Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 27


được. Đầu năm nay tôi còn thấy vợ chồng anh chị ấy xuống đây tạ lễ, chắc là tạ ơn cụ.

H: Những nghi lễ trong lễ hội của ngài?

TL: Ngày 20 tháng 8 âm lịch tại đền thờ Lê Lai ở làng Tép diễn ra Lễ Mộc dục. Các cụ trong ban thờ tự và lễ nghi của làng Tép lau chùi những đồ thờ, rửa tượng và dọn dẹp vệ sinh khu đền. Sau đó, trong gian Tiền Điện và Hậu Cung các cụ thủ Từ và ban lễ nghi làm Lễ Cáo Yết xin phép mở hội. Các công việc được các cụ hoàn tất chu đáo trước ngày 21 một cách cẩn thận và kỹ càng. Khoảng 8h sáng ngày 21 tháng 8 âm lịch ngày chính hội, một nghi lễ Rước sắc được tiến hành. Theo phong tục từ xưa thì sắc được để ở nhà ông Từ chứ không phải để ở đền như một số nơi vẫn thường làm. Do vậy đoạn đường rước sắc được đưa từ nhà ông Từ ra ngoài đền, đoàn rước bao gồm kkhoảng 30 người: Các cụ trong ban nghi lễ, có đội chấp kích, có cờ, lọng và dàn nhạc trống chiêng kèm theo. Đoàn rước đến nhà ông Từ, các cụ ban nghi lễ tiến vào bên trong và thực hiện một số nghi lễ cũng như bài cúng xin rước sắc ra ngoài đền làm lễ. Ngoài ra trong buổi lễ đó còn có một chi tiết khác nữa đó là khi đoàn rước sắc đi đến đầu làng Tép sẽ trực tiếp đón các cụ của làng Cham lên chơi, vì đây là một nghi lễ gọi là lễ kết chạ của hai làng. Sắc được rước vào đền, tại gian tiền điện lần lượt các đội tế Nam, đội tế Nữ tiến hành nghi lễ của mình. Các đoàn khách lần lượt vào thắp hương khấn vái và cầu ước. Có cả các trò chơi dân gian trong đền. Chiều ngày 21 rước kiệu Lê Lai ra đền vua Lê để hôm sau Rước cùng kiệu Vua Lê trong chính hội.

H: Năm nay lễ lớn có rước tượng ngài không?

TL: Rước vọng kiệu ngài xuống Lam Kinh thôi chứ tượng ngài nặng lắm. Mỗi năm rước ngài thì trai gái quê chúng tôi rong chiêng mở cờ, đánh trống đánh cồng rước ngài quy mô lắm. Mỗi dịp đó chúng tôi lại cùng dân đi bộ xuống Lam Kinh, dù mệt đấy nhưng về ai cũng khỏe.

H: Bác cho biết hội đền Tép hiện nay khác gì so với trước đây?

TL: Nghi thức rước kiệu thì vẫn như tục xưa thôi, chỉ khác là phần hội hiện nay đẹp hơn. Sau lễ là các tiết mục sân khấu do các nghệ sỹ, diễn viên Đoàn chèo Thanh Hóa cùng các đội văn nghệ của huyện Ngọc Lặc biểu diễn, tái hiện lại những hình ảnh hào hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và ca ngợi việc liều mình cứu Chúa của Trung túc Vương Lê Lai. Cũng như nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao như bóng chuyền, tung còn, đánh đu của con em xã nhà.



Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.

tích‌

5.2. Bản ghi chép phỏng vấn số 2

Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 27

*Thông tin về người trả lời:

- Ông Vũ Đình Kham, 53 tuổi, xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, trông coi di


- Thời gian phỏng vấn: ngày 15/9/2014 (tức 22 tháng 8 âm lịch)

- Địa điểm phỏng vấn: tại khu DTQGĐB Lam Kinh và đền thờ Lê Thái Tổ

*Nội dung phỏng vấn:

H: Di tích được xây dựng từ khi nào?

TL: Theo tôi biết thì di tích Lam Kinh theo tài liệu xưa để lại có nói được

xây dựng cùng năm với vua Lê Thái Tổ mất là năm 1433, nay đã gần 600 năm rồi. Điện Lam Kinh ngày trước bị cháy nhiều lần. Tôi nghe các cụ kể lại rằng, thời Tây Sơn khu này cháy mất mấy ngày mới tắt lửa. Ngày trước, khi chưa được khôi phục, các cụ làng Cham phải dựng đền thờ cụ ở phía ngoài đường giờ anh vào đấy.

H: Xin bác cho biết thêm về đền thờ Lê Thái Tổ?

TL: Trước đây do không có nơi thờ cụ vì Lam Kinh hoang phế nên đền được dựng, ban đầu chỉ là tạm bợ bằng tranh, tre, nứa lá, cốt là đề dịp 22 tháng 8 có chỗ để bà con tỏ lòng thành với ngài. Sau rồi mọi người góp thêm mới xây được như hôm nay. Tôi cũng được kể rằng có một ông ngoài Nam Định cầu tự con rồi được nên góp tiền cùng các cụ ở địa phương xây lại.

H: Thế dịp lễ hội Lam Kinh thì lễ hội được tổ chức ở đâu ạ?

TL: Lễ hội được tổ chức ở 3 nơi, nhưng Lam Kinh vẫn là nơi chính. Sáng ngày 21 tháng 8, dân làng chúng tôi ở đây cùng các cụ cao niên lên đền Tép thờ Ngài Lê Lai ở Kiên Thọ gần đây rước ngài về đền Cham, tức là đền thờ cụ Lê Lợi. Rồi ngày 22 làm lễ chính kị đức vua Lê Thái Tổ ở điện Lam Kinh. Như vậy là có đến 3 lễ hội gồm lễ hội ở đền Tép, đền thờ Lê Thái Tổ và Lam Kinh.

H: Xin bác cho biết việc chuẩn bị lễ hội như thế nào?

TL: Theo lệ thì trước ngày lễ hội, ngày trước các cụ trong ban thờ tự và lễ nghi của làng Tép, làng Cham phải vệ sinh, dọn dẹp làm sạch di tích, giờ thì đến trước lễ tôi thấy chi đoàn thanh niên trong thôn cũng đến dọn dẹp. Trong những ngày đó, dân làng chúng tôi nô nức lắm, các cụ thủ từ thì chuẩn bị các việc như đánh bóng, lau chùi tượng thần còn đám thanh niên, trai tráng thì lo việc sửa soạn kiệu, trang trí kiệu để chuẩn bị lễ. Rồi các làng ở xung quanh đây họp bàn lên danh


sách chuẩn bị lễ vật dâng thần, trước đây lệ buộc mỗi làng phải dâng một con lợn, một mâm xôi và mân hoa quả để ra cúng ở Thái miếu trong ngày 22 tháng 8.

H: Thế việc chọn chủ tế có quy định không?

TL: Chủ tế quan trọng lắm chứ, ý anh hỏi chủ tế ở đền Cham hay chủ tế chính hội Lam Kinh. Vì trước đây di tích đền Cham là di tích của làng, cho nên theo lệ, làng chọn ra chủ tế ở lễ hội đền Lê Thái Tổ. Việc này quy định chặt chẽ lắm, người được chọn phải bắt buộc phải là đàn ông, đã có tuổi, đức độ, gia đình hòa thuận, có cả con trai con gái, cháu, dâu, rể, nội, ngoại. Mọi người trong đại gia đình đó phải biết quý trọng lẫn nhau. Gia đình phải sạch sẽ, không có tang và sẽ được giữ mãi cho đến khi không còn làm được nữa thì thôi, lúc đó làng tôi mới tìm người thay thế.

H: Bác ơi, thế việc dâng lễ có quy định gì không?

TL: Dâng lễ ở đây làm to lắm, thông thường như tôi nói đấy, các làng phải dâng lợn, xôi, hoa quả theo từng làng ra Thái miếu. Ngày thường ở đây vẫn có bà con thập phương đến viếng và dâng lễ còn lễ hội chính thì lễ to. Thường thì người ta dâng sớm, từ đầu sáng rồi đến trưa là hạ lễ. Khách hành hương họ cũng đổ về đây trong ngày hội nhiều lắm. Có năm họ dâng lễ chật hết các nhang án, phải ra ngoài khu vực đền mẫu nữa. Trong Lam Kinh thì không được dâng lễ vật mặn nên họ dâng hết ngoài này.

H: Bác có phải người gốc ở đây không hay về đây làm dâu?

TL: Tôi là người gốc ở đây, quê cụ Lê Lợi mà, Ông nhà tôi sinh ra 7 người con, 3 người đi làm ăn xa, chỉ có 4 người còn ở lại quê. Nhà tôi gần đền nên khi nào có dịp lễ tôi cũng thu xếp công việc. Tôi còn tham gia hội người cao tuổi nên các công việc họp bàn về tế lễ hàng năm tôi cũng được biết. Những năm gần đây, Lam Kinh được tu sửa lại khang trang nên khách hành hương, khách du lịch đổ về đây nhiều. Lễ hội thì khỏi phải nói, nô nức, chen lấn, người đông lắm, ra mãi cầu Mục Sơn.

H: Ngoài Lê Lai và Lê Lợi, bác có biết nhân vật nào tham gia hội thề Lũng Nhai cùng ông không, xung quanh đây có di tích nào của các vị không?

TL: Anh hỏi thì tôi nói chứ ở đây ai chả biết ông Lê Lai, Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn. Lễ hội này dân ta còn gọi là “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”. Các cụ đánh giặc cùng nhau, tình thân thiết lắm. Giỗ cụ và cụ Lê Lai chúng tôi ăn to lắm. Hội thề Lũng Nhai chúng tôi cũng biết, mấy năm trước họ tổ chức hội thảo về đây


dâng hương. Những vị khác thì tôi không nhớ hết tên nhưng ở đây một số vị người vùng này thì tôi vẫn biết, như ông Lê Thận nhặt gươm, rồi ở Thọ Hải có ông Lê Văn An, ở Hải Lịch có ông Lê Văn Linh, tôi chỉ biết vậy thôi. Hiện nay vẫn còn di tích, anh có thể xuống xem.

H: Bác thấy di tích thờ các Ngài có linh thiêng không?

TL: Cái đó thì anh còn phải hỏi, dân ở đây chúng tôi có ai dám đụng vào cái gì của cụ đâu. Ngày xưa Lam Kinh hoang hóa, dân đào trộm mộ về đây, chúng nghĩ rằng dưới mộ vua có vàng bạc, châu báu. Nghe đâu đào trộm nhưng không lấy được gì, rồi thì người ta đồn gia đình họ phải lên đền Cham dâng lễ không thì Ngài bắt tội chết. Tôi có biết tên người đó, ở dưới Sao Vàng kia, tôi cũng chả tiện nói tên. Nói thêm với anh, trước đây khi di tích chưa được tu bổ, tôn tạo lại như hiện nay thì mọi hoạt động tế lễ vua Lê chủ yếu diễn ra ở đền Cham (đền thờ Lê Thái Tổ) phía bên ngoài. Chúng tôi thường xuyên gặp các bản hội về hành hương, khi nào cũng có lễ hầu đồng vui lắm. Mấy năm gần đây, khi di tích được tu sửa lại khang trang, ngày hội khi nào cũng vinh danh các con cháu họ Lê ở cả trong và ngoài tỉnh. Họ về đây thấy vinh dự lắm. Mỗi đợt thi đại học, không những con cháu dòng họ Lê ở Thanh Hóa mà còn có những học sinh, con cháu người Thanh Hóa đến lăng cụ thắp hương, cầu khấn cho việc học hành hay sự nghiệp.

H: Bác có thể cho biết những trường hợp cụ thể về sự liêng thiêng của di tích và các ngài?

TL: Di tích thờ cụ Lê Lợi thì thiêng lắm, không thế thì dân ta tại sao có câu: “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”, các cụ ngày xưa đã dạy rồi, năm nào lễ hội 22 tháng 8 quê ta chả có mưa, ông Lê Lợi làm mưa đấy. Làm mưa cho dân được mát mẻ, cây cối được tốt tươi. Dân ở đây vẫn còn nhớ đến câu chuyện, một người cầu tự ở Nam Định xin được con khi cầu cụ, sau còn phải đến cúng voi và hưng công cho đền của ngài nữa. Tôi nghe nói chỗ ông ấy trồng cây ổi năm nào, giờ cây ổi cũng rất thiêng. Còn năm dựng lại Lam Kinh, cách đây gần mấy năm đấy, tôi không nhớ rõ, trong Thái miếu có một cây lim to, phải đến mấy trăm năm tuổi. Thế mà cây đang xanh tốt bỗng dưng trút lá chết, khoảng nửa năm sau khi cây chết, người ta đốn xuống để làm gỗ dựng công trình cho khu điện. Tôi thì tôi chưa được nhìn trực tiếp nhưng nghe nói thường cây chết sẽ tiêu tâm, rỗng ruột nhưng cây lim này thì không và nhờ cây đó mà dựng được mấy cây cột trong khu điện. Mà ngày phát cây xuống cũng trùng với ngày giỗ của ngài đấy anh ạ.


H: Làng mình có tục kết chạ không?

TL: Làng tôi có, tục này thì có từ lâu rồi, từ bé tôi đã được nghe ông bà kể lại. Nay thì tục này vẫn còn và ngày lễ vẫn có diễn ra. Tục này thì tôi được nghe như thế này: ngày xưa cụ Lê Lợi và cụ Lê Lai chiến đấu với nhau, 2 anh em bạn bè gần làng nhau. Rồi cụ Lê Lai chết thay vua nên 2 làng kết nghĩa. Cứ đến dịp 21 tháng 8 làng tôi lên làng Tép, dân làng Tép đón chúng tôi nhiệt tình lắm. Không chỉ lễ hội đâu, trước đây mỗi dịp có công việc gì 2 làng đều thông báo cho nhau, xem như anh em trong một nhà.

H: Trong lễ hội Lam Kinh ngày nay, cháu thấy có diễn các tích Hội thề Lũng Nhai, hội thề Đông Quan, Lê Lợi lên ngôi rồi cả Trò Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, hội trận nữa, thế trong số các tích trên thì tích nào là gốc của làng mình a?

TL: Tôi thì không biết cái đó lắm, lễ hội làng Cham xưa của chúng tôi không thấy có, chỉ mấy năm nay biểu diễn ở lễ hội Lam Kinh thôi. Trò Xuân Phả thì ở làng Xuân Trường phía dưới. Ở đây trước đây chỉ có rước kiệu vua và cụ Lê Lai là tôi còn nhớ, rước kiệu vui lắm, còn múa cồng chiêng, bắn cung nỏ nữa. Tôi chỉ biết vậy thôi.

5.3. Bản ghi chép phỏng vấn số 3

*Thông tin về người trả lời:

- Cô Lê Thị Yến, 50 tuổi, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, Buôn bán tự do

- Thời gian phỏng vấn: ngày 8/10/2014 (tức 15 tháng 9 âm lịch)

- Địa điểm: Tại đền thờ Chiêu Anh Quán (đền thờ Ngọc Lan công chúa)

*Nội dung phỏng vấn:

H: Cô có hay lễ ở đây không?

TL: Có, cứ rằng, mồng một là cô lại lên đây, đền này thiêng lắm cháu. H: Cô làm nghề gì.

TL: Cô buôn bán tự do thôi, công việc dạo này cũng không được như trước

nữa.


H: Khi lễ ở đây cô có thường xuyên hầu đồng?

TL: Cũng thỉnh thoảng thôi cháu ạ, di tích miếu Ngọc Lan này thiêng lắm,

cô chủ điện thương ai là người đó làm ăn được. Nhiều người lên đây cũng khấm khá lắm. Cũng nghe nói trước ở đền có nhiều cặp uyên ương trước ngày cưới


thường đến đền thắp hương, để Thánh Mẫu chứng giám lòng chung thủy họ và hưởng hạnh phúc, con cái đầy đủ cả nếp cả tẻ.

H: Cô có biết về lịch sử di tích này?

TL: Dân ở đây họ đồn từ lâu lắm rồi. Người dân ở đây xem đây như một trong những ngôi đền thờ thánh mẫu linh thiêng. Cứ vào những ngày mồng 1 và ngày rằm hàng tháng, người dân đều nô nức kéo đến đền. Họ cầu may mắn, an lành và mong muốn có được cuộc sống hạnh phúc. Bởi theo họ, đền thờ Mẫu rất thiêng, có thể thấu hiểu những lời cầu nguyện của con người. Từ xa xưa, xung quanh ngôi đền đã có những câu chuyện huyền bí hư thực được dân gian lưu truyền bao đời nay.

H: Vậy cô có biết sự tích thờ cúng ở đây?

TL: Ở đây vẫn lưu truyền giai thoại: xưa đền có tên là đền Trình.Vì ngày xưa, đây là con đường duy nhất để thông thương giữa miền xuôi lên miền ngược của huyện. Tỉnh Thanh Hóa thuở ấy còn nhiều rừng rậm và thú dữ, đường đi cách sông trở núi nên rất gian nan, nguy hiểm. Đền Ngọc Lan nằm chính giữa ranh giới của mảnh đất nối liền miền xuôi và miền ngược. Để hành trình được an lành, vạn sự thành công, khách bộ hành thường tạt vào đền thắp hương, cầu xin thánh thần bảo hộ cho mình. Đền Trình có nghĩa là trình diện, mong các bậc thánh thần nhận mặt để chở che cho họ tránh gặp thú giữ, và đạo tặc trên đường đi. Ngày xưa, thời ông Lê Lợi khởi binh thì đây chính là một trạm canh gác đa năng. Trạm canh được chủ tướng Lê Lợi giao cho một thôn nữ tài trí mưu lược, sắc nước hương trời, giả mở quán bán hàng nước dưới gốc cây Ngọc Lan để che mắt quân Minh. Đây đồng thời là trạm đưa tin, dò la các hoạt động của giặc để kịp báo cho nghĩa quân Lam Sơn. Quán nước cũng là một cơ sở bí mật lựa chọn tuyển mộ binh lính trong vùng cho chủ tướng Lê Lợi. Thanh niên trai tráng muốn đầu quân thì tới đây đăng ký tên tuổi để trình lên các tướng lĩnh, sau đó mới được vào vòng trong huấn luyện để gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Với những công trạng của mình, sơn nữ ấy đã giúp Lê Lợi có những người tôi trung, làm nên chiến thắng giòn giã trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Khi qua đời, cô được sắc phong là Công chúa Ngọc Lan, được nhân dân lập đền thờ để tỏ lòng nhớ ơn.

H: Cô có nghe nói chuyện thiêng nào nữa về di tích?

TL: Tôi nghe người ta đồn rằng trong thời Pháp thuộc, bọn thống trị bắt phu phen ở đây đào một con sông dẫn nước từ đập Bái Thượng xuống các xã dưới xuôi


để tưới tiêu, nhưng thực chất là để phục vụ mục đích bóc lột nông nghiệp. Khi đào tới gốc cây Ngọc Lan thì không thể nào đào tiếp được nữa, vì cứ sau một đêm những phiến đá to lạ xuất hiện cản lối. Điều này khiến cho nhiều kỹ sư Pháp đau đầu, nhưng không sao lý giải và tìm ra cách khắc phục được. Một hôm ông kỹ sư người Pháp trở ra Hà Nội xin ý kiến của cấp trên, trong khi ngủ ông mơ thấy giữa dòng sông đang đào, nổi lên một con trâu trắng và một cô gái mặc quần áo trắng cứ dập dềnh trên mặt nước. Cho là điềm linh thiêng nên ông đã quay trở lại, đi đến xã Thọ Lâm thì ông bị lạc ở rừng Lim. Đang đêm tối om, ông nhìn thấy một vệt ánh sáng le lói phía trước, nhìn kỹ thì hóa ra đó là một cái am nhỏ đang được ánh trăng phản chiếu. Hôm sau ông quay trở lại, thắp hương rồi nhờ thầy địa lý di chuyển am về gốc cây Ngọc Lan. Kể từ đó dòng sông được đào trôi chảy không gặp sự cố gì nữa.

H: Vậy cô có biết đền thờ Ngọc Lan này còn thờ các nhân vật tham gia khởi nghĩa Lam Sơn nữa không ạ?

TL: Cô cũng có biết, vì có tượng trong đền thờ mà. Nhiều vị lắm. Các ngài đều phù hộ cho dân cả.

5.4. Bản ghi chép phỏng vấn số 4

*Thông tin về người trả lời:

- Ông Lê Văn Trắc, 75 tuổi, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thủ từ

- Thời gian phỏng vấn: ngày 22/4/2016 (tức ngày 16 tháng 3 âm lịch)

- Địa điểm: tại đền thờ Lê Hiểm (xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa)

*Nội dung phỏng vấn:

H: xin cụ cho biết một số thông tin về lịch sử đền thờ?

TL: Đền thờ cụ Lê Hiểm ở làng tôi có lịch sử từ rất lâu đời, theo các cụ trong dòng họ cho biết, đền được xây dựng từ thế kỷ thứ XV, cách nay đã gần 500 năm. Ở đây có đền thờ cụ của làng, dân vẫn gọi là đình làng Thái Bình, còn họ cụ có nhà thờ họ riêng. Hai nơi này cách nhau gần 400m. Năm 1994 đền làng tôi được nhà nước công nhận di tích quốc gia. Mấy năm đó, các anh ở trên bảo tàng tỉnh có về đây đo đạc, khảo sát nghiên cứu. Ngày nay thì mỗi dịp làng có lễ, bà con dòng họ và thôn phối hợp với nhau tổ chức. Nhiều năm bà con dòng họ cụ các nơi cũng về dự đông lắm.


H: Cụ có biết về công trạng và cuộc đời của ngài Lê Hiểm?

TL: theo gia phả dòng họ nhà tôi, cụ Lê Hiểm sinh năm 1392, tham gia đánh giặc Minh cùng với vua Lê Thái Tổ, là một vị tướng tài giỏi, tham gia trận mạc, ngài rất được vua yêu mến, trọng dụng. Không chỉ mình ngài tham gia khởi nghĩa Lam Sơn với vua Lê đâu, dòng họ nhà tôi còn có cụ Lê Hiêu nữa. Cha con cụ đã tham gia nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt vang dội. Đáng ghi nhớ nhất là trận phục kích ở Chi Lăng chém đầu Đại tướng Liễu Thăng tại Mã Yên và trận truy kích ở phố Cát bắt sống 5 vạn quân địch, chém đầu phó tướng Lương Minh, buộc thượng thư Lý Khánh phải thắt cổ tự tử. Sau khi thắng giặc, cha con cụ đã được phong đệ nhất công thần khai quốc, tham dự triều chính trọng sự, khi mất được phong thượng Đẳng phúc thần đại Vương, hai cha con được an táng ở Lam Sơn rồi sau này dòng họ con cháu chuyển về đây lập nghiệp. Làng tôi nhớ ơn cụ nên thờ như thành hoàng của làng. Là người khai cơ lập nghiệp ở đây.

H: Làng mình tế lễ có nhiều tiết không ạ?

TL: Cúng lễ ở đây thì có nhiều tiết. Chúng tôi có 3 ngày chính theo lệ là lễ khao quân mừng chiến thắng vào mùng 6 tháng Giêng, lễ tế xuất quân 16 tháng 3 âm lịch và lễ tế tổ diễn ra từ ngày 12 đến 25 tháng 8 âm lịch. Riêng ngày tế tổ thì trùng với dịp lễ hội Lam Kinh, tôi được nghe trước đây các cụ cử trưởng tộc về Đền Lê dâng hương, dự lễ. Còn vì sao lễ tế tổ nhiều ngày thế là bởi vì gia phả ghi lại trong tháng 8 chúng tôi có nhiều người trong dòng họ cụ Lê Hiểm và Lê Hiêu mất nên lễ tế tổ diễn ra tận gần 2 tuần. Gọi là 2 tuần cho nhiều thôi chứ làng và họ chúng tôi tế nhằm vào dịp 22 tháng 8 âm lịch hằng năm thôi. Các ngày khác thì vẫn hương khói nhưng chỉ có con em trong họ dâng lễ, cúng nhỏ, bình thường thôi.

H: Ngày lễ có con em xa trong họ về đây dự không?

TL: dòng họ nhà tôi trong lịch sử lớn lắm, rồi chiến tranh loạn lạc, tứ tán khắp nơi, tha phương nhiều. Nay thì thông tin thông suốt lắm, điện thoại và mạng đã phổ biến nên mọi người dễ dàng liên lạc với nhau hơn. Như năm ngoái, con cháu dòng họ tôi từ Đông Lĩnh, Đông Sơn, rồi có cả Quảng Ninh cũng về đây dự. Nhiều bà con dòng họ còn có nguyện vọng về đất tổ của làng và dòng họ để được an nghỉ, chúng tôi đều khuyến khích cả.

H: Thế cụ thấy đền làng minh có thiêng không ạ?

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024