Các Công Trình Phòng Thủ Vùng Biển Phía Nam Kinh Sư

Một tấm bia có tên Thuận An tấn ký được chính vua Tự Đức viết ngày 29.6.1872, dựng tại Thuận An, như một sự khẳng định dứt khoát về sự phòng thủ tại cửa biển quan trọng này. Chính vua Tự Đức cho biết buổi đầu Thuận An chưa được quan tâm đúng mức nên bố trí quân số ít, từ thời Minh Mạng và đặc biệt, sau khi Pháp tấn công thăm dò Đà Nẵng năm 1847, Thiệu Trị muốn xây dựng thêm ở đồi cát Hòa Duân nhưng chưa kịp làm. Sau khi Pháp chính thức tấn công Đà Nẵng (1858), triều đình cho rằng “Thuận An là cửa ngõ của Kinh sư nên không thể bỏ trống được, bèn sai quan có năng lực chuyên lo trọng trách, cứ dựa theo địa thế mà thi hành cho thích ứng, đắp lũy đất liền nhau từ ngoài bờ biển cho đến sông, gần xa tương ứng, phía trái cửa biển là Tả lũy, Hữu lũy gọi là Phương đồn, ấy là chỗ làm vây cánh cho Trấn Hải thành vậy. Trên thành đắp thêm tầng thấp, phía ngoài đào hào sâu khuất khúc hình chữ phẩm. Ở các nơi khác đều phỏng theo đồn này. Phía bên phải cửa biển là đồn Hòa Duân, đây là đồn lớn, lại đắp thêm ba lũy nhỏ gọi là Phong, Nhật và Nguyệt làm thế bảo vệ đồn...” [70: 282]

Ngoài các thành, đồn, ở cửa biển nhà Nguyễn còn cho đặt Thảo long, Thiết long, Mộc sách để ngăn giữ. Thảo long là ngăn sông bằng bờ cỏ, Thiết long là ngăn bằng xích sắt và Mộc sách là ngăn sông bằng việc đóng các cọc, cừ bằng gỗ (chú giải của Phan Đăng). Cho đến thời điểm dựng bia Thuận An tấn ký, Thảo long và Thiết long đã hư hỏng. Đồn lũy tại đây cũng đã giản lược, kể cả lầu quan hải, “vậy nên phải đặt thêm súng lớn đến năm sáu trăm khẩu, lính tinh nhuệ đồn trú dọc theo bờ đến hơn mấy ngàn người, ủy cho quan tham biện lo việc tuần phòng và huấn luyện binh lính, sai các quan chánh phó sứ chỉ huy binh lính lo tuần tra quan sát mặt biển, giữ gìn cả lãnh thổ, lãnh hải, đặt súng lớn, luôn đề phòng mọi tình huống và ngày thường phải tăng cường tập luyện” [70: 283].

+ Thành Trấn Hải

Tháng 3.1813, Gia Long cho xây đài Trấn Hải, sai Nguyễn Đức Xuyên trông coi công việc: “Vua thấy là nơi trọng yếu của hải cương (bờ cõi phía biển), bèn xây đài ở bên cạnh. Lại thấy bờ biển ở trước đài nước biển ngày vỗ xói vào, gần tới chân đài, bèn sai đóng cọc xây kè để chống sóng biển.” [149: 859]. Năm 1834, vì mức độ quan yếu của nó, vua Minh Mạng cho đổi tên đài Trấn Hải làm thành Trấn Hải bởi đây “là nơi biển được trấn giữ mạnh mẽ, không bì như pháo đài khác, vậy

cho gọi là thành" [114: 660]. Trong các bản đồ người Pháp thường gọi là đồn Bắc hoặc pháo đài Bắc (Fort du Nord), phân biệt với pháo đài Nam hay đồn Nam, tức pháo đài Hòa Duân.

Công tác xây dựng thành Trấn Hải được thực hiện thường xuyên dưới thời các vua Nguyễn bởi nơi đây với đặc thù cửa biển, thường xuyên hứng chịu nhiều gió bão, sóng biển làm hư hại. Như năm 1820, trước thực trạng thường xuyên bị sóng biển làm xói mòn, đe dọa đài Trấn Hải vua Minh Mạng dụ bảo Lê Chất nghiên cứu làm sao cho được vững chắc, Lê Chất xin cắm nhiều cây bằng gỗ, trong đổ gạch, đá. Về sau đất cát bồi dần ở bên ngoài, vua Minh Mạng dụ rằng: “có để giữ lại thời pháo đài được vững bền, đó là lòng trời mà không phải sức người làm nổi” [145: 227].

Năm 1830, Minh Mạng tiếp tục cho tu bổ, xây lại cửa pháo đài và gia cố thêm trước mặt thành. Thống chế thần sách Tả dinh là Đỗ Quý được chỉ định trông coi công việc, nhân đó, vua Minh Mạng dụ bảo bộ Công rằng: “sửa lại pháo đài này công trình trọng đại phí tổn rất nhiều, bản Bộ nên truyền chỉ của trẫm cho những người giám tu và chuyên biện đều nên thật lòng cố sức, cần được chắc chắn và bền chặt, để một lần vất vả mà để lại được lâu dài trấn lâu chỗ bờ bể”. Rồi vua sai chuyển vận súng đạn và thuốc súng trú tại pháo đài” [145: 241]. Cùng năm ấy Minh Mạng đến Thuận An, xem pháo đài Trấn Hải và đánh giá rất cao việc phòng giữ cửa biển xung yếu này: "mấy năm nay cửa bể này mỗi ngày một sâu, hai bờ cát bồi lên ôm lấy bên tả bên hữu, lại có pháo đài để phòng giữ, phía ngoài thời có thuyền tàu hàng nghìn cũng không làm gì được, thật là thành bằng đồng và hào chứa nước sôi của Kinh sư vậy" [145: 240-241].

Sách Đại Nam nhất thống chí chép khá rõ về thành Trấn Hải: “chu vi 71 trượng 2 thước, cao 15 thước; đài chu vi 17 trượng 2 thước; cao 11 thước; hào rộng 1 trượng, sâu 6 thước; 1 cửa: trên thành có 99 sở ụ súng. Gọi là Trấn Hải đài. Sau thấy trước mặt đài, nước biển ngày xói vào gần tới đường ngoài quách, bèn đóng cừ xây đá để ngăn sóng, lại trồng hơn 4.000 cây dừa ở bờ biển. Cát bờ thường bị sóng đánh lở; năm Minh Mạng thứ 1 và thứ 12, tu bổ và xây thêm kè đá, bờ nước thì đóng cừ, xếp đá kiên cố hơn trước. Năm thứ 15, đổi gọi là Trấn Hải thành (xem xét tình hình ngoài biển), bên hữu thành dựng hành cung kiểu lầu đôi. Động cát xung quanh trồng hơn 9000 cây dừa; lại ở bãi sò ở đối ngạn cũng trồng hơn 300 cây dừa,

thành ra hai bên bờ đông tây lá cây dừa phủ rợp, trông rất xanh tươi. Năm thứ 17, xa giá đến đây thao diễn thủy sư… Năm thứ 20, kè đá lại lở, có ý kiến bàn dời đi nơi khác, vua dụ rằng: “Phàm tránh nước như tránh giặc, nếu ta lùi một bước, thì nó lại tiến một bước, chung qui không phải là việc tốt”. Bèn sai gia công trùng tu. Năm thứ 21, chế một cái đèn lồng lớn, quanh thân đèn 7,8 thước, đêm đến treo trên thành, sáng như mặt trời, để cho thuyền biển nhận biết tấn sở” [141: 167-168]. Vua Thiệu Trị vẫn thường xuống Thuận An xem duyệt thủy quân. Trong Thần kinh nhị thập cảnh – tập thơ của vua Thiệu Trị có bài Thuận hải qui phàm nói về cảm hứng khi xem tập trận tại đây: “Thành Trấn Hải ở Thuận An lớp lớp trường thành… Thuyền quân diễn trận nối đuôi giống cá đàn, trở về như tên bắn. Chiến hạm tuần dương đối đầu như thoi đưa, rẽ sóng tựa le bay”.

