sử dụng vốn vay vì nếu như bên vay vốn không sử dụng vốn đúng mục đích hoặc sử dụng đúng những không có hiệu quả sẽ gây ra rủi ro thu hồi vốn của TCTD. Trong khi đó, khách hàng nông dân cần có những sản phẩm tín dụng có tính thiết thực, gắn với quy trình sản xuất, nuôi trồng của họ. Chính điều này đòi hỏi một hình thức cấp tín dụng bằng hiện vật như giống, phân bó, thức ăn gia súc… cho người nông dân cần được phát triển. Những sản phẩm này sẽ đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, gần gũi, thiết thực cũng như tạo ra động lực sản xuất, kinh doanh cho khách hàng vay, đảm bảo quá trình thực hiện phương án sản xuất kinh doanh. Cấp tín dụng bằng hiện vật dễ quản lý, dễ kiểm soát nhu cầu vay vốn, lại dễ phổ biến, hướng dẫn sử dụng sản phẩm đối với bên đi vay. Mô hình này, về bản chất không có sự khác biệt so với hình thức cho vay từng lần, nhưng nó lại là sản phẩm thoả mãn được yêu cầu của tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn.
- Các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai và nhân rộng sản phẩm cho vay lưu vụ, cho vay theo niên vụ cây trồng. Sản phẩm này cấp tín dụng đối với 2 hoặc nhiều chu kỳ sản xuất liền kề, có tính chất giống nhau. Dư nợ gốc của chu kỳ trước sẽ tiếp tục được tài trợ cho chu kỳ sản xuất sau liền kề. Hình thức này áp dụng đối với cho khách hàng đã có hợp đồng tín dụng, còn dư nợ và đã đến hạn trả nhưng khách hàng vẫn có nhu cầu vay vốn cho chu kỳ sản xuất liền kề. Khách hàng vay vốn phải đảm bảo dự án, phương án đang vay có hiệu quả và đã trả đủ số tiền lãi còn nợ của hợp đồng tín dụng trước. Thời hạn cho vay lưu vụ tối đa không quá thời hạn của một vụ kế tiếp, mức cho vay đối đa không quá số dư nợ thực tế của Hợp đồng tín dụng trước. Như vậy, khi sử dụng sản phẩm này, khách hàng có thể sử dụng vốn với kỳ hạn trung – dài hạn nhưng trên danh nghĩa cho mỗi khoản vay vẫn là ngắn hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình trang trại nhưng có tính chất sản xuất theo xu hướng lặp đi lặp lại theo chu kỳ.
- Cùng với sự đa dạng hoá các hình thức cấp tín dụng của hệ thống NHTM thì kênh chuyển tải vốn của Ngân hàng chính sách xã hội cũng tiếp tục đẩy mạnh hình thức cho vay gián tiếp đối với người nghèo, hình thành cơ chế cho vay các doanh
nghiệp thực hiện đầu tư, xây dựng các công trình công cộng, phục vụ hộ gia đình trên địa bàn nông thôn mới (như trường học, nhà văn hóa, trạm xá…). Cơ chế cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp thực hiện công trình công cộng phục vụ hộ gia đình nông thôn và đặc biệt là những người nghèo ngay tại địa phương cư trú, không những góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân một cách bền vững. Đối với hình thức cho vay này thì các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức xã hội,… có thể tiếp cận nguồn vốn vay nếu đáp ứng được các yêu cầu về mục tiêu vay vốn là để xây dựng công trình công cộng (điện, đường, trường, trạm,…); địa phương và người dân tại địa phương nơi thực hiện dự án vay vốn phải được hưởng lợi ích đặc biệt là người nghèo và cận nghèo được ưu tiên và có hình thức ưu đãi sử dụng các dịch vụ công cộng.
- Tăng cường giám sát và nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tín chấp dành cho hộ nghèo thông qua Tổ, nhóm: Các sản phẩm cho vay tín chấp truyền thống đều cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận về đất đai không tranh chấp của chính quyền địa phương sở tại. Tuy nhiên, hộ nghèo hiện nay có thể không có đất thổ cư, chỉ có đất sản xuất, thậm chí có hộ chỉ có sức sản xuất và đi làm thuê. Bởi vậy hộ nghèo khu vực sản xuất nông nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng để sản xuất nếu họ không có đất sản xuất. Bên cạnh đó, phần lớn hộ nghèo khu vực nông thôn trình độ thấp, không có kinh nghiệm, kỹ thuật trong việc thiết lập hồ sơ vay vốn đảm bảo điều kiện cấp tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ những khó khăn trên, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ và sự hỗ trợ tích cực từ ngân hàng trong việc tạo ra sản phẩm tín dụng tín chấp phù hợp hơn với hộ nghèo, hướng dẫn, tư vấn, định hướng vay vốn cho các hộ nghèo làm kinh tế. Tuy nhiên, với đặc điểm của các khoản vay này thường quy mô nhỏ, số lượng món vay nhiều, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi bản thân ngân hàng khó kiểm soát hết cũng như không có kinh nghiệm, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do đó, để có thể giải quyết được vấn đề này cần có sản phẩm tín dụng tín chấp thông qua tổ, nhóm với sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và đoàn thể, tổ chức hội ở địa phương. Đối với hình
thức này, các hộ nghèo trong một xã có nhu cầu vay vốn nhưng không có bảo đảm tín dụng, có quan hệ sản xuất với nhau, lập thành tổ, nhóm, được hỗ trợ hướng dẫn cùng sản xuất, tập huấn vay vốn rồi cho vay theo hình thức tín chấp nhóm. Trong nhóm có 1 người đại diện chịu trách nhiệm, sẽ không cho vay đối với tất cả các thành viên trong tổ nhóm nếu trong tổ, nhóm có thành viên không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Chính việc này làm tăng tính giám sát và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên cùng vay vốn tín chấp; nâng cao ý thức và năng lực trả nợ chung của các thành viên trong nhóm. Thời gian cấp tín dụng đối với hình thức này là ngắn hạn dưới 1 năm phù hợp với nhu cầu sản xuất, quay vòng vốn hàng năm của khách hàng.
3.3.2. Ngân hàng linh hoạt thực hiện yêu cầu đảm bảo tiền vay cho khách hàng
Có thể bạn quan tâm!
- Tín dụng ngân hàng góp phần xây dựng nông thôn mới các tỉnh Nam Trung Bộ - 20
- Định Hướng Về Xây Dựng Nông Thôn Mới Các Tỉnh Nam Trung Bộ
- Định Hướng Về Tín Dụng Ngân Hàng Đối Với Xây Dựng Nông Thôn Mới Nam Trung Bộ
- Nâng Cao Chất Lượng Nguồn Nhân Lực Đảm Bảo Cho Vay Đúng Đối Tượng Đáp Ứng Nhu Cầu Của Người Dân Và Các Tổ Chức Kinh Tế Tham Gia Hoạt Động Nông
- Đối Với Sở, Ban, Ngành Và Chính Quyền Địa Phương
- Tín dụng ngân hàng góp phần xây dựng nông thôn mới các tỉnh Nam Trung Bộ - 26
Xem toàn bộ 234 trang tài liệu này.
Để giải quyết vướng mắc về tài sản đảm bảo khi cấp tín dụng liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ngân hàng cần linh hoạt xử lý trong một số trường hợp sau:
- Đối với các khách hàng muốn vay số tiền lớn, có lịch sử tín dụng tốt, có hợp đồng sản phẩm đầu ra ổn định, cây công nghiệp dài ngày, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không xảy ra tranh chấp thì ngân hàng cần xem xét cho vay khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hộ để tạo điều kiện cho khách hàng có đủ nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết nhu cầu đời sống, góp phần xoá đói giảm nghèo và hạn chế tình trạng tín dụng nặng lãi ở khu vực nông thôn.
- Đối với khoản vay để đầu tư máy móc thiết bị, cơ giới hoá nông nghiệp thực hiện cánh đồng mẫu lớn, đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ sạch, thì ngân hàng chấp nhận đảm bảo tiền vay bằng tài sản hình thành sau khi cấp tín dụng.
- Đối với hộ kinh doanh tham gia vào tổ chức, hiệp hội, hợp tác xã, làng nghề truyền thống, thì đảm bảo tiền vay được thực hiện dưới hình thức bảo lãnh của các Tổ chức, hiệp hội tại địa phương có giá trị pháp lý cao.
