Cá Nhân Nhân Cách Và Cá Nhân Lệ Thuộc Vào Điều Kiện Giai Cấp

là tính giai cấp của gia đình. Cho nên, bản chất cộng đồng nguyên thủy của con người (ở tuổi thiếu niên) là cái quy định nhân cách đầu tiên của nó với những đặc điểm của quá trình giáo dục của mỗi con người (của đứa trẻ đó) và do đặc điểm giáo dục đối với mỗi đứa trẻ mà đứa trẻ đó có được cá tính riêng. Khi đứa trẻ đi vào một giai cấp xã hội, với cá tính riêng của mình, đứa trẻ vẫn chưa mang tính giai cấp xã hội, mà chỉ mang tính giai cấp gia đình. Bản chất của bản thân đứa trẻ đó, chủ yếu vẫn là bản chất con người chung (nguyên thủy) [Xem 118, tr.56].

Như vậy là, theo Trần Đức Thảo, bất luận thế nào, khi con người (đã qua tuổi thiếu niên, người trưởng thành), xây dựng tính giai cấp của bản thân, tức là cá nhân đã là một cá nhân của giai cấp, mang tính chất và nhân cách giai cấp, thì cái nhân cách đó, giờ đây bao gồm cái nhân cách đầu tiên (nhân cách của con người chung - loài) và hình thành nên một nhân cách mới, đó là nhân cách phát triển mang bản chất giai cấp, trong đó, cái nhân cách đầu tiên (nhân cách của con người chung) có biến đổi, nhưng không mất hết. Lúc này con người cụ thể - cá nhân đã tham gia vào quan hệ giai cấp, cái quan hệ trực tiếp chi phối hoạt động sống của cá nhân, cho nên, tính giai cấp giờ đây là trội hơn, nó thấm sâu vào toàn bộ cá nhân đó, nó chi phối nhân cách của cá nhân đó. Mặc dù vậy, ở bản thân mỗi cá nhân, nằm dưới tính giai cấp, luôn luôn có tính người theo nghĩa cơ bản chung với những phẩm chất người được hình thành trong quá trình giáo dục của bản chất xã hội nguyên thủy, của gia đình, của cộng đồng.

Cái bản chất tính người chung đó ở một cá nhân có thể được phát triển trong tính giai cấp, hoặc có thể bị che lấp, có khi bị ức chế mạnh (tùy vào mức độ ảnh hưởng mạnh hay yếu của tính chất giai cấp), nhưng điều chắc chắn là, cái bản chất tính người chung đó vẫn luôn tồn tại trong mỗi cá nhân, dù nó không biểu hiện ra. Theo Trần Đức Thảo, đây là bản chất gốc (Trần Đức Thảo gọi là bản chất hàng 2 - cái chìm dưới tầng giai cấp) của con người, nó có trước và trong quan hệ giai cấp, nó lắng xuống ở dưới cái bản chất tính giai cấp (Trần Đức Thảo gọi là hàng 1 - tầng hiện tại).

Với lập luận đó, Trần Đức Thảo khẳng định rằng, tính giai cấp là cái xuất hiện sau tính người, nó được xây dựng dựa trên cơ sở của tính người theo nghĩa cơ bản chung [Xem 118, tr.57]. Tính người cơ bản chung là cái tồn tại vĩnh viễn, nó khẳng định bản chất của con người; còn tính giai cấp là cái phái sinh - nó được sinh ra từ quan hệ giai cấp, từ bản chất của xã hội giai cấp. Quan điểm này của ông vừa phát triển quan điểm về bản chất con người của C.Mác, vừa bảo vệ quan điểm về con người trong xã hội và lý thuyết đấu tranh giai cấp của C.Mác.

Với ý đồ xóa nhòa quan hệ giai cấp và vấn đề đấu tranh giai cấp của triết học Mác, phái “Lý luận không có con người” (đại biểu là Althusser) đưa ra quan điểm cho rằng: “Xã hội không phải là do những cá nhân hợp thành” [Dẫn theo 118, tr.49]. Althusser đã trích dẫn câu trên từ tác phẩm Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị của C.Mác. Từ câu trên, họ nhận định triết học Mác không có con người nói chung, chỉ có con người riêng, con người cụ thể, con người giai cấp.

Trần Đức Thảo đã phê phán Althusser bằng việc xem xét lại văn bản gốc của C.Mác [Xem 118, tr.57-58]. Đoạn viết đề cập tới việc C.Mác phê phán Proudhon, khi ông này cho rằng “về phương diện xã hội”, không có sự chênh lệch giữa người tư bản với người công nhân. Sự khác biệt giữa vốn tư bản và lợi nhuận là “không có về phương diện xã hội”. Nên Proudhon kết luận tình trạng bóc lột là do sự liên hệ chủ quan giữa các cá nhân, chứ không phải do quy luật khách quan của hệ thống quan hệ xã hội tư bản chủ nghĩa. C.Mác phê phán rằng, Proudhon là không đúng, khi coi xã hội giai cấp là một tập hợp những cá nhân con người chung chung, không kể đến những quan hệ xã hội giai cấp. C.Mác đã viết: “Chính xã hội không phải là do những cá nhân hợp thành. Xã hội là biểu hiện tổng hợp những liên hệ, quan hệ, trong ấy những cá nhân đứng người nọ đối với người kia” [Dẫn theo 118, tr.59]. Bằng việc cắt gọt câu từ của C.Mác ra khỏi mạch viết, Althusser đã khiến nghĩa của đoạn văn thay đổi sang hướng khác, là chủ nghĩa Mác không có con người nói chung.

Trần Đức Thảo bảo vệ quan điểm của C.Mác và từ lý luận về quan hệ xã hội - giai cấp trong mỗi con người, ông lập luận rằng, trong xã hội có giai cấp (mà lịch sử loài người từ khi xã hội nguyên thủy tan rã, là xã hội có giai cấp), thì con người trong xã hội là có tính giai cấp - trong xã hội nô lệ có người nô lệ và người công dân, trong xã hội phong kiến có người nông nô và chúa đất, trong xã hội tư bản có người tư sản và người vô sản. Trong xã hội giai cấp đó, bản chất con người chung với tư cách loài bị che lấp, bị ức chế, con người bị tha hóa. Trần Đức Thảo mượn lời C.Mác trong tác phẩm Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị: “Ngoài xã hội thì họ mới là những con người”… Tư cách nô lệ và tư cách công dân là do những quy định xã hội, những sự liên hệ giữa hai người A và B. Người A với tư cách bản thân người A thì không phải là nô lệ. Anh chỉ là nô lệ trong và do xã hội” [Dẫn theo 118, tr.58].

Để làm rõ thêm quan điểm trên của C.Mác, Trần Đức Thảo lập luận: nếu anh trốn thoát lên rừng và sống trong rừng thì cái tư cách nô lệ, tức là cái quan hệ nô lệ của người A đối với người B mất đi, và còn lại là bản thân người A với tư cách là con người theo nghĩa chung, coi như “ngoài xã hội (giai cấp)”. Người nô lệ là người

mất tư cách tự do và mất chính mình - giờ đây anh ta chỉ còn là con người với những phẩm chất, năng lực đã được xây dựng nên từ thời nguyên thủy (với mỗi cá nhân là tuổi nhi đồng), đó là sức lao động, tiếng nói và ý thức về đối tượng khách quan, về bản thân Mình và về bản thân Tôi (Trần Đức Thảo phân biệt hai ngôi vị Mình và Tôi - mình là quan hệ của bản thân cá nhân với chính Mình, còn Tôi là quan hệ giữa bản thân cá nhân với đối tượng bên ngoài cá nhân (xem thêm 3.1.2.) - đấy là con người theo nghĩa cơ bản chung. Trong xã hội giai cấp, con người chung đó bị áp đặt tư cách nô lệ cho anh ta. Tức là anh ta chỉ là nô lệ trong xã hội giai cấp và do xã hội giai cấp áp đặt. Còn với tư cách bản thân anh ta, tức là không kể đến các hệ thống quan hệ xã hội giai cấp, thì anh ta vẫn là con người theo nghĩa chung.

