Cứu Hộ Thuyền Buôn, Thuyền Đánh Cá Nước Ngoài

gặp nạn sóng gió, thì chiếu công tư phân hạng mà cấp phát” [143: 232]. Thiệu Trị, Tự Đức cũng theo tình hình thực tế để thay đổi cho tiện lợi, phù hợp.

3.4.1. Cứu hộ thuyền công sai

Chức năng của tấn biển, ngoài công tác chuyên môn của một cửa tấn như kiểm soát tàu thuyền, tuần tra cửa biển còn có chức năng quan trọng, thường xuyên hơn là theo dõi thuyền công sai của Nhà nước vào nghỉ đậu, sửa chữa. Các tấn biển cũng tổ chức cứu hộ những thuyền công gặp nạn khi đi qua vùng biển thuộc hạt mình quản lý. Nghiên cứu các báo cáo của các cửa tấn gửi về Kinh đô cho thấy, nếu là thuyền từ Kinh đi Bắc thành thường ghé đậu tại Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Ví như tháng 7.1809, có 65 thuyền vận tải Bắc thành gặp gió ở ngoài phần biển Nghệ An, thủ ngự cửa Luật Hải (cửa Sót) lấy thuyền đánh cá của dân đưa dẫn vào cửa biển [149: 760]. Ở các tỉnh phía nam tàu thuyền qua lại thường ghé tại Đà Nẵng, là cảng lớn, kín gió, phù hợp cho công tác hỗ trợ. Thuyền công sai của nhà Nguyễn thường chuyên chở sản vật địa phương, được tổ chức thành các đoàn đến hàng chục chiếc [58: 874].

Theo thống kê của chúng tôi từ chỉ riêng dưới thời Tự Đức, có 11.984 lần phái thuyền công đi làm nhiệm vụ với 851 lần thuyền gặp nạn (7.1%). Năm 1855, phái nhiều thuyền nhất, có đến 650 thuyền công được phái đi. Năm ít nhất là năm 1862, chỉ 59 chiếc. Thống kê về tỷ lệ gặp nạn hàng năm, cho thấy cao nhất là 27.54%, với 69 thuyền phái đi thì đến 19 chiếc gặp nạn. Năm 1867 là năm có thuyền gặp nạn nhiều nhất, có đến 52 chiếc gặp gió bão làm hư hỏng. Năm 1852 có đến 60 thuyền công tử nạn trên biển. Với 7.1% thuyền gặp nạn cho thấy tỷ lệ rủi ro khá cao đối với các thuyền công sai [PL 4]. Thậm chí việc cứu nạn không phải bao giờ cũng như ý, có khi ngay những thủy thủ cũng lợi dụng việc sóng to gió lớn để ăn cắp của công. Châu bản ngày 3.9 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) cho biết về việc xét xử vụ ăn cắp tiền công trên thuyền ở dinh Quảng Bình. Chủ thuyền là Lê Thành và thủy thủ đã ăn cắp tiền Nhà nước rồi giả vờ nói là sóng to gió lớn làm trôi mất. Bộ Hình giao cho dinh Quảng Bình xét kỹ [58: 818].

Đối với thuyền công sai nước ngoài gặp nạn cũng rất được Nhà nước quan tâm cứu giúp. Thuyền công sai được ứng cứu nhiều nhất là các thuyền công sai của nhà Thanh. Một số thuyền của các nước Đông Nam Á như Xiêm, Mã Lai và cả thuyền

phương Tây. Đối với tàu công sai phương Tây tài liệu chỉ ghi nhận duy nhất một lần cứu thuyền Bồ Đào Nha từ Ma Cao chạy đến đảo Cù Lao “có việc công” gặp gió dạt vào phận biển Quảng Ngãi vào năm 1887, hầu hết tàu phương Tây gặp nạn trên phận biển Việt Nam đều là tàu buôn.

