Hệ Thống Công Trình Phòng Thủ Vùng Biển Miền Trung

chỗ hiểm yếu đáng cậy được. Bình Định địa thế hơi mạnh nhưng lại chật hẹp; Quảng Nam non nước cũng tốt, nhưng lại lệch xiêu; cả đến Quảng Bình, Thanh Hoa đều không phải là chỗ đóng Kinh đô được. Tóm lại không đâu bằng Phú Xuân, đất cát cao sáng, núi sông yên lặng; đường thuỷ thì có Thuận An, Tư Dung là nơi hiểm yếu, đường bộ thì có Quảng Bình, Hải Vân, ngăn che, sông lớn quanh quất ở đằng trước, đèo cao giữ ở bên hữu, rồng lượn hổ ngồi, thế khoẻ hình mạnh. Đó là trời đất đặt ra để làm chỗ cho Liệt thánh ta đóng đô mà để lại cho con cháu đến ức muôn năm mãi mãi. Hoặc có kẻ nói Kinh sư đất nhiều đá sỏi người ta thường xem là nơi củi quế gạo châu. Nhưng giáp biển dựa núi, các thứ cá các thứ gỗ, dùng không thể hết, vốn các trấn không so sánh được; huống chi đô thành ở đấy, thấm nhuần đức trạch đã lâu. Trẫm lại tha thuế giảm thuế cho Kinh kỳ trước nhất, đời sống của dân há chẳng thừa thãi hay sao? Đó thực là nơi Kinh đô tốt nhất của đế vương, muôn đời không thể đổi được vậy" [151: 759]. Có thể nói trong con mắt vua Nguyễn, Phú Xuân – Huế hội đủ các yếu tố về địa chính trị - quân sự để định đô. Với phát biểu ngắn gọn trên cho thấy vị thế chiến lược của vùng Kinh đô, là nơi hội tụ yếu tố của núi rừng và biển đảo mà các tỉnh khác không thể so sánh. Về khía cạnh địa lý, Phú Xuân là trung tâm của đất nước thống nhất, rộng lớn nhất. Về quân sự, có núi, có biển, có cửa sông sâu hiểm hỗ trợ. Xa hơn về phía bắc có Hoành Sơn che chắn, nhìn xuống phía nam có núi Hải Vân sẵn sàng chặn ngăn quân thù. Việc định đô là đã đạt cùng lúc cả các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

Từ việc định đô nói trên đã quyết định đến yếu tố chia đặt hành chính, quân sự của triều Nguyễn. Ban đầu, vua Nguyễn đã đặt các đơn vị hành chính là dinh. Kinh đô là chính dinh (Quảng Đức) trong Ngũ Quảng. Vùng phụ cận gồm Quảng Bình, Quảng Trị ở phía bắc và Quảng Nam, Quảng Ngãi ở phía nam. Về sau, năm 1808, Gia Long lại đổi Dinh thành Trấn. Dưới thời Minh Mạng, với cuộc cải cách nổi tiếng của mình, các tỉnh miền Trung được vua Minh Mạng chia đặt lại theo trật tự ưu tiên chặt chẽ hơn. Kinh đô đứng giữa, vùng bảo vệ trực tiếp cho Kinh đô là các tỉnh Tả trực (Quảng Nam, Quảng Ngãi) và Hữu trực (Quảng Trị, Quảng Bình). Xa hơn là các tỉnh Tả kỳ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận) và Hữu kỳ (gồm Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa). Như thế yếu tố quân sự - an ninh đã được

thể hiện rõ ở mức độ viễn – cận của các tỉnh. Công việc còn lại là tổ chức bố phòng trước nhu cầu bảo vệ và thách thức từ bên ngoài.

Nếu đất là chỗ đứng chân truyền thống của cha ông thì biển là chỗ đất nối dài, có vị thế đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mới, khi phương Tây thăm dò ngày càng ráo riết qua đường biển. Phương Tây là một thách thức phi truyền thống đến từ phía biển với thuyền chiến và đại bác, khác hẳn mối đe dọa biên giới trước đó đến từ đất liền. Cái nhìn chiến lược “phòng thủ từ xa” của các vua Nguyễn về miền Trung thể hiện rõ tầm quan trọng của vùng đất này bởi ở đây không chỉ có đất liền mà còn có vùng biển đảo vô cùng quan trọng. Từ những lý do về an ninh - quốc phòng khiến các cửa biển được xem là quan trọng, xung yếu của vùng biển miền Trung được các vua Nguyễn chú tâm phòng thủ. Vua tôi dưới thời Minh Mạng xác định rằng: “Địa lý nước ta, lấy biển làm dải áo, lấy núi làm vạt áo, địa thế trọng yếu và hiểm trở” [152: 204]. Vua Thiệu Trị cũng dụ rằng: “Cương giới về hải phận của bản triều rộng, dài, những chỗ xung yếu ở nơi ven biển đều đặt pháo đài để nghiêm việc phòng giữ” [154: 170].

Việc dụng biển làm một trong những chỗ dựa trong an ninh quốc phòng có thể xem là tư duy rất mới của triều Nguyễn. Các vua đầu triều Nguyễn đương thời đều thân hành xem xét các cửa biển, đặc biệt là cửa Thuận An và Đà Nẵng và có những đánh giá rất cao về vị thế chiến lược của các cửa biển này bởi nó là cửa ngõ của Kinh đô, là “nơi thiết yếu ở vùng bể, ở ngay kế nách Kinh đô” [65: 265]. Năm 1830, Minh Mạng xem pháo đài Trấn Hải và đánh giá: “thật là thành bằng đồng và hào chứa nước sôi của Kinh sư vậy" [65: 240-241]. Minh Mạng từng có lời dụ bảo bộ Binh về việc quan tâm phòng bị Kinh đô từ vùng biển: "Trị nước phải biết lo xa. Trẫm từ khi thân chính đến nay lo sách lược xây dựng Nhà nước lâu dài, sửa đắp trường thành ở Quảng Bình, xây cửa hùng quan ở Hải Vân; những nơi xung yếu dọc biển như Thuận An, Tư Dung, chỗ nào cũng lập pháo đài; nhân chỗ hiểm trở của núi sông để mạnh thêm sự bảo vệ đất nước" [150: 758]. Tư tưởng đó được tiếp tục được truyền dẫn cho các vua kế nghiệp là Thiệu Trị, Tự Đức luôn quan tâm đến bảo vệ vùng biển.

Riêng đối với Đà Nẵng “là chỗ địa đầu quan yếu” nên rất được triều Nguyễn quan tâm và đây cũng là cửa biển duy nhất dùng đón các tàu phương Tây. Vua

Minh Mạng từng nhấn mạnh vị thế quân sự của Đà Nẵng: “Nay trẫm chế tạo tàu đồng là muốn giữ những chỗ yếu hại ven biển, làm xưởng chứa sẵn đấy, để lúc có việc dùng đến. Vả lại chỗ yếu lại không đâu bằng vụng Trà Sơn. Tàu ngoại quốc đến chỉ có thể đỗ ở đấy, mà chướng khí rất dữ, giếng độc hơn 10 cái. Trước có tàu Tây dương tránh gió đến đấy, cuối cùng bị nước độc làm hại, do đấy mà nói rằng người ngoại quốc dù có muốn dòm ngó cũng không sao làm được. Hơn nữa do đó ta lại giữ được chỗ hiểm để có thể vận dụng tàu thuyền kia mà" [150: 760]. Khi Pháp xin vào neo đậu tại đây, vua Nguyễn khẳng định cửa biển Ngũ Hành Sơn là địa phận cấm, phàm quan dân nếu không có việc gì hệ trọng thì không được phép đến đó du ngoạn, huống gì là người ngoại quốc. Nên, căn cứ theo pháp luật, quan địa phương bác bỏ việc cho phép bọn ngoại quốc đỗ thuyền ở cửa Ngũ Hành Sơn. Năm 1840, khi cử Nguyễn Tri Phương vào giữ chức Tuần phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi vua Minh Mạng nói về việc phòng giữ cửa biển là để “bọn giặc dù muốn dòm nom cũng không thể thừa được sơ hở của ta. Đó là kế hoạch lớn, ràng rịt cửa tổ ngay từ lúc chưa mưa, để giữ vững bờ cõi của mình” [65: 275]. Ngày 04 tháng 03 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), sau sự kiện tàu Pháp tới gây sự tại Đà Nẵng, vua Thiệu Trị đã có thánh dụ khẳng định vị thế quan yếu tại đây: “đất Đà Nẵng có vị thế đặc biệt quan trọng, lại thống lĩnh toàn hạt, có sông rộng, núi cao lớn, hùng vĩ, biển cả mênh mông, nay cử Tổng đốc Bố chính Lãnh binh là Hữu Quân Đô thống phủ Đô thống Tân Lộc hầu Mai Công Ngôn trấn giữ, để khống chế tình hình” [53: tập 112].