Theo quan điểm của C.Mác thì xã hội là biểu hiện sự tổng hợp những liên hệ, những quan hệ mà trong đó những cá nhân, người nọ đứng bên cạnh người kia, liên hệ với nhau theo cấu trúc của quan hệ xã hội; nghĩa là, xã hội ở đây là xã hội giai cấp, xã hội gồm một hệ thống quan hệ giai cấp giữa những cá nhân với nhau, những cá nhân trong xã hội này không đơn thuần chỉ mang tư cách con người theo nghĩa cơ bản chung, mà giờ đây họ còn mang tư cách xã hội giai cấp, và hơn thế nữa, những quan hệ giai cấp còn che lấp cả tư cách con người chung. Vì vậy, C.Mác mới khẳng định rằng, “ngoài xã hội (xã hội giai cấp) thì họ mới là những con người”. Tất nhiên, cái nghĩa “ngoài xã hội” chỉ mang nghĩa tương đối, trừ trường hợp người nô lệ chạy trốn lên rừng thì không ai thực sự đứng ra ngoài xã hội. Khái niệm “ngoài xã hội” ở đây có nghĩa là ngoài cái hệ thống quan hệ giai cấp, tức là không kể đến những quan hệ giai cấp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

Và như thế, theo Trần Đức Thảo, con người với tư cách mỗi cá nhân (từ khi công xã nguyên thủy tan rã) là con người của quan hệ xã hội, đồng thời là con người giai cấp, nhưng không phải chỉ có con người giai cấp như phái “lý luận không có con người” khẳng định. Ngoài con người giai cấp (luôn biến động) là con người chung. những con người đúng như họ đã được tạo dựng thành người từ tuổi nhi đồng trước khi họ đi vào quan hệ giai cấp. Và dĩ nhiên, theo Trần Đức Thảo, những con người như thế vẫn sẽ là con người đứng trong xã hội nói chung, tức là trong “toàn diện (tổng hòa) những quan hệ xã hội” như C.Mác khẳng định trong Luận cương thứ VI về Phoiơbắc. Cái toàn diện (tổng hòa) các quan hệ xã hội đó, theo ông, bao hàm hai tầng lớp quan hệ xã hội liên hệ với nhau: tầng lớp quan hệ xã hội chung (của loài người) và tầng lớp xã hội giai cấp; tầng lớp quan hệ xã hội chung (cộng đồng) được hình thành trong suốt lịch sử phát triển loài người, nhưng

từ khi công xã nguyên thủy tan rã, thì trên nền tảng quan hệ xã hội chung đó được thiết lập các quan hệ giai cấp. Ở nền tảng xã hội cộng sản nguyên thủy tái diễn trong xã hội cộng đồng của đứa trẻ trong gia đình, tạo nên con người theo nghĩa cơ bản chung của loài người và xây dựng trên nền tảng đó là xã hội giai cấp.

Vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo - 12

Đối với những người qua tuổi thiếu niên (đã trưởng thành) họ đã là những cá nhân trong xã hội thì cũng có nghĩa là họ đã đi vào giai cấp với tư cách là những cá nhân mang tính giai cấp. Lúc này, cái nền tảng xã hội cộng đồng ở mỗi cá nhân xuất phát từ thời nguyên thủy, tuy không còn trên thực tế khách quan bên ngoài nữa, nhưng nó vẫn tiếp tục tồn tại trong hình thái tính người ở nội tâm con người. Cái tính người đó, tính quan hệ giai cấp bị ức chế, bị sai lạc, tức là bị tha hóa do những quan hệ bóc lột và bị bóc lột tạo ra. Trong giai cấp bóc lột, cái tính người trên thực tế không hoạt động nữa, nhưng nó còn giữ được một sự tồn tại bề ngoài. Trái lại, trong quần chúng lao động bị bóc lột thì tình trạng tha hóa đi đến chỗ, con người trong thực tế xã hội càng ngày càng mất cả cái bề ngoài của tính người. Do đó thì cái tính người vẫn duy trì trong chủ quan, lại nổi dậy và phát triển trong đấu tranh cách mạng của giai cấp lao động, và nó là động cơ chủ quan thúc đẩy sự tiến bộ của ý thức giai cấp cách mạng tiến lên từ tự phát đến tự giác và tổng hợp thành lý luận cách mạng.

