Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 12


thực đời sống lúc này phồn tạp hơn rất nhiều so với trước đó; ý niệm về một không gian yên ả, chung chung như trong văn học truyền thống được thay thế bằng một bức tranh nhiều màu sắc với những mảng tối sáng đối lập nhau một cách gay gắt. Đó là bức tranh hiện thực của chế độ phong kiến suy tàn và chế độ thực dân đang phát triển, tất cả những mặt trái của cuộc sống xã hội hầu như đều được nhà văn mô phỏng vào trong tác phẩm.

Trong tác phẩm trinh thám, không gian hiện thực thường xuất hiện dưới hai dạng, hữu hình và vô hình. Không gian hữu hình là “bề nổi” của cuộc sống; nó bao gồm những yếu tố có thể trực quan, cảm nhận trực tiếp được. Đó là không gian phố thị với những đường nét, chiều kích, đồ vật ... Người đọc cảm nhận được không gian phố thị với mùa thu Hà Nội đầy hương sắc qua những trang miêu tả của Thế Lữ: “Trời lạnh nhưng nắng ráo. Ánh mặt trời buổi sáng tươi cười gội xuống những chòm lá cây thu, tươi cười chiếu lên các mặt tường cao lộng lẫy, vuốt ve màu áo của những cô nhan sắc đi cạnh những cậu lịch sự, và soi lấp loáng những xe hơi tối tân đang đỗ trước Đông Dương đại học đường” [64; tr.3]. Cảnh phố thị với những đường phố sầm uất, nhộn nhịp của Hà Nội “từ chợ Hôm đến Gô-đa, Bờ Hồ, người xuống ít mà người lên thì nhiều …”, cùng các căn nhà kín cổng cao tường, những nhà hàng sang trọng. Lúc về đêm, những tửu điếm đầy khói thuốc phiện, những chuyến tàu điện rì rầm và thỉnh thoảng những chiếc xe hơi bóng loáng lướt nhanh trên đường phố làm những anh phu xe ẩn mình bên vệ đường giật mình tỉnh giấc. Hoặc khung cảnh không gian Nam Bộ rộng lớn, xứ Sài Gòn văn minh “Xe chạy qua Catinat, qua Norodom, lại Paul Blanchy rồi lên thẳng Tân Định… xe quẹo qua đàng Champagne …”. Tuy nhiên, đằng sau vẻ văn minh là một thực tế khác, những tai họa bất ngờ và nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống người dân. Chìm khuất dưới bề nổi phù hoa lại là một xã hội khác; nó chứa đựng đầy những bất ổn mà ít ai có thể đoán trước được. Thế giới tội phạm gắn với những tệ nạn xã hội, những mánh khóe lọc lừa, những người giàu lại muốn giàu thêm bằng những mưu mô, toan tính thâm hiểm.... Từ bắt cóc tống tiền đến buôn bán thuốc phiện, những băng nhóm thanh toán, trả thù nhau một cách tàn bạo để tranh giành địa bàn, mâu thuẫn trong làm ăn… Đây chính là tác nhân đẩy nhanh sự tha hóa của giống nòi; nó tạo ra những không gian sống ngột ngạt:


“Những hơi thuốc phiện nồng nặc đưa ra, trong cái không khí nặng nề và ấm áp … trong buồng, quanh ngọn đèn dầu lạc, ba người ngả nghiêng nằm …” [68; tr.185].

Trong các truyện trinh thám ảnh hưởng phương Tây của Thế Lữ và Phạm Cao Củng, cách mô tả không gian thường có sự vận động theo diễn tiến câu chuyện. Vào đầu tác phẩm, nhà văn thường để các sự kiện mấu chốt diễn ra trong một không gian nhỏ hẹp; môi trường quen thuộc của những người làm thuê làm mướn, đi ở cho bọn nhà giàu…. Quá trình phát triển của câu chuyện cũng là quá trình mở rộng không gian hành động của nhà điều tra. Lúc này, do yêu cầu của nhiệm vụ, thám tử không bị giới hạn trong khoảng không gian chật hẹp ban đầu nữa, anh ta bắt đầu vượt qua giới hạn, mở rộng liên kết, nhằm tìm chứng cứ để vén bức màn bí mật. Vụ án “nhảy xe lửa” trước chợ Hôm (Đòn hẹn), Lê Phong và đồng nghiệp khám phá ra thủ phạm chính là Đảng Tam Sơn đã tạo dựng hiện trường để xử đồng bọn. Cái chết của cụ Hàn Tú ở cái giếng sau vườn trong trại Bích Loan (Nhà sư thọt), Lê Phong tìm được thủ phạm chính là Tâm, chàng rễ của cụ Hàn. Cái chết của Bác sĩ Trần Thế Đoàn trong hội trường Đông Dương Đại học đường (Mai Hương - Lê Phong), Mai Hương đã bắt được thủ phạm là Lương Hữu. Trong Châu về hiệp phố, Hoàn Ngọc Ẩn, Lệ Thủy, Hiếu Liêm thậm chí còn mở rộng cuộc điều tra ra cả biên độ nước ngoài để tìm thủ phạm các vụ cướp của, cướp hoàn ngọc.

