Vật liệu kiến trúc thế kỷ XV-XVIII tại khu vực Chính điện Kính Thiên Hoàng thành Thăng Long qua tài liệu khai quật năm 2017-2019 - 6


Huyện Thu Vật là địa danh hành chính xuất hiện ở cuối thời Trần thuộc địa danh tỉnh Tuyên Quang [28, tr.56]. Những viên gạch có chữ phát hiện được trong ba năm 2017-2019 cung cấp thêm một số địa danh mà thời Trần chưa được ghi chép như “Vũ Linh hương”, “Nhân Khảm hương”. Các loại hình gạch in chữ Hán này chứng tỏ có sự góp mặt của các địa phương trong công cuộc xây dựng kinh đô.

- Gạch trang trí hoa văn:


Loại gạch này phát hiện được 11 mảnh vỡ. Tất cả đều thuộc loại gạch xám nhạt mang đặc trưng chất liệu và loại hình của thời Lê sơ, đây đều là loại hình gạch có một mặt được trang trí chấm tròn. Nhưng về kiểu dáng có thể phân chia thành 2 loại:

Loại 1: này có 8 mảnh đều thuộc loại gạch chữ nhật dày 8 cm – gần giống như gạch vồ. Gạch có chất liệu màu xám nhạt pha sạn laterite đầu ruồi, độ nung cao nên độ cứng khá cao.

Hoa văn trang trí trên một mặt gạch gồm những chấm tròn nhỏ với đường kính khoảng 1 cm xếp theo 2 hàng thẳng cắt giao nhau thành hình chữ “X”. Tiêu bản ký hiệu 17.ĐKT.H1.V70, vỡ, còn lại khoảng ½, kích thước [21,4cm] x [14,7cm] x 8,5cm (PLIII, H5: 5).

Loại 2: Thu được 3 mảnh, tiêu bản ký hiệu 17.ĐKT.H1.V69, vỡ, còn lại khoảng 2/3, kích thước [21,3cm] x 11,9cm x 7cm hoa văn trang trí trên mặt là các hàng nhũ đinh nối với nhau tạo thành các ô trám, nhũ đinh hình tròn có đường kính khoảng 0,5-0,7cm (PLIII, H06: 1-2).

b. Gạch vuông

Gạch vuông có hình dáng chung là một khối hình vuông hoặc gần vuông, mặt cắt ngang hình chữ nhật. Gạch vuông loại này chức năng chủ yếu là dùng để lát nền, xây thành, đáy cống. Trong ba năm 2017-2019 phát hiện

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 172 trang tài liệu này.

được 23 viên loại gạch này, gạch được làm bằng chất liệu đất sét mịn, có hai loại là gạch đỏ và xám. Hầu như chỉ có loại hình gạch vuông không có hoa văn, loại trang trí hoa văn chưa được phát hiện.

Gạch vuông xám 9 viên, loại gạch này có chiều dày dao động từ 5-7cm, chiều dài, rộng từ 27cm-38cm, hầu hết chiều dài và chiều rộng của đều không bằng nhau, một số kích thước của loại gạch này: 38cm x 35cm x 7cm; 36cm x 32cm x 7cm; 27cm x 24cm x 5cm.

Vật liệu kiến trúc thế kỷ XV-XVIII tại khu vực Chính điện Kính Thiên Hoàng thành Thăng Long qua tài liệu khai quật năm 2017-2019 - 6

Gạch vuông đỏ phát hiện 14 viên, loại này có kích thước lớn hơn so với loại gạch xám, rộng 38-42cm, dày 8-9cm. Tiêu bản ký hiệu 17.ĐKT.V34 còn nguyên (41,5 x 40,5 x 8,8cm), bề mặt gạch khá thô, xương có lẫn sạn sỏi (PLIII, H5: 6).

c. Gạch hình thang


Gạch hình thang là loại gạch có hình khối chữ nhật, tiết diện hình thang có thể ở dạng cân hoặc lệch. Gạch hình thang được cắt vát ở 4 mặt rìa cạnh tạo cho mặt cắt ngang và dọc viên gạch đều là hình thang. Đây là loại gạch được xây ở phần uốn cong của mái vòm kiến trúc hoặc lát nền sân.

Tại địa điểm Điện Kính Thiên đã thu được 14 viên gạch thỏi, gạch thỏi hình thang kích thước lớn, mẫu đủ dáng ký hiệu 17.ĐKT.H1, gạch vồ mặt cắt hình thang, dài 32cm, rộng 11-15cm, dày 13cm (PLIII, H12: 4).

d. Gạch thẻ


Tại địa điểm Điện Kính Thiên đã phát hiện được 1730 mảnh gạch thẻ. Gạch hình chữ nhật, kích thước nhỏ với chiều dài gấp từ 2 đến 4 lần chiều rộng nên thường được gọi là gạch thẻ. Loại gạch này có độ dài (20-25)cm, rộng (4-10)cm, dày (4-7)cm. Đặc điểm chung của loại gạch này là có chất liệu màu xám, và tráng men xanh, vàng.

Dựa vào hoa văn có thể chia gạch thẻ trang trí hoa văn thành một số loại như: gạch thẻ trang trí rồng, hoa dây, nhũ đinh.

Loại 1: Gạch thẻ trang trí rồng


Gạch thẻ trang trí rồng thu được 2 tiêu bản. Gạch làm bằng chất liệu đất sét xám mịn.

Tiêu bản thứ nhất mang ký hiệu 19.ĐKT.H1.V03. Gạch còn nguyên kích thước 20,7cm x 9cm x 3,9cm. Một mặt gạch trang trí rồng, thân rồng uốn lượn giống hình sin, thân hướng về phía trước. Đầu rồng ngẩng cao bờm hất về phía sau, miệng ngậm ngọc, thân rồng có vảy, lưng có vây, rồng có 4 chân mỗi chân có 4 móng. Rồng được bao trong hai gờ nổi dày 0,2cm chạy dọc theo chiều dài. Bên ngoài trang trí 12 nhũ đinh có đường kính 1,2cm (PLIII, H06: 3-4).

Tiêu bản thứ hai cũng là gạch thẻ trang trí rồng kích thước nhỏ hơn. Tiêu bản ký hiệu 19.ĐKT.H1.V05. Gạch thẻ còn lại khoảng ½, kích thước [9,5cm]x 8cm x 2,5cm. Rồng được bao trong một khuôn có gờ nổi cao dày 0,5-1cm, trên gờ mỗi bên còn lại 4 nhũ đinh đường kính 0,8cm. Rồng chỉ còn lại một phần đầu và thân (PLIII, H6: 5-6).

Loại 2: Gạch thẻ trang trí hoa dây có nhũ đinh:


Thu được một tiêu bản ký hiệu 19.ĐKT.H1.V04. Gạch thẻ còn lại khoảng 1/2, kích thước [13,5cm] x 10,5cm x 3,8cm, một mặt gạch được trang trí hoa văn dạng dây cuốn giống như đầu râu mướp, hoa văn được bao trong hai đường gờ nổi dày 0,5cm, bên ngoài là hai hàng nhũ đinh, mỗi bên 4 nụ đinh đường kính 1,1cm (PLIII, H12: 1-2).

Loại 3: Gạch thẻ trang trí hoa dây

Loại hình này thu được 2 mảnh, là loại hình trang trí hoa dạng dây cuốn, lá cách điệu dáng thanh mảnh. Gạch thẻ loại này có độ dày dao động từ 4- 4,5cm. Tiêu bản ký hiệu 19.ĐKT.H1.V06, vỡ còn lại một phần, kích thước [9,8cm] x 6,7cm x 4,7cm, hoa văn trang trí được bao quanh trong đường diềm rộng 0,2-0,4cm (PLIII, H7: 3-4).

Loại 4: Gạch thẻ trang trí hoa dây dạng hình sin: 88 mảnh, dựa vào kích thước, hoa văn loại gạch này được chia làm 3 kiểu. Đặc điểm thống nhất của loại này là đều có mô típ hoa văn dây cuốn uốn lượn hình sin trong khung của hai đường viền. Đây là kiểu loại hoa văn điển hình nhất trong số gạch thẻ trang trí ở địa điểm này.

Tuy nhiên, mô típ hoa dây hình sin ở đây cũng có nhiều dạng: có loại đường nét thô, có loại đường nét nhỏ, có loại được tạo nên bởi hai chữ S chồng gối nhau để tạo thành mô típ hình sin; có đầu chữ S uốn cong như “tay mướp”. Mô típ văn dây cuốn hình sin cũng đã phát hiện được trên các loại chất liệu khác nhau của thời Lê sơ. Đó là các băng diềm trang trí trên trán bia chữ bằng đá ở cổng Đoan môn (khu vực Cấm thành thời Lê) hoặc trong miệng bát đĩa hoa lam của thế kỷ XV-XVI. Hơn nữa mô típ này cũng thường được sử dụng phối hợp trang trí trên gạch có hoa văn hình rồng của thời Lê sơ đã được phát hiện ở các địa điểm điện Kính Thiên, Lam Kinh và thành Nhà Hồ.

Kiểu 1: Loại gạch thẻ này trang trí hoa dây dạng hình sin, nhưng kích thước nhỏ, độ dày gạch dao động từ 3-4cm, hoa văn thanh mảnh, khá nhỏ, loại gạch này phát hiện 3 mảnh tại hố khai quật năm 2019. Tiêu bản ký hiệu 19.ĐKT.H1.V07, còn lại một phần, kích thước [9,3] x 4,3 x 3cm (PLIII, H07: 5-6).

Kiểu 2: Đặc điểm thống nhất của kiểu loại này là đều có mô típ hoa văn dây cuốn uốn lượn hình sin nằm trong khung của hai đường viền, có kích thước và độ dày hoa văn hình sin lớn hơn loại 1. Đây là hai kiểu loại hoa văn mang đặc trưng điển hình nhất trong số gạch thẻ trang trí hoa dây ở địa điểm Chính điện Kính Thiên. Loại gạch này rộng trung bình 7-8cm, dày 3,5-4cm, phát hiện được 80 mảnh trong đó có một số tiêu bản còn đủ dáng,

Tiêu bản đủ dáng ký hiệu 19.ĐKT.H1.V02, kích thước 26,7cm x 7,2cm x 3,5cm. Hoa văn được bao trong hai gờ nổi chạy dọc dày 0,4cm, kích thước hoa dây khoảng 1cm (PLIII, H08: 1-2).

Kiểu 3: 2 mảnh, loại gạch thẻ này có kích thước lớn nhất so với các kiểu còn lại, hoa văn trang trí hoa dây dạng hình sin khá thô, gạch kiểu này khá dễ thôi bột. Tiêu bản mẫu ký hiệu 19.ĐKT.H1.V23 vỡ, kích thước [17,5cm] x 10,5cm x 7cm (PLIII, H08: 3-4).

Về chức năng: Loại gạch này có hình khối chữ nhật dẹt, có tiết diện hình chữ nhật, loại hình gạch trang trí hoa văn có thể được sử dụng để xây ốp trang trí trên bờ nóc, giống với một số kiến trúc ở Trung Quốc [21, tr.67-68] (PLIII, H08: 5).

Loại 5: Gạch thẻ trang trí nhũ đinh


Số lượng 1690 mảnh trong đó có nhiều viên còn nguyên. Đây là loại gạch thẻ có hình chữ nhật, dài và mỏng. Loại gạch này có một hàng nhũ đinh tạo thành diềm trang trí ở một rìa cạnh dài. Dựa vào chất liệu có thể phân chia loại gạch này thành 2 nhóm: gạch xám và nhóm gạch có tráng men.

- Nhóm gạch xám: 191 mảnh, gạch được trang trí một diềm 7 nụ đinh ở rìa cạnh dài và đều có chất liệu sét xám nhạt pha rải rác sạn có màu nâu.

Tiêu bản ký hiệu 17.ĐKT.H1.V341, tiêu bản còn nguyên, dài 20cm, rộng 7,2cm, dày 2,6cm. Một rìa cạnh mỏng được trang trí 6 nhũ đinh hình tròn đường kính 1,6cm, cao 0,7cm, có 2 nụ đinh vỡ (PLIII, H08: 6).

- Nhóm gạch phủ men: có 1499 mảnh, men chỉ phủ ở phần diềm rìa trang trí nụ đinh, phần còn lại để mộc. Nhóm gạch có ba loại chất liệu sét trắng, sét đỏ và hồng, xương gạch khá mịn.

Gạch thẻ trang trí nhũ đinh men xanh lục 938 mảnh. Tiêu bản mang ký hiệu 18.ĐKT.H1.V24, gạch thẻ còn nguyên, kích thước dài 15,5cm, rộng 7,2cm, dày 2,3cm rìa cạnh trang trí hàng nhũ đinh gồm 7 nụ đinh, trong đó có một nụ đinh vỡ, đường kính 1,8cm (PLIII, H09: 1-2).

Men vàng 561 mảnh, tiêu bản ký hiệu 17.ĐKT.H1.V270 có kích thước 13,3cm x 6,5cm x 2cm. Gạch có một cạnh được trang trí 7 nụ đinh đường kính 1,7cm, cao 1cm (PLIII, H09: 3-4).

Như vậy, gạch thẻ trang trí diềm nhũ đinh ở rìa cạnh không chỉ có các chất liệu khác nhau điều đó chứng tỏ tại địa điểm điện Kính Thiên ở giai đoạn thời Lê đã tồn tại khá nhiều kiến trúc.

Gạch thẻ trang trí diềm nhũ đinh ở rìa cạnh loại hình gạch được sử dụng để trang trí ở dải bờ nóc hoặc góc mái kiến trúc. Tuy được làm từ các chất liệu khác nhau nhưng sự thống nhất về kiểu dáng cũng phản ánh rằng gạch thẻ trang trí diềm nhũ đinh màu xám hoặc tráng men về cơ bản đều thuộc cùng một giai đoạn Lê sơ (PLIII, H13).

e. Gạch hộp trang trí trên nóc mái


Loại hình gạch hộp thu được 2249 mảnh, gạch có dạng hình hộp vuông rỗng hay còn gọi là gạch thông gió, thông phong. Loại hình gạch này có hai

loại hình cơ bản, thứ nhất là gạch thông gió tráng men xanh hoặc men vàng, loại thứ hai là loại gạch thông gió được làm bằng chất liệu sét xám.

Gạch hộp (thông gió) tráng men:


Thu được 2174 mảnh gạch thông gió tráng men, trong đó gạch thông gió men xanh 1544 mảnh, men vàng 630 mảnh. Loại gạch này có dáng hình hộp chữ nhật, trong lòng rỗng, ở hai bề mặt đều có hình tròn được trang trí các mô típ hoa văn hình rồng có vây ở thân, chân 5 móng của nghệ thuật thời Lê sơ. Đặc điểm chung của loại gạch này là đều có chất liệu đất sét trắng mịn và được phủ men xanh lục hoặc vàng ở hai bề mặt trang trí của viên gạch.

Tiêu bản thứ nhất mang ký hiệu 18.ĐKT.H1.V30, còn nguyên, dài 14,5cm, rộng 12,5cm và cao 12cm. Bề mặt phần trang trí tráng men xanh (PLIII, H09: 5-6)

Tiêu bản thứ hai ký hiệu 18.ĐKT.H1.V13, vỡ còn lai một mặt trang trí (14cm x [12cm] x 1,2cm), được tráng men vàng (PLIII, H10: 1-2).

Gạch hộp (thông gió) xám: Loại hình này phát hiện được đều là các mảnh nhỏ nên việc phân loại khá khó khăn. Số lượng 75 mảnh, đều có chất liệu đất sét xám, lẫn sạn laterite. Đây là loại gạch có dáng hình hộp chữ nhật, khá giống với loại gạch thông gió tráng men ở trên, tuy nhiên loại gạch thông gió này có tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng chênh lệch hơn so với loại tráng men, trong lòng rỗng, hai mặt được trang trí hoa văn dạng hoa chanh, rồng, hoa sen, hoa cúc.

Gạch hộp trang trí rồng: 2 mảnh, mẫu tiêu biểu ký hiệu 18.ĐKT.H1.V31, còn lại khoảng 1/2 dài còn lại 17,5cm, rộng 20,3cm, dày 13cm), rồng được bao trong khuôn hình chữ nhật dày 2,5cm, rồng còn lại một phần thân và đầu rồng nằm trải dài, đầu rồng ngẩng cao, miệng ngậm ngọc, thân rồng có vây

lưng, bụng có vảy, chân rồng 5 móng, đây là những đặc trưng của rồng thế kỷ XV-XVI, hoa văn được khắc tỉa khá chi tiết tỉ mỉ (PLIII, H10: 3-4).

Gạch hộp trang trí hoa sen: tiêu bản ký hiệu 18.ĐKT.H1.V32, còn lại một phần [28cm] x [16cm] x 14,5cm. Hoa sen được bao trong khuôn hình chữ nhật rộng 2,5cm. Hoa sen còn lại ba lớp cánh, cánh hoa nở rộ dần từ dưới lên trên, hai bên trang trí hoa văn dạng dây cuốn (PLIII, H10: 5-6).

Gạch hình hộp trang trí hoa cúc: 13 mảnh, tiêu bản mẫu ký hiệu 18.ĐKT.H1.V33, loại hình này có chiều dài 35cm-37cm, rộng 16cm-17cm, cao 18-19cm, gạch có dạng hình hộp, dọc thân có một lỗ vuông trong lòng có kích thước 7cm x 7cm – 8cm x 8cm, gạch hình chữ nhật, tiết diện gần vuông. Hai mặt trang trí hoa cúc, mỗi mặt gồm hai hai bông hoa cúc được chia làm hai băng được ngăn cách nhau bởi một gờ nổi 3cm. Hoa văn được bao trong một khuôn hình gần vuông kích thước 14cm x 15cm. Hoa cúc có 6 cánh trong mỗi cánh có 4-5 gân nổi uốn cong, nhụy hoa hình tròn, có nhiều tia, tâm hoa có thể là chấm tròn, xoáy âm dương. Ở bốn góc có 4 chấm tròn nổi cao đường kính 2cm có thể để trơn hoặc có gờ nổi hình trôn ốc, trên một cạnh không trang trí có thể được in chữ Hán, trên hai mặt không trang trí hoa văn mặt có chữ Hán thường được cắt phẳng hơn, trên mặt này có một lớp vữa mỏng để kết dính với vật liệu kiến trúc khác ở bên trên, cạnh còn lại thường để thô hơn (PLIII, H11: 1-2).

Gạch hộp trang trí hoa chanh: 59 mảnh


Tiêu bản ký hiệu 19.ĐKT.H1.V57, hiện vật vỡ còn lại một phần, trang trí bông hoa chanh, vỡ còn lại một cánh (PLIII, H11: 3-4).

Tiêu bản thứ hai ký hiệu 18.ĐKT.H1.V74, vỡ, còn lại phần không trang trí hoa văn, một mặt được khắc chìm chữ Hán, mặt trong còn 2 hàng có vết khứa nhằm kết nối với phần trang trí hoa văn (PLIII, H11: 5-6).

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022