Diễn đạt mối quan hệ giữa quan hệ xã hội và quan hệ giai cấp ở mỗi cá nhân, Trần Đức Thảo phát biểu quan điểm của mình theo cách mà V.I.Lênin đã trình bày về phép biện chứng giữa bản chất và hiện tượng trong Bút ký triết học: “Tư duy con người đào sâu vô hạn từ hiện tượng đến bản chất, từ cái bản chất có thể gọi là hàng một đến cái bản chất hàng hai, v.v.. và đi sâu vô hạn” [Dẫn theo 118, tr.126]. Theo đó, Trần Đức Thảo viết: “Có thể nói cái bản tính giai cấp là bản chất hàng một của con người, và cái bản tính cộng sản nguyên thủy là cái bản chất hàng hai, nó là cái cơ bản chung của con người, làm nền tảng cho cái bản chất giai cấp” [118, tr.42]. Bản chất cộng sản nguyên thủy này làm cơ sở trực tiếp cho những hiện tượng ở tầng bản chất giai cấp.

3.2.3. Cá nhân nhân cách và cá nhân lệ thuộc vào điều kiện giai cấp

3.2.3.1. Cá nhân nhân cách lệ thuộc điều kiện giai cấp

Sau khi bóc tách các vấn đề về quan hệ con người chung và con người cụ thể; vấn đề con người chung và con người giai cấp, Trần Đức Thảo tiếp tục bóc tách sâu thêm vào một quan hệ có thể nói là nhân lõi của vấn đề con người. Đó là chiều sâu bản chất con người - vấn đề nhân cách. Theo Trần Đức Thảo, nhân cách con người, cái cốt lõi của con người cũng luôn nằm trong mối quan hệ biện chứng -

nhân cách gốc của chính con người với tư cách con người chung và nhân cách bị chi phối bởi môi trường và điều kiện sống, trở thành cái nhân cách không còn nguyên gốc bản chất con người, mà ông gọi nó là nhân cách lệ thuộc, cái mà theo ông, thực chất đó không còn là cá nhân nhân cách nữa.

Trong lịch sử phát triển của xã hội, chính sự phân công lao động đã làm cho các quan hệ xã hội trở nên độc lập với nhau, và quan hệ xã hội của các cá nhân trong các giai cấp khác nhau cũng mang tính chất khác nhau, từ đó mà đời sống của mỗi cá nhân cũng mang những sắc thái khác nhau. Như vậy, trong xã hội nói chung và xã hội giai cấp, trong điều kiện sống xã hội, sự khác nhau giữa các cá nhân là điều tất yếu, mặc dù trong mỗi cá nhân, cái nhân cách của anh vẫn còn thuộc về bản thân anh, khi anh tham gia một ngành lao động với đặc điểm lao động vốn có của nó. Điều đó không có nghĩa, người chủ kim hoàn hay chủ tư bản chẳng hạn, không còn là những nhân vị nữa. Nhưng cái nhân vị của họ giờ đây đã phụ thuộc vào những quan hệ giai cấp và quan hệ lao động của họ.

Đối với người vô sản thì sự phụ thuộc vào các quan hệ giai cấp và quan hệ lao động lại có sắc thái khác. Bởi vì, đối với người vô sản, quan hệ giữa giai cấp tư bản và người lao động là quan hệ bóc lột, cho nên quan hệ đó không chỉ khác với bản chất xã hội của họ, mà còn đi ngược lại với bản chất và nhân cách của họ. Sự mâu thuẫn giữa nhân cách cá nhân người vô sản với các điều kiện lao động và sinh hoạt áp đặt vào anh, là lao động làm thuê, là cái đe dọa bản chất người nguyên gốc của anh [Xem 118, tr.67]. Như thế là trong đời sống của con người cá nhân, một khi nó đã tham gia vào quan hệ giai cấp và trở thành cá nhân lệ thuộc điều kiện giai cấp, thì vẫn còn có cá nhân theo nhân cách của bản thân mình. Tức là, mỗi cá nhân hay mỗi nhân vị, giờ đây có hai mặt, một mặt là, cá nhân lệ thuộc vào điều kiện giai cấp (Klassenindividuum) và một mặt là cá nhân nhân cách (Personliches Individuum) [Xem 118, tr.68]. Quan hệ giữa hai mặt như thế của con người cá nhân thể hiện khác nhau tùy theo giai cấp. Trong giai cấp tư sản thì cá nhân nhân cách của người chủ tư bản phụ thuộc vào những quan hệ giai cấp nhất định, tức là bình thường họ chỉ nhận thấy mình theo tư cách là cá nhân người tư sản. Sở dĩ như thế là vì, trong sự tha hóa của giai cấp bóc lột, họ tự cảm thấy thoải mái và được củng cố trong bản thân họ. Trần Đức Thảo mượn lời của C.Mác trong Gia đình thần thánh: “Họ “biết rằng sự tha hóa như thế là cái cường lực của bản thân mình, và trong sự tha hóa ấy họ lại được cái bề ngoài của một sự sinh tồn có tính người”” [Dẫn theo 118, tr.68]. Và chính vì vậy, khi giai cấp của anh (tư bản) bị phá sản thì người chủ tư bản mới

nhận ra rằng, cái nhân cách (tư sản) của anh là cái khác với chính bản thân anh (con người thực với tư cách loài) của anh.

Trong quá trình nhà tư bản chuyển hóa chính mình (thành con người khác), đứng về mặt cá nhân lệ thuộc vào điều kiện giai cấp, anh ta vẫn còn là con người tư sản, dù chỉ là tư sản phá sản. Nhưng đứng về mặt cá nhân nhân cách, anh ta cũng đã nhận thấy rằng, cái nhân cách của anh là khác với tư cách tư sản của anh; tức là bản thân con người nhân cách của anh không còn gắn liền với tư cách tư sản, thực tế đã phá sản, của anh. Trong quá trình chuyển hóa, về mặt tính giai cấp, anh còn gắn bó với giai cấp tư sản. Nhưng về mặt con người với tư cách con người theo nghĩa nhân cách, anh càng ngày càng xa rời giai cấp ấy, tức là anh trở lại nhân cách con người theo nghĩa cơ bản chung, như anh đã được xây dựng nên từ những quan hệ xã hội cộng đồng gia đình của thời tuổi trẻ [Xem 118, tr.69].

Điều đó cho thấy, Trần Đức Thảo lập luận, khi nói đến con người là do những điều kiện giai cấp, (cùng với đó, tất nhiên là điều kiện lao động, sinh hoạt) tạo nên thì phải hiểu điều đó theo nghĩa biện chứng. Những điều kiện giai cấp, thậm chí cả bản chất giai cấp cũng luôn chuyển biến, luôn thay đổi. Khi người tư sản bị phá sản, anh ta mới nhận thức ra rằng, cái nhân cách của bản thân anh là khác với tư cách tư sản của anh ta. Cá nhân nhân cách, khác với cá nhân tư sản phá sản như thế, thì trước hết là xuất phát từ cái nhân cách của thời tuổi trẻ, tức là nhân cách của con người theo nghĩa cơ bản chung. Tức là, về mặt chủ quan, con người tư sản phá sản nhận thức và hành động để chuyển hóa mình thành một con người khác, trước hết và trên cơ sở con người theo nghĩa cơ bản chung của loài người [Xem 118, tr.71].

3.2.3.2. Sự lệ thuộc điều kiện giai cấp và sự phản kháng điều kiện giai cấp trong nhân cách người vô sản

Trong xã hội tư bản, theo Trần Đức Thảo, quan hệ giai cấp đối với nhân cách con người trong giai cấp vô sản lại khác. Ở đó, quan hệ cá nhân và điều kiện giai cấp là quan hệ mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa nhân cách của con người vô sản với chế độ lao động làm thuê; đây là mâu thuẫn giữa nhân cách và phi nhân cách. Ngay từ đầu, cái nhân cách của người công nhân đã thúc giục anh tiến hành đấu tranh chống lại chế độ lao động làm thuê, chống lại quan hệ bóc lột và tha hóa nhân cách. Cái nhân cách đó xuất phát từ nhân cách đầu tiên của con người theo nghĩa cơ bản chung, lại ngày càng phát triển trên phạm vi đấu tranh ngày càng rộng lớn do sự xã hội hóa lao động, tạo nên cơ sở thực tế. Xã hội hóa lao động tạo ra môi trường thực tế cho nhân cách của những người công nhân (người vô sản) tiến lên thành ý thức giai cấp cách mạng. Sở

dĩ sự xã hội hóa lao động đã làm cho mặt chủ quan của ý thức giai cấp cách mạng hình thành là vì, cái mặt chủ quan ấy đã có trong nhân cách con người của người công nhân (vô sản) trước khi anh ta đi vào quan hệ lao động làm thuê. Và do đó mà những điều kiện khách quan thuận lợi của sự xã hội hóa lao động giờ đây được phản ảnh vào trong giai cấp công nhân thông qua nhân cách con người của người công nhân. Ý thức của con người mang bản chất giai cấp công nhân giờ đây chuyển thành tinh thần đấu tranh giai cấp, ý thức tổ chức, đoàn kết hành động, và một khi những người vô sản mang bản chất của mình, đã thu thập được tư tưởng tiến bộ của loài người, thì chúng chuyển hóa thành hệ tư tưởng tiến bộ, cách mạng.

Như vậy là, Trần Đức Thảo lập luận, cái nhân cách đầu tiên của con người chung, xuất phát từ xã hội công xã nguyên thủy và xã hội cộng đồng gia đình của tuổi trẻ, khi đi vào những điều kiện giai cấp đối lập nhau của xã hội tư bản, thì cá nhân nhân cách đó cũng phát triển một cách đối lập nhau. Một bên, trong giai cấp tư sản, cá nhân nhân cách chịu sự phụ thuộc những điều kiện của giai cấp tư sản - tức là ở đây, cá nhân nhân cách trùng hợp trên bề mặt với cá nhân lệ thuộc vào điều kiện giai cấp tư sản. Chỉ khi nào người tư bản phá sản thì cái bản chất cơ bản, nguyên thủy của con người chung với tư cách loài, tức là tính người theo nghĩa cơ bản chung từ bề sâu mới biểu hiện lên bề mặt [Xem 118, tr.75]. Mặt khác, trong giai cấp công nhân, cá nhân nhân cách đứng đối lập với những điều kiện giai cấp lao động làm thuê. Nhân cách của những người công nhân kêu gọi họ đấu tranh tập thể chống quan hệ và điều kiện lao động của giai cấp bóc lột, và trong điều kiện khách quan của sự xã hội hóa lao động, thì ý thức giai cấp cách mạng hình thành, lý luận của giai cấp tiến bộ được xây dựng để lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, nơi tạo ra sự tha hóa nhân cách con người. Ở đây, cá nhân nhân cách ngày càng khác biệt với cá nhân lệ thuộc vào điều kiện giai cấp lao động làm thuê [Xem 118, tr.73-74]. Như thế là, theo Trần Đức Thảo, quan hệ giữa cá nhân với giai cấp là đứng trong một sự biện chứng phức tạp, phải phân biệt cá nhân nhân cách với cá nhân lệ thuộc vào điều kiện giai cấp. Đồng thời, phải phân biệt trường hợp giai cấp bóc lột với trường hợp giai cấp bị bóc lột.

Sự phản kháng có tính giai cấp và đấu tranh cho lợi ích của những người lao động trong điều kiện đó, trước hết bắt nguồn từ cá nhân nhân cách xuất phát từ nhân cách đầu tiên của tuổi trẻ. Nhân cách này, từ khi những người vô sản đi vào lao động làm thuê, đã làm cho họ đứng tập thể đối kháng với những quan hệ bóc lột, và nó phát triển và mở rộng đoàn kết đấu tranh trên quy mô của những sự liên hệ

khách quan, mà sự xã hội hóa lao động, tức là “cái cơ chế của sự sản xuất tư bản chủ nghĩa”, ngày càng tăng cường và triển khai. Trái lại, ở địa vị tư sản, những đặc quyền đặc lợi giai cấp tạo nên cho họ “Cái bề ngoài của một sự sinh tồn có tính người”. Như thế là cá nhân nhân cách của họ trên hiện tượng bề mặt là gắn liền với cá nhân lệ thuộc điều kiện giai cấp tư sản. Tức là cả hai đều biểu hiện là cá nhân tư sản, cho đến khi nào người tư sản bị phá sản, thì cái bản chất của con người cơ bản chung - cái vẫn tiềm tàng ở bề sâu trong con người của anh, mới thức tỉnh lên bề mặt, điều đó làm cho cá nhân nhân cách của anh tách rời cá nhân lệ thuộc điều kiện giai cấp tư sản của anh.

Vấn đề cá nhân nhân cách và cá nhân lệ thuộc điều kiện giai cấp và điều kiện lao động, nhất là lý luận về mâu thuẫn giai cấp, về đấu tranh giai cấp giữa các mặt đối lập trong quan hệ giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, diễn ra trong bản thân mỗi cá nhân – cá nhân nhân cách (con người chung) và cá nhân nhân cách lệ thuộc vào điều kiện giai cấp của người công nhân trong chế độ xã hội tư bản của Trần Đức Thảo là lý luận khoa học rất quan trọng để ông đi đến vấn đề con người tha hóa và vấn đề giải tha hóa con người trong triết học của ông.

3.3. Bản chất và tiềm năng con người, sự tha hóa và giải tha hóa con người

3.3.1. Bản chất con người và những tiềm năng con người

3.3.1.1. Về bản chất con người

Việc khẳng định cội nguồn sinh học của con người – quá trình chuyển hóa từ con vật sang con người của Trần Đức Thảo đã cho thấy quan điểm của ông về bản chất con người, trước hết là có tính sinh vật. Tuy nhiên “con người” chỉ trở thành con người đúng nghĩa của nó khi hình thành những tố chất người - tâm thần, ngôn ngữ, ý thức, chúng được hình thành trong quá trình “lao động sản xuất” như một hình thức quan hệ xã hội của Dự thành nhân, và tiếp đến là người Khéo. Điều đó cho thấy rõ Trần Đức Thảo khẳng định con người là một thực thể tự nhiên - xã hội. Yếu tố xã hội mới được hình thành, nhưng nó có vai trò quyết định bản chất con người, bởi con người khác con vật ở khả năng cảm giác có tính tâm thần, có ngôn ngữ và ý thức, và đến giai đoạn cao hơn, là tính nhân cách (tự ý thức về mình, về người khác, về quan hệ xã hội). Mặc dù vậy, yếu tố xã hội chỉ có thể có được trên nền tảng của yếu tố tự nhiên (hàng triệu triệu năm của giới sinh vật). Yếu tố sinh vật là nền tảng của con người, nhưng yếu tố xã hội lại là yếu tố quyết định của việc khẳng định con người là con người.

Xem tất cả 177 trang.

Ngày đăng: 20/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí