trình trao đổi hóa chất xuất phát từ quan hệ cá thể với hoàn cảnh và đưa đến những phương thức trao đổi hóa chất mới, tức là những loài sinh vật mới”. Hai học thuyết mà Trần Đức Thảo quan tâm trong ngành tâm sinh lý học Liên Xô thời kì này là học thuyết của Michurin và Pavlov. Michurin là thành viên danh dự của Học viện Khoa học Xô Viết. Mitsurin đã có một đóng góp to lớn trong sự phát triển của di truyền học , đặc biệt trong lĩnh vực cây đậu. Trong phòng thí nghiệm tế bào học của mình, ông đã nghiên cứu cấu trúc tế bào và thử nghiệm đa bội nhân tạo. Michurin đã nghiên cứu các khía cạnh của di truyền liên quan đến quá trình tự nhiên của sự phát sinh và ảnh hưởng bên ngoài, tạo ra một khái niệm mới về sự vượt trội. Ông đã chứng minh rằng ưu thế phụ thuộc vào tính di truyền, sự phát sinh và sự phát sinh của cấu trúc tế bào ban đầu cũng như đặc điểm cá nhân của giống lai và điều kiện trồng trọt. Pavlov là một nhà sinh lý học, tâm lý học và thầy thuốc người Nga. Pavlov đã xây dựng lên định luật cơ bản mà ông gọi là "phản xạ có điều kiện" dựa trên hàng loạt thí nghiệm mà ông tiến hành trước đó. Học thuyết của Michurin xây dựng trên nguyên tắc về sự thống nhất giữa cơ thể và ngoại cảnh, về những ảnh hưởng của ngoại cảnh trong quá trình hình thành cơ thể sinh vật, về khả năng biến đổi cơ thể và di truyền để phù hợp với điều kiện ngoại cảnh. Học thuyết của Pavlov cho rằng hệ thần kinh đã tạo nên phản xạ có điều kiện ở động vật cấp cao. Một số phản xạ có điều kiện được xây dựng trong đời sống cá thể và có khả năng di truyền. Dựa vào thuyết tiến hóa Darwin, sinh lý học và tâm lý học tiên tiến của Michurin và Pavlov (mặc dù, ngày nay đã có một số chỗ lạc hậu); đứng trên quan điểm biện chứng duy vật của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, Trần Đức Thảo chứng minh nguồn gốc tự nhiên và sự phát triển biện chứng của con người. Điều đó được thể hiện qua những phân tích của ông về sự tiến triển của hệ thần kinh và của những hình thái cử động. Quá trình tiến triển từ sinh vật tới loài người có nguồn gốc là sự tiến triển của hệ thần kinh. Trần Đức Thảo viết: “Xét đến toàn bộ quá trình tiến hóa, thì rõ ràng rằng, hệ thần kinh là khí quan của ý hướng, đã phát sinh và phát triển
dần dần, từ những động vật đơn thuần đến người” [98, tr.286].
Quá trình đó được Trần Đức Thảo cụ thể hóa: “Trên con đường đưa lên nhân loại, chúng ta có thể phân biệt hai giai đoạn chính. Một là từ vật đơn bào đến lớp cá... hai là từ cá đến người” [98, tr.288]. Ý thức con người phải trải qua một quá trình nhiều bước trung gian từ thấp đến cao. Trần Đức Thảo cho rằng, sự phát triển ý thức từ bước 1 (ý thức rời rạc) đến bước 2 (ý thức tập thể) rồi tới bước 3 (hình thành cái tôi), hình thành nên ý thức. Hai bước đầu có ở vượn người, còn chỉ có con người mới có bước thứ 3.
Giai đoạn từ vật đơn bào đến cá là giai đoạn phát triển của nhóm sinh vật có hệ thần kinh phát triển ở mức thấp, đó là những sinh vật đơn bào. Theo Trần Đức Thảo, đây là những sinh vật đầu tiên với cấu trúc một tế bào, đáp ứng những cơ năng tối thiểu của sự sống - chuyển hóa, sinh thực, phản ứng. Nếu đơn bào có bao bọc cứng thì sẽ ở giới thực vật, còn nếu không có bao bọc cứng thì sẽ phát triển cơ năng phản ứng và tiến thành giới động vật. Từ đây, những động vật trong giai đoạn này phát triển dần khả năng hoạt động, từ “chuyển đến - rút đi” (a-mip) , bổ sung thêm “co vào - giãn ra” (bọt bể) rồi thêm “nuốt - di động" (xoang tràng) và chủ động vận động nhắm tới đối tượng nhất định để “đến thẳng và đớp - bắt” (cá). Sự tiến triển của hệ thần kinh trong các sinh vật ở giai đoạn này là hết sức đơn giản. Ở những lớp phát triển cao hơn như giun và cá thì các phản xạ cũng chỉ dừng ở mức vô điều kiện, dừng ở trình độ “bản năng”, “máy móc” [Xem 98, tr.295].
Sự tiến triển cao dần của giới sinh vật được Trần Đức Thảo lý giải như là giai đoạn hai của quá trình tiến hóa từ cá đến người. Trần Đức Thảo đã chỉ ra sáu lớp tiến hóa từ cá đến người: Lớp lưỡng thê; Lớp bò sát; Lớp động vật có vú; Lớp khỉ hạ tầng; Lớp khỉ nhân hình và cuối cùng là Loài người.
Ở bước đầu tiên của giai đoạn hai là từ lớp cá đến con người, khả năng lập những phản xạ có điều kiện tăng lên với sự phát triển của vỏ óc. Tổ chức cử động nhờ đó có năng lực xây dựng những thói quen mới, uốn nắn cử động theo tình huống xung quanh, tiến từ trạng thái “bản năng”, “máy móc” của giai đoạn trước lên trình độ “khôn ngoan”. Ở đại diện cao nhất của giai đoạn đầu là lớp cá, hai múi khứu giác phát triển ở đằng trước bộ óc, nhưng các tế bào ở hai bán cầu chưa thành hình thần kinh. Lưỡng thê - lớp đầu tiên của giai đoạn hai, cùng với vỏ óc sẵn có (vỏ óc khứu giác), đã thành hình hai bán cầu tế bào thần kinh, đem đến khả năng bắt mồi linh hoạt hơn. Đến lớp bò sát thì hai bán cầu vỏ óc cũ được phát triển, xuất hiện một lớp tế bào hình kim tự tháp, tăng cường những phản xạ có điều kiện, gây nên những hình thái cử động mềm dẻo hơn. Xem xét trình độ động vật có vú thì vỏ óc mới lan tràn hai bán cầu và gạt bỏ vỏ óc cũ xuống mé dưới.
Động vật có vú có những khí quan thị giác, thính giác và xúc giác phát triển, chiếm ưu thế dần so với khứu giác, có nhiệm vụ chuyển thông tin thần kinh tới vỏ óc, giúp cho chúng có những cử chỉ phức tạp cùng khả năng thích ứng với hoàn cảnh tăng cao. Đặc biệt, ở trình độ khỉ hạ tầng và khỉ nhân hình có xuất hiện múi trán, các tổ chức cử động bắt đầu đi xa hơn những giới hạn của các lớp trước, một số trường hợp đã biết sử dụng các dụng cụ. Đến loài người thì múi trán phát triển
một cách đặc biệt, hai bán cầu vỏ óc mới đã che lấp hoàn toàn những bộ phận cũ của bộ óc. Ở người đã có lao động sản xuất và bảo tồn công cụ, xuất hiện ngôn ngữ là khí cụ truyền đạt, phát sinh trong quá trình sản xuất.
Sức sống tập thể cũng dần hình thành qua các lớp. Những tập hợp bọt bể, xoang tràng, giun chỉ là những vật thể độc lập cùng nhau ở một chỗ. Sang tới giun, đã có những đám lớn di cư cùng nhau, sinh sản với nhau, mặc dù chỉ dừng ở mức độ đơn giản và nhất thời. Một vài trường hợp cá biệt ở lớp lưỡng thê, bò sát đã phát triển đời sống chung. Và tới trình độ động vật có vú thì chúng đã hình thành cách sống chung thành cặp hay đàn, dần nảy sinh đời sống xã hội, có sự bảo vệ lẫn nhau. Trong cách sống chung, thường có một cá thể làm đầu lĩnh. Ở trình độ khỉ hạ tầng, khỉ nhân hình thì cách sống chính của chúng là theo bầy đàn, tạo tiền đề cho con người cũng có cách sống tập thể.
Trần Đức Thảo đã chứng minh nguyên nhân của tiến hóa động vật là do sự tiến hóa của hệ thần kinh. Ông nhận thấy cơ năng và khí quan của chúng luôn đi đôi với nhau, cùng nhau xây dựng. Ông xác định nguyên nhân ra đời của chúng là xuất phát từ hoàn cảnh khách quan, và xây dựng theo lối biến lượng trở thành chất. Tùy theo hoàn cảnh mà nảy sinh một số hoạt động tự phát, hình thành một hình thái cử động mới, lâu dần đến một lúc nào đấy, tạo nên khí quan và cơ năng [Xem 104, tr.195].
Có thể bạn quan tâm!
- Chủ Nghĩa Mác Cấu Trúc (Chủ Nghĩa Cấu Trúc Mới) Của Louis Althusser
- Phong Trào Đấu Tranh Cho Độc Lập, Tự Do Của Các Dân Tộc Trên Thế Giới
- Yếu Tố Gia Đình, Dòng Tộc, Bản Thân Con Người Trần Đức Thảo
- Sự Hình Thành Ngôn Ngữ Với Tư Cách Là “Vỏ Vật Chất” Của Ý Thức
- Lao Động Với Sự Hình Thành Ý Thức “Trí Tuệ, Sáng Tạo”
- Cá Nhân Nhân Cách Và Cá Nhân Lệ Thuộc Vào Điều Kiện Giai Cấp
Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.
Qua sự phân tích về hai giai đoạn hình thành con người, Trần Đức Thảo đã chứng minh được mối liên hệ giữa hình thái cử động và hệ thần kinh. Cả hai tồn tại song song và liên quan khăng khít với nhau. Với sự phát triển của hình thái cử động thì hệ thần kinh được nâng cao lên để thích ứng với điều kiện cũng như môi trường sống. Hệ thần kinh có đặc tính giữ lại những hình thái tự phát của những cử động trong giai đoạn trước. Sự hình thành hệ thần kinh, được ông chứng minh là một quá trình biện chứng lịch sử, trong đó có những bước nhảy vọt, kế thừa kết quả của những giai đoạn tự phát.
Với các luận chứng trên, Trần Đức Thảo khẳng định rằng con người là một thực thể sinh vật - xã hội bằng việc dẫn câu trích: “...bản thân cái sự kiện là con người từ loài động vật mà ra, cũng đã quyết định việc con người không bao giờ hoàn toàn thoát ly khỏi những đặc tính vốn có của con vật” [69, tr.146]. Ông cho rằng, bản thân con người có sự hiện diện kép, vừa mang tính chủ quan với tư cách là chính nó, vừa mang tính khách quan trong những điều kiện tự nhiên mà nó tồn tại. Con người tồn tại và phát triển trong hai điều kiện tự nhiên là tự nhiên nguyên thủy (bao gồm mặt sinh vật của con người) và cộng đồng mà con người tồn tại.
Lập luận về quá trình hình thành con người và những điều kiện quy định bản chất con người, Trần Đức Thảo thống nhất quan điểm của Mác về tính xã hội và các điều kiện hoạt động bằng lao động để con người thực sự trở thành con người: “Con người bẩm sinh đã là sinh vật có tính xã hội” [65, tr.200]. Tính xã hội được quy định bởi hoạt động lao động sản xuất vật chất, nó giúp con người trở thành con người đúng nghĩa: “Người là giống vật duy nhất có thể bằng lao động mà thoát khỏi trạng thái thuần túy là loài vật” [59, tr.673].
