Vị Trí Chiến Lược Của Biển Đảo Miền Trung

vùng nằm ngoài sự cai quản của đế chế, là hải đạo chung trong con đường hàng hải giao thương quốc tế [131] – [136].

Bên cạnh các công trình, bài viết thì trong những năm qua, trên thế giới có rất nhiều cuộc hội thảo về Biển Đông đã được tổ chức tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar như... Tháng 4.2012, tại Nga đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Những vấn đề thực tiễn của an ninh khu vực Đông Á và an ninh Biển Đông. Tháng 10.2012, hội thảo quốc tế về Thực trạng vấn đề chủ quyền Biển Đông và giải pháp do Đại học Chosun và Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Đại học Chosun, Gwangju, Hàn Quốc. Tháng 3.2013, Hội Châu Á - trụ sở tại New York - phối hợp với trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore đồng tổ chức tại Mỹ hội thảo về Tranh chấp ở Biển Đông. Tháng 9.2013, Hội thảo quốc tế Biển Đông: thành tựu, thách thức và hướng tương lai tổ chức tại Campuchia. Tháng 11.2013, Hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra tại Đại học New South Wales, Australia. Tháng 2.2014, Hội thảo quốc tế về Biển Đông và biển Hoa Đông tổ chức tại Đại học Công nghiệp Kyoto, Nhật Bản. Tháng 4.2014, Hội thảo Thách thức an ninh hàng hải đối với ASEAN và triển vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông được tổ chức tại Myanmar… Nhìn chung, chủ đề hội thảo đã nói lên tính chất thời sự của những tranh chấp trên Biển Đông. Bên cạnh đó, vấn đề Biển Đông không còn là mối quan tâm trong khu vực mà còn là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều đại biểu quốc tế, trong đó có nhiều nhà khoa học Việt Nam đã tham dự với nhiều tham luận khoa học về lịch sử chủ quyền của quốc gia trên vùng Biển Đông.

Như vậy cho đến nay nghiên cứu về lịch sử biển đảo Việt Nam nói chung và những nội dung liên quan đến đề tài nói riêng đã có khá nhiều công trình. Các công trình đã đề cập đến nhiều lĩnh vực liên quan đến đề tài, có thể chỉ ra một số đặc điểm của các nghiên cứu trên như sau:

- Các công trình nghiên cứu trong những năm qua tập trung khai thác và công bố nhiều tư liệu, bản đồ cổ (trong nước và các bài báo, bản đổ nước ngoài) liên quan đến quá trình khai thác, thực thi chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển, trong đó nhấn mạnh đến chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các công trình, bài viết chủ yếu khai thác các bản đồ, thư tịch, tư liệu dưới thời

chúa Nguyễn, Triều Nguyễn như các sách Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử ký tục biên, Hội điển, Thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt địa dư chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử cương giám khảo lược… đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn… Bên cạnh đó các tư liệu Hán Nôm ở các địa phương, các tư liệu, bản đồ phương Tây và cũng được khai thác khá nhiều.

- Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu; nhiều đề tài, hội nghị hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế được tổ chức nhằm tiếp tục làm sáng tỏ chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển và hải đảo. Các cuộc hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam trình bày về những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rõ trong chính sử, sách điển chế, sách địa lý, trong Châu bản triều Nguyễn là văn bản Nhà nước dưới triều Nguyễn.

- Các nghiên cứu tập trung nhiều về lịch sử xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa- Trường Sa. Bên cạnh đó một số công trình đề cập đến hoạt động khai thác kinh tế biển, lịch sử tàu, thuyền chiến, lịch sử chống ngoại xâm…

Như vậy nghiên cứu về Biển Đông mà đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là chủ đề không mới, đến nay đã có nhiều nghiên cứu ở các mức độ khác nhau. Những nghiên cứu trên đã đánh dấu những thành tựu đáng kể trong tiến trình nghiên cứu và các tư liệu về chủ đề biển đảo. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để tác giả tiếp thu và kế thừa (đặc biệt ở mặt tư liệu) khi thực hiện đề tài này. Tuy vậy các nghiên cứu trên tập trung nhiều về vấn đề lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trong khi những nghiên cứu về vấn đề bảo vệ vùng biển chưa được quan tâm đúng mức như: hệ thống phòng thủ, công tác tuần tra, kiểm soát vùng biển, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, vận tải công,… đều là những hoạt động quan trọng thường xuyên, liên tục trong suốt giai đoạn độc lập của nhà Nguyễn.

Trên cơ sở kế thừa, phát triển từ kết quả nghiên cứu luận văn thạc sĩ bảo vệ năm 2006 cùng các nghiên cứu có hệ thống của mình [34] - [49], chúng tôi mở rộng về thời gian nghiên cứu đến năm 1885, hệ thống và cập nhật những tư liệu, kết quả nghiên cứu mới nhất để thực hiện luận án tiến sĩ. Quá trình nghiên cứu luận án cũng là quá trình tác giả tham gia thực hiện đề tài khoa học mã số IV4-2011.10

(02/2012/IV/HĐ-KHXH). Tác giả là người tham gia viết các phần liên quan trực tiếp đến hệ thống phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung. Luận án cũng là sản phẩn đào tạo thuộc đề tài khoa học nói trên. Điểm mới trong luận án là chúng tôi bổ sung nhiều tư liệu điền dã là các văn bản Hán Nôm, bằng sắc thủy quân, các văn bia, đặc biệt là các Châu bản triều Nguyễn chưa từng được công bố để nghiên cứu nhằm bổ sung, góp phần nghiên cứu về lịch sử bảo vệ biển đảo dưới triều Nguyễn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

3. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

Đề tài có những mục tiêu sau:

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 3

- Nghiên cứu đầy đủ, khách quan và hệ thống về công cuộc tổ chức, những hoạt động và hiệu quả bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn.

- Nghiên cứu về việc tổ chức và các hoạt động bảo vệ vùng biển, bao gồm cả cửa biển, mặt biển và hải đảo miền Trung của triều Nguyễn nhằm thấy được một cách cụ thể và khái quát về công cuộc bảo vệ vùng biển cũng là bảo vệ quốc gia đương thời. Từ đó, luận án đánh giá những thành công và những hạn chế của triều Nguyễn trong công cuộc phòng thủ và bảo vệ vùng biển cũng như những kinh nghiệm lịch sử góp phần làm cơ sở tham khảo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

- Nghiên cứu về bảo vệ chủ quyền vùng biển cũng là nghiên cứu một phần quan trọng của lịch sử quân sự Việt Nam. Bối cảnh lịch sử xưa nay có khác nhau nhưng những thách thức trong công cuộc bảo vệ đất nước là không hề thay đổi, thậm chí còn phức tạp hơn rất nhiều và bài học mất nước vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vậy, nghiên cứu đề tài sẽ góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Để đạt được mục tiêu trên, luận án thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Phân tích vị trí chiến lược của biển đảo miền Trung trong tầm nhìn an ninh- phòng thủ biển dưới triều Nguyễn. Nêu và phân tích các chính sách của triều Nguyễn trong việc thực hiện các biện pháp phòng thủ và bảo vệ vùng biển.

- Nghiên cứu, đánh giá hệ thống phòng thủ vùng biển miền Trung trong mối tương quan với nhiệm vụ phòng thủ đất nước dưới triều Nguyễn. Nghiên cứu về cách thức tổ chức, huấn luyện và trang bị của thủy quân, lực lượng chủ yếu trong

việc bảo vệ vùng biển, những ưu điểm và hạn chế của thủy quân triều Nguyễn trong mối tương quan với nhiệm vụ bảo vệ biển, bảo vệ đất nước.

- Nghiên cứu các hoạt động bảo vệ và thực thi chủ quyền vùng biển, bao gồm các hoạt động: tuần tra kiểm soát vùng biển, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, chống ngoại xâm. Phân tích những thành công và hạn chế của các hoạt động trên, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những thành công và hạn chế đó.

- Chú trọng nghiên cứu về việc tổ chức bảo vệ và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa dưới triều Nguyễn, nhằm thấy được tính liên tục và quyết tâm khẳng định chủ quyền của các vua triều Nguyễn trên hai quần đảo này.

- Làm rõ đặc điểm, vai trò của hoạt động phòng thủ, bảo vệ vùng biển đối với an ninh, phòng thủ quốc gia nói chung dưới triều Nguyễn làm cơ sở tham khảo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biển ngày nay.

4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Đối tượng của đề tài là nghiên cứu toàn bộ công cuộc tổ chức phòng thủ và những hoạt động bảo vệ vùng biển ở miền Trung Việt Nam dưới triều Nguyễn, được thể hiện bằng những chủ trương, cơ chế tổ chức cũng như những hoạt động cụ thể, sinh động đương thời. Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài có cơ sở đánh giá tính hiệu quả và những mặt hạn chế của các hoạt động này.

Đề tài giới hạn trong phạm vi không gian vùng biển các tỉnh miền Trung Việt Nam đương thời (tương đương với các tỉnh Thanh Hóa tới Bình Thuận ngày nay), bao gồm tất cả vùng biển, bờ biển, cửa biển, hải đảo, chú trọng đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thời gian nghiên cứu trong đề tài từ năm 1802 đến năm 1885. Đây là giai đoạn từ khi triều Nguyễn thành lập đến sự kiện Kinh đô thất thủ, đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Đây cũng là giai đoạn mà việc tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển được thể hiện liên tục và có hệ thống dưới sự chủ trì của nhà Nguyễn độc lập.

5. NGUỒN TƯ LIỆU NGHIÊN CỨU

Để thực hiện đề tài chúng tôi sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Trong đó, nguồn tư liệu quan trọng nhất là các tư liệu gốc liên quan trực tiếp đến triều Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ,

Minh Mạng chính yếu, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí… Đặc biệt nguồn tư liệu quan trọng được chúng tôi khai thác là Châu bản triều Nguyễn. Châu bản triều Nguyễn là tập hợp các văn bản hành chính của triều Nguyễn, bao gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm, truyền, sai, phó, khiển... được đích thân vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là những tư liệu gốc, có giá trị đặc biệt trong nghiên cứu. Ngày 14.5.2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương điều đó càng khẳng định giá trị nguồn tư liệu này.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham khảo một số công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước gồm các nhóm tài liệu như: các báo cáo kết quả công trình nghiên cứu khoa học, sách chuyên khảo, các luận án, luận văn, các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, các tham luận hội thảo quốc gia và quốc tế.

Nguồn tài liệu quan trọng khác là các tư liệu điền dã của tác giả tại miền Trung. Đó là các văn bản Hán Nôm gồm các sắc, bằng, chế, báo cáo của thủy quân; các văn bia, tài liệu địa chí địa phương. Bên cạnh đó, tác giả xác định vị trí, đo vẽ một số di tích còn lại trên thực tế nhằm bổ sung và củng cố các luận chứng trong luận án.

6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để thực hiện đề tài này tác giả sử dụng phương pháp duy vật lịch sử và phương pháp lôgic để nghiên cứu. Trên thực tế đề tài thuộc chuyên môn Lịch sử Việt Nam trung đại, lại nghiên cứu về những hoạt động quân sự, quốc phòng nên để thực hiện đề tài, chúng tôi áp dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu tiếp cận cụ thể là phương pháp Khảo cổ học, điền dã, phương pháp bản đồ. Các phương pháp so sánh, đối chiếu tư liệu, phương pháp thống kê cũng được áp dụng.

Phương pháp điền dã: thực hiện đề tài này, tác giả đã tiến hành nghiên cứu điền dã, thực địa tại vùng biển các tình miền Trung, các di tích liên quan đến hệ thống phòng thủ dưới triều Nguyễn để có cái nhìn thực tế, so sánh với các nguồn tư liệu thành văn. Tác giả gặp gỡ, trao đổi với người dân địa phương, thực hành đo đạc các di tích trên thực tế nhằm góp phần xác định vị trí, kích thước, mục đích, công năng và hiện trạng các di tích.

Phương pháp thống kê, so sánh: tác giả tiến hành thống kê, so sánh các số liệu liên quan đến đề tài như: số liệu về hệ thống các công trình phòng thủ, định ngạch các hạng thuyền cho các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn, số thuyền bọc đồng được đóng dưới triều Nguyễn, tàu thuyền gặp nạn, công tác cứu hộ; thống kê, so sánh về lực lượng thủy quân… Phương pháp thống kê đã cung cấp những số liệu để so sánh và phân tích, làm rõ các luận điểm trong đề tài.

Phương pháp bản đồ: quá trình thực hiện đề tài, tác giả đã nghiên cứu các bản đồ cổ trong và ngoài nước có liên quan đến vùng biển Việt Nam. Tác giả phân tích, so sánh thông tin từ các bản đồ, đối chứng với các tư liệu thành văn và diện mạo thực tế để đưa ra đánh giá cụ thể trong luận án.

Trong xử lý, trích dẫn tư liệu, tác giả chủ yếu sử dụng tư liệu gốc có độ tin cậy cao. Tác giả tiến hành sưu tầm các tư liệu liên quan đến đề tài, đặc biệt chú trọng đến tài liệu gốc như Châu bản triều Nguyễn, các tài liệu Hán Nôm sưu tầm được. Bên cạnh đó, tác giả nghiên cứu thông tin từ các nguồn tài liệu thư tịch như Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí,… đây là những công trình được biên soạn dưới triều Nguyễn và được tổ chức dịch thuật bởi các cơ quan chuyên môn có uy tín. Tuy nhiên có nhiều lý do khách quan, tác giả không thể tiếp cận tư liệu gốc mà phải trích dẫn lại, trong những trường hợp như vậy, tác giả đều ghi rõ nguồn.

7. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN

Luận án là kết quả của một quá trình nghiên cứu có tính hệ thống của tác giả, được hoàn thiện và bổ sung bằng các tư liệu mới phát hiện. Đó là các tư liệu điền dã, bao gồm các văn bia, văn bản Hán Nôm như: sắc phong, bằng, chế, báo cáo… liên quan đến thủy binh triều Nguyễn. Bên cạnh tư liệu điền dã, tác giả đã khai thác các bản gốc tư liệu Châu bản triều Nguyễn liên quan đến đề tài. Nhiều tài liệu Châu bản triều Nguyễn sử dụng trong luận án chưa được công bố. Đóng góp của luận án là cung cấp những tư liệu mới, có hệ thống, khách quan liên quan đến chủ đề bảo vệ đất nước và vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn.

Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu đầy đủ và toàn diện công cuộc tổ chức và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn. Trên cơ sở những tư liệu đáng tin cậy, tác giả đã nghiên cứu và làm rõ những nỗ lực bảo vệ chủ

quyền, an ninh vùng biển của nhà Nguyễn. Việc thiết lập hệ thống phòng thủ vùng biển và các hoạt động phòng thủ tại đây hoàn toàn nằm trong ý thức về chủ quyền dân tộc của nhà Nguyễn khi phải đối phó và đối đầu với một kẻ thù hoàn toàn mới đến từ phía biển với trang bị kỹ thuật và phương tiện vượt trội. Đối với các hoạt động bảo vệ và thực thi chủ quyền vùng biển, đặc biệt là trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, triều Nguyễn đã tiếp tục quản lý và thực thi chủ quyền thường xuyên, liên tục. Các vua đầu triều Nguyễn có công lao rất lớn đối với lịch sử thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Luận án cũng nghiên cứu cách thức quản lý, thực thi chủ quyền, thể hiện ở các hoạt động tuần tra kiểm soát, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, chống ngoại xâm của triều Nguyễn. Đây là những hoạt động thường xuyên nhằm khẳng định chủ quyền và giữ yên vùng biển. Những hạn chế trong bảo vệ vùng biển miền Trung vừa mang yếu tố chủ quan của vua tôi nhà Nguyễn vừa là hạn chế chung mang tính thời đại lúc bấy giờ. Từ những thành công và hạn chế trong công cuộc bảo vệ vùng biển dưới triều Nguyễn, tác giả rút ra một số bài học có thể áp dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

8. BỐ CỤC LUẬN ÁN

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung luận án được kết cấu thành 3 chương như sau:

Chương 1: Cơ sở tác động đến việc tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885

Chương 2: Tổ chức phòng thủ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885

Chương 3: Hoạt động bảo vệ và thực thi chủ quyền vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885.

Chương 1

CƠ SỞ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC TỔ CHỨC PHÒNG THỦ VÀ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802 - 1885


1.1. VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA BIỂN ĐẢO MIỀN TRUNG

Việt Nam giáp với Biển Đông ở hai phía Đông và Nam. Vùng biển Việt Nam là một phần Biển Đông với bờ biển dài 3.260km, khoảng l00km2 thì có l km bờ biển; biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km2 (gấp 3 diện tích đất liền: l triệu km2/330.000km2). Vùng biển miền Trung có vị trí quan trọng trong tổng thể biển đảo Việt Nam, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển. Vùng biển Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng có vị trí chiến lược quan trọng: nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Giao lưu quốc tế thuận lợi, phát triển ngành biển. Vùng biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến

lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Quốc phòng, an ninh: biển nước ta nằm trên đường giao thông quốc tế từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam vì vậy có vị trí quân sự hết sức quan trọng. Đứng trên vùng biển đảo của nước ta có thể quan sát khống chế đường giao thông huyết mạch ở Đông Nam Á. Biển đảo nước ta có tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với sự phát triển; trường tồn của đất nước.

Đảo và quần đảo: vùng biển nước ta có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó: Vùng biển Đông Bắc có trên 3.000 đảo. Bắc Trung bộ trên 40 đảo. Còn lại ở vùng biển nam Trung bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Căn cứ vào vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý kinh tế, dân cư, thường người ta chia các đảo, quần đảo thành các nhóm:

+ Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên các đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/03/2023