Thám Tử Tiếp Cận Vụ Án Do Tình Cờ, Ngẫu Nhiên


án): “tôi đã học đủ nghề để phòng khi dùng đến, nhưng tôi vẫn làm việc ở một ấp trên trung du, vừa trông coi đồn điền, vừa dạy học thêm, cốt để tự nuôi sống, còn nghề trinh thám kia, thì khi nào có dịp tôi mới đem ra mà áp dụng, coi như là một trò giải trí mà thôi... vì vậy tôi chẳng phải là một tay trinh thám nhà nghề” [21; tr.21-22]. Kỳ Phát thường cộng tác với bạn là thanh tra Trúc Lâm, thuộc Sở Liêm phóng (Mật thám) Hà Nội, và tất cả các vụ án do Kỳ Phát tìm ra thủ phạm đều đem tặng cho Trúc Lâm lãnh công và lập danh. Phóng viên Lê Phong, sau khi khám phá ra bí mật vụ án “thì chỉ có việc mau mau về nhà báo cắm đầu mà viết bài tường thuật và ... đợi đến một vụ án mạng ly kỳ hơn” [64; tr.106]; Thành Trai “một cử nhân Luật, từng du học ở Pháp”, điều tra vụ án nhằm tìm cách minh oan em gái, con chú chàng là Kiều Tiên; Tám Lọ giúp Minh Đường tìm cách minh oan cho Kiều Tiên bị mắc tiếng oan là lấy trộm hai chiếc nhẫn của mẹ Minh Đường; Hoàng Ngọc Ẩn, Đỗ Hiếu Liêm (trong Châu về hiệp phố) “vốn là học sanh y viện cao đẳng tại Hà Nội nhân dịp bãi trường, mới sang tàu về đến Sài Gòn trong ít bữa” [77, tr.493], vì cảm mến nghĩa tình mà ra tay giúp đỡ nàng Lệ Thủy và những kẻ thế cô; Quan Châu Nga Lộc, Quan Phủ Trang Tư Minh vì địa vị, trách nhiệm nên tham gia làm sáng tỏ vụ án…

Điều đáng quý ở các nhân vật thám tử Việt Nam là bất vụ lợi. Dường như đó là một nguyên tắc ứng xử bất thành văn mà tất cả thám tử đều tuân thủ rất nghiêm ngặt. Thám tử “không phải là một trinh thám nhà nghề nên không hề có lấy của ai một xu nhỏ…, chúng tôi làm việc gì cũng nghĩ và tự hỏi liệu cái khó nhọc của mình có giúp cho ai được gì không, hay là để một kẻ không đáng hưởng …” [20; tr.50]. Đây là một nét đặc trưng trong việc xây dựng kiểu nhân vật thám tử Việt Nam. Nó không hoàn toàn theo khuôn mẫu như trong truyện trinh thám cổ điển phương Tây. Bởi lẽ, ở Phương Tây, nghề thám tử hình thành và phát triển mạnh trong lòng xã hội tư bản do nhu cầu thực tế; khi đời sống ở các thành thị phát triển, sẽ kéo theo nhiều mặt trái của nó, nghề thám tử trở nên cần thiết và được trả công. Nhưng đối với xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, thực tế nghề thám tử chưa được xã hội công nhận, nhân vật thám tử có chăng chỉ là ước mơ của một bộ phận thị dân.

3.1.1.2. Thám tử tiếp cận vụ án do tình cờ, ngẫu nhiên

Nhân vật thám tử trong truyện trinh thám Việt Nam khi tiếp cận vụ án, phần nhiều thường do tình cờ hoặc ngẫu nhiên. Trong Vàng và máu, một buổi tối, tên đầy


tớ vào thưa với quan Châu Nga Lộc “có một thằng trông mặt sợ hãi lắm, ở đâu hồng hộc chạy vào đây ... bây giờ nó không chịu ra nữa..., nó ở hang Văn Dú ...” [67; tr.08], và sự gặp gỡ ngẫu nhiên với thằng Thổ đã khiến quan Châu khám phá ra kho báu ở hang Văn Dú. Trong Một chuyện ghê gớm, nhân vật “tôi’ trong một đêm đi săn giữa rừng sâu, tình cờ phát hiện ra một căn hầm dưới ngôi miếu cổ, từ đó anh điều tra ra tội ác của bọn quan lại Tàu ngày trước.

Trong Mai Hương - Lê Phong, việc phát hiện ra cái chết của bác sĩ Đoàn trong ngày lễ ra trường giúp Lê Phong tình cờ khám phá ra vụ án bọn Lương Hữu muốn chiếm đoạt pho sách có chứa địa đồ kho báu ở vùng Lạng Sơn đang nằm trong tay bác sĩ Đoàn. Phóng viên Lê Phong đến tòa soạn báo Thời Thế để nộp bài, tình cờ biết được ông Chủ nhiệm “vừa soạn lại số tiền ba trăm bạc để trên bàn, sực nhớ một việc cần, ông sang phòng bên, lúc trở lại thì thấy mất hẳn một tờ giấy hai chục” [63; tr.22]. Bằng quan sát hiện trường, Lê Phong đã chỉ ra thủ phạm trước sự kinh ngạc của mọi người. Lê Phong nhận nhiệm vụ tòa soạn phân công nhằm mục đích lôi kéo khán giả cho tờ báo của mình. Sau mười lăm ngày lẫn lút ở rừng sâu theo dòi bọn buôn súng lậu, vừa về đến Bắc Giang thì được tin “một cái án mạng kỳ quái mới xảy ra hồi mười một giờ đêm hôm qua” [63; tr.38]. Rồi khi anh đang thả bộ trên phố đêm, bỗng dưng trông thấy một chiếc xe hơi dừng lại ở Sở cảnh sát; một người đàn ông đi vào bên trong và đang trình bày việc một người vừa bị giết chết. Lê Phong “lẳng lặng theo người ấy vào bên trong”, rồi “bám” xe ô tô của họ đến hiện trường để xem xét vụ án. Anh chia xẻ “Tôi vì sự tình cờ, trong một đêm tẻ ngắt, ở một tỉnh tẻ ngắt như Phủ - Lạng - Thương này, bỗng dưng gặp ngay một việc khác thường, gặp một cái án mạng mà tôi gọi là cái may ghê gớm của tôi” [63; tr.53]. Với phương pháp điều tra riêng của mình, Lê Phong đã chỉ ra thủ phạm vụ án là người đàn ông đã đến báo Sở cảnh sát.

Trong Mảnh trăng thu, Thành Trai “tình cờ nhìn thấy người đàn bà trùm khăn đen, mặc quần áo đen vịn tay trên lưng ghế sau[36; tr.12]; vài hôm sau anh lại tình cờ nhìn thấy “người đàn bà ấy” trong nhà hàng Lương Hữu. Anh gặp gỡ người đàn bà một cách “ngẫu nhiên”, và biết được đó là Kiều Tiên, con chú ruột của anh. Thành Trai dấn thân vào việc điều tra vụ án Kiều Tiên giết chồng. Cuối cùng đã minh oan cho cô em, vạch rò thủ đoạn của Nguyễn Viết Sung. Hoặc trường hợp Hoàng Ngọc Ẩn (Châu về hiệp phố) cùng


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

bạn đi xem chiếu bóng, tình cờ Lệ Thủy bị ngất, anh ra tay cứu giúp và câu chuyện lại tiếp nối với nhiều tình tiết ngẫu nhiên về sự gặp gỡ và chia ly…

Đặc biệt, trong các truyện của Phạm Cao Củng, yếu tố tình cờ, ngẫu nhiên được tác giả sắp xếp một cách rất khéo léo. Kỳ Phát, trong một đêm trời mưa không ngủ được, đang nằm đọc truyện “bỗng ngạc nhiên và kinh hãi vì ở nhà dưới có tiếng thì thầm to nhỏ”. Từ đó, chàng theo dòi và khám phá ra người Dì của mình đã đưa tình nhân về nhà sau khi cha chàng vừa mới qua đời. Và Kỳ Phát “đột nhiên hôm nay, nhận được thư, chiếc thư lạ không đề người gởi” [20; tr.64]. Theo lời dặn trong bức thư, anh khăn gói lên Lào Cai, đi tàu xuôi về Phú Thọ, Việt Trì. Tức giận vì bị người đàn bà buôn thuốc phiện gởi thư để dàn cảnh qua mặt nhà đoan, Kỳ Phát quyết truy đuổi người đàn bà, cuối cùng chàng nhận ra người này khi đang hấp hối là Liên (mẹ ruột anh) và Ba Lâm (bố anh) là tay trùm buôn lậu, hai người bặt tin đã hơn hai mươi năm.

Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX - Từ đặc trưng thể loại - Nguyễn Thành Khánh - 10

Trong Kho tàng họ Đặng, Kỳ Phát không may bị thủng ruột đạp xe đêm 30 Tết khi đi về nhà người bạn ở Nam Định. Anh xin vào tá túc qua đêm ở nhà cụ Lượng, tình cờ anh phát hiện ra chiếc đĩa cổ. Từ đó anh giải mã bí mật bốn chiếc đĩa cổ và giúp cụ Lượng tìm ra kho báu của dòng họ. Trong Nhà sư thọt, một lần đến thăm bạn nhưng bạn lại vắng nhà , Kỳ Phát ngủ lại trong phòng bạn một mình, đêm khuya thanh vắng, một tên trộm lẻn vào phòng bắt trói Kỳ Phát nhưng chàng đã tự giải thoát. Không những thế, anh còn bắt được tên trộm Sáu Do Đường Goòng. Tình cờ khi xem xét chiếc can và chiếc mũ do Sáu Do Đường Goòng vừa lấy trộm được, Kỳ Phát thấy trong lần “cầu da” có mảnh giấy có chứa một điều gì bí mật, chính nhờ nội dung mảnh giấy này, anh đã điều tra ra vụ án đầy bí ẩn trong mối tình Bích Loan và nhà sư thọt.

Trong các tác phẩm của Bùi Huy Phồn, yếu tố ngẫu nhiên, tình cờ thể hiện rò trong cách điều tra, phá án của thanh tra Sở Liêm phóng Đặng Dung, nhân vật trong truyện thường là sản phẩm của trí tưởng tượng hoang đường, đôi lúc đơn giản, vô lý (Trần Thạch Minh cải trang thành Bùi Quốc Bảo, và giả đóng vai bác sĩ để giết Kiều Oanh, Mẹ Quốc bảo cải trang thành mụ già hành khất để nhắc nhở Minh nhớ mối thù xưa, Bích Liên một nữ thám tử tài trí mưu lược đã dứt bỏ còi trần, lánh nơi cửa Phật).

Rò ràng các yếu tố tình cờ, ngẫu nhiên đã trở thành một môtíp phổ biến trong cốt truyện, gắn với quá trình tiếp cận vụ án của các thám tử. Đây là một yếu tố có vai


trò quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình điều tra, phá án của các thám tử. Đối với thám tử chuyên nghiệp, yếu tố ngẫu nhiên không phải không xảy đến, song chắc chắn là cá biệt, hiếm hoi. Trái lại, đối với các thám tử “không chuyên”, theo lối tài tử, nghĩa hiệp như trong truyện trinh thám Việt Nam thì lại được tác giả sử dụng thường xuyên.

3.1.1.3. Thám tử kết hợp tư duy lôgic với mưu mẹo để giải mã mọi bí ẩn

Tư duy logic là một trong những đặc trưng cơ bản của truyện trinh thám. Yếu tố làm nên thành công nhất của nhân vật thám tử là tài quan sát và suy luận. Đây là một yêu cầu có tính nghiêm ngặt của thể loại, bởi truyện trinh thám cổ điển là thể loại giải mã “câu đố” bằng trí tuệ; người đọc và tác giả dựa trên cơ sở quan sát hiện trường để cùng truy tìm thủ phạm. Nhân vật thám tử vì vậy, phải có tài suy luận dựa trên tư duy logic và óc tưởng tượng để thuyết phục người đọc.

