Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Luật hình sự Việt Nam - Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn tại địa bàn tỉnh Nam Định - 5

- Hành vi lừa dối: Là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật, tự nguyện trao tài sản cho người phạm tội. Trên thực tế hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được hợp thành bởi hai yếu tố:

Thứ nhất, đó là hành vi đưa ra những thông tin gian dối. Hành vi này thể hiện là hành động có chủ đích của người phạm tội. Hành vi này có thể được thực hiện bằng lời nói, hành động hoặc những biểu hiện khác nhằm cung cấp những thông tin sai lệch về sự việc như nói có thành không, ít thành nhiều, xấu thành tốt, giả thành thật...

Thứ hai, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản đã nhầm lẫn, tin tưởng vào những thông tin không đúng sự thật ấy mà trao tài sản cho người phạm tội. Khi giao tài sản, chủ tài sản không biết mình bị lừa dối. Họ có thể phát hiện ra ngay sau khi trao tài sản nhưng bản chất của hành vi chiếm đoạt vẫn dựa trên thủ đoạn lừa dối thì vẫn xử lý về tội này. Cũng cần lưu ý thêm rằng, nếu ngay sau khi trao tài sản, người quản lý tài sản phát hiện và đã thực hiện một số hành động để bắt giữ mà người phạm tội lại sử dụng các thủ đoạn khác (như dùng vũ lực) để chiếm đoạt tài sản cho bằng được thì sẽ xử lý về tội phạm khác. Đây là trường hợp mà khoa học luật hình sự Việt Nam thường gọi là các trường hợp chuyển hóa từ một số tội có tính chất chiếm đoạt sang tội cướp tài sản.

Ví dụ: Lê Văn K 35 tuổi là đối tượng nghiện ma túy có quen biết với cháu Phạm Đình P 16 tuổi ở cùng khu phố. Do có ý định muốn chiếm đoạt chiếc xe đạp điện của cháu P để lấy tiền sử dụng ma túy nên vào chiều ngày 10/4/2012 chờ lúc cháu P đi học về K đón ở đầu đường xin đi nhờ xe, thấy K là người quen nên P cho K đi nhờ. Khi đi đến ngõ 102 Trần Đăng Ninh - Thành phố Nam Định K nói dối P là đứng ngoài chờ để K mượn xe đi vào nhà người quen trong ngõ có việc và hẹn 10 phút quay ra, P tin tưởng nên đã

cho K mượn xe. Mượn được xe K đi vào ngõ 102 rồi vòng ra ngõ 103 đến hiệu cầm đồ Tuấn A đặt vấn đề cầm cố chiếc xe đạp điện nhưng anh C là chủ hiệu nghi ngờ là xe trộm cắp nên không cầm, K lại đi tìm hiệu cầm đồ khác. Quá 30 phút không thấy K quay lại nên P đi tìm nhưng không thấy nên biết mình bị K lừa, P điện thoại cho người nhà đến đón và chở đi tìm K. Khi đi đến đường Lương Thế Vinh - Thành phố Nam Định P nhìn thấy K đang đi chiếc xe của mình nên nhẩy xuống giữ lại và hô mọi người bắt giữ. Thấy vậy K giật tay P ra nhưng không được, K tiếp tục dùng chân đạp mạnh vào bụng P làm P ngã ra đường, K nhảy lên xe chạy vào trong ngõ. Sau đó K bị quần chúng nhân dân bắt giữ. Như vậy hành vi của K đã chuyển hóa từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang cướp tài sản.

Trong trường hợp người phạm tội có hành vi gian dối nhưng chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không bị nhầm lẫn, không tự nguyện trao tài sản, mà người phạm tội phải dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để chiếm đoạt tài sản thì không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà sẽ cấu thành tội chiếm đoạt có hành vi tương ứng. Nếu chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không bị nhầm lẫn, không tự nguyện trao tài sản và người phạm tội cũng không có hành động chiếm đoạt nào khác thì có thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt [1,tr. 271].

Xét về mặt khách quan hành vi gian dối là hành vi đưa ra những thông tin giả. Về mặt chủ quan, người phạm tội biết đó là thông tin giả nhưng mong muốn người khác tin đó là sự thật. Thủ đoạn để thực hiện rất đa dạng có thể qua lời nói, sử dụng giấy tờ giả, hoặc qua những việc làm cụ thể… Những thủ đoạn thể hiện hành vi này không có ý nghĩa về mặt định tội, bởi đã là hành vi gian dối thì dù được thực hiện bằng thủ đoạn nào cũng đều có thể là hành vi

phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên việc xem xét hình thức thực hiện có giá trị trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm này.

Cần lưu ý, thủ đoạn gian dối không phải chỉ có ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà còn được quy định ở một số tội phạm, điều khác biệt ở đây là hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện là nhằm chiếm đoạt tài sản, còn những hành vi lừa dối không hướng tới việc chiếm đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác, dù mục đích này có tính tư lợi cũng không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ: hành vi gian dối khi cân, đo, đong, đếm… cấu thành tội lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 162 Bộ luật hình sự

- Hành vi chiếm đoạt: là hành vi cố ý dịch chuyển một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình.Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được coi là hoàn thành khi có hậu quả xảy ra, kẻ phạm tội chiếm đoạt được tài sản. Hành vi chiếm đoạt trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hai hình thức cụ thể:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 108 trang tài liệu này.

Thứ nhất: Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên bị lừa dối đã giao nhầm tài sản. Khi nhận được tài sản cũng là lúc người phạm tội lừa đảo đã làm chủ được tài sản đó trên thực tế và đó cũng là lúc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được coi là hoàn thành.

Ví dụ: Hàng năm chợ Viềng Xuân ở Nam Định họp từ ngày mồng 7 đến hết ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch. Vào đêm ngày mồng 7 tháng giêng năm 2012 âm lịch, Trần Văn A thấy có những bãi giữ xe tự phát mở ra ở gần khu vực chợ, ánh sáng tại chỗ soát vé không được sáng rõ, nên A nghĩ cách làm vé xe giả để lấy xe trong bãi giữ xe do Vũ Quang C quản lý. A đã quan sát kỹ đặc điểm vé xe của C giao cho khách và làm vé xe giả số 11 gần giống với vé thật. Sau đó A mang theo một cục phấn trắng đi vào bãi gửi xe, đến

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Luật hình sự Việt Nam - Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn tại địa bàn tỉnh Nam Định - 5

cuối bãi xe A xóa số ghi ở yên chiếc xe Dream và viết số 11 vào rồi dắt chiếc xe này ra ngoài và đưa chiếc vé giả cho C, C không biết đó là vé giả nên cho A dắt xe ra bình thường. Lấy được xe A mang đi bán được 3.000.000đ ăn tiêu. Khi có khách đến lấy xe, C kiểm tra lại mới biết bị A dùng vé giả lừa lấy xe. Như vậy A đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi chiếm đoạt tài sản hoàn thành từ khi A dắt xe ra khỏi bãi gửi xe.

Thứ hai: Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng nhẽ phải giao cho người bị lừa dối vì đã tin vào thông tin của người phạm tội nên người bị lừa dối đã nhận nhầm tài sản hoặc không nhận. Khi người bị lừa dối nhận nhầm hoặc không nhận tài sản cũng là lúc người phạm tội lừa đảo đã làm chủ được tài sản bị chiếm đoạt và người bị lừa dối đã mất tài sản đó và đó cũng là thời điểm hoàn thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: Lê Quốc N là chủ cửa hàng buôn bán đồ gỗ ở Nam Định, N thường xuyên thuê Hoàng Đình H lái xe chở hàng cho khách. Ngày 12/2/ 2012 Q là khách mua hàng nhờ H chuyển cho chị T (là vợ N) 35 triệu đồng tiền hàng, lúc giao nhận tiền giữa H và T, H đã dùng thủ đoạn gian dối khiến T tưởng mình đã nhận đủ 35 triệu đồng và đã ký vào giấy nhận tiền rồi đi về. Khi về nhà T kiểm tra lại tiền thì thấy thiếu 10 triệu đồng và số tiền mà T nhận từ H chỉ có 25 triệu đồng. Như vậy H đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi giữ lại số tiền 10 triệu đồng đáng lẽ phải giao cho T.

Hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi gian dối tạo điều kiện cho hành vi chiếm đoạt được thực hiện một cách công khai, dễ dàng. Trong thực

tế có những biểu hiện gian dối nhằm mục đích khác không phải là hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước, sau đó mới diễn ra việc bàn giao tài sản giữa người bị hại và người phạm tội, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phaỉ là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà tùy từng trường hợp cụ thể thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thông thường hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra kế tiếp ngay sau hành vi gian dối, nhưng cũng có trường hợp giữa hai hành vi này lại có khoảng cách nhất định về thời gian. Ở đây cần chú ý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ coi là hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt xảy ra.

Như vậy hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tương tự với hành vi khách quan của nhiều tội khác. Vì vậy để định tội danh chính xác phải đặt hành vi khách quan trong mối liên hệ với các yếu tố khác, nghiên cứu một cách toàn diện các yếu tố của cấu thành tội phạm [10].

* Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm là thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự. Thiệt hại gây ra cho khách thể được thể hiện thông qua sự biến đổi tình trạng bình thường của các bộ phận cấu thành quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có cấu thành vật chất, nghĩa là trong cấu thành tội phạm có phản ánh dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, vì có những trường hợp hậu quả chưa xảy ra vẫn có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ví dụ như trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Hậu quả của tội phạm được phản ánh trong cấu thành tội phạm thông qua thiệt hại về tài sản mà cụ

thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt, chính vì vậy việc xác định tài sản là đối tượng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc, đây là dấu hiệu định lượng để xác định cấu thành cơ bản hoặc cấu thành định khung tăng nặng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong cấu thành tội phạm cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định ở Khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt ở mức 2 triệu đồng là mức nguy hiểm đáng kể làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên luôn cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng thì phải kèm theo là gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà vi phạm mới cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp nào chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như việc áp dụng đúng khung hình phạt. Do đó cần lưu ý một số điểm sau đây trong việc xác định giá trị tài sản đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Giá trị tài sản bị chiếm đoạt được xác định căn cứ vào kết luận của Hội đồng định giá do cơ quan tố tụng tiến hành kết luận về giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm không còn nữa, cơ quan điều tra cần lấy lời khai của những người biết về tài sản này để xác định đó là tài sản gì, nhãn mác của tài sản đó, giá trị tài sản đó theo thời giá vào thời điểm tài sản bị xâm phạm, tài sản đó còn bao nhiêu phần trăm giá trị sử dụng… để có kết luận cuối cùng về giá trị tài sản bị xâm phạm.

Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm. Nếu người phạm tội có ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng không quan tâm đến giá trị của tài sản bị chiếm đoạt thì căn cứ vào giá trị thực của tài sản bị xâm phạm để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự như: gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án nhưng chưa xóa án tích…, đồng thời trong các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính. Nếu tổng giá trị tài sản của các lần chiếm đoạt bằng hoặc trên mức 2 triệu đồng thì người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu: (i) Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian; (ii) Việc thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản chiếm đoạt được làm nguồn sống chính và (iii) Với mục đích chiếm đoạt, nhưng do điều kiện khách quan nên việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị chiếm đoạt mỗi lần dưới 2 triệu đồng.

Ngoài hậu quả là giá trị tài sản bị chiếm đoạt là dấu hiệu định tội được phân tích ở trên thì thức tế hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn gây hậu quả nguy hiểm khác, đó là những thiệt hại về tài sản, về thể chất hoặc những hậu quả phi vật chất khác diễn ra ở những cấp độ khác nhau thể hiện

mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những hậu qủa này thường phát sinh do việc tài sản bị chiếm đoạt (có mối quan hệ nhân quả giữa việc tài sản bị chiếm đoạt và hậu quả). Do đó việc xác định hậu quả là thiệt hại về tài sản thì phải xảy ra ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Hậu quả phi vật chất ở đây được biểu hiện là những ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Những hậu quả phát sinh này, tùy từng vụ án, tình hình cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng xác định đã gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự hay để làm căn cứ quyết định hình phạt theo Điểm g Khoản 2, Điểm b Khoản 3 và 4 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

* Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm

Việc định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ xác định hậu quả là giá trị tài sản bị chiếm đoạt mà còn đòi hỏi làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi lừa đảo với hậu quả đó. Vì con người chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả nguy hiểm cho xã hội khi hậu quả đó do chính hành vi của mình gây ra. Mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và hậu qủa tội phạm được biểu hiện như sau:

- Hành vi gian dối phải diễn ra trước hành vi chiếm đoạt

- Hành vi gian dối là cơ sở chủ yếu để quyết định việc chiếm đoạt được tài sản của người phạm tội.

Vì vậy việc chiếm đoạt được tài sản của người phạm tội có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm khác cho xã hội nên việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả trên không chỉ có ý nghĩa về mặt định tội mà còn có ý nghĩa trong quyết định hình phạt.

Xem tất cả 108 trang.

Ngày đăng: 12/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí