Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 19

phá các pháo đài các đồn bảo. Việc ấy đến tai vua, vua sai Tổng đốc Nam - Ngãi là Trần Hoằng gọi biền binh mãn ban của tỉnh ấy để phòng sai phái. Lại sai quyền Chưởng dinh Hổ oai là Đào Trí đi nhanh đến cùng với Án sát là Lê Văn Phổ để giữ thành, Bố chính là Thân Văn Nhiếp, hội đồng với Trần Hoằng đánh dẹp và chống giữ” [155: 567].

Vua Tự Đức sai Lê Đình Lý làm Tổng thống cùng tướng lĩnh và đem 2.000 quân Cấm binh đi chống giữ. Nhân đó vua dụ: “Cửa biển ấy từ Hải Vân đến Câu Đê một dải đều là đường quan báo, phải phòng thủ nghiêm thêm, để tiện thông hành. Người quản đốc lính đạo trước, đạo sau đến ngay đấy, tuỳ nghi đóng đồn, liệu đất đặt chỗ canh phòng, cùng bọn Đào Trí cùng chống đỡ với nhau, chớ để cho quân của Tây dương lên bờ, để xứng đáng chức trách đã uỷ cho. Trần Hoằng, Nguyễn Tài (thự Lãnh binh) không biết phòng bị trước khi có việc, sau lại không biết đốc sức đánh giặc, chuẩn đều cách chức bắt đi trước quân gắng sức làm việc. Bọn Văn Nhiếp, Văn Phổ đều giáng 4 cấp lưu dụng” [155: 567].

Khí thế đánh giặc buổi đầu của vua quan nhà Nguyễn rất sôi nổi, đại quân nhà Nguyễn do Lê Đình Lý đóng tại Hoà Vang (Thực lục chép là Hòa Vinh) được tăng cường 4 thớt voi chiến. Đào Trí đóng quân tại xã Thị An. Tiếp đó, vua cho Đào Trí lấy chức Chưởng vệ quyền lĩnh Tổng đốc Nam - Ngãi. Hồng lô tự khanh tham biện việc Nội các là Nguyễn Duy xin đi quân thứ Quảng Nam, vua cho đi, sai làm Tán lý quân vụ. Thân Văn Nhiếp được giao việc vận tải quân nhu. Vua lại sai Ngự sử là Nguyễn Sỹ Long đi đến Quảng Nam, đốc sức dân phu xay gạo, tải lương đến quân thứ. Tự Đức chuẩn định quân pháp: “Quan quân ở quân thứ Quảng Nam, ai ra trận chém, bắt hoặc bắn chết được giặc, cùng là người chết trận, bị thương, thì lệ thưởng mức cấp tiền tuất đều hậu đãi. Nếu ai nhút nhát rút lui, không cứ là tướng hay quân lính, đều lập tức chém đầu cho mọi người biết răn” [155: 567].

Ở chiến trường Đà Nẵng, Lê Đình Lý chia phái lính và voi đóng đồn ở các sở Chân Sảng, Câu Đê, Nam Ổ, Cẩm Lệ, Hoá Khuê, Kiều Xưởng và cho lính phòng chặn các chỗ yếu hại ở Cẩm Sa cùng cửa biển Đại Chiêm (Hội An ngày nay). Lê Đình Lý xin thêm quân (lúc đó lính ở quân thứ 500), vua Tự Đức lại phái Vệ uý là Nguyễn Biểu đem 200 lính Vũ lâm và rút hơn 400 lính các vệ từ Hải Vân Quan đem

đến thêm. Lấy 350 lính dinh Kỳ võ giữ Hải Vân Quan, đem 900 lính lưu ban tỉnh Bình Định đến quân thứ để dự bị sai phái.

Vua Tự Đức rất sốt ruột, ngày đêm trông ngóng tin tức từ Đà Nẵng: “vua rất suốt ruột, đã dụ nhiều lần, hoặc sai chọn đất đóng đồn, hoặc sai xem cơ hội mà quyết chiến, hoặc sai đêm đến đánh úp, hoặc trách các tướng là lần lữa và chỉ bảo phương lược, có đến vài bốn lần. Đến bấy giờ tin thắng trận còn chậm. Vua cho đấy là bởi viên Tổng thống điều độ sai phương pháp, tướng sĩ chưa hết sức đánh mới đến nỗi thế. Bèn sai Trung quân là Đoàn Thọ, đem tờ dụ đến nơi bảo rõ cái ý yên ủi khích lệ các tướng sĩ và phép đặt đồn luỹ. Lại xét kỹ hình thế đồn luỹ thế của địch, tình của quân, có điều gì chưa đúng, thì bàn bạc để chỉnh đốn lại; xét từ quản vệ trở xuống, các tình trạng giỏi giang hay hèn kém, dũng cảm hay nhút nhát, tâu lên để thưởng phạt. Lại truyền bảo cho tỉnh thần phải trong thì phòng giữ hết sức trấn tĩnh nhân dân, trù tính vận tải lương cho quân, để xứng đáng với uỷ nhiệm được thành công. Lại xét lòng người, đốc việc phòng hộ. Các công việc ấy làm xong, trong 3 hay 5 ngày về tâu lại. Rồi thì Đình Lý lại thừa hành chậm trễ và không đem ngay hiện tình mật tâu lên. Vua lại cho là sợ hãi nhút nhát, ẩn giấu che chở, quở trách rất ngặt” [155: 570].

Quân Pháp tấn công vào Mỹ Thị, phá đồn Thổ Sơn. Tại trận này, Lê Đình Lý bị thương nặng, vua cho nghỉ về quê điều trị (rồi mất sau đó), vua lại phái Chu Phúc Minh tạm thay thế. Quan quân làm sọt tre, đổ đất lấp sông Vĩnh Điện để nước chảy về cửa Đại Chiêm nhằm làm cạn dòng chảy ra Đà Nẵng, khiếm thuyền sam bản của Pháp không vào được nhân đó phòng bị trên bộ. Tấm bản đồ chiến trận lúc bấy giờ cho thấy hệ thống các rào cản này và thuyền chiến của thủy quân nhà Nguyễn cũng được lùi sâu vào bên trong [PL 22]. Tiếp theo, vua cử lão tướng Nguyễn Tri Phương từ Gia Định tới Đà Nẵng làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam, Chu Phúc Minh đổi làm Đề đốc quân vụ.

Đầu tháng 10, thuyền Pháp đi vào sông Hàn và sông Nại Hiên bị Đào Trí và Nguyễn Duy chia quân phục kích đánh thắng. Cũng trong tháng 10, tám chiếc thuyền Tây dương tiếp tục tiến vào sông Nại Hiên, Nguyễn Tri Phương cùng quan quân chia phái bắn phá được thuyền giặc, có cái bị gãy rách buồm, cái vỡ nước vào. Đây là những chiến thắng đầu tiên của quân thứ tại đây. Tuy thế, sang tháng 11,

quân Tây dương bất ngờ đánh vào Hóa Khuê, Nại Hiên làm hiệp quản là Nguyễn Triều, Nguyễn Ân chết trận, quan quân đến ứng cứu không kịp, quân sĩ chết 30 người, bị thương 65 người. Nguyễn Tri Phương phái lính đến sửa lại đồn. Chia đặt lầu canh đồn gác để tiếp ứng cho được nhanh chóng. Đào Trí đem quân sang sông đóng ở xã Mỹ Thị; Chu Phúc Minh, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy mỗi ngày chia nhau đi các đồn, gặp (quân Tây dương 300 - 400 tên) ở quãng giữa 2 đồn Nại Hiên, Hoá Khuê, liền bắn vào, quân giặc phải lui. Tuy thế, liên quân Tây dương chia toán (ước 700 tên) đột nhiên lại đánh lớn vào đồn Hóa Khuê, Thạc Giản, Nguyễn Duy xuýt nữa bị giặc bắt được. Nguyễn Tri Phương khi ấy bận đi khám đồn Chân Sảng vắng. Đào Trí, Chu Phúc Minh cũng không kịp đến cứu viện.

Tình thế Đà Nẵng giữa quân Tây dương và quân triều Nguyễn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương trở nên thế giằng co. Quân Tây dương chỉ dựa thế mạnh ở tàu thuyền còn phía quân Nguyễn, khả năng tấn công không lợi nên sau khi Nguyễn Tri Phương nghiên cứu thế cuộc, dâng lên phương lược “lấy thủ làm lợi”: “Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn luỹ, để dần dần tiến đến gần giặc” [155: 584]. Vua Tự Đức cho rằng, giữ thế thủ như thế có “6 điều hại”, bèn dụ bảo: “Phải tuỳ việc khuyên răn, nhiều cách thi thố, các đạo đề phòng, không để lo về sau, bấy giờ mới chuyên ý tiến sát đến, lần lượt dẹp yên, mới có thể thành công lớn” [155: 584]. Tháng 12, quân Nguyễn Tri Phương có những chiến công đầu tiên từ phương pháp phục kích, đẩy lui các cuộc hành quân của địch. Một trận đẩy lui 200 tên chia 2 đạo đến đánh ở quãng giữa Thạc Giản, Nại Hiên. Một trận quân Tây dương chừng 400 tên từ thành An Hải chia ba mũi tấn công cũng bị phục binh của Nguyễn Tri Phương ở các đồn bắn ra, buộc chúng phải lui. Nguyễn Tri Phương lại cho đắp luỹ từ bãi biển đến các xã Phúc Ninh, Thạc Giản, bên ngoài luỹ đào hố chữ phẩm cắm chông, che cỏ, cát lên trên, chia quân đặt phục binh, sát đến thành Điện Hải. Quân của Tây dương bị mắc vào thế trận của Nguyễn Tri Phương khi chia quân tiến đánh đã bị phục binh trỗi lên đánh, quân của Tây dương sa xuống hố, quan binh giữ luỹ bắn ra, quân của Tây dương phải lui. Nhìn chung, Nguyễn Tri Phương đã lấy lại được thế ổn định ở Đà Nẵng nhưng tình thế chung cũng không mấy khả quan, quân Pháp không tiến thêm nhưng quân Nguyễn Tri Phương cũng chỉ phòng bị. Tự Đức hội các đại thần hỏi việc việc đánh Tây

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

dương, đại thần Trương Đăng Quế cho rằng chỗ quan yếu nên phái quan quân phòng thủ, còn chỗ không quan yếu lắm cũng nên thời thường đi lại trông coi.

Sang đầu năm 1859, diễn ra trận đánh lớn diễn ra tại bãi biển khi thuyền quân của Tây dương vào bãi biển bị bắn chìm được 3 chiếc thuyền tuy nhiên ngay hôm sau, chúng chia quân tiến đánh, phá vỡ đồn Hạ, vậy đánh 3 đồn khiến Hiệp quản là Nguyễn Tình Lương, Lê Văn Khiêm cố sức đánh bị chết trận. Chu Phúc Minh chạy vào đại đồn Phúc Ninh cố giữ. Nguyễn Duy cùng Phan Gia Vĩnh (Phó quản cơ sung Phó vệ úy) đến cứu, đánh giết quân của Tây dương phải lui, quan quân cũng nhiều người bị thương và chết.

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 19

Không chỉ lo nghĩ cho cửa biển Đà Nẵng, vua Tự Đức còn nghĩ đến các cửa biển khác như Cần Giờ, Thuận An cũng cần phải được quan tâm. Vua cho rằng bờ biển Cần Giờ cũng là nơi quan yếu, không nên cho là Tây dương không đến mà sơ phòng. Cửa biển Thuận An là cửa ngõ của Kinh thành, đã sai Trần Tiễn Thành, Nguyễn Như Thăng sửa đắp thành đất các đồn [155: 587]. Ngay trong những ngày đầu có chiến tranh, vua Tự Đức rất muốn nắm rõ tình hình, sức mạnh quân sự của thế lực Pháp nên đã bằng nhiều cách muốn nắm được thông tin đó. Vua thường sai cử các đoàn thuyền ra ra bên ngoài buôn bán nhưng kỳ thực là muốn dò la tin tức [85]. Trong Châu bản triều Nguyễn, có những tư liệu cho biết rõ điều đó. Như bản tấu sau đây là một thí dụ: “Đại thần Viện Cơ mật tấu: Gần đây tiếp công văn của Tuần phủ Nguyễn tỉnh Định Tường có hỏi thuyền bọn buôn nhà Thanh. Bọn ấy được nghe tin tỉnh Quảng Đông có trên dưới 20 chiếc thuyền chạy hơi nước. Bọn Tây đang làm nhiều chiến thuyền nhỏ, ở tầng dưới có thiết kế bơi chèo, khoảng 2,3 chục cái mỗi thuyền có đặt pháo cỡ lớn, nhỏ không biết cụ thể bao nhiêu, để làm trò gì. Vâng châu phê trong đó có khoản: bọn giặc Tây ngông cuồng quá lắm lại nghe chúng chế tạo nhiều thuyền nhỏ, quả không phải là hư truyền như thế tham tâm của chúng không biết chán và hẳn là dòm ngó ta. Cần thông tư cho các địa phương có hải phận, bằng nhiều cách phòng bị nghiêm ngặt, đặt biện pháp như thế nào cho có hiệu quả. Giả dụ phòng chống như thế nào để thuyền nhỏ của chúng không vào được chứ không riêng chú trọng phòng thuyền chiến lớn của chúng mà thôi. Châu phê: Khẩn sức cho các địa phương” [53: tập 104, tờ 173]. Như thế cho thấy triều

Nguyễn cũng rất quan tâm đến tình hình của đối phương và tìm cách bố phòng thêm ở các cửa biển khác.

Trong tình thế giằng co tại Đà Nẵng, địch không thể tiến lại ngày đêm bị quân nhà Nguyễn bủa vây, cộng với khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật hành hạ, buộc chúng phải suy nghĩ chuyển hướng tấn công mới và chúng chọn Nam kỳ. Thực ra, ngay từ những ngày đầu Regault de Genouilly đã tự thấy thực tế rất khó khăn, không như những gì ông được mô tả trước đó. Trong các thư ông viết về cho bộ trưởng, cho thấy tất cả: “chính phủ đã bị lừa dối về một xứ có thể dễ chiếm”. “Người ta nói đến sự thiếu vắng đội quân vũ trang: thực ra đạo quân chính quy rất đông đảo, và đội quân dân là gồm tất cả những người tráng kiện trong nhân dân”. “Đường tới ngoại vi thủ đô nằm trong bóng tối”. “Không thể nghĩ đến việc tấn công Huế bằng đường bộ, xuất phát từ Tourane”. “Huế mới chính là cái nút của vấn đề. Tôi không thể chấp nhận trách nhiệm của công cuộc này, nếu không có những lực lượng mà tôi vừa nêu ra…”. “Vì tôi tin chắc vào thắng lợi của cuộc hành quân vào Sài Gòn, nên tôi sắp đi vào thành phố này” [64: 92-94].

Đánh giá về sự chuyển hướng vào Nam kỳ trong thời điểm đó, trong cuốn Đại Nam quốc lược sử, tác giả người Pháp là Alfred Schreiner cũng thừa nhận: “chúng ta ở tại cửa Hàn kể đã năm tháng rồi, mà không được sự gì, có một điều là thấy tài vật, binh gia thỏn mon lần lần mà thôi, xét về võ công, suy tâm lực quân sĩ, thời thấy phải tìm nơi khác mà đánh” [162: 237]. Rõ ràng thế cuộc cửa Hàn hoàn toàn không có lợi cho họ, cần phải tìm phương cách khác.

Tháng 2.1859, Regault de Genouilly chỉ để lại một số để đóng giữ do đại tá hải quân Faucon chỉ huy, còn lại tiến vào Gia Định, mở thế cuộc mới ở Nam kỳ. Quân số cụ thể lúc này tại Đà Nẵng là bao nhiêu, không có con số cụ thể, Alfred Schreiner căn cứ vào một tờ báo năm 1904 cho biết: “để một toán binh thú ở lại cửa Hàn, có hỏa lực nhiều và đồn lũy chắc chắn lắm, còn người (tức Regault de Genouilly) dẫn đạo chiến thuyền với 2176 quân, trong đó có lĩnh thủ bị, pháo thủ và binh bộ thuộc thủy, mà chạy ngay vào giữa sông Sài Gòn… Ban sơ, đạo binh đi đánh kể đặng 2300 binh, vậy thời để lại cửa Hàn không quá 124 người. Thật cũng có một phần tàu trong đạo chiến thuyền ở đó, có khi người ta cũng có lập một hai đội compagnie An Nam nữa” [162: 238]. Thực hư con số cụ thể thực sự không rõ

bao nhiêu, thậm ngay trận đánh sau đó, Thực lục cho biết quân Tây dương huy động đến 600 người? Nhưng đây thực sự là cơ hội cơ hội phản công cho Nguyễn Tri Phương. Tuy nhiên điều đó đã không trở thành hiện thực, Nguyễn Tri Phương chỉ tổ chức lại thành lũy, tiến sát quân địch và ngày đêm tổ chức quấy nhiễu, không tổ chức trận đánh quyết định nên để mất cơ hội hiếm có.

Trong khi vừa tiến đánh Gia Định thì tháng 3.1859, Pháp với số quân ít ỏi vẫn tấn công tại Đà Nẵng. Theo miêu tả của Thực lục thì quân Pháp chủ yếu dùng chiến thuật đánh bọc hậu làm quân nhà Nguyễn rất khó khăn mới có thể chống trả được. “Quân của Tây dương (ước 600) đến đánh Thạch Than. Phó vệ úy là Phan Gia Vĩnh đem quân nghĩa dõng chống cự lại. Quân của Tây dương quay lại bắn mặt sau trận. Lại vây sát thượng đồn Hải Châu và vây cả hạ đồn. Nguyễn Tri Phương được tin báo, phái Nguyễn Song Thanh đem 300 quân chiến tâm đến tiếp ứng, do Đào Trí làm đốc chiến. Tôn Thất Hàn (Đề đốc), Nguyễn Hiên (Đốc binh) đóng ở Thạc Gián để phòng giữ. Quân của Tây dương tiến lui 3 lần, Hiệp quản là bọn Nguyễn Doãn (ở thượng đồn), Nguyễn Viết Thành (ở hạ đồn) cố sức đánh, giặc phải thua. Tri Phương cho là việc này làm cho lòng người hơi hăng hái một chút, đem việc tâu lên. Vua ban khen” [155: 602]. Ngay sau đó, quân Pháp lại tiến đánh đồn Thạch Than và chịu thua sau 3 ngày bị quân nhà Nguyễn chống trả quyết liệt. Sau trận này, quân Pháp không còn tổ chức tấn công vào nội địa mà chỉ cố cầm giữ. Vua tôi nhà Nguyễn cũng thấy được điều đó, nhưng rất do dự sợ chúng “sinh kế khác” nên chi chọn kế cố giữ: “Tháng trước, quân ta tiếp tục đắp đồn lũy đã gần đến sào huyệt của giặc; chặn đánh luôn mấy ngày, chúng bị thua thiệt. Lại thấy quân ta ngày càng tiến sát lại, chúng bèn lên bộ đánh rất hăng, lại đem thêm tàu máy hơi nước hạng rất to đến. Vua cho là: Đấy là chúng muốn ngăn trở đường ta tiến sát, để rộng địa bộ của chúng và tiện kế cầu hòa. Bèn xuống tờ dụ chỉ bảo các cơ nghi đánh giữ, để đợi có cơ hội tiện lợi. Tháng ấy, chúng cũng chỉ đối lũy mà giữ (thành Điện Hải) tuyệt không lấn áp gì. Vua lại nghĩ chúng hiểm giảo, hoặc giả lại sinh kế khác. Lại dụ bảo lấy phương kế cố giữ cho bền vững, cũng dụ cho đem tình thế của giặc và quân cơ của ta tâu trả lời” [155: 606].

Tháng 5.1859, các mật tâu về phương kế đánh giặc đã cho thấy sự chia rẽ trong tư tưởng đánh giặc lúc bấy giờ, tựu trung nói đến việc tiến đánh hay cầm cự. Đáng chú ý có một số đại thần viện Cơ mật là Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản,

Lưu Lượng cho rằng: “giặc lấy thuyền liền dùng súng nhậy làm nghề giỏi, ở ngoài biển rộng sóng gió, thế ta cũng khó tranh đua được với họ. Về kế sách hiện thời, cũng nên lấy thế thủ làm việc chính, giữ cho vững rồi sau mới có thể nói chuyện đánh hay chuyện hòa được”. Tô Trân, Phạm Hữu Nghi, Trần Văn Vy, Lê Hiếu Hữu, Nguyễn Đăng Điều, Hồ Sĩ Tuấn thì chuyên nói việc đánh và giữ: “Quảng Nam số thuyền của Tây dương hiện đang có ít, chúng đã vào sâu trong lòng sông, còn có cơ đánh úp được. Xin do quân thứ Quảng Nam phòng bị rất nghiêm, đợi chúng vào sâu trong đất liền, ta đánh chúng ở trên bộ để thu công toàn thắng. Quân thứ Gia Định, kịp nên hợp với tỉnh thần các tỉnh, họp sức tiến đánh, cốt cho tàu của Tây dương hẹn ngày đốt phá. Thế quân ở Gia Định đã thắng, thì ở Đà Nẵng cũng có thể lần lượt dẹp tan được. Nếu hòa với nó thì các việc: bỏ điều cấm, cho thông thương, dựng nhà thờ đạo, lập phố bán hàng, trăm cách gian giảo đều bởi trong một chữ “hoà” mà ra cả, các tệ hại không thể nói xiết được)”. Tham tri Bùi Quỹ xin nhà vua bỏ hết lời bàn khác đi mà hãy tự quyết” [155: 610-611].

Nhìn chung thế trận tại Đà Nẵng, trong lúc quân Pháp ít nhưng quân nhà Nguyễn lại không có ý chí tấn công quyết định, chủ yếu giữ thế phòng thủ hoặc phản công khi bị tấn công. Mà muốn tấn công cũng không thu được kết quả, ví như tháng 4 năm 1859, quân của Tây dương chiếm giữ thành Điện Hải, Nguyễn Hiên đem quân đêm đến đánh úp, nhưng không đánh được. Đến tháng 8, quan quân thua to tại mặt trận Đà Nẵng: “Quân của Tây dương giết người đốt nhà bừa bãi (Biền binh chết 52 tên, bị thương 103 tên, nhà của dân bị đốt mất 97 nhà, chết 10 người, bị thương 2 người). Bọn Nguyễn Tri Phương dâng sớ xin nhận tội. Vua sai Phan Thanh Giản, Lê Chỉ Tín đem cờ bài, mang theo bộ viện thị vệ mỗi bên 1 viên, cùng 400 lính ở Kinh đi đến ngay quân thứ Quảng Nam, họp tướng sĩ lại, tuyên đọc Chỉ dụ, chém bọn Văn Đa 3 tên ở trong quân cho mọi người biết. Tri Phương, Thế Hiển và Hiên đều cách chức lưu dụng” [155: 629-630].

Ứng xử của vua Tự Đức trong cuộc chiến với Pháp lúc này là khá sốt ruột, ông thậm chí muốn biết rõ về cách xử trí của Thiệu Trị khi tàu Pháp đến gây hấn ở Đà Nẵng năm 1847 để làm kinh nghiệm ứng xử cho mình [85: 77-78]. Châu bản cho biết ít nhất 2 lần viện Cơ mật trình bày báo cáo dài đến 70 trang về những ứng xử của Thiệu Trị cho Tự Đức thấu hiểu một cách cặn kẽ. Châu bản ngày 18.8 năm Tự Đức 12 (1859) cho biết: “Chúng thần Cơ mật viện phúc trình: Hôm trước thần đã nói rõ

nguyên nhân thuyền chiến người Tây dương vào bến Đà Nẵng năm Thiệu Trị thứ 7, làm phiếu tờ trình lên, vâng được Châu phê: Những yêu cầu của bọn Dương di đã lần lượt phụng sắc chỉ hoặc xử trí ra sao phần nhiều chưa được rõ, nên cứ sự thực làm phiến tiếp tục tiến trình lên. Chúng thần đã tra cứu tường tận thêm, chọn lấy điểm chính đem nhập vào bản phúc trình trước dâng lên. Châu điểm. [53: tập 112]. Ở báo cáo này, viện Cơ mật đã trình bày nhiều nội dung liên quan đến những ứng xử của vua Nguyễn đối với tàu thuyền phương Tây, chủ yếu là thuyền buôn đã nhiều lần đến xin đặt quan hệ buôn bán, thậm chí phạm lãnh thổ nhưng Nhà nước đã hết sức mềm mỏng. Báo cáo cũng cho biết chi tiết việc thuyền Pháp gây sự tại Đà Nẵng năm 1847. Tháng 10.1859, Nguyễn Tri Phương tâu nói về thế cuộc Đà Nẵng rất khó tiến đánh, chỉ cậy phòng giữ làm kế giằng dai. Trong lúc quân Pháp vừa có vũ khí mạnh, chiếm thế thượng phong cả trên bộ và thủy chiến, lại liều chết thì quân mình nhút nhát trước kẻ thù. Toàn quân chỉ có 3.200 quân, rải ra các đồn, giữ còn khó chưa nói đến đánh. Vậy nên “nhân các đồn lũy hiện tại, đặt phục binh để đánh, giữ cho kỹ để đợi, làm kế giằng dai”. Vua quở trách mà rằng: “chiến hay hòa, hay giữ 3 kế ấy, kế nào có thể làm cho giặc phải lui, cho được xếp đặt mà làm, chớ bảo là triều

đình không có người giỏi, tự ngồi để đợi chết” [155: 636].

Tháng 11.1859, quân của Tây dương chuyển hướng tấn công về phía nam Hải Vân, bắn phá pháo đài Định Hải, chiếm giữ đồn Chân Sảng, khống chế đường từ Huế vào Đà Nẵng, đường qua Hải Vân bị nghẽn. Vua Tự Đức sai Thống chế Nguyễn Trọng Thao sung chức Đề đốc quân vụ mang 300 lính Tuyển phong đi chống đánh. Nguyễn Tri Phương cũng nhanh chóng cho sửa đắp đồn lũy chia quân đến đóng các đồn tại đây. Đến tháng 12, vua Tự Đức lại sai khám địa thế Quan Nam đặt đồn canh phòng, sai Nguyễn Hiên, Trần Đình Túc đóng ở 2 đồn Câu Đê, Hóa Ổ đánh để mở đường cái quan đồn Chân Sảng ải Hải Vân [155: 638,640].

Trước tình thế không thể tiến lên, đến tháng Giêng 1860 quân Pháp đã bắt đầu tính chuyện rời Đà Nẵng. Thuyền quân kéo đi nhưng vẫn còn mấy toán đóng ở 2 xứ Chân Sảng, Đà Nẵng. Tháng 2.1860, chúng đốt các đồn sở Chân Sảng, Định Hải, rút lui về giữ Sơn Trà, An Hải, Điện Hải [155: 646,651]. Quân Pháp rút lui tới đâu, quân Nguyễn tiến giữ lại tới đó, đến tháng 3.1860 chúng đốt phá Sơn Trà, An Hải, Điện Hải, đem hết cả thuyền quân kéo đi. Kết thúc chiến trận Đà Nẵng. Như thế, từ 1.9.1858 đến tháng 3.1860, sau 18 tháng tấn công vào Đà Nẵng liên quân Pháp chỉ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/03/2023