- Đối với vùng núi, khu vực thuộc diện 30a, đất rừng, đất nông nghiệp, vườn chưa được cấp sổ đỏ và giao đất rừng, nhưng do hộ gia đình khai phá sử dụng từ lâu năm thì có thể sử dụng giấy xác nhận của chính quyền địa phương sở tại để đảm bảo tiền vay.
3.3.3. Tuân thủ nghiêm túc thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng, tăng cường giám sát sau khi cho vay
- TCTD tuân thủ nghiêm túc quy trình xét duyệt cho vay. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định để các TCTD có thể đưa ra quyết định đầu tư một cách chuẩn xác, góp phần ngăn ngừa và hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Tuân thủ các quy định tín dụng hiện hành, tránh tình trạng thẩm định tuỳ tiện, sơ sài. Tuân thủ quy định về phân kỳ hạn nợ gắn với nguồn thu và khả năng luân chuyển vốn của khách hàng. Thường xuyên cập nhật các thông tin về kinh tế kỹ thuật, các thông tin về dự báo phát triển của ngành, giá cả thị trường của các loại sản phẩm,… để phục vụ cho công tác thẩm định và quyết định phê duyệt cho vay.
- Tăng cường hoạt động giám sát sau khi giải ngân đối với khách hàng. Việc kiểm tra có thể được tiến hành định kỳ, đột xuất hoặc công khai với tất cả các món vay, được tiến hành trước, trong và sau khi cho vay, tất cả các khâu để kiểm tra đều rất quan trọng và khâu kiểm tra sau khi cho vay sẽ chứng minh lại các khâu trên là đúng hay sai. Quản lý sâu sát về chất lượng tín dụng đến từng chi nhánh ngân hàng cơ sở, từng cán bộ tín dụng và có biện pháp xử lý kịp thời, quy trách nhiệm rõ ràng khi có hậu quả phát sinh. Sắp xếp, phân công CBTD phù hợp với từng địa bàn, khách hàng, bố trí những CBTD có năng lực đảm nhiệm những địa bàn mấu chốt, khách hàng lớn; duy trì định kỳ việc hoán đổi địa bàn. Thực hiện cho vay gắn với việc cung ứng sản phẩm dịch vụ khép kín như mở tài khoản, bảo lãnh, phát hành thẻ,… nhằm hạn chế rủi ro cũng như tăng thu dịch vụ cho ngân hàng.
- Đối với hoạt động cấp tín dụng của NHCSXH với đặc thù là giao dịch tại xã do đó công tác giao dịch phải được thực hiện đúng quy trình giao dịch xã theo văn bản số 4030/NHCS-TDNN của Tổng giám đốc, tại Điểm giao dịch xã 100% Hội đoàn thể nhận uỷ thác, Tổ TK & VV đến giao dịch để nộp lãi cho ngân hàng và tham gia giao ban tại xã. Chú trọng bảng thông tin phải công khai đầy đủ kịp thời các chủ trương chính sách mới của Chính phủ giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách biết, để họ thụ hưởng và giám sát lại các tổ chức liên quan. Thường xuyên phối hợp với Hội đoàn thể các cấp trên địa bàn cần xây dựng kế hoạch thực hiện các
công đoạn uỷ thác vốn vay và giám sát sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả; có cán bộ chuyên trách hoạt động uỷ thác; mở sổ sách để quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn; bình xét công khai từng đối tượng vay vốn với sự có mặt của người dân, sự tham gia của Trưởng thôn, xóm và đại diện chi bộ, tổ chức họp vào ngày quy định để xét duyệt thành viên được vay vốn, lập hồ sơ vay vốn; đồng thời tuyên truyền nắm bắt và triển khai các văn bản mới và quy định về các chương trình vay vốn của ngân hàng; chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ, đột xuất, hoặc lồng ghép kiểm tra hoạt động uỷ thác tại các cơ sở Hội, chi bộ/tổ, nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh, những khó khăn vướng mắc, các trường hợp vi phạm quy định đã thoả thuận đồng thời có kế hoạch đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ xâm tiêu. Thực hiện tốt việc thu lãi hàng tháng bằng cách đôn đốc Ban quản lý Tổ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Thông qua việc thu lãi, cán bộ Tổ thường xuyên nhắc nhở người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, đồng thời giúp NHCSXH trực tiếp đối chiếu với người vay về nợ vay để phát hiện kịp thời sai sót. Cán bộ tín dụng cần phải thông báo kịp thời nợ đến hạn và thực hiện đôn đốc thu hồi nợ gốc theo phân kỳ (kỳ con) và thu nợ gốc khi đến hạn cuối cùng để tạo thói quen cho hộ vay có ý thức trả dần, giảm áp lực trả nợ khi đến hạn, han chế tối đa nợ quá hạn phát sinh. Thường xuyên phân tích, đánh giá thực trạng và khả năng thu hồi các khoản đã cho vay, phải đánh giá thực trạng 100% món nợ quá hạn, nợ khoanh và nợ đề nghị xóa để có giải pháp thu hồi và xử lý cho phù hợp, cụ thể: Đối với nợ quá hạn, nợ khoanh đến hạn có khả năng thu hồi thì giao cho Tổ trưởng và tổ chức Hội đoàn thể đôn đốc hộ vay trả nợ. Đối với nợ quá hạn trên 90 ngày, mà người vay thiếu ý thức trả nợ thì lập Danh sách gửi Tổ đôn đốc thu hồi nợ cấp xã để đôn đốc và xử lý. Đối với nợ hoàn toàn không có khả năng thu hồi bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, thì phối hợp với các thành phần liên quan lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ theo quy định của NHCSXH.
3.3.4. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở
Hoạt động cho vay nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới chủ
yếu được thực hiện qua hình thức Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, qua các Hội, đoàn thể do đó sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể ở cở sở là vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ đến sự thành công của các chương trình tín dụng của các TCTD. Do đó, các TCTD cần phối hợp với các tổ chức này để thực hiện cho vay theo các hướng:
- Cần quan tâm mở rộng cho vay thông qua các cấp hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên,…) và tổ vay vốn, vì tổ chức tín dụng không thể bao quát hết được địa bàn, cán bộ tín dụng đến tận nơi thì không đủ sức. Tổ chức tín dụng kết hợp với Hội – Đoàn thể các cấp trên địa bàn cần xây dựng kế hoạch thực hiện các công đoạn ủy thác vốn vay và giám sát sử dụng nguồn vốn đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả; có cán bộ chuyên trách hoạt động ủy thác; mở sổ sách để quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn; bình xét công khai từng đối tượng vay vốn với sự có mặt của các hộ dân, sự tham gia của trưởng xóm và đại diện Chi bộ; tổ chức họp vào ngày quy định để xét thành viên được vay vốn, lập hồ sơ vay vốn;…
- CBTD nên chủ động tổ chức các cuộc kiểm tra định kỳ, đột xuất, hoặc lồng ghép kiểm tra hoạt động ủy thác tại các cơ sở Hội, chi hội/tổ, nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề phát sinh, những khó khăn, vướng mắc, các trường hợp vi phạm quy định đã thỏa thuận đồng thời có kế hoạch đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu, chủ động phối hợp với các cấp Hội – Đoàn thể để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương về công tác tuyên truyền, triển khai các văn bản mới và quy định về các chương trình vay vốn của ngân hàng; tập hợp những thông tin về nghề nghiệp, tình hình kinh tế của những người vay vốn để cho vay theo nhóm.
- Phối hợp với Sở NN&PTNT, Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, Trung tâm bảo vệ thực vật, Trung tâm nghiên cứu giống tại các địa phương để tổ chức tập huấn, phổ biến kỹ thuật canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,... cho bà con nông dân. Việc gắn kết hoạt động cho vay với những chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư sẽ hạn chế rủi ro trong việc đầu tư, giúp người dân nông thôn đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách sử dụng vốn có hiệu quả,
nâng cao đời sống và trả nợ ngân hàng đúng hạn. Điều này sẽ cải thiện được khả năng tiếp cận vốn của người dân và từng bước góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
- Ngân hàng chính sách xã hội chủ động liên hệ với các tổ chức, các ngành liên quan trên địa bàn để xây dựng, ký kết các văn bản liên tịch về cơ chế phối hợp vì mục tiêu hỗ trợ người nghèo về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật,… Phối hợp với các Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các phòng nông nghiệp huyện và các trung tâm giải quyết việc làm của tổ chức chính trị xã hội triển khai thực hiện tốt chương trình phối hợp.
3.3.5. Chú trọng phát triển mạng lưới TCTD trong cấp tín dụng cho xây dựng nông thôn mới
Để khắc phục thực trạng phân bổ không đồng đều về mạng lưới của các TCTD khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch tập trung ở thị trấn, thị tứ trong khi vùng sâu, vùng xa thì sự hiện diện của các điểm giao dịch còn quá mỏng. Điều này gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã,… trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng, cũng như là hạn chế vai trò của hệ thống ngân hàng trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các TCTD cần chú trọng phát triển mạng lưới TCTD theo các hướng sau:
- Các ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới theo phương thức truyền thống là chủ đạo. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét mở rộng mạng lưới giao dịch một cách hợp lý theo hệ thống như thành lập thêm các chi nhánh trên địa bàn huyện (những huyện có mật độ dân số đông thì nên có hơn một chi nhánh). Hoạt động này có thể giúp giải quyết phần nào tình trạng các chi nhánh ngân hàng bị quá tải, khách hàng phải chờ đợi lâu bởi ngân hàng chỉ hoạt động trong một khung giờ quy định nên các giao dịch bị dồn trong khung giờ hành chính của ngân hàng. Ngoài ra, cần xem xét mở thêm một số điểm giao dịch ngoài giờ hành chính hay vào các ngày lễ, ngày nghỉ để người dân
linh hoạt trong thời gian giao dịch. Đối với các địa bàn từ cấp xã trở xuống thì thành lập các điểm giao dịch để tiết kiệm chi phí và nguồn lực.
- Đặc thù địa bàn nông thôn rộng lớn, người nông dân sống rải rác trong các thôn, bản đặc biệt một số xã vùng sâu, vùng xa. Chính điều này làm cho việc tiếp cận tín dụng cũng như các chính sách ưu đãi của người dân gặp khó khăn. Vì vậy, các TCTD trên địa bàn tham gia vào thị trường tài chính nông thôn cần phải chú trọng tăng cường triển khai và nhân rộng mô hình điểm giao dịch lưu động đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa để đưa các dịch vụ ngân hàng đến phục vụ bà con nông dân giúp người nông dân tăng khả năng tiếp cận được các khoản tín dụng chính thức. Trên các xe lưu động này cần trang bị đủ các trang thiết bị máy móc để việc cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ cơ bản như huy động vốn, cho vay, chuyển tiền đến khách hàng được thuận tiện.
- Tập trung xây dựng và phát triển kênh phân phối điện tử, đặc biệt là kênh phân phối qua điện thoại thông minh nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân. Kênh phân phối này sẽ tiết kiệm được chi phí về nhân lực và cơ sở vật chất, xoá bỏ được rào cản về địa lý và có thể sử dụng linh hoạt về thời gian không nhất thiết là phải giao dịch trong giờ hành chính. Để khuyến khích và thu hút khách hàng sử dụng kênh phân phối điện tử nhiều hơn, các TCTD cần tăng cường việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm phù hợp với các khách hàng được cung ứng qua kênh phân phối này. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cần xây dựng chính sách phí hấp dẫn hơn, góp phần cho sự chuyển dịch từ kênh giao dịch truyền thống sang kênh giao dịch hiện đại.
3.3.6. Đẩy mạnh cho vay trung và dài hạn phù hợp với điều kiện sản xuất của khách hàng vay vốn.
Cùng với nhiều chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn mở rộng đối tượng vay vốn và nâng cao hạn mức tín dụng còn có nhiều chính sách hướng tới cho vay cánh đồng mẫu lớn, cho vay liên kết, cho vay theo chuỗi liên kết giá trị, cho vay ứng dụng công nghệ cao đã thúc đẩy nhu cầu tín dụng trung – dài hạn của các chủ thể vay vốn khu vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng gia tăng.