Hệ Thống Các Công Trình Phòng Thủ Vùng Biển Các Tỉnh Hữu Kỳ

Nông thừa biện 1 viên, thuộc lệ 10 tên. Nhìn chung các tấn sở vùng Phú Yên do vị trí của nó, càng về sau việc cai quản thường là kiêm quản, bỏ bớt thủ ngự.

- Tỉnh Khánh Hòa

Khác với các tỉnh khác, Khánh Hòa có các cửa biển rất rộng và sâu, lại có nhiều đảo nhỏ trước cửa biển nên rất quan yếu. Đại Nam nhất thống chí chép về các tấn Nha Phu, cửa lớn và cửa bé Cù Huân, Cam Linh, Vân Phong lớn và Vân Phong nhỏ đều đặt thủ sở, cắt đặt thủ ngự, hiệp thủ để tuần phòng ngoài biển và hộ vệ tàu thuyền ra vào cửa lạch.

+ “Tấn Nha Phu: cách huyện Phước Điền 41 dặm về phía đông, cửa lạch rộng 1800 trượng, sâu 50 trượng, phía tả là mỏm Điệp Thạch, phía hữu là mỏm Tiên Hạc, thủ sở đóng ở thôn Hà An, đặt một viên thủ ngự và một viên hiệp thủ để tuần phòng ngoài biển và hộ vệ tàu thuyền ra vào cửa lạch.

+ Tấn cửa lớn Cù Huân: ở cách huyện Vĩnh Xương 19 dặm về phía đông; cửa lạch rộng 1.009 trượng, thủy triều lên sâu 8 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 7 thước, phía bắc lạch có một tòa núi đá, phía nam có bãi trường sa, phía đông có các đảo gọi là hòn Đỏ và hòn Ô; đặt một viên thủ ngự và một viên hiệp thủ.

+ Tấn cửa bé Cù Huân: ở cách huyện Vĩnh Xương 29 dặm về phía đông bắc, cửa lạch rộng 190 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước; ngoài cửa có hòn Lam Nguyên, hòn Tầm, hòn Ba La, hòn Lớn, hòn Môn, các đảo bao quanh, tàu thuyền tụ tập, gió bắc thì tàu đỗ ở phía nam núi, gió tây nam thì đỗ ở phía bắc núi đều được yên ổn.

+ Tấn Cam Linh (Cam Ranh): ở cách huyện 88 dặm về phía đông nam, cửa lạch rộng 400 thước, sâu 50 thước, phía tả có hòn Lang, phía hữu có mỏm Dừa, có thủ sở đặt một viên thủ ngự và một viên hiệp thủ; phía ngoài có hòn tranh, chu vi 19 dặm, có dân cư.

+ Tấn Vân Phong lớn: ở cách huyện Quảng Phúc 2 dặm về phía đông bắc; cửa lạch rộng 1100 trượng, sâu 12 trượng, đặt một viên thủ ngự và 1 viên hiệp thủ.

+ Tấn Vân Phong nhỏ: ở cách huyện 25 dặm về phía đông bắc, cửa lạch rộng 514 trượng, sâu 3 trượng” [145: 110-111].

Năm 1836, vua Minh Mạng cho xây dựng pháo đài Ninh Hải tại Nha Trang. [145: 109]. Cao Xuân Dục trong Quốc triều sử toát yếu cho biết: tháng 12.1836,

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

“xây pháo đài Ninh Hải ở tỉnh Khánh Hoà. Bởi vì tỉnh ấy biển rộng lại nhiều cù lao, có một đám núi ở vũng Nha Trang đàng trước có đầm sâu, tàu đậu đông, quan tỉnh xin xây đài ở đỉnh núi ấy, đặt súng đại bác, phái quân canh giữ kiêm 3 phía đông nam bắc, khiến bộ Công đưa thức mà làm” [65: 264].

- Tỉnh Bình Thuận

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 10

Bình Thuận có nhiều cửa biển nhưng đều tương đối nhỏ hẹp và cạn, Đại Nam nhất thống chí chép về các tấn biển tại tỉnh Bình Thuận gồm:

+ “Tấn Ma Văn: ở phía đông nam huyện Yên Phước rộng 35 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng 5 thước, thủy triều xuống sâu 1 trượng, có thủ sở.

+ Tấn Phan Rang: ở phía nam huyện, rộng 5 trượng, thủy triều lên sâu 4 thước, thủy triều xuống sâu 1 thước, phía đông và phía bắc có thủ sở. Vị trí tấn Phan Rang xưa nay thuộc tỉnh Ninh Thuận.

+ Tấn Cà Ná: ở phía đông huyện Tuy Phong, rộng 9 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng, thủy triều xuống sâu 5 thước, có tên là vũng Cà Ná trên có đầm Chó đổ ra cửa tấn, có thủ sở. Cà Ná xưa nay thuộc xã Vĩnh Hảo huyện Tuy Phong, Bình Thuận.

+ Tấn Vũng Dâm: ở phía đông nam huyện, rộng 9 trượng, thủy triều lên sâu 7 thước, thủy triều xuống sâu 5 thước 5 tấc.

+ Tấn Long Vĩnh: ở phía đông nam huyện, rộng 1 trượng 5 thước, thủy triều lên cao 4 thước, thủy triều xuống sâu 2 thước.

+ Tấn Phan Rí: ở phía nam huyện Hòa Đa, trước rộng 5 trượng, năm Tự Đức thứ 5 (1852) lụt vỡ bãi cát, nay rộng 75 trượng, thủy triều lên sâu 7 trượng, thủy triều xuống sâu 3 trượng, hai bờ dân cư trù mật, người ta gọi là đất cá mắm, có thủ sở ở bờ phía bắc. Cửa Phan Rí nay thuộc thị trấn Phan Rí, cửa Tuy Phong, Bình Thuận.

+ Tấn Phố Hài: ở phía đông huyện Tuy Lý, rộng 60 trượng 5 thước, thủy triều lên sâu 5 thước, thủy triều xuống sâu 3 thước. Trước đặt quản đạo Phố Hài ở đấy, nay bỏ đặt thủ sở; đặt một thủ ngự, một hiệp thủ (các tấn có thủ sở đều như thế). Phố Hài nay thuộc phường Phú Hài, Phan Thiết, Bình Thuận.

+ Tấn Phan Thiết: ở phía nam huyện, rộng 21 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng, thủy triều xuống sâu 7 thước. Ngoài biển Hòn Lao (Cô dữ); phía tây tấn là lị

sở đạo Phan Thiết cũ, nay bỏ đặt thủ sở. (Tấn Phan Thiết nay thuộc Phường Đức Thắng, Phan Thiết, Bình Thuận.

+ Tấn Ma Li: ở phía tây huyện, phía bắc cửa biển có cửa Cạn, lại có đầm tên là đầm Ma Li, có thuế; trước đặt trạm và thủ sở, nay bỏ, chỉ đặt xích hậu mà thôi.

+ Tấn La Di: ở phía tây huyện, rộng 20 trượng, thủy triều lên sâu 1 trượng, thủy triều xuống sâu 5 thước. Phía đông cửa tấn cách 3 dặm có đảo Bà. Vị trí Tấn La Di nay thuộc phường Phước Lộc, thị xã LaGi, Bình Thuận.

+ Tấn Phù Mi: ở phía tây huyện, có hai cửa trên và dưới” [143: 145-147].

Sách Hội điển chép về phân công bố phòng ở các cửa biển Bình Thuận như sau: “Tấn Ma Văn, cảng phu (dân phu coi cửa biển) 9 tên. Tấn Phan Rang tấn thủ 1 viên, cảng phu 6 tên. Tấn Long Vĩnh tấn thủ 1 viên, cảng phu 5 tên. Vịnh La Hàn cảng phu 7 tên. Tấn Tiến tấn thủ 1 viên, cảng phu 19 tên. Vịnh Vị Nê; cảng phu 8 tên. Tấn Phan Thiết tấn thủ 1 viên, cảng phu 16 tên. Tấn Ma Li: tấn thủ 1 viên, cảng phu 9 tên. Ngoài ra, như ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí ở trên cho biết các tấn: Cà Ná, Vũng Dâm, Phan Rí, Phố Hài, La Di đều có đặt thủ sở và cắt đặt thủ ngự, hiệp thủ trông coi. Năm Gia Long thứ 5 (1806) chuẩn định: dân phụ lũy ở các tấn hạt trấn Bình Thuận: tấn Phan Rang 15 tên, Ma Văn 2 tên, 3 tấn Long Vĩnh, Ma Li, La Hàn đều 10 tên, tấn Phan Lý 30 tên, vịnh Vị Nê 28 tên, tấn Phan Thiết 20 tên, đều đặt tấn thủ cai quản tuần phòng” [114: 674]. Đến tháng 2.1821, vua Minh Mạng "sai Bình Hoà mộ người lập hai đội thuộc lệ, mỗi đội 50 người chia ra đóng ở thủ Bình Nguyên và các cửa biển Cam Ranh, Hòn Khói" [150: 118]. Và cũng như những tỉnh khác, những tấn giữ vị trí không quan trọng thì lưc lượng phòng thủ ít, thậm chí như tấn Phan Thiết về sau cũng bãi bỏ thủ sở.

2.1.3.4. Hệ thống các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Hữu kỳ

- Tỉnh Hà Tĩnh

Sách Đại Nam nhất thống chí tỉnh Hà Tĩnh chỉ nói đến tấn cửa Nhượng, tấn Cửa Khẩu có đặt tấn thủ. Tuy nhiên hai tấn biển này vẫn được chép vào tỉnh Nghệ An. Có thể do quá trình tách, nhập Nghệ An – Hà Tĩnh dưới thời Minh Mạng đến Tự Đức nên có tình trạng đó. Bên cạnh cửa Khẩu, cửa Nhượng có tên ở cả hai tỉnh thì người ta còn xếp tấn cửa Sót (thuộc Can Lộc), Cương Giản (Nghi Xuân) vào Nghệ An.

+ Tấn Cửa Nhượng: ở xã Nhượng Bạn, rộng 24 trượng, thủy triều lên sâu 24 thước, thủy triều xuống sâu 3 thước, xưa gọi là cửa biển Kỳ La. Cửa Nhượng nay thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

+ Tấn Cửa Khẩu: ở thôn Hải Khẩu, huyện Kỳ Anh, rộng 40 trượng, thủy triều lên sâu 9 thước, thủy triều xuống sâu 7 thước, có tấn thủ [142: 101-102]. Cửa Khẩu nay thuộc xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh.

+ Tấn cửa Sót: (trước là cửa Nam Giới) ở cách huyện Can Lộc 30 dặm về phía đông, là chỗ phân chia địa giới với huyện Thạch Hà. Cửa biển rộng 37 trượng, thủy triều lên sâu 8 thước, thủy triều xuống sâu 5 thước. Tấn thủ ở xã Kim Đôi. Cửa Sót nay thuộc xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà.

+ Tấn Cương Giản: cách huyện Nghi Xuân 18 dặm về phía đông nam, là chỗ phân chia địa giới với huyện Can Lộc, do nước các khe ở phía bắc núi Hồng Lĩnh tụ hội, mực nước rất nông, thủy triều xuống có thể lội qua được [142: 181]. Cửa Cương Giản, địa phương gọi là Cương Gián, nay thuộc xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân.

Sách Hội điển không chép về việc bố trí lực lượng tuần phòng bờ biển của Hà Tĩnh một cách cụ thể nhưng lại có nói đến tấn Hà Tân ?, tấn Luật có đặt thủ ngự; Tấn Nhượng, tấn Khẩu, Hà Tân đều do dân làng sở tại tuần phòng [114: 675].

- Tỉnh Nghệ An

Tấn biển tỉnh Nghệ An được chép trong sách Đại Nam nhất thống chí có tấn cửa Hội, cửa Xá, cửa Cờn (Cần), cửa Vạn, cửa Quèn, cửa Thơi như sau:

+ “Tấn cửa Hội: trước còn có tên là Đơn Hay, lại gọi là Đơn Nhai. Cách huyện Chân Lộc 27 dặm về phía đông nam, là chỗ phân địa giới với huyện Nghi Xuân; cửa biển rộng 35 trượng, thủy triều lên sâu 7 thước 3 tấc, thủy triều xuống sâu 5 thước 3 tấc; cách bờ biển mấy dặm có hòn Song Ngư, ở ngoài có hòn Quỳnh Nhai, cửa biển có cát ngầm quanh co, thuyền buôn ra vào rất khó. Tấn thủ đặt ở xã Lộc Châu, có chức thủ ngự, hiệp thủ và 30 tấn binh.

+ Tấn cửa Xá: cách huyện Chân Lộc 13 dặm về phía đông bắc, là chỗ phân địa giới với huyện Hưng Nguyên, cửa biển rộng 30 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 2 thước 5 tấc, trước có binh đóng giữ, năm Tự Đức thứ 3 bỏ và giao cho dân sở tại tuần phòng. (Mấy tấn dưới đây cũng thế).

+ Tấn cửa Hiền: cách huyện Hưng Nguyên 35 dặm về phía đông bắc, là chỗ phân địa giới với huyện Long Thành.

+ Tấn cửa Cờn (còn có tên là cửa Cần): cách huyện Quỳnh Lưu 30 dặm về phía đông bắc. Cửa biển rộng 10 trượng, thủy triều lên sâu 7 thước, thủy triều xuống sâu 3 thước.

+ Tấn cửa Vạn: cách huyện Đông Thành 4 dặm về phía đông, cửa biển rộng 20 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 2 thước 5 tấc.

+ Tấn cửa Quèn: (một số tài liệu phiên âm là cửa Quyền), cách huyện Quỳnh Lưu 10 dặm về phía đông. Cửa biển rộng 37 trượng, thủy triều lên sâu 9 thước, thủy triều xuống sâu 5 thước. Có hòn Rồng đứng sững ở giữa.

+ Tấn cửa Thơi: Tại Trung Giáp huyện Quỳnh Lưu, sông Giát chảy vào đấy.

Trong các tấn trên, đáng lưu ý là tấn cửa Hội có đặt thủ ngự, hiệp thủ và 30 tấn binh, các tấn còn lại ban đầu có đặt thủ sở nhưng về sau, đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) đều giao cho dân sở tại tuần phòng [142: 178-182]. Sách Hội điển cũng cho biết việc bố trí ở tấn Hội gồm phòng thủ úy 1 viên, thừa biện thư lại 1 viên; các tấn còn lại đều do dân làng sở tại tuần giữ. Về sau các tấn không quan trọng cũng tùy nghi mà bỏ bớt” [114: 176].

- Tỉnh Thanh Hóa

Sách Đại Nam nhất thống chí có chép về các tấn biển Chính Đại, Bạch Câu, Y Bích, Hội Triều, Hàn, Bạng, trong đó tấn Bạch Câu và tấn Bạng đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) thì bãi bỏ thủ ngự.

+ Tấn Chính Đại (trước gọi là cửa biển Thần Phù): cách huyện Tống Sơn 18 dặm về phía đông.

+ Tấn Bạch Câu: cách huyện Nga Sơn 5 dặm về phía đông nam, cửa tấn rộng 33 trượng, thủy triều lên sâu 7 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 7 thước 5 tấc. Tự Đức năm thứ 3 (1850) bỏ tấn thủ.

+ Tấn Y Bích (trước gọi là cửa biển Linh Trường): cách huyện Hậu Lộc 20 dặm về phía đông bắc, cửa tấn rộng 37 thước, thủy triều lên sâu 8 thước, thủy triều xuống sâu 3 thước, có mấy ngọn núi Linh Trường chắn ở cửa tấn.

+ Tấn Hội Triều: phía đông là địa phận xã Hội Triều thuộc huyện Hoằng Hóa; phía tây là địa phận xã Lương Niêm huyện Quảng Xương, cửa tấn rộng 400 trượng

5 thước, thủy triều lên sâu 7 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 3 thước 5 tấc, có đặt tấn thủ canh phòng.

+ Tấn Hàn: phía bắc thuộc địa phận xã Cự Nham huyện Quảng Xương, phía nam thuộc địa phận xã Hải Châu huyện Ngọc Sơn, cửa tấn rộng 100 trượng, thủy triều lên sâu 9 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước; từ đời Lê trở về trước gọi là biển Ngọc Giáp, lại gọi là cửa Ghép, sau đổi tên hiện nay.

+ Tấn Bạng: lại có tên là cửa biển Duy Xuyên, ở cách huyện Ngọc Sơn 10 dặm về phía đông, cửa tấn rộng 42 trượng, thủy triều lên sâu 9 thước, thủy triều xuống sâu 4 thước, bờ bên tả có núi đứng như tường, bờ bên hữu là bãi cát; năm Tự Đức thứ 3 bỏ tấn thủ.

Ngoài các tấn trên, năm 1828, Minh Mạng cho xây bảo Biện Sơn và pháo đài Tĩnh Hải tại cửa Bạng, đây là căn cứ phòng thủ quan trọng.

+ Bảo Biện Sơn: cách huyện Ngọc Sơn 25 dặm về phía đông nam, ngoài cửa Bạng, chu vi 58 trượng 8 thước 8 tấc, cao 8 thước 2 tấc, có một kỳ đài, một nhà quân, 12 khẩu đại bác, một kho thuốc súng, đặt từ đầu đời Gia Long.

+ Pháo đài Tĩnh Hải: ở tấn Biện Sơn (trên hòn Biện Sơn), chu vi 11 trượng 8 thước, cao 5 thước 5 tấc, có 1 kỳ đài, một nhà quân, và 4 khẩu đại bác, xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 9 (1828) [142: 273-275].

Về phân công bố phòng: hai pháo đài Biện Sơn, Tĩnh Hải: thành thủ úy 1 viên, trú binh 50 tên. Năm Gia Long nguyên niên (1802) qui định: “các cửa biển trấn Thanh Hóa, đều đặt làm tấn thủ, đều bắt quanh vùng phụ giữ. Tấn Chính Đại thì cho dân ở trong Chính Đại làm phụ lũy (ở phụ vào chung quanh thành lũy). Minh Mạng năm thứ 10 (1829) chuẩn: pháo đài Biện Sơn, phái lấy một viên suất đội, 100 biền binh, một pháo thủ; pháo đài Tĩnh Hải, phái lấy 1 viên suất đội, 20 biền binh và 1 pháo thủ, đến đóng giữ các đài ấy. Tuy nhiên, 10 năm sau (1839) chuẩn hai pháo đài Biện Sơn, Tĩnh Hải nguyên phái 100 biền binh đóng giữ. Nay gặp khi yên ổn ít việc, nhưng liệu lưu lại 50 tên” [114: 677].

Tóm lại, từ việc đánh giá cao vị thế quan trọng của vùng biển và hải đảo miền Trung nên suốt một dải miền Trung từ bắc chí nam nhà Nguyễn đều cho đặt các cơ sở phòng thủ vùng biển, các tấn biển trong đó ưu tiên đặc biệt cho cửa Thuận An, Đà Nẵng và cụm phòng thủ Hải Vân và các tỉnh duyên hải “không đâu không lập

pháo đài” [PL 1]. Các pháo đài phòng hải được xây dựng ở những cửa biển quan trọng của các tỉnh như bảo Biện Sơn, pháo đài Tĩnh Hải ở Thanh Hóa, pháo đài Hổ Cơ ở Bình Định, Thành Hải ở Khánh Hoà... Các cửa biển nhỏ thì giao cho dân trong vùng phụ giữ (thường gọi là phụ lũy), tùy theo mức độ quan trọng của cửa biển mà tăng cường hay thoái triệt lực lượng tại tấn sở. Việc phòng thủ vùng biển ở các địa phương hầu hết Nhà nước đều giao quyền chủ động cho địa phương, trong đó Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo.

Hệ thống các công trình phòng thủ vùng biển nói trên được xây dựng vào thời bình, về sau, với cuộc kháng chiến chống xâm lược, hệ thống này được tiếp tục tăng cường theo hướng chú trọng các cửa biển quan trọng. Một chỉ dụ của vua Tự Đức vào ngày 10.9 năm Tự Đức thứ 12 cho biết chủ trương này: “Trẫm ra lệnh cho tất cả ai sinh sống nơi ven biển phải xây thành đắp lũy phòng thủ, canh phòng nghiêm ngặt, chuẩn bị dùng vũ lực mà đánh tan ý đồ của bọn man rợ xâm phạm vào lãnh thổ của Trẫm” [126: 301], [xem thêm mục: 3.4.2.2]. Một điều đáng lưu ý là, mỗi khi Đà Nẵng hữu sự thì các vua Nguyễn (Thiệu Trị và Tự Đức) đều tỏ ra vô cùng lo lắng và tăng cường bố phòng cửa Thuận An. Vua Tự Đức ý thức rất rõ về phòng bị nhưng ông cũng đủ tỉnh táo để nhận thấy đó chỉ là một trong muôn việc phải làm ở cửa biển bởi không chỉ phòng bị không là đủ. Nhưng đó là điều không thể không làm mà là sự kế tục lời truyền dạy của các vị vua trước về phòng bị mặt biển.

Nhìn chung dưới triều Nguyễn đứng trước nguy cơ bị tấn công từ phía biển, Nhà nước đã cho xây dựng tại các cảng biển miền Trung một hệ thống các công trình phòng thủ ven biển. Tùy theo mức độ quan trọng để bố trí lực lượng tại các cửa biển. Năm 1868, Nguyễn Tri Phương thay mặt các đại đại thần trình bày về kế sách phòng bị vùng biển. Phân tích những mặt lợi hại của các cửa biển và âm mưu có thể bị đánh phá nên tất cả điều phải phòng bị chu đáo, trong đó quan trọng nhất là cửa biển Thuận An, Đà Nẵng. Một bản tâu của Nguyễn Tri Phương vào tháng 7 năm Tự Đức thứ 20 (1867) cho biết ý thức phòng thủ của danh tướng này, đó cũng là một trong những đại diện cho tư tưởng phòng bị lúc bấy giờ: “Xét thấy cửa biển ở Kinh đô là nơi xung yếu nhất mà Bình Thuận trở về phía nam là vùng đất liền với Thi Nại của Bình Định và Đà Nẵng của Quảng Nam, là cửa biển sâu rộng. Lại là vùng đất quan trọng của Tả Kỳ, Kỳ Phụ. Nam Định, Hải Dương trở về phía bắc vốn

là vùng giàu có người đông, là cửa tấn cũng sâu rộng. Nếu bọn chúng có ý đồ xấu thì chúng sẽ gây hấn ở các nơi đó mà Quảng Nam, Đà Nẵng lại gần với Kinh đô thì phải phòng bị. Kinh đô là nhất, thứ đến là Quảng Nam” [51: tập 164: 210].

Cho đến nay, những di tích đáng kể của hệ thống phòng thủ cửa biển là di tích Thành Trấn Hải tại phía nam thị trấn Thuận An, trên đường Trấn Hải Thành. Trong sách Đại Nam nhất thống chí chép thành Trấn Hải nằm ở phía bắc cửa Thuận An, tuy nhiên do trận lụt lớn vào năm 1904, cửa Thuận An bị bồi lấp nên hiện nay di tích này nằm ở phía nam cửa biển. Di tích phòng thủ xa về phía nam Kinh đô hiện nay còn có cụm di tích Hải Vân Quan (trên đèo Hải Vân) là có thể xác định được. Cũng qua khảo sát tại Hải Vân Quan, chúng tôi xác định vị trí đặt cửa ải này không phải là chỗ “hiểm yếu” nhất mà là chỗ dễ quan sát xuống cửa biển Đà Nẵng nhất. Chính vì phải lựa chọn xây dựng điểm dễ quan sát cửa biển nên nhà Nguyễn buộc phải cho đắp một con lũy cao, dài hơn 100m, chắn ngang lối đi Huế - Đà Nẵng để buộc mọi người phải đi qua một lối đi duy nhất là qua cửa quan này [PL 17]. Tại Đà Nẵng, di tích phòng thủ hiện nay còn lại là thành Điện Hải, nay là cơ sở mới của Bảo tàng Đà Nẵng. Hiện nay hầu hết các căn cứ bố phòng ở các cửa biển miền Trung đã mất dấu tích nên rất khó xác định được vị trí của nó đương thời.

2.3. TỔ CHỨC, HUẤN LUYỆN THỦY QUÂN

2.3.1. Tổ chức thủy quân

Thủy quân là lực lượng chủ yếu trong công tác tổ chức phòng thủ vùng biển dưới triều Nguyễn. Quân đội mà đặc biệt là thủy quân thời Nguyễn có cái nền từ cuộc chiến kéo dài với Tây Sơn. Chính cuộc chiến này mà thủy quân được quan tâm, thuyền chiến được tăng cường và được huấn luyện theo phương pháp phương Tây, do các sĩ quan Pháp trực tiếp huấn luyện. Bởi thế những ai đương thời tiếp xúc với quân đội nhà Nguyễn đều có những đánh giá rất cao lực lượng này. Sau khi thành lập triều Nguyễn, Gia Long đã ý thức về việc xây dựng một quân đội mạnh, trong đó chú trọng thủy quân. Để xây dựng và bảo vệ quốc gia thống nhất, công việc đầu tiên của triều Nguyễn là tập trung xây dựng lực lượng quân đội và củng cố quốc phòng. Về sau, Minh Mạng cũng có đánh giá xác đáng: "quân là nanh vuốt của nước" [150: 136] hay, "việc binh có thể 100 năm không dùng đến nhưng không thể một ngày không phòng bị được" [114: 406], chính vì thế việc võ bị rất được quan


73

Xem tất cả 235 trang.

Ngày đăng: 05/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí