thả, coi trọng vật chất, tình cảm giữa mọi người với nhau không còn mặn mà, được coi trọng như trước. Giá trị tài sản lớn và sự coi trọng vật chất làm những tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng trong việc giải quyết ly hôn có tính quyết liệt, căng thẳng hơn.
Đất nước ta bước sang giai đoạn phát triển mới, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xã hội Việt Nam đang chịu những tác động tích cực và tiêu cực, không chỉ về mặt kinh tế mà còn cả về mặt văn hóa, xã hội. Gia đình với tư cách là tế bào của xã hội cũng không tránh khỏi sự tác động đa chiều đó. Một số quan niệm mới về hôn nhân, gia đình ở nước ngoài đã du nhập vào Việt Nam và gây ra nhiều hệ lụy khác nhau. Trong bối cảnh như vậy, Luật HN&GĐ năm 2000 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến sự ổn định của các quan hệ HN&GĐ. Nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định, thống nhất cho việc xây dựng và hoàn thiện chế độ HN&GĐ Việt Nam; góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ và hạnh phúc. Kế thừa và phát triển của Luật HN&GĐ năm 1959, Luật HN&GĐ năm 1986 và Luật HN&GĐ năm 2000, Luật HN&GĐ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014 đã quy định các vấn đề HN&GĐ, trong đó có vấn đề tài sản của vợ chồng một cách đầy đủ và hợp lý hơn, tạo thuận lợi cho việc thực hiện và áp dụng giải quyết tranh chấp.
Với những lý do trên tôi quyết định lựa chọn đề tài “Xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo luật HN&GĐ 2014” làm Luận văn thạc sĩ luật học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Xuất phát từ vai trò quan trọng của gia đình trong xã hội nên việc nghiên cứu về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn luôn được quan tâm và chú ý, được nhiều nhà nghiên cứu và các học giả đề cập.
Trong thời gian qua, ở nước ta đã có một số công trình nghiên cứu liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng. Có thể phân loại các công trình nghiên cứu này thành ba nhóm lớn như sau:
Nhóm các luận văn, luận án: Các công trình nghiên cứu tiêu biểu trong nhóm này có: Chế độ tài sản của vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam (Nguyễn Văn Cừ, Luận án Tiến sĩ, 2005); Xác định chế độ tài sản của vợ chồng - một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Nguyễn Hồng Hải, Luận văn Thạc sĩ, 2002); Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 - Thành tựu, vướng mắc và hướng hoàn thiện (Trần Thị Thùy Liên, Luận văn Thạc sĩ, 2012); Chia tài sản chung của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - Thực tiễn áp dụng và hướng hoàn thiện (Nguyễn Thị Hạnh, Luận văn Thạc sĩ, 2012); Giải quyết tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn (Đinh Thị Minh Mẫn, Luận văn Thạc sĩ, 2014)…
Các công trình này có công trình có phạm vi nghiên cứu rộng, đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, có công trình chỉ giải quyết một khía cạnh nhỏ trong vấn đề tài sản vợ chồng, có công trình nghiên cứu riêng và chuyên sâu về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn. Song, các công trình nghiên cứu trên cho dù có những nội dung ưu việt, tiên tiến nhưng cũng còn nhiều vấn đề không bắt kịp nhịp sống xã hội vốn luôn chuyển biến ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống vợ chồng, đặc biệt là vấn đề tài sản.
Nhóm giáo trình, sách chuyên khảo: Trong nhóm này phải kể đến một số công trình tiêu biểu như: Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam (Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2008), Giáo trình
Kỹ năng giải quyết vụ việc dân sự (Học viện Tư pháp, Nxb Công an nhân dân, 2007); Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam (Nguyễn Ngọc Điện, Nxb Trẻ, 2004); Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam (Nguyễn Văn Cừ, Nxb Tư Pháp,2008); Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật HN&GĐ năm 2000 (Tác giả Nguyễn Văn Cừ - Ngô Thị Hường, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 2002);…
Có thể bạn quan tâm!
- Xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo luật Hôn nhân và gia đình 2014 - 1
- Khái Niệm Xác Định Tài Sản Vợ Chồng Khi Ly Hôn
- Pháp Luật Ở Miền Nam Trước Ngày Thống Nhất Đất Nước Về Xác Định Tài Sản Vợ Chồng Khi Ly Hôn (1954 - 1975)
- Xác Định Tài Sản Vợ Chồng Khi Ly Hôn Theo Pháp Luật Về Hôn Nhân Và Gia Đình Hiện Hành Và Thực Tiễn Áp Dụng
Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.
Trong các cuốn sách trên, xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn đã được phân tích một cách chung chung, có tính chất tổng quát, có cuốn đi vào phân tích chuyên sâu và cụ thể nhưng chưa nêu hết được những bất cập, hạn chế trước những biến đổi của đời sống xã hội có ảnh hưởng tới chế độ tài sản của vợ chồng.
Nhóm các bài viết trên các báo, tạp chí: Có thể kể đến một số bài như Bàn thêm về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật hôn nhân gia đình hiện hành (Nguyễn Hồng Hải, 2003, Tạp chí Luật học, số 5); Chế độ tài sản theo thoả thuận của vợ chồng liên hệ từ pháp luật nước ngoài đến pháp luật Việt Nam (Bùi Minh Hồng, 2009, Tạp chí Luật học, số 11);….
Các tác giả chỉ đề cập đến một khía cạnh hoặc một trường hợp cụ thể liên quan đến xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn mà không thể phân tích toàn diện các khía cạnh của chế định này.
Một điểm chung của cả ba nhóm công trình nghiên cứu kể trên, đó là phần lớn các tác giả thường thiên về việc phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật quy định về chế độ tài sản của vợ chồng. Một số công trình nghiên cứu, cũng đã có dẫn chiếu, liên hệ thực tiễn áp dụng một số quy định pháp luật, tuy nhiên, sự liên hệ, phân tích đó chỉ có tính chất minh hoạ cho một số trường hợp cụ thể mà chưa có sự soi chiếu một cách tổng thể, toàn diện tất cả các khía cạnh của việc áp dụng quy định về chế độ tài sản của vợ chồng vào thực tiễn.
Trong các nhóm trên, có công trình đã nghiên cứu về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn, nhưng đứng trước sự phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chuyển biến, chịu sự ảnh hưởng của tập quán của đất nước tất yếu có sự tác động lớn trong tâm lý của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng. Đồng thời, với xu hướng các vụ án ly hôn và xác định, phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn hiện nay ngày càng tăng và việc Luật HN&GĐ năm 2014 mới được ban hành và bước đầu đi vào áp dụng trong thực tiễn thì việc nghiên cứu các quy định của pháp luật về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn là điều quan trọng. Qua nghiên cứu, sẽ thấy được những tiến bộ của Luật HN&GĐ năm 2014 và những hạn chế, bất cập trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật để xác định tài sản vợ chồng, đề ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật và những phương hướng nhằm nâng cao hiệu quả của việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn.
3. Mục tiêu nghiên cứu
3.1. Mục tiêu tổng quát
Mục tiêu tổng quát của Luận văn là trên cơ sở nghiên cứu khái niệm, đặc điểm, vai trò, ý nghĩa của việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo Luật HN&GĐ năm 2014. Đồng thời phân tích những quy định cụ thể nhằm nhận thức rõ nội dung, hiệu quả áp dụng, cũng như những điểm hạn chế, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo Luật HN&GĐ năm 2014.
3.2. Mục tiêu cụ thể
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát nêu trên, Luận văn thực hiện những mục tiêu cụ thể như sau:
- Nghiên cứu những vấn đề lý luận về tài sản vợ chồng, việc phân chia tài sản vợ chồng khi ly hôn theo Luật HN&GĐ năm 2014.
- Tìm hiểu một cách có hệ thống về lịch sử phát triển của việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo pháp luật ở Việt Nam qua các thời kỳ.
- Nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành về tài sản vợ chồng và cách xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn.
- Nghiên cứu thực tiễn áp dụng các quy định về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo pháp luật..... Qua đó, đánh giá về những thành tựu cũng như những vướng mắc, bất cập của việc áp dụng các nguyên tắc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo pháp luật.
- Từ những phân tích nội dung và nghiên cứu thực tiễn áp dụng xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo pháp luật, luận văn đề xuất những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo pháp luật
4. Đối tượng nghiên cứu
Trong phạm vi nghiên cứu luận văn này, Luận văn sẽ phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về cơ sở lý luận và thực tiễn việc xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo Luật HN&GĐ năm 2014.
5. Phạm vi nghiên cứu đề tài
Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sĩ, luận văn tập trung vào một số vấn đề sau:
- Quy định của pháp luật hiện hành về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn được quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000, Luật HN&GĐ năm 2014, BLDS năm 2005 và một số văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật hiện hành về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, điển hình; các trường hợp áp dụng sai luật…; tìm hiểu và nghiên cứu những ví dụ cụ thể, những bản án thực tế từ đó bình luận và phân tích
những nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả áp dụng pháp luật về xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn trong thực tế.
Luận văn không đề cập đến góc độ thủ tục tố tụng khi giải quyết vấn đề xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn. Luận văn cũng không xem xét, nghiên cứu vấn đề xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn dưới góc độ tư pháp quốc tế.
6. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đề tài
Cơ sở phương pháp luận nghiên cứu đề tài là phép duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và các quan điểm của đảng, pháp luật của Nhà nước điều chỉnh quan hệ HN&GĐ.
Phương pháp nghiên cứu cụ thể: Trong quá trình nghiên cứu, tác giả sử dụng phối hợp nhiều phương pháp khác nhau như phương pháp phân tích, so sánh, phương pháp tổng hợp, phương pháp thống kê, khảo sát thực tiễn... Trong quá trình khảo sát thực tiễn, luận văn đã áp dụng phương pháp phỏng vấn sâu một số người có liên quan để thu thập những tài liệu lưu trữ chính thống còn khuyết thiếu, đồng thời nhằm có thêm tư liệu sinh động từ thực tiễn của người trực tiếp áp dụng pháp luật.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung của Luận văn gồm hai chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về xác định tài sản của vợ chồng khi ly hôn.
Chương 2: Xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn theo pháp luật hiện hành, thực tiễn áp dụng và một số kiến nghị.
NỘI DUNG
Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ XÁC ĐỊNH TÀI SẢN VỢ CHỒNG KHI LY HÔN
1.1. Khái niệm chế độ tài sản vợ chồng và xác định tài sản vợ chồng khi ly hôn
1.1.1. Khái niệm chế độ tài sản vợ chồng
Gia đình là tế bào của xã hội, thể hiện tính chất và kết cấu của xã hội. Gia đình có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Để xây dựng gia đình tốt thì nền tảng hôn nhân phải bền vững, ngoài việc được hình thành trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, tiến bộ thì việc tạo lập tài sản là một trong những điều kiện tất yếu để nuôi sống gia đình, là điều kiện vật chất, cơ sở kinh tế cho hôn nhân tồn tại bền vững. Vì vậy, các nhà làm luật đã quan tâm xây dựng các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng là một trong những chế định quan trọng, cơ bản nhất của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Vợ, chồng với tư cách là công dân, có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Tài sản theo nghĩa từ điển Luật học là “của cải, vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng”, còn theo Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005 “tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” [40, Điều 163]. Trước khi kết hôn, tài sản của mỗi bên nam, nữ thuộc phạm trù tài sản riêng của cá nhân. Chủ sở hữu có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Chỉ sau khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân, vấn đề tài sản giữa vợ chồng mới phát sinh, tài sản chung được hình thành, các lợi ích và các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với khối tài sản này cũng được hình thành. Do tính chất đặc biệt của quan hệ hôn nhân - tính cộng đồng, hai vợ
chồng cùng đóng góp công sức trong việc tạo dựng tài sản, xây dựng gia đình hoà thuận, hạnh phúc.
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng ràng buộc lẫn nhau về quyền và nghĩa vụ, trong đó có những quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng. Tất cả các tài sản của vợ, chồng, dù là của riêng mỗi người hay của chung hai người, đều phải được khai thác, sử dụng trước hết nhằm bảo đảm sự duy trì và phát triển của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau; nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục các con,… Nhân danh lợi ích của gia đình, vợ hoặc chồng có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch trên tài sản chung và trong một số trường hợp, nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch ấy có thể ràng buộc cả vợ và chồng một cách liên đới, nghĩa là khiến cho chồng hoặc vợ, dù không trực tiếp đứng ra giao dịch, phải có trách nhiệm cùng với vợ hoặc chồng thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản chung, thậm chí bằng tài sản riêng của mình. Do vậy, tài sản không chỉ gắn liền với những lợi ích thiết thực của hai bên mà còn liên quan đến người thứ ba, đặc biệt là khi vợ chồng tham gia vào hoạt động kinh doanh thương mại. Đây là một trong những lý do mà các nhà lập pháp phải dự liệu về chế độ tài sản của vợ chồng. Nhờ có chế độ tài sản của vợ chồng được quy định, tạo điều kiện cho vợ, chồng và người thứ ba tự do tham gia các giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng trong khuôn khổ luật định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Trong pháp luật của Nhà nước ta,cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định trong một văn bản cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chế độ tài sản của vợ chồng được quy định trong pháp luật như là một tất yếu khách quan, nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản vợ chồng, góp phần ổn định các quan hệ xã hội.
Tôi đồng ý với luận điểm khái quát chế độ tài sản của vợ chồng như