Xa hơn nữa về phía nam là cửa Thi Nại [Thị Nại], thuộc tỉnh Bình Định, một trong những cửa quan trọng cũng được quan tâm. Vua Nguyễn cũng đánh giá cao cửa biển này: “cửa bể Thi Nại nước sâu, núi cao, thuyền bè đi lại nhiều khi có đậu ở đấy, cũng là nơi xung yếu, nên công việc phòng bị tất phải chỉnh đốn” [114: 670]. Đánh giá là thế nhưng, xét về mức độ ưu tiên thì cửa Thi Nại không thể sánh với Thuận An và Đà Nẵng trong công cuộc phòng bị bởi đến thời Minh Mạng mới xây dựng các công trình phòng thủ tại đây.

Như thế, ngoài Kinh đô thì cửa biển miền Trung được đánh giá đặc biệt quan trọng trong phòng thủ là Thuận An và Đà Nẵng, đó là những chỗ hiểm yếu, một là cửa ngõ Kinh đô, một là vụng cảng có lợi thế quân sự, không quá gần và cũng không quá xa Kinh đô. Đó cũng là lý do nhà Nguyễn tập trung xây dựng hệ thống

các công trình phòng thủ gồm thành, đồn, pháo đài và các công trình phụ trợ cùng lực lượng bố phòng hùng hậu với nhiều quân lính, thuyền chiến tại đây. Đó là những giải pháp cụ thể từ ý thức phòng thủ, là “đạo giữ nước”: “Lúc yên đừng quên lúc nguy" [149: 811], “việc binh có thể 100 năm không dùng đến, nhưng không thể một ngày không phòng bị” [114: 406].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

Đối với các đảo và quần đảo chiến lược các vua Nguyễn đã có chính sách đặc biệt thể hiện cái nhìn đúng đắn. Đó là các hoạt động kế tiếp truyền thống của cha ông, được tạo lập từ thời các chúa Nguyễn, qua thời Tây Sơn và được tiếp tục vào thời Nguyễn. Đảo và quần đảo trên Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với đất nước, đặc biệt, tại các tỉnh miền Trung, có nhiều đảo gần bờ và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có vị trí rất quan trọng, án ngữ trên con đường hàng hải quốc tế. Ngay từ đầu triều Nguyễn, liên tiếp trong các năm 1803, 1813, 1815, 1816, vua Gia Long đều lệnh cho đội Hoàng Sa đo vẽ, thăm dò đường biển, hải đảo. Mỗi khi sai đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ thì trong đó có nhiệm vụ quan trọng “thăm dò đường biển” và vẽ bản đồ. Dưới thời vua Minh Mạng, cũng là thời thịnh trị của nhà Nguyễn, ông rất quan tâm đến hải cương vùng biển. Liên tiếp trong các năm từ 1834 đến 1838, Minh Mạng nhiều lần sai phái thủy quân, biền binh và nhân dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định nhân mùa thuận gió liền ra biển để thăm dò, đo vẽ bản đồ, cắm mốc, trồng cây để dễ nhận biết các đảo. Năm 1835, vua cho dựng đền thờ thần tại đây. Vào thời Thiệu Trị việc vãng thám vẫn được tiếp tục, nhưng vào giai đoạn sau, từ năm 1845, vì "công vụ bận rộn" nên việc vãng thám luôn phải đình hoãn. Triều Nguyễn đã nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của quần đảo chiến lược Hoàng Sa, Trường Sa nên đã kế thừa và nâng tầm quản lý lên tầm quốc gia. Hàng năm nhà Nguyễn đều cử thủy binh, dân binh, dân phu tới để thực thi nhiệm vụ tại đây, thể hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo quan trọng này.

Đảm bảo an ninh trên biển là nhiệm vụ thường xuyên của thủy quân. Dưới triều Nguyễn mối đe dọa an ninh thường xuyên là cướp biển. Tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh biển đồng nghĩa với việc thực thi chủ quyền và bảo vệ vận tải công, bảo vệ thuyền buôn, thuyền đánh cá. Chính sách đảm bảo an ninh trên biển được thực thiện thường xuyên, xuyên suốt và có thể nói triều Nguyễn đã có nhiều nỗ lực trong việc giữ yên vùng biển. Hàng năm vào mùa vận tải, từ tháng 3 đến

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 6


37

tháng 7 âm lịch, thủy quân ở Kinh được phái đi theo hai đoàn Nam, Bắc để tuần tiễu, tập trung nhiều ở các vùng có hải tặc đe dọa để bảo vệ vận tải và hàng hải. Thủy vệ các tỉnh có hải phận cũng ra biển theo địa phận của mình tuần tra. Điều đó đã trở thành thông lệ. Bên cạnh đó, thuyền vận tải không chỉ làm nhiệm vụ trực tiếp mà cao hơn, như ý nghĩa sâu xa được vua Minh Mạng khẳng định là nhân đó làm quen đường biển, phòng vệ lâu dài. “Trẫm sở dĩ để ý đến việc thuyền là muốn cho quan tỉnh của ta tập quen đường thuỷ để phòng về lâu dài, không phải chỉ chuyên về việc vận lương hằng năm mà thôi” [153: 509]. Hay Tự Đức cùng các đình thần khẳng định: “Các thuyền vận tải đường biển, một là để làm việc chuyên chở, một là để diễn tập việc binh, vẫn theo như cũ cho được tiện cả hai việc” [155: 266].

Để thông hiểu vùng biển và nắm rõ hải giới, triều Nguyễn thường xuyên tổ chức thăm dò, đo vẽ cửa biển, đường biển. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cửa biển, do quan Tấn thủ, Thủ ngự chỉ huy, mỗi năm hai lần vào mùa Xuân và mùa Đông thì dâng bản đồ lên triều đình. Tài liệu từ Thực lục cho biết từ đầu triều Nguyễn, Gia Long đã rất quan tâm đến công việc quan trọng này. Tháng 6. 1817, Gia Long sai làm sách Duyên hải lục, 143 cửa biển trong nước từ Quảng Yên tới Hà Tiên mực nước khi triều lên triều xuống sâu nông thế nào, dặm đường xa gần bao nhiêu đều được chép rõ [152: 951]. Dưới thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, công việc thăm dò, do vẽ bản đồ đường biển được tiếp tục, trong đó được chú trọng nhiều hơn ở thời Minh Mạng. Việc khẳng định cương giới, quản lý lãnh thổ đảm bảo chủ quyền của đất nước được khẳng định rõ trong lời chuẩn tâu năm Minh Mạng thứ 8 (1827): “tư cho 2 tỉnh Quảng (Quảng Yên của Việt Nam và Quảng Đông- Trung Quốc) nghiêm cấm hộ đánh cá ven biển phàm ra biển bắt cá, không được vượt quá biên giới”. Những trường hợp vì ham lợi mà chần chừa không rút lui thì kiên quyết đuổi ra khỏi hải cương [113: 466, 470]. Như vậy việc tổ chức đo vẽ bản đồ đường biển rất được các vua đầu triều Nguyễn quan tâm, nhất là dưới thời Minh Mạng. Tấm bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ vẽ thời Minh Mạng cho biết diện mạo khá hoàn chỉnh của cương vực, lãnh thổ Việt Nam. Các cửa sông, cửa biển, tấn sở được ghi chép đầy đủ điều đó cho thấy kết quả làm việc nghiêm túc qua nhiều năm. Điều đặc biệt là trong bản đồ trên đã phân biệt rõ quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa trên Biển Đông [PL 14]. Trong điều kiện hạn chế về kỹ thuật lúc

bấy giờ, việc xây dựng được Đại Nam nhất thống toàn đồ có thể xem là một thành công lớn, góp phần vào việc quản lý cương giới lãnh thổ quốc gia. Để tổng hợp những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm đi biển được đúc rút từ những năm trước, tháng 12 năm 1839, vua Minh Mạng còn dụ bộ Công làm sách Hải trình tập nghiệm chia làm 4 mục: 1 là phong vũ tổng chiêm, 2 là hành thuyền tỵ kỵ, 3 là tạo thuyền tỵ kỵ, 4 là vãng sự tập nghiệm. Đây là cẩm nang cho những người đi biển. Hải trình tập nghiệm cùng với các bản đồ phận biển, cửa biển được sao lục được chia giao cho các Thuỷ sư trong Kinh và tỉnh ngoài mỗi nơi một bản để học tập, ứng dụng [153: 84-85, 381, 429-432].

* Tiểu kết chương 1

Cơ sở cho việc triều nguyễn tổ chức phòng thủ vùng biển miền Trung có sự kết thừa từ truyền thống hướng biển từ các triều đại trước đặc biệt là việc quản lý, khai thác tại Hoàng Sa, Trường Sa. Vào đầu thế kỷ XIX, trước âm mưu xâm lược từ tư bản phương Tây, triều Nguyễn đã phải thực thi nhiều chính sách vừa đối phó với thế lực bên ngoài và xây dựng đất nước bên trong. Các vua từ Gia Long tới Tự Đức đều phải chăm lo xây dựng và củng cố chính quyền, phát triển kinh tế xã hội lại phải đặc biệt quan tâm đến an ninh quốc phòng, bảo vệ đất nước. Nghiên cứu về cái nhìn hướng biển của các vua Nguyễn, chúng tôi nhận thấy quan điểm về biển của các vua đầu triều Nguyễn không chỉ thể hiện sâu sắc qua những phát biểu trong các buổi nghị sự, những chỉ dụ mà còn được thể hiện qua những đánh giá xác thực về tầm quan trọng của biển cả. Cái nhìn về an ninh quốc phòng vùng biển miền Trung còn được thể hiện qua việc xây dựng hệ thống phòng thủ, phát triển thủy quân hay tổ chức thực thi chủ quyền trên vùng biển đảo... Tất cả những điều đó là cơ sở để vua Nguyễn thực thi một số biện pháp trong tổ chức phòng thủ vùng biển miền Trung, vừa bảo vệ vùng biển, vừa trực tiếp bảo vệ cho Kinh đô của mình.

CHƯƠNG 2

TỔ CHỨC PHÒNG THỦ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802-1885


Ý thức về mối đe dọa từ bên ngoài, các vua đầu triều Nguyễn đã thực thi các biện pháp phòng thủ vùng biển mà trực tiếp là hệ thống các công trình phòng thủ hải cảng quan trọng, trong đó đặc biệt chú trọng đến cửa Thuận An và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, để tổ chức phòng thủ hiệu quả, triều Nguyễn đã từng bước xây dựng và hoàn thiện thủy quân – lực lượng chủ yếu trong công tác bảo vệ biển. Xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển và xây dựng, trang bị thủy quân để vừa ứng trực, vừa tuần tra mặt biển là những nội dung chính trong việc tổ chức phòng thủ vùng biển miền Trung.

2.1. HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG

Ngoài hai cửa biển được quan tâm xây dựng nhiều công trình phòng thủ với lực lượng mạnh là Thuận An và Đà Nẵng (thuộc Quảng Nam) thì ở các tỉnh ven biển khác đều có tổ chức phòng thủ với mức độ khác nhau. Theo sự sắp xếp của nhà Nguyễn, mức độ ưu tiên trong bố phòng được sắp xếp như sau: Kinh sư (phủ Thừa Thiên), Tả trực (Quảng Nam, Quảng Ngãi), Hữu trực (Quảng Trị, Quảng Bình), Tả kỳ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận) và Hữu kỳ (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa). Để tiện theo dõi, dưới đây tác giả sẽ trình bày lần lượt theo sự sắp xếp dưới triều Nguyễn, riêng hệ thống phòng thủ tại cửa biển Đà Nẵng (thuộc Quảng Nam lúc bấy giờ) có vị trí đặc biệt nên chúng tôi xếp riêng.

2.1.1. Hệ thống các công trình phòng thủ vùng biển tại Kinh sư

2.1.1.1. Hệ thống các công trình phòng thủ vùng biển tại Thuận An

Thừa Thiên là đất đóng đô của triều Nguyễn, có nhiều cửa biển quan trọng, trong đó Thuận An là “cửa ngõ” từ phía biển. Nguyên cửa Thuận An xuất hiện dưới thời nhà Hồ với tên gọi là cửa Eo. Trong Ô Châu cận lục giữa thế kỷ XVI, chép là Nhuyến Hải. Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư vẽ vào cuối thế kỷ XVII ghi là Yêu Hải Môn. Tập bản đồ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ do Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774- 1775 ghi là cửa Noãn Hải và Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục chép là Nại Hải. Năm 1813, Gia Long cho đổi thành Thuận An. Cửa Thuận An nằm giữa giáp Hạ của làng Thái Dương Hạ và làng Hòa Duân. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết,

cửa Thuận An "ở phía Đông huyện Hương Trà, cửa lạch rộng 63 trượng, thủy triều lên sâu 8 thước 5 tấc (1 trượng = 4m, 1 thước = 40cm). Thủy triều xuống sâu 7 thước, trước gọi là cửa Noãn, lại gọi là cửa Eo, năm Gia Long thứ 13 cho tên hiện nay" [141: 174]. Một tấm bia mang tên Thuận An tấn ký được khắc, dựng tại cửa Thuận An đề ngày 29.6.1872, có ghi những nội dung liên quan đến lịch sử và quá trình bố phòng cửa biển quan trọng này [70].

Sở dĩ Thuận An được xây dựng hệ thống bố phòng chu đáo bởi đây cửa biển của Kinh đô Huế, chỉ cách trung tâm đầu não của nhà Nguyễn chừng 13km nên có thể xem là yếu tố liên hệ trực tiếp đến an ninh của chính quyền và của quốc gia. Bên cạnh cửa Thuận An, nhà Nguyễn còn xây dựng hệ thống phòng thủ ở các cửa biển khác để bổ trợ. Khi xác định đặt Kinh đô tại Phú Xuân, vua Gia Long đã khẳng định “Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền nam miền bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng; đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm; đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân chặn ngăn” [141: 13]. Có thể nói dưới con mắt của các vua Nguyễn, Phú Xuân – Huế hội đủ các yếu tố về địa chính trị - quân sự để định đô. Chính vì thế, suốt một dải bờ biển từ cửa Thuận An trở về Nam tới núi Hải Vân, nhà Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống phòng thủ liên hoàn nhằm bảo vệ trực tiếp cho Kinh đô.

Các cửa biển phủ Thừa Thiên quan trọng nhất là Thuận An được Gia Long xác định đây là cửa biển “trọng yếu của hải cương”. Chính nơi đây, năm 1801, đoàn quân của Nguyễn Ánh sau khi đánh vào cửa Tư Hiền đã chuyển hướng tấn công quân Tây Sơn từ cửa biển này, mở đường tiến thẳng lên Phú Xuân. Các vua Nguyễn là những người hiểu hơn ai hết việc phải phòng bị cửa biển Kinh đô, điều đó không chỉ thể hiện qua các lời dụ mà còn được thể hiện rõ bằng hệ thống bố phòng, càng về sau càng được tăng cường mạnh hơn.

+ Tấn Thuận An

Tấn Thuận An là nơi chỉ huy các công việc phòng thủ tại Thuận An. Tấn ở phía đông huyện Hương Trà, đầu đời Gia Long lập thủ sở, đặt một chức thủ ngự và một chức tấn thủ, có 3 đội lính lệ đi tuần phòng ngoài biển và hộ tống thuyền quan ra vào. Năm Minh Mạng thứ 15, dựng vọng lâu ở tấn sở, cấp cho thiên lý kính để xem tàu thuyền ngoài biển; năm thứ 17, đúc cửu đỉnh, khắc tượng vào Nghị Đỉnh” [141: 156].

Xem tất cả 235 trang.

Ngày đăng: 05/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí