Truyện trinh thám Việt Nam là bức tranh phản ánh nhiều kiểu người trong xã hội, từ quan lại, trí thức, người thành đạt cho đến dân buôn lậu, kẻ bất hảo … Nhân vật trong tác phẩm được miêu tả dưới góc độ “đời tư”, diễn biến tâm lý phức tạp, khó nắm bắt. Cũng vì thế nên khi mô tả nhân vật, nhà văn thường tìm cách thể hiện cho được nét đặc trưng trong ngôn ngữ của từng loại người, nhằm đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Cách thể hiện phổ biến nhất là thông qua đối thoại, độc thoại. Thực ra, việc thể hiện tính cách nhân vật thông qua lời thoại không phải là mới. Thủ pháp này đã xuất hiện trong văn học trung đại. Tuy nhiên, khi vận dụng vào truyện trinh thám, các nhà văn đã có nhiều cách tân đáng kể. Điểm đáng lưu ý trong cách dùng lời thoại ở đây là tổ chức đối thoại và độc thoại theo kiểu “phân vai”.
Đối thoại là một dạng lời phát ngôn trực tiếp, mang tính cá thể hóa cao của nhân vật khi tham gia giao tiếp. Nó có vai trò quan trọng trong việc chuyển đạt thông tin, cả thông tin sự kiện cũng như thông tin về trạng thái cảm xúc của chủ thể. Nhà văn thường căn cứ vào địa vị xã hội, vai trò và công việc trong cuộc sống của nhân vật để thực hiện lời thoại với lớp từ ngữ, sắc thái phù hợp. Với hạng “người nhà nước” như quan lại, mật thám, kẻ giàu có, giọng điệu trong giao tiếp của họ thường mang tính chất “hành chính”, kẻ cả, đầy vẻ uy quyền. Ví như quan Châu Nga Lộc, tuy chỉ là quan chức ở một vùng miền núi xa xôi nhưng lời lẽ rất hách dịch: “tha mày cũng là tao mà xử mày cũng là tao”, “Tao có đủ quyền để bênh vực mày, cũng có đủ quyền buộc tội mày nữa, mà tao muốn cho mày ở đây hay đuổi mày ra khỏi Châu cũng được” [67, tr.12, 20]. Với Hồ Quốc Thanh, một ông chủ khi nói với tôi tớ, trong giọng nói luôn toát lên sự đe nẹt, dọa dẫm của bậc trên, có quyền sinh quyền sát: “Sao? Mi có chịu là cứ thiệt mà khai hay không?
… Mi chớ có xảo ngôn mà oan hồn ăn năn không kịp. Ta đã nói, ta mà hỏi đến mi là bởi chuyện ta biết đã rò ràng …” [77, tr.541].
Trong Kim thời dị sử - Ba Lâu ròng nghề đạo tặc, lời lẽ của một ông “cò” (police) thể hiện một uy lực đáng sợ: “Bớ Ba Lâu, hãy trói tay mà chịu tội đi, bằng không chúng ta bắn chết! Phen này đố mi chạy đâu cho thoát. Lính đã bao vây nhà rồi, dầu mi có phép tàng hình cũng không trốn khỏi” [113, tr.234].
Đối với nhân vật thám tử, ngôn ngữ lại có nét riêng của nghề điều tra, phá án: thận trọng, chính xác. Nhà văn thường sử dụng cách nói trung tính, khách quan; diễn đạt ngắn gọn, dứt khoát, mạnh mẽ: “Thế nào, mi tin rồi chứ? Ta hẹn cho mi một phút ... ta là Kỳ Phát, thề có vong linh Tiếp ta quyết sẽ đưa mi nộp cho các nhà chuyên trách ngay” [21,
tr.104]. Ngôn ngữ mang phong cách của con người khẳng khái, tự tin, có bản lĩnh: “Rồi ta sẽ tìm cho ra nghĩa kín, ta sẽ khám phá cho kỳ được” [66, tr.17]. Trong vai trò người dẫn truyện, nhiều khi nhân vật còn đưa ra những giả định, gợi ý để tạo điều kiện cho nhân vật “tôi” (thám tử) giải thích, phân tích một cách tường tận những vướng mắc trong các chứng cứ vụ án. Trong Chiếc tất nhuộm bùn: “Kỳ Phát lắc đầu. Như anh nghĩ thì không có gì lạ thực, song tôi ngạc nhiên vì thấy trong thư, chữ tuy cứng cỏi đàn ông mà nhận kỹ thì vẫn là thứ chữ đàn bà, cùng một lối chữ viết ngoài phong bì. Nghĩa là phải là một người có con mắt nhận xét rất tỉ mỉ mới biết được thế, chứ người thường tôi cam đoan ít ai thấy được” [20, tr. 65]. Trong Kho tàng họ Đặng, thông qua việc đối thoại giữa Kỳ Phát và Cúc, nhà trinh thám có dịp giải mã những bí ẩn, điều mà người đọc đang cố tìm hiểu: “Tôi bừng mắt dậy, không thấy Cụ đâu, tình cờ trông thấy trong cái bát điếu còn chiếc đóm chưa tắt hẳn mà ngước nhìn lên, tôi còn nhìn thấy một làn khói tỏa mờ. Vì thế tôi biết ông Cụ vừa mới hút thuốc xong thì đi” [20, tr. 121]. Kỳ Phát giải thích một cách rò ràng hơn: “Tôi cố ý tát nó một cái vào má, chỗ dán lá cao để xem rằng má nó có mụn nhọt hay không (...), nó không ra dáng đau đớn gì cả. Nhờ đó tôi biết chắc rằng lá cao chỉ dùng để che dấu vết sẹo kia mà thôi (...) Tôi bèn ghé tai nó dọa rằng “Vừa mới vượt ngục ra mà muốn vô khám nửa sao”. Nó chột dạ thế là không dám làm dữ nữa” [20, tr.125]. Hoặc trong Vết tay trên trần, người dẫn truyện và Kỳ Phát đối đáp với nhau: “Tại sao anh lại biết con khỉ lấy chìa khóa ở đỉnh màn?”. Kỳ Phát trả lời: “Anh thực vô tâm, anh đã quên rằng trên màn chỉ có một chỗ có bốn vết tay, còn lại toàn ba vết là gì …” [18, tr.48]. Và cứ thế Kỳ Phát giải thích lý do anh phát hiện ra thủ phạm.
Đặc biệt, trong các truyện của Thế Lữ, phương thức đối thoại được sử dụng rất thường xuyên. Nhiều khi đối thoại được dùng để “kết hợp” nhiệm vụ trần thuật, dắt dẫn (theo nguyên tắc ngôn ngữ kịch). Muốn thế, các “cặp” tham gia đối thoại phải gần gũi, hiểu nhau. Chẳng hạn cặp Lê Phong – Văn Bình, lúc nào bên cạnh Lê Phong cũng có Văn Bình (người bạn trong tòa soạn báo) để anh giải bày, tâm sự. Những lời đối thoại lúc này, mục đích để cho Lê Phong giải thích tư duy biện luận của mình đối với bí mật vụ án. Lê Phong chia sẻ tất cả những suy nghĩ của mình với Văn Bình:
Tôi hỏi:
Có thể bạn quan tâm!
- Kiểu Cốt Truyện Trinh Thám Tiêu Biểu Của Phương Tây
- Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 15
- Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 16
- Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 18
- Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 19
- Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 20
Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.
- Thế ra bài thơ lục bát là một bản án của một đảng bí mật?
- Không phải. Một bức thư báo trước, báo cho Tuyết Mai cái số mệnh của mình thế nào…
- Ồ ! nhưng Tuyết Mai sao lại bị khép vào tội phản bội, hay cô có chân trong một hội kín nào ?
- Hẳn thế.
- Mà vì phản bội thực, sợ bị đảng ám sát nên cô quyên sinh ?
- Phải rồi.
Tôi kinh ngạc vì thấy Lê Phong trả lời những câu hỏi đó một cách rất thản nhiên, anh trông tôi bằng đôi mắt tươi cười nửa như soi mói, nửa như chế riễu …[66, tr.159 ].
Trong một vài truyện, đối thoại thực chất là một cuộc đấu trí, so tài của các nhà thám tử trong giới hạn thời gian truy tìm thủ phạm vụ án. Đối thoại trong Gói thuốc lá là sự thách thức giữa thám tử nhà nước Mai Trung và Lê Phong:
Mai Trung nói: Còn ông Kỳ Phương với tôi không cam đoan, chúng tôi quyết bắt được hung thủ ngay, chậm lắm là ... năm ngày nữa. Lê Phong xé một tờ giấy đưa cho ông Kỳ Phương ... Vậy xin mời hai ông ba ngày sau quá bộ lại tệ xá nghe Lê Phong phân giải những chữ này ... Và luôn thể bắt hung thủ ở đó [64, tr. 93].
Trong Người một mắt là sự gặp gỡ giữa giữa hai thám tử Kỳ Phát và Lê Song:
Lê Song không nhịn được nữa, vội bảo: Ông Kỳ Phát, lần này ông đã chịu thua tôi chưa? Bây giờ ông định dẫn tôi đi bắt thủ phạm ở đâu? Nhưng Kỳ Phát chỉ lặng yên, mĩm cười ... Tôi chỉ sung sướng ở chỗ một lần nữa tôi làm được cho ông Lê Song tức tối! Mà bây giờ hẳn ông phải chịu thua rồi? Lê Song lắc đầu: Tôi không chịu thua! [21, tr.201].
Cũng có khi, lời thoại người kể chuyện cùng thám tử hòa chung với nhau:
- Anh đã tìm được nhiều điều hay? Nhiều điều mà anh tin là vững chải?
- Tôi tưởng thế , nhưng sao anh biết? (...)
- Theo tôi thì chuyện này có thể có nhiều điều đáng chú ý lắm. Cả đến những việc nhỏ như cái tơ cái tóc cũng không được bỏ qua.
- Anh nói nốt đi, lời bàn của anh hay lắm (...)
- Hay lắm! Giỏi lắm! Anh suy đoán rất hợp với phương pháp của tôi [66, tr. 287
– 288].
Trong các truyện sử dụng lối trần thuật ngôi thứ ba, lời thoại của người kể chuyện (giấu mặt) chỉ làm nhiệm vụ miêu tả lại những hành động và suy nghĩ của nhân vật chính để giải thích bí mật vụ án: “Ông Châu quay lại để khám người Khách ... Ông Châu xem
ra thì biết người ấy bị giết chứ không phải quyên sinh ... Ông nhìn kỹ những hòn đá gần của hang rơi xuống trước tiên thì lại thấy xung quanh đá bong ra những mảnh cát to hạt và sắc cạnh mà ông không dám động tới...” [67, tr.21, 31].
Với những truyện có tính chất dung hợp (trinh thám – ái tình – hành động) như Kim thời dị sử - Ba Lâu ròng nghề đạo tặc, lời thoại thường thể hiện dưới hình thức gián tiếp, phát ngôn của nhân vật không hiển lộ trực tiếp mà thông qua lời người kể chuyện:
Hai tên lính lật đật đưa súng sáu nhắm ngay mặt Ba Lâu mà la lên rằng: Bớ Ba Lâu, hãy trói tay mà chịu tội đi, bằng không chúng ta bắn chết. Phen này đố mi chạy đâu thoát ... Ba Lâu cũng đứng tĩnh táo như không có sự chi lạ, hai tay cầm hai cây súng sau nhắm ngay bọn lính mà nói chậm rằng: Chúng bây đừng chợp rợp, tau bắn nát óc bây giờ. Hãy đứng tử tế cho ta nói chuyện cho mà nghe ... [77, tr.234].
Một hình thức lời thoại khác cũng thường được nhà văn trinh thám sử dụng là độc thoại. Độc thoại là lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí, diễn biến nội tâm, nó vốn là dòng chảy tinh thần thầm kín ở bên trong, một khi được bộc lộ ra bên ngoài bằng những câu nói, tức nội tâm đã được hữu hình hóa. Độc thoại nội tâm là hình thức phản ánh thế giới tinh thần của con người một cách mới mẻ và hiện đại. Khi độc thoại, con người đặt mình trong hoàn cảnh giao tiếp đặc biệt, giao tiếp với chính mình. Khác với đối thoại, có phân biệt người nói – người nghe, độc thoại nội tâm chỉ là một, không có sự chia tách nào. Vì nói với mình nên độc thoại nội tâm là tiếng nói chân thực nhất trong tâm hồn con người. Xét về bản chất, độc thoại nội tâm cũng có tính chất trao đổi, phản biện; bởi khi đó con người đối diện với chính mình để thể hiện một quan điểm về mình hoặc về người khác.
Trong truyện trinh thám, người đọc bắt gặp nhiều trường hợp nhân vật “trải lòng”, “tự vấn”, tranh biện… qua những dòng độc thoại. Những lúc đó, suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, về thời cuộc, về chính mình… hiển lộ mộc cách rò ràng nhất. Với phương thức trần thuật này, người kể chuyện đã gắn “điểm nhìn bên trong” với “điểm nhìn bên ngoài” nên khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật bị thu hẹp lại. Người trần thuật dễ dàng thể hiện tâm trạng cụ thể của nhân vật, dễ dàng trình bày những diễn biến trong tâm hồn nhân vật cho độc giả thấy.
Trong Chiếc tất nhuộm bùn, Kỳ Phát tâm sự: “Đời tôi có lẽ hoàn toàn là những cái phiêu lưu, bí mật, ngay từ lúc tuổi thơ, tôi đã bị nhiều nỗi khổ lạ lùng … Anh không
hiểu, phải anh không hiểu, vậy tôi nói câu này cho anh hiểu nhé, Tôi cũng là một thằng ăn cắp” [20, tr.15]. Và Kỳ Phát kể lại tuổi thơ đau buồn của mình, cha chết, người Dì kế theo nhân tình, chàng một lần tình cờ theo dòi bọn người buôn thuốc phiện thì gặp được mẹ ruột của mình, từ đó Kỳ Phát biết được thân phận của mình theo lời kể của người vú nuôi già. Hoặc một đoạn khác: “Nhiều vụ trộm cướp bí mật, nhiều vụ án mạng li kỳ, tôi vẫn coi thường, nhưng lần này tôi đứng trước cả hạnh phúc của một đời, những tấm lòng hy sinh cao cả, tôi tự nhiên thấy cái nguy hiểm của sự nhầm lẫn do phương pháp xử lý của mình” [18, tr.89].
Trong Lê Phong phong viên, thám tử Lê Phong thường tự nhủ bản thân: “Con nhà làm báo ít ra cũng phải có một nghìn và một mưu kế trong túi, hay nói một cách giản dị hơn, ít ra cũng phải tinh quái hơn ma”. Những lúc tâm trí bị kích động mạnh, anh nóng ra cả người lên, lẩm bẩm một mình:
Trời? Ta biết lấy gì cảm ơn sự tình cờ nó làm cho ta được gặp việc này ! Một người bác sĩ giỏi nhất nước Nam lại là một người có không biết bao nhiêu là chuyện kín … Có bao sự nguy hiểm nó vây bọc. Rồi còn phải chết nữa. Chết ngay bây giờ, trong giữa lúc được thấy cảnh rực rỡ nhất đời… Bức thư như khiêu khích ta, như thách thức ta … Lê Phong ơi, mi thực là một tay phóng viên có diễm phúc …[68, tr.17].
Trước một vụ án mà bí mật vẫn chưa hé mở, Lê Phong thường suy nghĩ: “Các nhà chuyên trách mỗi lúc mỗi thấy vụ án thêm li kì hơn. Họ dùng các phương pháp nhà nghề khám xét mọi nơi: từng cánh cửa, từng mặt bàn, chân ghế, từng cái song sắt cửa sổ … Không, không có một dấu vết nào của hung thủ để lại…” [64, tr.70]. Thế là, anh lại hướng vào một số dấu vết mà hung thủ vô tình để lại tại hiện trường, không theo phương pháp điều tra của mật thám và đôi mắt linh hoạt vẫn không hề bỏ sót một vật gì quanh mình, anh đã phát hiện vụ án một cách tài tình.
Một cộng sự khác của Lê Phong, nhân vật Mai Hương, cũng thường xuyên tự vấn, tự nhủ: “Phải có linh giác đàn bà mới thấy trước được những điều mà thông minh trí tuệ đến đâu cũng không thể thấy được … trí mạo hiểm giúp ta làm được nhiều việc lớn nhưng khi trí mạo hiểm ấy đến bực táo bạo thì rất hại người” [69, tr.62]. Với Châu Nga Lộc, khi bọn tôi tớ nậy được lớp gạch phủ trên phiến đá, những thỏi vàng hiện ra trong hang. Bỗng nhiên ông nín lặng. Ông liếc nhìn bọn tôi tớ … ông thấy cái ghê rợn chạy khắp người. “Nhưng mà không! (Ông nghĩ thầm) ... Ta phải bình tĩnh mới được … ừ
không sợ gì! Tuy thế, ông vẫn để ý đến cử chỉ của họ và nhìn lại cái gươm sáng của ông dựng ở một bên đùi” [68, tr.32]. Từ lời độc thoại của viên quan người Thổ khi cùng tôi tớ tìm được kho báu trong hang, người đọc thấy được sự thông minh, nhanh nhạy và tài năng của một ông quan miền núi.
Trong Người bán ngọc, Hồ Quốc Thanh nghi vợ ngoại tình, muốn xử tội nhưng còn đắn đo bởi ông nghĩ:
Nếu mình kêu hết vô mà tra hỏi, như chuyện có, dầu khi vợ mình trở về, nó có học lại cũng không sao, còn như chuyện không mà mình nghi mà tra hỏi như thế, thì khi vợ mình về nó học lại, chi cho khỏi sanh sự bất bình, đất bằng sóng dậy. Chi bằng mình hỏi một đứa mà thôi cũng đủ rò ngọn nguồn. Phải lựa đứa nào bây giờ … [77, tr.539].
Với tính toán thâm độc, Hồ Quốc Thanh đã trả thù vợ, bọn tôi tớ và Tô Thường Hậu một cách dã man, tàn độc. Đoạn miêu tả nội tâm của Trang Tử Minh trước sự tiếp đón của Hồ Quốc Thanh; khi nhận “chút lễ mọn của Hồ Đô đốc”, thầm nghĩ:
Nghĩ thật không ra, sự này cũng lạ! Hồ Quốc Thanh vả chăng là một vị Đô đốc trấn Phủ tỉnh này, oai danh cả dậy, vị chi một đứa gian như Tô Thường Hậu cắp của trong hòm mà phải trông nom theo mãi. Nó có dại làm lỡ đến điều bất đặng thì thôi để mặc lượng quan sửa phạt, cần gì phải chuốc dữ mua hờn đến đổi phải đem bạc làm tin, khiến làm sự bất minh bất mục … Nếu Đô đốc có quyền mà không giết, để tặng bạc mua lòng, giao nghĩa mượn tay, ắt trong còn có lẽ gì, khuất lấp chưa minh ra đặng [77, tr.607].
Với suy nghĩ như vậy, Trang Tử Minh đã tìm ra nguyên nhân vụ án và xử lý một cách đúng mực với tư cách một vị quan thanh liêm.
Trong Mảnh trăng thu, tâm trạng của các nhân vật Thành Trai, Nguyệt Thanh rất phức tạp. Để thể hiện điều này, biện pháp độc thoại được tác giả sử dụng rất nhiều và đã tỏ ra rất hiệu quả. Tâm sự của Nguyệt Thanh khi nghĩ về Minh Đường:
Không biết ngày nay chàng ra thế nào ? Có lẽ chàng đã quên ta rồi. Chàng có khinh khi ta là một đứa gái vô liêm sỉ chăng? Không có lẽ nào như thế. Chàng đã biết rò ta là người trọng danh dự, bao giờ ta lại làm điều bất chánh ấy? Mà biết làm sao cho gặp được chàng bây giờ ? Ôi năm năm nay tấm thân lưu lạc này còn chút trong sạch là nhờ lòng Trời xót thương …. Ta đã làm cho Thiện Tâm phải mờ tối mà ta chưa làm cho nó đau đớn, ta quyết chưa thôi [36, tr.451].
Sống trong oan trái đọa đày, nàng vẫn tự an ủi mình “Chết thì hết chuyện, phải sống, phải chịu nhục trong một lúc mới được. Chịu nhục để tìm ra cái đứa nó hại mình… kẻ gian thắng trong một lúc, song rốt cuộc thì sau cũng bị, vì kẻ gian cũng như cái bóng tối, hễ có ánh sáng là phải tiêu ngay.” [36, tr.136]. Ở phần kết câu chuyện, Minh Đường cảm thấy vui vẻ sau khi nhận thấy sự lúng túng của Nguyễn Viết Sung, chàng nghĩ thầm: “Tao đố mày chạy đàng trời. Mày không bao giờ thoát khỏi tay tao. Mầy sâu độc lắm, mày làm cho bạn yêu quý của tao phải khổ sở đau đớn, tao quyết không dung mày …” [36, tr.412]. Và suy nghĩ của Nguyễn Viết Sung, đã thể hiện rò bản chất của con người thâm độc:
Ta không biết sợ ai …tuy ta lo ngại như vậy chớ ai làm gì được ta! Ta dám đố cả bọn trinh thám … ta dám đố cả loài người, ai giỏi làm cho bại lộ mưu cơ ta thì ta cho là tài … ở đời mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết, ai biết đề phòng hạ tay lợi hại trước thì người ấy được …Trời Phật chỉ ở lại trong lòng kẻ khờ nhát, kẻ yếu hèn, chớ với người cứng cỏi thì không bao giờ. Ai khôn hơn ta thì thắng ta, ai dại hơn ta thì thua ta …Miễn ta đạt mục đích dầu có phải hại ai mà thành công ta cũng hại, ai chết kệ ai! Ở đời này mà đạo đức thì là đồ dại [36, tr.411].
Nhân vật trung tâm của truyện trinh thám là các thám tử, với ngôn ngữ trần thuật tường minh, người kể chuyện “tôi” có lúc độc thoại nhằm giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về con người đang miêu tả:
Muốn hiểu rò Kỳ Phát, tôi đã từng chia hắn ra làm hai: Kỳ Phát lúc tĩnh và Kỳ Phát lúc động. Kỳ Phát lúc tĩnh thì yếu ớt, nhu nhược hay nghĩ vơ vẫn, ít nói, những khi ấy thì đừng ai mong hiểu hắn gì, nhất là điều hắn đã muốn giấu thì cạy răng hắn cũng không nói nửa lời. Kỳ Phát lúc động thì lại khác hẳn: hai mắt sáng quắc, chân tay luôn cử động, hắn đã biện thuyết về một vấn đề gì thì nói mãi cho người ta nghe phải phục thì mới thôi [18, tr.15].
Trước một vấn đề đang tìm hiểu nguyên nhân, Kỳ Phát thường đặt ra những câu hỏi: “Nếu vậy thì lạ thật, chẳng lẽ tôi mê hoảng … Bí mật – Lạ thực – Lạ thực”, và anh suy nghĩ “Tôi tin rằng tôi sẽ tìm ra manh mối chuyện bí mật này” [21, tr.28]. Kỳ Phát cho rằng: “Có lẽ là bẩm tính trời sinh, nên tôi có óc trinh thám ngay từ nhỏ”. Nhân vật thám tử này luôn đặt ra những câu hỏi về nguyên nhân sự việc: “ Thế thầy lấy cớ gì mà bảo tôi lấy cắp chiếc đồng hồ của thầy? “; “Theo phép trinh thám thì bất cứ một điều gì, mình kết luận thì cũng phải viện chứng cớ …”; “Óc một nhà trinh thám là nhận xét chứ
không tưởng tượng”; “Nếu không biết nhận xét hẳn hoi thì dù nghĩ nát óc cũng không ra được điều gì”; “Là một người trọng chữ tín, tôi đã dúng tay vào việc gì thì dù sao cũng không chịu bỏ dở dang” [18, tr.132, 136]… Những lúc điều tra căng thẳng “Kỳ Phát như tức tối đến cực điểm, tức đến nỗi không gắt lên, không nói to lên được nữa” và thường lẩm bẩm “Cóc khô, Cóc khô”. Có lúc lại đập bàn, cáu gắt, gật đầu, mĩm cười: “có lẽ số trời định vậy nên không bao giờ tôi có thể vui được cảnh gia đình. Ngay từ thuở nhỏ tôi cũng vậy …” [19, tr.106]. Rò ràng là những đoạn lời thoại như trên mang tính biểu cảm cao hơn hẳn so với lời trần thuật theo ngôi; nó giúp cho người đọc nhận biết một cách trực tiếp tư tưởng, ý tưởng của tác giả.
Trường hợp phóng viên Lê Phong trong truyện của Thế Lữ cũng vậy. Lời thoại (đối thoại, độc thoại) rất được coi trọng trong việc mô tả bản chất, cá tính đặc biệt của nhân vật. Lê Phong khi đi xin việc: “Vâng, tôi biết thế này là đường đột quá, nhưng xin ông biết cho rằng tôi muốn làm phóng viên, mà nhất là trong tòa báo ông. Người ta cần phải chọn mặt gởi vàng. Tôi muốn đem cái tài của tôi dùng cho báo ông trước nhất … Ông cứ giao việc cho tôi xem … Mà nếu ông cần biết ngay học thức của tôi” [64, tr.10- 11]. Con người “kỳ khôi” này cuối cùng cũng được ông chủ nhiệm tòa soạn Trần Đăng nhận vào làm phóng viên, “Từ đó anh là một tay giúp việc lanh lợi của báo Thời Thế về phần phóng sự”. Anh làm việc một cách rất chăm chỉ, chu đáo bởi “lương tâm nhà nghề là một điều thiêng liêng nhất đối với người con trai này”. Khi nắm bắt được một vụ án, Lê Phong thường nói: “Tôi được một tin quan trọng lắm”. Anh thường viết bài ngay tại trận, trên ô tô, ngay khi vừa xem xét xong vụ án. Một tin gì lạ mới xảy ra mà có một phóng viên báo khác biết trước thường làm cho anh buồn bực mấy giờ liền, và câu nói cửa mồm luôn được anh nhắc lại “Quái, một việc như thế này mà sao mình chưa biết”. Lê Phong thường sung sướng, hạnh phúc khi phát hiện các vụ án kỳ quái, nhất là nghệ thuật giết người một cách bí hiểm “Bao nhiêu tâm lực tôi. Lý trí tôi, tình cảm thị hiếu, bản năng, trực giác của tôi đều sôi nổi lên … đều “thức tỉnh” để chăm chú vào việc này” [64, tr.41]. Với chiếc kính lúp thường xuyên ở bên bàn giấy, Lê Phong thường soi xét những dấu vết dù nhỏ nhất mà anh nghi ngờ, với vẻ mặt nghiêm trọng rồi lẩm bẩm “Vô lý quá, vô lý thực”.
Ngôn ngữ nhân vật là cơ sở để nhận định, soi chiếu tính cách nhân vật, là những phát ngôn được hoàn thiện trong giao tiếp của nhân vật, có khả năng bộc lộ ý đồ tác giả. Bằng độc thoại nội tâm, tác giả đã diễn đạt những giằng xé, dằn vặt trong tâm