Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân - 1

Đại học quốc gia Hà nội

Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn

-----------------------------


Trịnh Văn Định


Truyện kiềunhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân


Luận văn thạc sĩ

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.

Mã số : 60 22 34


Truyện Kiều nhìn trong hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân - 1

Hà Nội – 2009

Phần Mở đầu


1. Lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu

Sở dĩ chúng tôi lựa chọn hướng nghiên cứu này là vì những lí do dưới đây:

Một là, về vấn đề vị trí của Truyện Kiều trong lịch sử văn học trung đại đã có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau như: tiếp cận Truyện Kiều từ thi pháp học, từ phong cách học, từ thiền học, từ văn hoá học…Nhưng chưa thấy có công trình nào nhìn tác phẩm này từ góc nhìn nhóm thể loại tài tử giai nhân.

Hai là, cả ở Trung Quốc và Việt Nam, thời trung đại, có một loại tác phẩm được mệnh danh là “tiểu thuyết tài tử giai nhân” (Trung Quốc) và “truyện Nôm tài tử giai nhân” (Việt Nam). Trước đây, ở Trung Quốc giới nghiên cứu không đánh giá cao loại tác phẩm này, song gần đây những nghiên cứu về tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc đã được tăng cường và người ta đã nhận thức lại giá trị văn học của nhóm tiểu thuyết này.

ở Việt Nam, có lẽ giáo sư Trần Đình Hượu là người đã nêu vấn đề nghiên cứu một cách hệ thống “truyện Nôm tài tử giai nhân” qua bài viết “ Hoa tiên và vấn đề của nó trong lịch sử truyện Nôm” (Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại). Trong bài viết này, ông đã coi Hoa tiên, Phan Trần, Truyện Kiều là “truyện Nôm tài tử giai nhân”. Tuy vậy, ở thời điểm giáo sư Trần Đình Hượu viết bài này, ở Trung Quốc chưa có phong trào nghiên cứu sâu tiểu thuyết tài tử giai nhân nên tất nhiên có một số vấn đề của loại tiểu thuyết có ảnh hưởng đến văn học Việt Nam chưa được nói đến. Tiếp tục những gợi ý quý báu của giáo sư Trần Đình Hượu, tham khảo những thành tựu nghiên cứu mới về tiểu thuyết tài tử giai nhân ở Trung Quốc, chúng tôi muốn tìm thêm một điểm nhìn để hiểu thấu đáo hơn một trong những tác phẩm truyện Nôm tài tử giai nhân. Đây cũng chính là mục đích lớn nhất của luận văn.

2. ý nghĩa của đề tài

Chúng tôi mong muốn đóng góp một tiếng nói nhỏ vào việc tìm hiểu mối quan hệ văn học giữa hai nước Việt - Trung. Tìm thêm những điểm tương đồng và khác biệt giữa truyện thơ Nôm tài tử giai nhân Việt Nam, chủ yếu là Truyện Kiều với dòng tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc.

Đồng thời mong muốn bước đầu tìm một hướng nghiên cứu mới cho Truyện Kiều, cùng với những hướng nghiên cứu đã có để hiểu thấu đáo hơn một tác phẩm vĩ đại nhất của văn học Việt Nam.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là Truyện Kiều, cụ thể là nghiên cứu những dấu ấn và sự khác biệt của Truyện Kiều so với hệ thống tiểu thuyết tài tử giai nhân và truyện thơ Nôm tài tử giai nhân. Phương pháp làm việc là đặt Truyện Kiều vào dòng tiểu thuyết tài tử giai nhân. Việc khái quát thành tựu nghiên cứu của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc chỉ là cơ sở lý luận, và nêu một số tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc và một số truyện thơ Nôm tài tử giai nhân nhằm chứng minh nhận định, so sánh sự giống và khác nhau mà thôi.