Trong một số truyện, tác giả hạn chế việc mở rộng không gian vụ án, câu chuyện chỉ quẩn quanh trong một phạm vi hạn hẹp, thường là không gian trong gia đình, nhiều lắm thì cũng mở rộng quy mô một khu phố. Chẳng hạn, cái chết bí mật của nhân vật Đường trong căn phòng trọ (Gói thuốc lá). Vụ án mất tráp bạc 500 đồng ở nhà ông Cửu Phú (Nhà sư thọt). Việc ngoại tình của bà Dì ghẻ Kỳ Phát khi cha chàng vừa mới qua đời xảy ra ngay trong nhà Kỳ Phát (Chiếc tất nhuộm bùn). Kỳ Phát căn cứ vào hiện trường trong phòng ngủ của ông Nùng Cao sau khi chết để tìm ra hung thủ chính là Lâm Nục (Vết tay trên trần,). Kỳ Phát tìm ra nguyên nhân cái chết của người dạy Hổ do Quế hãm hại (Buổi Tất niên của người hổ). Chính trong không gian nhỏ hẹp ấy, nhân vật thám tử xuất hiện như một vị cứu tinh, họ là hiện thân của niềm tin và hy vọng trong cuộc sống, không có những nhân vật thám tử số phận của những nạn nhân trong xã hội khó tìm ra ánh sáng còn lại của cuộc đời.


Trong truyện trinh thám, còn có một dạng “không gian đặc biệt” khác, tạm gọi là không gian quyền lực được các nhà văn “lồng ghép” vào không gian hiện thực để tăng thêm sức thuyết phục về “sự thật” của câu chuyện. Không gian này gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của các nhân vật quyền lực, thế giới ngầm, những tay buôn lậu, các băng đảng… Đây là một “không gian” riêng, một bầu khí quyển riêng mà ai cũng cảm thấy (vì nó tồn tại trên thực tế) song không thể miêu tả (chỉ cảm nhận, suy luận ra). Cái “thế giới” đó được tạo ra bởi quyền lực, nó tồn tại bên trong thế giới thực. Chẳng hạn, trong truyện Người bán ngọc, ở xứ Tô Châu, ngoài không gian địa lý còn có “không gian” riêng của quan Hồ Quốc Thanh. Ông Đô đốc chỉ vì căm giận vợ mà trở thành một kẻ bạo ngược: giết kẻ tôi tớ mà không cần xét xử, lập mưu chuốc rượu cho vợ rồi dìm chết trong hầm rượu, kết hợp cùng quan Phủ, sai lính bắt Tô Thường Hậu tra trấn dã man để thỏa mãn lòng tự ái. Đây là lối ứng xử của kẻ đứng trên/ đứng ngoài luật pháp.

Với quan Châu Nga Lộc cũng vậy, tại vùng đất miền núi xa xôi này, ông cũng tạo ra một không gian riêng, ở đó quyền lực của ông là tuyệt đối, bao trùm. Câu phán bảo dành cho đối tượng đang thất thế, thể hiện rất rò quyền lực đáng sợ của ông: “tha mày cũng là tao mà xử mày cũng là tao”. Đến tôi tớ, người nhà và bọn người làm thuê dù rất “tin và sợ những cái ghê gớm của hang thần, nhưng họ lại tin và sợ cái oai của quan Châu chẳng kém” [67; tr.20]. Thậm chí, những nhân vật như Mã Hồng, “khi hồi hưu vẫn giữ thói thị oai, làm nhiều điều tà khuất ức bách dân gian. Tuổi tuy già nhưng tính đam mê nữ sắc đẹp không bớt. Đàn bà con gái thấy ưa mắt là sai bắt về làm vợ cho được ” [66; tr.104]. Điều này cho thấy quyền hành ở đây đã thành vô biên, không giới hạn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