Các thuyền công sai của của nhà Thanh nhiều lần gặp nạn tại vùng biển miền Trung, tất cả đều được cứu giúp và có ghi chép đầy đủ trong các tài liệu của triều Nguyễn. Những ghi chép đều tương đối giống nhau về hình thức, đó là những thuyền ấy từ tỉnh nào tới vì việc gì, gặp nạn tại đâu hay dạt vào cửa biển, phận biển của tỉnh nào, được các cửa biển xử lý cứu hộ theo định lệ và báo cáo triều đình Huế. Ví dụ, tháng Giêng năm Gia Long thứ 7 (1808), thuyền bị nạn của sai dịch nước Thanh là Diệp Phương, Hoàng Phúc đậu ở cửa biển Sa Kỳ, dinh thần Quảng Ngãi đem việc tâu lên, vua sai cấp cho bạc lụa quần áo rồi sai đưa theo đường bộ về nước. Tháng 2.1810, thuyền của Thiên tổng tỉnh Phúc Kiến là Tiêu Nguyên Hầu bị nạn dạt vào cửa biển Cam Ranh ở Bình Hoà, hơn một tháng trấn thần đem việc tâu lên. Vua khiển trách rằng: "sao chậm thế ?". Sai cho Tiêu Nguyên Hầu tiền 30 quan, lụa 4 tấm, vải 5 tấm, gạo 6 phương...”. Điều này được giải thích ngay trong lời dụ của Gia Long: "Thuyền nước ngoài bị nạn, việc giúp đỡ đã có lệ định. Duy Tiêu Nguyên Hầu là người công sai của nước Thanh, cho nên đặc biệt thưởng cấp thêm để tỏ ưu đãi. Các ngươi nên đem ý ấy bảo cho biết". Rồi sai gọi về Kinh, lại cho thêm 100 quan và cho đưa đi đường bộ về nước" [149: 717, 782]. Tháng 12 năm Tự Đức thứ 30 (1877), Hiệp trấn trấn Long Môn nhà Thanh là Ngô Địch Văn bị gió dạt vào phận cửa biển tỉnh Quảng Bình, vua sai quan tỉnh liệu cấp bạc lạng và tiền, gạo phái người đưa về [156: 271]...

Nhìn chung những ghi chép tương tự như trên là khá nhiều trong các sử liệu nhà Nguyễn. Thường thì sử chỉ chép là “thuyền công sai”, nghĩa là thuyền được Nhà nước cử đi thực thi một nhiệm vụ nào đó trong hoặc ngoài vùng biển của mình nhưng vì gió bão mà trôi dạt sang phận biển Việt Nam. Cũng có khi thuyền tuần dương gặp nạn, như sự kiện vào tháng Giêng năm 1833, một chiếc thuyền quân tuần dương Quảng Đông bị gió vào vũng Đà Nẵng, quan tỉnh tâu lên, vua Minh Mạng ban rằng: “đó là thuyền công sai, không phải như thuyền buôn bị nạn”. Vua Minh Mạng sai cấp cho 300 tiền, 300 phương gạo, phái quan qua hỏi thăm và hậu đãi trâu

rượu; thuyền có hư hỏng thì giúp cho, lại đem súng điểu thương, trường thương kiểu có máy tàu mỗi thứ 40 khẩu và thuốc đạn qua tuyên cấp cho [65: 199]. Tương tự, tháng 7 năm 1860, một chiếc thuyền công sai của nhà Thanh do Hoàng Đình Quang ra biển đi tuần bắt giặc cũng đã bị gió dạt vào đồn Kim Bồng, Bình Định, được hỗ trợ sửa chữa thuyền [155: 664].

Các đoàn thuyền của nước Xiêm triều cống nhà Thanh đi qua phận biển Việt Nam và cũng chịu những rủi ro từ gió bão. Tài liệu triều Nguyễn ghi chép một số lần cứu hộ các tàu Xiêm gặp bão gió khi đi triều cống nhà Thanh như vào tháng 5.1815, thuyền của sứ thần Xiêm La sang nước Thanh nộp thuế cống, gặp bão vào đậu ở phận biển Bình Định. Tháng 6.1817, “thuyền sứ nước Xiêm sang nước Thanh, gặp gió đậu vào Đà Nẵng. Rồi thuyền ấy lại bị cháy mất hết cả. Việc tâu lên. Vua nói rằng: "thuyền sứ giả bị cháy cũng như thuyền buôn bị nạn". Sai dinh thần Quảng Nam cấp gạo lương hơn 200 phương” [149: 900, 951]. Bên cạnh thuyền Xiêm gặp nạn khi đi triều cống, dưới thời Nguyễn còn ghi nhận một lần vào năm 1872, cứu giúp thuyền của một tiểu quốc, phụ thuộc Lưu Cầu gặp nạn, trôi dạt vào biển La Hãn, Bình Thuận. Sai Khi được cấp tiền gạo, sửa cột buồm vua còn đặc cách phái Trần Hy Tăng cùng với Nguyễn Văn Thuý, Hồ Văn Long đi tàu Tiệp hoả đưa đến tỉnh Quảng Đông, tuỳ tiện chuyển đến tỉnh Phúc Kiến, đợi đáp tàu về nước [155: 1345].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

3.4.2. Cứu hộ thuyền buôn, thuyền đánh cá nước ngoài

Vào đầu thế kỷ XIX, thị trường phương Đông vẫn tiếp tục thu hút những thuyền buôn phương Tây tìm tới trao đổi hàng hóa. Những thuyền viễn dương từ phương Tây mặc dù được trang bị tốt, thủy thủ có kinh nghiệm đi biển nhưng không tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc trên đường. Nhiều thương thuyền phương Tây đã gặp phải bão gió, đá ngầm hoặc thậm chí là hải tặc trên vùng biển khiến không ít thuyền nhân bỏ mạng. Những người may mắn được thuyền tuần dương Việt Nam ứng cứu kịp thời đều hết lòng ghi ơn.

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 17

Theo tài liệu từ Thực lục, trong giai đoạn trước năm 1883, thuyền phương Tây gặp nạn và được cứu giúp trên vùng biển tại Việt Nam thường bị nạn tại vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ. Tàu Anh một lần gặp nạn tại Hoàng Sa năm 1836 cùng ba lần dạt vào cửa biển vào năm 1862 tại Bình Định, và năm 1872 tại Khánh Hòa, 1 lần dạt vào phận biển Quảng Ngãi năm 1879. Tàu Pháp một lần bị nạn tại Hoàng Sa