4. Đóng góp của luận văn

Lần đầu tiên nhìn Truyện Kiều dưới góc nhìn nhóm thể loại tài tử giai nhân

5. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Về vấn đề vị trí của Truyện Kiều trong lịch sử văn học trung đại, đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau, có những chuyên luận: Truyện Kiều nhìn từ lịch sử phát triển của thể loại truyện Nôm (Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm ) của giáo sư Đặng Thanh Lê; Truyện Kiều dưới góc nhìn thi pháp học của giáo sư Trần Đình Sử (Thi pháp Truyện Kiều), Truyện Kiều dưới góc nhìn phong cách học của giáo sư Phan Ngọc (Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều), Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán của thiền sư Thích Nhất Hạnh (Thả một bè lau - Truyện Kiều dưới cái nhìn thiền quán) Truyện Kiều dưới góc nhìn văn hóa học - nhân học văn hoá của phó giáo sư - tiến sĩ Trần Nho Thìn (Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá); có nhiều bài so sánh Truyện Kiều với Kim Vân Kiều truyện, so sánh Truyện Kiều với các câu chuyện viết về Thuý Kiều, …Trong các công trình trên, có những công trình trực tiếp hay gián tiếp, dù ít dù nhiều cũng đã đề cập đến một số phương diện nhìn Truyện Kiều từ nhóm thể loại tài tử giai nhân. Tuy nhiên để xây dựng hệ thống lý thuyết về nhóm thể loại tài tử giai nhân làm căn cứ nghiên cứu Truyện Kiều thì chưa thấy có công trình nào đề cập đến.

Để thấy rõ hơn được vấn đề, chúng tôi điểm lại một số công trình trực tiếp đề cập đến vấn đề nhìn Truyện Kiều từ nhóm thể loại tài tử giai nhân.

Trước hết là công trình Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm của tác giả Đặng Thanh Lê, lần đầu tiên một công trình tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn thể loại. Nhưng cần khu biệt rõ cách tiếp cận của tác giả Đặng Thanh Lê và cách tiếp cận của chúng tôi. Như tên gọi của cuốn sách, Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, thực chất là nhìn Truyện Kiều trong mối quan hệ với và chỉ truyện thơ Nôm, trong đó có cả truyện thơ Nôm bình dân và truyện thơ Nôm bác học, cụ thể là tác giả đặt Truyện Kiều trong lịch sử hình thành và phát triển của thể loại truyện Nôm, trên cơ sở đó tác giả kết luận Truyện Kiều là thành tựu rực rỡ nhất của thể loại này: “Sự phân tích lịch sử trong trường hợp này cho phép nhìn nhận về cơ sở khách quan góp phần tạo nên những thành tựu rực rỡ của Truyện Kiều: Sự hình thành và phát triển của thể loại truyện Nôm” [20, tr. 7]. Như vậy, cách tiếp cận vấn đề của tác giả Đặng Thanh Lê và chúng tôi có điểm tương đồng và dị biệt. Cùng tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn thể loại, trong đó tác giả Đặng Thanh Lê nhìn Truyện Kiều từ lịch sử phát triển của thể loại truyện Nôm nói chúng, trong khi đó, chúng tôi cũng nhìn Truyện Kiều từ góc nhìn thể loại, nhưng nhìn từ nhóm thể loại tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Hoa, nơi mà có Kim Vân Kiều truyện là truyện gốc Truyện Kiều, đồng thời, một mặt so sánh Truyện Kiều với loại hình tiểu thuyết tài tử gian nhân Trung Hoa, mặt khác cũng so sánh Truyện Kiều với truyện thơ Nôm tài tử giai nhân Việt Nam để làm nổi bật Truyện Kiều.

Mặt khác, xét về phương pháp tiếp cận, tác giả Đặng Thanh Lê nhìn lịch sử phát triển truyện Nôm dưới các nhìn xã hội học và đấu tranh giai cấp: “Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chưa phản ánh được vận mệnh người phụ nữ lao động nghèo khổ, nhưng qua nhân vật Thuý Kiều, Nguyễn Du đã khái quát nhiều phương diện của vận mệnh, tính cách người phụ nữ trong mối quan hệ với những thế lực phong kiến xấu xa tàn bạo” [20, tr. 161]. Kế thừa thành quả nghiên cứu trên, áp dụng phương pháp nghiên cứu loại hình học, văn hóa học, văn học so sánh, cùng với thành tựu nghiên cứu mới nhất của Trung Quốc về tiểu thuyết tài tử giai nhân, chúng tôi tiến tới xác định một điểm nhìn mới nghiên cứu Truyện Kiều: Truyện Kiều nhìn từ loại hình tiểu thuyết tài tử giai nhân.

Có thể nói trong lịch sử nghiên cứu Truyện Kiều, giáo sư Trần Đình Sử là người đầu tiên giới thiệu với độc giả Việt Nam những đặc điểm chung nhất về tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Hoa. Năm 2002, cuốn Thi pháp Truyện Kiều của giáo sư Trần Đình Sử ra đời, đáng chú ý là bài viết - Truyện Kiều và tiểu thuyết tài tử giai nhân”, vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề mà người viết đang tìm hiểu. Trước hết, chúng tôi sẽ tóm lược những nội dung chính trong bài viết này của giáo sư Trần Đình Sử và sau đó đưa ra nhận xét về mục đích của tác giả.

Khẳng định tính chất mới mẻ trong hướng đi của mình, giáo sư Trần Đình Sử viết: “ở Việt Nam đã có những công trình nghiên cứu Truyện Kiều trong thể loại truyện Nôm, đã có ý kiến so sánh Truyện Kiều với truyền thống tiểu thuyết Trung Quốc như Tam Quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng, so sánh Truyện Kiều với các truyện viết về Thuý Kiều ở Trung Quốc, nhưng chưa thấy có tài liệu xem xét Truyện Kiều trong dòng tiểu thuyết tài tử giai nhân, một hiện tượng văn học đáng chú ý của văn học Trung Quốc, đã có ảnh hưởng đáng kể đến văn học Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên và ít nhiều có tính loại hình đối với nền văn học các nước ấy.” [45, tr. 39]

Trước hết, giáo sư Trần Đình Sử nêu lên nguồn gốc và vai trò của tiểu thuyết tài tử giai nhân: “Tiểu thuyết tài tử giai nhân là dòng tác phẩm phát tích từ tiểu thuyết nhà Đường, như Ly hồn truyện của Trần Huyền Hựu, Liễu Thị truyện của Hứa Nghiêu Tá, Oanh Oanh truyện của Nguyên Chẩn, Vô Song truyện của Tiết Điều, dưới hình thức truyện ngắn truyền kỳ, nhưng thực sự hình thành từ cuối đời Minh đến Thanh, thịnh hành vào thời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long (Thế kỷ thứ XVII - XVIII), rồi sau đó suy thoái, chuyển hoá thành loại tiểu thuyết rẻ tiền của phái “uyên ương - hồ điệp” đầu thế kỷ XX…Thành tựu của dòng tiểu thuyết này là không đáng kể trong rừng rậm tiểu thuyết Trung Quốc, song nó có vai trò bước đệm của quá trình chuyển hoá từ Kim Bình Mai đến Hồng lâu mộng” [45, tr. 40].

Mặt khác, giáo sư Trần Đình Sử nêu đặc điểm, dung lượng, những tác phẩm tiêu biểu, tóm tắt khung cốt truyện tác phẩm, ông khẳng định: “Hầu hết những truyện trên đều có tính chất công thức khuôn sáo” [45, tr. 40].

Sau đó, giáo sư nêu lên ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân đối với ba nước Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.

Tiếp tục bài viết của mình, giáo sư Trần Đình Sử nêu nhận xét của giới học thuật Trung Quốc về nhược điểm của tiểu thuyết tài tử giai nhân: “Tuyệt đại bộ phận các nhà nghiên cứu Trung Quốc từ trước đến nay chưa bao giờ đánh giá cao loại tiểu thuyết này.... Châu Vĩ Dân thì cho rằng loại tiểu thuyết này thường thiếu điểm nhìn nghệ thuật cố định, thiếu mạch lạc nhất quán trước sau, cốt truyện có sử dụng nhiều yếu tố ngẫu nhiên, trùng hợp, hiểu lầm, thiếu cơ sở đời sống cho nên không tạo được cảm giác chân thực. Đó là những thiếu sót nghiêm trọng về mặt nghệ thuật” [45, tr. 42]. Giáo sư Trần Đình Sử tán thành quan điểm này “Quả vậy, đây là loại tiểu thuyết có rất nhiều nhược điểm về nghệ thuật”[45, tr. 42].

Không chỉ nêu lên những khuyết điểm của tiểu thuyết tài tử giai nhân, giáo sư Trần Đình Sử cũng ghi nhận những thành tựu của loại tiểu thuyết này: “Tư tưởng chủ đạo của tiểu thuyết tài tử giai nhân là đề cao tài tình…Tách người tài tình khỏi trung, hiếu, tiết, nghĩa để mà thương xót người tài tình, là một bước tiến trên lịch trình nhân đạo hoá văn học, đề cao cá tính, ngợi ca khát vọng hạnh phúc cá nhân” [45, tr. 43].

Đi vào cụ thể hơn, giáo sư Trần Đình Sử nêu lên những quan niệm về người tài tử. Ông chủ yếu dẫn những nhận xét của Thiên Hoa Tàng chủ nhân và những nhà nghiên cứu Trung Quốc: “Tài tử là người có hai con mắt nhìn suốt sáu cõi, một tấm lòng để suốt nghìn thu, khi đặt bút viết thì mưa sa gió táp, khi mở miệng thì tú đoạt sơn xuyên, mỗi khi gặp xuân hoa thu nguyệt thì lâm ly cảm khái” [45, tr. 44].

Nhận xét về nghệ thuật của tiểu thuyết tài tử giai nhân, giáo sư Trần Đình Sử viết: “Tuy vậy, kế thừa truyền thống lớn của tiểu thuyết Trung Quốc từ truyền kỳ đời Đường, tiểu thuyết thế sự Kim Bình Mai, tiểu thuyết anh hùng Tam Quốc diễn nghĩa tiểu thuyết tài tử giai nhân kết hợp được yếu tố “kỳ” và “xảo”, yếu tố mưu mẹo, cơ trí tạo thành tính hấp dẫn, chỉ có yếu tố con người đời thường mới đem lại hai hệ quả mới: tăng cường miêu tả chi tiết cụ thể và chú ý miêu tả tâm lý con người” [45, tr. 45].

Nhận xét chung về tiểu thuyết tài tử giai nhân, giáo sư Trần Đình Sử viết: “Tóm lại, bước tiến của tiểu thuyết tài tử giai nhân là một bước tiến nửa vời. Về mặt nghệ thuật nó

chưa đột phá được giới hạn của tiểu thuyết cũ, về tư tưởng cũng chưa có một quan niệm con người thực sự dân chủ. Chính vì vậy mà nó càng sớm suy thoái và đã bị vượt qua. Nhưng cái đáng chú ý của nó là thoát khỏi cái khung diễn nghĩa lịch sử, hướng về đời thường với những quan hệ người và người trong sinh hoạt, đặc biệt là tình yêu tự do. Điều đó làm cho loại tiểu thuyết này có một ảnh hưởng rộng rãi, đặc biệt ở nước ngoài như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Tiếp đó, giáo sư Trần Đình Sử nêu lên ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân đối với ba nước nói trên, trong đó ông nhấn mạnh ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân đối với văn học Việt Nam là sâu đậm hơn cả: “ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc đối với văn học Việt Nam có thể nói là đậm nét hơn cả.”[45, tr. 49]. Tỉ mỉ hơn nữa, tác giả nêu con số cụ thể bao nhiêu tác phẩm truyện thơ Nôm Việt Nam ảnh hưởng của tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc, tác phẩm mở đầu…, ông còn lí giải tại sao có hiện tượng vay mượn cốt truyện rầm rộ như vậy: “Tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc sở dĩ ảnh hưởng không nhỏ tới văn học Việt Nam, ngoại trừ giải phóng cá tính, tình yêu tự do nói trên, còn bởi nó là một dòng văn học thông tục đại chúng mang lại thị hiếu thị dân” [45, tr. 52].

Kết thúc bài viết, giáo sư Trần Đình Sử nói rõ mục đích bài viết của mình: “Đặt Truyện Kiều trong truyền thống tiểu thuyết tài tử giai nhân không phải để xem nó thuần tuý như một tiểu thuyết tài tử giai nhân…Đặt Truyện Kiều vào dòng tiểu thuyết tài tử giai nhân để dễ dàng nhận thấy rằng: 1. Tiểu thuyết tài tử giai nhân kích thích ở các nhà văn Việt Nam đương thời khát vọng tình yêu lứa đôi, lòng yêu thương những kẻ tài tình, mà thực chất là con người cá nhân trong xã hội phong kiến. 2. Nguyễn Du rõ ràng có khuynh hướng khẳng định con người cá nhân, tình yêu đôi lứa và, hơn nữa, thể hiện cảm hứng quý phái, sang trọng. 3. Nhưng đồng thời không nên đồng nhất Đoạn trường tân thanh với tiểu thuyết tài tử giai nhân, bởi giữa chúng có những điều khác biệt” [45, tr. 53,54].

Như vậy, trước hết, bài viết của giáo sư Trần Đình Sử là một bài viết nằm trong hệ thống nghiên cứu mà giáo sư đang nghiên cứu đó là thi pháp học, bài viết nằm trong hệ thống của Thi pháp Truyện Kiều. Vì vậy, định hướng và mục đích nghiên cứu giữa chúng tôi và giáo sư Trần Đình Sử là không giống nhau. Giáo sư Trần Đình Sử bao quát những vấn đề chung nhất để khẳng định Truyện Kiều chịu ảnh hưởng của không khí tiểu thuyết

tài tử giai nhân và khẳng định có những điểm giống và điểm khác. Nhưng giáo sư vì định hướng nghiên cứu của mình nên chưa chứng minh điểm giống và điểm khác, nguyên nhân dẫn đến sự giống và khác nhau đó.

Thực chất đề tài của chúng tôi là thừa nhận tiểu thuyết tài tử giai nhân là một loại hình tác phẩm và chúng tôi đặt Truyện Kiều vào trong loại hình tác phẩm đó, tìm điểm tương đồng và khác biệt. Tương đồng, tức là Truyện Kiều có dấu ấn của tiểu thuyết tài tử giai nhân. Khác biệt là chệnh ra ngoài loại hình tiểu thuyết tài tử giai nhân. Chúng tôi giải thích cơ chế đó. Tóm lại, góc nhìn của giáo sư Trần Đình Sử là thi pháp học, góc nhìn của chúng tôi là loại hình học, tiến thêm một bước nữa, dùng văn hóa học - nhân học văn hoá để giải thích vấn đề này.

Hai là, bài viết của giáo sư Trần Đình Sử cập nhật những thành tựu nghiên cứu tiểu thuyết tài tử giai nhân Trung Quốc những năm 1987 và 1994 (Xem phần chú thích hai nhận định mà giáo sư Trần Đình Sử trích của hai học giả Trung Quốc là Lư Hữu Cơ. Tiểu thuyết nhân tình lên ngôi, trong sách : Thế giới nghệ thuật thần quái tình hiệp. Trình Nghị Trung soạn, Nxb Trường Đảng cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 1994, tr 221; và Châu Vĩ Dân Bàn về tư tưởng thẩm mỹ của Thiên Hoa Tàng chủ nhân, trong Nghiên cứu lý luận văn học cổ điển tùng san, tr.12, Thượng Hải, 1987,tr. 341). Nhưng chúng tôi cũng xin trích dẫn thêm một số những nhận định mới (2003) về tình hình nghiên cứu tiểu thuyết tài tử giai nhân của các học giả Trung Quốc. Trước hết xin trích dẫn một nhận xét từ góc nhìn tự sự học đánh giá vai trò, vị trí của tiểu thuyết tài tử giai nhân. Từ góc nhìn này ông Bành Long Kiện viết: “Trung Quốc vốn có truyền thống trọng lịch sử. Chính truyền thống trọng lịch sử này làm cho mô thức tự sự văn học Trung Quốc bẩm sinh yếu ớt, đồng thời hình thành quan niệm tự sự từ trước thời tiên Tần “trọng kết quả mà coi thường quá trình”, quan niệm này ảnh hưởng rất lớn đến tự sự học sau này. Tiểu thuyết tài tử giai nhân xuất hiện thời kỳ Minh Thanh với những tình tiết éo le, phức tạp, quanh co vừa thay đổi quan niệm tự sự này, vừa tích cực bổ sung những khuyết điểm bẩm sinh yếu ớt của tự sự học tưởng tượng, chính vai trò này thể hiện ý nghĩa tự sự học phi phàm của tiểu thuyết tài tử giai nhân” [64, tr. 100 - 103]. Nhà nghiên cứu Đổng Nhạn có nhận xét khá ôn hoà và sâu sắc: “Trong lịch sử văn học Trung Quốc, tiểu thuyết tài tử giai

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/03/2024