Tăng Cường Phòng Thủ Tại Các Cửa Biển Miền Trung (1858-1883)

có thể đánh chiếm các thành đồn mà không thể tiến sâu vào nội địa cũng như kế hoạch đánh chiếm Đà Nẵng để mở đường ra Huế đã thất bại. Sau khi kẻ thù rút đi, vua “dụ sai quan quân thứ Quảng Nam tính kỹ để phòng bị; và các địa phương có bờ biển canh phòng, phải phòng giữ cho nghiêm” [155: 652].

3.4.2.2. Tăng cường phòng thủ tại các cửa biển miền Trung (1858-1883)

Ngay sau biến cố Đà Nẵng năm 1858, bên cạnh việc phái quân sĩ tập trung tại chiến trường Đà Nẵng thì các cửa biển khác cũng tiếp tục được tăng cường phòng bị, trong đó đặc biệt quan tâm đến Thuận An. Ngay từ tháng 10 năm 1858, “vua ra lệnh cho các tỉnh nam bắc đặt pháo đài, đồn canh ở các chỗ quan yếu chia đặt súng và khí giới để thời thường phòng bị kiểm soát” [155: 679].

Tại vùng biển Nghệ An, Thanh Hóa khí thế cũng sẵn sàng. Theo Châu bản ngày 27 tháng 9 năm Tự Đức 11 (1858), bản tấu của bộ Binh cho biết việc bố trí thuyền binh chặn đánh thuyền Tây ở vùng biển Nghệ An, Thanh Hóa: “Bộ Binh tâu: Ngày 24 tháng này nhận được tập tâu của Tổng đốc Hải Yên Nguyễn Quốc Cẩm trình rằng: Tỉnh Nam Định gửi tư văn đến cho biết tỉnh nhận được tư văn của Thanh Hoá nói là có 1 tàu của Tây từ phía Nam tới vào thả neo ở vịnh An của Nghệ An, sau lại đến tấn Biện Sơn tỉnh Thanh bắn vào đồn luỹ. Tỉnh đã điều thuyền chiến đóng ở ngoài khơi để ngăn chặn, vậy gửi tư mong được xem xét. Nay xét lời trình trong tập tâu bộ thần, xin cung nghĩ phụng chỉ: Nguyễn Quốc Cẩm của tỉnh này có trách nhiệm giữ đất, nên triển khai công việc thế nào để tuỳ cơ phòng giữ cốt sao dẹp xong lũ phỉ và trong vùng được yên ổn cho xứng với sự uỷ nhiệm. Châu điểm” [53: tập 96, tờ 63].

Tháng 9 năm Tự Đức thứ 12 (1860), Tự Đức có “chỉ dụ tối thượng” đến toàn thể nhân dân, thể hiện rõ quyết tâm đánh Pháp. Sau khi chỉ rõ “lòng lang dạ thú” của kẻ thù: “Trẫm đã thấy rõ các điều này, vì thế Trẫm ra lệnh cho tất cả ai sinh sống nơi ven biển phải xây thành đắp lũy phòng thủ, canh phòng nghiêm ngặt, chuẩn bị dùng vũ lực mà đánh tan ý đồ của bọn man rợ xâm phạm vào lãnh thổ của Trẫm”. Chỉ dụ viết tiếp: “cho nên Trẫm vẫn nỗ lực kêu gọi tìm phương tiện đánh đuổi chúng, phá tan âm mưu gian trá của chúng… Ngay bây giờ, Trẫm ra lệnh cho tất cả những ai, ở bất cứ nơi nào có đường đổ ra cửa biển hay nằm ở vị trí phòng thủ phải nỗ lực cảnh giác để không có gì phải hối tiếc” [126: 301 - 302]. Qua chỉ dụ trên có thể thấy quyết tâm tìm mọi phương cách đánh đuổi giặc Pháp xâm lược của vua Tự Đức.

