diện của con người. Do đó, tuy trong quá trình cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển con người toàn diện, song, thực trạng phát triển con người toàn diện ở Trung Quốc hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, còn rất nhiều vấn đề phải làm trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường để tạo ra cơ hội và không gian cho sự phát triển tự do, toàn diện của con người.
3.2.1. Hạn chế của phát triển con người toàn diện trên phương diện kinh tế
Mặc dù phát triển kinh tế không phải là mục tiêu của phát triển con người, nhưng nếu không có nền kinh tế phát triển thì rất khó đáp ứng được nhu cầu cơ bản của con người. Tổng kết 40 năm cải cách mở cửa, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đánh giá, từ năm 1978 đến năm 2019, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tính theo giá cố định đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm 6,1%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình 2,6% của các nền kinh tế toàn cầu, dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong số các nền kinh tế lớn. Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh đã dẫn đến một loạt các tác động bất lợi, chẳng hạn như hiệu quả sử dụng vốn thấp, chi phí quá cao cho môi trường và tài nguyên, tình trạng tiêu hao năng lượng nghiêm trọng… dẫn đến sự phát triển thiếu cân bằng, thiếu phối hợp và không hài hòa. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng quá nhanh gây áp lực đáng kể lên các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng, làm hạn chế khả năng cải thiện chất lượng cuộc sống. Những hạn chế của nền kinh tế Trung Quốc tác động đến sự phát triển toàn diện của con người cụ thể như sau:
Thứ nhất, hiệu quả kinh tế thấp. Hiện nay, hiệu quả kinh tế của Trung Quốc vẫn ở mức tương đối thấp. GDP năm 2019 của nước này là 99,0865 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương khoảng 13,6 nghìn tỷ USD), nhưng GDP bình quân đầu người là 10.276 USD [123], thấp hơn nhiều so với các nước phát triển hàng đầu như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh.
Dịch vụ là ngành ít ô nhiễm, tiêu thụ năng lượng thấp và giá trị gia tăng cao, ngành dịch vụ có thể tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy các ngành liên quan
khác phát triển, đây là chìa khóa để tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp, nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Những năm gần đây, ngành dịch vụ của Trung Quốc đã liên tục tăng tỷ trọng trong GDP, đạt tới 53,9% vào năm 2019. Nhưng con số này chỉ bằng khoảng 1/3 so với Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Đức (trên cơ sở sức mua tương đương) và tỷ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 47,4% trong năm 2019 [123], cao hơn nhiều so với Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản và Đức. Cung ứng thiếu, hiệu quả không cao và khả năng tạo việc làm yếu của ngành dịch vụ là những trở ngại chính cho quá trình chuyển đổi kinh tế.
Thứ hai, chưa có các động lực tăng trưởng kinh tế bền vững. Xét các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp của đầu tư truyền thống và xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế đang suy yếu, trong khi tiêu dùng đang dần tăng lên. Tuy nhiên, mức tiêu dùng thấp, đặc biệt là mức tiêu dùng thấp của hộ gia đình vẫn là nhân tố chủ yếu hạn chế sự phát triển ổn định của nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai. Chi tiêu bình quân đầu người năm 2019 của Trung Quốc chiếm 53,7% GDP, thấp hơn mức chi tiêu của các nước phát triển lớn (từ 72,7% đến 84,2% GDP), trong đó chi tiêu của hộ gia đình chiếm 39,3%, tỷ trọng chi tiêu của chính phủ là 14,4%. Như vậy, Trung Quốc chưa có các động lực để tác động đến, làm cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn [122].
Thứ ba, năng lực đổi mới sáng tạo còn yếu, đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu cơ bản còn thấp. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới tri thức, đổi mới kỹ thuật và đổi mới ngành nghề kết hợp với nhau, do đó nghiên cứu cơ bản trở thành động lực chính thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn đầu tư cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc vẫn còn thấp, tỷ trọng năm 2019 chỉ chiếm 6,03% trong tổng số ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 15-20% của các nước Âu - Mỹ [122]. Như vậy, Trung Quốc vẫn thua xa các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Đức về đổi mới công nghệ.
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Vấn Đề Lý Luận Rút Ra Từ Tư Tưởng Của Các Hạt Nhân Lãnh Đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc Qua Các Thời Kỳ
- Thành Tựu Phát Triển Con Người Toàn Diện Trong Quá Trình Xây Dựng Chủ Nghĩa Xã Hội Đặc Sắc Trung Quốc Kể Từ Khi Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Ra
- Thành Tựu Phát Triển Con Người Toàn Diện Trên Phương Diện Xã Hội
- Vấn đề phát triển con người toàn diện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và ý nghĩa tham khảo đối với Việt Nam - 14
- Hạn Chế Của Phát Triển Con Người Toàn Diện Trên Phương Diện Môi Trường
- Khái Quát Tình Hình Phát Triển Con Người Toàn Diện Ở Việt Nam
Xem toàn bộ 193 trang tài liệu này.
Thứ tư, tình trạng dân số già tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế.
Trước hết, dân số già đã có những tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động.
Những năm gần đây, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi từ 16 đến 59 của Trung Quốc đang giảm dần và dự kiến sẽ còn giảm nhiều hơn sau năm 2030. Tình trạng thiếu lao động do dân số già đã cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế tác động tiêu cực đến việc tăng thu nhập. Nếu không tăng tuổi nghỉ hưu có thể dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ lương hưu. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm tăng số lượng lao động cao tuổi, đặt ra một thách thức mới trong việc làm thế nào để đảm bảo sự bình đẳng và không phân biệt đối xử với người cao tuổi trong tìm kiếm việc làm. Trung Quốc từ lâu đã có một nền kinh tế định hướng xuất khẩu và sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế từ lâu đã phụ thuộc vào nguồn cung lao động khổng lồ, đây cũng là một trong những lợi thế so sánh lớn nhất của Trung Quốc. Nhưng với lực lượng lao động già hóa, lợi nhuận tạo ra bởi các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động ít nhiều chịu tác động tiêu cực, gây bất lợi cho sự ổn định của phát triển kinh tế. Hai là, dân số già có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến tổng đầu tư do ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm. Một xã hội già hóa sẽ làm giảm tỷ lệ tiết kiệm của quốc gia, dẫn đến tỷ lệ tích lũy và đầu tư giảm, ảnh hưởng đến sự hình thành nguồn vốn xã hội và có thể làm giảm sức mua, dẫn đến nhu cầu thấp. Tất cả những điều này đã tạo ra tác động tiêu cực đối với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Ba là, tình trạng dân số già ở Trung Quốc bước đầu đã làm tăng đáng kể các khoản chi cho an sinh xã hội, tạo thêm gánh nặng tài chính cho Chính phủ do Chính phủ phải đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngày càng tăng lên cho người cao tuổi.
Thứ năm, sự phát triển không cân bằng trong lĩnh vực kinh tế hạn chế sự phát triển toàn diện của con người
Những biểu hiện của sự phát triển không cân bằng trong lĩnh vực kinh tế bao gồm: Một là, sự không cân bằng giữa cung và cầu trong cơ cấu nền kinh tế thực, thể hiện chủ yếu ở sự không cân bằng về cơ cấu giữa nguồn cung cấp cao và hiệu quả không đủ với nguồn cung cấp thấp và hiệu quả kém. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang chuyển từ tăng trưởng tốc độ cao sang phát triển chất lượng cao, tuy nhiên, nhiều ngành sản xuất ở trình độ thấp, tiêu hao nhiều năng lượng đã cản trở sự phát triển kinh tế và ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang phát triển chất lượng cao. Trong thời kỳ hậu công nghiệp, cơ cấu tiêu dùng và
quan niệm tiêu dùng của con người đã có những thay đổi to lớn, nhưng hệ thống cung ứng chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng đa dạng, đa cấp, chất lượng cao của con người. Hai là, sự không cân bằng giữa kinh tế thực và tài chính. Khu vực tài chính dựa vào bong bóng giá tài sản để liên tục tăng lợi nhuận, dẫn đến tăng rủi ro trong hệ thống tài chính, đồng thời làm cho việc tập trung nguồn vốn cho nền kinh tế thực gặp khó khăn, từ đó dẫn đến đầu tư và thu nhập của kinh tế thực giảm sút, sự phát triển bị kìm hãm và tăng trưởng chậm lại. Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền tài chính cuối cùng đã dẫn đến sự mất cân bằng giữa nền kinh tế thực và nền tài chính. Ba là, sự phát triển không cân bằng giữa kinh tế thực và bất động sản. Một số lượng lớn các nguồn lực tài chính tập trung vào thị trường bất động sản, khiến giá nhà đất ở các thành phố cấp 1 và cấp 2 của Trung Quốc tăng nhanh, làm tăng thêm chi phí vận hành của nền kinh tế thực. Nền kinh tế thực thiếu các quỹ phát triển tương ứng, và môi trường của nền kinh tế thực ngày càng xấu đi.
Sự không cân bằng trong lĩnh vực phát triển kinh tế của Trung Quốc cho thấy vấn đề chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế thấp. Phương thức phát triển theo đuổi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trước đây không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội hiện nay. Khi các điều kiện sống vật chất cơ bản được đáp ứng, người dân càng theo đuổi chất lượng cuộc sống, nhưng sự thay đổi của phương thức phát triển kinh tế trong nước chưa theo kịp sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, Ph.Ăng- ghen chia nhu cầu của con người thành tư liệu sinh hoạt, tư liệu hưởng thụ và tư liệu phát triển. Hiện nay, trong điều kiện kinh tế Trung Quốc, nhu cầu về tư liệu sinh hoạt đã được đáp ứng, nhưng tư liệu hưởng thụ và tư liệu phát triển vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Điều này một mặt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, mặt khác, dẫn đến nhu cầu của người dân không được đáp ứng đầy đủ, từ đó cản trở sự phát triển toàn diện của con người. Lực lượng sản xuất phát triển là tiền đề để con người được phát triển toàn diện. Chỉ khi nguồn tư liệu vật chất dồi dào, trình độ của lực lượng sản xuất nâng cao, nền kinh tế phát
triển bền vững, nhu cầu vật chất của con người được đáp ứng đầy đủ thì mới có thể thực hiện được sự phát triển toàn diện của con người ở mức độ và tầng bậc cao hơn.
3.2.2. Hạn chế của phát triển con người toàn diện trên phương diện chính trị
Nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả, Trung Quốc đã tập trung thực hiện việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc đã thực hiện tốt việc giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, thực hiện mạnh mẽ tiến trình dân chủ hóa kinh tế, tiếp sau đó là từng bước dân chủ hóa đời sống chính trị xã hội. Mục tiêu của Trung Quốc trong 20 năm đầu của thế kỷ 21 là đạt được mục tiêu hoàn thiện nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa, trong đó xây dựng Đảng là khâu then chốt. Tuy nhiên, Trung Quốc đã gặp phải những hạn chế trong phát triển con người toàn diện trên phương diện kinh tế như sau:
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chưa đi liền với phát triển xã hội, cải cách chính trị không theo kịp cải cách kinh tế. Những rào cản về mặt thể chế, cơ chế chính trị gây trở ngại cho cải cách và phát triển kinh tế đồng thời ảnh hưởng đến vai trò chủ thể của nhân dân, từ đó tác động đến quá trình phát triển con người toàn diện. Do đó, Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012) đã đưa ra khái niệm “văn minh chính trị” khi bàn về vấn đề xây dựng chính trị và cải cách thể chế chính trị. Từ đó, xây dựng văn minh chính trị cùng với xây dựng văn minh vật chất và văn minh tinh thần trở thành các trụ cột lớn trong nhiệm vụ của Trung Quốc.
Thứ hai, người dân Trung Quốc đặt ưu tiên vào các vấn đề như an ninh, nhu cầu được bảo đảm về vật chất hơn so với nhu cầu về dân chủ. Hơn 40 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực kinh tế, mức sống của người dân Trung Quốc được nâng lên rò rệt, do đó, mặc dù quyền lợi của người dân Trung Quốc bị trực tiếp đe dọa bởi những vấn đề như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng trong phân phối thu nhập, internet bị kiểm duyệt… thì
đa số người dân Trung Quốc vẫn hài lòng với chính quyền.
Thứ ba, suốt một thời gian dài Trung Quốc tập trung cho tăng trưởng kinh tế, chưa tập trung cho việc xây dựng chính trị, hoàn thiện thể chế, cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho con người được phát huy quyền làm chủ đất nước. Việc tập trung cho tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ các yếu tố chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường dẫn đến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, vấn nạn tham nhũng tràn lan và sự gia tăng các bất bình đẳng trong xã hội. Theo giáo sư Đại học Oxford Stein Ringen, hiện tượng tham nhũng ở Trung Quốc chia thành ba cấp độ: Cấp độ thấp nhất, lan tỏa nhiều nhất trong sinh hoạt hàng ngày và có mặt ở khắp mọi nơi thuộc về các lĩnh vực: dịch vụ, cấp giấy phép, cấp giấy chứng nhận, thương mại, cấp phép, trường học, bệnh viện…; cấp độ thứ hai, trong bộ máy chính quyền, liên quan đến việc mua quan bán tước; cấp độ cuối cùng, cấp độ cao nhất, đây không còn là tham nhũng, đó là tội phạm có tổ chức [167, tr. 24-25]. Một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Trung Quốc hiện nay chính là giải quyết tình trạng tham nhũng tràn lan, làm tăng hiệu quả quản trị của chính quyền, xây dựng nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo về chính trị cho sự phát triển toàn diện của con người.
3.2.3. Hạn chế của phát triển con người toàn diện trên phương diện văn hóa
Văn minh tinh thần phát triển cao là cơ sở cho sự phát triển toàn diện của con người, chỉ khi phát triển văn minh tinh thần mới có thể tạo ra môi trường văn hóa tốt cho sự phát triển toàn diện của con người, có sức mạnh tinh thần và hỗ trợ trí tuệ cho sự phát triển của văn minh vật chất xã hội. Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối mặt với những hạn chế trên phương diện văn hóa trong phát triển con người toàn diện như sau:
Trước hết, sự phát triển không cân bằng giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần tác động đến sự phát triển toàn diện của con người. Văn minh vật chất và văn minh tinh thần phát triển là điều kiện cơ bản để thực hiện phát triển con người toàn diện. Trải qua hơn 40 năm cải cách, mở cửa, thời kỳ khan
hiếm vật chất những ngày đầu thành lập của đất nước Trung Quốc đã qua, người dân Trung Quốc ngày càng theo đuổi mục tiêu thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Tuy nhiên, trong quá trình cải cách mở cửa và phát triển thể chế kinh tế thị trường, việc xây dựng văn minh vật chất ở Trung Quốc vượt xa xây dựng văn minh tinh thần, dẫn đến sự không cân bằng giữa phát triển văn minh vật chất và văn minh tinh thần, thành quả của xây dựng văn minh tinh thần không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu văn hóa tinh thần của con người, từ đó cản trở sự phát triển toàn diện của con người.
Thứ hai, quan niệm của con người về vật chất thay đổi do tác động của kinh tế thị trường. Cạnh tranh trong điều kiện kinh tế thị trường dẫn đến sự thừa thãi về vật chất và thiếu thốn về tinh thần, điều này tác động đến quan niệm của con người về tiền bạc, thúc đẩy quan điểm tôn thờ tiền bạc, quan niệm về lợi ích, quan niệm về sự hưởng thụ của con người, dẫn đến các xu hướng tư tưởng như chủ nghĩa kim tiền, chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa hưởng thụ. Tình trạng chỉ tập trung vào nhu cầu vật chất mà thiếu nhu cầu tinh thần làm cho cơ cấu nhu cầu của con người không cân bằng, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thứ ba, văn hóa phương Tây tác động đến việc xây dựng văn minh tinh thần. Trong môi trường xã hội mở cửa với thế giới bên ngoài, các nước phương Tây đã tiến hành truyền bá văn hóa vào Trung Quốc, làm lung lay ý chí của người dân, làm suy yếu tính gắn kết xã hội, ảnh hưởng đến bầu không khí xã hội và việc xây dựng văn minh tinh thần. Nhìn chung, sự phát triển không đầy đủ của văn minh tinh thần sẽ hạn chế sự phát triển của văn minh vật chất, làm cho cấu trúc tổng thể của xã hội không cân bằng, và cuối cùng đã làm hạn chế sự phát triển toàn diện của con người.
Giá trị của việc xây dựng nền văn minh tinh thần là thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, và sự phát triển toàn diện của con người là động lực nội sinh để xây dựng nền văn minh tinh thần. Phát triển con người toàn diện không chỉ là sự thoả mãn tổng thể các nhu cầu của con người, mà còn bao gồm cả sự phát
triển tổng thể các năng lực và phẩm chất. Theo tư tưởng của Mác, trách nhiệm, sứ mệnh, nhiệm vụ của con người là phải phát huy mọi khả năng của mình một cách toàn diện, trong đó cũng bao gồm năng lực tư duy. Tốc độ chậm của công cuộc xây dựng văn minh tinh thần so với văn minh vật chất ở Trung Quốc đã dẫn đến nhu cầu văn hoá tinh thần ngày càng tăng lên của con người trong thời đại mới không được đáp ứng đầy đủ. Ngoài ra, cá nhân và xã hội thống nhất biện chứng, cá nhân luôn tồn tại và phát triển trong xã hội, sự phát triển không đầy đủ của văn minh tinh thần trong xã hội không có lợi cho việc nâng cao năng lực tư duy cá nhân và tố chất văn hóa, khoa học của con người.
3.2.4. Hạn chế của phát triển con người toàn diện trên phương diện xã
hội
Mác cho rằng, con người là chủ thể của xã hội, và phát triển con người là
tiền đề để phát triển xã hội. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội thực chất là vấn đề phát triển con người, vì vậy quá trình liên tục giải quyết vấn đề xã hội thực chất là quá trình không ngừng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người. Để thực hiện sự phát triển toàn diện của con người, Trung Quốc phải bắt đầu từ vấn các đề xã hội, xuất phát từ lợi ích sống còn của nhân dân, nỗ lực giải quyết những vấn đề mà nhân dân quan tâm nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, những hạn chế trong vấn đề xã hội đã tác động không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của con người. Hạn chế về phát triển con người toàn diện trên phương diện xã hội được thể hiện qua những nội dung sau:
3.2.4.1. Vấn đề phát triển không đồng đều
Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền chủ yếu thể hiện ở sự chênh lệch lớn về phát triển giữa các vùng miền Đông, miền Trung và miền Tây; trình độ phát triển giữa miền Bắc và miền Nam có sự chênh lệch lớn; vùng ven biển phát triển nhanh trong khi vùng nội địa phát triển chậm; sự phát triển của các tỉnh, thành phố, khu tự trị không đồng đều.
Trước hết, sự mất cân bằng trong phát triển giữa các vùng miền đã làm cho các khu vực phát triển tập trung quá mức các nguồn lực xã hội như nhân lực, vật