Thông Tin Liên Lạc Trong Bảo Vệ Vùng Biển

Cũng cần lưu ý rằng thuyền bọc đồng không chỉ được đóng ở Kinh đô mà còn được đóng ở các tỉnh sẵn có vật liệu tốt để đóng thuyền. Tài liệu cho biết dưới thời Thiệu Trị, chỉ trong năm 1843, vua đã sai Quảng Bình đóng thuyền Định Hải (thuyền hạng ba), Nghệ An đóng thuyền Điền Dương (thuyền hạng nhì), Thanh Hóa đóng thuyền Thọ Hạc (thuyền hạng nhất). Vua cắt cử người từ Kinh về các địa phương theo dõi, làm xong thì đưa về Kinh nộp.

Do đặc điểm cần triển khai nhanh, phối hợp chiến đấu khi cần thiết nên thuyền công hay thuyền tuần dương thời Nguyễn đều mang nặng yếu tố quân thuyền. Một người Anh, ký tên H.P, đến Phú Xuân những năm 1819, cho biết nhà Nguyễn có tới 2530 chiến thuyền các loại và có thể huy động thêm thuyền chài và thuyền buôn đi lại trên biển [130: 24]. Thuyền thủy quân cũng thường dùng để tham gia vận tải công như tháng 3-1810, lấy hơn 100 chiếc binh thuyền của thủy quân để chở sản vật ở Thanh Nghệ và Bắc thành [149: 784]. Đấy chỉ là một số dẫn chứng, có thể tìm được rất nhiều thông tin tương tự, như việc đóng thuyền, chẳng hạn tháng 6.1804, “đóng 20 thuyền hải đạo, sai Nghệ An chọn 200 người thợ đóng thuyền sung làm công việc ấy” [149: 603]. Tháng 3.1805, lại tiếp tục đóng thuyền Hải đạo, "sai các đội thợ rừng Quảng Trị đi lấy gỗ để nộp, thưởng 1000 quan tiền, 1000 phương gạo. Tháng 2.1807, sai đóng thêm hơn trăm chiếc thuyền chiến sai.

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi có tiếp cận một tài liệu là báo cáo của một vệ thủy quân triều Nguyễn vào năm Tự Đức thứ 33 (1881) về số tàu thuyền hiện thuộc quản lý của vệ Nhị, Tả doanh, thuộc Thủy sư Kinh kỳ. Qua báo cáo này cho biết trong vệ hiện quản lý sắc thuyền 7 chiếc. Có thuyền được đóng tại Kinh đô từ thời Minh Mạng, sớm nhất là năm Minh Mạng thứ 5 (1824) rồi tu bổ, sửa chữa qua thời Minh Mạng, Thiệu Trị tới Tự Đức chứng tỏ tuổi thọ thuyền khá cao. Các loại thuyền mà vệ này đang quản lý gồm thuyền Kim Long (2 chiếc), thuyền sông (1 chiếc), thuyền Lý thiện sam bản (1 chiếc), thuyền Tân [Bồng?] (1 chiếc). Nhiều nhất là thuyền dẫn đĩnh (6 chiếc) với các kích cỡ có khác nhau, đây là những thuyền nhỏ mà dài, dùng trong tuần tra và dẫn đường. Báo cáo cũng cho biết thời điểm đó vệ đã bị mất 3 chiếc thuyền tuần tra, và 1 chiếc thuyền Ô. Gồm 2 cái chìm tại vùng biển Hà Tĩnh, Thanh Hóa, một thuyền tuần tra hư hỏng phải sửa chữa tại Nghệ An. Chiếc thuyền Ô bị chìm tại Quảng Bình. Báo cáo cũng đề nghị cho sơn trát lại, thậm chí

tháo ván để bảo quản thuyền cũng như bổ sung vào số thuyền còn thiếu để dùng trong quân. Đến đây chúng ta có thể hình dung được số thuyền và sắc thuyền của mỗi vệ Thủy quân, đặc điểm, kích thước, tính năng, hiện trạng của các thuyền và việc quản lý chặt chẽ của Nhà nước cũng như quân đội về trang thiết bị. [PL 8]

Bên cạnh thuyền bọc đồng là thuyền máy hơi nước. So với các loại thuyền truyền thống thì thuyền máy hơi nước là đột phá của sức mạnh trên biển. Đáng ngạc nhiên là tư tưởng du nhập thuyền máy hơi nước vào lực lượng thủy quân có rất sớm, từ hồi Gia Long. Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, trong một dịch phẩm về chuyến du hành của nhà buôn Ray tới Việt Nam năm 1819, cho rằng Ngay từ đầu thế kỷ XIX, triều đình Việt Nam đã quan tâm đến việc học hỏi và canh tân một số kỹ thuật, đáng kể nhất – như tác giả đề cập – là việc vua Gia Long muốn được giới thiệu loại tàu chạy bằng hơi nước. Tuy khái niệm về máy hơi nước đã được người Âu Châu nhắc đến từ giữa thế kỷ XVIII nhưng tàu không dùng buồm chỉ mới được đưa vào ứng dụng năm 1783 và những tàu hơi nước đường biển chỉ mới được thí nghiệm tại Âu Châu, Mỹ Châu khoảng 1807 đến 1816. Nếu như thế, kiến thức về khoa học của vua Gia Long phải nói là rất sớm khi ngay khoảng 1819 ông đã muốn du nhập và mua một chiếc tàu tân kỳ này. Trong thời nội chiến, chính nhà vua (khi còn là chúa Nguyễn Ánh) đã tháo rời một chiếc tàu mà cha Bá Đa Lộc mua của Pháp để làm mẫu đóng nhiều chiến thuyền khác, góp phần đáng kể vào việc đánh bại thuỷ quân Tây Sơn” [54]. Vua Nguyễn từng cho rằng “bản quốc mua các loại thuyền lớn bằng đồng chát và thuyền hơi nước, việc mua sắm ấy giao cho Thủy sư Kinh kỳ để từ đó nghiên cứu chế tạo thêm” [53: tập 112].

Với ưu thế vượt trội của thuyền máy hơi nước nên dưới thời Minh Mạng đã mua loại tàu này và thậm chí ông còn cho đóng mới một cái to hơn trên cơ sở bộ máy của nó. Bản tấu của bộ Công ngày 20.7 năm Minh Mạng thứ 19 (1838), cho biết: "nay mới mua về một chiếc tàu chạy bằng hơi, chạy rất mau, không kể gió nước ngược xuôi, không cần người chèo đều đi được cả, mà chạy rất mau. Phụng sắc: sẽ y thức làm cái tàu cho lớn, đem bộ máy ấy lắp vào. Phải giữ gìn máy cẩn thận đừng để cho bụi vào bẩn, rỉ. Vậy xin đặt các viên, binh coi ngó và tháo ra để trên xưởng kẻo mưa lụt sắp đến hư hỏng. Nếu người chuyên trách việc ấy bất cẩn sẽ bị trị tội nặng" [54: tập 72, tờ 56]. Tuy có những khó khăn trong việc đóng tàu hơi

nước nhưng dưới thời Minh Mạng đã cho đóng được 3 chiếc tàu hơi nước là Yên Phi, Vân Phi, Vụ Phi. Thiệu Trị đổi tên tàu Vân Phi thành tàu Huy Phi và cho mua một thuyền máy hơi nước mới rất lớn là Điện Phi, dài 9 trượng 5 thước 7 tấc, rộng 1 trượng 5 thước 1 tấc, sâu 6 thước. So với những tàu đồng như Thái Loan, Bảo Long, Ngọc Phụng thì kích thước của Điện Phi cũng tương đương nhưng xét về kỹ thuật thì nó vượt trội và đây là tàu hơi nước lớn nhất mà triều Nguyễn có được. Châu bản ngày 20 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) cho biết việc nhà Nguyễn cho đóng tàu, chế tạo các vật hạng giống với tàu phương Tây: “Nay nhận được tờ tư của quan thuỷ sư trình bày việc đóng 1 chiếc thuyền chiến Tập kích, nay hiện đã dần xong, về các vật hạng mang theo thuyền gồm cờ, mũ quần áo, khăn đai... tư xin chuyển sức cho các nha lệnh cho thợ lĩnh vật liệu may làm để cấp phát cho đủ mang theo dùng. Bộ thần vâng xét lần này đóng chiếc thuyền đó là theo quy cách sơ lược giống tàu của Tây. Các vật hạng mang theo thuyền gồm cờ, quần áo, mũ, khăn đai xin chiếu theo độ dài rộng của Tây mà làm. Việc liên quan đến các vật hạng, xin tâu trình đầy đủ tuân theo thực hiện. Châu điểm” [52: tập 51, tờ 176].

Về việc đóng tàu chiến kiểu phương Tây thời Minh Mạng, tác giả Nguyễn Văn Đăng đã có bài khảo cứu khá chi tiết, tác giả cho rằng việc việc đóng tàu thành công đã mở ra khả năng đóng đồng loạt, tuy nhiên các vua tiếp theo là Thiệu Trị, Tự Đức “không đủ kiên trì và quyết tâm theo đuổi việc tổ chức, triển khai đóng thuyền máy trên qui mô lớn. Như vậy, dù Minh Mạng có công quan tâm tiếp thu những yếu tố kỹ thuật đóng thuyền phương Tây nhưng các vị vua kế tục ông đã không phát huy thu được kinh nghiệm đó” [71]. Dưới thời Tự Đức trong khoảng thời gian hơn 10 năm hòa bình, Tự Đức không cho đóng thêm. Cho đến khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công vào Đà Nẵng thì nhà Nguyễn mải đối phó và không đóng thêm tàu hơi nước nào. Cần lưu ý rằng trong Hiệp ước với Pháp, phía nhà Nguyễn được Pháp trao tặng món quà nặng tính khoa trương là 5 chiếc thuyền máy, nhưng đây đã là giai đoạn chiến tranh và có sự ràng buộc nên yếu tố trang bị tàu chiến của chính kẻ thù trao tặng hẳn làm cho người ta phải suy nghĩ về tính chất của nó. Trên thực tế việc đóng tàu vẫn được tiến hành tuy không nhiều. Châu bản ngày 26.9 năm Tự Đức 4 (1851), cho biết: “các quan chức phụ trách thủy quân trình về việc cho chạy thử một loại thuyền vận chuyển đường biển kiểu mới, tốc độ nhanh hơn các loại cũ” [85: 45].


84

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 235 trang tài liệu này.

Các tác giả Quân thủy khi nghiên cứu về tàu chiến phương Tây, lại có đánh giá rất khác: “Từ thế kỷ XVIII, đặc biệt là thế kỷ XIX, một số thuyền chiến nhiều tầng pháo kiểu châu Âu lác đác xuất hiện trong hải quân nhà Nguyễn (Việt Nam) và nhà Thanh (Trung Quốc)... song đó chỉ là những thuyền tương đương với thuyền loại nhỏ của châu Âu” [191: 132]. Về việc huấn luyện theo phương pháp mới với sự có mặt của các sĩ quan phương Tây cũng vậy, nó nằm trong đặc điểm chung của các nước phương Đông, “vẫn rất khác so với phương Tây đương thời, mặc dầu từ thế kỉ XVIII, nhiều nước phương Đông đã mua tàu, đóng tàu, thậm chí nhờ các thuyền trưởng, sĩ quan phương Tây giúp trong cả tổ chức, biên chế” [191: 29].

Ngoài tàu chiến do Nhà nước đóng hàng năm để trang bị cho thủy quân thì các địa phương cũng được khuyến khích đóng các thuyền nhanh nhẹ, có thể huy động vào việc quân khi cần. Châu bản ngày 5.11 năm Tự Đức 18 (1865) cho biết việc triều đình cho nghiên cứu các kiểu loại thuyền, khuyến khích chiêu mộ dân các xã ven biển đóng thuyền. Vua Tự Đức từng có lời phê rằng phải lưu ý đến những ưu điểm là thuyền phải được nhanh, nhẹ, chắc chắn, tiến lui đều tiện và có thể làm thuyền chiến thì nghiên cứu để lấy đó làm chuẩn cho các địa phương: “Thần Trần Như Sơn phúc trình: Tháng 2 năm nay, thần đem việc đến Bắc Kỳ đôn đốc vận chuyển, và khuyến khích chiêu mộ dân các xã ven biển đóng thuyền, để làm tập tâu trình lên. Vâng Châu phê: Thuyền kiểu nào nhanh, nhẹ, chắc chắn, tiến lùi đều thuận tiện, có thể dùng làm thuyền chiến thì ghi nhớ về phúc trình lên. Thần đã lần lượt hộ tống đoàn thuyền, khảo sát thủy thủ chủ các thuyền ấy và hỏi chủ thuyền vận tải Nam Bắc họ đều nói đi tốt. Còn như thuyền đi nhanh nhẹ, tuỳ theo chiều gió, tiến lùi không nhường thuyền phỉ, thì chưa thấy có thuyền nào như thuyền kiểu dáng Nam Kỳ. Châu phê: Kiểu dáng như thế nào? Hỏi Thuỷ sư bộ Công mà chế tạo” [53: tập 157, tờ 199].

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 - 1885 - 12

Châu bản ngày 25.7 năm Tự Đức 23 (1870), viện Cơ mật tấu trình về việc tham khảo sách về đóng thuyền chiến, trang bị vũ khí phòng thủ vùng biển. Theo đó, viện này đã nghiên cứu sách và các bản phiếu trình của sứ thần (có lẽ là nhà Thanh - tg), rồi đối chiếu với sách Hải quốc đồ chí xem có nói như vậy không. Sách tuy trình bày về việc nước Thanh nhưng có thể chọn lựa những điều có thể áp dụng cho thực tiễn Việt Nam: “Chúng thần kính duyệt các khoản ghi trong sách, trong đó

có khoản có thể chọn lựa được, hoặc tạm thời làm theo, hoặc thế và lực không kham nổi. Có chỗ khả thi với thuyền buồm, nhưng không khả thi với thuyền hoả chiến. Xét các điều ghi trong tờ phiếu của sứ thần cung cấp cho thuỷ quân, ở ta nghĩ cũng chưa thuận tiện. Châu phê: Người người, việc việc, đều vì nước mà lưu tâm” [53: tập 220, tờ 40].

Với số lượng thuyền khá lớn, nhiều chủng loại và chức năng tương ứng, triều Nguyễn đã lấy đó làm căn cứ để phân loại. Căn cứ vào sách Hội điển, chúng tôi thống các loại thuyền liên quan đến phòng thủ, tuần tra, vận tải.. trên biển được định ngạch phân chia cho các tỉnh miền Trung gồm: thuyền bọc đồng, thuyền vận chuyển đường biển, thuyền tuần biển, thuyền vượt biển lớn, vừa và nhỏ. Bên cạnh đó có các loại như thuyền sai, thuyền nhẹ, thuyền ván, thuyền nan, thuyền Tàu, thuyền Tàu ô, thuyền sơn đen, thuyền sơn đỏ, thuyền đầu nhỏ, thuyền con, thuyền xuồng, thuyền xuồng kiểu mới…[PL 2]. Trong các loại thuyền trên, thuyền bọc đồng gồm 29 chiếc do Kinh sư quản lý. Kinh sư cũng là nơi tập trung nhiều thuyền nhất, gồm 206 thuyền các loại, sau đó là Quảng Nam với 43 thuyền, Nghệ An 29 thuyền… trong tổng số 387 chiếc cho toàn các tỉnh miền Trung. Căn cứ vào ngạch thuyền chia cho các tỉnh cũng có thể cho thấy mức độ ưu tiên cho các cửa biển quan trọng. Ngoài ra, hầu hết các tỉnh đều được định ngạch thuyền vận tải đường biển và thuyền tuần biển cho thấy chức năng tuần biển kết hợp với vận tải công có quan hệ mật thiết với nhau và tất cả các tỉnh miền Trung đều phải thực hiện.

2.3.2. Vũ khí của thủy quân

Ngoài phương tiện tàu chiến thì vũ khí là thứ không thể thiếu nhằm chuẩn bị cho các cuộc giao tranh trên biển. Dưới triều Nguyễn, vũ khí được trang bị cho các tàu chiến gồm những gì, công dụng và sức mạnh công phá như thế nào là điều rất đáng được quan tâm. Nhiều tài liệu cho thấy, thứ vũ khí được trang bị cho các thành đồn tại các cửa biển quan trọng nhất vẫn là súng thần công. Các thuyền quân và công vụ cũng được trang bị thứ vũ khí này.

Nguồn cung cấp vũ khí cho thủy quân là công xưởng Nhà nước và đặt mua từ thuyền buôn nước ngoài. Số lượng súng đạn được sản xuất tại công xưởng chủ yếu là súng thần công. Dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng đúc được 2.468 cỗ. Đến thời Tự Đức, tháng 6 năm Tự Đức thứ 12 (1859), vua "sai cả đốc công ở Vũ

khố đúc súng sắt máy Phật Lan [nước Pháp] (đúc 50 cây, cách thức súng 1 ổ đạn 9 viên)" [155: 618]. Thậm chí các địa phương cũng có thể đúc được súng như năm 1872, vua Tự Đức còn "khiến Nghệ An đúc súng thần công 500 khẩu, súng điểu thương 2.000 khẩu" [148: 495]. Về nguồn vũ khí mua của nước ngoài, chủ yếu là đặt mua của phương Tây thông qua các tàu buôn. Trong qui định về thương mại, vua Nguyễn khuyến khích các tàu tới bán vũ khí. Cuối thời Gia Long, khi Ray tới Phú Xuân bán vũ khí, chỉ riêng súng đã bán được hơn 10 ngàn chiếc, điều đó cho thấy nhu cầu vũ khí là rất lớn. Bên cạnh đó, nhân các chuyến công tác nước ngoài, các sứ thần nhà Nguyễn cũng tranh thủ mua vũ khí nhằm bổ sung vào kho vũ khí của quân đội nói chung rồi nhân đó mô phỏng cách thức để đúc các loại súng Chấn hải, Xung tiêu.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), vua thống nhất đặt, đổi tên các loại súng: “súng nhỏ cũ đổi tên làm súng Quá sơn; súng hồ đổi làm súng Xung tiêu. Hạng súng bằng đồng, gang cũ, mà đường kính lòng súng rộng 5 tấc trở lên thì đặt tên là Tướng quân. Hạng súng gang mới đúc, đổi làm súng gang Hồng y. Còn hạng súng gang cũ, mà đường kính lòng súng rộng từ 2 tấc 9 phân trở xuống, và hạng súng đông cũ mà đường kính lòng súng rộng từ 1 tấc 9 phân trở xuống, thì vẫn theo cũ biên ghi làm hạng súng bằng gang” [116: 435].

Các loại vũ khí, nhất là súng thần công được chia đặt, phân phát trong phòng thủ cửa biển, tùy theo mức độ và thời điểm mà đặt nhiều hay ít, trong đó đặc biệt quan tâm tới Thuận An và Đà Nẵng. Bên cạnh đó các thuyền đi tuần tra, công vụ nước ngoài đều có mang theo súng. Vũ khí trên các pháo đài thường được nhắm vào các vị trí phòng thủ để cho bắn thử để biết được sức mạnh cũng như hiệu quả tại chỗ. Châu bản ngày 17 tháng 11 năm Minh Mạng 21 (1840) cho biết việc bắn thử pháo mới cấp phát tại Đà Nẵng. Đó là hai cỗ súng Xung tiêu mới được cấp phát được đặt vào vị trí phòng thủ và cho bắn 3 phát xem thử sức mạnh của các cỗ súng này: “Thần Tôn Thất Tường kính tâu: Chúng thần đã lên đường, tới nơi đặt pháo, và đem thêm 2 cỗ pháo mới phát, đặt vào nơi thuyền bè ra vào ở phương Bắc, và đã bắn thử. Toàn bộ số phát bắn vào nơi nào, sức pháo bắn xa bao nhiêu thước, tấc, kính cẩn kê khai như sau. Kê khai. Châu phê: Được” [51: tập 85, tờ 90].

Đối với các thuyền quân kiêm vận tải trong nước đều có mang theo vũ khí để tự vệ, đặc biệt là chống bọn cướp biển như năm Minh Mạng 20 (1839) qui định các thuyền đều có mang súng, bố trí ở đầu và hai bên tả hữu: “thuyền Hải Vận, ở đầu thuyền chia đặt 1 cỗ súng gang Hồng y; 2 bên tả, hữu, dùng xen lẫn 6 cỗ súng các hạng như: Vũ công, Phách sơn, Thành công, Quá sơn. Mỗi chiếc thuyền Điện Hải, thì 2 bên tả, hữu, hoặc dùng xen vào 4 cỗ súng các hạng như Vũ công, Phách sơn, Thành công, Quá sơn; mỗi cỗ 50 hòm đạn. Nhưng chọn lấy cỗ súng gang Hồng y do ngoại dương đúc ra để chính vào đầu thuyền” [116: 448]. Đối với các thuyền sai phái đi các địa phương trong nước vận chuyển vật hạng thì: “Cho chiểu theo cỗ súng mang theo 50 cái đạn lan can, và 50 hòn đạn nhồi gang. Như phái đi ngoại quốc và ra biển do thám, lại đều tăng gấp đôi. Còn như các hạng đạn liên châu, ống phun lửa và đinh cầu lửa, cũng cho chiếu lệ trước mang đi, để phòng khi lâm kỳ cần bắn, khoản này ghi làm lệ” [116: 449]. Đối với thuyền đi công cán nước ngoài cũng mang theo vũ khí để phòng bị, ví dụ trong một bản dụ năm Minh Mạng thứ 17 (1836) cho biết: “2 thuyền Thụy Long, Bình Phượng, đều cho đặt đại bác 6 cỗ, và súng Quá sơn, Chấn hải đều 10 cỗ; 2 thuyền Vân Điêu, Thanh Loan, đều cho đặt đại bác 4 cỗ, súng Chấn hải, Quá sơn đều 6 cỗ, và đủ cả đạn hạng liên châu, lan can kèm theo các súng, để chuẩn bị diễn tập đường thủy. Về sau có thuyền các hiệu phái đi ngoại dương làm việc công, cho đều chiếu hạng theo lệ mà làm” [116: 448]. Trên thực tế cũng tùy theo mức độ quan trọng và xa gần của chuyến đi mà số lượng vũ khí có khi có thay đổi nhưng không nhiều. Về vũ khí trên các thuyền chiến, căn cứ vào một bản kê ngày 22.10 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) cho thấy các thuyền bọc đồng đại hạng là Vân Điêu, Bình Dương, Định Dương đều có bố trí súng đại bác khá nhiều (Vân Điêu 50 khẩu, Bình Dương 32 khẩu, Định Dương 44 khẩu), mỗi khẩu được cấp 100 phát đạn. “Các sắc biền binh thủy thủ kể trên đều là am thục đường biển, bắn súng tinh luyện cả rồi” [52: tập 19, tờ 133-136].

Bên cạnh được trang bị nhiều vũ khí, quân đội triều Nguyễn cũng sáng tạo một số loại vũ khí mới phục vụ phòng thủ vùng biển, như ngày 24.10.1857, bộ Binh báo cáo về việc chế tạo “pháo xa” kiểu Tây phương để trang bị cho các thuyền tuần tiễu ngoài biển. Châu bản cho biết, “Ngày 8.11.1857, bộ Binh báo cáo về việc chế thử

thành công và bắt đầu đưa vào sử dụng một số vũ khí mới: Hỏa chiến chúc, Hỏa đầu chúc, Phi hoa, Chấn thuyền lôi [85: 53].

Bên cạnh các loại súng, dưới triều Minh Mạng còn chế ra ống phun lửa. Công dụng của ống phun lửa là “dùng để phòng ngự, đánh đồn giặc, phóng xuống thuyền giặc, so với ống phun, ống này tốt hơn nhiều” [155: 636]. Cấu tạo của ống phun lửa, theo miêu tả của một người nước ngoài là Edward Brown thì đây là “một thứ ống tre nhỏ, đường kính chừng 6 phân rưỡi, và cái bề dài được độ một thước, bên trong nòng thì chứa đầy thuốc súng. Những nòng tre này được buộc vào những chiếc cột gỗ dài chừng hai thước. Để dùng vũ khí đó, người ta làm như sau: đốt thuốc súng và dí đầu súng vào tàu địch khi địch tấn công hay định trèo qua thuyền mình. Làm như thế thì thuyền địch sẽ bị cháy và phải thối lui” [89: 132-133]. Ống phun lửa chủ yếu cấp cho các thuyền vận tải: “hàng năm các chiếc tàu thuyền, mỗi khi đến kỳ lĩnh tải vật liệu công, thì chiếu cấp phát cho mỗi chiếc 4 ống phun lửa, để bảo vệ vận tải đường biển; xong việc thì nộp lại. Khoản này ghi làm lệ" [116: 452].

Như vậy quân thủy đã được trang bị nhiều loại thuyền chiến, đặc biệt là thuyền đồng và thuyền máy hơi nước. Ngoài nhiều kiểu loại thuyền chiến mới, đa dụng còn có thuyền của các địa phương cũng được huy động vào việc bảo vệ biển. Quân đội được trang bị nhiều vũ khí và sáng tạo thêm các vũ khí nhằm phục vụ công tác phòng thủ. Với những dẫn liệu trên cho thấy triều Nguyễn rất quan tâm đến việc tổ chức, trang bị lực lượng thủy quân nhằm bảo vệ vùng biển dài rộng của mình.

2.3.3. Thông tin liên lạc trong bảo vệ vùng biển

Một vấn đề rất quan trọng trong bảo vệ vùng biển là làm thế nào để nắm được thông tin về các sự việc từ vùng biển và các cửa biển một cách nhanh nhất để có thể đưa ra các cách thức ứng phó kịp thời. Dưới triều Nguyễn, trong điều kiện hạn chế về phương tiện kỹ thuật, vua tôi nhà Nguyễn đã thực hiện một số cách thức liên lạc khá đặc biệt. Dưới đây, chúng tôi đề cập đến một số cách thức đã từng được thực thi dưới thời Nguyễn, chủ yếu dưới thời Gia Long, Minh Mạng.

2.3.3.1. Đài phong hỏa, ngựa trạm, vọng lâu, kỳ lâu

- Đài phong hỏa, ngựa trạm

Đài phong hỏa hay phong đài là đài được xây cao tại các vị trí dễ quan sát của cửa biển, khi có giặc thì đốt lửa để làm hiệu. Bước đầu phương tiện thông tin liên

Ngày đăng: 05/03/2023