Các vua triều Nguyễn đều rất quan tâm tới vị trí trọng yếu này, hàng năm vua thường ra cửa Thuận An xem đài Trấn Hải. Tháng 11.1813, Gia Long định ra 10 điều lệ án thủ Trấn Hải đài rất rõ ràng, nghiêm khắc trong phòng bị như chia phái quan quân, biền binh luân phiên canh giữ tại Trấn Hải theo 2 thời điểm khác nhau với quân số khác nhau trong năm. Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7 có 310 người. Từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 3 năm sau quân số ít hơn, chỉ đóng giữ 105 người (điều 2). Nếu khi ngoài khơi có báo động, không có lệnh truyền báo mà đi chạy ở ngoài quách thì đánh 100 trượng; thiện tiện đến cửa đài thì trị tội theo quân pháp (điều 4). Súng đạn ở trong đài thường phải kiểm soát luôn (điều 5). Tấn thủ Thuận An có tin báo về việc ngoài biển [về người Tây dương], hoặc thấy hiệu lửa ở đài hỏa hiệu Quy Sơn cửa biển Tư Dung, tức thì một mặt sắp quân phòng bị, một mặt phái người chạy tâu (điều 8). Đầu bến đò Thái Dương phải sức bắt thuyền dân sở tại ứng trực cho tiện quan quân đi lại (điều 9) [149: 870].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

Năm 1914, R. Morineau khảo sát thực địa đã mô tả thành Trấn Hải khá chi tiết được công bố trên tạp chí BAVH, theo đó pháo đài gồm: “một pháo đài trong bằng đất và cát, và một lô cốt giữa bằng gạch. Chiếc ngoài có một luỹ thành hình chữ nhật bằng cát đắp đất và một hào nay chỉ còn phía bắc. Lũy này có 4 đồn ải bằng đất có góc hướng đông bắc, đông nam và tây nam. Lũy thành có 4 cổng vào mỗi cái ở mỗi mặt... Lũy thành ngoài hình chữ nhật ở các mặt đông và tây là 163m và 198m các mặt bắc và nam. Phía trong thành ấy, phía bắc có hai kho thuốc súng xây dưới

hầm của các góc, và gần sau kho người ta có xây một cái bể đựng nước uống cho cả đồn. Về phía góc đông nam là pháo đài trong (Trấn Hải thành) hình rất tròn. Pháo đài này còn giữ nguyên vẹn, hoàn toàn bằng gạch, có bao quanh một hào vuông, chiều rộng khoảng 6-8m. Bên ngoài là tường gạch thẳng đứng dày độ 0,7m và ngoài có đắp bờ cát dày đến 5,6m. Tường ấy chu vi đo được 292m. R. Morineau dẫn lời Picard Destelan (người chỉ huy trận đánh Thuận An năm 1883) cho biết: “Hai bên cửa biển là hai pháo đài trong đó người An Nam tập trung tất cả các phương tiện phòng thủ của họ. Trong 10 năm họ làm việc không biết mệt mỏi và đã thành công trong việc bố trí một số lớn khẩu đại bác thành các giàn pháo, số súng ấy đều có cỡ khá lớn và trọng lượng đáng kể... Sự phòng thủ này đã chịu đựng một cách kiên cường ba ngày pháo kích, và nếu xạ thủ điều khiển mấy giàn pháo khéo léo hơn nữa thì chúng tôi cũng bị khá nặng. Những người ấy không thiếu gan dạ". Theo R. Morineau, tất cả những miêu tả trên đã “xác minh lòng tin tưởng mà lính An Nam đặt vào các đồn và các vị trí phòng thủ khác” [109: 235-237].

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 7

+ Pháo đài Hòa Duân

Hòa Duân là căn cứ phòng thủ quan trọng bên cạnh thành Trấn Hải - một biểu tượng tự hào của vua quan nhà Nguyễn. Nằm ở vị trí đối diện, phối hợp với Trấn Hải trong việc phòng thủ cửa Thuận An. Căn cứ này được xây muộn hơn, sau vụ gây hấn của quân Pháp tại Đà Nẵng năm 1847, vua Thiệu Trị mới cho xây dựng pháo đài này. Trong bài viết của R. Morineau năm 1914, ông gọi đây là pháo đài Hà Nhuận, một pháo đài mà người An Nam cho là đáng sợ nhất về phía nam. Theo miêu tả của R. Morineau, pháo đài này hướng đông bắc – tây bắc, có các giao thông hào ở phía ngoài, lũy thành có đồn bốt, trang bị phòng thủ xem như là quan trọng nhất của Thuận An để vừa giữ vừa chỉ huy tại đây. Cũng theo miêu tả của R. Morineau: “Trước pháo đài này người An Nam còn làm công sự có đường ngầm lớn bằng cát, đắp đất sét có dạng vòng bán nguyệt. Các giao thông hào đó cách xa pháo đài bằng một hào sâu mà bề rộng trên miệng 20m và trừ hai bờ cao tương ứng với hai đồn ải ở góc tây bắc và đông bắc ở đó bắc cầu dã chiến có thể phá hủy ngay trong trường hợp các giao thông hào và bờ cao bị tấn công chiếm giữ. Các giao thông hào phía ngoài dài đến 240m và không ước lượng được chiều rộng vì đã hư hỏng. Các bờ đều bố trí các khẩu đội đại bác cỡ lớn đặt cố định trong các khối bê

tông gạch dùng loại vữa hồ đặc biệt nên các khối đó đổ thì cả mảng vào trong hào. Sau các giao thông hào là pháo đài, hình khối chữ nhật có đồn ải ở các góc. Các mặt tây bắc đông nam đều 174m dài, 132m chiều ngang. Bố trí chắc chắn hơn ở phía mặt chính. Phía nhìn ra biển và ra eo cao và rộng hơn. Phía đáy bằng cát, phía trên đắp đất sét, phía phá thì tường thấp hơn, bằng cát. Ở giữa lũy thành có dấu vết của 2 kho thuốc súng đặt ở giữa các đồn đông bắc và tây bắc. Giữa trung tâm pháo đài có nhiều hố chứa nước ngọt” [109: 242-243].

+ Pháo đài Cồn Sơn, Hạp Châu

Các công trình phòng thủ cửa Thuận An, ngoài Trấn Hải thành, pháo đài Hòa Duân còn có pháo đài Côn Sơn (Cồn Sơn) ở tây bắc làng Trưng Hà, hay Eo, pháo đài Hạp Châu (làng Thai Dương Hạ). Theo khảo sát của R. Morineau, đồn Cồn Sơn nằm hướng bắc, đông bắc. “Pháo đài này hình vuông, không có đồn, phía đông bắc và đông nam dài 75m, hai mặt kia chỉ 63m. Các giao thông hào bằng cát. Phía trong lũy thành còn dấu vết của một kho thuốc súng phía dưới mặt đông bắc và bể chứa nước ngọt” [109: 243].

Pháo đài Hạp Châu còn có tên là pháo đài Hàng Dừa trong bản đồ của Lagrée (bởi nơi đây trồng nhiều dừa để chắn sóng và lấy bóng mát). Pháo đài Hạp Châu bốn góc có đồn, hình vuông, phía đông và phía tây dài 162m, phía bắc, nam dài 152m. Các mặt đông và bắc có một bức tường hơi nghiêng về trong, xây bằng đá hộc, đá xây đền đài có lỗ và đem bằng thuyền từ Quảng Ngãi ra. Ba đồn nằm trong lũy thành có chiều cao không quá 3,5m. Phía trong lũy thành là giao thông hào chiều rộng trên miệng ít nhất là 4m. Mặt đất phía trong được đắp cao dần lên cho nên các tường phía trong thấp đi nhưng lại chắc chắn hơn. Các thành phía nam và phía tây ít cao mà chỉ ghép bằng đá Ngọc Hồ. Phía dưới các lũy thành có hai kho thuốc súng. Ở giữa pháo đài có một hồ nước [109: 244].

Pháo đài Cồn Sơn và Hạp Châu được trang bị hỏa lực để bắn chéo cửa biển. Theo R. Morineau, “các sĩ quan An Nam chắc chắn tính rằng chỉ có một kẻ thù quá mạo hiểm mới đột nhập thình lình Eo nhưng không sao tránh được sự can thiệp kịp thời của các pháo đài và các khẩu đội cửa phía bắc và nam. Và hơn nữa, họ lợi dụng giải cát bồi lên khi nước hạ nằm đối diện với Eo và đúng tầm súng để hỏa lực phát huy tốt tác dụng” [109: 243].

Triều đình Huế không chỉ tập trung xung quanh cửa Thuận An mà còn được tổ chức trên toàn tuyến Tam Giang - Sông Hương. Đây là tuyến phòng thủ được cho xây dựng, tu sửa từ năm 1858-1880, tức là từ khi quân Pháp tấn công vào Đà Nẵng. Đó là hệ thống bao gồm các đồn lũy, đập chắn. Theo ghi chép từ bia Thuận An tấn ký thì từ cửa Thuận An đi dọc lên sông Hương có “Trấn Lãng đến Cáp Châu, rồi đến Lộ Châu, Quy Lai, Thuận Hòa, Thủy Tú, Triều Sơn cứ trên chỗ đất rộng ở cồn nổi của những nơi này mà đắp lũy rồi lấy tên chỗ đất ấy đặt tên lũy” [70: 282]. Do các vị trí này lùi sâu hơn về phía trong, ngoài giới hạn phạm vi khảo sát của đề tài nên chúng tôi không đề cập [7], [172]. Hiện nay ngoài di tích thành Trấn Hải còn tồn tại ở cửa Thuận An, các di tích phòng thủ khác đều không còn dấu tích.

2.1.1.2. Các công trình phòng thủ vùng biển phía nam Kinh sư

+ Tấn Tư Hiền

Theo Đại Nam nhất thống chí, cửa Tư Hiền từ đời Lý là cửa Ô Long, đời Trần đổi là Tư Dung, thời Mạc đổi là Tư Khách, đời Lê lại gọi là Tư Dung; lại có tên nữa là cửa Ông và tên nữa là cửa Biện, năm Thiệu Trị thứ 1 đổi tên Tư Hiền. Cửa Tư Hiền “ở phía đông bắc huyện Phú Lộc, cửa biển rộng 8 trượng, thuỷ triều lên sâu 3 thước, thủy triều xuống sâu 2 thước, nước nông, thuyền lớn không thể đi qua. Trước kia có đặt Thủ sở đóng quân tuần phòng ngoài biển” [141: 175-176].

Cửa Tư Hiền có vai trò quan trọng. Nguyễn Ánh lúc mới 13 tuổi theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy khỏi Phú Xuân cũng theo cửa biển này và khi quay lại tiến đánh Tây Sơn cũng tiến vào từ cửa biển này cho nên vua Minh Mạng cho rằng: “cái cơ thịnh suy trước sau na ná giống nhau, tựa hồ có số mệnh định sẵn. Nay vô cố nông cạn, có lẽ ý trời giúp ngầm bản triều, muốn cho cơ nghiệp muôn đời bền vững, không để cho người ngoài nhòm ngó, cho nên chuyển biến như thế chăng”. Minh Mạng còn lấy tích Lê Thánh Tông trước đây đi đánh Chiêm Thành qua cửa Tư Dung, than nói: “núi sông hùng tráng thay, đời sau tất có anh hùng chiếm giữ”. Về sau, Thái tổ ta gây dựng cơ nghiệp ở Nam, Anh Tông đóng đô ở Phú Xuân, đúng như lời ấy” [141: 175-176]. Như thế qua cái nhìn của Minh Mạng cho thấy cửa Tư Hiền rất quan trọng, trực tiếp liên hệ tới việc thành lập vương triều và mong ước thịnh vượng.

+ Tấn Cảnh Dương, Chu Mãi, Hải Vân

Bên cạnh các vị trí chiến lược nói trên, vùng phía nam Kinh sư còn có các tấn biển khác là Cảnh Dương, Chu Mãi, Hải Vân. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép về các tấn này như sau: “Tấn Cảnh Dương ở phía đông bắc huyện Phú Lộc, cửa biển rộng 12 trượng 1 thước 3 tấc, thủy triều lên sâu 7 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 3 thước 5 tấc, nước nông, không thông được thuyền lớn. Tấn Chu Mãi ở phía đông bắc huyện Phú Lộc, cửa lạch rộng 8 trượng 5 thước, thuỷ triều lên sâu 1 thước ba tấc, thủy triều xuống sâu 7 tấc, nước nông, thông được thuyền lớn. Tấn Hải Vân ở phía đông nam huyện Phú Lộc, cửa biển rộng 27 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc, phía nam là chân núi Hải Vân, phía bắc là bãi cát An Cư, có đặt thủ sở, xét hỏi hành khách và tuần phòng ngoài biển” [141: 177]. Ba tấn Cảnh Dương, Chu Mãi và Hải Vân ban đầu thuộc một thủ ngự Hải Vân cai quản, đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826) ở tấn Chu Mãi đặt một viên thủ ngự và 1 viên hiệp thủ kiêm giữ việc tấn Cảnh Dương. Năm 1836, 2 tấn Chu Mãi, Cảnh Dương được tăng từ 9 người lên đến 50 dân thuộc lệ mỗi tấn.

+ Hải Vân Quan

Núi Hải Vân giữ vị trí hiểm yếu phía nam Kinh đô là nơi giáp ranh giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Hiển Tông từng đề thơ ví hình thế như đường vào đất Thục. Với địa hình vô cùng hiểm trở, nơi đây án ngữ con đường độc đạo bắc nam. Từ núi Hải Vân có thể quan sát hết cảng biển Đà Nẵng, nó vừa là lá chắn, vừa là điểm quan sát, vì thế Hải Vân trở thành một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong an ninh – quốc phòng. Năm 1826, vua Minh Mạng cho xây dựng Hải Vân Quan, năm 1831, ông tiếp tục cho xây Hải Sơn Quan. [145: 234, 243]. Đây là cứ điểm phòng thủ trong hệ thống phòng thủ từ xa đối với Kinh đô nhưng trực tiếp hơn đối với Đà Nẵng.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết về Hải Vân Quan như sau: “Ở phía đông nam huyện Phú Lộc và trên đèo núi Hải Vân, phía trước phía sau đều xây một cửa. Trên cửa phía trước đề ba chữ “Hải Vân Quan”, trên cửa phía sau đề sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước cao dài đều 15 thước, ngang 17 thước 5 tấc; cửa sau cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc; cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau. Dựng từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826); đầu đặt 1 viên phòng thủ úy đóng lâu; biền binh thì cứ 15 ngày đổi; lại cấp cho thiên lý kính để trông ngoài biển, phàm thuyền

nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này” [141: 168-169]. Hải Vân Quan với nhiệm vụ quan sát các cửa biển từ trên cao, chủ yếu là cửa biển Đà Nẵng để kịp thời báo về kinh đô những thông tin nhanh và chính xác nhất: “phòng khi trông nom các thuyền ngoài biển, nếu có công việc quan trọng khẩn cấp đều phải thông báo ngay; đặc biệt lưu ý đến các tàu thuyền lớn ra vào cửa biển” [114: 661].

Năm 1835, một nho sinh người Đài Loan là Thái Đình Lan trên đường đi thi về đã bị gió bão dạt vào bờ biển Quảng Ngãi, sau được đưa về bằng đường bộ, trên đường đi ông có qua núi Hải Vân. Điều bất ngờ trong ghi chép của Thái Đình Lan là ông đi qua cửa có tên là “Hải Sơn Quan” chứ không phải là Hải Vân Quan. Ông viết: “Ngồi nghỉ dưới gốc cây cổ thụ, ngước lên thấy bức tường đá dựng đứng có tấm biển gỗ gai tím dày khoảng một thước đề chữ lớn “Hải Sơn Quan”. Ở đây đặt một viên đồn thủ và mấy chục tên lính cứng mạnh, khí giới súng ống bày la liệt đúng là con chim cũng không bay qua nổi” [139].

Tại sao có tấm biển đề “Hải Sơn Quan” mà không phải là “Hải Vân Quan” như những gì chúng ta thường biết về đèo ải này? Thực ra núi Hải Vân là tên của 3 ngọn núi được sách Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức chép: “phía tây núi là Bà Sơn, phía bắc là Hải Sơn, ba ngọn núi liên tiếp xen nhau, trên cao vót đến tầng mây, dưới chạy giăng đến bờ biển, gần như đứng trong biển”. Sách cũng cho biết rằng thời Minh Mạng cho đặt ở đây 3 quan ải, một trên đỉnh Hải Sơn và hai cái trên Hải Vân, có cho “xây đá làm bậc để tiện đường đi lại” [141: 131-132]. Sách Đại Nam nhất thống chí ngoài chép về cửa Hải Vân còn chép thêm về cửa Hải Sơn như sau: “ở phía bắc Hải Vân Quan, có một cửa cao 1 trượng, 1 thước 6 tấc, rộng 8 thước 1 tấc, tả hữu lũy đá tiếp nhau, rộng 17 thước linh, xây năm Minh Mệnh thứ 16 (1835)” [141: 169].

Như thế, Hải Vân Quan không phải là lối đi duy nhất khi qua dãy núi này. Tất nhiên tất cả các lối đi đều được bố phòng cẩn mật, nói như Thái Đình Lan là “đến con chim cũng không qua nổi”. Ngoài lối đi mà ngày nay chúng ta có thể hình dung được qua di tích Hải Vân Quan thì còn hai cửa quan khác, trong đó có Hải Sơn Quan và một cửa nữa. Vị trí của nó ở đâu thì đến nay vẫn chưa xác định được.

Quá trình nghiên cứu chúng tôi tiếp cận một tài liệu địa chí địa phương là Hòa Vang huyện chí (Huyện chí Hòa Vang) bổ sung tư liệu về các con đường đi qua Hải Vân. Huyện chí Hòa Vang đề soạn ngày rằm tháng 9 năm Ất Tỵ (1905), niên hiệu

Ngày đăng: 05/03/2023