Tín ngưỡng thờ mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giày qua tư liệu Hán Nôm - 2


Thứ hai, di sản tư liệu Hán Nôm gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày có tác dụng gì trong việc nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng này trong bối cảnh hiện nay?

Thứ ba, thông qua tư liệu Hán Nôm liên quan lịch sử địa chính và văn hóa khu vực Kẻ Giày quanh tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh được phản ánh chân thực ra sao?

Thứ tư, thông qua tư liệu Hán Nôm liên quan, các phương diện văn hóa cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày trước năm 1945 được nhận diện như thế nào?

Thứ năm, có thể thông qua nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ để làm sáng tỏ những vấn đề gì liên quan?

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Từ mục đích nghiên cứu đặt ra, luận án sẽ thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, kế thừa và tập hợp, hệ thống lại kết quả nghiên cứu của một số công trình đi trước, rút ra những chỉ dấu cần được kế thừa, tiếp tục nghiên cứu bổ khuyết từ góc độ tư liệu Hán Nôm và văn hóa học;

Thứ hai, kế thừa kết quả nghiên cứu của người đi trước, thông qua tư liệu Hán Nôm xác lập một số khái niệm liên quan.

Thứ ba, kế thừa và tập hợp, hệ thống lại di sản tư liệu Hán Nôm gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, chỉ ra các mặt giá trị và hướng tiếp cận khai thác.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 312 trang tài liệu này.

Thứ tư, thông quan tư liệu Hán Nôm nhận diện các phương diện cơ bản (hệ thần được thờ, thần điện và không gian thực hành tín ngưỡng, các thực hành văn hóa tín ngưỡng) và một số vấn đề lịch sử - văn hóa liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày dưới góc nhìn văn hóa học.

Thứ năm, phân tích, biện giải một số vấn đề, hiện tượng văn hóa liên quan đang đặt ra quanh tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.

Tín ngưỡng thờ mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giày qua tư liệu Hán Nôm - 2

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở khu vực phủ Giày qua Tư liệu Hán Nôm từ


góc nhìn văn hóa học.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung: Thông qua tư liệu Hán Nôm, luận án nghiên cứu tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày trước năm 1945 trong không gian văn hóa liên quan và môi cảnh văn hóa chung của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ theo diễn trình lịch sử.

Về không gian: Thông qua tư liệu Hán Nôm, luận án đặt đối tượng nghiên cứu trong không gian văn hóa Kẻ Giầy, với vùng lõi là quần thể di tích phủ Giày, bao gồm các di tích liên quan đến quần thể di tích này, nay thuộc địa bàn xã Kim Thái, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Trong một số thao tác phân tích, so sánh, đối chiếu, dẫn dụ…, cần thiết đặt đối tượng nghiên cứu trong phạm vi mở rộng, tương ứng với không gian văn hóa Bắc Bộ.

Về thời gian: Do hướng tiếp cận tương đối nghiên cứu tương đối hẹp (chỉ thông qua tư liệu Hán Nôm để nhìn nhận về tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày). Theo đó, về lý thuyết và lịch sử vấn đề, đối tượng nghiên cứu được đặt trong khung niên đại từ khi tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày được định hình đến năm 1945 (đây cũng là thời điểm văn tự Hán Nôm chính thức bị thay thế bởi chữ Quốc ngữ).

4. Phương pháp nghiên cứu

Luận án tiếp cận đối tượng nghiên cứu dưới góc độ tổng thể và liên ngành để nhìn nhận, phân tích các hiện tượng văn hóa. Trong đó, hai hướng tiếp cận chính là văn bản học và văn hóa học. Bên cạnh đó, cách tiếp cận liên ngành gồm sử học, ngôn ngữ học, tôn giáo học… cũng sẽ được sử dụng trong các phân tích cụ thể…

5. Những đóng góp mới của luận án

- Kế thừa được thành tựu tập hợp tư liệu Hán Nôm của các tác giả đi trước, khảo sát, tập hợp bổ sung một cách có hệ thống và toàn diện nguồn tư liệu Hán Nôm hiện có về tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Đồng thời, chỉ ra được những giá trị cơ bản của hệ thống tư liệu và hướng tiếp cận khai thác phục vụ cho nghiên cứu.

- Thông qua tư liệu Hán Nôm, đưa ra được một số khái niệm liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.


- Khảo qua tư liệu Hán Nôm xác lập lại lịch sử địa chính và văn hóa khu vực Kẻ Giày trong mối quan hệ phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đồng thời, góp phần cải chính một số chi tiết về lịch sử địa phương.

- Thông qua tư liệu Hán Nôm, diễn giải một cách có hệ thống về tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giầy trước năm 1945 thông qua hệ thần được thờ, thần điện và không gian thực hành tín ngưỡng, các thực hành văn hóa tín ngưỡng. Kết quả nghiên được công bố có giá trị tham khảo, đối sánh, đặc biệt trong việc nghiên cứu lịch sử, sự biến đổi và diễn biến của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giầy và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ...

- Phân tích, biện giải về một số vấn đề lịch sử và văn hóa có liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ đang đặt ra, như câu chuyện văn hóa quanh tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày qua khảo chứng Vân Cát Thần nữ truyện, hành trạng thế tục của Tam vị Thánh Mẫu phủ Giày, vai trò của các cộng đồng làng xã trực tiếp liên quan trong việc phụng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giầy trong lịch sử và vấn đề Tam phủ, Tứ phủ và Tam tòa Tứ phủ…

6. Bố cục của luận án

Ngoài phần Mở đầu (5 trang), Kết luận (3 trang), Tài liệu tham khảo (19 trang), Phụ lục (111 trang), nội dung chính của luận án gồm 4 chương:

Chương 1: Tổng quan về lịch sử nghiên cứu, cơ sở lý luận và thực tiễn (29 trang).

Chương 2: Tư liệu Hán Nôm về tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ (45 trang).

Chương 3: Nhận diện tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày qua tư liệu Hán Nôm (44 trang)

Chương 4: Bàn luận thêm về một số vấn đề văn hóa liên quan tới tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ qua tư liệu Hán Nôm (34 trang).


Chương 1

TỔNG QUAN VỀ LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN‌

1.1. Tổng quan về lịch sử nghiên cứu

1.1.1. Một số nghiên cứu cơ bản

Trước tiên, xin đề cập tới công trình Việc phụng thờ Mẫu Liễu ở phủ Giầy, Luận án Phó tiến sĩ Khoa học Lịch sử, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, của Nguyễn Minh San, bảo vệ thành công năm 1996. Có lẽ, đây là một trong những công trình nghiên cứu trong nước đề cập tương đối toàn diện về việc phụng thờ Mẫu Liễu ở phủ Giầy tương đối sớm, mang tính khai phá và gợi mở, đặt nền móng cho nhiều công trình nghiên cứu tiếp theo, cụ thể:

1. Từ việc nghiên cứu tổng hợp, luạn án đã phác dựng lên một hoạt động văn hóa dân gian tổng thể qua truyền thuyết, di tích và điện thần, nghi lễ thờ cúng và lễ hội ở phủ Giầy; bước đầu đưa ra những đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu ở vùng đất này.

2. Bằng sự so sánh phủ Giầy với một số nơi thờ Mẫu khác của người Việt ở Trung và Nam Bộ, luận án cho rằng, phủ Giầy với việc thờ cúng Mẫu Liễu, đã hội tụ đầy đủ các yếu tố, xứng đáng là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu lớn nhất, nơi phản ánh rõ nét nhất sự biến chuyển của một tín ngưỡng dân gian tiến tới một tôn giáo bản địa sơ khai; đồng thời đưa ra những nhận xét bước đầu về quy luật vận động, phát triển, đặc tính cơ bản về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trên bước đường mở cõi về phía Nam.

3. Kết quả nghiên cứu việc thờ phụng Mẫu Liễu ở phủ Giầy đã góp một tiếng nói vào việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống ở một địa bàn cụ thể, ở một lĩnh vực phức tạp, tế nhị khi kế thừa vốn di sản của các thế hệ trước để lại [48, tr. 4].

Tuy nhiên, việc khai thác tư liệu Hán Nôm để phục vụ nghiên cứu trong công trình này cũng chỉ được coi như một nguồn tài liệu tham khảo, một số vấn đề về văn bản học Hán Nôm và lịch sử địa chính - văn hóa, vai trò của từng cộng đồng trực tiếp liên quan đến việc phụng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giày trong lịch sử chưa có điều kiện bàn luận sâu.


Tiếp theo, phải kể đến Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - Những công trình nghiên cứu, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam biên soạn, Nxb. Thế giới ấn hành năm 2019 [50].

Đây là một quyển trong bộ 4 quyển: Tuyển tập những bài hát văn, Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt qua Tư liệu Hán Nôm, Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - Những công trình nghiên cứu, Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - Những công trình của các tác giả nước ngoài, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam biên soạn “Nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và quảng bá giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, trên cơ sở ấy góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” [50, tr. 9].

Theo thống kê trong công trình này, tại thời điểm xuất bản và công bố, đã thống kê được 658 tài liệu sưu tầm, nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở khu vực Bắc Bộ. Đây là một công trình biên soạn công phu, đã tập hợp và hệ thống tương đối đầy đủ các công trình nghiên về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở Bắc Bộ của các nhà nghiên cứu trong nước, đề cập đến hều hết nhiều khía cạnh liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Tuy nhiên, những nghiên cứu tiếp cận từ góc độ Hán Nôm được tuyển chọn lại hết sức khiêm tốn. Điểm qua nội dung các nghiên cứu được tuyển chọn trong sách, có thể nhận thấy, hầu hết các tác giả thường dẫn tư liệu Hán Nôm như một nguồn tài liệu tham khảo và mặc nhiên thừa nhận về giá trị nội dung trích dẫn, trong khi các công trình nghiên cứu từ góc tiếp cận hẹp - “Nhìn nhận tín ngưỡng thờ Mẫu” hoặc vấn đề liên quan qua tư liệu Hán Nôm chưa mấy được chú trọng hoặc ít người tiếp cận.

Về nghiên cứu nền mang tính nguyên lý khi tìm hiểu văn hóa Việt nói chung, phải kể đến “Nguyên lý Mẹ của nền văn hóa Việt Nam” của tác giả Trần Quốc Vượng được tập hợp trong sách. Qua các thao tác nghiên cứu và lập luận, ông khẳng định:

“Nền văn hóa truyền thống Việt Nam đã từng có NGUYÊN LÝ MẸ”. Đây là một phát hiện đặc biệt quan trọng, có tính chất chỉ dẫn và gợi mở khi tiếp cận lịch sử - văn hóa truyền thống Việt Nam, đặc biệt là đối với tín ngưỡng thờ Mẫu.


Một nghiên cứu nền tiêu biểu khác cũng mang đậm dấu ấn của tác giả Trần Quốc Vượng (viết cùng Nguyễn Hồng Kiên) cũng được tập hợp trong Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - Những công trình nghiên cứu, đó là: “Vị thế và bản sắc địa - văn hóa của khu vực phủ Giầy”. Trong nghiên cứu này, ông đã đưa ra một số nhận xét mang tính kết luận về vị thế và bản sắc địa - văn hóa “cổ truyền” vùng quê Mẫu dưới cái nhìn địa - khảo cổ và địa - lịch sử hết sức độc đáo. Theo đó, ông khẳng định, khu vực phủ Giày có bề dày lịch sử - văn hóa đáng kể trong tiến trình lịch sử dân tộc:

1. Từ cuối thời đá mới, cách đây 4000 năm, con người đã xuất hiện ở khu vực Kẻ Giầy, dấu tích vật chất còn lưu lại ở chân núi Lê, núi Ngăm ở Tiên Hương, nhưng chủ nhân của nó chủ yếu là dân chài ven biển hơn là dân ruộng vườn.

2. Đã từng phát hiện được 6 trống đồng Đông Sơn ở chân núi Gôi dưới thời Pháp thuộc. Các trống này đều mang niên đại cách đây hơn 2000 năm. Trong nền cảnh đương thời, Kẻ Giầy và toàn miền xung quanh (khu vực Ninh Bình, Nam Định ngày nay) vẫn là một miền ven biển, dân Việt cổ Đông Sơn mới tụ cư ở chân đồi núi giáp biển.

3. Vùng Kẻ Giầy vẫn có dân tụ cư dưới thời Bắc thuộc qua chứng tích mộ Hán rải rác trên sườn núi, đồi cát. Bằng chứng tinh thần là huyền tích về thời Lý Nam Đế - Triệu Quang Phục chống quân Bắc thuộc vào khoảng thế kỷ VI.

4. Vùng này tiếp tục được khai khẩn dưới thời Lý - Trần. Chứng cứ là đền thờ Minh Không - Không Lộ, Chùa Keo trên - dưới, cùng những “vết chân ông Khổng Lồ” - Đó chính là hệ thủy lợi ao chuôm, đầm hồ giữa những cánh đồng.

5. Trước khi Mẫu ra đời, dòng họ Mẫu, gốc Trần tránh loạn (?) chạy về Kẻ Giầy - Côi Sơn đổi sang họ Lê (Song, sau đó, dòng họ này vẫn mang tên chính thức là họ Trần Lê. Đa phần dân Tiên Hương và Vân Cát đều thuôc dòng họ Trần Lê). Sau đó, dòng họ này và các dòng họ khác tiếp tục khai phá vùng này… Nếu tạm tin Mẫu giáng trần vào năm 1557 thì


dòng họ Mẫu đã tới vùng này vào khoảng cuối thế kỷ XV… Khi ấy, văn hóa làng, văn minh dân giã cùng các tín ngưỡng tính linh, đa thần giáo, Phật giáo… đều phát triển.

6. Vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVI, các cố đạo Thiên Chúa giáo thuộc dòng Tên đã truyền đạo ở vùng Quần Anh, Ninh Cường (Hải Hậu), Trà Lũ, Hoành Nha (Giao Thủy) ở miệt biển Hà Nam, Ninh Bình, mang theo bà Maria và Chúa Jésus Chritst…

7. … Tại vùng Kẻ Giầy, ngoài thờ Mẫu Liễu, Mẫu Thượng Ngàn ở trên núi Tiên Hương, cùng hệ thống đền, miếu thờ các Mẫu, Tôn Ông, Chầu Bà, Quan Lớn, các Cô… của đạo Tam phủ, Tứ phủ của Việt Nam, vẫn tồn tại hệ thống thờ thần Mây, Mưa, Sấm, Gió của người dân trồng lúa nước từ thời Nguyên Thủy…

8. Kẻ Giầy thờ “Thánh Khổng Minh Không” tại đình với tư cách là vị Thành hoàng... [50, tr. 166 - 170].

Cũng trong mạch tìm hiểu, nghiên cứu về Kẻ Giày, phủ Giày, đi vào vấn đề chi tiết hơn, rất đáng chú ý là: Trên Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 (76) - 2001, trong bài “Vì sao Vân Cát - Tiên Hương là một hồi sau tách đôi và rồi đã đang lần kết đôi?” [77] (sau được tuyển chọn in trong Theo dòng lịch sử, Những vùng đất, thần và tâm thức người Việt [79]), tác giả Trần Quốc Vượng đã rất khéo rào trước, đón sau quanh câu hỏi do ông tự đặt ra, cũng là nhan đề bài viết. Thừa nhận, “Đây là MỘT VẤN - NẠN (câu hỏi khó khăn) đặt ra: trước toàn thể nhân dân hai làng Vân Cát và Tiên Hương, trước các nhà lãnh đạo địa phương và Trung ương, trước các nhà khoa học mong và muốn tìm hiểu SỰ THẬT LỊCH SỬ ở vùng ĐẤT PHỦ GIẦY - KẺ GIÀY của MẪU LIỄU HẠNH” [79, tr. 398].

Từ cách đặt vấn đề:

Bất cứ ai, khi đến hành hương hay tham quan vùng Phủ Giầy đều thấy: Lạ một điều, sao chỉ có một PHỦ GIẦY mà lại, từ một vài thế kỷ trước cho đến hôm nay, thấy là hai phủ.

- Phủ Vân Cát (với phức hợp Tứ phủ Công đồng) bằng nhau, với đền Đức Vua Lý Nam Đế - anh hùng dân tộc thế kỷ VI - …


- Phủ Tiên Hương (cùng với cả một phức hợp đền vua Lý Nam đế, phủ Chúa (chúa Liễu), đền Công núi (đền Quan lớn Đệ tam ở chân núi Ngăm), đình Công đồng (thờ thần Sấm - tả Lôi công), đình Ông Khổng (thờ Thành hoàng - thần làng - KHỔNG LỒ - KHÔNG LỘ - KHỔNG MINH KHÔNG)…

Phủ Vân Cát, thì dân ta cứ gọi tắt là PHỦ VÂN.

Nhưng PHỦ TIÊN HƯƠNG - thì có nhiều người cứ gọi là PHỦ CHÍNH. Mà có chính (chánh) thì sẽ có phụ (phó). Vậy PHỦ VÂN là PHỦ PHỤ của Mẫu Liễu hay sao? [79, tr. 398 - 399].

Sau khi đi điền dã và tham khảo sách của bà Đoàn Thị Điểm, ông đưa ra một giả thuyết khoa học về Kẻ Giày như sau:

Xã Vân Cát vốn có cơ cấu 4 giáp: Đông, Tây, Nam, Bắc - là bốn gò (cồn) cát ven biển xưa. Sau đó, hai giáp Tây, Nam tách ra thành thôn, (làng) An Thái trong cơ cấu "nhất xã, nhị thôn", rồi sau đó nữa (không đã chắc phải ở thế kỷ XV (Mẫu xuất hiện sau hai ông nghè Vân Cát - An Thái 100 năm và trước bà Hồng Hà nữ sử họ Đoàn 150 năm. Thời hai cụ nghè chưa hề có phủ Mẫu Vân Cát - Tiên Hương) nhưng cũng không quá thế kỷ XVIII (đầu thế kỷ XVIII, bà Đoàn nói Mẫu "giáng trần" ở thôn An Thái xã Vân Cát, thế kỷ XIX đã có tên An Thái), An Thái đã chạy biệt xã [79, tr. 404].

Giả thiết về câu chuyện địa chính giữa Vân Cát và Tiên Hương trong mối quan hệ thờ chung Mẫu Liễu Hạnh do giáo sư đặt ra cũng chính là một nguồn cảm hứng chủ đạo dẫn dắt nghiên cứu sinh thực hiện đề tài này.

Trong “Tục thờ Mẫu và những truyền thống văn hóa dân gian ở Việt Nam”, cũng được tập hợp trong sách Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - Những công trình nghiên cứu, qua những phân tích, tác giả Đinh Gia Khánh đã đưa ra một nhận định hết sức tinh tế: “Tục thờ Mẫu đầy sức sống đã dựng nên hình tượng Mẫu Liễu Hạnh, tức chúa Liễu Hạnh và đã kéo thần linh (mà đạo Tam phủ bắt đầu đẩy lên cao, xa vời đối với con người) trở về với cõi nhân gian, với muôn mặt đời thường” [50, tr. 33]… Và “Tục thờ Mẫu gắn với những truyền thống văn hóa dân gian của

Xem tất cả 312 trang.

Ngày đăng: 25/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí