Sự Hình Thành Ngôn Ngữ Với Tư Cách Là “Vỏ Vật Chất” Của Ý Thức

biện chứng của lao động hợp tác và quan hệ xã hội. Nhờ có sức lao động đơn giản và thông qua tiếng nói bên ngoài, ý thức (hay yếu tố tâm thần) đầu tiên được sinh ra. Ý thức là yếu tố bậc cao trong cấu trúc của ba yếu tố nói trên, vì nó là tâm thần - tố chất tinh thần người, hay tiếng nói bên trong của chủ thể người, là cái biểu hiện đời sống tinh thần. Đây là yếu tố phân biệt sự khác nhau giữa con người và con vật. Trần Đức Thảo viết: “Ý thức như thế là sự vận động của năng lượng tâm thần căn bản xuất phát từ tiếng gọi, là cái mặt tác động của tiếng nói. Cái tiếng nói (bên ngoài) kích thích hệ thần kinh, sinh ra cảm xúc thúc giục năng lượng thần kinh trong mỗi cá nhân phải nhắc lại cho bản thân minh cái tiếng nói bên ngoài với người khác, tức là vận động cái tiếng nói bên trong và như thế là chuyển thành năng lượng tâm thần, tạo nên ý thức với trạng thái cảm quan” [118, tr.36].

Con vật có tiếng gọi (tín hiệu) với đồng loại - là tiếng gọi bên ngoài chủ thể hướng ra khách thể. Trước khi hình thành đời sống tinh thần, ở con người cũng có tiếng gọi bên ngoài giống con vật, nhưng để chuyển hóa thành yếu tố tinh thần thì trong bản thân con người xuất hiện tiếng gọi bên trong (tức là tâm thần), con người mới thực sự trở thành con người. Con người đúng nghĩa là con người khi nó có tâm thần, có đời sống tinh thần nảy sinh từ trong xã hội, cụ thể là trong quá trình lao động. Bởi, chính quá trình lao động của người nguyên thủy khởi nguyên đã nảy sinh nhu cầu giao tiếp, từ đó đòi hỏi sự thông tin; ở con người bật ra tiếng gọi, rồi đến tiếng nói, v.v..

Con vật cũng có hệ thần kinh nhưng đó chỉ là hệ thần kinh động vật. Cái quyết định để hệ thần kinh con vật chuyển thành thần kinh con người là do “cơ cấu” vận động của ba yếu tố trên. Con vật trở thành con người, khi hệ thần kinh con vật chuyển lên hệ thần kinh có năng lượng tâm thần. Nghĩa là nhờ hoạt động sống xã hội, do nhu cầu thông tin giao tiếp - nhu cầu có tính người mà những xúc cảm có tính người xuất hiện, làm hình thành yếu tố tâm thần - yếu tố đặc trưng của con người (con vật chưa có). Từ tiếng gọi bên ngoài trong quan hệ lao động và xã hội nguyên thủy gây nên xúc cảm bên trong (ý thức đầu tiên), nó động viên năng lượng thần kinh, làm cho năng lượng thần kinh chuyển hóa thành năng lượng tâm thần trong cái tiếng gọi bên trong, tức là trong ý thức với một trạng thái cảm quan, phản ánh sự vận động của năng lượng tâm thần trong ý thức [Xem 118, tr.36-37].

Hệ thống cơ cấu của ý thức định hình nên bản chất và địa vị con người với tư cách là một cá nhân (chủ thể xã hội). Trần Đức Thảo cho rằng, trong bản thân mỗi cá nhân luôn chứa đựng ba loại cảm giác: Cảm giác thể quan, cảm giác nội

quan và cảm giác ngoại quan. Chúng ta có thể hiểu rằng, cảm giác thể quan là cảm giác đến từ các giác quan trong cơ thể; cảm giác nội quan là sự trao đổi chất, yếu tố sinh lý và ngoại quan là cảm giác của chủ thể với đối tượng bên ngoài. Những cảm giác này tác động vào ý thức của chủ thể trong quan hệ với chính mình và với thế giới bên ngoài. Ông viết: “Những năng lượng thần kinh như thể nhập vào luồng năng lượng tâm thần sẵn có, sinh ra cảm động trong ý thức” [118, tr.37]. Ta có thể hiểu chúng là cơ sở của ý thức, chứ không chỉ là “cảm giác” đơn thuần có được từ các giác quan của cơ thể con người.

Trần Đức Thảo diễn giải cơ chế từ ý thức hình thành hành vi như sau: Năng lượng thần kinh vận động (thông qua thể quan, nội quan, ngoại quan), nhập vào luồng năng lượng tâm thần, từ đây sinh ra “cảm động” trong ý thức. “Cảm động” này thông qua tiếng gọi bên trong nhập vào nguồn năng lượng tâm thần, làm phong phú nguồn năng lượng này, tạo thành trạng thái cảm quan của ý thức, nâng ý thức cá nhân lên một bậc cao hơn - đã có thể tự nhận thức về thế giới khách quan bên ngoài. Quá trình đó lặp lại nhiều lần, ý thức được thúc giục, phát triển liên tục, làm cho thế giới tâm thần (trong mỗi cá nhân) phong phú thêm, phát triển tiếng nói bên trong, hình thành những sơ đồ, phương án hoạt động của chủ thể, từ đây sinh ra ý muốn và ý chí hành động của chủ thể đó.

Như vậy là, Trần Đức Thảo đã diễn giải một cách độc đáo các bước hình thành đời sống tinh thần, từ năng lượng thần kinh, chuyển thành năng lượng tâm thần, sự hình thành ý thức, từ ý thức tạo nên hành động của con người. Những cảm giác, cảm động và trạng thái cảm quan có quan hệ thống nhất, tác động biện chứng với nhau để tạo thành những khả năng liên tưởng. Tuy nhiên, chúng chưa thể sinh ra những cơ cấu tâm thần của ý thức (của đời sống tinh thần của con người nói chung). Ý thức, theo ông, có các tầng nấc, các cấp độ khác nhau: “Ý thức lúc đầu là đơn giản: nó là hữu thức, con người tự gọi bản thân trong tiếng nói bên trong. Nhưng với sự phát triển của tâm thần ngày càng mở rộng, thì chỉ có cái đoạn vận động cuối cùng của ý thức, áp dụng trực tiếp vào đối tượng khách quan thì mới được chủ ý, tức là hữu thức. Còn những vận động đã quen thuộc và diễn lại một cách tự phát, thì chỉ được thực hiện một cách qua loa, không chú ý hoặc bị gạt bỏ ra ngoài cái hữu thức, đây là cái vô thức” [118, tr.37-38].

Ý thức như thế là tổng hợp biện chứng gồm nhiều cấp: cấp trên cùng bề mặt là hữu thức, cấp dưới là vô thức, sinh ra từ sự lắng đọng của những tầng hữu thức trước. Cả hữu thức và vô thức trong ý thức liên tục được hình thành, phát triển và

làm phong phú trong cơ cấu vận động của các yếu tố năng lượng tinh thần qua nhiều thế hệ. Đây chính là quá trình hình thành đời sống tinh thần của con người. Đời sống tinh thần đó chỉ có được trong quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ lao động, đồng thời nó thể hiện sức lao động trong mọi hoạt động sống và trong các quan hệ xã hội đa chiều. Cơ chế vận hành của đời sống tinh thần vừa là sức sống đặc thù của con người, vừa là công cụ để con người lựa chọn mục đích và hành động thực hiện mục đích trong cuộc sống của mình.

3.1.3.2. Sự hình thành ngôn ngữ với tư cách là “vỏ vật chất” của ý thức

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

“Trước hết là lao động, rồi sau đó và đồng thời với nó là ngôn ngữ: đấy là hai kích thích tố chủ yếu, do ảnh hưởng của chúng mà bộ óc con vượn dần dần biến thành bộ óc của con người” (Ph.Ăngghen). Từ quan điểm của Ph.Ăngghen, Trần Đức Thảo nghiên cứu mở rộng và lý giải sâu sắc thêm nguồn gốc của ý thức từ điểm gốc của hai kích thích tố trên - của lao động và ngôn ngữ.

Quá trình lao động sản xuất và hoạt động sống của con người cũng là quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ và ý thức. Không có ngôn ngữ và ý thức, con người không thể liên hệ với nhau để duy trì sự sống. Ngôn ngữ và ý thức là sản phẩm của xã hội. Sản phẩm xã hội ấy là kết quả của các quan hệ xã hội phát triển, được phản ánh vào trong đầu óc con người. Con người đã sáng tạo ra ngôn ngữ như là cái vỏ vật chất để chứa đựng trong nó những quan hệ hiện thực xảy ra trong đời sống. “Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy” (C.Mác). Trần Đức Thảo lý giải tư tưởng đó của triết học Mác một cách thực chứng: cách để hồi cố sự phát sinh, phát triển của ngôn ngữ và ý thức cần dựa vào hai con đường chính. 1. Qua những tài liệu về người tiền sử, 2. Nghiên cứu qua cử chỉ và ngôn ngữ ở trẻ em. Ông đi sâu luận giải động tác chỉ dẫn là biểu hiện đầu tiên của ngôn ngữ, là hình thức gốc của ý thức.

Vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo - 10

Trần Đức Thảo đi sâu khảo cứu dấu hiệu đầu tiên mà căn cứ vào đó con người vượt qua con khỉ. Ông xác định rõ rằng, ý thức phải được khảo cứu trước hết trong tính hiện thực trực tiếp của nó là ngôn ngữ, hiểu theo nghĩa chung, là ngôn ngữ cử chỉ và ngôn ngữ khẩu thiệt.

* Ngôn ngữ cử chỉ

Theo Trần Đức Thảo, “Ngôn ngữ vốn là được cấu thành ngay trên bản thân động tác lao động thích nghi bắt đầu từ trình độ người vượn” [112, tr.21-22]. Người Vượn (Les Préhominiens) hay Dự - thành nhân hoặc dự người, gồm người vượn Java (pithécanthrope) và người vượn Bắc-kinh (sinanthrope), là giống vượn đã thành người nhưng chưa hoàn toàn mất tính vượn, có nhiều đặc điểm gần với con

người hiện nay [Xem 112, tr.26]. Theo ông, những con vượn này không thực sự có tiếng nói. Chúng sử dụng những thủ đoạn diễn đạt riêng của chúng là cử chỉ, tiếng kêu, v.v.. làm tín hiệu cho cách ứng xử nào đó nhưng không có ý nghĩa thực sự, chỉ dừng ở mức phản xạ của hệ thần kinh. Ngay cả những con người vượn cũng không có được dấu hiệu ngôn ngữ sơ đẳng nhất là cử chỉ chỉ dẫn (le geste de I` indication). Mặc dù người Vượn đã là loài thông minh, nhưng sự thông minh đó chưa đạt tới trình độ của ý thức.

Từ đây Trần Đức Thảo xác định sự khác biệt giữa con khỉ và con người trong sự thể hiện cử chỉ và thanh âm, thông qua dẫn chứng từ một nghiên cứu của Boulenger. Trong nghiên cứu của tác giả này, người chủ có một súc thịt bò và ông ta cắt cho con khỉ góc thịt bò không ngon, nó trả lại ông ta. Sau đó nó đặt tay ông chủ vào chỗ ngon của súc thịt bò mà không thể trực tiếp tự chỉ vào miếng thịt ngon đó [Dẫn theo 112, tr.22]. Con khỉ không thể diễn đạt được, cảm thấy bất lực để chỉ dẫn đối tượng từ xa, dù khoảng cách ấy rất ngắn. Cử chỉ chỉ dẫn đánh dấu quan hệ sơ đẳng nhất của ý thức với đối tượng với tư cách là đối tượng bên ngoài. Con khỉ có tri giác nhận ra đối tượng bên ngoài, nhưng nó không thể chỉ vào đối tượng đó. Với nó, đối tượng đó cần phải xác định qua một vật trung gian - thứ trung gian nối giữa bàn tay của nó và miếng thịt chính là bàn tay của người chủ. Nói cách khác, con khỉ không có hình ảnh về khoảng cách với ý nghĩa là khoảng cách, nó cảm nhận được đối tượng nhưng không đưa được đối tượng vào nhóm ngoại giới. Trần Đức Thảo nhận định rằng, tính cách quan trọng nhất của tri giác người (với tư cách là tri giác hữu thức) là nhằm trực tiếp vào đối tượng ngoại giới, tức bao gồm hình ảnh về khoảng cách với ý nghĩa là khoảng cách [Xem 112, tr.23]. Ý nghĩa của cử chỉ chỉ dẫn diễn đạt quan hệ độc lập của chủ thể với thế giới khách quan, là sự tách biệt của chủ thể với đối tượng ngoại giới. Nó khác với cơ chế tâm thần đơn giản cảm giác - vận động của con vật.

Khi con khỉ đặt bàn tay người chủ vào miếng thịt nó muốn, nó đã tạo nên một hành vi hướng dẫn. Với một đứa trẻ muốn ăn mứt, nó sẽ lấy ngón trỏ chỉ vào lọ mứt, hoặc làm một động tác hình cung, trước tiên bàn tay giơ về phía mẹ, sau đó là chỉ vào đối tượng. So sánh hai trường hợp trên, sự khác biệt duy nhất với cử chỉ chỉ dẫn hình cung là chủ thể người ở cách xa, trong khi ấy đối với người vượn thì cần một sự tiếp giáp trực tiếp. Trần Đức Thảo kết luận rằng, hình thức nguyên thủy của cử chỉ chỉ dẫn chính là sự hướng dẫn từ xa. Nó khác với người Vượn là sự hướng dẫn tiếp giáp [Xem 112, tr.23-24].

Động tác chỉ dẫn với tư cách là dấu hiệu nguyên thủy của ngôn ngữ có đặc điểm là sản sinh ra ý nghĩa riêng của nó hoàn toàn bằng chính bản thân nó, bằng hình thức đơn giản của nó. Chủ thể, bằng cử chỉ hình cung, truyền thông tin cho người khác một vận động dưới hình thức một hình ảnh hướng người ấy về đối tượng. Hình ảnh này mang ý nghĩa của động tác chỉ dẫn, hướng dẫn từ xa, hàm chứa thiên hướng chỉ dẫn kẻ khác đến với đối tượng. Thiên hướng này là mang tính vật chất, phần vì nó thuộc liên hợp thần kinh. Tuy nhiên, thiên hướng đó chỉ có thể thể hiện ra bên ngoài thông qua hành vi giơ tay của chủ thể, tạo nên sự nối dài thiên hướng tính của động tác bàn tay mà chủ thể điều khiển kẻ khác về phía đối tượng. Hình ảnh đó chỉ là một dạng thông tin, không phải là vật chất - Trần Đức Thảo gọi đó là hình ảnh thiên hướng tính. Như thế, cử chỉ chỉ dẫn là một dấu hiệu có ý nghĩa thiên hướng tính (Signification tendancielle ) [Xem 112, tr.51].

Trần Đức Thảo cho rằng, ý niệm hình ảnh thiên hướng có thể dùng để phân tích về cơ chế tâm thần - cảm giác vận động của con vật. Khi một con vật nhìn thấy một đối tượng, nó vẫn tri giác được đến đối tượng đó. Con vật phác họa trong nó một loạt những cách thức chuẩn bị để ứng xử với đối tượng ấy theo những thiên hướng bẩm sinh. Tuy nhiên, nó không nhận thức được vật ấy ở bên ngoài, tồn tại khách quan độc lập với nó. Cần có ý thức thì con vật mới sản sinh trong nó ý nghĩa về đối tượng bên ngoài kia, mà cái ý thức đó chỉ có được ở con người.

Vào lúc xuất hiện ý thức, sự ý tưởng hóa cử chỉ biểu đạt có sự khác biệt đặc thù - nó cho phép tách ý nghĩa được biểu đạt khỏi hiện thực vật chất của bản thân cử chỉ đó. Lúc này, hình ảnh thiên hướng tính của động tác chỉ vào khách thể trở thành hình ảnh ý tưởng hoặc ý nghĩa ý tưởng, được chủ thể thể hiện ra bằng hành vi ý tưởng (hay hành vi định ý của sự chỉ dẫn đã từng trải): “Ý nghĩa được cấu thành như vậy che giấu trực tiếp hình ảnh cảm giác - vận động về đối tượng, cái đối tượng cũng do đó mà xuất hiện trong tính ngoại diện khách quan của nó, là độc lập với chủ thể” [112, tr.56]. Từ đó Trần Đức Thảo khẳng định, đây là bước chuyển từ tri giác động vật với tư cách là tri giác cảm giác - vận động đơn giản sang hình thức nguyên thủy của ý thức, kêu gọi chính bản thân chủ thể hướng tới khách thể là đối tượng lao động.

Trần Đức Thảo cũng phân tích rất sâu về cử chỉ đường thẳng. Trong khi dấu hiệu của sự chỉ dẫn hình cung lôi cuốn bản thân người nhận vào khách thể được chỉ, thì dấu hiệu bằng đường thẳng chỉ lôi cuốn cái nhìn của riêng chủ thể, trở thành cái nối dài của động tác bàn tay chỉ về phía đối tượng. Ông cho rằng, bản thân người

nhận chỉ lao vào khách thể khi hắn thấy ở nó một lý do đủ mạnh. Hình thức chỉ dẫn đường thẳng tạo nên một sự khuếch trương đủ lớn để chỉ dẫn không chỉ riêng chủ thể mà còn là với tất cả các khách thể xung quanh. Vào thời kì đầu, sự khuếch trương đó chỉ tập trung chỉ dẫn vào những khách thể đặc biệt, thu hút sự chú ý của nhóm và mạnh dần theo trải nghiệm của chủ thể do nó có yếu tố hữu thức.

Trần Đức Thảo nhận định rằng, động tác chỉ dẫn bắt đầu dưới một hình thức vật chất là cử chỉ hướng dẫn từ xa, được tạo nên từ sự phát triển của việc thích nghi lao động bắt đầu từ trình độ người vượn. Sau đó, nó hoàn tất dưới một hình thức ý tưởng tính, hướng tới đối tượng trong tính nhập nội của vốn sống. Ý tưởng tính này có thành phần vật chất, chứng minh chủ thể xác thực của ý thức, cái đang tồn tại trong sự vận động, trong sự chuyển động ý tưởng tính của vốn sống, là chủ thể xã hội bằng xương bằng thịt.

Một con người hiện đại khi xem xét một khách thể không cần sử dụng ngón tay để chỉ vào vật ấy để xác định tính hiện thực khách quan của nó. Tuy nhiên, hành vi vật chất của sự chỉ dẫn lại được biểu hiện thông qua hình thức cử chỉ khác là thông qua động tác nhìn. Mắt người có sự khác biệt với con vật ở chỗ có thể chỉ dẫn đối tượng, tự chỉ dẫn khách thể cho chính chủ thể cũng như cho người khác. Cử chỉ của bàn tay của người hiện đại giờ chỉ thể hiện dưới hình thức phác thảo bên trong suy nghĩ chủ thể chứ không còn thể hiện ra bên ngoài, đương nhiên vẫn có thành phần vật chất bên trong: “Với cái là cử chỉ của bàn tay, người ta hiếm thấy nó được ngoại hiện. Tuy nhiên, nó là hiện diện dưới hình thức phác thảo nội tại. Động tác phác thảo, dù yếu đến đâu tất nhiên cũng vẫn là hiện thực, vật chất như động tác hoàn tất” [112, tr.43]. Ông minh họa cho cử chỉ đó như sau: Một đoàn có ba người thủy thủ trên tàu biển vừa vượt qua một cơn bão và bị lạc, họ đều mong mỏi ngày trở về. Khi nhìn thấy đất liền thì một trong ba người đó đã giơ cánh tay và chỉ ngón trỏ vào đất liền, tức đã hoàn tất cử chỉ mà mới chỉ được phác thảo dở dang trong đầu anh ta [Xem 112, tr.43]. Trần Đức Thảo giải thích: bằng cách thể hiện ra bên ngoài động tác của bàn tay, anh ta đã tạo nên xác thực khả cảm giác của anh ta về đối tượng (là đất liền - thứ mà anh ta có được qua sự từng trải trong cuộc sống). Hành vi ấy là cái nối dài cử chỉ bàn tay của anh thủy thủ với đất liền trong một khoảng khắc. Cùng với động tác của mắt nhìn và với cử chỉ của bàn tay là sự cảm thán ở bên trong người thủy thủ, thể hiện ra bên ngoài bằng các từ cảm thán như A!, hay Thế đấy!. Với hiện tượng trên, Trần Đức Thảo khẳng định: mặc dù cử chỉ ngón tay chỉ thể hiện ở hình thức phác thảo bên trong chủ thể, nhưng nó vẫn có thành

phần vật chất bên trong. Sự hiện diện của thành phần vật chất trong hành vi có ý thức cho phép xác định động tác ấy là ngôn ngữ, hoặc đơn vị của hành vi biểu đạt, là dấu hiệu vật chất với ý nghĩa của nó.

* Ngôn ngữ khẩu thiệt

Hình thức nguyên thủy của cử chỉ chỉ dẫn là hướng dẫn từ xa, gồm ít nhất hai chủ thể, một hướng dẫn và một chịu hướng dẫn, tách rời nhau bởi một khoảng cách. Động tác hướng dẫn không chỉ đơn giản là vạch ra một chiều hướng, nó có hàm ý chức năng kêu gọi (La fonction de l`appel). Cái chỉ trỏ vào một đối tượng có ý nghĩa kêu gọi còn được hỗ trợ thêm bằng hình thức thông thường của sự kêu gọi - Trần Đức Thảo gọi đó là ngôn ngữ khẩu thiệt, tức là bằng hình thức âm thanh (la forme vocale). Trong quá trình phát triển lao động tập thể, đời sống cộng đồng, loài người nảy sinh nhu cầu giao lưu, truyền đạt thông tin và hợp tác trong làm việc nhóm. Khi ngôn ngữ cử chỉ không còn đáp ứng đủ nhu cầu thì lúc đó nảy sinh ra ngôn ngữ khẩu thiệt, là ngôn ngữ bên ngoài. Ban đầu sự thể hiện của ngôn ngữ này chỉ dừng lại ở việc một cá nhân phát ra từ miệng những thán từ như ê, a, v.v.. kết hợp với động tác chỉ trỏ nhằm hàm ý ra lệnh cho người khác làm một việc gì đó (giống với đứa trẻ đương đại). Ở động vật cũng có tiếng kêu nhưng nó chỉ có quan hệ đến tính cách đáng lo ngại của tình thế chứ không mang ý nghĩa gì [Xem 112, tr.31]. Trình độ Người vượn cao hơn động vật thường khi tiếng kêu đi kèm với cử chỉ chỉ trỏ, mang ý nghĩa là sự cảm thán (l` exclamation) - chính là hình thức nguyên thủy của ngôn ngữ nói, và chỉ dẫn những kẻ khác tập trung vào một đối tượng theo nghĩa hiểu là cái này! (le ceci). Động tác chỉ dẫn lúc này bao gồm hai yếu tố: yếu tố cử chỉ và yếu tố cảm thán. Xét về sự tương hỗ trong lao động thì yếu tố cảm thán còn mạnh hơn yếu tố cử chỉ.

Sau hàng triệu năm, ngôn ngữ khẩu thiệt đó không chỉ dừng ở những thán từ nữa mà đã hình thành nên những từ ngữ đầu tiên trong đầu óc chủ thể với tư cách là tôi, anh, . Các từ ngữ từ đây cũng phong phú dần, chuyển thành những câu, những mệnh đề với những ý nghĩa sơ khai nhằm mục đích kêu gọi cả nhóm tập trung sức lực vào việc săn bắt hoặc những công việc khác, sau cùng trở thành ngôn ngữ. Với bản chất “ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy”, Trần Đức Thảo cho rằng, ngôn ngữ là vật chất biểu hiện ra, là tiếng gọi bên trong của ý thức. Suy nghĩ thế nào thì thể hiện lời nói như thế. Bản chất của ngôn ngữ đó chính là ý thức. Trong đầu óc là tư duy, suy nghĩ. Sự hình thành ngôn ngữ chính là sự hình thành ý thức, sự hình thành ý thức chính là sự hình thành ngôn ngữ. Trần Đức Thảo lý giải ngôn

ngữ của đời sống hiện thực có chứa đựng bên trong hình thức của tiếng gọi. Nó là vận động vật chất của sản xuất khi nó làm trung gian cho ý thức. Ông viết: “Ngôn ngữ của đời sống hiện thực như là tiếng gọi tín hiệu học của lao động và các quan hệ vật chất trong sản xuất tập thể, trước hết hiển nhiên hướng tới những người khác, đồng thời cũng là của mỗi người hướng tới bản thân bằng sự trung gian của hình ảnh xã hội mà nó có trong bản thân” [110, tr.23]. Theo ông, chính sự kêu gọi dành cho bản thân, cho những người khác đã xây dựng ý thức thành ý thức xã hội. Với quan điểm của Mác trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức: “Ngôn ngữ …là ý thức hiện thực” [Dẫn theo 112, tr.44], Trần Đức Thảo khẳng định, ngôn ngữ không chỉ là sự diễn đạt của tư tưởng hay của ý thức. Ngôn ngữ (với ý nghĩa vừa là ngôn ngữ điệu bộ vừa là ngôn ngữ âm thanh) là bản thân ý thức trong tính hiện thực trực tiếp của nó. Ta có thể thấy rằng ngôn ngữ không chỉ là sự diễn đạt tư tưởng của ý thức, mà ý thức là ngôn ngữ mà chủ thể nói với chính nó, dưới hình thức phác thảo của ngôn ngữ bên trong.

Trần Đức Thảo viết: “Ngôn ngữ bên trong là tiếng gọi của hình ảnh bên trong của cơ thể phù hợp với lao động trên đối tượng, mang hình thức ngôn ngữ hay tiếng gọi kí hiệu học sống bằng sự tự phản chiếu trên hình ảnh xã hội bên trong, điều này làm cho nó quay trở về với bản thân nó như là hình ảnh của chính nó nhằm vào đối tượng hay là ý thức sống trải về đối tượng” [110, tr.26-27]. Ngôn ngữ bên trong được tạo ra từ việc chủ thể có ý thức về cái hắn nghĩ nhờ sự tri giác ở bên trong, nhờ các giác quan cơ thể và các liên hợp nhìn, nghe, động tác phác thảo của cử chỉ và tiếng nói của hắn. Từ đó chủ thể tóm tắt lại cái hắn nghĩ, trở thành ngôn ngữ bên trong hay ý thức. Ý thức từ đây được hình thành nhờ chức năng ngữ nghĩa nhằm vào đối tượng. Đồng thời do chức năng của ngôn ngữ bên trong có ý nghĩa như tiếng gọi với bản thân [Xem 110, tr.27], nó sinh ra phần bổ sung cho năng lượng thần kinh được nâng lên thành hình thức năng lượng tâm lý và trí tuệ, nơi mà ý thức được xây dựng thành xúc cảm, ý chí và vị trí giá trị. Dựa trên nền tảng các tiếng gọi của hình ảnh xã hội bên trong (hay là những gì từng trải nghiệm của chủ thể), ý thức trong tiếng gọi của nó với bản thân đặt ra yêu cầu về cái đúng, cái thiện, cái đẹp trong hành động và nhận thức của chủ thể: “Do vậy, ý thức làm cho thế giới tự nhiên thành thế giới con người, có giá trị với con người” [110, tr.27].

3.1.3.3. Các bước thực hành của ý thức – ý thức cá nhân và ý thức tập thể

Trần Đức Thảo cho rằng rằng, ý thức đầu tiên là ý thức về đối tượng và ý thức về bản thân: “Ý thức được trình ra cách đồng nhất là ý thức về đối tượng ý

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/12/2022