năm 1830 và một lần mắc cạn tại phận biển Nghệ An năm 1862, chết đuối rất nhiều. Ngoài ra còn có một số lần tài liệu chỉ ghi là tàu Tây dương gặp nạn, được cấp tiền gạo, thuốc và hỗ trợ về nước. Châu bản ngày 9.7 năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trấn Bình Thuận tâu: “giờ Tuất ngày 2 tháng này thấy thị vệ Nguyễn Văn Tình và thông ngôn Nguyễn Văn Mẫn đem chỉ đến nói, nay có một chiếc tàu buôn bọc đồng của nước Anh Cát Lợi bị chìm ở hải phận Bình Thuận do đâm phải đáy cạn. Ngày 4, thần Đoàn Viết Nguyên kính vâng ý chỉ đem một tháng tiền, lương thực ra cấp phát cho người tàu ấy. Bọn họ kính nhận đều rất cảm động. Thần lại bảo Nguyễn Văn Mẫn nói với họ rằng đợt này sóng gió chưa tiện hãy đợi khi thuận lợi hơn sẽ lo liệu đến các đồ vật. Ngày 21 tháng này, 4 người bọn họ cưỡi ngựa đến trấn, xin đem các hàng hóa còn sót lại trên tàu ra chợ bán để chi dùng. Ngày mồng 7, thần là Đoàn Viết Nguyên cùng Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Mẫn trở về tấn sở, nhưng vẫn lưu viên thông ngôn lại đó cùng viên thủ ngự để tiện cho dân địa phương tới mua bán các hàng hóa và đồ vật còn lại trên tàu. Châu phê: biết cho. Sẽ có chỉ riêng” [58: 731-732]. Bản tấu của thủ ngự Đà Nẵng ngày 27.6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830), cho biết một tàu buôn Pháp gặp nạn tại phía tây Hoàng Sa, được cứu giúp như sau: “thuyền buôn của tài phú Pháp Ê Đoa, thuyền trưởng Đê Ô Chi Ly, phái viên Lê Quang Quỳnh cùng thủy thủ đoàn, ngày 20 rời cảng Đà Nẵng đi Lữ Tống buôn bán. Giờ Dần ngày 27, Ê Đoa và 11 thủy thủ đi trên chiếc tam bản lớn cập cảng nói rằng: canh 2 đêm 21 ở phía tây Hoàng Sa (xứ Cát Vàng) thuyền đụng đá ngầm bị ngập nước. Thuyền trưởng và phái viên còn đi sau. Cảng đã phái thuyền đem theo nước uống đi cứu hộ, giờ Ngọ đã gặp và đưa họ về cảng” [79: 190]. Sáu năm sau, tháng 12 năm Minh Mạng 17 (1836), một thuyền buôn của Anh cũng gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa và được cứu giúp. Việc cứu nạn thường xuyên nhưng trong những trường hợp đặc biệt vua Minh Mạng đã đối xử rất chu đáo bởi coi họ đến từ phương Tây xa xôi, không thông thạo đường biển như người nhà Thanh nên cần được quan tâm hơn như như cấp phát tiền gạo, thuốc chữ bệnh, thậm chí cử cả phái bộ đưa người bị nạn về. Với sự gia ân đặc biệt này, “bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt. Phái viên về tâu, vua nói: “Họ, tính vốn kiệt hiệt, kiêu ngạo, nay được đội ơn chẩn tuất, bỗng cảm hoá, đổi

được tục man di. Sắc sai phái viên sang Tây là Nguyễn Tri Phương và Vũ Văn Giải đưa họ sang bến tàu Hạ Châu, cho về nước” [152: 1059-1060]

Khác với tàu buôn phương Tây gặp nạn không nhiều, thuyền buôn người Thanh là những người gặp nạn nhiều nhất trên vùng biển Việt Nam và họ luôn được cứu giúp theo lệ. Tàu thuyền hư hỏng nhẹ thì được sửa chữa, cho bán hàng hóa, sản vật miễn thuế, cấp lương gạo, hỗ trợ bằng đường bộ trở về hoặc gửi theo các tàu buôn khác về nước. Theo thống kê của chúng tôi, trước năm 1883 có nhiều lần cứu hộ tàu buôn và tàu đánh cá của nhà Thanh như năm 1856, cấp cho thuyền buôn người Phúc Kiến nước Thanh bị nạn gió dạt vào ở Bình Thuận, 1 thuyền người Quảng Đông dạt vào Phú Yên sai nhân tiện đi đáp về nước. Tháng 11.1857, thuyền đánh cá của người nước Thanh bị nạn gió bão dạt đến đỗ ở phần cửa biển Hà Tĩnh. Quan tỉnh cấp cho lương ăn, quần áo rồi chuyển giao về tỉnh Quảng Yên để về nước. Năm 1858 cấp đỡ cho các thuyền buôn bị nạn gió bão gồm 2 chiếc thuyền của người Triều Châu, 1 chiếc dạt vào phần biển Nghệ An, 1 chiếc dạt vào phần biển Quảng Nam. Năm 1859 giúp đỡ cho thuyền buôn nước Thanh bị nạn gió (1 chiếc thuyền người Phúc Kiến dạt vào phận biển Thừa Thiên; 1 chiếc thuyền người Quảng Đông dạt vào phận biển Quảng Nam). Giúp đỡ cho thuyền buôn người người Phúc Kiến dạt vào phận biển Quảng Trị [155]. Năm 1866, cấp tiền gạo cho thuyền bị nạn bão của nước Thanh gồm thuyền đi qua hạt Bình Thuận, bị bão, cứu sống được 407 người. Tháng 6.1876, cấp cho thuyền đánh cá người nước Thanh bị nạn bão dạt vào Cồn Cỏ, Quảng Trị. Tháng 6.1877, thuyền buôn nước Thanh gặp cướp, trôi dạt vào phận cửa biển tỉnh Quảng Ngãi, vua sai quan tỉnh chẩn cấp cho. Tháng 3.1882, hậu cấp cho thuyền Hải Nam 518 người đi đến nước Xiêm làm thuê vì bị bão dạt vào phận biển tỉnh Quảng Bình, quan tỉnh chiểu lệ nạn bão cấp cho. Nay cấp thêm cho mỗi người 3 quan tiền, cho đưa đến cửa biển Đà Nẵng đi thuyền về nước. Tháng Giêng 1883, giúp đỡ cho thuyền buôn Phúc Kiến bị nạn gió bão dạt vào Phú Yên [156: 181, 244, 563, 554] …

Nhiều tư liệu Châu bản cũng cho biết về các lần cứu hộ, hỗ trợ thuyền buôn người thanh như: Tờ Châu bản ngày 2.11 năm Minh Mạng thứ 3 (1822), trấn Thanh Hoa tấu rằng: “tháng 9 có một chiếc thuyền chở 5 người Trung Hoa bị gió tạt vào cửa biển Y Bích, trấn thần đã sức khám xét thấy là thuyền đánh cá, đã tạm cấp tiền

gạo và giữ lại chờ lệnh. Qua đêm 27.10, Thủ ngự Nguyễn Văn Vận và Hiệp thủ Lê Văn Khanh sơ suất nên số người Trung Hoa nói trên đã chạy thuyền đi thẳng. Trấn thần đã tống giam Nguyễn Văn Vận và Lê Văn Khanh tại trấn. Kính tâu đợi chỉ. Châu phê: Do sơ suất, Thủ ngự Nguyễn Văn Vận đánh 80 trượng, Lại mục Lê Văn Khanh đánh 60 trượng” [59: 511-512]. Tờ Châu bản ngày 15.3 năm Minh Mạng thứ 1 (1820), trấn Nghệ An tấu: “nay có tàu Thanh Tước số 4 chở hàng hóa từ Bắc thành vào Kinh bị bão chìm tại cửa Hội trấn Nghệ An. Trấn thành lập tức đến nơi đốc suất mò được tiền và hàng hóa, còn thiếu bao nhiêu cứ số nhân viên trong tàu chiếu lệ cấp chuẩn cấp tiền lương. Châu phê: Trấn này xử lý rất hay. Sẽ có chỉ sau” [59: 442]. Tờ Châu bản ngày 15.11 năm Minh Mạng thứ 4 (1823), tấu của Doanh Quảng Nam: “Ngày 12 tháng này thấy một chiếc thuyền đánh cá của người Thanh dạt vào cảng. Chúng thần đã cử người tới thuyền để kiểm nghiệm, chỉ thấy trong thuyền có 13 dây câu cá, 13 phao ngô đồng và hơn 1000 con cá hồng muối. Bọn họ xin thả neo ở cảng bán số cá hồng ấy để sinh sống đợi thuận gió sẽ trở về. Vì vậy xin dâng biểu tâu trình. Châu phê: Đã biết” [59: 887]. Tờ Châu bản ngày 23.12 năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), tấu của Trấn Nghệ An cho biết ngày 12 tháng ấy có một chiếc thuyền nhỏ vào đậu ở cửa biển. Khám trên thuyền thấy có 3 người Đường (Trung Quốc) và một người phụ nữ. Họ khai rằng họ sống bằng nghề đánh cá, có một chiếc thuyền nhỏ, hàng ngày sáng đi tối về. Ngày 7 tháng ấy, bọn y đi trên chiếc thuyền ấy ra khơi đánh cá thì gặp sóng to gió lớn, bọn y phải trôi dạt theo con thuyền, đến ngày 12 thì dạt vào cửa Quyền và may được toàn tính mệnh. Bọn y còn viết đơn trình rằng nay đang mùa đông không tiện trở về xin ban cấp lương tiền để sinh sống, đợi thuận gió sẽ trở về. Châu phê: Đã biết” [59: 907].

Ngoài thuyền công sai được đối đãi tốt thì vua Nguyễn cũng đặc biệt coi trọng những văn sĩ, như trường hợp của Thái Đình Lan là một thí dụ điển hình. Năm 1835, Thái Đình Lan, một nho sinh người Thanh trên đường đi thi về, đáp thuyền buôn từ Phúc Kiến đi Đài Loan, chẳng may gặp gió trôi dạt vào Lai Cần, thuộc bờ biển Quảng Ngãi. Mãi 4 tháng sau ông mới trở về nước. Thái Đình Lan bị dạt vào bờ biển Quảng Ngãi ngày 13.10.1835, đến ngày 5.11 thì có “châu phê” của Minh Mạng: "người này xuất thân hàng văn sĩ, không may gặp bão lớn lâm nạn, tiền đi đường đã cạn, thật đáng thương. Lệnh cho tỉnh, ngoài việc cấp phát tiền gạo, còn

gia ân ban cho 50 quan tiền, 20 phương gạo để bày tỏ ý thương xót nạn sinh thiên triều. Còn phát cho những người trong thuyền theo số mỗi người mỗi tháng cấp cho một phương gạo". Sau khi có "châu phê" của Minh Mạng, Thái Đình Lan được đối đãi tử tế, còn có ý giữ lại khi ông muốn về nước nhưng cuối cùng cũng "bịn rịn gạt lệ chia tay". Nhà nghiên cứu Đới Khả Lai (Trung Quốc), cho biết: "trước và sau khi Thái Đình Lan phiêu dạt vào Việt Nam, còn nhiều văn nhân, thương nhân, binh sĩ, quan viên và họ hàng của họ cũng bị phiêu dạt, triều Nguyễn đều sắp đặt ổn thỏa. Thương nhân được đưa gửi về bằng đường bộ, còn quan viên, văn nhân và binh sĩ được hộ tống bằng đường biển về phía bắc. Những hiện tượng này có thể nói là một biểu hiện của chính sách hữu hảo đối với Trung Quốc của triều Nguyễn" [99].

Ngoài thuyền buôn nước Thanh chiếm số lượng nhiều nhất, tại vùng biển Việt Nam còn có 3 lần cứu giúp thuyền buôn nước Xiêm. Một lần vào tháng 8.1809, thuyền buôn của người Xiêm gặp gió bão dạt vào bến Đà Nẵng, cấp cho 200 phương gạo [149: 761]. Vào tháng 3.1810, thuyền buôn nước Xiêm La gặp gió dạt vào cửa Đại Chiêm, sai dinh thần Quảng Nam theo số hơn 400 người trong thuyền cấp cho 10 ngày lương ăn, rồi cho về [149: 783]. Ngày 28.5.1849, Tuần phủ Bình Thuận – Khánh Hoà Nguyễn Đăng Uẩn báo cáo về việc có một người dân nước Đô Ba (?) sinh sống ở xứ Yêm Kha (đất Xiêm La) đi thuyền độc một về thăm quê vợ ở xứ Toà Ni, giữa đường gặp nạn, phiêu bạt vào hải phận thôn Vĩnh Hảo, tổng Phú Quý, huyện Tuy Phong nước ta [85: 27].

Như đã nói ở trên, việc giúp đỡ các thuyền nước ngoài gặp nạn rất được quan tâm. Bản thân những người Việt cũng được những thuyền nước ngoài giúp đỡ khi bị nạn trên biển, một số trường hợp được ghi chép lại… Như tháng 3.1808, một thuyền của người Anh đã có công cứu giúp hơn 500 thuyền nhân nhà Thanh gặp nạn trên biển, thuyền đến đậu tại Đà Nẵng, “dinh thần Quảng Nam tâu lên, vua sai cấp thuyền gạo cho tuyền buôn bị nạn rồi sai đưa theo đường bộ trở về nước Thanh, thưởng cho thuyền trưởng người Anh 300 phương gạo” [149: 723]. Tháng 12.1857, chiếc thuyền buôn của người Tây dương bị bão dạt vào cửa biển Đại Áp, tỉnh Quảng Nam. “Trong thuyền có 8 người nước Thanh xin ở lại phố Hội An, đợi thuyền của người Thanh đến thì đáp nhờ. Còn 8 người Tây dương thì xin đi Gia Định đáp thuyền của người nước Thanh về Hạ Châu. Đều chuẩn cho tuỳ tiện, nhưng sai cấp cho tiền lộ phí hằng ngày, các tỉnh luân chuyển nhau đưa đi và cấp cho áo

quần” [155: 552]. Năm 1875, một thuyền dân bị nạn bão ở Bình Thuận dạt đến Hương Cảng được gửi theo tàu Anh về nước. Tháng 3.1880, thuyền nước Anh đưa giúp thuyền buôn Quảng Ngãi bị gió dạt vào Côn Lôn. Vua sai viết thư giao Nguyễn Thành Ý gửi cảm ơn (kèn quà tặng) lãnh sự nước Anh [156: 101, 412].

Có thể nói hoạt động cứu hộ cứu nạn những chiếc tàu không gặp may gặp nạn trên hải phận Việt Nam đương thời có phần chu đáo. Trong con mắt của những người ngoại quốc được giúp đỡ lúc đó đều tỏ lòng mến phục sự quan tâm của người dân và chính quyền. Edward Brown, một thủy thủ Anh bị gió dạt vào mũi Varella (Đại Lãnh) nhưng không may bị hải tặc tấn công, bắt giữ. Ông trốn thoát, lạc vào Hòn Khói, nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhân dân. Trong hồi ký của mình, Brown luôn ca ngợi lòng tốt của người Việt Nam: "Ông lấy làm hổ thẹn mà nghĩ rằng nếu như một thủy thủ người Việt chẳng may bị đắm tàu gần bờ biển Anh quốc thì chắc chắn là người đó không được giúp đỡ và ưu ái như người Việt Nam đã giúp đỡ và ưu ái ông" [89: 132]. Tháng 12.1836 sau khi cứu tàu Anh bị đắm ở Hoàng Sa, “bọn họ đều qùy dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt” [152: 1051]. Tháng 9.1845, “nước Anh Cát Lợi khiến sứ qua tạ ân (bởi vì năm ngoái tàu nước Anh gặp gió bão, trôi vào cửa biển Bình Thuận, nước mình sai quân đưa về, cho nên bây giờ qua tạ ơn). Ngài ban chiếu thơ đáp lại rất tử tế” [65: 336].

Ngoài việc chuẩn cấp lệ cứu nạn, nhà Nguyễn còn có chính sách đối với người đi biển, vì việc công nếu chẳng may bị chết trên biển thì đều chiếu cấp tiền "hậu tuất nạn gió" [114: 583-585]. Các đồn biển ngoài nhiệm vụ giám sát, phòng thủ còn làm nhiệm vụ cứu nạn thuyền công giặp gió, tìm kiếm tàu thuyền, người gặp nạn [114: 585]. Rõ ràng cứu hộ cứu nạn là hoạt động có nhiều đóng góp, hỗ trợ rất nhiều cho tàu thuyền gặp nạn. Nhà Nguyễn đã làm rất tốt hoạt động nhân đạo này.

3.4. CHỐNG NGOẠI XÂM, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN

3.4.1. Những cuộc đụng độ của nhà Nguyễn với thực dân phương Tây trước năm 1858

Cho đến trước khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam vào năm 1858 thì trước đó đã có nhiều cuộc thăm dò và đụng độ của bọn thực dân với quân đội nhà Nguyễn tại cửa biển miền Trung. Việt Nam nằm trong sự nhòm ngó của phương Tây từ rất sớm. Ngay từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên, ý định đánh chiếm và nô dịch đã nảy sinh trong đầu óc của chúng. Không khó để tìm ra

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/03/2023