Tại Hà Tĩnh, tuy không có nhiều cửa biển lớn nhưng công tác bố phòng cũng được quan tâm, bản tâu của bộ Binh ngày 23.2 năm Tự Đức 20 (1867) cho biết về việc phòng bị vùng biển tỉnh này. Khâm phái Lê Hữu Thường, Tôn Thất Tích đạo Hà Tĩnh trình bày các việc khám đạc việc phòng giữ ở vùng biển Hà Tĩnh và một bức bản đồ đều mang dâng trình lên. Bộ Binh tham mưu cho rằng các khoản đã từng được quan Khâm phái và các quan tỉnh đó khám đạc cũng là căn cứ theo hình khí mà tuỳ nghi giải quyết nên chuẩn y: “Duy khoản dựng đồn ở xứ An Áo cũng giống ý kiến với bộ Công. Phụng chỉ: Việc dựng đồn nên đặt trong số chọn đổi một khẩu đại bác oanh sơn ngõ hầu hợp được sự tính toán. Ngoài ra y tấu.[53: tập 160, tờ 97].

Tại Thuận An, vua sai lấy xích sắt chắn ngang cửa biển, đắp lũy đất ở Qui Lai, Thuận Hóa và đắp thêm ở Cáp Châu, Cồn Sơn, Hòa Duân. Cho đặt súng đồng “đại tướng quân” tại các bảo (Trấn Hải Thành 2 súng vô địch đại tướng quân và 1 súng trấn uy đại tướng quân; ở lũy đất Cáp Châu một cỗ súng trấn uy đại tướng quân). Tới tháng 2.1859, cho đắp 3 lũy đất ở các đồn Hy Du, Lộ Châu, Hải Trình. Về sau, các đồn này tiếp tục được tu bổ, đắp thêm lũy hay cọc gỗ. Tháng 2.1859, đặt súng lớn bằng đồng và đạn chấn địa lôi ở các đồn bảo tại cửa biển Thuận An, đóng thêm quân để phòng thủ. Phái Chưởng vệ Thủy sư là Mai Viết đem 500 lính ở bảo đến đồn Thanh Phúc luyện tập đánh trận thủy bộ. Nguyễn Như Thăng, Trần Tiễn Thành được giao coi quản nhiệm vụ này [155: 601].

Vẫn chưa yên tâm về thành, đồn và vũ khí tại Thuận An, tháng 2.1859, Hội đồng Cơ mật tham mưu vua Tự Đức phải thực hành bắn thử. Dự đoán thuyền địch vào cửa biển qua vị trí nào, cho bắn thử rồi giữ vị trí ngắm phòng khi nguy cấp thì dùng đến: “Sức cho lính pháo thủ, ngắm đo đích, ngắm súng dựng lên làm đích, diễn tập bắn đạn thật vào đấy, cốt cho phải trúng. Bấy giờ đem súng ấy chiểu theo đích ngắm súng để nguyên như cũ, để phòng lâm thời bắn súng ấy” [155: 600].

Tháng 4.1859, thời điểm quân Pháp - Tây Ban Nha đã tấn công thắng lợi ở Gia Định (từ tháng 2), vua Tự Đức rất lo lắng cho Thuận An, ông cho rằng tại Quảng Nam “đồn lũy hào hố mười phần vững chắc, quân của Tây dương còn dám đánh phá. Cửa biển Thuận An thế hiểm không bằng Quảng Nam, chỉ trông cậy vào súng lớn. Bởi thế, vua sai Tôn Thất Thường vốn am hiểu trận mạc đến Thuận An bàn tính phòng bị. Từ đó ông cho rằng cần tăng cường pháo ở pháo đài Hòa Duân để

bắn chéo lối vào nội địa. Ngoài ra còn đào ngòi, hố, cắm chông, mở nhiều lỗ châu mai, hoặc đặt cấp để tiện việc phục bắn. “Liệu mà xếp đặt, dẫu lính Tây dương nghìn vạn người kéo đến, cũng không thể nào đến gần được, mới là ổn thỏa” [155: 605].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

Sau khi quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng, tháng 4.1860, Tự Đức triệu các đại thần bàn tính việc phòng giữ cửa biển quan trọng này, trong đó có một ý tưởng táo bạo là ngăn lấp vịnh biển để tàu thuyền Pháp không vào được. Sau khi cân nhắc lợi hại cảm thấy đó là một công việc khó khăn, mất nhiều sức người sức của cũng không dễ đạt mục đích, nói như Phan Thanh Giản, đó là việc rất khó nhọc trọng đại, phải vài ba năm mới có thể xong được. Cuối cùng đại thần Trương Đăng Quế cùng các quan quân thứ lại xin đình việc lấp vụng biển, chuyên việc nhân chỗ hiểm yếu mà phòng bị. Vua theo lời bàn ấy và cho tập trung vào Thuận An [155: 655].

Nhìn chung từ sau khi liên quân Tây dương tấn công tại cửa biển Đà Nẵng, vua Tự Đức rất lo lắng, ngoài việc cắt cử tướng tài tới trận địa, ông cũng lo lắng cho các cửa biển còn lại, trong đó đặc biệt lưu ý đến cửa biển Thuận An, cửa ngõ của Kinh đô. Ông cử những đại thần đương thời trông coi công việc quan trọng này và hàng tháng thường xuống Thuận An, Tư Hiền xem tập trận và bố phòng. Mỗi lần đi đến 5-6 ngày, có tháng đi đến 2 lần.

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 20

Châu bản ngày 15.4 năm Tự Đức 12 (1859), các đại thần Trương Đăng Quế, Phan Than Giản, Lưu Lượng viện Cơ mật truyền mật dụ của vua Tự Đức cho biết từ khi có chiến sự với giặc Tây, triều đình đã nhiều lần hạ dụ cho các địa phương ven biển phải canh giữ vùng biển chống giặc Tây: “Lần này bọn giặc Tây vào gây sự ở vùng biển Đà Nẵng, Trẫm đã nhiều lần hạ dụ bảo các địa phương phải phòng ngự nghiêm cẩn. Tháng trước đây lại mới truyền dụ hai tỉnh Nam Định, Hải Dương tuân theo lời chỉ dụ trù biện: Trong đề phòng ngoài chống giữ, cốt làm sao cho làng xóm được yên tĩnh. Quân tinh sĩ dũng phàm các đồn luỹ ở ven biển ngăn giặc cần thật kiên cố, không được một mảy may lơi lỏng. Bọn giặc Tây ở hạt ấy vốn gây lòng oán hờn trong dân, phải gắng sức bảo vệ địa phương, nếu không được như vậy tất sẽ trị tội nặng. Châu điểm”. [53: tập 107, tờ 58].

Bản tấu của tướng Nguyễn Tri Phương tháng 7 năm Tự Đức 20 (1867), căn cứ vào tình hình cụ thể của các cửa biển để tăng cường phòng bị. Bá quan văn võ trong triều cũng cho rằng cần phải thiết lập riêng chức Đề đốc, Bang biện chuyên đốc

thúc việc phòng bị ở vùng biển với tinh thần ngày ngày suy nghĩ làm sao đánh phải thắng, giữ phải vững. Kinh đô được ưu tiên thứ nhất, thứ đến là Quảng Nam: “Xét thấy cửa biển ở Kinh đô là nơi xung yếu nhất mà Bình Thuận trở về phía nam là vùng đất liền với Thi Nại của Bình Định và Đà Nẵng của Quảng Nam, là cửa biển sâu rộng. Lại là vùng đất quan trọng của Tả Kỳ, Kỳ Phụ. Nam Định, Hải Dương trở về phía bắc vốn là vùng giàu có người đông, là cửa tấn cũng sâu rộng. Nếu bọn chúng có ý đồ xấu thì chúng sẽ gây hấn ở các nơi đó mà Quảng Nam, Đà Nẵng lại gần với Kinh đô thì phải phòng bị. Kinh đô là nhất, thứ đến là Quảng Nam. Xét theo số biền binh hiện có, chọn lấy số lính khỏe trong số lính đó quản lĩnh để tùy thời huấn luyện và binh khí là để lính dùng khi cần thiết nên truyền cho thường xuyên diễn tập để cho lính tráng kỹ thuật tinh thông để đủ sai phái khi cần đến. Châu phê: Nói mà không lượng không phải là tấu đối” [53: tập 164, tờ 110].

Châu bản ngày 21.1 năm Tự Đức 27, Bản tấu của bộ Công cho biết việc chuẩn bị các hạng súng pháo, khí giới rào gỗ, thiết long, mộc long và các biền binh trú giữ đồn lũy phòng vệ miền biển và cửa Thuận An: “Ngày 13 lại được Châu phê: Các loại thuyền phòng vệ tuần tiễu trên sông biển đã cho về sửa chữa và đợi sai phái. Đem các hòm đá thả xuống để lấp các chỗ nông 2 bên cảng Lộ Châu. Đến mùa hè nước nông dần sẽ dùng sức đắp thêm đất xây thành đê thật kiên cố. Bộ thần bàn bạc trình bày cho các viên sứ thần phòng tiễu vùng biển là Trần Tiễn Thành đợi ngày khác cùng đến khám xét kỹ càng, xem nơi nào ở cảng ấy có thể lấp được thành đê sẽ hết lòng liệu tính. Rào gỗ ở cảng ấy xin nên dỡ về và các hòm gỗ nguyên đặt chìm cũng xin xét phái các viên thủy sư, quản vệ và bọn biền binh đem ô thuyền, thuyền sông... đến vớt lên để tránh lâu ngày bị mục. Còn các rào gỗ xin tuân theo lời phê bảo vẫn giữ lại để phòng bị. Châu điểm” [53: tập 258, tờ 50].

Trong khi cuộc chiến với thực dân Pháp có nhiều bất lợi, mất 3 tỉnh rồi 6 tỉnh Nam kỳ, tiến đến Pháp lại quẫy nhiễu miền Bắc, đánh thành Hà Nội, Nam Định làm Tự Đức vô cùng lo lắng, mật tư cho các tỉnh từ Quảng Nam trở vào nam đến Bình Thuận, Quảng Trị trở ra bắc đến Ninh Bình biết, đều biết để bụng đề phòng [156: 518]. Tại các cửa biển Kinh sư, đặc biệt từ đầu năm 1883, công tác phòng thủ được đặc biệt đẩy mạnh khi nhà Nguyễn nhận thấy áp lực từ thuyền chiến Pháp qua lại nơi đây. Từ tháng 2. 1883, trước tình thế căng thẳng, quân Pháp kéo qua đông, vua cho

phái thêm 500 biền binh đóng thêm ở các đồn Lộ Châu, Triều Sơn. [156: 560]. Tháng 3, đặt thêm súng đại bác 20 cỗ, quá sơn 30 cỗ ở đồn trước đồn sau Lộ Châu [156: 611]. Nhìn chung vua tôi nhà Nguyễn đã ý thức rất rõ nguy cơ quân Pháp sẽ tấn công và chăm lo công tác phòng bị tại cửa biển Thuận An, cửa ngõ Kinh đô.

3.4.2.3. Thuận An thất thủ

Những ràng buộc của các bản hiệp ước Pháp – Việt không làm cho triều đình Tự Đức quên đi nhiệm vụ quốc gia. Theo A. Delvaux, “từ tháng 5.1880, triều đình Huế quyết định chống lại nước Pháp trong trường hợp bị tấn công, quyết định đó phần lớn do công trình của ông Tôn Thất Thuyết, là đại thần đảm nhận trọng trách bố trí phòng thủ” [60: 41]. Tuy thế, cũng trong thời gian này, quân Pháp thăm dò ráo riết cửa Tư Hiền, Thuận An, chúng cho thuyền ván xuống đo cửa biển, phía triều Nguyễn không có hành động kiên quyết vì sợ gây hiềm khích.

Tháng 7 năm 1883, Pháp mang 6 tàu chiến từ Bắc kỳ chạy đến Đà Nẵng, quan viện Cơ mật cho rằng đây là cơ hội để tiến đánh quân Pháp ở Bắc kỳ, song quân Pháp không phải ngẫu nhiên kéo đến đóng tại Đà Nẵng, nơi 12 năm trước chúng đã phải rút lui sau 18 tiến đánh không thành. Tự Đức lúc này có lý do để lo cho Thuận An nên đã đốc xuất sai Chưởng vệ là Nguyễn Văn Sỹ mang cờ lệnh, ngự bài binh sự giao cho Tôn Thất Thuyết được tùy nghi làm việc với lời nhắn nếu giảng hoà được, cũng nên tòng quyền làm kế hoãn binh.

Nỗi lo của Tự Đức đã trở thành hiện thực, ngay khi hội đủ quân tại Đà Nẵng, thực dân Pháp đã tiến đánh Thuận An với 8 tàu chiến chúng mang chiến thư tới Thuận An dưới sự chỉ huy của Thủy sư Đô đốc Courbet. Cũng như lần trước đánh Đà Nẵng, chúng chủ động khai hỏa vào các thành, đồn tại cửa Thuận An khi quan quân tại đây chưa kịp phản ứng. Chúng mất 3 ngày bắt phá liên tục mới hạ được hệ thống phòng thủ dày đặc tại đây. Picard Destelan một chỉ huy trận đánh chiếm tại Thuận An cho biết: “Hai bên eo biển là 2 pháo đài trong đó người An Nam tập trung tất cả các phương tiện phòng thủ. Trong 10 năm họ làm việc không biết mệt mỏi để bố trí hỏa lực một số lớn đại bác có cỡ khá lớn và rất nặng. Các cách phỏng thủ đó có thể là rất mạnh và ít nhất cũng có tác dụng chống giặc Trung Hoa. Các nơi ấy đã chịu đựng anh dũng ba ngày pháo kích và nếu những người xạ thủ ấy mà khéo léo hơn nữa thì chúng tôi cũng bị khá nặng đấy. Những người ấy không thiếu gan

dạ. Đối diện bãi tắm của vua trên bãi cát có một khẩu đội bốn đại bác nhiều cỡ, tổ chức vụng về đặt trên cát lún đã làm thán phục cả hạm đội Pháp. Dưới làn mưa đại bác trong ba ngày, khẩu đội ấy vẫn bắn trả tất cả các điểm pháo trên hạm đội, khẩu đội này ngắm từ cao và xa mà nã đúng, không cần đến lần thứ 2, chiếc “Vipère” đậu đối diện và còn chuyển bắn cả chiếc “Bayord” thiết giáp hạm. Những pháo thủ đều hy sinh dũng cảm bên khẩu đội. Ngày thứ 3 khi đổ bộ, khẩu đội bị tấn công bất thình lình: các thủy thủ vừa bò để tiến, lợi dụng địa hình của bờ đất lồi lõm ở đoạn đó và đã đánh bọc hậu, các pháo thủ bị tiêu diệt bên khẩu đội. Họ đã ngã xuống trên cát, các khẩu đại bác tuyệt vời ấy...” [109: 236-237].

Sách Thực lục chép về việc Thuận An thất thủ tuy ngắn gọn nhưng cho thấy khí thế của quan quân không phải là yếu hèn như miêu tả của quân Pháp: “Nước Pháp phái đem tàu binh (8 chiếc) đánh lấy thành Trấn Hải cửa biển Thuận An. (Từ ngày 15 đến ngày 18, đánh bắn suốt ngày), quan giữ cửa biển là Lê Sỹ (Hữu quân), Lê Chuẩn (Thống chế), Lâm Hoành (Tham tri), Nguyễn Trung (Chưởng vệ) đều chết trận” [156: 589]. Trong chiến trận Thuận An, Trần Thúc Nhẫn, Phạm Như Xương được cử đến thương thuyết nhưng gặp tàu Pháp đánh bắn luôn mấy ngày không ra cửa biển được (đến lúc thành Trấn Hải không giữ được Trần Thúc Nhẫn tự nhảy xuống biển chết). “Quan giữ cửa biển là Lê Sỹ đều chia quân đóng giữ các đồn, chống giữ được 2 ngày, phái viên nước Pháp bèn chia quân xuống thuyền gỗ sam theo đường sau Thai Dương đánh úp. Đạo quân Trương Văn Đễ thua chạy, quân Pháp thừa thế tiến đánh, đại bác từ tàu bắn vào, Lê Sỹ, Lê Chuẩn, Lâm Hoành, Nguyễn Trung đều bị bại, quân chạy tan, thành bèn mất” [156: 589].

Ngày 21.8.1883, quân Pháp chiếm và làm chủ Thuận An. Hôm sau, phái đoàn An Nam xuống Thuận An thương thảo nhưng Harmand cho biết ông chỉ ký hiệp ước tại Huế và chấp nhận đình chiến với các điều khoản có lợi về quân sự. Đó là phía An Nam phải vô hiệu hóa 12 pháo đài trên đường từ Thuận An tới Huế. Phá hủy các kho đạn, 2 đập chắn...; trả lại cho Pháp 2 chiếc tàu Pháp trong số các tàu đã cho vua Tự Đức theo hiệp ước năm 1874. Ngay khi các điều trên được chấp nhận phần nào, phái đoàn Pháp mới lên Huế, mở lại cuộc thương lượng tại nhà phái bộ vốn được đóng cửa trước đó do căng thẳng giữa đôi bên. Kết quả của cuộc thương lượng là hiệp ước Harmand ra đời trong đó đáng chú là số phận của các pháo đài ở

Thuận An vốn là công sức, tâm huyết của vua quan nhà Nguyễn, biểu tượng của lòng tự tôn, sức mạnh phòng thủ phải giao lại cho Pháp quản lý.

Tới năm 1885, khi tướng De Courcy vào Huế thì không còn sự kháng cự nào nữa từ triều đình Huế. Thậm chí, chính quyền còn phải phái thuyền xuống Thuận An để chở chúng lên chỉ với mục đích kiểm soát được số binh lính tới. Chúng ta có thể tìm thấy thông tin này trong bài viết của Claude Anttoine Poupard, ghi lại những kỷ niệm của chính mình từng tham chiến việc chiếm Huế năm 1885: “từ cửa Thuận An chúng tôi lên Huế trên những chiếc thuyền tam bản mà chính quyền An Nam đã phái tới, mà mỗi vị trưởng thuyền đều đã nhận lệnh đếm chúng tôi, với mục đích là khi chúng tôi đến nơi, thì ông Thượng thư bộ Binh Thuyết biết được một cách trọn vẹn quân số của chúng tôi" [127: 286].

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trong đó một phần quan trọng đến từ vũ khí của kẻ thù. Sự thua thiệt về vũ khí cũng như tinh thần khiến cho quân Nguyễn tại Đà Nẵng không những không chống cự nổi những đòn phủ đầu mà còn “chạy tan tác” như báo cáo của bộ Binh ngày 27.11 năm Tự Đức thứ 11 (1858) là một thực tế không thể phủ nhận [85: 59]. Một Châu bản khác là một báo cáo của viện Cơ mật về nguyên nhân thất bại của quân triều đình tại Quảng Nam và Gia Định cũng được gói gọn với lý do “giặc có vũ khí mạnh hơn” [85: 67-68]. Ngay các đại thần viện Cơ mật là Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Lưu Lượng cũng từng nhận định “Giặc lấy thuyền liền dùng súng nhậy làm nghề giỏi, ở ngoài biển rộng sóng gió, thế ta cũng khó tranh đua được với họ” [155: 110,111]. Còn Nguyễn Tri Phương, danh tướng lẫy lừng nhất đương thời thì thừa nhận: “Quân của Tây dương dưới nước trên bộ dựa nhau, ta khó chống chọi với họ, việc thủy chiến làm không được tiện. Vả lại quân của Tây dương súng nhỏ súng lớn đã giỏi, chúng lại liều chết. Quân ta nhút nhát bỡ ngỡ, đánh trên bộ, cũng không địch nổi nó [155: 636]. Một người khác là Nguyễn Bá Nghi, tuy muốn nói đến sức mạnh của Pháp để chủ yếu nói đến chữ hòa, nhưng trong lời tâu của ông, hẳn không phải không có lý khi cho rằng đã tai nghe mắt thấy “mới tin là thật” về sức mạnh của quân Pháp và thế yếu của quân triều đình: “Tôi vẫn nghe người nhà binh nói: người Tây dương tàu thì chở đi như bay, súng thì bắn suốt được thành đá vài nhận, bắn xa hơn 10 dặm. Có được vài thứ binh khí ấy, muốn đánh khó lòng đánh được họ, muốn giữ cũng khó lòng giữ được họ. Nhưng lòng tôi vẫn chưa tin.

Mùa xuân năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), thuyền Tây dương đến Đà Nẵng bắn phá 5 chiếc thuyền bọc đồng lớn của ta mà không đầy vài khắc. Lúc ấy tôi quyền Bố chính Quảng Nam, chính mắt đã trông thấy, mới tin là thật. Từ 3 - 4 năm nay, lính ta không phải là không dũng cảm, súng ta không phải là không mạnh, thành lũy của ta không phải là không bền, thế mà không đánh được Tây dương là vì thuyền súng của họ rất tốt, đạn súng bắn đi xa mà mạnh đấy thôi. Nhưng các quan ở quân thứ, không biết tính sức mình sức giặc, miễn cưỡng đánh mãi, đến nỗi nay lại có việc thất bại ấy... Vả lại, bờ biển của nước ta dài suốt, mà từ lúc đánh nhau với họ đến nay, những lính thủy thuyền quân, vì tránh cái nghề sở trường của họ đã bỏ đấy không dùng, thế là binh lực của ta đã giảm đi một nửa, chỉ cậy có súng lớn và thành lũy làm kế đánh giữ, mà việc đánh giữ lại khó làm lắm" [155: 715] .

Như vậy, mặc dù có rất nhiều cố gắng trong việc tổ chức bố phòng, kháng chiến, huy động nhiều sức lực cho cuộc chiến chống ngoại xâm, quan quân nhà Nguyễn và nhân dân đã chống đỡ được cuộc tấn công vào Đà Nẵng, khiến chúng phải rút lui sau 18 tháng không thu được kết quả, tuy thế, nỗ lực cuối cùng đã bị khuất phục bằng thuyền lớn và đại bác. Thuận An thất thủ - cánh cửa Kinh đô đã được kẻ thù phá bỏ, dọn đường đến Huế với những hiệp ước, để rồi kết thúc bằng một nỗ lực cuối cùng của phe chủ chiến mà kết quả không như mong đợi, lịch sử dân tộc sang giai đoạn mới.

* Tiểu kết chương 3

Triều Nguyễn đã rất quan tâm đến các hoạt động bảo vệ và thực thi chủ quyền trên vùng biển miền Trung. Các hoạt động chủ yếu là tuần tra kiểm suát vùng biển và hải đảo. Hoạt động tuần tra kiểm soát có mối quan hệ mật thiết với các hoạt động phòng chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn và hỗ trợ vận tải công. Đó là sự kết hợp vừa bảo vệ trật tự trị an vừa hỗ trợ hoạt động khai thác kinh tế biển nhà nước. Các hoạt động này được tổ chức thường xuyên dưới triều Nguyễn. Tuy còn những hạn chế nhất định nhưng các hoạt động trên đã trực tiếp giữ yên vùng biển, thể hiện quyền làm chủ thực sự của triều Nguyễn tại vùng biển miền Trung, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Triều Nguyễn đã tích hợp hoạt động của Nhà nước với địa phương, của thủy quân, dân binh và dân phu để quản lý và khai thác tại quần đảo này. Những thông tin về quá trình khai thác tại Hoàng Sa dưới triều Nguyễn đều được thể hiện trong Châu bản và chính sử triều Nguyễn cũng như sự ghi nhận của người nước ngoài thể hiện trong các ghi chép và trong bản đồ thế giới lúc bấy

Xem tất cả 235 trang.

Ngày đăng: 05/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí