tố thần kỳ như những tác phẩm vừa nêu trên). Thứ hai, kết cấu có dáng dấp của mô hình tiểu thuyết tài tử giai nhân (xem thêm mô thức tự sự trong luận văn này). Ban đầu, con gái Giả Sung vừa nhìn đã yêu Hàn Thọ, bởi “Hàn Thọ đẹp cả về ngoại hình và ăn mặc”, bắt đầu tương tư suy nghĩ, chút cảm xúc vào thơ “Thường ấp ủ tình cảm trong lòng, phát ra thành thơ ca ngâm vịnh”. Chứng tỏ giai nhân có cảm xúc, gần người thật hơn. Để gặp mặt nhau cũng nhờ người hầu gái, (người hầu gái là trung gian của tài tử giai nhân đóng vai trò quan trọng trong tiểu thuyết tài tử giai nhân sau này). Đặc biệt, cuộc hò hẹn giữa họ chẳng khác gì Chàng Kim cô Kiều, chàng Lương Sinh và cô Dao Tiên: “đến ngày như đã hò hẹn, họ gặp nhau trong đêm, họ vốn hơn hẳn mọi người về sự lanh lợi, nhảy qua tường vào mà không bị một ai phát hiện”. Thứ ba, thái độ của Giả Sung - cha cô gái, tức bố vợ tương lai của Hàn Thọ, khi biết con gái mình vụng trộm với Hàn Thọ, không những không trách mắng mà còn tán thành, ủng hộ, che dấu cho họ “Sung bèn bắt bọn hầu gái của con gái tra vấn, chúng cứ sự thực mà nói. Sung giữ kín chuyện và gả con gái cho Thọ.” (những trích dẫn truyện Giả Sung nữ tư Hàn Thọ người viết dẫn theo tác giả Trần Nho Thìn, Văn học Trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, [52, tr. 530, 536] Giả Sung khác nào Sơn Hiển Nhân, cha của Sơn Đại trong Bình Sơn Lãnh Yến, mọi việc chiều theo con gái mình. Nhận xét về loại hình nhân vật tài tử trong tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh, tác giả Đổng Hiểu Lệ rất tinh tế khi nhận xét rằng “Tài tử (tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh) đều thể hiện rõ nét phong độ của danh sỹ thời Nguỵ Tấn” [71, tr. 4]. Nhưng có điều, đây là cuốn sách ghi chép về danh nhân đời Nguỵ Tấn nên nó gần với loại ghi chép chân dung hơn là những sáng tác tiểu thuyết.
Truyện truyền kỳ đời Đường - định hình về cơ bản mô hình tiểu thuyết tài tử giai nhân. Nếu như tiểu thuyết tài tử giai nhân là cầu nối giữa Kim Bình Mai và Hồng lâu mộng thì truyện truyền kỳ đời đường là cầu nối giữa truyện chí nhân, chí quái, chí dị thời Lục Triều với tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh. Không có tiểu thuyết tài tử giai nhân thì không có Hồng lâu mộng, không có truyện truyền kỳ đời Đường thì không có tiểu thuyết tài tử giai nhân: “nó là mắt xích yếu ớt trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, nhưng không thể khuyết hoặc thiếu nó được, thiếu nó tiểu thuyết sẽ không liên hoàn”[70, tr. 5]. Nữ tác giả Vương Dĩnh cho rằng, truyện truyền kỳ đời Đường là “dưỡng tố nghệ
thuật của tiểu thuyết tài tử giai nhân” [92, tr. 186]. Đánh giá về truyện truyền kỳ đời Đường, Lỗ Tấn viết: “Tiểu thuyết cũng như thơ đến thời Đường có một cuộc biến đổi, tuy còn chưa rời hẳn việc sưu tầm chuyện kỳ lạ, ghi chép lại việc bỏ rơi song tự thuật uyển chuyển, lời văn hoa mỹ diễm lệ, so với thể cách thời Lục Triều trình bầy thơ thiển, đại khái thì bước diễn tiến thì rất rõ ràng, mà rõ ràng hơn cả là thời kỳ bắt đầu có ý thức làm tiểu thuyết” [48, tr. 93].
Thời kỳ đầu (618 - 779), truyện truyền kỳ còn đượm màu sắc thần quái như Ly hồn ký (Trần Huyền Hậu), Liễu Nghị (Lý Triều Uy). Bởi: “Có thể xem truyện “truyền kỳ tài tử giai nhân đời Đường”, hấp thụ dưỡng chất từ các tác phẩm thần quái từ thời đại trước, trong tiểu thuyết tài tử giai nhân đóng vai trò quan trọng từ sự chuyển tiếp từ truyện chí quái đến truyền kỳ”, [83, tr. 19]. Tuy viết về truyện thần quá, linh dị nhưng không phải để minh hoạ thần đạo như truyện thời Lục Triều nữa, mà nhân vật có nhân tính.
Đến thời kỳ thứ thứ hai (780 - 820), là thời kỳ cực thịnh, “phong cách thay đổi lớn” (Đổng Nhạn).” Các truyện tiêu biểu là Hoắc Tiểu Ngọc truyện, Liễu Thị truyện, Lý Oa truyện, đặc biệt là Vô Song truyện và Oanh Oanh truyện. Nhưng truyện này về cơ bản đã định hình mô hình tiểu thuyết tài tử giai nhân, “ảnh hưởng trực tiếp tiểu thuyết tài tử giai nhân”, “thực sự là những tiểu thuyết tài tử giai nhân điển hình” [83, tr. 17].
Điểm nổi bật dễ thấy nhất là truyện truyền kỳ đời Đường đã từng bưới thoát khỏi sự trói buộc của thần đạo, nhân vật là thần tiên ma quái chỉ chủ yếu xuất hiện trong thời kỳ đầu. Thời kỳ sau đã nhường chỗ cho nhân vật là trai tài gái sắc, là những trang tài tử và giai nhân trần thế, miêu tả tình yêu trần thế, tình yêu trong hiện thực cuộc sống. “khói bếp nhân gian thay thế hương lửa của thiên đường” (Đổng Nhạn).
Từ việc ghi chép người thật việc thật, nên những truyện tình yêu trai tài gái sắc li kỳ càng là chủ đề yêu thích của văn nhân thời Đường. Trong các truyện vừa nêu trên, một khối lượng lớn tài tử và giai nhân đã xuất hiện, chất lượng tài tử và giai nhân cũng đã tăng so với thời kỳ Lục Triều. Đặc biệt đã có những tài tử và giai nhân sánh ngang hàng với tài tử và giai nhân trong tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh. Trước hết về hình tượng tài tử. Tuy không phải đồng loạt tài tử đều đạt được các tiêu chí của tài tử điển hình như trong tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh (xem thêm loại hình nhân vật tài
tử trong luận văn này), nhưng đã có những tài tử thật sự làm người ta nghĩ ngay đến tài tử thời Minh Thanh. Chính những nhân vật này ảnh hưởng trực tiếp đến tài tử thời Minh Thanh. Trước hết, các tài tử đa phần đều xuất thân từ gia đình quyền quý và có học hành, đều thi đỗ làm quan: “Khoảng năm Đại Lịch có chàng nho sĩ họ Lý, tên ích, tuổi vừa đôi mươi, thi đỗ tiến sĩ…Sinh vốn con nhà danh giá, tuổi trẻ, có tài văn chương, câu đẹp lời hay, không ai sánh kịp. Những người thành đạt, các bậc kỳ cựu đều thán phục tài Sinh. Sinh cũng cậy mình đài các phong lưu, muốn có người bạn đời, lùng tìm danh kỹ…”[56, tr. 75], Không chỉ là con nhà quyền quý, một điều kiện cốt tử của tài tử phong lưu là tài nhả ngọc phun châu. Truyện truyền kỳ đã có tài tử kiểu này. Trong Truyện Oanh Oanh, Trương Sinh dùng thơ để thổ lộ tình cảm với Oanh Oanh: “Trương mừng rỡ, vội làm luôn hai bài thơ xuân đưa cho Hồng Nương mang tới cho nàng” [56, tr. 109]. Lê Hàn Dực dùng thơ để gửi gắm tình cảm của mình với Liễu Thị trong Liễu Thị truyện: “Dùng túi lụa, đựng bùa vàng, viết mấy câu :
Liễu chương Đài
Ngày trước xanh tươi, nay còn đó? Cho dẫu nhành dài rủ như xưa, Hẳn đã bị tay ai vin bẻ”
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân - 1
- Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân - 2
- Loại Hình Nhân Vật Tiểu Thuyết Tài Tử Giai Nhân.
- Nguyên Nhân Hưng Thịnh Tiểu Thuyết Tài Tử Giai Nhân.
- Ý Nghĩa Tự Sự Học Tiểu Thuyết Tài Tử Giai Nhân. [64, Tr 100 - 103]
Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.
[56, tr. 167, 168]
Rõ ràng những chàng trai này rất giống với hình bóng của Yến Bạch Hạm và Bình Như Hành dùng thơ xướng hoạ, tỏ tình với Sơn Đại và Lãnh Giáng Tuyết trong tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh. Ngoài là trang nam tử có tài mạo song toàn, thơ văn giỏi giang, thi đỗ làm quan ra, tài tử thời kỳ này cũng có những nhân vật mang khí khái phong lưu, thuỷ chung của chàng tài tử như: Phương Châu, Kim Trọng… Sinh trong Lý Oa truyện vì nhan sắc của Lý Oa sẵn sàng đổi tất cả gia sản để cưới được nàng: “chỉ sợ nàng không bằng lòng thôi, chứ tiếc gì trăm vạn”, [56, tr. 90]. Khi hết tiền, bị lừa, sống vất vưởng, cha sinh không nhận, đi hát thuê cho phường đám ma “Tiếng hát du dương, ai oán, rung động cả núi rừng” [56, tr. 98], sống dở chết dở “Một hôm tuyết lớn. Sinh bị đói rét dày vò, cứ lần mò đi trong gió tuyết, cất tiếng xin ăn rất thê thảm. Ai nghe cũng xót thương”, sau khi được Lý Oa chữa bệnh, động viên tinh thần, khuyên chàng quay lại con
đường thi cử, cuối cùng chàng thi đỗ, không quên nghĩa cũ thuỷ chung như nhất, cưới Lý Oa làm vợ “Oa đã thành hôn, bốn mùa lễ tiết, trọn đạo vợ chồng” [56, tr. 105]. Kiểu tình yêu thuỷ chung như nhất trải qua khó khăn, hiểu lầm, chết đi sống lại rất gần với sự li tán hợp tan nhưng thuỷ chung son sắc giữa Dao Tiên và Phương Châu, giữa Phan Tất Chánh và Trần Kim Liên.... Nó khá giống với nhân vật tài tử Phường Châu, Phan Tất Chánh... Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có những chàng tài tử bạc nhược, yếu đuối, không dám từ bỏ công danh phú quý giành lấy người mình yêu, tình yêu chẳng qua chỉ là sự ham mê sắc dục, thoả mãn sắc dục mà thôi, như chàng Trương Sinh trong Hoắc Tiểu Ngọc truyện. Tóm lại, tài tử thời kỳ này có nhiều dấu ấn của tài tử trong tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh, nhưng nó chưa xuất hiện đồng loạt và đạt mức điển hình như trong tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh.
So với hình tượng tài tử, hình tượng giai nhân là đặc sắc hơn cả, nó thực sự là những giai nhân tiêu biểu, là hình ảnh giai nhân trực tiếp ảnh hưởng đến giai nhân sau này. Họ đều là những tài nữ, không chỉ sắc mạo bên ngoài, mà còn có tài thơ ca, cả tài trí, sự dũng cảm, lòng can đảm, sáng suốt, cùng tài tử vượt qua thử thách, giải thoát bản thân, bản lĩnh vững vàng, chẳng khác nào giai nhân Sơn Đại và Lãnh Giáng Tuyết trong Bình Sơn Lãnh Yến. Trước hết về nhan sắc, đều là giai nhân tuyệt sắc. Lý Oa là một giai nhân hoàn mỹ: “Bên cánh cửa khép hờ, có một thiếu nữ mặc áo xanh, búi tóc trái đào, đứng tựa lan can, vẻ người yểu điệu thướt tha, thực là một trang giai nhân tuyệt sắc…”[56, tr. 91]. Nó khác xa với cách miêu tả giai nhân thời Lục Triều “thấy một thiếu nữ rất xinh đẹp, đem lòng yêu mến” [53, tr. 66]. Nó không khác xa nhiều lắm với cách miêu tả giai nhân trong tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh. Không chỉ có vẻ đẹp hình thức, vẻ đẹp bên trong của các giai nhân thời kỳ này cũng được các tác giả miêu tả khá kỹ, đặc biệt tài làm thơ. Thơ không chỉ thể hiện tài năng của giai nhân, thể hiện giá trị của mình, nó còn là thông điệp tình yêu được truyền đến với người tình. Đây là khâu mấu chốt không thể thiếu trong bất kỳ một tiểu thuyết tài tử giai nhân nào. Hình thức này chính thức bắt đầu từ truyện tài tử giai nhân đời Đường. Oanh Oanh làm thơ hò hẹn với Trương Sinh :
Đợi trăng buồng phía tây, Đón gió ngỏ cửa này.
Bóng hoa tường lay động, Ngỡ người ngọc tới đây.
Liễu Thị làm thơ gửi Hàn Dực thể hiện sự thuỷ chung của mình:
Nhành dương liễu, Tiết thơm tho.
Đáng hận bao năm tặng ly biệt. Chiếc lá gió đưa bỗng báo thu, Dẫu chàng trở lại đâu nỡ bẻ”
[56, tr. 109]
[56,tr. 168]
Giai nhân hoàn mỹ, không chỉ có sắc đẹp, tài làm thơ mà tài đánh đàn cũng là một đặc điểm không thể thiếu được. Đàn cũng như thơ, nó là một phương thức nói lên nỗi lòng, tình cảm sâu kín của giai nhân. Thể hiện tình cảm có rất nhiều hình thức thể hiện khác nhau, nhưng thổ lộ tình cảm thông qua đàn và thơ là phương thức đặc thù của tài tử giai nhân, bởi họ là những người có văn hoá khá cao của thời đại, được học hành đầy đủ, nên làm được thơ chơi được đàn phải là người có học thức. Hơn nữa, so với hình thức thể hiện tình cảm khác, thể hiện tình cảm bằng thơ vừa lãng mạn ,vừa kín đáo. Nó là hình thức ưa thích của văn nhân tài tử Trung Quốc. Nhưng chỉ đến tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh nó mới kết tinh cao độ (Hầu như tiểu thuyết tài tử giai nhân nào cũng phải trải qua cuộc sát hạch bằng thơ), mở đầu của hình thức này thực sự bắt đầu từ đời Đường: “Nói rồi, nàng phủi đàn, chơi bài Nghê thường vũ ý, mới vài tiếng điệu đàn ai oán thê lương, rối bời không thành bài nữa. Người nghe đều xụt xùi than thở. Nàng cũng dừng tay bỏ đàn ngồi khóc…” [56, tr. 113]
Một đặc điểm đáng chú ý nữa là, giai nhân thời kỳ này xuất hiện nhiều những suy nghĩ, day dứt nội tâm. Đây là đặc điểm mới mẻ mà các giai nhân thời Lục Triều chưa có được, nó chỉ thực sự phổ biến với tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh. Đó là những lo lắng, suy nghĩ về thân phận, đau đớn về sự biệt li: “Đọc lời thăm hỏi, thắm thiết yêu thương. Tình cảm của em buồn vui lẫn lộn. Chàng lại cho em một hộp trâm hoa, năm tấc son tô môi, cùng đồ trang sức. Tuy chịu ơn sâu nhưng biết trang điểm vì ai? Nhìn vật nhớ
người, chỉ càng chua xót…” [56, tr. 113]. Day dứt trong tình yêu còn ám ảnh trong giấc mơ của các giai nhân: “Đến cả khi mộng mơ, cũng thường xúc động nức nở, buồn đau ly hận, day dứt triền miên. Cuộc vui trong mộng chưa tàn, đã giật mình thổn thức” [56, tr. 113, 114]. Nỗi đau li biệt không chỉ được thể hiện qua tự bộc bạch của giai nhân mà nó còn được giai nhân gửi gắm qua tiếng đàn ai oán “Nói rồi, nàng phủi đàn, chơi bài Nghê thường vũ ý, mới vài tiếng điệu đàn ai oán thê lương, rối bời không thành bài nữa.” [56, tr. 113]. Như vậy, hình thức thể hiện tâm trạng, tình cảm, cảm xúc của giai nhân rất đa dạng, tạo ra được cái nhìn nhiều chiều hơn về tình cảm của giai nhân. Đúng như Tô Kiến Tân nói: “Thôi Oan Oanh truyện, Hoắc Tiểu Ngọc truyện, Khai quốc phu nhân truyện, Lý Oa truyện, thực sự là những tiểu thuyết tài tử giai nhân điển hình” [83, tr. 17]
Một đóng góp không nhỏ nữa của truyện truyền kỳ đời Đường đối với tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh là lần đầu tiên xuất hiện mô hình tự sự gồm ba bước: Vừa gặp đã yêu, vượt qua khó khăn, và thi đỗ đoàn viên. Truyện Lý Oa mà chúng tôi vừa phân tích ở trên có thể nói là một mô hình lý tưởng có ảnh hưởng trực tiếp đến tiểu thuyết tài tử giai nhân sau này. Gặp nhau đã có thơ thể hiện tình cảm, khó khăn đã có tiểu nhân phá hoại (Trong Lý Oa, sinh là Lý Thị), vượt qua khó khăn, chính Lý Oa cùng chàng vượt qua khó khăn và cuối cùng đỗ giáp khoa. Mô hình này sẽ trở thành mô hình lý tưởng của cặp đôi tài tử giai nhân cách đó 1000 năm sau.
Nếu hội tụ đầy đủ những điều kiện như vậy tại sao “tiểu thuyết tài tử giai nhân đời Đương” (Tô Kiến Tân) không được gọi là tiểu thuyết tài tử giai nhân với đầy đủ hàm nghĩa của nó. Có mấy lý do dưới dây:
Một là, truyện truyền kỳ đời Đường mà trong đó mục đích viết truyện không phải là sáng tác cặp đôi và ngợi ca tài tử giai nhân, mà mục đích là ghi lại những truyện Kỳ trong thiên hạ, thoả mãn lòng hiếu kỳ nên cảm hứng chủ đạo không phải là ngợi ca tài tử giai nhân. Vì thế cuối mỗi truyện thường có ghi chú rõ ràng, ai viết, ai kể, ngày giờ…
Hai là, nó không nở rộ tạo thành trào lưu ngợi ca tài tử giai nhân, vì thế nhân vật được coi là điển hình của giai nhân Minh Thanh như Lý Oa là không nhiều, tài tử có phong độ kiểu Phương Châu, Yến Bạch Hạm, Bình Như Hành, Kim Trọng…thì tài tử thời này chưa với tới được. Do vậy những nhân vật như giai nhân Lý Oa, hay tài tử Sinh
không phải là nhân vật lý tưởng của thời đại, do vậy mô hình: Vừa gặp đã yêu, vượt qua khó khăn, thi đỗ đoàn viên không phải là điển hình mà chẳng qua chỉ là thấy nàng Lý Oa là gái mà có suy nghĩ táo bạo, câu chuyện lạ Kỳ thì ghi lại. Điều này thể hiện hết sức rõ ràng ngay mở đầu tác phẩm: “Kiến Quốc phu nhân Lý Oa, là một xướng nữ đất Trường An, tiết hạnh cao quý, đáng ca ngợi, nên Giám sát ngự sử Bạch Hành Giản viết truyện về nàng” [56, tr. 89]
Nhưng những nhân vật như Lý Oa, Hoắc Tiểu Ngọc, Oanh Oanh là những giai nhân sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến các Dao Tiên, Trần Kiều Liên, Bạch Hồng Ngọc, Sơn Đại, Lãnh Giáng Tuyết.. sau này. Những tài tử Tiên Kiêm, Sinh…là những hình mẫu mà chúng ta có thể tìm thấy bóng dáng họ ẩn trong các Phương Châu, Phan Tất Chánh, Yến Bạch Hạnh, Bình Như Hành, mô thức ba bước vừa gặp đã yêu say đắm, vượt qua khó khăn, đại đoàn viên sẽ được các tài tử thời Minh Thanh hoàn thiện và mô thức hoá cao độ khẳng định bản quyền của thể loại mình. “Tiêu thuyết tài tử giai nhân đời Đường” (Tô Kiến Tân) thực sự là “ Những dưỡng tố nghệ thuật nuôi dưỡng tiểu thuyết tài tử giai nhân” (Vương Dĩnh), hay nói như Đổng Nhạn, “khuyết hoặc thiếu nó thì lịch sử tiểu thuyết (Trung Quốc) không liên hoàn, nhiều sự kiện tiểu thuyết không sao giải thích nổi”. Tóm lại, thiếu truyện truyền kỳ đời Đường thì không có tiểu thuyết tài tử giai nhân. Cũng như thiếu tiểu thuyết tài tử giai nhân sẽ không có Hồng lâu mộng. Nó là một mắt xích trong một tổng thể loại hình. Đánh giá nó phải đánh giá tổng thể sự đóng góp của nó với loại hình của nó.
Thoại bản đời Tống, kịch đời Nguyên - chiếc cầu nối giữa truyện truyền kỳ tài tử giai nhân thời Đường và tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh.
Đến thời kỳ nhà Nguyên xuất hiện một số lượng lớn tạp kịch miêu tả tình yêu giữa thư sinh và gái tú, như Tây Sương ký, Tường đầu mã thượng, Thanh nữ li hồn. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra rằng, trong truyền kỳ đời Đường có rất nhiều những câu chuyện tài tử giai nhân nhưng để trở thành một chủ đề văn học phải đến tạp kịch đời Nguyên mới được xác lập. Tiêu biểu nhất là Tây Sương ký. Kịch gia đời Nguyên Vương Thực Phủ đã cải biên Tây Sương ký, sáng tạo ra một cặp đôi Thôi Oan Oanh và Trương Sinh tự do yêu đương luyến ái. Họ đi ngược lại với tư tưởng “môn đằng hộ đối”, đi
ngược lại với sự sắp xếp của cha mẹ, dũng cảm tìm kiếm người yêu của mình, tìm kiếm hạnh phúc riêng mình. Nó là tác phẩm đả kích mãnh liệt lễ giáo phong kiến.
Đến thời kỳ nhà Minh, xuất hiện một tác phẩm tiêu biểu của mô thức tài tử giai nhân là Mẫu đơn đình. Nhân vật chính trong tác phẩm Đỗ Lệ Nương mạnh dạn chủ động tìm kiếm tình yêu cho mình, sẵn sàng sống vì tình yêu, chết vì tình yêu. Tình yêu trở thành thứ duy nhất thống trị sinh mệnh của cô. Mẫu đơn đình và Tây sương ký phản ánh tư tưởng rất tiến bộ thời đại đó. Có thể nói, thoại bản đời Tống, Kịch đời Nguyên gần như là một sự hoàn bị cuối cùng và một dấu hiệu cho một cao trào sáng tác tài tử giai nhân bùng phát.
Cuối Minh đầu Thanh xuất hiện một số lượng lớn các tiểu thuyết tài tử giai nhân, thời kỳ đầu về cơ bản đều tuân theo một mô thức: vừa gặp đã yêu- tiểu nhân phá hoại - đại đoàn viên. Thời kỳ sau miêu tả rất nhiều nhân tình thế thái khác nhau, tình tiết ngày càng phức tạp, biểu thị bối cảnh xã hội ngày càng rộng lớn, thậm chí có khi miêu tả ái tình làm tôn thêm cả phong mạo thời đại. Trong các tác phẩm này, trai tài gái sắc chủ yếu vì thơ tương ngộ, vứt bỏ đi mệnh lệnh của cha mẹ, đồng thời trong quá trình yêu đương họ gặp rất nhiều khó khăn thử thách, tạo ra sự phân li, nhưng họ dũng cảm vượt qua trở ngại, bảo vệ tình yêu, đây là một tư tưởng tích cực, tiến bộ, sau cùng cho dù bất luận họ trải qua bao nhiêu khó khăn, li tán nhưng cuối cùng đều lấy đoàn tụ làm kết cục cuối cùng. Loại mô thức đoàn viên này là hiện tượng tập thể đặc hữu của tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh. Trong truyền kỳ đời Đường, Thôi Oanh Oanh Truyện, Hoắc Tiểu Ngọc truyện đều lấy kết cục ban đầu thác loạn, sau là vứt bỏ, nhưng đến cuối Minh đầu Thanh, tiểu thuyết tài tử giai nhân đều lấy đại đoàn viên làm kết cục. Các tiểu thuyết tài tử giai nhân tiêu biểu là : Bình Sơn Lãnh Yến, Ngọc Lê Kiều, Hảo cầu truyện, Kim Vân Kiều truyện… Đây là những bộ tiểu thuyết được các học giả chú ý phân tích nhiều nhất.
Như vậy, tiểu thuyết tài tử giai nhân khởi đầu thời kỳ nhà Hán, định hình cơ bản về mô thức tự sự, kiểu loại nhân vật thời nhà Đường, tiếp tục hoàn thiện thời kỳ nhà Nguyên và phát triển nở rộ thời kỳ nhà Thanh.
1.1.3. Quan niệm tình yêu, hôn nhân tiểu thuyết tài tử giai nhân.
1.1.3.1. Quan niệm tình yêu trong tiểu thuyết tài tử giai nhân .