Văn hóa của người Khmer trong định hướng phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang - 9


(Phơlan); mái lá, vách lá, nền đất; mái nhà thấp lại không có hàng ba đủ rộng nên vách không trổ cửa sổ, do đó nhà rất tối và ấm áp ở bên trong. Nếu là nhà phát nhiều gian (một gian – một chái, một gian – hai chái, ba gian…) thì có bộ sườn nhà cơ bản sẽ từ 12 cột trở nên. Đặc điểm chung người Khmer Kiên Giang bao giờ cũng chọn con số chẵn cho số lượng cột kèo, đòn tay… Họ quan niệm số chẵn chính là số may mắn.

- Loại nhà bán kiên cố: Đây là nhà của những người thuộc tầng lớp trung nông. Nhà có kích thước khá rộng và cao. Ngoài gian chính có người còn nối thêm gian phụ nhằm tăng thêm diện tích sinh hoạt. Toàn bộ cột được đặt trên những tảng đá kê hình vuông, chọn một phần dưới đất; sườn nhà, các bộ kèo được liên kết khít khao bởi hệ thống những miếng nêm, mộng và con xỏ bằng gỗ cứng. Người Khmer hay trổ cửa giữa vách cạnh lớn. Dù nhà nhỏ hay lớn đều làm hai mái, mái trước nối với mái sau; nhà có lợp lá xé, có nhà lợp lá chằm (chằm đớp). Thường là phía sau nhà có thêm các công trình phụ như nhà xí, chuồng gia súc, gia cầm…

- Nhà kiên cố: Nhà này thường được xây gạch hay vách ván, mái lợp tôl hay ngói, nền tráng xi măng hay lát gạch. Đây là nhà của những người khá giả, trung lưu ở thị trấn, thị tứ, kích thước nhà khá lớn. Nếu bằng gỗ thì thì bộ sườn nhà bằng gỗ quí, giống như kết cấu nhà của người Việt, Hoa, nhà của người Khmer cũng có cây chính đỡ và cây xiên (Chh’ơhuyên), cũng trạm trổ bộ “chày cối” theo tín ngưỡng âm dương. Nội thất trong nhà mang tính đối xứng.

Một đặc điểm khác để nhận biết về ngôi nhà của người Khmer ở Kiên Giang là bao giờ ở nơi hiên nhà (hàng ba) cũng để một cái chõng hay giường bằng tre ở bên trái hay bên phải để ngồi chơi, hóng mát hoặc ăn cơm tiếp khách, hai bên là bộ ván hay li văng. Sát với vách ngăn phòng trong là chiếc tủ gỗ tạp (nếu nhà nghèo) hoặc tủ kính (nếu nhà khá giả), bên trong tủ chưng gối thêu màu sặc sỡ, phòng trong dành cho những đôi vợ chồng; kế đến là nhà kho chứa những vật dụng, đồ dùng trong nông nghiệp bồ lúa và cuối cùng là nhà bếp. Chính giữa ngôi nhà thường là bàn thờ phật ở phía trên, liền đó là bàn thờ ông bà hay cha mẹ, người thân đã khuất. Trong ngôi nhà, cây cột được người Khmer coi trọng nhất. Việc chọn gỗ làm cột, chọn người đào lỗ để


dựng cột và các nghi thức dựng cột được người Khmer tiến hành khá nghiêm ngặt theo tục lệ cổ truyền. Cây đòn dông thường được treo vải đỏ và treo hình gia hộ (Wissa Won) theo văn hóa Ấn Độ để trừ tà ma.

Tóm lại, ngôi nhà truyền thống của người Khmer thể hiện được tính độc đáo riêng: tận dụng diện tích, tiện lợi trong lao động sản xuất, gắn liền với thiên nhiên.

Làng nghề truyền thống


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 123 trang tài liệu này.

Nghề thủ công truyền thống của người Khmer Kiên Giang rất phong phú: Đan thúng, đan rổ, nghề nắn Cà Ràng, nồi đất, đan đệm, dệt chiếu, chạm, đục tượng, xây cất chùa triền…

Hiện nay, những làng nghề truyền thống của người Khmer Kiên Giang còn tồn tại, mang lại giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa cho phát triển du lịch như:

Văn hóa của người Khmer trong định hướng phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang - 9

- Làng nghề nặn đồ đất ở Hòn Đất: Nghề này tập trung ở xã Thổ Sơn, Nam Thái Sơn, Sơn Kiên và thị trấn Hòn Đất. Theo nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng: Xóm nghề này, trước năm 1945 tương đối phát triển, có hàng trăm cơ sở sản xuất, sản phẩm có mặt trong và ngoài tỉnh thậm chí một số sản phẩm của họ được xuất khẩu trao đổi với một số tỉnh của Campuchia. Chất lượng sản phẩm nung của Hòn Đất rất được ưa thích ở nhiều nơi. Nghề nặn đồ đất ở Hòn Đất là một nghề thủ công truyền thống mang tính gia truyền. Hầu như phần lớn các gia đình Khmer ở Hòn Đất, Hòn Me đều tham gia chế tác gốm. Nghề gốm ở đây mang tính quy mô nhỏ cho các hộ gia đình. Thời gian làm nghề thường được tiến hành vào thời gian nông nhàn, đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân nơi đây.

Hiện nay sản phẩm đất nung của Hòn Đất vẫn giữ một vai trò nhất định trong đời sống hàng ngày của người dân nông thôn. Một số sản phẩm như khuôn bánh khọt, siêu sắc thuốc, lò các loại, cà om đựng nướcvẫn là những vật dụng bằng đất nung vẫn được sử dụng rộng rãi. Quá trình lao động nghề đã hình thành một nếp sinh hoạt văn hóa riêng cho một bộ phận dân cư ở Hòn Đất: liên kết trong lao động, trao đổi mua bán.


Nghề nặn đồ đất Hòn Đất là một trong những nét văn hóa dân tộc đặc trưng của Kiên Giang. Ngành du lịch có thể đưa du khách thăm các xưởng chế tác đất và xem các sản phẩm đất nung.

- Làng nghề dệt chiếu Tà Niên: Trước đây nghề dệt chiếu là một nghề thủ công mang lại giá trị kinh tế khá cao, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân ở Xã Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành). Trước năm 2003, tại huyện Châu Thành có 58 cơ sở sản xuất chiếu với 111 lao động tham gia sản xuất. Nghề diệt chiếu Tà Niên là nghề thủ công truyền thống lâu đời. Nghề dệt chiếu dễ học nhưng chỉ phổ biến trong khu vực dân cư nhỏ, gia đình mang tính cha truyền con nối chưa thực sử trở thành nghề có tính chất truyền dạy nghề theo bài bản. Tuy dễ học nhưng nghề cũng đòi hỏi ngoài sự cần cù, tỉ mỉ người thợ còn phải có óc sáng tạo để sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Từ lâu nghề dệt chiếu Tà Niên đã trở thành một nghề truyền thống nổi tiếng và là sản phẩm thủ công đặc trưng của tỉnh Kiên Giang. Kỹ thuật lẫy (cãi), nhuộm, xử lý sợi lác, sợi chân càng được hoàn thiện đã làm cho chất lượng chiếu Tà Niên ngày càng được nâng cao và có danh tiếng không chỉ trong khu vực ĐBSCL mà còn được biết khắp trong và ngoài nước. Trước 1975, chiếu Tà Niên từng được xuất sang một số nước Đông Nam Á và một số nước Châu Âu (Pháp, Đức).

Sản phẩm nhiều lần đoạt huy chương vàng trong các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, nhưng hiện nay chỉ vào mùa cao điểm mới có hàng trăm hộ tham gia dệt chiếu, bình thường chỉ có khoảng 25 hộ sản xuất thường xuyên. Vừa qua, tỉnh đã đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa làng nghề dệt chiếu Tà Niên vào Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và khai thác du lịch làng văn hóa dân tộc Khmer”. Nếu như có sự quan tâm đầu tư đúng mức, có cơ chế chính sách hỗ trợ mang tính lâu dài, chắc chắn làng nghề dệt chiếu Ở Tà Niên sẽ góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.


- Làng nghề đan cỏ Bàng: Cây Bàng là một loại cây thuộc giống cỏ thuộc họ cói (Cyperaceae), có tên khoa học là Lepironia articulata và là một loại cây thân thảo, mọc tự nhiên ở những vùng đất hoang hóa, ngập sâu nhiễm chua phèn, chưa được cải tạo.

Sống trong một vùng đất phèn mặn, đồng bào Khmer ở Kiên Giang (đặc biệt là ở Phú Mỹ và Giang Thành) đã kiên nhẫn biến cỏ Bàng thành hàng hóa với các sản phẩm sinh hoạt và mỹ nghệ đem lại nguồn thu đáng kể. Có thể gọi đây là nghề lấy công làm lời, chất liệu lấy từ tự nhiên nên chi phí không cao. Bàng có thân cây rỗng không có bấc, có độ dẻo và bền khi khô. Người nông dân lấy về, đem ngâm bùn (hoặc nước) cho đỡ giòn, phơi nắng đến héo rồi đặt từng bó nhỏ trên miếng ván hoặc phiến đá, dùng chày giã cho dẹp hoặc dùng cán tay quay hay động cơ để cán sợi Bàng, sau đó phơi lại cho khô hẳn rồi đan thành những vật dùng hữu dụng. Hiện nay, người thợ không tự tay giã Bàng mà mua những sợi đã thành phẩm để đan. Trước đây, nghề đan cỏ Bàng chỉ tồn tại như một thứ công việc làm thêm của người phụ nữ Khmer tại địa phương vào thời điểm nông nhàn, với các sản phẩm như: những chiếc đệm đơn sơ dùng để nằm thay chiếu hoặc phơi lúa, làm buồm ghe, những cái bao đựng muối, đựng nông sản… Hàng làm ra giá rẻ, khó tiêu thụ do không có điều kiện mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ đan bằng cỏ Bàng rất phát triển, sản phẩm ngày càng đa dạng và duyên dáng… Nguyên nhân là từ tháng 12-2004, Hội Sếu Quốc tế đã tiến hành thực hiện dự án bảo tồn 2.000 ha đồng cỏ Bàng ngập mặn lớn nhất ĐBSCL. Dự án kết hợp hỗ trợ người dân địa phương làm các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp từ nguyên liệu cỏ Bàng như: chiếu, các loại giỏ, túi xách, nón… và mở rộng thị trường tiêu thụ sang nước ngoài.

Phương tiện di chuyển


Khi xưa người Khmer Kiên Giang sử dụng xuồng độc mộc (xuồng thường làm bằng cây dừa hiện đang trưng bày tại bảo tàng tỉnh), sau đó là xuồng ba lá khi đi đường thủy. Trên bộ có các loại xe bò, xe trâu (cộ), xe lôi bánh gỗ, hoặc bánh hơi vừa là phương tiện đi lại vừa là phương tiện vận chuyển nông sản trong mùa thu hoạch,


chuyên chở hàng hóa. Ngày nay người Khmer dùng xe đạp, xe đẩy hoặc xe trâu, bò kéo trên bộ, xuồng chèo dưới sông hay ghe tam bản, thuyền “tắc rán” hoặc thuyền “đuôi tôm” chạy máy. Nhà giàu thì có xe gắn máy, vỏ lãi để đi lại, chở hàng trên bộ, dưới sông; khi cần vận chuyển hàng hóa thì có thể thuê xe tải, tàu để chở.

2.2.3.2. Đời sống tinh thần


Hoạt động văn nghệ


Đồng bào Khmer là những nghệ sĩ nhân dân ở mọi thời đại. Văn nghệ dân gian của người Khmer rất phong phú về thể loại: Thần thoại, chuyện cổ tích, tục ngữ, ca dao, truyện cười, truyện kể, các loại hò, ca múa, trò diễn…Nền văn nghệ dân gian của đồng bào Khmer có giá trị rất lớn dù nó chỉ là sáng tác của nhân dân (những người không chuyên nghiệp). Có thể nói đó là nguồn cảm hứng, là “bầu sữa nuôi dưỡng” cho những tác phẩm nghệ thuật nói chung và sân khấu Dù Kê nói riêng.

Sân khấu

Muốn tìm hiểu sân khấu của đồng bào Khmer ở Kiên Giang, trước hết chúng ta tìm hiểu vốn âm nhạc của họ. Ấn tượng đầu tiên về âm nhạc truyền thống Khmer là giai điệu, tiết tấu sôi nổi, rộn ràng tươi vui. Dù sôi nổi, rộn ràng nhưng vẫn giữ nguyên được cái êm dịu, cái lâng lâng của nhịp sống của một cộng đồng trồng lúa nước, theo Phật giáo tiểu thừa. Và nghệ thuật sân khấu là một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer, là linh hồn của toàn bộ hệ thống nghệ thuật dân tộc. Hiện nay, nghệ thuật sân khấu Khmer còn tồn tại 3 hình thức phổ biến là: sân khấu Rô Băm, sân khấu Dù Kê, và sân khấu Lakhôn.

- Sân khấu Rô Băm (múa mặt nạ): Đây là loại kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer xưa đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rực rỡ.

Loại hình này lấy ngôn ngữ múa làm phương tiện chính để truyền đạt nội dung, các nghệ sĩ múa biểu diễn những động tác và tư thế của đôi bàn tay, trong tư thế phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, uốn cong của toàn thân. Người xem cảm thấy


bâng khuâng, thương nhớ các nàng Apsara (vũ nữ thiên đình) mà hình ảnh tuyệt vời còn lung linh trên mặt đá; với sức mạnh khái quát thể hiện tính chất trang nghiêm sùng kính của truyền thống tôn giáo và cung đình từ thời xa xưa… thể hiện ý tình sâu kín nhất của các nhân vật. Tuồng tích biểu diễn thường là chuyện cung đình hoặc những chuyện mang màu sắc thần thoại… Vở nổi tiếng là “Réamkèr” được rút ra từ áng hùng ca Ramayana của Ấn Độ, các vở khác như :Ra Ta Na Vông, Linh Thôn…

- Sân khấu Dù Kê (kịch hát): Ra đời trong dân gian từ đầu thế kỷ XX, phát triển rực rỡ sau giải phóng. Dù kê là loại hình sân khấu ca kịch có cốt truyện rõ ràng, được kết cấu theo chương hồi. Một vở dù kê được phát triển trên nền nhạc ca hát, đối thoại và động tác diễn. Điểm đặc biệt là mỗi lời hát đều kèm theo các điệu múa, sự kết hợp giữa tay và chân. Nếu như múa Rô-Băm xuất phát từ cung đình thì nghệ thuật dù kê vốn sinh ra từ nhân dân lao động trên cơ sở sự giao lưu văn hóa của cộng đồng người Khmer ở ĐBSCL.

Đầu tháng 3-2012 này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thông qua danh sách 12 di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012-2016, trong đó có nghệ thuật hát dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ. Nếu được công nhận, đó sẽ là bệ phóng để những tiếng đàn, tiếng hát dù kê thêm ngọt ngào, rộn rã; góp phần gìn giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo của người dân Khmer vùng châu thổ Cửu Long.

- Sân khấu Lakhôn: Được hình thành trên cơ sở sân khấu Dù Kê, được thể hiện trong quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc kết hợp với những thành công cảu nghệ thuật sân khấu Campuchia. Sân khấu Lakhôn có 2 dạng phổ biến là Lakhôn Cheat và Chhat Khliêng (hài kịch).

Nói đến văn nghệ dân gian Khmer không thể không đề cập đến hệ thống các loại nhạc cụ. Nhạc cụ của người Khmer rất phong phú và đa dạng, được chia làm 3 loại:


dàn nhạc dân gian (nhạc dây), dàn nhạc lễ (nhạc ngũ âm), dàn nhạc tang lễ (nhạc trống chầu).

Dàn nhạc ngũ âm độc đáo, là linh hồn của nhạc Khmer. Dàn ngũ âm không thể thiếu được trong những đêm hội dân gian, dàn nhạc hoàn chỉnh thường cần 9 người chơi để tạo ra những dòng âm thanh đặc trưng của dân tộc Khmer, gồm những nhạc cụ được chế tác bằng 5 chất liệu khác nhau: sắt (bộ Rô-net-dek), đồng (bộ chũm chọe chhưng), gỗ (bộ Rô-net-thun), da (bộ trống Skô-som-phô), hơi (kèn Srôlây).

Văn học

Trong cộng đồng người Khmer Kiên Giang hiện nay còn lưu truyền nhiều truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện giáo dục đời sống xã hộ nổi tiếng như: truyện “Thmênh cheay” hay “Acheay” và một kho tàng ca dao, tục ngữ, những câu đối, câu nói lái phong phú…Ngoài ra, còn có rất nhiều truyện về lịch sử địa danh, cổ tích. Người Khmer sớm có chữ viết nên đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều tài liệu, thư tịch cổ, tác phẩm được chép trên lá buông - thường gọi là Satra. Ở Kiên Giang loại Satra này còn lưu giữ được tại các chùa Cà Lang Ông, Cà Lang Mương, Sóc Xoài…

Lễ hội –Tín ngưỡng


Khi nói đến văn hóa của người Khmer thì không thể không nhắc đến những lễ hội truyền thống của họ. Lễ hội được xem là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của cộng đồng người Khmer, là tài nguyên du lịch vô giá. Những lễ hội có giá trị đối với du lịch là:

Lễ hội Chol-Chnam-Thmay


Chol-Chnam-Thmay còn được gọi là “ tết năm mới” hay “ Lễ chịu tuổi”. Chol- Chnam-Thmay được tổ chức vào đầu tháng Pôsăk, còn gọi là tháng Chét theo Phật lịch Tiểu thừa, theo dương lịch thì thường là vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 4 Dương lịch (nếu năm nhuần thì bắt đầu từ ngày 13- 4 Dương lịch). Đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong, người dân trong giai đoạn nông nhàn nên tha hồ vui Tết. Ăn tết xong là chuẩn bị đón mùa mưa, gieo sạ lúa.


Cũng như tết cổ truyền của các dân tộc khác, Chol- Chnam-Thmay của đồng bào dân tộc Khmer tuy có cùng ý nghĩa nhưng lại được tổ chức với vài tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của mình. Vì là một cộng đồng dân tộc theo Phật giáo Tiểu thừa nên mọi sinh hoạt Tết Chol-Chnam-Thmay của đồng bào Khmer đều diễn ra tại chùa.

Tết Chol-Chnam-Thmay diễn ra trong ba ngày với những nghi lễ khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là Moha Sang-kran hoặc Chol Sang-kran. Vào ngày này, tất cả rửa mặt với chậu nước thánh vào buổi sáng, rửa thân mình vào buổi trưa và rửa chân vào buổi tối trước khi đi ngủ để cầu mong may mắn. Sau khi tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, người ta mang lễ vật vào chùa làm lễ rước lịch Moha Sang-kra. Theo sự điều khiển của một vị Acha, mọi người đứng xếp hàng và cùng với Moha Sang-kra được đặt trong khay sơn son thếp vàng đưa lên kiệu khiêng, đi vòng quanh chính điện 3 vòng. Đây vừa là lễ chào mừng năm mới vừa chờ điềm báo năm mới tốt hay xấu, tùy vào cuộc rước có hoàn thiện hay không. Sau đó, tất cả vào lễ Phật, tụng kinh chúc mừng năm mới… Ban đêm, những người lớn tuổi tụ họp trong giảng đường nghe sư thuyết pháp, còn thanh niên thì tham gia các trò chơi dân gian, hát Dù Kê, Rô Băm, mùa Lăm Vông…tại sân chùa. Ngày thứ hai gọi là Won-bot hoặc Wanabat, mọi người làm lễ dâng cơm cho các sư sãi ở chùa vào sáng sớm và trưa. Tới chiều thì đắp những núi cát (còn gọi Puôn-fun-khsach) tượng trưng cho sự bền vững của vũ trụ, trời đất ở chín hướng. Núi thứ chín nằm ở chính giữa gọi là Mê-ru, biểu tượng trung tâm của trái đất. Cuối buổi chiều họ làm lễ quy y cho núi.Ngày thứ ba gọi là Tngai Laeung Saka hoặc Lơm Săk. Vào buổi sáng tiếp tục dâng cơm cho các sư sãi, họ tiếp tục nghe thuyết pháp. Chiều, đốt nhang đèn, dâng lễ vật, đưa nước có ướp hương thơm đến tắm tượng Phật, sau đó tắm cho các vị sư sãi cao niên. Sau lễ tại chùa, mọi người rước các nhà sư đến nghĩa trang, để thực hiện lễ cầu siêu cho những người quá cố. Cuối cùng ai về nhà nấy, làm lễ tắm tượng phật tại nhà mình, dâng cỗ chúc phúc ông bà cha mẹ, xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm năm cũ.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/04/2023