Hệ Thống Các Công Trình Phòng Thủ Ở Cửa Biển Đà Nẵng

Thành Thái. Tác giả di thảo là Trần Hy Tăng. Cháu ngoại là Đỗ Thúc Trầm sao lại, tú tài Trần Nhật Tỉnh chú giải và tăng bổ. Ngay ở phần viết về núi Hải Vân, tú tài Trần Nhật Tỉnh đã bổ khuyết về các con đường đi qua Hải Vân, có thể bổ sung vào việc xác định các con đường qua dãy núi này: “Ở phía tây núi Hải Vân, còn có một con đường khác. Phía nam bắt đầu từ xã Liên Chiểu mà đi lên, trong con đường có nhiều cụm đá lớn chồng chất, đứng thẳng như hình trạng con người. Người đi phải bám vào đá vịn vào cây mà lên, đến giữa đỉnh Ba Tiêu hác, tục gọi là Hốc Chuối, rồi theo khe mà đi xuống phía bắc trên những tảng đá bàn lớn, từng bước từng bước rất nhanh. Phía bắc giáp phủ Thừa Thiên. Nơi giáp tiếp là phía tây sông Hoàng Giang. Nơi đây, hồi năm Tự Đức thứ 12, thị vệ Cẩm đã đi xuyên qua con đường này. Ngoài ra còn có một con đường khác, bắt đầu từ phía Bắc núi Trường Định, lên đến một nơi chót cao, hình giống yên ngựa. Từ đó đi xuống phía Đông vài trăm trượng đến Hốc Chuối là nơi tuyệt đẹp. Mùa Đông năm Tự Đức thứ 12, Bố chính sứ tỉnh Quảng Nam là Thân Văn Tiếp vâng lệnh vua đi khám xét con đường ấy, đã đến nơi đây và bảo với người ta rằng: vịn vào cây đá để đi khắp, đâu có phải nơi này! Thoạt có năm người trai tráng có sức khỏe thần kỳ, ngăn không cho ông ta xuống khỏi nơi này” [170]. Như thế Hải Vân không phải là “độc đạo” mà có tới “3 quan ải” trong đó có Hải Vân Quan và Hải Sơn quan (không gần nhau vì nếu gần nhau thì Thái Đình Lan đã nhìn thấy được). Trong dân gian còn có các lối đi khác được xác định trong Hòa Vang huyện chí như đã trích dẫn ở trên.

Về việc phân công trú phòng ở Hải Vân Quan, năm 1826, Minh Mạng ban chỉ: “trước đây phái biền binh hai đội: đội đệ tứ Hữu sai, đội đệ nhị Dực tiệp, cắt phiên từng ban canh giữ. Nay cho đến 1 tháng 9 bắt đầu, mỗi tháng 1 ban, mỗi ban chỉ phái một nửa đội binh cắt phiên canh thay đổi, để san sẻ sự khó nhọc. Về sau Minh Mạng lại ban chỉ: cho phái binh đinh các đội Tiểu sai, Kim sang (sau là viện Vũ bị) thượng tứ đến đóng giữ tấn ở Hải Vân Quan, cho 10 ngày làm 1 ban, mỗi ban 2 tên lần lượt thay đổi canh phòng. Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), lại ban chỉ, bổ sung, "cho phái thêm 1 tên nhà trạm, đều cứ 10 ngày 1 lần thay đổi, thường xuyên đóng giữ trên cửa quan để hội đồng với binh ấy trông coi. Nhưng năm sau 1829, lại ban chỉ, chuẩn cho các vệ ở thị nội, thần sách, các bảo, các quân, do các cai quản theo thứ tự phái lấy viên suất đội và 50 tên biền binh đến đóng giữ Hải Vân Quan, mỗi

tháng thay phiên 1 lần. Tự Đức năm đầu (1848) chuẩn: “Nay đã đặt thêm đại bác, thì bắt thêm 10 tên lính các hạng, và 20 tên pháo thủ doanh thần cơ, cùng 50 tên phái trước, do thành thủ úy cửa quan ấy chia phòng thủ, chiếu lệ thay đổi”. Trên thực tế, việc trú phòng tại Hải Vân Quan không nhất thiết như những qui định ấy bởi cũng có sự thay đổi tùy theo yêu cầu công việc, song do vị trí đặc biệt nên Hải Vân Quan rất được quan tâm với lực lượng thường trực tương đối lớn mà thời gian thay ban cũng thường xuyên hơn vì nơi đây "khí núi hơi nặng" [114: 660-661]. Sau khi Pháp chính thức tấn công Đà Nẵng, lực lượng tại núi Hải Vân được tăng cường lên đến 350 quân.

Tóm lại, dưới thời Nguyễn, Nhà nước đã đã rất chú ý bảo vệ cửa biển vùng Kinh sư, đặc biệt là cửa biển Thuận An với công trình quân sự kiên cố là thành Trấn Hải, thường xuyên được bổ sung, tăng cường lực lượng và vũ khí, có nhiệm vụ phòng giữ, kiểm soát tàu thuyền ra vào. Bên cạnh đó là tấn biển Tư Hiền, Chu Mãi, Cảnh Dương, Hải Vân ngoài nhiệm vụ phòng giữ tại chỗ còn là “tai mắt” của triều đình với nhiệm vụ bảo vệ nói chung. Đáng lưu ý là cửa ải Hải Vân do nằm vào vị trí đặc biệt nên được xếp và sự quản lý trực tiếp của Kinh sư, là một cứ điểm vừa phòng thủ và có nhiệm vụ kiểm soát vùng biển (chủ yếu là Đà Nẵng) từ trên cao. Với một hệ thống phòng thủ liên hoàn ở các cửa biển cho thấy nhà Nguyễn đã thể hiện ý thức bảo vệ vùng biển.

2.1.2. Hệ thống các công trình phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng

Đà Nẵng là nơi được bố phòng mạnh nhất trong hệ thống các cảng biển dưới triều Nguyễn bởi nơi đây có vị trí rất đặc biệt cả về kinh tế, quân sự. Người xưa gọi địa danh Đà Nẵng ngày nay là Đà Áo. Từ thế kỷ XVI, trong các bản đồ cổ ghi là Đà Nẵng Môn, các tài liệu phương Tây thường ghi là Turon, Tuarane [158: 9-10] … Có nhiều yếu tố để ca tụng về giá trị đặc biệt của hải cảng này, nhưng có thể nói gọn về những yếu tố tạo nên vị trí quan trọng của Đà Nẵng là: tránh được bão tố, có thể vào nội địa qua sông Hàn. Là tâm điểm của các chuyến hàng hải, nghỉ ngơi khi qua đại dương. Là vị trí chiến lược được xác định là "yết hầu Thuận Quảng". Nhà Nguyễn nhận ra điều đó, bởi Đà Nẵng không quá gần và không quá xa, vừa đủ để liên lạc với Kinh đô và Kinh đô cũng dễ kiểm soát hoạt động tàu thuyền cũng như ngoại giao không chính thức đối với phương Tây. Trên hết, Đà Nẵng vừa có vị trí quan

trọng trong tự bản thân nó và gần Kinh đô nên sự quan tâm bố phòng của Nhà nước được ưu tiên với mức độ đặc biệt.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép về hình thế đặc biệt của Đà Nẵng với cảng biển an toàn: “phía đông là núi Trà Sơn, phía bắc là núi Hải Vân; phía tây là tấn Cu Đê, dài rộng 29 dặm linh; phía đông nam là vũng Trà Sơn, là vụng biển lớn, vừa rộng vừa sâu có thể chứa được hàng ngàn thuyền ghe, phía ngoài có núi che, không phải lo về sóng gió, tàu thuyền đi lại gặp lúc chưa tiện gió phần nhiều đỗ ở đây” [142: 368]. Đó là biển, còn núi thì có Hải Vân và Sơn Trà thực sự là chỗ hiểm yếu cho phòng thủ. Núi Sơn Trà “phía đông liền biển, phía đông nam có một hòn núi tiếp liền trông xa như hình sư tử, tục gọi là hòn Nghê. Phía tây có hòn Mỏ Diều, có pháo đài phòng hải ở đây, phía bắc là núi Cổ Ngựa, đối nhau với hòn Ngự Hải đứng sững ở giữa biển. Phía tây cửa biển là vũng Trà Sơn, là chỗ trú ẩn cho tàu thuyền” [142: 346].

Đà Nẵng là cửa biển quan trọng, nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc củng cố phòng thủ (thời Minh Mạng cho đúc vào Dụ Đỉnh). Đó là một quá trình xây dựng lâu dài từ thời vua Gia Long đến Tự Đức với nhiều sức người sức của, thường xuyên tăng cường quân đội và vũ khí bố phòng mới tạo nên hệ thống phòng thủ “liên hoàn” ở cửa biển này. Các điểm phòng thủ tại cửa biển Đà Nẵng phải kể đến thành Điện Hải, thành An Hải, đài phong hỏa, pháo đài Định Hải, pháo đài Phòng Hải, bốn bảo Trấn Dương, tấn Đà Nẵng và Tấn Cu Đê.

2.1.2.1. Các tấn biển Đà Nẵng, Cu Đê

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

+ Tấn Đà Nẵng: Tấn biển Đà Nẵng là trung tâm chỉ huy công tác phòng thủ tại cửa biển này. Còn có tên là cửa Hàn, Đại Nam nhất thống chí cho biết tấn Đà Nẵng “ở địa giới 2 huyện Diên Phước và Hoà Vang, là chỗ 2 dòng sông Cẩm Lệ và Vĩnh Điện chảy ra biển. Đầu đời Gia Long đặt 1 viên thủ ngự, 1 viên hiệp thủ và 17 người thủ binh, năm Minh Mạng thứ 9 (1828) cấp cho ngựa trạm; năm 15 (1834) đặt vọng lâu ở tấn sở, cấp cho kính thiên lý để xem xét ngoài biển” [141: 373].

+ Tấn Cu Đê: Tấn Cu Đê nay là cửa sông Cu Đê. Xét trong bối cảnh phòng thủ chung thì nó nằm trong cụm phòng thủ cửa biển Đà Nẵng, kéo sang chân đèo Hải Vân, tức một góc vịnh Sơn Trà. Tấn Cu Đê nằm trên con đường Huế - Đà Nẵng nên là một chốt quan trọng trong việc xét hỏi người qua lại. Đại Nam nhất thống chí cho biết tấn Cu Đê “ở cách huyện Hoà Vang 27 dặm về phía bắc, tức chỗ cửa sông Cu

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 8

Đê. Cửa lạch rộng 25 trượng, thủy triều lên sâu 4 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 3 thước. Đầu đời Gia Long đặt 1 viên thủ ngự và thủ dân để tuần phòng ngoài biển, xét hỏi những người đi lại. Năm 1851 bỏ thủ ngự tại đây” [141: 372]. Theo khảo sát của chúng tôi, vị trí đặt tấn sở nằm ở bờ hữu cửa Cu Đê ngày nay bởi chỉ có nằm ở bờ hữu thì từ Hải Vân Quan mới quan sát được những diễn diễn biến tại cửa tấn này.

2.1.2.2. Các thành, pháo đài, bảo

+ Thành Điện Hải và An Hải

Xét về vị trí và qui mô phòng thủ tại Đà Nẵng, hai thành Điện Hải và An Hải là những điểm phòng thủ quan trọng bậc nhất tại cửa biển này. Đây cũng là hai pháo đài được nhắc đến nhiều nhất trong các hoạt động bố phòng và chính nó là mục tiêu khai hỏa của tàu chiến phương Tây. Hai pháo đài án ngữ 2 bên lối vào nội địa, một phải một trái gần đối xứng nhau. Thành Điện Hải xưa, nay là chỗ đặt trụ sở mới của Bảo tàng Đà Nẵng, nơi đây còn lưu lại các đoạn thành với góc cạnh tương đối nguyên vẹn.

Bắt đầu từ tháng 2 năm 1813, vua Gia Long cho xây đài Điện Hải và đồn An Hải ở cửa Đà Nẵng, giao cho Nguyễn Văn Thành trông coi, lưu 500 quân phòng giữ [65: 114]. Đến các đời vua sau, việc xây dựng, sửa chữa, di chuyển và xây mới vẫn được tiếp tục. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết thành Điện Hải ở phía tả tấn Đà Nẵng, chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước, hào sâu 7 thước, mở 3 cửa, dựng 1 pháo đài và 30 sở pháo đài. Năm Gia Long thứ 12 (1813) đắp đài ở tấn Đà Nẵng hơi gần bãi biển; năm Minh Mạng thứ 4 (1823) dời đến chỗ hiện nay và xây bằng gạch, năm thứ 15 (1834) đổi làm thành; năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) xây lại [ ]. Huyện chí Hòa vang cho biết thêm, “năm Tự Đức thứ 11, quân Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, chiếm thành Điện Hải. Năm Tự Đức thứ 13 nâng bờ thành cao thêm một thước có đặt lỗ châu mai, sau khi quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng” [170].

Thành An Hải, ở phía hữu tấn Đà Nẵng, chu vi 41 trượng 2 thước, cao 1 trượng 1 thước, hào sâu 1 trượng, mở 2 cửa, dựng 2 kỳ đài và 22 sở pháo đài. Năm Gia Long thứ 12 đắp bằng đất, gọi là bảo An Hải, năm Minh Mạng thứ 11 xây bằng gạch, năm thứ 15 đổi làm thành [141: 370]. Trong hai thành thì Điện Hải có vị trí quan trọng và được đầu tư bố phòng cao hơn thành An Hải.

Đánh giá cao cửa biển Đà Nẵng, năm 1829, vua Minh Mạng bảo bộ Binh: “pháo đài Trấn Hải ở Kinh sư, pháo đài Điện Hải ở tỉnh Quảng Nam đều là chỗ xung yếu, nên dù lúc vô sự, việc canh phòng cũng không thể bỏ qua. Bộ ấy nên truyền bảo quan binh trú phòng ở hai pháo đài ấy hết thảy súng đạn, khí giới, quân nhu lúc nào cũng dự bị đầy đủ để phòng lúc bất ngờ” [145: 237]. Năm sau, Minh Mạng lại cho xây tiếp pháo đài An Hải, Thống chế Đoàn Văn Tường “đem lính ở Bắc thành và tỉnh Thanh, tỉnh Nghệ cùng Kinh sư cả thảy hơn 3000 người để làm công tác kể trên” [145: 240]. Năm 1840 Minh Mạng cho trang bị thêm hai cỗ súng đồng "xung tiêu" (bắn cao đến trời xanh), 100 quả chấn địa lôi, đem đến pháo đài Phòng Hải ở cửa bể Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam" [145: 276]. Khi cử Nguyễn Tri Phương vào giữ chức tuần phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, vua dụ: "Ngươi có chức trách về địa phương ấy nên thân hành xem kỹ hai đồn An Hải, Điện Hải và pháo đài Phòng Hải, mà đem tâm tu chỉnh, thời bọn giặc dù muốn dòm nom cũng không thể thừa được sơ hở của ta. Đó là kế hoạch lớn, ràng rịt cửa tổ ngay từ lúc chưa mưa, để giữ vững bờ cõi của mình" [145: 275].

Thành Điện Hải và An Hải đều do một kỹ sư người Pháp tên là Olivier Puymanel thiết kế theo kiểu thành Vauban. Trong tư liệu nước ngoài gọi là pháo đài tây và pháo đài đông. Sau vụ tàu Pháp gây sự tại Đà Nẵng năm 1857, để hỗ trợ cho 2 thành này, nhà Nguyễn cho đắp lũy cát, trồng nhiều gai góc ngăn giữ từ An Hải đến núi Sơn Trà, từ Điện Hải đến cửa Thanh Khê. Tháng Giêng 1857, với sự kiện hai chiếc tàu đậu tại cửa Hàn rồi chạy đi, Đào Trí tâu: “Xin chia phái biền binh để lại cho đủ số phòng giữ, còn bao nhiêu đều triệt về cho nghỉ”. Vua Tự Đức đồng ý, chỉ để hai ban lính Long Võ và Hùng Nhuệ ở lại phòng bị. Ông cho rằng: “cửa Hàn là chỗ cửa biển hệ trọng, bây giờ tàu Pháp chạy đi rồi, mà những việc làm cho vững về sau phải nên tính trước. Bèn khiến bọn Đào Trí hội với quan tỉnh kê khoản tâu lên, hậu chỉ thi hành. Bọn Đào Trí đem các sự nghi dâng sớ tâu: 1. Đặt đồn Trấn Dương ở chóp núi, để 20 khẩu súng đại bác; 2. Xin từ thành An Hải tới núi Sơn Chà, từ thành Điện Hải đến cửa Thanh Khê đều đắp lũy cát, trồng gai gốc ngăn giữ;

3. Xin triệt bãi đồn nhứt đồn nhì” [65: 378]. Đề nghị triệt bãi đồn nhứt, đồn nhì không được chấp nhận.

+ Đài Phong Hỏa: Sách Đại Nam nhất thống chí phần chép về núi Hải Vân đã xác định một ngọn núi nổi vọt lên giữa biển, là mốc giới phía bắc của cửa Đà Nẵng. Vua Minh Mạng cho đặt tên là đảo Ngự Hải [141: 346-347]. Ngự Hải còn gọi là hòn Sơn Trà Nhỏ - đối diện với núi Sơn Trà, chính là một cứ điểm phòng thủ phía bắc cửa biển. Tại đây, năm Minh Mạng thứ 21 (1840), cho xây đài Phong Hỏa, có nhiệm vụ đốt lửa báo hiệu mỗi khi có biến.

+ Pháo đài Định Hải: Theo Đại Nam nhất thống chí, pháp đài này xây năm Minh Mạng thứ 4 (1823), ở phía tả tấn Đà Nẵng, thuộc núi Định Hải huyện Hoà Vang, chu vi 25 trượng 3 thước linh, cao 5 thước 8 tấc, mở 1 cửa, dựng 1 kỳ đài và 7 sở pháo đài. Theo miêu tả như trên là “phía tả tấn Đà Nẵng”, tuy nhiên trên thực tế rất cách xa nhau. Tấn Đà Nẵng thuộc bán đảo Sơn Trà còn pháo đài Định Hải nằm trên núi Định Hải (còn gọi là hòn Hành) phía nam Hải Vân, nói cách khác là bên này và bên kia vịnh Đà Nẵng. Huyện chí Hòa Vang cho biết năm Tự Đức thứ 11 triệt bỏ pháo đài này.

+ Pháo đài Phòng Hải: xây dựng năm Minh Mạng thứ 21 (1840), ở phía đông bắc tấn Đà Nẵng, trên ngọn núi Diên Chủy thuộc xã Mân Quan huyện Diên Phước, dài rộng 9 thước, cao 6 thước 3 tấc, mở 1 cửa, dựng 1 kỳ đài và 19 sở pháo đài [141: 371]. Pháo đài Phòng Hải do Nguyễn Công Trứ đề xuất xây dựng nhằm phối hợp, hỗ trợ pháo đài Định Hải [145: 275]. Trong lời nghị chuẩn việc xây pháo đài cho biết: “đặt thêm pháo đài Phòng Hải, là để ngăn ngừa những thuyền đến từ ngoài biển, mà cùng với thuyền lớn đậu, chiếu ứng lẫn nhau; vậy phái 50 biền binh đến đóng giữ đài ấy” [114: 665]. Hai đài Phòng Hải và Định Hải làm nhiệm vụ quan sát, biền binh hai đài Định Hải, Phòng Hải ngày nào cũng thường đem kính thiên lý trèo lên cao quan sát cửa biển: “Nếu ngoài biển xa có thuyền ngoại quốc đến, hễ thấy 1,2 thuyền thì treo cờ gấm màu trắng, màu đỏ làm hiệu. Nếu 3, 4 chiếc thuyền thì phải làm hiệu để hô, ứng” [114: 665].

+ Bốn bảo Trấn Dương:

Bốn bảo Trấn Dương ở phía hữu tấn Đà Nẵng. Bảo thứ nhất ở hòn Diên Chủy (Mỏ Diều), chu vi 23 trượng, cao 4 thước; bảo thứ hai ở hòn Cô, chu vi 41 trượng, cao 4 thước 3 tấc; hai bảo thứ 3 và thứ 4 ở phía tây chân núi Sơn Trà, chu vi 8 trượng, cao 2 thước 7 tấc. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1841) đắp 7 bảo, đúc đại bác chia

đặt ở các bảo, gọi là 7 bảo Trấn Dương; năm Tự Đức thứ 3 triệt bỏ 3 bảo [141: 371]. Một số tài liệu ghi là “trấn dương thất bảo” tuy nhiên nó chỉ tồn tại trên thực tế từ 1847 đến 1850 nên trong Đại Nam nhất thống chí vẫn chép là “tứ bảo” chứ không phải là “thất bảo”. Huyện chí Hòa Vang cho biết đến năm Tự Đức thứ 10 (1857) cũng triệt bỏ luôn 4 bảo này.

Một số thông tin ở trên có sự chưa thống nhất, đó là có thể Đại Nam nhất thống chí đã chép nhầm năm xây dựng thêm các bảo và năm triệt bỏ nó. Hội điển chép năm xây dựng thêm các bảo là 1847 và chúng tôi cũng tìm thấy thông tin chi tiết hơn trong bài viết được Lê Thanh Cảnh dịch từ một bài viết chữ Hán của tác giả khuyết danh, công bố trên tạp chí BAVH, cho biết: “vào tháng tư âm lịch cùng năm đó (14.5 đến 12.6.1847) bảy đồn lũy được xây dựng trên đất Quảng Nam, trên núi Sơn Chà để chế ngự lối vào vụng Hàn. Mặc dầu đã có nhiều đồn lũy phòng ngự, nhà vua vẫn còn cảm thấy nỗi chưa yên tâm rất lớn” [20: 357]. Về năm triệt bỏ, có thể là năm Tự Đức thứ 3 hay thứ 10 còn là câu hỏi. Trong thực tế, năm Tự Đức thứ 3 (1850) có hàng loạt có các quyết sách thay đổi, tách nhập các tấn sở vùng biển. Như trong lời tâu của Đào Trí về việc bố phòng lại cửa biển Đà Nẵng sau vụ pháp gây hấn năm 1856, ông có đề xuất xây dựng đồn lũy trên các đỉnh núi để đồng thời không bị lộ và khó bị tổn thương. Thậm chí ông còn đề xuất triệt phá Đồn Nhất và Đồn Nhì nhưng sau khi Tôn Thất Cáp vào khảo sát lại, đề xuất nên giữ nguyên và được chấp nhận [148: 411].

Việc bố trí lực lượng ở các thành, đồn bảo ở Đà Nẵng, sách Hội điển cho biết quân số đóng ở đây thuộc biên chế của bộ binh và Thủy sư Kinh kỳ cử tới. Ban đầu chủ yếu là bộ binh nhưng về sau, năm 1836 chia đóng với tỷ lệ 2 phần bộ binh, một phần thủy binh: “Lệ quân đóng trường kỳ hai thành Điện [Hải], An [Hải] từ trước đến nay chuyên lấy bộ binh đóng dài hạn, thấy chưa được chu đáo. Nay cho từ giờ về sau, phàm đến kỳ chia ban, thì 2 vệ Tả, Hữu thủy ở tỉnh cũng cho cùng với bộ binh 1 loạt chia làm 3 ban. Về quân lính phái đi đóng lâu dài ở 2 thành ấy và chia giữ pháo đài Định Hải, nên liệu đem phái 3 phần bộ binh, 1 phần thủy binh cho đủ số 1 vệ 500 tên, mỗi tháng 1 lần thay phiên” [114: 664].

Công việc phòng thủ của quan quân coi giữ cửa biển Đà Nẵng được thể hiện rõ trong chỉ dụ năm Minh Mạng thứ 11 (1830). Đó là “cứ tất cả những nơi đáng phải

phòng thủ như một dãy bờ biển bến sông trong vùng Trà Sơn gần đài, cùng thuyền công vận tải đường biển đi về dừng đậu ở phận biển Đà Nẵng, đều phải gia tâm chia phái tuần phòng; cho đến hạng thuyền lớn bọc đồng thường đậu ở tấn ấy cũng phải cùng với biền binh ở thuyền coi giữ giúp nhau, để đề phòng sự bất ngờ” [114: 663].

Về quân số thủy quân cụ thể, căn cứ vào nghị chuẩn năm 1836, cho biết tại Điện Hải có 300 quân, An Hải 200 quân. Biền binh thì lấy người địa phương chia phái canh giữ: “từ tháng 10 đến tháng 3 là mùa các thuyền biển đi lại thì toàn số binh vệ ấy phải lưu ban sung vào sai phái. Từ tháng 4 đến tháng 9, thuyền biển ít đi lại, việc do thám hơi rỗi thì lại theo lệ cũ chia ban” [114: 663-664].

Về sau, một số tấn không quan trọng đều bỏ, Cu Đê là một thí dụ, năm Tự Đức năm thứ 4 (1851) chuẩn: “tấn Câu Đê cửa biển nông hẹp, ngoài biển đã có tấn Đà Nẵng, theo hạt tuần thám thì tấn ấy nên bỏ bớt đi, mà số dân lệ thuộc bao nhiêu thì giao về ghi sổ đinh ở làng chịu sai dịch; viên tấn thủ thì rút đi” [114: 666]. Cần lưu ý rằng, những điểm được miêu tả trên đều là những cứ điểm lớn, bên cạnh đó còn có các điểm phòng thủ nhỏ, chủ yếu là giao cho dân trong vùng phụ giữ và thường lùi sâu hơn về nội thị. Những điểm phòng thủ này phát huy tác dụng rất lớn trong cuộc kháng chiến chống xâm lược những năm 1858-1860. Với lát cắt thời gian vào thời Tự Đức, tác giả Lưu Anh Rô qua khảo sát thực tế khái quát công cuộc phòng thủ ở Đà Nẵng theo một hướng khác. Đó là khảo tả hệ thống đồn bảo từ bắc Hải Vân đến nam Cẩm Lệ rồi vòng sang bán đảo Sơn Trà cho thấy đây thực sự là một hệ thống phòng thủ dày đặc: “phía bắc vào có Hỏa Phong, Hải Vân Quan, Chân Sảng, Định Hải, tấn Cu Đê, Cẩm Khê. Trên núi Sơn Trà và các đảo phụ cận như đảo Cô, Mỏ Diều thì có Trấn Dương thất bảo, pháo đài Phòng Hải. Vào sâu chút nữa thì có tấn Đà Nẵng, thành An Hải, đồn Nại Hiên, Hóa Khuê, Mỹ Thị. Đối diện An Hải là thành Điện Hải và các đồn Hải Châu, Hóa Khuê, Phước Ninh, Thạc Gián, Liên Trì, Cẩm Lệ” [158: 31-46].

Tóm lại do ở vào một vị trí đặc biệt, lại được chọn làm cửa ngõ duy nhất đón tiếp các tàu buôn phương Tây nên Đà Nẵng đương nhiên được chú ý xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc nhằm đối phó với âm mưu xâm lược, chính hệ thống phòng thủ đã nói lên điều đó. Các vua Nguyễn vẫn thường xuyên lưu ý đề phòng những chiếc tàu có quốc tịch phương Tây: “cửa biển Đà Nẵng nếu thấy có thuyền

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/03/2023