3.1.2. Sự hình thành những tố chất người đầu tiên
Sau khi phân tích, luận giải, chứng minh quá trình tiến hóa từ động vật thành con người (mặc dù chưa khai thác được nhiều thành tựu khoa học hiện đại), Trần Đức Thảo đi đến phân tích, luận giải và chứng minh theo tiếp cận và phương pháp độc đáo của mình sự hình thành những phẩm chất người đầu tiên - những yếu tố thể hiện đặc trưng con người; nó xác định rạch ròi những phẩm chất đặc thù đầu tiên của con người mà con vật không có. Sự hình thành đó diễn ra ở các nội dung sau:
3.1.2.1. Về sự di truyền tính cách, cấu tạo tâm lý - tiền đề cho sự hình thành ý thức
* Sự di truyền và những tính cách thu được
Đứng trên nền tảng di truyền học đương thời, đặc biệt là biện chứng tự nhiên của Ph.Ăngghen, Trần Đức Thảo cho rằng, quá trình hình thành các phẩm chất người là có tính kế thừa. Khi so sánh sự trưởng thành của hệ thống thần kinh con người trong những năm tháng đầu tiên của trẻ em với quá khứ phát triển của chủng loài từ cội nguồn động vật, ông thấy có những điểm giống nhau, như một “sự chuyển giao” các tính cách thu được trong hành vi của loài gốc [Xem 110, tr.29]. Theo ông, tính cách của cá nhân/nhóm không chuyển giao toàn bộ cho các thế hệ kế tiếp, tuy nhiên ở đó có một sự chọn lọc tự nhiên liên quan tới lợi ích của cá nhân/nhóm của thế hệ sau. Ông viết: “...ngẫu nhiên xảy ra một sự biến đổi về gen tạo để dùng cho việc thu nhận và phát triển tính cách ấy trong đời sống cá nhân và tập thể... đem lợi cho cá nhân và nhóm mà sự biến đổi tạo ra một cơ may sống lâu hơn và có một hậu duệ đông hơn” [110, tr.29]. Tính cách thu được thông qua di truyền ở đây, theo Trần Đức Thảo, không phải do sự chuyển giao trực tiếp từ đời trước sang đời sau, mà là thông qua di truyền, tới từ sự chọn lọc tự nhiên đối với các biến đổi ngẫu nhiên về gen theo hướng thuận lợi cho sự phát triển. Các hệ thống động vật nhờ đó sống ngày càng thích ứng môi trường xung quanh phức hợp hơn.
Khai thác và phát triển quan điểm của Ph.Ăngghen về lịch sử tự nhiên của loài người, Trần Đức Thảo lập luận và chứng minh thuyết phục quá trình phát triển ở 2 năm đầu tiên của một đứa trẻ rằng ở đó có những đặc điểm tương đồng với đặc điểm của lớp động vật tương ứng. Các bước phát triển của đứa bé có những hình thái cử động giống với từng lớp phát triển được nhắc đến trong quá trình hình thành con người. Trong thời gian từ 2 năm đầu tiên, đứa bé đã có thể thực hiện tất cả những đặc trưng khó nhất của các lớp tiến hóa hình thành con người. Và tới khoảng từ 15 tháng tới 5 tuổi, đứa bé đã có sự khác biệt lớn: “Việc hình thành ngôn ngữ và ý thức, hoạt động tâm lý (bao gồm cái sống trải, ý thức, tiềm thức và vô thức) được nhịp độ chín muồi của vỏ não tạo điều kiện, và được các truyền thống giáo dục của cộng đồng gia đình thúc đẩy, lấy lại các ý nghĩa và giá trị xã hội về tâm lý thuộc loại con người trong phép biện chứng về sự phát triển lịch sử của nó, từ cộng đồng địa phương, các Con người khéo léo đến bộ lạc đang phát triển của Người thời đại đồ đá giữa và những Người thời đại đồ đá mới đầu tiên” [110, tr.32].
Ở khoảng thời gian này, theo Trần Đức Thảo, trẻ em sống trong các điều kiện của “Cộng đồng gia đình”, chịu ảnh hưởng của tập thể nên chúng kế thừa tính xã hội của tập thể ấy. Trẻ em học nói, có cấu trúc phản xạ từ 15 tháng tuổi, dần được phát triển và có trình độ cao hơn loài tinh tinh nhỏ. Với sự tác động của các quan hệ xã hội, bao hàm trong việc phân công các nhiệm vụ cá nhân và phân chia sản phẩm, trẻ em tăng dần tính xã hội của bản thân, dần thể hiện được ý nghĩ và hành vi phức tạp hơn mà con tinh tinh không thể làm được.
Trần Đức Thảo đã luận giải sự hình thành con người thông qua việc so sánh sự phát triển của con người so với trình độ tiến hóa thần kinh của các loài động vật không xương sống và động vật có xương sống; chỉ ra cơ chế hình thành phản xạ trong mỗi loại động vật và sự tiến hóa của loài vượn thành người. Trên cơ sở đó, ông cũng chỉ rõ sự khác biệt cơ bản của loài người so với động vật khác, đó chính là những yếu tố có tính người đầu tiên và ý thức. Trần Đức Thảo nghiên cứu song song nguồn gốc con người và sự hình thành, phát triển ngôn ngữ và ý thức để thể hiện quá trình thống nhất biện chứng giữa mặt sinh học và mặt xã hội trong con người.
* Cấu tạo tâm lý - bước chuẩn bị cho sự hình thành ý thức
Quá trình hình thành tâm lý - ý thức con người, theo Trần Đức Thảo, diễn ra từ sự chuyển hóa từ người Khéo (Homo habilis) đến người Khôn (Homo sapiens). Quá trình đó, xét về lịch đại, loài người cũng được lặp lại trong mỗi người từ giai đoạn nhi đồng, thiếu niên, v.v.. Cái quá trình đó, theo ông, thể hiện trong một hệ
thống có cấu trúc 3 yếu tố (mà ông gọi là ba cơ cấu): 1. Sức lao động đơn giản, trong đó những quy luật sinh học của cơ thể được sáp nhập vào một biện chứng căn bản mới, đặc thù của con người, đó là biện chứng của lao động sản xuất nguyên thủy, tức là lao động đơn giản; 2. Tiếng nói, trong đó những quy luật sinh vật học của bộ óc và của những khí quan biểu thị được sáp nhập vào trong một biện chứng căn bản mới, đó là biện chứng của những ý nghĩ, phản ánh biện chứng của lao động hợp tác và quan hệ xã hội cộng sản nguyên thủy. 3. Ý thức hay tâm thần - tức là tiếng nói bên trong - cái được sinh ra từ lao động hợp tác và quan hệ xã hội cộng sản nguyên thủy thông qua tiếng nói bên ngoài [Xem 118, tr.36].
Trần Đức Thảo phân tích sâu thêm rằng, ý thức, đó là sự vận động của năng lượng tâm thần, xuất phát từ tiếng gọi, là cái tác động từ tiếng nói. Tiếng nói kích thích hệ thần kinh và sinh ra cảm xúc, nó thúc giục năng lượng thần kinh phải nhắc lại cho chính mình cái tiếng nói bên ngoài nói với người khác, tức là vận động tiếng nói bên trong, tất cả chuyển thành năng lượng tâm thần, tạo nên ý thức với trạng thái cảm quan: “Cái tiếng gọi gây cảm xúc bên trong do đấy mà động viên năng lượng thần kinh, làm cho năng lượng thần kinh chuyển hóa thành năng lượng tâm thần trong cái tiếng gọi bên trong, tức là trong ý thức với một trạng thái cảm quan phản ánh sự vận động của năng lượng tâm thần trong ý thức” [118, tr.37].
Từ cơ thể (bản thân) cá nhân, theo Trần Đức Thảo, luôn xuất hiện những cảm giác Thể quan (trong cơ thể bản thân vận động đối ngoại), cảm giác Nội quan (trong cơ thể bản thân vận động sinh lý) và cảm giác Ngoại quan (về đối tượng bên ngoài) [Xem 118, tr.37]. Quá trình này diễn ra đồng thời và xen kẽ vào trong hệ thống cơ cấu ý thức (đã phân tích ở trên). Những năng lượng thần kinh nhập vào luồng năng lượng thần kinh (sẵn có) sinh ra trạng thái cảm động trong ý thức. Thông qua tiếng gọi bên trong của ý thức, cái trạng thái cảm động (xúc cảm, tình cảm) này chuyển thành năng lượng tâm thần, nhập vào trạng thái cảm quan của ý thức, thúc giục ý thức vận dụng thêm năng lượng tâm thần để phát triển tiếng nói bên trong, sinh ra ý muốn và ý chí hành động [Xem 118, tr.37]. Cơ cấu tâm thần đó có được từ quan hệ xã hội, trước hết là quan hệ xã hội cộng sản nguyên thủy, sau đó là quan hệ gia đình, thông qua tiếng nói và tiếng gọi trong tiếng nói.
Theo Trần Đức Thảo, ý thức lúc đầu đơn giản là hữu thức, con người tự gọi bản thân trong tiếng nói bên trong, quan tâm trực tiếp đến đối tượng khách quan. Còn những gì đã quen thuộc tác động một cách tự phát, không chú ý hoặc bị gạt bỏ ra ngoài cái hữu thức, đó là cái vô thức. Ông khẳng định, ý thức (hay tâm thần) như
vậy là tổng hợp biện chứng nhiều lớp: lớp bề mặt là hữu thức, lớp lắng xuống chiều sâu là vô thức. Năng lượng và cơ cấu của tâm thần trong ý thức nguyên thủy được hình thành từ sự phát triển của tiếng nói bên ngoài và tiếng nói bên trong, biểu hiện lao động sản xuất và quan hệ xã hội từ khai sinh (người Khéo) lên giai đoạn phát triển của xã hội nguyên thủy (người Khôn) [Xem 118, tr.39-40].
3.1.2.2. Tự ý thức và sự hình thành các yếu tố nhân cách đầu tiên
Trần Đức Thảo cho rằng, hoạt động tâm thần của vô thức và hữu thức trong xã hội hình thành cái tự ý thức, tức là ý thức về bản thân. Trong xã hội (nguyên thủy) hoạt động của con người bắt đầu chịu sự chi phối của quyền và nghĩa vụ. Tiếng gọi của tập thể luôn tác động vào mỗi thành viên trên hai mặt: 1 là đòi hỏi Anh phải thực hiện nghĩa vụ và 2 là kêu gọi Anh hưởng cái quyền của thành viên cộng đồng. Từ đó, Trần Đức Thảo chứng minh, “cái Mình ngang bằng với bản thân mình, cái ý thức về bản thân mình nhận thấy mình trong bản thân mình và nhận thấy mỗi thành viên khác của cộng đồng cũng là một ý thức về bản thân mình, tất cả là ngang bằng và thống nhất với nhau” [118, tr.40].
Từ cái tự ý thức (ý thức về mình) mà trong xã hội, ở con người nguyên thủy hình thành “ý thức về bản thân Tôi”. Trong đó, Tôi nhận thấy Tôi ngang bằng với Anh (đối tượng quan hệ với mình); và nhận thấy Anh cũng ngang bằng với Tôi - sự hình thành ý thức về vị thế của mỗi con người. Trần Đức Thảo gọi đây là cấu trúc tâm thần nhân cách (Structure psychique de la personnalité). Cấu trúc này bao hàm tính cách (caractère) - tổng hợp những đặc điểm của quá trình biện chứng của mỗi trẻ nhi đồng từ ý thức về bản thân Mình lên ý thức về bản thân Tôi, Anh, Nó. Nhân cách và tính cách bao trùm tất cả cái cơ bản chung của con người ở trình độ cao nhất của thời đại nguyên thủy, trong sự phát triển bắt đầu của người Khôn, từ thời đồ đá cũ đến thời đồ đá giữa, tức là giai đoạn tích cực của xã hội bộ lạc [Xem 118, tr.40].
Theo Trần Đức Thảo, vai trò của 5 năm nhi đồng (tương ứng với phát triển loài là xã hội nguyên thuỷ) là cực kì quan trọng trong quá trình hình thành tính cách con người, tạo nên thái độ của nó đối với lao động, với những giá trị đạo lý, với lý tưởng và văn hóa. Cơ sở của tính cách con người với tư cách là nhân cách – ý thức về quan hệ giữa cái Mình, cái Tôi, cái Nó - hình thành từ tuổi lên 5 được tạo nên từ phương thức giáo dục, từ xã hội, từ những quan hệ cộng đồng, gia đình, v.v.. [Xem 118, tr.42-43]. Trần Đức Thảo cho rằng, cái hiện thực tâm thần, với cơ cấu đặc thù của cái Mình đối xứng ngang bằng với bản thân Mình, là cái được sinh ra từ quan hệ xã hội cộng đồng, gồm quyền và nghĩa vụ - hai cái tương xứng với nhau trong mọi
việc, mọi thành viên, nó biểu hiện như là sự tự ý thức về bản thân mình; đến lượt mình, tất cả các ý thức về bản thân mình đều phản ánh lẫn nhau, ngang bằng nhau. Sự phản ánh có đi có lại như thế là tiếng gọi bên trong, làm cho tiếng gọi bên trong (ý thức về bản thân) cứ tiếp tục kêu gọi bản thân mình: đó là quá trình trực tiếp tạo nên hiện thực tâm thần, mầm mống của nhân cách.
3.1.3. Sự hình thành ngôn ngữ và ý thức
3.1.3.1. Các yếu tố và cơ chế khởi nguồn ngôn ngữ và ý thức
Theo Trần Đức Thảo, những yếu tố cơ bản tạo nên nền tảng chung của con người là: Sức lao động đơn giản, Tiếng nói bên ngoài, Tiếng nói bên trong. Nghĩa là, yếu tố đặc trưng đầu tiên của con người là sức lao động - khi con người biết sử dụng công cụ để lao động sản xuất. Chính bằng lao động sản xuất - tức con người có sức lao động đơn giản nhất là khi con người xác định mình là con người. Thứ hai, trong lao động sản xuất, do nhu cầu giao tiếp, ở con người đầu tiên xuất hiện Tiếng nói (tiếng gọi thể hiện tín hiệu giao tiếp) để truyền thông điệp cho người khác. Đây là tiếng nói Bên ngoài - Ngôn ngữ sơ khai của con người. Thứ ba, Tiếng nói Bên trong - yếu tố có được từ “suy nghĩ” nội tâm - cái “ra lệnh” cho Tiếng nói Bên ngoài thể hiện thành tiếng gọi, hiệu lệnh (đối với người khác). Đây là Tiếng nói Bên trong (của tâm thần), cái mà Trần Đức Thảo gọi là Ý thức.
Ý thức như vậy là cái được hình thành từ quá trình lao động sản xuất nói riêng, hoạt động sống nói chung của con người: từ trong lao động và hoạt động sống, nảy sinh tiếng nói bên ngoài - những thông điệp được thể hiện bằng ngôn ngữ sơ khai trong giao tiếp, thế giới Tâm thần vận động để thể hiện ý nghĩ, chuyển tiếng nói bên ngoài thành tiếng nói bên trong. Ý thức là sự vận động của năng lượng tâm thần căn bản, xuất phát từ tiếng gọi; là cái mặt tác động của Tiếng nói. Ý thức (trình độ phát triển cao của Tâm thần): là cái tiếng nói bên trong, tức là sự suy tư nội tâm, cái sản phẩm được sinh ra từ lao động hợp tác và quan hệ xã hội cộng sản nguyên thủy thông qua tiếng nói bên ngoài (giao tiếp cộng đồng). Rõ ràng ngôn ngữ và ý thức là hai yếu tố cùng một lúc được hình thành, cùng vận động và cùng phát triển.
Theo Trần Đức Thảo, sức lao động đơn giản là năng lượng người sơ khai, cũng là cái quyết định nhất trong ba yếu tố đưa con vật lên con người, hình thành bản chất con người với tính cách loài (con người chung). Tiếng nói là sản phẩm của quá trình giao tiếp, là cái mà Trần Đức Thảo gọi là lao động hợp tác và quan hệ xã hội nguyên thủy, nó là sự sáp nhập biện chứng của những quy luật sinh học, của bộ óc và những khí quan biểu thị, làm cho chúng trở nên có ý nghĩa và nó phản ánh