Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 18


hồn nhân vật trước biến cố cuộc đời, tạo nên giọng điệu riêng. Đây là một hình thức kế thừa ngôn ngữ văn học truyền thống, đồng thời là kết quả của sự mô phỏng, tiếp biến ngôn ngữ tự sự hiện đại của phương Tây. Nó góp phần tạo nét riêng của thể loại trinh thám Việt Nam.

4.2.2.2. Dấu ấn ngôn ngữ vùng miền

Với truyện trinh thám cổ điển phương Tây, một đặc điểm rất rò ở ngôn ngữ của thể loại văn học này là sự trau chuốt, bóng bẩy, mang tính “quý tộc”. Tuy nhiên, đối với truyện trinh thám Việt Nam thì tình hình có khác. Vào đầu thế kỷ XX, với xu thế hiện đại hóa văn học, các tác giả văn xuôi nói chung, nhà văn trinh thám nói riêng, luôn mong muốn xây dựng một lối truyện mang sắc thái Việt Nam. Nguyên lý cơ bản ở đây là “dùng tiếng An Nam ròng”, thứ tiếng nói hàng ngày của người dân để làm nên tác phẩm văn chương. Chính vì thế, hầu hết truyện trinh thám đều chú trọng đến văn hóa từng vùng miền, trong đó nổi bật hơn hết là chất địa phương của ngôn ngữ. Cần thấy rò là trong các phẩm giai đoạn này, tính chất phương ngữ rất đậm, và đó là việc làm có chủ ý. Tính chất vùng miền được thấm vào nhiều yếu tố chứ không phải thuần túy là do chất giọng “bản địa” của nhà văn. Người trần thuật không những “tải” nội dung truyện kể mà còn chuyển những giá trị văn hóa nằm sâu dưới lớp ngôn ngữ.

Các tác giả trinh thám Việt Nam đã dẫn người đọc đi vào các vùng miền cụ thể của đất nước thông qua yếu tố ngôn ngữ. Thế Lữ với các truyện Một truyện ghê gớm, Tiếng hú ban đêm, Vàng và máu... đã mô tả cảnh núi rừng miền Bắc một cách đầy ấn tượng. Tác giả đã đưa người đọc tới những vùng đất thâm u của tổ quốc, tiếp xúc với những cảnh quan, sự vật, phong tục, lối sống đầy vẻ li kỳ, đôi khi thật rùng rợn. Cuộc sống của những người Thổ, Mán, Mường, Nùng, Khách mang đậm dấu ấn nơi chốn rừng thiêng, nước độc. Thế Lữ đã tạo nên một mạch “truyện đường rừng” thật độc đáo với những chủ đề, những mô típ đậm chất “miền thượng” như mối tình lãng mạn với các cô “sơn nữ”, cảnh rừng núi âm u, lãng mạn: “Chiều mồng ba, trời tạnh ráo và ấm áp hơn mấy ngày trước gió bấc, mưa phùn. Tôi sung sướng chạy ra ngoài chơi, đi lẫn với bọn trai gái Thổ, cười nói vang đường, súng sính trong bộ quần áo chàm mới

... Xa xa, áp vào chân núi lác đác mấy chiếc nhà sàn mái dốc” [66, tr.15]; “Một giải suối róc rách ở gần, một con hươu đang ngơ ngẫn. Những tiếng rất nhẹ của con sóc chạy trên cành ... Xa xa, giọng thác ào ào, để ý thì mỗi lúc thấy gần thêm, rồi lại xa dần, rồi lại như biến mất” [67, tr.97]. Trong truyện trinh thám của Thế Lữ, sắc thái


vùng miền còn lộ rò ở phương diện ngôn ngữ. Trước hết là cách nói, cách diễn đạt của nhân vật. Trong Tiếng hú ban đêm (câu chuyện kể về cuộc chiến đấu khủng khiếp giữa một bà mẹ có cô con gái bị hổ ăn thịt với con hổ cái và đàn con để trả thù), ta thấy cách nghĩ (bằng lời) rất “lạ” của một người mẹ miền núi: “Mày giết con tao! Mày không trả con tao. Tao cũng giết con mày. Tao lại giết mày nốt” [65, tr.45]. Quả là lời nói của nhân vật ở đây không thể lẫn với nhân vật cư trú ở nơi khác được.

Ngay đến sự hiện diện dày đặc của các danh từ chỉ tộc người, chỉ nơi chốn trong tác phẩm cũng tạo nên sắc thái địa phương rất đa dạng: từ những tên gọi chỉ sắc tộc như người Thổ, người Mán, người Nùng, người Khách…, đến những tên người như mụ Ké, Mí Nàng, thầy Mo, ông Thẻng, ông Ba-đi-ghệt, quan Châu Nga Lộc, Nùng Khai; cho đến các tên đất tên làng như Khao La, Sam Na, bản Khau Gié, Lùng Sa, Mùng Sáy, Kao Lâm, rùng Xia Khoảng… đã tạo nên một “âm vang ngôn từ” miền núi. Chưa hết, còn có rất nhiều sự vật, sự việc đặc thù chỉ có trong vốn từ ngữ của các dân tộc vùng núi. Thậm chí nhiều khi nhà văn còn giữ nguyên thổ âm thổ ngữ, đồng thời ghi chú bằng tiếng Việt chuẩn: ngộ, chồi, trò chơi đánh còn, “Ché Sao giỏi a!” “đẩy vẩy, đẩy vẩy (được chứ), “tử khỏi tức đuổi nớ ?” (Tôi chơi có được không?), Noọng Mai (em Mai), trái Mắc phì phà, tay nải... Đây cũng là một thủ pháp tạo sức hấp dẫn, gợi liên tưởng về “sự thật” trong tác phẩm. Càng lúc, người đọc càng bị cuốn theo các sự kiện cũng như không khí của một câu chuyện hoàn toàn mang tính chất Việt Nam.

Dấu ấn địa phương còn thể hiện ở phạm vi vùng miền (Bắc – Trung – Nam). Đọc truyện của các tác giả miềm Bắc, chúng ta thấy những địa danh quen thuộc như Thị trấn Lạng Sơn ; Nam Định; Phủ Khoái Châu tỉnh Hưng Yên; Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng; Ga Lào Cai; nhất là Hà Nội (với chợ Hôm, Phố Huế, Phố Quan Thánh, Phố Richaud, Phố Carreau, Bờ Hồ, Ga xe điện, nhà thương Phủ Doãn, Đông Dương Đại học đường, Hàng Bún, Hàng Cót, Hàng Bông, Hàng Đẫy, Cửa Nam, trường Albert Sarraut …). Để tạo được sức thuyết phục, rút ngắn khoảng cách giữa tác phẩm và độc giả, các nhà văn trinh thám thường đưa vào tác phẩm lối nói dung dị, lời ăn tiếng nói đặc trưng vùng miền, sử dụng ngôn ngữ đời thường. Trong các truyện trinh thám xuất bản ở miền Bắc, người đọc cảm nhận được sự chân thật và gần gũi qua những ngôn từ địa phương: “Tôi mới đến ở sau này, nên không biết, anh ạ” (Người Vú già nói với Kỳ Phát), “Phát đấy ư con ? Con đóng cửa lại rồi đứng đây

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.


thầy bảo …”, “Kỳ Phát ngồi chờ uống cốc cà phê sữa, rồi lập tức ra ga”, “Thằng ông mãnh, mày chạy đâu mà như bố chết thế”, “Thôi đích xe bọn kia hỏng gì, nên chốc chốc phải đỗ lại chữa chạy, nhờ đó ta mới đuổi theo chóng kịp như thế này …”, “Mời cụ xơi nước, mời cô…”, “Bạn tôi chỉ chiếc đèn cầy trên bàn mà bảo:…”, “Chính cái ô kia nó dẫn tôi từ bà cụ đến chàng trẻ tuổi”, “Kỳ Phát rút trong ra vài chiếc nĩa và bốn chiếc móc bằng thép”, “Nó thắp hương cây cắm vào hai cái lọ vuông… rồi đặt bốn ngọn nến sáp cắm sẵn…”, “Anh vặn cây bút máy thảo một lúc xong bức thư … thứ bút máy ngòi xấu và cong”, “Viết trên xe lửa, trên ô tô, đâu cũng được …”. “Có phải chính bà đã cho con sen uống thuốc ngủ phải không?”, “nhưng không để lại vết tay trên chuôi dao, vì hắn đeo găng tay…”, “Ông Lê Phong đi xem xi –nê ?”.

Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 18

Với những truyện mang màu sắc trinh thám – vò hiệp – ái tình xuất bản ở Nam Bộ, các địa danh quen thuộc như Sài Gòn – Thủ Đức – Chợ Lớn, Nhà hát Tây, Gia Định, Cần Giờ, Cần Đước; huyện Bình Dương; cánh đồng Rạch Kiến; Rạch Vĩnh Tường; Tây Ninh; Vĩnh Long; Trà Vinh; Bến Tre; Tiền Giang... Người đọc thấy những câu văn vừa gần gũi, vừa chân thực theo ngôn ngữ địa phương: “Thôi nhơn dịp bãi trường này cha sẽ trao hết nghề cho con đặng cho con khỏi sút tài … Năm nay cha xem trong mình yếu nhiều …”, “Tủ sắt của lão khóa chữ gì, nói phứt cho tôi mở cho mau, kẻo mất công khoan và cưa lâu lắc lắm”, “Qua đây em chớ không phải là ai đâu, qua là Ba Lộng đây”, “ Chúng bây đừng chợp rợp mà tao bắn nát óc bây giờ”, “Nhơn có việc cần, nên tôi không kíp thay âu phục; tôi đến để mượn cái xe hơi của ông ít hôm …”, “Chàng dùng bữa rồi vô phòng kêu bồi biểu lấy cho chàng một cây cần câu và một gói mồi”, “Chiếc ghe lớn nhảy lơn tơn thì vào đến cầu tàu”, “Hôm nay vì đi lựa dây nịt mà lựa hoài không vừa ý”, “Lối này coi bộ khá hơn trước nhiều”, “Không biết vì cớ gì mà anh ấy không gởi thơ cho cháu ?”; “Kiều Tiên có nói em nghe như có mùi nhang… nên dòm vào khóa”, “Chàng lật đật bấm chuông kêu bồi, biểu mau mau chạy đi rước thầy thuốc.”, “Minh Đường chụp tay bóp một cái dường như cái kẹp sắt, làn cho Bảy Lộng bủn rủn tay chơn …”, “nó giết Thuần Phong để giựt gia tài cho con nó…”; “Chi bằng cứ giả đò im lặng rồi tôi xin tìm kẻ gian cho bà.”; “bây giờ già yếu rồi, có làm gì được con đâu…”; “Ê chú, nới chơn cho dài thêm một chút mà, xe chạy như rùa bò biết bao giờ tới chốn”; “Chủ nhà may Thanh Phát có đeo trên tay chiếc cà rá hột xoàn giá đáng năm ngàn đồng”; “Anh


không biết cái cẳng tôi đau và sưng lớn lên…”; “Khi Năm Mạnh vâng lịnh lấy đồ nghề ra đi … tôi dám chắc thầy coi cái rương này thì sao cũng ưng bụng … lập tức lấy đèn điện trong túi ra rọi ngay lại ghế…”; “nên ráng sức bình sanh mà đánh”; “thiên hạ đi coi dập diều mỗi khi pháo xẹt lên trời”; “Cậu này bộ gươm máy kêu cỗ hay sao mà kiếm điều nói bỡn vậy hử ? … mụ quyết không làm đặng”; “nhìn cho mãng nhãn rồi cũng ngồi xuống chống tay, cúi mặt xuống quyết hun cho thỏa”; “tôi có dám đèo bồng làm chi cho không thành mà phải bia danh miệng thế.”; “mi khai thiệt hết đầu dây mối nhợ ta nghe.”; “Rượu còn đây chớ hết đâu song uống không đặng, bởi vì con thằn lằng té cặm đầu vào trong mà chết.”; “Lạ dữ a ! Hai đàng khai khác …”.

Việc tăng cường ngôn ngữ vùng miền, gắn với đời sống cư dân địa phương trong tác phẩm không chỉ tạo ra sắc thái độc đáo của truyện trinh thám, mà nó cũng góp phần thay đổi kiểu ngôn ngữ bác học, quy ước, phép tắc trong văn học trung đại, góp phần quan trọng cho quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Mặc dù vẫn còn dấu vết câu văn biền ngẫu, vẫn còn xen các câu thơ trong một số tác phẩm, nhưng lối văn này càng về sau càng phai nhạt dần, nhường chỗ cho một lối văn hiện đại. Tuy nhiên, ở một số tác phẩm, ngôn ngữ đời thường đã được đưa vào tác phẩm một cách tự do, tùy tiện, đôi chỗ có phần rườm rà, song đó chính là dấu hiệu cho sự hiện đại hóa của thể loại này trong giai đoạn sau, bởi nó đã tạo nên sự gần gũi rò rệt giữa nhà văn và nhân vật của mình trong đời sống. Một số nhà phê bình nhận định văn phong truyện trinh thám Nam Bộ “ít có giá trị nghệ thuật, lời văn sổ toẹt, thẳng như ruột ngựa, không cầu kỳ hoa mỹ”. Theo chúng tôi, những nhận xét trên không hẳn vô căn cứ song cũng có phần không thỏa đáng. Ngôn ngữ bao giờ cũng gắn với đời sống cộng đồng. Nó phản ánh văn hóa, thói quen, sở thích của cộng đồng. Nếu khác đi, những sáng tác này khó đi vào lòng người đọc Nam Bộ.


TIỂU KẾT

Trong chương này, có hai phương diện chủ yếu của nghệ thuật truyện trinh thám được tập trung tìm hiểu là cốt truyện và phương thức trần thuật.

Xét về cốt truyện, do những điều kiện đặc thù của giai đoạn giao thời nửa đầu thế kỷ XX, cốt truyện đóng vai trò đáng kể trong tác phẩm tự sự. Người đọc có thể kể lại cốt truyện mà ít chú ý đến cách viết của nhà văn. Thực chất, cốt truyện trong truyện trinh


thám là sợi dây liên kết các mối quan hệ của nhân vật, cách sắp xếp các sự kiện, yếu tố nhằm kích thích sự tò mò, hấp dẫn đối với người đọc. Hầu hết cốt truyện đều rò ràng, với những xung đột đầy kịch tính, diễn biến hành động của thám tử theo thi pháp truyền thống, kết thúc rò ràng, mạch lạc. Đồng thời, cốt truyện trinh thám cũng có sự vận động, thay đổi trên cơ sở sự giao thoa, dung hợp và phát triển của thể loại. Đó là sự xuất hiện của các yếu tố văn hóa, văn học truyền thống; thông qua một kiểu truyện mang màu sắc trinh thám ái tình – hành động – vò hiệp, với những dạng thức thô sơ nhất của thể loại truyện trinh thám, trên cơ sở nhà văn đã kết hợp giữa mô hình truyện vụ án của phương Đông với truyện trinh thám phương Tây, giữa yếu tố cũ và mới để tạo ra một kiểu truyện trinh thám đáp ứng thị hiếu của người đọc Việt Nam.

Về nghệ thuật trần thuật, các nhà văn cũng đã thể hiện một sự kết hợp khéo léo các yếu tố như điểm nhìn, vai kể và ngôn ngữ trần thuật. Trong truyện trinh thám, phần lớn điểm nhìn được trao cho nhân vật. Do vậy, cuộc sống và con người ở đây luôn được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, cảm quan rất khác nhau. Đối với các truyện mang màu sắc trinh thám - ái tình - nghĩa hiệp, câu chuyện thường được kể ở ngôi thứ ba. Sử dụng ngôi thứ nhất trong tác phẩm là một thể nghiệm khá mới mẻ của các nhà văn trinh thám. Tuy nhiên, các nhà văn đã không “đoạn tuyệt” với vai kể truyền thống; trong khi thể nghiệm sự cách tân bằng lối kể mới, họ vẫn kế thừa lối kể truyền thống. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện trinh thám Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng trong phương thức biểu hiện, đồng thời nó còn là yếu tố cơ bản thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn, với ngôn ngữ người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật đã tạo nên giá trị nghệ thuật của tác phẩm thông qua lời đối thoại và độc thoại. Nhờ đối thoại và độc thoại mà các vấn đề trong tác phẩm đặt ra được xem xét dưới những điểm nhìn khác nhau, ngôn ngữ đối thoại thường gây ra những tình huống bất ngờ và tạo cảm giác thực của đời sống đã khúc xạ qua lăng kính nhà văn, nó giữ vai trò đáng kể trong việc khắc họa tính cách nhân vật. Dấu vết của thời đại đã ảnh hưởng và quy định cách nói năng, đối đáp, nhiều lớp từ mới được hình thành, nhất là dấu ấn vùng miền trong ngôn ngữ nghệ thuật. Điểm nổi bật ở đây là sự kế thừa ngôn ngữ văn học truyền thống, đồng thời mô phỏng, tiếp biến ngôn ngữ tự sự hiện đại của phương Tây. Tất cả các yếu tố trên đã góp phần tạo nét riêng của thể loại trinh thám Việt Nam.


KẾT LUẬN


Trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, truyện trinh thám là một hiện tượng rất đáng chú ý. Ngay từ khi mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, thể loại văn học này lập tức thu hút được sự quan tâm của độc giả. Và chỉ trong vòng vài thập niên phát triển, nó đã trở thành một xu hướng văn học, với diện mạo khá rò ràng. Với hàng trăm tác phẩm, hàng chục nhà văn có tên tuổi, truyện trinh thám đã xác lập được vị trí quan trọng trong đời sống văn học nước nhà. Tuy nhiên, khoảng thời gian hưng thịnh của nó lại hết sức ngắn ngủi, chỉ trong mấy thập niên. Từ giữa thế kỷ XX trở đi, văn học trinh thám đã nhanh chóng rơi vào cảnh “thoái trào”. Càng về sau, số nhà văn chuyên viết về thể loại này càng thưa thớt; ngày càng hiếm những tác phẩm tạo được dấu ấn đối với độc giả. Do sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử, xã hội, thể loại truyện trinh thám Việt Nam từ trước đến nay ít được giới chuyên môn nghiên cứu. Thậm chí, còn có những nhận định, đánh giá thiếu khách quan, không đúng về một thể loại này.

Thực tế cho thấy, tuy vẫn còn những hạn chế về mặt thi pháp, thủ pháp song truyện trinh thám là một hiện tượng đáng quan tâm trong tiến trình văn học Việt Nam. Các nhà văn trinh thám đã có nhiều cố gắng để tạo một thể loại mới, trên cơ sở tiếp thu, mô phỏng thể loại truyện trinh thám cổ điển phương Tây, góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú cho thể loại văn chương tự sự Việt Nam trên bước đường hội nhập với văn học thế giới. Nó đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thưởng thức của độc giả.

Từ những nghiên cứu, phân tích, đánh giá về thể loại, luận án chúng tôi đi đến một số kết luận:

1. Truyện trinh thám Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX là một thể loại mới được hình thành trên cơ sở tiếp thu văn học truyền thống, tiếp biến văn học phương Tây và Trung Quốc. Truyện trinh thám có vai trò và giá trị nhất định trong dòng văn xuôi tiếng Việt hiện đại, nó vừa mang những đặc trưng chung của thể loại truyện trinh thám phương Tây, vừa mang những đặc điểm riêng của văn học dân tộc ở một giai đoạn lịch sử cụ thể. Đây là một thể loại văn học phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và thị hiếu của người Việt Nam đương thời.


2. Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, nhưng các nhà văn trinh thám Việt Nam đã có những thành công nhất định trong việc xây dựng hình tượng nhân vật thám tử mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là những con người nghĩa hiệp; tiếp cận vụ án do những yếu tố tình cờ, ngẫu nhiên, và điều tra vụ án như một nhu cầu đạo đức, hành xử vì lý tưởng chứ không phải là nghề để họ kiếm sống. Đồng thời, những nhân vật tội phạm và các vụ án thường liên quan tới tình cảm, tài sản, mâu thuẫn trong phạm vi dòng họ, gia đình... nên phương thức phá án và tư duy của thám tử cũng mang những nét đặc thù, phù hợp với tâm lý và con người của thời đại. Các nhà văn trinh thám vận dụng không gian hiện thực, kỳ ảo, thời gian khẩn trương, kịch tính làm nền cho cốt truyện để tạo sự hấp dẫn cho câu chuyện.

3. Sự kết hợp một cách hài hòa mô hình cốt truyện theo kiểu truyền thống và hiện đại, với những nỗ lực vượt ra khỏi kết cấu chương hồi, hướng đến mô hình cốt truyện theo lối hiện đại phương Tây, được các nhà văn đặc biệt chú trọng. Thông qua phương thức tự sự, với sự luân chuyển điểm nhìn và vai kể, nhất là vai kể ở ngôi thứ nhất, cho phép tác giả trình bày quan điểm, tư tưởng riêng của mình một cách thuận lợi nhất. Mặt khác, với sự kết hợp ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, ngôn ngữ vùng miền… đã làm cho câu chuyện trở nên gần gũi, tăng sức thuyết phục đối với người đọc.

Sự hình thành và phát triển của truyện trinh thám Việt Nam là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, từ hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa cụ thể của dân tộc đến sự giao thoa thể loại trong tiến trình hiện đại hóa văn học, nhất là ảnh hưởng văn học Pháp. Là một thể loại mô phỏng kiểu truyện “giải mã câu đố” nên hầu hết tác phẩm chủ yếu tập trung ở phương thức phá án và thông qua tài năng nhân vật thám tử. Các nhà văn thể hiện yếu tố tội ác, kẻ phạm tội trong truyện trinh thám không phải với mục đích phơi bày hiện thực xã hội mà chủ yếu là do đặc trưng của thể loại. Truyện trinh thám Việt Nam là một thực thể đáp ứng đầy đủ tiêu chí của một thể loại văn học nên theo quan niệm của chúng tôi, khái niệm truyện trinh thám Việt Nam có thể hiểu là những tác phẩm tự sự, viết về quá trình điều tra vụ án của nhân vật thám tử và tư duy logic là chất liệu chính để làm sáng tỏ vụ án.

Cũng từ quan niệm trên, dựa vào thực tế tư liệu hiện có, chúng tôi cho rằng truyện Kim thời dị sử - Ba lâu ròng nghề đạo tặc (1917) chính là tác phẩm đầu tiên, nhà văn Biến Ngũ Nhy là người khai sinh ra thể loại truyện trinh thám Việt Nam,


đồng thời Thế Lữ và Phạm Cao Củng là hai tác giả đã đưa truyện trinh thám Việt phát triển đến đỉnh cao của thể loại. Truyện trinh thám Việt Nam không chỉ có tác dụng giải trí, tiêu khiển mà còn có tác dụng giáo dục đạo đức, lối sống, cổ xúy tinh thần “khuyến thiện trừng ác” vốn là điểm mạnh ở các thể loại khác. Chính điều này đã tạo cho truyện trinh thám có một vị trí và giá trị nhất định trong tiến trình hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Trong quá trình nghiên cứu, một số vấn đề liên quan đến đề tài, luận án chưa thể đề cập đến, hoặc mới chỉ nhắc qua, chưa có điều kiện giải quyết. Cụ thể như:

- Sự ảnh hưởng của các tác phẩm dịch đối với thể loại truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

- Hiện tượng tương tác, dung hợp giữa thể loại giữa truyện trinh thám với các thể loại tự sự khác của văn học Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa.

- Sự vận động và phát triển của truyện trinh thám Việt Nam trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại (sau năm 1975).

Gần một trăm năm trôi qua kể từ khi tác phẩm trinh thám đầu tiên ra đời, đã có một số nhà nghiên cứu tìm hiểu và đánh giá hiện tượng thể loại văn chương phức tạp này. Khen cũng lắm mà chê cũng không ít, nhưng chưa ai khẳng định những nghiên cứu của mình là tiếng nói cuối cùng. Luận án chúng tôi cũng chỉ là những cố gắng tiếp nối người đi trước để góp thêm tiếng nói của mình về những vấn đề đặc trưng của thể loại, từ đó xác định những đóng góp của thể loại truyện trinh thám Việt Nam cho dòng văn xuôi tự sự nửa đầu thế kỷ XX ./.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022