Trong các truyện trinh thám Việt Nam, hình tượng nhân vật thám tử cũng được xây dựng trên nguyên tắc chung này. Để có thể suy đoán, tư duy, trước hết nhân vật phải biết cách quan sát, tìm hiểu, thu nhận thông tin. Chàng phóng viên Lê Phong của Thế Lữ bộc bạch: “Anh chỉ cốt lợi dụng cái thì giờ ấy để quan sát mọi người. Đó là một mưu kế đắc dụng cho anh nhiều lần. Lê Phong tự đặt cho mình cái tên giản dị là “Người Ngoài Phố”..., anh lang thang ở các vỉa hè Hà Nội, hoặc ngồi trong tòa án, hoặc đọc những tờ trình ở vài sở cảnh sát, hoặc ngồi ăn lạc rang hay dí dỏm hỏi chuyện mấy đứa trẻ bán báo bên hồ Gươm. Quyển sổ tay nhét trong túi rút ra luôn, và cái bút chì không mấy khi được nghỉ việc” [64, tr.6;30].

Từ những gì thu nhận được qua tìm hiểu, quan sát, thám tử bắt đầu tư duy về vấn đề mình quan tâm. Nhân vật Kỳ Phát của Phạm Cao Củng rất có tài trong việc suy luận, rất sắc sảo trong phân tích, đánh giá tình hình. Trong quá trình phá án, khi có mặt tại hiện trường, cũng như khi ở một mình, trong đầu anh luôn đặt ra những luận lý. Những người bình thường không hiểu vì sao Kỳ Phát lại có năng lực biết trước được rất nhiều vấn đề; thậm chí có người cho rằng anh là thầy bói toán. Thực ra, tất cả đều do suy xét, phán đoán dựa trên tư duy lo gic.

Hầu hết các suy luận của nhân vật thám tử đều dựa trên các chứng cứ khoa học và thực tiễn, kết hợp với trình độ hiểu biết sâu rộng trong tất cả các lãnh vực đời sống. Chẳng hạn, nhân vật quan Châu Nga Lộc đã chinh phục hang thần Văn Dú


bằng suy luận khoa học, từ đó hóa giải lời nguyền, bùa phép bí mật hại người của bọn người Tàu thâm hiểm. Ông lý giải hiện tượng bí hiểm từ những xác chết khô cứng bên trong hang núi Văn Dú: “Chẳng qua chỉ là cái kì mưu của viên quan Tầu nhà Minh chứ không có thần thánh gì hết (...) Nhựa cây này ngâm tên thì tên hóa độc, bắn không cứ vào chỗ hiểm, chỉ cần làm trầy da rướm máu cũng đủ làm cho kẻ bị thương chết không thể cứu được” [67, tr.32].

Thám tử phải là người nhạy cảm, có óc phán đoán sắc bén, đặc biệt, vượt lên trên cái bình thường. Có như thế anh ta mới nhận ra được những gì người thường không thấy, dù cũng nhìn ngắm, quan sát. Thám tử Thành Trai trong Mảnh trăng thu của Bửu Đình, khi ngắm nhìn một người con gái có khuôn mặt đa sầu đa cảm “đẹp một cách mơ màng không trông thấy rò”, Thành Trai nghĩ thầm: “Người đàn bà này phải có một nổi niềm riêng mà chưa ai thấu rò … Ta phải dò xét xem sao …, phải khám phá cho ra sự bí mật này” [36, tr.26]. Khi theo dòi thủ phạm, thấy có sự khác lạ trong lối sinh hoạt, Thành Trai suy ngẫm: “Con Liễu ngày nay nghiễm nhiên là một bà chủ nhà ngủ, còn thằng Lực chẳng qua là một anh sốp phơ, sao lại dám trèo cao như thế?. Nếu nó dám ghẹo con Liễu thì tức là nó đã sắm bộ hậu cũng oai lắm …, mà nếu thiệt là sốp phơ thì tiền đâu mà oai? [36, tr.246 ].

Nhân vật Lê Phong của Thế Lữ quan sát đối tượng và đưa ra những suy xét về hung thủ rất sắc sảo: “Mọi ngày Thạc bẻm mép và to tiếng thì lúc ngồi trong nhà chiếu bóng, anh ta lại im lặng và cả trong những đoạn phim vui nhất anh ta cũng ít cười, thông thường Thạc không bao giờ xức nước hoa mà tối hôm qua, người anh ta thơm phức, rất ghét ca-vat sặc sở nhưng tối hôm qua đeo một cái ca-vat đỏ chói ...” [64, tr.145].

Có một điều cần lưu ý là những suy luận của nhân vật thám tử trong truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, dù là diễn dịch hay quy nạp vẫn rất “hiển nhiên” và “đơn giản”, phù hợp với nhận thức của người Việt Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, đối với nhân vật thám tử, chỉ tư duy logic, suy đoán dựa trên quy luật cuộc sống không thôi, dù sắc sảo đến mấy vẫn chưa đủ để phá án. Bên cạnh suy lý, còn phải biết kết hợp với trí tưởng tượng và cả mưu mẹo trong quá trình điều tra. Đây cũng chính là một đặc điểm của nhân vật thám tử trong truyện trinh thám Việt Nam. Dùng mưu trí, mẹo mực để giải quyết các tình huống hàng ngày là một lối ứng xử mang đậm dấu


ấn tính cách của người Việt Nam; vừa thực tế, thực dụng, tháo vát đồng thời cũng có gì đó mang tính chất láu lỉnh, tinh khôn. Chẳng hạn, để kiểm tra sự suy đoán của mình, Lê Phong dùng mưu mẹo bằng cách thử ngược bài tính: “Tôi nghĩ ra một mưu mẹo nhỏ: Anh trả tôi gói thuốc lá chứ! Gói thuốc mà anh mượn lúc xem xi-nê kia mà. Thạc chợt nhớ ra, lấy gói thuốc trả tôi”. Thật ra, anh có cho Thạc mượn gói thuốc lá nào đâu, “Và đó cũng là cái mưu mẹo láu lĩnh tôi thử lại lần thứ hai Mai Hương ạ” [64; tr.128]. Trong Những nét chữ, Lê Phong trả lời thư Đào Thị Kiều Anh: “Thưa ... ông. Tôi gọi ông là ông vì biết ông không phải là người con gái...., và hơn thế nữa ông lại viết thư cho tôi bằng thứ bút máy ngòi xấu và cong (...), lúc gần viết xong thì trời mưa, một cơn gió thổi vào làm tờ giấy chực bay, ông phải vội lấy tay đè lên – vì ông ngồi viết gần cửa sổ (…) Cái đó có phải là thần thánh chi đâu, chỉ cần có tài quan sát như tôi là đủ” [66, tr.112-113].

