Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 10


tạo nên những ấn tượng đa chiều về thế giới. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư dù được kể từ một người kể chuyện xưng “tôi” duy nhất từ đầu đến cuối tác phẩm, nhưng thực ra qua bảy phần của truyện được đánh số rò ràng, người kể chuyện ấy đã lần lượt nhập vai, hóa thân vào các nhân vật khác, qua lối kể chuyện nửa trực tiếp, để đưa ra những cảm giác, cảm xúc, và cái nhìn của họ đối với cuộc đời: nỗi khắc khoải, thắc thỏm bền bỉ và thách thức rồi cuối cùng là ê chề tuyệt vọng của Sương, nỗ lực bất thành để kìm nén, giết chết yêu đương, khát khao, bản năng nơi Điền đang đến tuổi trưởng thành, tình yêu mãnh liệt bị bội phản dẫn tới nỗi hận thù, sự lạnh lùng, vô cảm, nhẫn tâm đến tàn ác của người cha, những mong ước, đợi chờ vừa thẹn thùng, vừa cháy bỏng của người đàn bà thuê người cha đóng giường, đóng tủ… Và bao trùm lên tất cả là sự nhẫn nhịn, lầm lũi vừa chín chắn, già dặn, bao dung, vừa ngây thơ, tội nghiệp của cô gái đi qua những mất mát, đắng cay để bước vào tuổi trẻ bằng những niềm đau, những chai lì, trống rỗng và bằng cả một trời thương yêu, hy vọng đang le lói thắp lên cuối những tăm tối, xót xa, tủi hổ. Cái tôi của người kể chuyện đã không chỉ thuật lại mà sống lại, gợi lại, trải ra thế giới tinh thần của những cái tôi khác, qua những câu chuyện dường như không đầu không cuối ghép nối nhau tạo nên những phần, những cảnh khác nhau trong câu chuyện lớn mênh mông, như những cánh đồng bất tận không tên, không ràng buộc trong cuộc đời lênh đênh, miên man buồn đau của các nhân vật.

Do không chú trọng vào tính lôgic, nhân quả của các sự kiện được kể hay nói đúng hơn là tính nhân quả, liền mạch của việc kể chuyện, phương thức lắp ghép trong kết cấu tác phẩm cũng khiến người đọc bỏ ra ngoài mối quan tâm đối với việc khôi phục, tái hiện thời gian tuyến tính của câu chuyện. Thời gian giữa các đơn vị truyện thường không liền mạch mà bị đảo lộn, bị ngắt quãng, bị xới tung. Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu là một sự xâu chuỗi các trạng thái cảm xúc của lão Khúng ở những thời điểm khác nhau: sự hãi hùng sau cơn ác mộng; phức cảm vừa dằn vặt, tiếc nuối, vừa kiên quyết khi đưa Khoang Đen đi bán; nỗi đau đớn tột cùng khi nghe tin thằng Dũng hi sinh; niềm tự hào khi “tậu” được Khoang Đen; mối quan hệ với ông chủ tịch; cảm giác nhẹ nhòm khi phóng sinh con bò; những ám ảnh tại


phiên chợ Giát và sự bất ngờ, sầu não, phiền muộn khi gặp lại Khoang Đen. Tất cả những tâm trạng, những ấn tượng đó đan xen vào nhau - rất xa xôi, dài lâu như cả đời người, nhưng lại rất ngắn ngủi, chóng vánh trên một quãng đường từ nhà đến chợ, xô lệch, vụn vỡ, khiến cả tác phẩm là rất nhiều chuyện trong một truyện dường như không có một cốt truyện rò rệt nào. Và với những truyện như vậy, người đọc không băn khoăn về lôgic, trật tự trước sau giữa các sự kiện mà băn khoăn về việc chúng đóng vai trò như thế nào trong việc góp phần thể hiện chủ đề của truyện. Sự rời rạc có chủ ý trên bề nổi, sự rời rạc mang liên kết ngầm, vì thế, thường được liên tưởng với cảm quan hậu hiện đại, cảm quan về sự lỏng lẻo, phân mảnh, rạn nứt, phi tâm của thế giới và sự phá vỡ các “đại tự sự” về thế giới ấy.

Trong văn xuôi đương đại, lắp ghép là thủ pháp đã được nhiều tác giả tiểu thuyết vận dụng để cấu trúc tác phẩm của mình. Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương, Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng, Trò chơi hủy diệt cảm xúc của Y Ban là những tiểu thuyết tiêu biểu cho kiểu kết cấu lắp ghép. Có thể nói, phương thức kết cấu này phù hợp và phát huy hiệu quả cao hơn ở độ dài của tiểu thuyết. Khi được vận dụng trong thể loại tự sự cỡ nhỏ, nó thường tạo ra những truyện có sức chứa lớn, có sự mở rộng biên độ và chiều sâu của sự tái hiện thế giới – đó chính là những truyện có khuynh hướng vươn tới tư duy tiểu thuyết mà chúng tôi đề cập ở chương 1, và trong một số trường hợp, được gọi tên là truyện vừa. Đây là một xu hướng phát triển đặc sắc của truyện ngắn, phù hợp với thị hiếu và tâm lý tiếp nhận của người đọc đương đại, khi mà thời gian dành cho việc đọc ngày càng ngắn lại trong khi nhu cầu tiếp nhận thông tin và thụ hưởng thẩm mỹ ngày càng cao. Với phương thức lắp ghép, với loại truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết này, ở một độ dài không lớn nhưng cô đặc thông tin, cô đặc cảm xúc, phong phú những ấn tượng và cảm giác, tạo ra sự dịch chuyển không gian và thời gian, tác phẩm mang đến cho người đọc trải nghiệm đa chiều trong một dung lượng vừa phải. Các truyện mang xu hướng này chiếm số lượng không nhiều, nhưng thường được đánh giá cao cả về trình độ nghệ thuật và hiệu quả tiếp nhận.


2.2.1.4. Kết cấu liên hoàn


Nhiều truyện có chung một hay một số nhân vật, một bối cảnh nhất định nào đó hoặc có sự liên quan về nội dung câu chuyện – đó là sản phẩm của phương thức kết cấu liên hoàn. Kết cấu liên hoàn là cách để nhà văn mở rộng biên độ hiện thực trong thế giới hư cấu của mình, đồng thời cũng là cách nới rộng phạm vi thể loại cho truyện ngắn. Nếu như một truyện ngắn thông thường được quan niệm là thích hợp với việc đọc một hơi không nghỉ, thì bằng phương thức liên hoàn, bằng sự “xảy lặp” nhân vật, sự kiện, bối cảnh từ truyện này sang truyện khác, người đọc có cảm giác được “sống lại”, “đọc tiếp” những gì mà một truyện đã đọc xong trước đó xây dựng nên, và thời gian choán tâm trí người đọc của tác phẩm như nối dài ra sau một sự ngưng nghỉ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 201 trang tài liệu này.

Kết cấu liên hoàn có thể mang lại một chùm truyện chung tiêu đề lớn, chung chủ đề như Con gái thủy thần Chút thoáng Xuân Hương đều gồm ba truyện: Truyện thứ nhất, Truyện thứ hai, Truyện thứ ba; Những ngọn gió Hua Tát gồm mười truyện của Nguyễn Huy Thiệp, hoặc có thể - hình thức này phổ biến hơn – đem đến những tác phẩm độc lập nhưng có mối liên hệ nào đó với nhau, kể về cùng một/ một số nhân vật nhưng ở những tình huống, với những chi tiết khác nhau. Phiên chợ Giát Khách ở quê ra của Nguyễn Minh Châu đều kể về những sự kiện trong cuộc đời nhân vật mang tên Khúng. Dù tác giả không nhắc gì về tác phẩm viết trước, nhưng sự trùng lặp về tên tuổi, hoàn cảnh gia đình, bối cảnh sinh hoạt và tâm lý của lão Khúng trong Phiên chợ Giát khiến người đọc không thể không nghĩ tới Khách ở quê ra và thông qua hai tác phẩm, có những suy ngẫm chung về số phận và tính cách của người nông dân. Cũng tương tự như vậy, Khách ở quê ra lại một lần nữa được người đọc liên tưởng khi đến với tác phẩm Chợ tết bởi cả hai truyện đều xây dựng hình tượng nhân vật Định – một người sống ở thủ đô có cháu ở quê là Khúng, qua những câu chuyện được kể, được chứng kiến, suy tư về những người dân nghèo ở làng quê trong sự chuyển mình của quê hương, của thời đại. Bên cạnh đó, có những truyện liên hoàn với nhau không chỉ bằng nhân vật, sự kiện mà được


Truyện ngắn Việt Nam sau 1975 - Nhìn từ góc độ thể loại - 10

thể hiện ngay trên chính bề mặt ngôn từ. Vòng trầm luân trần gian của Tạ Duy Anh mở đầu bằng tình huống:

Sau khi truyện ngắn Bước qua lời nguyền của tôi in lên báo, tôi có dịp ghé về quê. Mẹ tôi, không hiểu ai mách trước, đón tôi ở cổng bằng vẻ mặt lo lắng khác thường. Bà kéo tuột tôi vào lối cửa sau, thì thào:

- Mày lựa lời mà nói với bố mày. Chẳng biết mày viết cái gì mà mấy hôm nay ông ấy cứ ngồi ôm trán suốt ngày. Đến bữa bố mày chỉ động đũa một tẹo. Tao lo lo là...

Tất nhiên, tình huống này là hư cấu, nhân vật “tôi” ở đây không được hiểu là nhà văn Tạ Duy Anh, mà cũng là một nhân vật hư cấu, một người kể chuyện xưng tôi, song những lời kể trên khiến tác phẩm này, ngay từ khi câu chuyện chưa bắt đầu, đã định hướng cho người đọc là có mối quan hệ với tác phẩm Bước qua lời nguyền, và những gì được kể trong truyện sẽ là hệ quả, hoặc ít nhất, sự tiếp tục những sự kiện, hành động trong truyện ngắn được nhắc đến đó. Tính chất liên hoàn giữa các tác phẩm, hoặc giữa các phần trong tác phẩm, tạo cho người đọc ấn tượng, cảm giác về sự giống thật, như đang đọc một truyện ký, một truyện được ghi chép từ người thật việc thật.

Kết cấu liên hoàn đòi hỏi nhà văn phải giàu tri thức, hiểu biết sâu sắc về mảng đề tài được đề cập để có thể sáng tạo nhiều tình huống, viết nhiều câu chuyện với cùng một bối cảnh lớn, cùng một hệ thống nhân vật, có sự lặp lại mà vẫn mới mẻ, phong phú, hấp dẫn, không gây cảm giác nhàm chán, như khi xây thêm một ngôi nhà bên cạnh một ngôi nhà khác, trên cùng một mảnh đất mà cả hai công trình đó đều tôn nhau lên, tạo thành một tổng thể công trình hợp lý, hữu dụng, đẹp đẽ mà không chật chội, xô lệch.

Trong các phương thức kết cấu đã nêu, phương thức được sử dụng phổ biến nhất trong truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 là kết cấu theo lôgic nhân quả tâm lý, và càng về sau, phương thức này càng phổ biến hơn. Đi cùng với điều đó là số lượng các truyện ngắn trữ tình ngày càng nhiều hơn, đặc biệt ở các cây bút nữ. Hiện


tượng trên cho thấy truyện ngắn đương đại chú trọng việc giãi bày, bộc lộ thế giới nội tâm phong phú, phức tạp của con người, và thể loại này đang ngày càng xích gần với thơ. Đối với truyện ngắn hiện nay, cốt truyện không còn chiếm vai trò quan trọng hàng đầu nữa, mà sự gần gũi của những trạng huống tâm lý được giãi bày và sự phong phú, mới mẻ trong nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ, giọng điệu mới là điều độc giả chờ đợi hơn cả ở các tác phẩm thuộc thể loại này.


2.2.2. Các thành tố bổ trợ kết cấu


Để làm nên thành công trong nghệ thuật kết cấu tác phẩm, nhà văn phải hình thành một ý tưởng ban đầu, một chiến lược cho việc bố cục, sắp xếp, liên kết các thành tố của tác phẩm sao cho hợp lý và thể hiện hiệu quả nhất ý tưởng ban đầu đó. Nếu như trong thơ, tứ thơ sẽ mang đến cho ý thơ một hình hài cụ thể, thì nghệ thuật kết cấu trong văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng khiến cho câu chuyện cũng như tư tưởng, chủ đề của câu chuyện đó có hồn cốt rò ràng, trở thành một thực thể sống động và hấp dẫn nhất có thể. Chính vì tầm quan trọng như vậy, nghệ thuật kết cấu đòi hỏi nhà văn phải chăm lo cho từng yếu tố, từng bộ phận, dù là nhỏ nhất trong cấu trúc văn bản nghệ thuật, từ dòng đầu tiên đến chữ cuối cùng, từ mở đầu đến kết thúc tác phẩm. Trong văn bản ấy, nhan đề, mở đầu, kết thúc, các yếu tố ngoài cốt truyện, sự phân bố ngôn từ là những thành tố quan trọng luôn cần được tác giả cân nhắc, đong đếm để lựa chọn được phương án tối ưu.

2.2.2.1. Nhan đề


Nhan đề không chỉ là tên gọi để phân biệt tác phẩm này với tác phẩm khác, đó còn là nơi tác giả gửi gắm những thông điệp nghệ thuật của mình. Đó có thể là cách định danh hay định tính nhân vật, sự việc sẽ được kể, địa điểm hoặc thời điểm xảy ra câu chuyện, có thể là sự tóm lược trực tiếp những nội dung chính, chủ đề của tác phẩm, có thể là một ẩn dụ, một liên tưởng nào đó về ý nghĩa của câu chuyện được kể, hoặc tạo một ấn tượng đặc biệt với độc giả ngay từ những chữ đầu tiên của tác phẩm… Người đọc chỉ có thể soi tỏ ý nghĩa của nhan đề sau khi đã hoàn tất việc

đọc truyện. Thậm chí, sau khi đọc xong toàn bộ truyện, ý nghĩa của nhan đề trong


suy nghĩ của người đọc có thể được điều chỉnh, bổ sung, nâng cao, hoặc hoàn toàn trái ngược, bất ngờ so với suy nghĩ ban đầu (khi chưa đọc văn bản)

Về mặt nội dung, nhan đề truyện có thể gợi nên một không gian hoặc một khoảng cách không gian, một thời điểm hoặc một quãng thời gian, một không – thời gian, một nhân vật, một hành động, một trạng huống tâm lý, một sự vật, sự việc… Trong văn học đương đại, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu thường có nhan đề mang nội dung về sự vật – hiện tượng mang tính biểu tượng như Bức tranh, Cơn giông, Cỏ lau, Chiếc thuyền ngoài xa, Bến quê, Dấu ấn nghề nghiệp, Mùa trái cóc ở miền Nam; Nguyễn Thị Thu Huệ là nhà văn đặt nhan đề truyện rất phong phú: có những nhan đề gợi lên một không gian hay một thời điểm đặc biệt như Tân cảng, Dĩ vãng, Biển ấm, Thành phố không mùa đông, Những đêm thắp sáng, Mùa thu vàng rực rỡ, Hậu thiên đường, Còi mê, có những nhan đề biểu thị một nhân vật đặc biệt như Thiếu phụ chưa chồng, Người đàn bà ám khói, Phù thủy, Người đi tìm giấc mơ, Giai nhân, một số nhan đề có nội dung là một sự vật, sự việc đáng nhớ như Nước mắt đàn ông, Hoa nở trên trời, Hoàng hôn màu cỏ úa, Một trăm linh tám cây bằng lăng, Sơ ri đắng, và cũng có những nhan đề cho ta thấy một tình huống nào đó như Còn lại một vầng trăng, Tình yêu ơi, ở đâu?, Một nửa cuộc đời, Nào, ta cùng lãng quên… Nguyễn Ngọc Tư có nhiều nhan đề biểu thị những trạng huống, những câu chuyện éo le trong cuộc sống như Thương quá rau răm, Huệ lấy chồng, Mối tình năm cũ, Cuối mùa nhan sắc, Biển người mênh mông, Duyên phận so le… Tất nhiên, sự tổng kết ở đây chỉ mang tính tương đối, bởi có những nhan đề có thể xếp vào kiểu loại này hoặc kiểu loại kia đều phù hợp. Dù ở mảng nội dung nào, nhan đề truyện ngắn đương đại cũng thường mang khuynh hướng thế sự, đời tư, những nhan đề mang nội dung gắn với cộng đồng, mang khuynh hướng sử thi ngày càng vắng bóng. Điều đó nằm trong mạch vận động chung của văn xuôi sau năm 1975.

Qua khảo sát, thống kê, chúng tôi nhận thấy nội dung nhan đề truyện ngắn giai đoạn này được phân thành bốn nhóm cơ bản: không – thời gian, nhân vật – hành động – tâm lý, sự vật – chi tiết, tình huống - câu chuyện. Tuy nhiên, đó là khảo sát về nội dung của bản thân nhan đề với tư cách một đơn vị văn bản độc lập.


Nhưng sự bóc tách đó chỉ có ý nghĩa khảo sát, trong thực tế thì không có một nhan đề độc lập, nó bao giờ cũng là một phần của văn bản, một yếu tố làm nên kết cấu chung của truyện kể, do đó ý nghĩa của nó chỉ có thể được soi sáng, được hiểu một cách thấu triệt nhất sau khi độc giả đã đọc xong tác phẩm. Nếu đặt nhan đề trong liên hệ với câu chuyện được kể ở phần văn bản trung tâm của tác phẩm, thì không phải bao giờ nhan đề cũng định hướng nội dung cho câu chuyện. Hay nói cách khác, mỗi nhan đề sẽ hướng đến một mục tiêu, một hiệu quả khác nhau về vai trò và liên hệ của nó đối với tác phẩm.

Về hiệu quả nhận thức, có những nhan đề tạo nên những định hướng nhận thức, hay nói cách khác, định hướng sự chú tâm của người đọc vào một nhân tố nào đó của truyện, như nhân vật, chi tiết, tình huống; có những nhan đề giúp người đọc hiểu được tình huống hoặc câu chuyện bao quát toàn bộ tác phẩm; song có những nhan đề hạn chế tối đa việc định hướng này bằng sự khó nắm bắt, khó hình dung ý nghĩa của nó, khiến độc giả phải không ngừng băn khoăn, suy nghĩ, và phải dùng toàn bộ nội dung truyện đã đọc xong để quay lại cắt nghĩa nhan đề. Thông thường, những nhan đề có nội dung là một yếu tố nào đó trong truyện sẽ hướng người đọc vào tìm kiếm yếu tố đó, ngẫm nghĩ về ý nghĩa của nó trong tác phẩm; còn những nhan đề mà từ ngữ có tính bao quát, trừu tượng hoặc gợi liên tưởng thường khiến người đọc “tạm gác” việc cắt nghĩa nó lại cho đến khi hoàn thành việc đọc tác phẩm, thậm chí là phải băn khoăn phân tích, liên tưởng để cắt nghĩa nhan đề đó. Khảo sát tuyển tập Truyện ngắn hay Việt Nam thời kỳ đổi mới, tập 1, ta có thể quan sát thấy các nhan đề có những hiệu quả nhận thức khác nhau (xin xem Bảng 1 trong Phụ lục): số lượng nhan đề thông báo, định hướng cho người đọc về nội dung sẽ được kể là cao hơn (76%), trong đó cao nhất là số nhan đề gây chú ý vào một yếu tố cụ thể trong truyện (nhân vật, sự vật, sự việc). Với kiểu nhan đề này, người đọc, sau khi đọc xong nhan đề, thường ít nhiều có một hình dung, tưởng tượng nào đó về những điều sẽ được đọc trong truyện. Tỉ lệ nhan đề hạn chế định hướng sự chú ý của người đọc chiếm khoảng 24%, những nhan đề này khiến người đọc khó đoán trước được nội dung câu chuyện.


Trở lại với giai đoạn trước, với tập 33 truyện ngắn chọn lọc 1945 – 1975, tuyệt đại đa số các nhan đề định hướng nội dung cho người đọc (91%), trong đó số nhan đề gây chú ý vào một yếu tố / vấn đề cụ thể trong truyện chiếm hơn một nửa (55%), bên cạnh đó là các nhan đề nêu lên nội dung tổng quát (bối cảnh, câu chuyện) (36%), số lượng nhan đề hạn chế định hướng (khó hiểu, yêu cầu liên tưởng, đúc kết, suy ngẫm sau khi đọc truyện) chiếm tỉ lệ rất nhỏ (xin xem Bảng 2 trong Phụ lục).

Như vậy, nếu so sánh một cách tương đối về hiệu quả định hướng nội dung của nhan đề trong hai tập truyện tiêu biểu cho hai giai đoạn trên, ta có thể thấy: Ở cả hai giai đoạn, tỉ lệ các nhan đề có đưa ra một gợi ý về nội dung tác phẩm đều cao hơn số nhan đề hạn chế gợi ý, định hướng nội dung. Tuy nhiên, sự chênh lệch này trong truyện ngắn giai đoạn 1945 – 1975 là cao hơn rất nhiều, phần lớn các truyện ngắn giai đoạn này đều đưa ra một gợi ý rất cụ thể để người đọc chú tâm trước khi thật sự bước vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Có thể đưa ra một cách lý giải dựa vào đặc điểm của nền văn học hai giai đoạn: văn học giai đoạn kháng chiến (1945 – 1975) mang tính đại chúng, hướng đến đại đa số quần chúng công nông binh nên có xu hướng trong sáng, giản dị về ngôn từ và dễ hiểu về nội dung, trong khi văn học đổi mới phát triển theo hướng dân chủ hóa, đề cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người đọc trong việc tiếp nhận tác phẩm. Chính vì thế, tỉ lệ những nhan đề truyện như một bài toán đối với độc giả trong truyện ngắn đổi mới cao hơn đáng kể so với truyện ngắn kháng chiến.

Trên phương diện ngôn ngữ, nhan đề có thể là một từ (danh từ, động từ, tính từ…), một ngữ, hoặc một mệnh đề. Việc lựa chọn từ loại cũng như đơn vị ngôn ngữ để đặt nhan đề nói lên phần nào mục đích và tính chất của nhan đề. Chẳng hạn khi khảo sát nhan đề của ba mươi truyện ngắn trong tập Như những ngọn gió của Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta có thể thấy lựa chọn của Nguyễn Huy Thiệp khi đặt nhan đề trong tập truyện này thiên về từ, và tuyệt đại đa số là danh từ, trong đó có nhiều nhan đề là danh từ riêng (xin xem Bảng 3 trong Phụ lục). Sự ngắn gọn, hướng vào gọi tên nhân vật, địa danh, sự việc, sự vật mà ít những tính từ chỉ tính chất, sắc

Xem tất cả 201 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí