Thuyền Chiến, Vũ Khí Và Thông Tin Liên Lạc

tâm. Người sáng nghiệp nhà Nguyễn là Gia Long đã có thời gian bôn ba, tiếp xúc và thấy rõ sức mạnh của kỹ thuật phương Tây nên đã cố gắng học hỏi, vận dụng và đã chiếm ưu thế trong cuộc chiến với Tây Sơn. Sau khi bắt tay vào xây dựng đất nước, tư tưởng canh tân quân sự đã được thực hiện, có thể xem là tân tiến hơn hẳn các nước phương Đông đương thời. Gia Long từng ghi nhận công lao to lớn của J.B. Chaigneau (có tên Việt là Nguyễn Văn Thắng), một người Pháp trong hệ thống quan chức của mình là đã đã đóng góp vào sự nghiệp của ông những công lao to lớn, không sao kể xiết, mà ông có nghĩa vụ phải biết đến và đền bù. Sau đó J.B. Chaigneau được phong tước Khâm sai thuộc nội chưởng cơ sung chức chỉ huy thuyền Long Phi. Một thuyền trưởng người nước ngoài là Rey, đến Phú Xuân năm 1819 để bán vũ khí cho Gia Long đã có những nhận xét đầy thiện cảm về công tác sắm sửa vũ khí, xây dựng thành lũy và có tư duy quân sự ảnh hưởng phương Tây: “Được trui rèn trong môi trường chiến đấu nên ông thủ đắc được thông tin về nhiều vấn đề mà những vương hầu của phương Đông không thể có được”. “Chỉ trong hai năm Kinh đô đã hoàn toàn tân tạo và biến thành một pháo đài kiên cố. Nhà vua đã ra lệnh dịch những tài liệu quân sự bằng tiếng Pháp tốt nhất để đem dùng, xây thành theo kiểu Vauban tại Việt Nam và kiến trúc một thành trì tiêu chuẩn nhất tại phương Đông. Thành William ở Calcutta, luỹ George ở Madras tuy do người Anh xây lên nhưng không sao sánh được” [56]. Đánh giá trên của Rey cho thấy những điều mới mẻ trong cách bố phòng và tư duy quân sự của Gia Long.

Thủy quân triều Nguyễn là một bộ phận quan trọng trong quân đội gồm bộ binh, tượng binh, thủy binh. Thủy quân thời Nguyễn gồm bộ phận đóng ở Kinh đô và các tỉnh. Thủy quân đóng ở Kinh đô gọi là Thủy sư kinh kỳ. Vào đầu thời Gia Long, thủy quân có 5 doanh, gồm các doanh Nội thủy, Tiền thủy, Tả thủy, Hữu thủy, Hậu thủy. Đứng đầu mỗi doanh là Thủy doanh Thống chế, năm 1835, Minh Mạng đổi thành Đô thống. Biên chế dưới doanh là các chi, dưới chi là các đội, thường gọi là các thuyền. Trong đó mức chia đặt về số lượng có khác nhau, đông nhất là doanh Nội thủy. Cụ thể như sau: Doanh Nội thủy, gồm 3 chi: Tiền (có 5 đội, đặt tên mỗi đội theo số thứ tự từ Nhất đến Ngũ), chi Trung, chi Hậu (Mỗi chi 10 đội, từ Nhất đến Thập). Doanh Tiền thủy, gồm 3 chi, mỗi chi 6 đội. Các doanh Tả thủy, Hữu thủy, Hậu thủy đều có 3 chi, mỗi chi 3 đội [114: 134], [PL 10].


74

Thủy quân ở các tỉnh đến năm 1827 dưới thời Minh Mạng cho đổi là vệ. Các vệ thủy quân chịu sự chỉ huy trực tiếp của Đề đốc hoặc Lãnh binh (tỉnh lớn); Lãnh binh hoặc Phó lãnh binh (tỉnh nhỏ). Tổ chức cao nhất của thủy quân các tỉnh là vệ. Chỉ huy mỗi vệ là Vệ úy, Phó vệ úy. Mỗi vệ có 10 đội, mỗi đội có Suất đội 1 người, Đội trưởng, Ngoại ủy đội trưởng đều 2 người [114: 67-68]...

Về số lượng thủy quân, tài liệu của Maybon cho biết, năm 1820 quân đội nhà Nguyễn có 160.000 người, có thể tăng gấp đôi trong thời chiến, trong đó có khoảng

30.000 thủy binh [130: 25]. Ở điểm này dường như Maybon đã sử dụng tài liệu của thuyền trưởng – nhà buôn Ray khi tới Phú Xuân đã ghi nhận được. Cần nói thêm, rằng Ray đã cho biết “một bộ phận lớn của quân đội được trang bị và chỉ huy theo kiểu Tây phương. Thế nhưng cách thức của Gia Long có nhiều điều đáng cho một khu vực khác của thế giới bắt chước” [54].

Năm 1836, vua Minh Mạng chia đặt lại Thủy sư Kinh kỳ. Từ 5 doanh thời Gia Long chuyển làm 3 doanh là trung, tả, hữu. Mỗi doanh 5 vệ, mỗi vệ hơn 500 người (vệ cao nhất là 533 người, ít nhất là 502 người) đều lấy từ các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị. Trung doanh 2.596 người, Tả doanh 2.565 người, Hữu doanh 2.553 người [152: 951-952]. Như thế Thủy sư Kinh kỳ có tổng cộng 7714 người nhưng quân số này không chỉ đóng ở Kinh đô mà có chia phái đi trấn giữ ở các cửa biển quan trọng.

Ở các tỉnh, tùy theo vị trí mà quân số và biên chế có khác nhau. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Bình đều chỉ có 1 vệ, số quân của mỗi vệ đều khoảng 500 người. Các tỉnh khác như Quảng Nam, Bình Thuận, Thanh Hóa đều có 2 vệ, riêng Nghệ An có đến 4 vệ. Biên chế ở mỗi vệ gồm 10 đội, mỗi đội 50 người, như thế có khoảng 500 quân thủy ở các tỉnh nhỏ, 1000 quân ở các tỉnh vừa và nhiều nhất là Nghệ An. Tuy vậy cũng cần lưu ý rằng quân số tại cửa biển Đà Nẵng là quân chính qui của triều đình được chia đóng luân phiên thay đổi tại đây: “Biền binh 5 vệ ban trực quân thần sách, hàng năm theo thứ tự phái đi đóng giữ 2 đài Điện Hải, An Hải”, “Hàng năm phái lấy một vệ Kinh binh đi đến hai thành ấy theo quan lãnh binh chia phái đóng giữ các nơi” [114: 663-664]. Ngay từ năm 1803, Gia Long đã đặt các cơ thủy quân chia đi đồn trú các tỉnh. Cơ Trung Tiệp đóng tại Nghệ An, Trung Dực tại Thanh Hóa, 5 đội Thuận thủy ở Bình Thuận [114: 134]


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

75

Trong luận văn thạc sĩ về Thủy quân triều Nguyễn, tác giả Bùi Gia Khánh cho rằng: “cho đến 1838, lực lượng thủy quân ở các tỉnh được chia đặt xong về cơ bản. Tính đến năm 1838 với cách phiên chế lực lượng như trên, ta có thể biết được tổng số thủy quân ở các tỉnh là vào khoảng 16.500. Con số này có tính tương đối. Bởi vì ở một số vệ có thể có nhiều hơn hoặc ít hơn vài chục người. Nhưng những trường hợp như thế là ít và sai số cũng không lớn. Tuy nhiên, đến thời Tự Đức, số lính có giảm đi ít nhiều[97: 32].

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 11

Quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi có tiếp cận các tài liệu chữ Hán hiện lưu giữ ở địa phương chưa từng được công bố, bổ sung vào việc nghiên cứu về lực lượng thủy quân dưới triều Nguyễn.

Tư liệu đầu tiên là 9 bằng, sắc của quan tuần phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, thủy vệ cấp cho cùng một người có tên là Lê Văn Quý người xã An Thạnh, tổng An Thạnh hạ, huyện Lễ Dương. Dưới thời Tự Đức có 6 sắc bằng trong các năm 1868, 1873, 1876, 1879, 1880 (2 cái) và 1881. Ông Lê Văn Quý giữ chức đội trưởng đội 4, thuộc vệ Tả thủy quân. Qua các bằng, sắc đều cho thấy ông Lê Văn Quý là người “thân thể khỏe mạnh, rành rõi thủy trình và việc thuyền bè”. Trong công việc, ông là người cần mẫn, thông minh nên được đề cử tham gia các hoạt động của thủy binh với nhiệm vụ quyền biện Suất đội (1876) và Ngũ trưởng Chánh đội trưởng Suất đội, thống suất binh biện trong đội nghe theo quan Quản viên phân phái công vụ (1880). Theo một văn bản ngày 28.12 năm Tự Đức thứ 33 (1880) của Chánh vệ cấp bằng cho ông làm Quản giải, phụ trách công việc vận chuyển hàng để nạp về Kinh và ra Nam Định chở hàng theo lệnh sai phái. Ông Lê Văn Quý thậm chí còn tham gia trong thủy quân dưới thời Thành Thái bởi căn cứ vào một tờ sắc của tỉnh Quảng Ngãi ngày 13.12 Thành Thái năm thứ 8 (1896) ông vẫn còn được giao chức cai đội tinh binh Suất đội [PL 9].

Bên cạnh sắc bằng cho ông Lê Văn Quý, chúng tôi có tiếp cận một số tài liệu chữ Hán tại Hội An về các sắc, chiếu cho lính làm công việc thư lại trong thủy quân của Nhà nước. Gồm 2 chiếu thời Minh Mạng và 1 cái đầu thời Tự Đức (năm 1849) là chiếu và sắc cho một người có tên là Nguyễn Văn Tảo ở xã Thanh Hà, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn làm thư lại trong thủy quân. Như thế ông Nguyễn Văn Tảo và ông Lê Văn Quý là người làm việc khá lâu. Ông Nguyễn

Văn Tảo làm việc trải qua các đời từ Minh Mạng đến Tự Đức và có kinh nghiệm về ghi chép, lưu giữ giấy tờ trong thủy quân. Ông Lê Văn Quý làm việc từ năm 1868 (có thể sớm hơn) và đến 1896 vẫn còn tại chức. Như thế việc chọn quân rất chặt chẽ, chọn người biết việc và cho làm việc lâu dài trong quân [PL 5], [PL 6], [PL 7].

Chúng tôi cũng tiếp cận tại nhà thờ họ Phạm Văn ở Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) hai bức chế bằng lụa, được làm ngày 1 tháng 10 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) phong tặng bố và mẹ ông Phạm Văn Cục, người giữ chức chưởng vệ thứ nhất, kiêm quản các vệ thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5 ở Hữu doanh, thuộc Thủy sư Kinh kỳ [PL 11].

Chúng tôi cũng tìm thấy trong văn bia chùa Hải Tạng (tại Cù Lao Chàm, Tân Hiệp, Hội An) được khắc ngày 11 tháng 3 năm Tự Đức thứ nhất (1848) cho biết, trong số những người góp tiền để tu sửa chùa Hải Tạng có nhiều người là quan chức thủy quân, gồm họ tên, chức vụ rất đầy đủ như sau: Quảng Nam Thủy quân lãnh binh quan Tôn Thất Sự, 2. Quảng Nam Tả cơ chánh quan Tôn Thất Hòa, 3. Quảng Nam Tả thủy vệ phó vệ úy Trần Đăng, 4. Quảng Nam Trung cơ chính quản cơ Nguyễn Tài, 5. Quảng Nam Tả thủy vệ hiệp quản Nguyễn Thư, 6. Quảng Nam hữu thủy vệ phó vệ úy Nguyễn Tình, 7. Kinh phái Định Tường thuyền viên, 8. Tuần dương châu ô thuyền, 9. Đại Chiêm trấn thủ thủ ngự Nguyễn Dưỡng, 10. Đại Chiêm tấn tấn thủ Nguyễn Giáp... [PL 15]. Qua bản kê trên cho thấy từ các quan chức cao cấp nhất của thủy quân tại Quảng Nam đến các thuyền viên thuyền tuần dương, thuyền Kinh phái, thủ ngự, tấn thủ đều có đóng góp cho trùng tu chùa. Đây vừa là nơi thực hành Phật giáo vừa là chốn tâm linh cho những ngư dân và thủy binh phải thường xuyên ra biển. Ngoài ra, danh sách trùng tu chùa còn có đầy đủ các chức sắc và nhân dân tại Cù Lao Chàm, chứng tỏ sự đồng tình ủng hộ rất lớn của cộng đồng nơi đây.

Gần đây ở Việt Nam phát hiện ra rất nhiều các tư liệu trong dân gian về các dòng họ có truyền thống bám biển, giữ biển được Nhà nước trọng dụng vào việc công thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của người dân địa phương. Đó là tờ lệnh phát hiện tại nhà thờ dòng họ Đặng ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi đề ngày 15.4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) có nội dung chọn người có tài năng, dân phu có kinh nghiệm đi thám sát vùng biển Hoàng Sa. Tộc Lê ở xã

Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) hiện còn lưu giữ một số hiện vật, tài liệu có nội dung liên quan đến điều động lính thủy binh làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo trong hải phận từ Bình Thuận đến Khánh Hòa.

Tại Tân Hiệp, (Cù Lao Chàm), Hội An cũng có 3 tờ sai dưới thời Chính Hòa, Vĩnh Thịnh, Cảnh Hưng thể hiện nơi đây công tác tuần phòng trên biển được giao cho nhân dân, 3 tờ phê có nội dung giống nhau: “bắt dân trên hòn Cù Lao Chàm phải tuần phòng đêm ngày, lưu ý đến các thương thuyền ngoại quốc đến đó” [45: 104-106]. Dưới triều Nguyễn, công tác tuần tra, canh giữ tại địa phương vẫn do người sở tại tiến hành. Một Châu bản ngày 8.2 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) ghi nhận đơn của dân trên đảo Cù Lao Chàm xin được miễn thuế và binh dao vì đã cùng lúc canh giữ đài phong hỏa và tuần tra tại vùng biển Cù Lao Chàm. [58: 369-370].

Những tư liệu phát hiện tại địa phương đã bổ sung những tư liệu quý vào chính sử triều Nguyễn về công tác bảo vệ biển và tính cộng đồng giữ biển dưới triều đại này. Thủy quân cũng là những người được tuyển chọn từ các địa phương, đặc biệt là những vùng cửa sông, ven biển. Những tư liệu chúng tôi phát hiện đều có chung đặc điểm này bởi đây là những vùng có truyền thống đi biển, bám biển.

2.2.2. Huấn luyện thủy quân

Công tác huấn luyện của thủy quân dưới thời Nguyễn chủ yếu là các cuộc diễn tập tại các cửa biển. Bên cạnh đó, nhà Nguyễn cũng kết hợp giữa việc diễn tập với công tác tuần tra hay vận tải. Nói như vua Minh Mạng, khi đưa thủy quân ra biển là một việc mà có 3 điều lợi. Vừa giúp vận tải, tuần tra – thao diễn, vừa quen đường biển. Tài liệu Châu bản triều Nguyễn, Thực lục, điển hình như dưới thời Tự Đức cho biết, hầu hết tháng nào vua cũng thân hành ra cửa biển xem thao diễn thủy quân, có tháng đi tới 2 lần cũng có thể xem là nhiều.

Gia Long đã rất quan tâm tới thủy binh, hàng năm cứ tháng Giêng lại tiến hành thao diễn phép chèo thuyền. Trong những ngày lễ này, vua mặc áo trận, đeo gươm và ban phát hiệu lệnh [149: 541]. Thời Minh Mạng, thủy quân tiếp tục được chú trọng, dụ năm 1825, cho biết: "nay thủy quân ở Kinh, hiện đã đặt thêm nhiều, mà các địa phương ven biển cũng đều có thủy quân... Tất cả phải diễn tập cho tinh thạo, phòng khi dùng đến” [114: 395]. Đầu thời Nguyễn đã chuẩn định các cơ đội thủy sư thao diễn thuyền hải đạo bao gồm các cơ: Tả thủy, Tiền thủy, Hậu thủy, Hữu thủy,


78

Tả dực, Hữu dực, Tiền dực; các đội Tả thủy, Hữu thủy, Tiền thủy, Tả bính, Tiền bính, Hậu bính, Bố phường, doanh Hữu thủy. Có 12 đội nội thủy thao diễn, quả là một lực lượng hùng hậu: “Lại rước vua ra cửa biển Noãn Hải duyệt quân Diệu thủy thao diễn thuyền chiến ở các cửa biển Tư Hiền, Đại Chiêm" [114: 393-394]. Về sau, Gia Long chọn ngày 1 tháng 5 thao diễn thuyền quân hải đạo [114: 399]. Tháng 10 năm Tự Đức thứ 6 (1853), sau lời nghị bàn của bộ Binh, vua Tự Đức chuẩn y cứ “10 ngày 1 lần tập luyện; sau 3 năm, xét duyệt định ra thưởng phạt, để phòng khi dùng đến” [155: 287].

Việc thao diễn của các loại thuyền được sách Hội điển ghi chép kỹ ở quyển 157, và lưu ý rằng thuyền bọc đồng ở Sơn Trà cũng thao diễn: "mỗi tháng hai lần hoặc một lần ra biển thao diễn, cần được thông thạo" [114: 404]. Bên cạnh việc thao diễn, phía hạ lưu sông Hương, nhà Nguyễn cho lập trường bia Thanh Phước cao hơn 30 thước, rộng hơn 130 thước “để cho quân thủy đi lại nhằm bắn, lấy sự trúng vào đích hay không để định thưởng phạt" [114: 377]. Trường bia này tiếp tục được duy trì mãi về sau, trong một khảo cứu của R. Morinneau cho thấy đến những năm đầu thế kỷ XX vẫn còn dấu tích tại đây.

Trên biển, vua Nguyễn cho thao diễn cách bắn đại bác vào mô hình thuyền giả định. Đó là kết 1 cái bè nổi ở ngoài biển, bốn bên bè đều bỏ neo, xích, để gió khỏi làm trôi rồi cho thuyền lớn, thuyền bọc đồng đậu cách xa khoảng 50 trượng (khoảng 200m) “khi có lệnh tức thì đem súng đại bác áo đỏ, nhằm vào bè nổi bắn liền 3 phát. Thuyền chở nối sau, lần lượt bắn ra" [114: 385]. Nhìn chung đó là cách diễn tập theo mô hình tĩnh, chủ động tạo đích bắn phá trong các cuộc tập luyện. Cho mãi tới năm 1867, vua Tự Đức vẫn sai đóng bè nổi, dựng bia, “đợi khi vua đi tuần chơi xem tập trận, cho pháo binh bắn thử, để cho biết sức súng và diễn tập quân lính, để phòng có việc" [155: 1055].

Về chiến thuật, hiện nay chúng ta không tìm thấy những tài liệu riêng biệt nói về chiến thuật dụng binh, trong đó về thủy binh và cách bố trí thuyền chiến mỗi lúc xung trận mặc dù từ khi Nguyễn Ánh còn ở Gia Định, thủy quân của ông đã biết sử dụng “chiến thuật hàng hải”. J. Barrow từng ghi nhận: “ông đưa vào quân đội một hệ thống các chiến thuật hàng hải và cho những sĩ quan hải quân học cách sử dụng các tín hiệu" [10: 49]. Rất tiếc là ngày nay chúng ta không tìm thấy những tư liệu

nói về chiến thuật của thủy quân nhà Nguyễn. Có chăng những chiến thuật này chỉ có thể được tìm thấy khi miêu tả trong công tác tiễu trừ cướp biển nhưng không hệ thống. Như thế không có nghĩa là không có chiến thuật dụng binh dưới triều Nguyễn bởi ngay từ đầu, Gia Long chính là người du nhập tư tưởng quân sự từ bên ngoài, ông sử dụng cố vấn quân sự châu Âu, ông cho dịch các sách về binh pháp châu Âu, sử dụng thuyền chiến và trưởng tàu là người Pháp. Chiến thuật khi huấn luyện, chúng ta cũng chỉ thấy thủy quân nhắm bắn vào các mục tiêu cố định hay ví như khi đi tuần tra, đánh nhau với giặc biển “nếu là hơi xa, thì phải dùng đại bác, chỉ định vào mái chèo, bánh lái của thuyền giặc mà bắn tan, gần thì dùng câu liêm giật đứt giây buộc lái, làm cho thuyền đổ nghiêng không chạy được, thì tự khắc bị ta bắt được…” [114: 427]. Dù có thể đồng tình với hiệu quả tưởng tượng đó thì đây vẫn không phải là chiến thuật mà là “mánh” đánh mà thôi.

Như vậy với sự đánh giá đúng, thức thời về việc cần phải xây dựng một lực lượng phòng thủ mạnh, nghiêng về thủy- hải quân. Nhà Nguyễn đã chú trọng tổ chức, xây dựng lực lượng phòng thủ vùng biển, ngoài lực lượng thủy quân chính quy tại Kinh kỳ còn có quân địa phương và đặc biệt là lực lượng dân binh được huy động vào công tác tuần phòng thường xuyên.

2.3. THUYỀN CHIẾN, VŨ KHÍ VÀ THÔNG TIN LIÊN LẠC

2.3.1. Thuyền chiến của thủy quân

Thuyền chiến là phương tiện quan trọng bậc nhất đối với thủy quân cũng như mong ước làm chủ vùng biển. Điều đặc biệt là triều Nguyễn đã ý thức rất rõ về việc phải trang bị thuyền chiến tân tiến nhất lúc bấy giờ. Thậm chí, John Barrow, một người nước ngoài đến Việt Nam những năm cuối thế kỷ XVIII, lúc Nguyễn Ánh còn ở Gia Định cho biết ý thức trang bị thuyền chiến đã có từ lúc bấy giờ: “Trong khoảng hai năm đó, nhà vua đã cho đóng ít nhất 300 pháo thuyền lớn hoặc loại thuyền dùng chèo, năm thuyền có cột buồm và một chiến hạm đúng theo kiểu các tàu châu Âu” [10: 49]. Tác giả Nguyễn Văn Đăng cho rằng: “Nhờ phần lớn vào các đội binh thuyền hành quân bằng đường biển theo gió mùa (còn gọi là "giặc mùa") mà Nguyễn Ánh đã giành thắng lợi trong các trận đánh lớn ở Thị Nại, Phú Xuân với Tây Sơn. Đó là cơ sở quan trọng để Nguyễn Ánh thiết lập nên vương triều Nguyễn” [72: 22].

Sách Thực lục cho biết: tháng 9 năm Gia Long thứ 3 (1804) “đóng thuyền Tây dương hạng nhỏ và thuyền hải đạo hạng nhỏ” [149: 616]. Tháng 2 năm Gia Long thứ 6 (1807), vua Gia Long từng nói với Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Đức Xuyên rằng: “Trong nước tuy đã yên ổn nhưng không thể quên được việc chiến tranh. Quân ta rất giỏi thủy chiến mà số thuyền ghe hiện không có mấy, nên đóng sẵn trước để phòng khi dùng đến”. Bèn sai Gia Định lấy gỗ nộp về Kinh, hạ lệnh cho các quân theo mẫu thức mà đóng [149: 690]. Tháng 7 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), vua dụ thị thần “nay trẫm chế tạo tàu đồng là muốn giữ những chỗ yếu hại ven biển, làm xưởng chứa sẵn đấy, để lúc có việc dùng đến" [150: 759].

Thuyền chiến dưới triều Nguyễn có nhiều loại, nhưng đáng chú ý và chiếm số lượng lớn là thuyền bọc đồng. Theo ghi nhận trong sách Hội điển được chúng tôi thống kê cho thấy, trong các năm từ năm Minh Mạng thứ 4 (1823) đến năm Tự Đức thứ 4 (1852), có 43 lần đóng thuyền bọc đồng nhiều dây. Trong đó, thuyền đồng được đóng nhiều nhất dưới thời Minh Mạng (29 chiếc). Thời Thiệu Trị tuy không dài nhưng cho đóng 10 chiếc, trong đó có những chiếc rất lớn với chiều dài lên tới 8, 9 trượng. Chỉ riêng năm 1844-1845, ông cho đóng 3 chiếc thuyền lớn là Thái Loan, Bảo Long, Ngọc Phụng. Vua Thiệu Trị năm thứ 5 (1845) cũng từng dụ rằng “số thuyền đồng hiện nay hơi nhiều” nên phải làm con dấu và xếp hạng để sai phái. Thiệu Trị năm thứ 7 (1847) có dụ rằng “thuyền bọc đồng nhiều dây rất quan hệ đến việc dùng binh” [115: 227]. Với việc đóng mới thuyền Thái Loan, Bảo Long, Ngọc Phụng, vua Thiệu Trị cho kết hợp với những cái trước đó rồi xếp hạng như sau: Bảo Long, Thái Loan, Kim Ưng, Linh Phụng, Phấn Bằng là hạng lớn. (Dưới thời Minh Mạng có các thuyền Thanh Loan, Linh Phụng, Thụy Long, Phấn Bằng, Kim Ưng). Phi Vụ, Vân Điêu, Thân Giao, Tiên Ly, Thọ Hạc là hạng nhất. Tĩnh Dương, Bình Dương, Điềm Dương là hạng nhì. Thanh Hải, Tĩnh Hải, Bình Hải, Định Hải, An Hải là hạng ba. Thời Tự Đức, các năm năm 1849 đến 1852 cho đóng thêm 3 thuyền hiệu Dương là Tĩnh Dương, Điện Dương, Bình Dương [PL 3]. Điều này cũng dễ hiểu vì thuyền bọc đồng được đóng theo hạng ngạch, thường thì khi có bị khuyết vị trí nào sẽ đóng thêm vào vị trí đó cho đủ quân số cần dùng chứ không phải triều đại sau ít quan tâm việc đóng thuyền bọc đồng.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/03/2023