Hệ Thống Các Công Trình Phòng Thủ Vùng Biển Các Tỉnh Khác

Tây dương hay qua mặt biển, mà hoặc đi vào vũng Trà Sơn (Trà Sơn, Sơn Chà đều chỉ Sơn Trà, Đà Nẵng –tg) lạm cắm neo thì viên lãnh binh và tấn thủ chuyên coi hai thành ấy, lập tức phải xem xét hình dạng thuyền ấy là thuyền binh hay thuyền buôn. Một mặt đem qua tình hình chạy ngựa tâu trước, một mặt phái người đến xét hỏi. Như quả là thuyền binh, không có sự trạng quan ngại gì thì chỉ đưa tàu theo lệ tối khẩn thôi [114, 664]. Cho đến năm 1839, đánh giá về sự bố phòng ở Đà Nẵng Minh Mạng đã có vẻ bằng lòng: “tấn Đà Nẵng là nơi quan trọng ở miền bờ biển, nguyên đặt hai thành An Hải, Điện Hải, việc phòng bị đủ nghiêm” [114: 665].

2.1.3. Hệ thống các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh khác

2.1.3.1. Hệ thống các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Tả trực

- Tỉnh Quảng Nam

Tỉnh Quảng Nam, như đã trình bày ngoài cửa biển quan trọng bậc nhất là Đà Nẵng được bố phòng chu đáo, còn có các tấn biển khác là Đại Chiêm và Đại Áp.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết tấn Đại Chiêm (tức Cửa Đại, Hội An ngày nay), “cách huyện Diên Phước 25 dặm về phía đông, bờ tả thuộc xã Phúc Trạch huyện Hòa Vang, bờ hữu thuộc xã An Lương huyện Lễ Dương, là chỗ sông chợ củi ra biển. Cửa lạch rộng 160 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc, là chỗ tụ họp thuyền ghe nam bắc. Đầu đời Gia Long đặt một viên thủ ngự và một viên hiệp thủ với 42 thủ binh” [142].

Cửa Đại – Hội An vốn là hải khẩu quan trọng dưới thời Chămpa và đặc biệt nổi lên dưới thời chúa Nguyễn, nơi đón nhiều tàu thuyền nước ngoài tới buôn bán, vì thế, công tác tuần tra, kiểm soát rất quan trọng. Dưới thời chúa Nguyễn, không chỉ ở Cửa Đại mà ở Cù Lao Chàm, một cụm đảo án ngữ Cửa Đại, Nhà nước đã giao cho nhân dân trong vùng thực hiện công tác tuần phòng. Khi thực hiện đề tài, chúng tôi đã tiếp cận được một tư liệu liên quan đến công tác tuần phòng của nhân dân tại làng Tân Hiệp cho biết: “Làng chỉ có 3 tờ phê của ba đời Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, Cảnh Hưng. Trong ba tờ ấy, cũng giống giống với nhau là bắt dân ở trên hòn Cù Lao Chàm này phải tuần phòng đêm ngày lưu ý đến các thương thuyền ngoại quốc đến đó" [45]. Tư liệu trên tuy ngắn nhưng rất quý về công tác tuần phòng tại của biển của Hội An, Quảng Nam, nơi có nhiều thương thuyền ngoại quốc thường xuyên lui tới nên phải "ngày đêm tuần phòng". Điều đặc biệt nữa là có sự giống

nhau của cả ba tờ phê, nghĩa là có sự xuyên suốt từ các niên hiệu Chính Hòa, Vĩnh Vĩnh Thịnh và Cảnh Hưng, tức khoảng trên 100 năm, từ 1680 đến năm 1786 đều chăm lo đến công tác quan trọng này. Dưới thời Nguyễn, tại Cù Lao Chàm, triều đình cho đặt đài phong hỏa phục vụ công tác thông tin và tuần phòng mặt biển. Một Châu bản ngày 8.2 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) ghi nhận đơn của dân trên đảo Cù Lao Chàm xin được miễn thuế và binh dao vì đã cùng lúc canh giữ đài phong hỏa và tuần tra tại vùng biển Cù Lao Chàm... Vua phê: “chuẩn y lời tâu xin” [58: 369-370].

Quá trình nghiên cứu chúng tôi phát hiện tấm bia “Đại phước nghĩa trủng” tại Hội An khắc năm 1874, hiện dựng cách bãi tắm Cửa Đại khoảng 500m. Nội dung cho thấy tấm bia này được đặt trên địa phận của “bản tấn”, tức Tấn Đại Chiêm, qua đó có thể khẳng định vị trí đặt tấn này ở bờ tả, thuộc phường Cẩm An, Hội An ngày nay [PL 16].

Tấn Đại Áp: “ở cách huyện Hà Đông 62 dặm về phía đông, lại có tên là cửa biển Hòa Hiệp, là chỗ hai dòng sông Bến Ván và Tam Kỳ ra biển, cửa lạch rộng hơn 40 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc. Đầu đời Gia Long đặt một viên thủ ngự và một viên hiệp thủ với thủ binh để tuần phòng ngoài biển. Lại có cửa biển Tiểu Áp cách cửa biển Đại Áp chừng 7 dặm, khoảng đời Minh Mạng bị cát lấp nên thủ sở hợp vào với thủ sở Đại Áp” [142: 372-374]. Cửa biển Đại Áp nay là cảng Kỳ Hà, Quảng Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

Việc bố trí lực lượng ở Quảng Nam, ngoài Đà Nẵng, Hội điển cho biết: Tấn Đại Chiêm: tấn thủ 1 viên, thư lại 1 viên, thuộc lệ 17 tên. Xứ cù lao Đại Chiêm: thuộc lệ 36 tên. Tấn Đại Áp: tấn thủ 1 viên, thư lại 1 viên, thuộc lệ 25 viên... Gia Long năm thứ 5 (1806) định về số dân lệ ở tấn “Đại Chiêm 30 tên và cù lao Đại Chiêm 4 tên đều theo địa phận tấn mà phòng thủ” [114: 662].

- Tỉnh Quảng Ngãi

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 9

Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều đảo và quần đảo quan trọng nên rất được Nhà nước quan tâm bố phòng. Việc thăm dò, đưa dân đinh ra đảo đánh cá, sinh sống, khai thác và khẳng định chủ quyền, đặt đồn canh phòng đã có từ thời các chúa Nguyễn và được tiếp tục sau đó. Đại Nam nhất thống chí chép về các tấn biển tỉnh Quảng Ngãi có nói đến tấn Thái Cần, Sa Kỳ, Đại Cổ Lũy, Mỹ Ý, Sa Huỳnh và Lý Sơn. Riêng tấn Lý Sơn trên một hòn đảo nhỏ chiếm một vị trí đặc biệt hơn: “ở giữa

biển, thuộc hải phận huyện Bình Sơn, đối ngạn với tấn Sa Kỳ, có đặt đồn sở để phòng ngự giặc biển” [142: 434].

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu do Nguyễn Thanh Tùng cùng đồng sự thực hiện, cho biết cư dân Việt đến khai khẩn làng mạc trên đảo Lý Sơn vào khoảng cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Họ là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn di cư ra đảo. Có 7 vị tiền hiền đã đến khai phá vùng phía tây để lập nên xã Lý Vĩnh mà trước đây thời Nguyễn gọi là phường An Vĩnh. 8 vị tiền hiền khác đã đến khai phá vùng đất rộng lớn phì nhiêu ở thềm phía nam núi Thái Lới lập nên xã Lý Hải mà trước đây thời Nguyễn gọi là phường An Hải. Trong buổi đầu ấy, người Việt trong công cuộc khai phá lập làng gặp không ít khó khăn về thời tiết khí hậu và nạn giặc Tàu Ô. Đến nay, một số di tích còn lưu lại đã phản ánh sự chống chọi kiên cường với giặc Tàu Ô để bảo vệ đảo của người dân Lý Sơn: đó là miếu Nàng Roi, chùa Hang. Đến thời Gia Long (1808), đặt Cù Lao Ré là tổng Lý Sơn, gồm hai xã An Vĩnh và An Hải trực thuộc phủ Bình Sơn [180]. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về Cù Lao Ré như sau: “ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về phía đông; xung quanh nổi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường An Vĩnh và An Hải ở tại đấy. Phía đông đảo có động, có chùa mấy gian, có giường đá, kỉ đá, hai bên hữu động có giếng, nước trong ngọt, xung quanh cây cối tốt tươi, khi có giặc biển thì dân phường ẩn núp ở đấy” [141].

Trong các tấn của tỉnh Quảng Ngãi chỉ có Sa Kỳ và Đại Cổ Lũy là lớn và có đặt thủ ngự, hiệp thủ và phụ lũy trông coi. Các tấn Mỹ Ý, Sa Huỳnh tuy có đặt thủ sở nhưng tàu thuyền không vào được. Đại Nam nhất thống chí chép về các tấn như sau:

+ Tấn Sa Kỳ: “cách huyện Bình Sơn 37 dặm về phía đông nam. Cửa biển rộng 145 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 3 thước, có đặt thủ sở. Cửa biển nước sâu, ở giữa có gềnh đá nhô lên mặt nước, đứng xa trông như hình người đứng câu… Phía nam gềnh cửa biển rộng, tàu thuyền có thể đi lại. Phía bắc gềnh cửa biển hẹp, tàu thuyền lớn không thể vào được. Phía nam có vụng An Vĩnh, bên ngoài có trấn sơn” [142: 432-433].

+ Tấn Đại Cổ Lũy: “cách huyện Chương Nghĩa 17 dặm về phía đông bắc, cửa biển rộng 234 trượng, thủy triều lên sâu 14 thước, thủy triều xuống sâu 10 thước, phía nam là cửa biển lớn, nước sâu, cạn tàu thuyền ra vào đều do đấy; phía bắc là

cửa biển nhỏ, tàu thuyền không thông. Có đặt thủ ngự và hiệp thủ, lại lấy dân phụ lũy sung việc trú phòng” [142: 433].

+ Tấn Mỹ Ý: “cách huyện Mộ Đức 45 dặm về phía đông, cửa biển rộng 8 trượng, thủy triều lên sâu 4 thước có đặt thủ sở. Cửa biển hẹp và cạn, tàu thuyền không thể đỗ được” [142: 433]..

+ Tấn Sa Huỳnh: “cách huyện Mộ Đức 45 dặm về phía đông nam, cửa biển rộng 45 dặm, thủy triều lên sâu 8 thước, thủy triều xuống sâu 5 thước, có đặt thủ sở. Cửa biển hẹp và cạn, tàu thuyền không thể đỗ được” [142: 433].

Các cửa biển Quảng Ngãi đều là những vị trí quan trọng trong tỉnh, nhà Nguyễn có đặt thủ sở trông coi và “lấy dân phụ lũy sung vào việc trú phòng” tại đây. Bên cạnh đó, các hoạt động tuần phòng được dân địa phương tích cực tham gia như năm 1834, quan tỉnh Quảng Ngãi tâu rằng Lý Sơn và vũng Thuyền, vũng Quất đều nên lập đồn canh, dân ở đảo Lý Sơn, tình nguyện tự đóng lấy thuyền mà lãnh khí giới của nhà vua để gặp việc đi tuần tiễu.

Việc chia đặt lực lượng canh giữ được bố trí: hai tấn Mỹ Ý, Sa Huỳnh mỗi tấn thủ 1 viên, thừa biện 1 viên, thuộc lệ 8 tên. Xứ Lý Sơn (Cù Lao Ré) phòng thủ úy 1 viên, thừa biện 1 viên. Năm Gia Long thứ 5 (1806) định: 4 tấn Mỹ Ý, Thái Cần, Sa Kỳ, Đại Cổ Lũy mỗi tấn thuộc lệ 10 tên. Năm 1850, vua Tự Đức chuẩn: 6 tấn Thái Cần, Sa Kỳ, Đại Cổ Lũy, Mĩ Ý, Sa Huỳnh, Lý Sơn thuộc hạt tỉnh, nguyên lệ đều đặt 1 viên phòng thủ úy, hoặc tấn thủ, đều phải phòng thủ như cũ [114: 666-669]. Tỉnh Quảng Ngãi ngoài các cửa biển còn có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Kế tục truyền thống khai thác và bảo vệ từ thời chúa Nguyễn, đến triều Nguyễn công tác này vẫn tiếp tục được quan tâm ở mức cao hơn [142: 422-423]. [Xem mục 3.1.2]

2.1.3.2. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Hữu trực

- Tỉnh Quảng Trị

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép về tấn Lùng Luật và Việt An nhưng thuộc phần Kinh sư (phủ Thừa Thiên) có đặt thủ sở, tuy rằng hai tấn này đều thuộc đất Quảng Trị ngày nay. Tấn Việt An: “ở phía đông bắc huyện Đăng Xương (nay là Triệu Phong), trước gọi là An Việt, năm Minh Mạng thứ nhất (1820) đổi tên hiện nay, cửa lạch rộng 51 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng, 5 thước, thủy triều xuống sâu 1 trượng 1 thước, ngoài cửa có một dải cát ngầm dài hơn 20 dặm, lại có 7 gềnh

đá… Hồi đầu bản triều, Hy Tông còn làm hoàng tử, từng đánh giặc biển tên là Hiển Quý ở cửa Việt, tức là cửa này” [141: 178]. Tấn Tùng Luật: ở phía đông huyện Minh Linh, cửa lạch rộng 18 trượng linh, thủy triều lên sâu 5 thước, thủy triều xuống sâu 3 thước 5 tấc, ngoài cửa có một dải cát ngầm dài 70 trượng. Tấn thủ đặt ở sông Tùng Luật [141: 178].

Sách Hội điển xếp hai tấn trên vào tỉnh Quảng Trị: tấn Tùng Luật (ở cửa Tùng ngày nay), tấn thủ 1 viên, lệ dân 10 viên. Tấn Việt Yên/An (ở cửa Việt ngày nay): Tấn thủ 1 viên, lệ dân 17 viên. Năm Gia Long thứ nhất (1802), định: “cửa biển Tùng Luật đặt 1 viên cai đội, đôn đốc quân dân phòng thủ. Cửa biển Việt Yên cũng đặt cai đội đôn đốc quân dân phòng thủ như lệ cửa biển Tùng Luật. Sau đều đổi làm tấn, nhưng bắt lấy dân làng ở gần quanh 21 tên sung làm lệ dân ở tấn Tùng Luật và 17 tên sung làm lệ dân ở tấn Việt Yên. Minh Mạng năm 17 (1836) chuẩn: tấn Việt, nguyên lệ dân có 17 tên, nay trích bắt dân đinh gần quanh đấy, hợp cùng dân lệ thuộc cũ cho đủ 50 tên” [114: 669].

- Tỉnh Quảng Bình

Sách Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Bình có chép về các tấn biển Tuần Quảng, Nhật Lệ, Linh Giang, Ròn, An Náu, Lý Hoà. Sách Hội Điển có nhắc tới tấn Tiến Giang, phải chăng là tên khác của Linh Giang. Trong các tấn nói trên cũng chỉ tấn Tuần Quảng, Nhật Lệ, Linh Giang, Ròn có tấn thủ, được ghi chép tương đối kỹ so với các tấn khác. Tấn An Náu và tấn Lý Hòa ở địa phận huyện Bố Trạch cửa tấn vừa hẹp vừa nông, thuyền lớn không đi lại được nên không đặt tấn thủ.

+ “Tấn Tuần Quảng: ở huyện Minh Chính, tên cũ là Tuần Ầm, hồi đầu niên hiệu Gia Long đặt chức quản thủ, năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) đổi tên hiện nay, lại đổi quản thủ làm thủ ngự.

+ Tấn Nhật Lệ: (nay là cửa biển Nhật Lệ, Đồng Hới) ở huyện Phong Lộc, cửa tấn rộng 75 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước, có nhiều đá rạng, tấn thủ đặt ở địa phận thôn Động Hải. Hồi đầu bản triều đặt xích sắt chặn ngang cửa biển để ngừa quân Trịnh.

+ Tấn Linh Giang: Tấn Linh Giang ở giới hạn hai huyện Bố Trạch và Bình Chính. Cửa tấn rộng 60 trượng, thủy triều lên sâu 7 thước, thủy triều xuống sâu 5 thước, có nhiều đá rạng, trước là cửa biển Bố Chính, khoảng năm Minh Mạng đổi

tên hiện nay; tấn thủ đặt ở địa phận huyện Bố Trạch. Linh Giang xưa nay là cửa sông Gianh, phân chia phía bắc là huyện Bố Trạch và phía nam là huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.

+ Tấn Ròn: ở huyện Bình Chính, cửa tấn rộng 20 trượng, thủy triều lên sâu 5 thước, thủy triều xuống sâu 3 thước, có nhiều đá rạng, thuyền bè đi lại khó khăn, lại có tên là cửa biển Di Luân, tấn thủ đặt ở địa phận huyện Bình Chính. Vị trí tấn Ròn nay thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

+ Tấn An Náu, Lý Hòa: Tấn An Náu và Lý Hòa ở địa phận huyện Bố Trạch, cửa tấn vừa hẹp vừa nông, thuyền lớn không đi lại được nên không đặt tấn thủ” [142: 51-52] Về phân công bố phòng, Minh Mạng năm thứ 9 (1828) cho rằng 3 tấn Nhật Lệ,

Tiến Giang, Linh Giang từ trước không có thuộc lệ vì thế đến đây lấy dân xã gần quanh ở đấy, người nào thông thạo nghề thủy thủ thì cho sung làm thuộc lệ các tấn: 2 tấn Nhật Lệ, Linh Giang đều 20 người; tấn Tiến Giang 10 người [114, tr 670]. Các tấn còn lại (Ròn, An Náu, Lý Hoà) chỉ ghi sơ lược bởi trên thực tế nó không có nhiều công dụng, về sau đều không đặt hay bãi bỏ chức tấn thủ, ngay 3 tấn được xem là quan trọng thì việc cắt đặt lực lượng trông coi vẫn là dân phòng thuộc lệ.

2.1.3.3. Hệ thống các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Tả kỳ

- Tỉnh Bình Định

Trong các tỉnh có cửa biển ngoài Thuận An của Thừa Thiên và Đà Nẵng của Quảng Nam thì Bình Định phần nào được quan tâm nhiều, đặc biệt là cửa biển Thị Nại, nơi từng là địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa Nguyễn Ánh với quân Tây Sơn. Trong phần “xét” về tích xưa tại cửa biển này, các nhà chép sử triều Nguyễn viết về những chiến công của quân Nguyễn Ánh tại cửa biển này đầy tự hào, như là một yếu tố quyết định lớn lao giữa quân Nguyễn Ánh với Tây Sơn. Sau này, nói về vị thế quan trọng của cửa biển này, Minh Mạng ban dụ: “cửa biển Thi Nại, nước sâu, núi cao, thuyền bè đi lại nhiều khi có đậu ở đấy, cũng là nơi xung yếu, nên công việc phòng bị tất phải chỉnh đốn” [114: 670].

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết tấn Thi Nại [Thị Nại] “ở phía đông huyện Tuy Phước, rộng 197 trượng, thủy triều lên sâu 4 trượng 7 thước, thủy triều xuống sâu 4 trượng 4 thước. Thủ sở ở địa phận thôn Bình Chính, có bảo đất, chu vi 48 trượng 4 thước, cao 6 thước, mở 1 cửa. Về phía đông cửa biển, có pháo đài Hổ

Ky (tức Hổ Cơ- tg), chu vi 27 trượng, mở 1 cửa, có 1 kỳ đài và 12 lỗ súng, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) đến năm Tự Đức thứ 18 (1865) sửa lại. Ở mặt sau pháo đài Hổ Ky đắp lũy trên gò Vũng Tàu dài 3 trượng, 4 lỗ súng. Lũy trên gò Kình Để dài 3 trượng, 5 lỗ súng; phía trong bảo có nhà kho bằng ngói. Chứa 3 vạn hộc lúa để phòng chở đi nơi khác, kho này dựng từ năm Minh Mạng thứ 17 (1936)” [143: 40-41]. Sách Minh Mệnh chính yếu cho biết, năm Minh Mạng thứ 21 (1840), “đắp pháo đài cửa bể Thi Nại ở địa hạt Hổ Cơ thuộc tỉnh Bình Định mà đặt tên là pháo đài Hổ Cơ. Đặt mấy chục cỗ súng đại bác. Lại ở bãi cát bờ sông bên kia đặt đồn Thi Nại, sai quan tỉnh cho lính đến phòng thủ” [145: 275]. Ở đây dường như có sự nhầm lẫn về thời điểm xây pháo đài Hổ Cơ bởi Đại Nam nhất thống chí chép là năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Với một cửa biển quan trọng như Thi Nại, có lẽ thời điểm xây pháo đài không thể trễ đến năm 1840 mới cho xây dựng. Sách Hội điển cho biết tại

đây có bố trí 10 cỗ đại bác cùng 1 suất đội, 30 biền binh coi giữ.

Căn cứ vào lời tâu xin của quan tỉnh Bình Định, Phú Yên thì đồn Thi Nại được đắp bằng đất, mé ngoài cũng được đắp đất vòng quanh, trong đồn có làm 1 ngôi nhà cho quan ở và hai ngôi nhà cho lính thủy và lính vệ. Đồn Thi Nại và pháo đài Hổ Cơ là 2 điểm phòng thủ nhưng đều trực thuộc 1 bộ chỉ huy gồm 1 suất đội và 30 biền binh [145: 2776].

Ngoài tấn Thi Nại, pháo đài Hổ Cơ còn có các tấn Kim Bồng, An Dụ, Đề Di. Tấn Kim Bồng ở phía đông bắc huyện Bồng Sơn, (rộng 11 trượng), thủ sở ở địa phận thôn Tứ Chính. Tấn An Dụ ở phía đông huyện (rộng 18 trượng), thủ sở đặt ở thôn Thịnh Xuân. Tấn Đề Di ở phía đông huyện Phù Cát (rộng 11 trượng), phía tây có đầm Nước Ngọt, thuyền buôn thường đỗ ở đây. Nhìn chung những tấn vì cửa vào hẹp, cạn nên không mấy quan trọng trong tư duy quốc phòng. Về biên chế: các cửa biển An Dụ được biên chế thừa biện và thuộc lệ đều 1 viên, Đề Di tấn thủ 1 viên, thuộc lệ 1 tên; cửa biển Thi Nại và pháo đài Thi Nại thừa biện 1 viên, suất đội trú phòng 1 viên, biền binh 30 tên. Các cửa biển không quan trọng về sau đều cho bỏ bớt tấn thủ, việc canh phòng được giao cho cửa biển quan trọng hơn gần đó. Như Tự Đức năm thứ 3 (1850), chuẩn: cửa biển tấn Kim Bồng nông hẹp, cùng tấn An Dụ cách nhau chỉ hơn 10 dặm, thì việc tuần phòng do viên tấn An Dụ làm kiêm cả. Còn viên tấn Kim Bồng thì rút về đợi bổ [114: 671].

- Tỉnh Phú Yên

Sách Đại Nam nhất thống chí, phần chép tấn biển Phú Yên nói đến các tấn Cù Mông, Vũng Lấm, Xuân Đài, Phú Sơn, Đà Diễn, Đà Nông.

+ “Tấn Cù Mông: ở thôn Vĩnh Cửu phía bắc huyện Đồng Xuân; cửa tấn rộng 95 trượng, thủy triều lên sâu 4 trượng 5 thước; thủy triều xuống sâu 4 trượng, đầu đời Gia Long có tấn thủ, nay bỏ.

+ Tấn Vũng Lấm: ở hai thôn Phú Vĩnh và Tân Định, phía bắc huyện Đồng Xuân, cửa tấn rộng 380 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng 5 thước, thủy triều xuống sâu 1 trượng, đầu đời Gia Long đặt tấn thủ, nay bỏ, hợp vào tấn Xuân Đài.

+ Tấn Xuân Đài: ở thôn Tiên Châu, phía đông huyện Đồng Xuân. Trước gọi là Bà Đài, năm Minh Mạng thứ nhất đổi tên hiện nay. Cửa tấn rộng 2 trượng (?), thủy triều lên sâu 1 trượng 2 thước, thủy triều xuống sâu 8 thước, có tấn thủ.

+ Tấn Phú Sơn: ở thôn Thịnh Lễ, phía đông huyện Đồng Xuân, tên cũ là cửa biển Mái Nhà, trong biển có hòn Mái Nhà nên gọi tên thế. Đời Minh Mệnh đổi tên hiện nay. Cửa tấn rộng 48 trượng, thủy triều lên sâu 4 thước, thủy triều xuống sâu 2 thước 2 tấc, trước có tấn thủ, nay bỏ.

+ Tấn Đà Diễn: ở thôn Đông Tác, phía đông huyện Tuy Hòa, tên cũ là Đà Lãng, sau đổi tên hiện nay; rộng 40 trượng, thủy triều lên sâu 5 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 7 thước 8 tấc (chắc chép nhầm), có thủ sở.

+ Tấn Đà Nông (Nùng): ở thôn Phú Lạc, phía đông nam huyện Tuy Hòa, rộng 12 trượng 8 thước, thủy triều lên sâu 4 thước 8 tấc, thủy triều xuống sâu 3 thước 5 tấc, trước có tấn thủ, nay bỏ” [143: 76-77].

Về tổ chức nhân sự bố phòng các cửa tấn, năm Tự Đức thứ 3 (1850) chuẩn: “Hai tấn Cù Mông và Đà Nông (Nùng) cũng vẫn đặt y như cũ. Duy lệ phu tấn Đà Nông không có định lệ, nay cứ bắt lấy 10 tên dân phu ở thôn Đa Ngư gần đấy để sung bổ vào. Lại tấn Vũng Lấm hợp với tấn Xuân Đài làm 1, viên tòng bát phẩm thừa biện ở tấn ấy trước, nay đổi bổ đi tấn Xuân Đài. Lại liệu bắt 20 tên dân thôn Tiên Chu và 10 tên dân thôn Tân Thịnh sung bổ làm lệ phu. Còn như hai tấn Phú Sơn, Đà Diễn đều là nơi trống không, thì bỏ bớt đi” [114: 673]. Thực tế sách Hội điển chỉ lưu ý đến tấn Xuân Đài với biên chế thừa biện 1 viên, thuộc lệ 30 tên, Đà

Ngày đăng: 05/03/2023