Rò ràng là chỉ với tài suy luận, quan sát hiện trường thôi chưa chắc đã xử lý được vấn đề; đôi khi nhờ mưu mẹo, xảo thuật cá nhân, thám tử dễ dàng qua mặt hung thủ. Thậm chí nhiều lúc thám tử phải đặt mình vào vị trí kẻ phạm tội để đọc suy luận của chúng. Thám tử Lê Phong muốn giấu những giấy má quan trọng không bị lọt vào tay bọn Tam Sơn quỷ quyệt, đã bảo thằng Biên “lấy những tờ giấy trong hộp bỏ vào những phong bì dùng rồi”, và “Không cất đâu hết. Để nó cả trên bàn nhà ngoài”, “nhét nó vào ngăn để thư hoặc ngăn kéo nhưng không cần khóa, bởi “Những chỗ hở như thế là chỗ giấu kín nhất đó. Vì đó là những chỗ chúng nó không thèm để tâm đến nhất.” [64, tr.22,23,55]. Lê Phong tự nhủ: “Con nhà làm báo ít ra cũng phải có một nghìn và một mưu kế trong túi, hay nói một cách giản dị hơn, ít ra cũng phải tinh quái hơn ma” [63,tr.53-55]. Nhờ đó, anh khám phá vụ án giết người một cách tinh vi, nạn nhân không phải bị bọn buôn lậu trả thù mà là chết vì sự ghen tuông của Lường – Duỳn. Quan Châu Nga Lộc cũng dùng quyền lực và mưu kế, buộc người Thổ Kao Lâm không thể không khai ra bí mật việc anh ta cùng tên người Thổ Nùng Khai đến hang Văn Dú.

Tuy đã có nhiều cố gắng, song năng lực suy luận và tư duy logic vẫn là một hạn chế của các nhà văn trinh thám Việt Nam. Những nhân vật thám tử trong truyện mang màu sắc trinh thám, phần lớn ít có những suy luận phán đoán khoa học mang tính trí tuệ, bởi chủ yếu họ là những người anh hùng hành động vì nghĩa hiệp, và trong


những vụ án họ điều tra, đa phần liên quan ít nhiều đến dòng họ, bè bạn, người yêu…. Động cơ phá án của các thám tử này nặng về tình cảm, tò mò hơn là niềm đam mê của một thám tử đích thực. Nghiệp vụ phá án của họ cũng xuất phát từ những suy luận do tưởng tượng, nhiều cảm tính, thiếu cơ sở luận chứng khoa học.

Kỹ thuật phá án trong truyện trinh thám là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, phương pháp giải mã các bí mật thông qua những bức thư, những nét chữ là một kiểu “trò chơi trí tuệ” mang nặng tính cách của người Việt Nam nên có lẽ chỉ hấp dẫn đối với độc giả người Việt Nam. Phần nhiều, việc tìm ra bí mật vụ án trong truyện của Thế Lữ và một vài truyện của Phạm Cao Củng là nhờ cách giải mã các bí mật thông qua các bài thơ, nét chữ. Việc giải mã những nét chữ và sắp xếp ý nghĩa các câu thơ Việt Nam là một trò chơi, là “mẹo” phổ biến của người Việt trong thời kỳ chữ Quốc ngữ đang hình thành và phát triển. Chẳng hạn, Lê Phong (Những nét chữ) suy luận sự thật Tuyết Mai tự tử chết vì sợ Hội kín trả thù khi đọc bài thơ Chơi núi cảm tác của Đỗ Lăng đăng trên nhật báo. Sắp xếp các từ ngữ trong bài thơ, Tuyết Mai tự hiểu “Đảng khép Tuyết Mai tội bội phản”. Những chữ cái X.A.E.X.I.G mà Lê Phong nghiệm ra đó là những con số của dãy số trúng độc đắc trong tờ vé số của Đường “đó là những chữ số dịch ra chữ cái A là 1, B là 2, C là v.v..., theo thứ tự tức là 015097, con số trúng độc đắc trong kỳ xổ số” [64, tr.145]. Đây cũng chính là nguyên nhân mà Thạc đã giết Đường. Câu chuyện về cái chết bí ẩn bác sĩ Doãn kết thúc khi Lê Phong tìm ra nguyên nhân cái chết: “Đem ghép những chữ rải rác trong các trang của năm pho sách lại chúng tạo thành một bản di chúc dặn chỗ tìm đến một kho vàng bạc, châu báu của người Tàu.” [68, tr.160]. Hoặc nhân vật Kỳ Phát giải mã bí mật kho báu của dòng họ Đặng bằng cách sắp xếp những câu thơ trên bốn chiếc đĩa cổ; Thành Trai yêu cầu Tòa án đối chiếu chữ trên giấy với chữ trên máy chữ…) để tìm ra thủ phạm. Chính phương pháp giải mã vụ án qua những bức thư, nét chữ đã góp phần “Việt hóa” nhân vật thám tử trong truyện trinh thám Việt Nam.

Theo lẽ thường, sự trừng phạt dành cho kẻ phạm tội được thực hiện dựa trên cơ sở luật pháp. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong truyện trinh thám Việt Nam, cái gọi là luật pháp không phải là những căn cứ của một bộ luật nào đó. Về thực chất, đây là một quan niệm về lẽ công bằng; một thứ “luật tục”, vốn đã ăn sâu trong tiềm thức người Việt Nam thì đúng hơn. Vì thế mà không ít nhân vật thám tử hành xử chủ yếu


theo “lệ” chứ không theo luật. Trong truyện của Phạm Cao Củng, tác giả để cho thám tử Kỳ Phát hành xử một cách khá ngộ nghĩnh. Anh không quan tâm đến pháp luật, bởi việc thực thi pháp luật đã có viên thanh tra Trúc Lâm của Sở Liêm phóng đảm trách, còn như “Việc làm tội thủ phạm chẳng phải công việc của tôi”. Khi đã khám phá ra vụ án, anh để cho kẻ phạm tội “tự xử”, “chịu tội ở đâu tùy ý”. Đối với những tên tội phạm đã nhận rò tội ác của mình và mong muốn hối cải, Kỳ Phát thường mở đường, tạo điều kiện cho họ hoàn lương. Đây rò ràng là cách ứng xử của bậc nghĩa hiệp; nó xa lạ với nhiệm vụ của một thám tử thực thụ. Với nhân vật Lê Phong của Thế Lữ cũng vậy; khi đã đưa ra đủ chứng cứ của kẻ có tội “Hắn bị bắt hay không thì tùy thuộc vào cuộc điều tra thứ hai của nhà chuyên trách ... Tôi đã cho họ biết cả sự thực” [64, tr.106]. Một kẻ gian ác như Nguyễn Viết Sung, khi những mưu mô xảo quyệt bị bại lộ sau hai mươi năm, chính lòng nhân hậu mà những người bị hại “đã buộc Y phải bỏ hết cả tiền của và cơ nghiệp lại cho con trai là Nguyễn Viết Chi, mà đi xứ khác ...” [36; tr.588]. Đó là những hành động được gọi là “tự xử”, “tự phục thiện”. Đây phải chăng là một nét đẹp nhân văn truyền thống trong văn hóa của người Việt, theo triết lý “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”; nó hoàn toàn khác với cách xử lý tội phạm trong truyện trinh thám phương Tây: kẻ gây oán phải bị sự trừng trị của pháp luật.

Nhân vật thám tử trong truyện trinh thám Việt Nam là những con người có nhân phẩm, tính cách đáng được trân trọng, nhưng tác giả không xây dựng họ hoàn thiện như những thánh nhân. Trái lại, họ có dáng dấp của những con người bình thường, với những tính cách đa diện, phức tạp và cả những khiếm khuyết. Nhìn chung, các nhà văn trinh thám thường đặt nhiệm vụ xây dựng tính cách nhân vật thấp hơn nhiều so với nhiệm vụ tường thuật sự kiện. Đây cũng là lý do khiến cho tính cách nhân vật chưa sắc nét, nhiều khi đơn giản. Môi trường hoạt động, quan hệ giữa các nhân vật thường chỉ bó hẹp chưa trong phạm vi các vụ án gia đình.

Những ưu điểm cùng hạn chế của hình tượng thám tử trong truyện trinh thám Việt Nam đương nhiên là phụ thuộc vào năng lực tác giả, song cũng còn do ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử, điều kiện đời sống thực tế. Trong hoàn cảnh đất nước đang chịu sự thống trị của thực dân Pháp, khi mà công lý - luật pháp đang bị đồng tiền và các thế lực tội phạm bẻ cong, nhân vật thám tử, trên một mức độ nhất định, trở

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/07/2022