Trong Kim thời dị sử, hình ảnh ông “cò” mật thám thể hiện quyền uy theo một cách khác: “Bớ Ba Lâu, hãy trói tay mà chịu tội đi, bằng không chúng ta bắn chết! Phen này đố mi chạy đâu cho thoát. Lính đã bao vây nhà rồi, dầu mi có phép tàng hình cũng không trốn khỏi” [113; tr.234]. Cho đến những nhân vật như ông Chánh thanh tra Mai Trung ở Sở liêm phóng, mới nhìn là con người bình dị nhưng bên trong lại là một kẻ nắm quyền sinh sát, nắm giữ quyền thực thi pháp luật. Một người có trách nhiệm nhưng niềm tin người bị hại chờ đợi ánh sáng công lý ở nơi ông thật mờ nhạt: “những cái bí mật mà ông không tìm ra, hay tìm được ra sau hai hay ba năm


Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 12

công phu, trong lúc đó kẻ bị oan vẫn chịu oan thay cho thủ phạm” [63; tr.83]. Tất cả những con người có quyền, có thế này đã tạo ra và trấn giữ một thứ “không gian quyền lực” ít nhiều mang tính chất quyết định cho số phận các nạn nhân.

Để bổ sung thêm bức tranh hiện thực, các tác giả trinh thám cũng chú ý đến những không gian vật thể tiêu biểu như, hang động, phòng, khe ... nhằm tăng thêm sức hấp dẫn, li kỳ của câu chuyện. Đó là hang núi Văn Dú vừa linh thiêng, ghê sợ, vừa đầy bí ẩn (Vàng và máu, Kho tàng nhà họ Đặng), là hang động trong cổ miếu giữa rừng già “ nơi này là một thứ sào huyệt của một bọn giặc cướp nào không thì cũng là một nơi ngục thất bí hiểm đặc biệt mà những hình cụ đó tất dùng vào một việc tra trấn hành phạt riêng” [66, tr.71]. Là căn phòng tối tăm, đầy khói thuốc phiện cùng con rắn hổ mang của Ông Phán (Ông Phán nghiện), là “căn phòng lịch sự, yên tĩnh và sang trọng nhưng đầy những điều kỳ lạ” (Mai Hương – Lê Phong), “căn phòng khóa kín” mà Nùng Cao bị giết một cách bí ẩn (Vết tay trên trần), và căn phòng “chật hẹp, bốn bề bít kín như bưng, buồng chỉ có một lỗ trống bằng hai bàn tay” mà Bá Vy đã giam giữ Kỳ Phát (Kho tàng nhà họ Đặng).

Đồng thời, một dạng không gian hiện thực khác đầy tăm tối, chật hẹp là nơi cư ngụ của các nạn nhân. Đó là không gian gắn với những thân phận người dân thấp cổ bé miệng, phải lãnh chịu hậu quả do tội phạm gây ra. Chẳng hạn, nhân vật Lý Chu, vợ bị quan trên bắt về làm nhục mà đành chịu: “Biết mình dù có phá sản để đi khiếu cũng vô ích, cái quyền thế của họ Mã vững chắc như thành” [66, tr.104]; những Kiều Tiên, Thị Minh, Hàng Tâm, Tám Lọ trong Mảnh trăng thu cũng trong tình cảnh tương tự. Không gian sống của những người lương thiện luôn bị bóp nghẹt bởi các thế lực hắc ám, một khi những kẻ có tiền của, các quan chức thoái hóa câu kết với lưu manh, du đãng, tội phạm, thì người dân tất yếu bị đẩy vào bước đường cùng. Trong Tôi có tội của Phú Đức, tòa đại hình xử tội một cách hồ đồ, luận tội thiếu thuyết phục, chứng cứ thiếu cơ sở và thám tử Anbe Huỳnh phá án một cách máy móc, suy diễn hời hợt, không nắm vững hiện trường… thì oan sai mà người dân phải gánh chịu là không có gì khó hiểu.

Có thể thấy, các nhà văn đã bám rất sát thực tế đời sống để sáng tạo nên những hình tượng không gian đặc thù của truyện trinh thám. Không gian đó vừa đảm bảo cho sự phát triển hợp lý của câu chuyện, lại vừa in đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử một thời.


3.2.1.2. Không gian đường rừng

Trong truyện trinh thám Việt Nam, rất ít khi tác giả miêu tả không gian thôn quê như trong các tác phẩm thuộc xu hướng văn học lãng mạn hoặc văn học hiện thực giai đoạn 1930-1945. Ngoài không gian phố thị, các nhà văn viết truyện trinh thám chú ý nhiều đến một dạng không gian khác, tạm gọi là không gian “đường rừng”. Đây dường như là sự ảnh hưởng từ truyện truyền kỳ trong buổi giao thời khi chuyển sang giai đoạn hiện đại hóa của văn xuôi tự sự. Chính điều này đã làm tăng thêm tính lãng mạn, chất kỳ ảo, hấp dẫn của thể loại.

Không gian đường rừng (hay không gian miền núi) là một hình tượng mới mẻ, được nhà văn xây dựng trong truyện trinh thám. Nó tỏ ra sinh động hơn hẳn không gian phố thị. Dù bản chất của tác phẩm trinh thám là nói chuyện tội phạm, điều tra, đấu trí… nghĩa là rất căng thẳng, quyết liệt. Thế nhưng, môi trường, khung cảnh không phải chỉ toàn những cảnh trí rùng rợn, u ám mà trái lại, cũng có khi rất lãng mạn, nhẹ nhàng. Có lẽ, tác giả truyện trinh thám muốn tạo nên sự đối lập, khai thác hiệu ứng tương phản của các yếu tố trong truyện nên các nhân vật, sự kiện liên quan chuyện điều tra lại được đặt trong những không gian mở, biên độ rộng, giàu chất thơ. Chẳng hạn, vẻ đẹp của một đêm trăng thanh gió mát, không gian ngào ngạt hương hoa, đầy sức quyến rũ:

Một giải suối róc rách ở gần, tiếng sóng như thủy tinh reo vào trong thứ giọng rù rì tối tăm của những côn trùng dưới cỏ. Sau lều thì khu rừng cây yên lặng như ngủ kỹ, nhưng ở trong đưa những tiếng bí mật, khiến cho mình cảm thấy được cái sinh hoạt của nó lúc đêm khuya. Một con hươu đang ngơ ngẫn nhìn cái lều vắng không. Những tiếng rất nhẹ của con sóc chạy trên cành, những tiếng lá cựa dưới mình một con vật đang nằm, một tiếng vỗ cánh nặng nề của chim lớn … văng vẳng trên không chỉ còn những tiếng nhạc gần rồi lại xa, với những hơi sáo rất nhỏ, rất trong và cao tít [66, tr.95].

Một cảnh chiều tà:

Mặt trời đã xế bóng về tây, mấy khóm mây xanh xanh trắng trắng đã hóa ra màu hồng, liên tiếp nhau kết thành một bức màn che ngang nửa làng, xa xa có một bầy chim thẳng cánh về non, khi giăng chữ nhứt, khi kéo hàng binh, gió thoảng lai rai, mấy cây bồ đề cao buông tiếng đờn ríu rít. Bên ngoài sông nhỏ,


đôi ba chiếc thuyền con lên xuống nhẹ nhàng với năm bảy chị hàng buôn nói cười vui vẻ [35, tr.6].

Những trang văn mô tả không gian, cảnh vật như vậy khiến cho câu chuyện bớt vẻ ngột ngạt và trở nên gần gũi, chân thật hơn.

Tuy nhiên, nét lãng mạn của không gian đường rừng không phải là phổ biến. Đặc trưng của không gian đường rừng không phải ở nét thơ mộng, lãng mạn mà là sự lạ lẫm, bí ẩn, nhiều bất trắc… thường là tai họa. Thế nên, trong các truyện của Thế Lữ (Một truyện ghê gớm, Tiếng hú ban đêm, Vàng và máu), khung cảnh thường được mô tả bằng một cái nhìn đầy vẻ huyền bí; không gian ấy hứa hẹn nhiều thứ bất ngờ, những điều li kì, rùng rợn đến khó tin. Nó là hoàn cảnh, là phông nền cho những mối tình lãng mạn giữa các chàng trai thành thị, vốn chán cảnh phồn hoa đô hội, thích phiêu lãng, tìm đến chốn rừng núi, với các sơn nữ. Môi trường tự nhiên hoang dã ở miền núi có tác dụng kích thích trí tưởng tượng, khơi gợi cảm giác lo lắng pha lẫn thích thú của người đọc. Trong Vàng và máu:

Những buổi hoàng hôn bóng chiều soi riêng một phía cũng như các ngày ủ dột âm u, Văn Dú lại hiện ra với một vẻ riêng oai linh và màu nhiệm (…). Đối với ngọn núi lớn, người Thổ không chỉ có tấm lòng kính cẩn phảng phất đối với mọi cảnh bát ngát cao cả, họ còn sợ hãi Văn Dú như một vật có tri giác, có quyền phép làm hại người… ai nói tới Văn Dú là một sự gở lạ [67, tr.1].

Thế Lữ là nhà văn có biệt tài trong việc miêu tả khung cảnh “đường rừng”, “xứ lạ”. Ông sử dụng rất nhiều yếu tố kỳ lạ, thậm chí là kỳ ảo để tạo nên ấn tượng, đan cài, trộn lẫn hư và thực, với những linh cảm ghê rợn cứ quẩn quanh bủa vây con người. Có thể là không gian ở còi âm, không gian trong còi vô thức, không gian tâm linh… Đó là những khung cảnh âm u, gợi không khí chết chóc hoang lạnh (Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh, Tiếng hú ban đêm, Cái đầu lâu, Một chuyện ghê gớm …), với những âm thanh lạ, với bóng ma hư ảo, chập chờn. Tất cả những ảnh hình ghê rợn đó góp phần làm nên “không khí” trinh thám. Ở phần mở đầu mỗi truyện, nhà văn thường tìm cách tạo dựng một không gian đậm chất liêu trai: “Mỗi lần một bóng, một mình trong lúc đêm khuya mưa gió sụt sùi mà nghe thấy những tiếng ểnh ương nó ỳ oặc, tiếng ếch nhái nó nghiến răng bốn bề, tôi lại nhớ ngay đến chuyện ngày trước.


Bên tai như vang những tiếng người chết nó cười, nó kéo từng đoàn, từng lũ đến đầu giường tôi nằm mà tranh nhau nguyền rủa tôi” [65, tr.52]. Con người khi tiếp xúc với khung cảnh ấy, thường gợn lên những xúc cảm ghê rợn bởi cảm giác tâm linh khó diễn tả:

Tôi vẫn thấy một cảm giác lạ. Một cảm giác đột ngột, không liên lạc, hình như vừa chợt đến: gờn gợn lạnh lẽo và mạnh mẽ … tôi tái người hẳn đi một lượt. Một tiếng động nhẹ - nhưng rành rẽ - một tiếng nhẹ và nhanh do một cử chỉ nào của cái vật đứng bên ngoài … tôi nhẹ nhàng với lấy cái đèn bấm trong ngăn kéo rồi ngẩng lên, và kinh ngạc dị thường. Giữa khung cửa sổ, một khuôn mặt lặng lẽ, trắng một cách lạ, một khuôn mặt đàn bà rất trẻ, đẹp, một vẻ đẹp tuyệt mỹ, đẹp đến lạnh mình… hiện lên như ở đó đã tự bao giờ và thoáng biến ngay, như không bao giờ có [66, tr.355].

Cùng với khung cảnh thâm u, các hiện tượng tự nhiên như mưa gió, sấm sét cũng được tác giả đưa vào tác phẩm với mục đích làm tăng thêm vẻ hoang lạnh, hãi hùng: “Nghe tiếng gió chạy như cuồng, tiếng mưa đập từng trận trên mái nhà và bốn bề xung quanh, nghe tiếng sấm sét rung chuyển cả một bầu trời tối tăm, tôi lại tưởng đến những chuyện yêu quái núp vào những gốc cây đa hay chùa cổ để ẩn tránh lưỡi tầm sét” [66, tr. 238]. Những hình ảnh kỳ bí về bầu trời thâm u, khu rừng vắng lặng, những ngọn đồi bị che phủ bởi sương mù …, cùng với thứ ánh sáng, âm thanh ma mị cứ trở đi trở lại trong tác phẩm; nó có tác dụng kích thích tò mò của người đọc, khơi gợi năng lực tưởng tượng và khả năng khám phá hiện thực của độc giả.

Để tăng thêm sự kỳ ảo, ly kỳ cho không gian truyện, tác giả còn dùng nhiều chi tiết như ánh sáng, bóng tối và cả sự im lặng… để bổ sung thêm: “Những hôm cây hóc bụi và tưởng sự huyền bí ẩn nấp dưới các hình bóng dị kỳ … Đêm tối sấn đến quanh đây cùng với cả một thế giới bí hiểm và vô hình [66, tr.360]. “Cái yên lặng và dáng tầm thường của hang đá này như có vẻ lừa dối nham hiểm … Giữa nơi kín đáo như thế này, trong một quả núi chứa chất những điều bí hiểm …” [67, tr.29]. Bức tranh đa chiều, với gam màu sáng lạnh của sương khói, của bóng tối cùng âm thanh dồn dập, xối xả của những cơn mưa dữ mà tác giả mô tả trong truyện, như một cách dự báo, dự cảm về mối hiểm nguy đang rình rập, sắp sửa diễn ra bất cứ lúc nào.


3.2.2. Hình tượng thời gian

Trong tác phẩm văn học, thời gian là một hình tượng nghệ thuật do nhà văn sáng tạo nên. Bởi thế, nó dung hợp cả tính chất khách quan của thời gian thực tế lẫn tính cảm tính, chủ quan của cá nhân tạo ra nó. Nghiên cứu truyện trinh thám Việt Nam, chúng tôi nhận thấy thời gian nghệ thuật ở đây có nét đặc trưng so với các thể loại khác. Theo T. Todorov: “Mỗi truyện trinh thám xếp chồng lên nhau hai lớp thời gian, những ngày của cuộc điều tra, khởi đầu từ tội ác, và những ngày của tấn thảm kịch dẫn tới tội ác” [114, tr.10]. Đó là dạng “thời gian vụ án’, “thời gian điều tra” được trải dài theo hướng tuyến tính hoặc phi tuyến tính, tùy theo kết cấu cụ thể của câu chuyện.

3.2.2.1. Thời gian tuyến tính

Trong tiểu thuyết trinh thám, các nhà văn thường dựa vào sự chuyển vận của thời gian, lấy đó làm cái trục chính để triển khai sự kiện, biến cố và cuộc đời nhân vật. Nó thường bắt đầu từ kết quả (một xác chết, một vài nhân chứng), cần phải điều tra để tìm ra nguyên nhân (tội phạm và điều đã dẫn hắn đến tội ác). Thời gian trong truyện trinh thám thường là một tội ác đã xảy ra trước câu chuyện mà người kể thuật lại dưới dạng hồi ức (khác với truyện trinh thám đen, truyện kể dưới dạng hành động). Các biểu hiện của thời gian ở đây khá đa dạng: thông qua chiều hướng (thuận, nghịch), thông qua nhịp điệu (nhanh, chậm)… nên tất cả sự sắp xếp, tường thuật của tác giả đều nhằm phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của nhà văn.

Thời gian tuyến tính là cách thể hiện câu chuyện dựa trên chiều hướng vận động của thời gian thực tế. Diễn biến câu chuyện được kể theo trình tự, sự kiện diễn ra trước nói trước, cái diễn ra sau nói sau. Đó là sự sắp xếp có chủ ý của nhà văn, dựa trên mô thức thời gian hiện thực, thời gian lịch sử. Dạng thức thời gian tuyến tính được nhà văn sử dụng trong phần lớn các truyện trinh thám Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Có thể kể đến các truyện Vết tay trần, Nhà sư thọt, Người một mắt, Bóng người áo tím, Người bán ngọc, Buổi tất niên của người Hổ, Tôi có tội, Cậu Tám Lọ, Ba Lâu ròng nghề đạo tặc, Những nét chữ, Lê Phong phóng viên, Mai Hương & Lê Phong… như những ví dụ tiêu biểu. Đặc điểm dễ nhận thấy đối với kiểu thời gian này là mọi sự kiện, tình tiết xảy ra trong câu chuyện đều bắt đầu từ một mốc thời gian

Xem tất cả 161 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí