ngự thiện dọn ra còn nguyên. Đôi lúc mọi người xung quanh rùng mình…dạ bẩm vì thấy mắt ngài ngự đỏ đọc…cặp mắt háu háu nhìn vào cánh tay trần của các cung nữ như ngài ngự thèm thịt sống”(16,tr297). Sau này vua đã được sư Minh Không chữa bệnh bằng cách “vặt lông” nhân vật về mặt tinh thần. Nhưng rồi chứng nào tật ấy Từ Đạo Hạnh vẫn tham vọng sống trong quyền lực thoả mãn khát vọng cao sang quyền quý. Đây là căn bệnh từ kiếp trước nên không chữa khỏi , cuối cùng thì phải chấp nhận cái chết.
Việc tôn sùng đạo Phật của hai triều đại Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư đã in dấu rõ nét trong tiểu thuyết của Võ Thị Hảo.
Từ nhân vật chính đến nhân vật phụ trong tác phẩm đều là các bậc đại sư hoặc danh sư như: sư Từ Đạo Hạnh, sư bà chùa Trầm –Nhuệ Anh, sư Minh Không, pháp sư Đại Điên, đại sư Tzu, sư Giác Hải…
Ngoài không gian lãnh cung, công đường, không gian trong tác phẩm cũng nhuốm màu phật giáo với những tên gọi như: Niết bàn, Tây trúc ,chùa Trầm, chùa Hải Thanh…
Thời gian trong tác phẩm đó là thời gian hai kiếp của nhà sư Từ Đạo Hạnh . Kiếp trước là Từ Lộ với thời gian lịch sử là thời đại vua Lý Nhân Tông, kiếp sau là Dương Hoán Thần Tông trong thời gian lịch sử của vua Lý Thần Tông .
Đặc biệt ngôn ngữ của Giàn thiêu là ngôn ngữ mang đặc trưng của Phật giáo, thể hiện văn hoá của một thời kỳ tôn sùng đạo Phật đến cao độ. Ngay từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của tác phẩm là những lời phật dạy được tác giả trích dẫn một cách nghiêm túc “An ta phạ bà pha, truật đà ta phạ, đạt ma ta phạ bà pha” . Dày đặc trong tác phẩm là những từ ngữ trong kinh Phật là những lời của kinh phật
. Ngay cả tiêu đề của các chương phần lớn cũng là ngôn ngữ Phật giáo : niệm xứ, đoạ xứ, nghiệp chướng, hành cước, báo oán, thiền sư, đầu thai, giải thoát, lãnh tiếu,
nhân gian, đoạn đầu đài … Đọc tác phẩm chúng ta hiểu thêm về triết lý của đạo Phật, hiểu thêm quá trình tu luyện hành đạo rồi lên cõi Niết bàn của các chân sư.
2.2.3 Những phần hư cấu trong tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo so với Đại Việt sử ký toàn thư
Bên cạnh những tình tiết, sự việc, nhân vật trùng sát với Đại Việt sử ký toàn thư tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo có rất nhiều hư cấu.
Có thể bạn quan tâm!
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Cung Cấp Tư Liệu Lịch Sử Về Tư Tưởng “Tại Đức Bất Tại Hiểm”
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Là Chất Liệu Cho Sáng Tác Văn Học
- Những Phần Hư Cấu So Với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Trong Truyện Trâu Canh Ở Xã Tử Trầm
- Tìm hiểu giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư - 16
Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.
Võ Thị Hảo đã đưa vào trong tiểu thuyết của mình nhiều nhân vật mà không có trong chính sử như: Tiểu thư Nhuệ Anh, cung nữ Ngạn La, sư bà chùa Trầm, pháp sư Đại Điên, gia đình Diên Thành Hầu
Nhiều sự việc, tình tiết mà chính sử không ghi chép: như sự việc 49 cô cung nữ xiêm áo lộng lẫy đã phải tới đảo âm hồn để lên giàn thiêu chết cùng hoàng đế Lý Nhân Tông, Linh nhân Ỷ Lan thường xuyên gặp phải ác mộng rồi bị đàn chuột cắn xé, vụ án và cái xác của Tăng Đô án Từ Vinh, những cuộc trả thù báo oán của chàng Từ Lộ…
Không gian trong Giàn thiêu của Võ Thị Hảo là không gian ảo, dĩ nhiên là không gian này không hề được các sử gia nhắc đến trong Đại Việt sử ký toàn thư bởi lịch sử là sự chính xác còn văn học là hư cấu. Không gian ảo trong Giàn thiêu là không gian mà cung nữ Ngạn La bị nhốt vào trong lãnh cung. Trong không gian ấy có cả những con người thực, có cả những âm hồn và có cả những con vật gớm ghiếc thực hiện nhiệm vụ của một tên đao phủ xử tội tâm hồn. Trong không gian ảo ấy Linh nhân ỷ Lan – một con người sắc sảo mạnh mẽ và đầy quyền lực đã phải run sợ khóc xin, còn thái hậu Dương – người bị Ỷ Lan hãm hại cùng 48 cung nữ lúc nhà vua băng hà, đã trở thành công tố viên đứng ra hỏi tội. Những con chuột gớm ghiếc lại thành những người thực thi pháp luật. Ngạn La, cô bé ngây thơ mới mười hai tuổi trở thành người chứng kiến.
Thời gian trong Giàn thiêu cũng là thời gian được hư cấu. Câu chuyện là sự xen kẽ giữa hai kiếp của nhà sư Từ Đạo Hạnh. Thời gian này ứng với trong chính sử là triều đại vua Lý Thần Tông(1117-1138)…
Nhìn chung phần hư cấu của tiểu thuyết lịch sử thế kỷ XX so với chính sử là rất lớn, nhiều khi các nhà tiểu thuyết chỉ mượn một vài chi tiết, một vài sự kiện, hay bối cảnh để tạo nền còn vẫn phải phát huy tối đa sự hư cấu. Nhưng hư cấu lại không được vượt qua giới hạn sự thật lịch sử. Tóm lại việc nghiên cứu và sử dụng chất liệu lịch sử đến đâu là việc vô cùng quan trọng đối với nhà văn.
Đại Việt sử ký toàn thư đóng vai trò quan trọng. Nó cung cấp cho nhà văn chất liệu làm sáng tác và tạo nguồn cảm hứng cho người nghệ sĩ.
Kết luận
Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ quốc sử lớn của nước ta thời trung đại. Tác phẩm là tập đại thành do nhiều bộ sử của các đời hợp lại như; Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Đại Việt thông giám thông khảo của Vũ Quỳnh, Đại Việt sử ký thực lục và bản kỷ tục biên của Phạm Công Trứ, Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên của Lê Hy…Trong các nhà sử học trên thì Ngô Sĩ Liên là người có đóng góp nhiều nhất .
Đại Việt sử ký toàn thư không chỉ có giá trị to lớn về mặt sử học, triết học mà còn có giá trị văn học sâu sắc. Giá trị văn học của tác phẩm bắt nguồn từ tư duy nguyên hợp “văn sử triết bất phân”. Giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư thể hiện ở những đoạn khắc hoạ thành công những bối cảnh không gian, thời gian làm nền cho diễn biến của sự việc,khắc hoạ thành công chân dung những nhân vật lịch sử bằng bút pháp của văn học thông qua những chi tiết về ngoại hình, hành động, ngôn ngữ ……
Nằm trong phạm trù văn học trung đại khi khắc hoạ ngoại hình nhân vật Đại Việt sử ký toàn thư mang những đặc trưng của thi pháp văn học trung đại. Các nhà sử học đã sử dụng bút pháp ước lệ, tượng trưng để miêu tả ngoại hình nhân vật. Họ thường thần thánh hoá nguồn gốc sinh thành của các bậc đế vương. Phổ biến là các mô típ thụ thai thần kỳ như mơ thấy rồng ấp hoặc hoa sen nở trong bụng sau đó có mang rồi sinh ra vua. Mỗi bước đi của đấng quân vương được ví như rồng như hổ…Như vậy họ sinh ra đã là bậc quân tử hay đại trượng phu, khác với con người hiện đại sự thành danh là do giáo dục hay do tác động của hoàn cảnh.
Ra đời trong thời kỳ Nho giáo hưng thịnh hơn nữa các sử gia đều là những người thấm nhuần sách thánh hiền nên khi nhìn nhận các nhân vật lịch sử thường qua “lăng kính” của Nho giáo. Các bậc thần sử thường lấy “tam cương ngũ thường” hay “trung” “hiếu” “tiết” “nghĩa”…để soi sét đánh giá phẩm chất, nhân
cách của các nhân vật lịch sử. Đứng từ góc độ của đạo đức Nho giáo thì nhân vật trong Đại Việt sử ký toàn thư được chia ra thành hai tuyến: Một là những nhân vật có những hành vi phù hợp với chuẩn mực của đạo đức Nho giáo. Đó là các đấng minh quân, các bề tôi trung thành, những bậc anh hùng có công với nước hay những tiết phụ Hai là những nhân vật có những hành vi trái với phép tắc, đạo đức của Nho giáo. Điển hình là những tên nghịch thần hay những tên “vương quỷ” ăn chơi xa đoạ hại dân hại nước.
Lịch sử trong Đại Việt sử ký toàn thư là lịch sử của các triều đại phong kiến nên nhân vật chủ yếu trong Đại Việt sử ký toàn thư là những ông vua, những bậc quần thần hoặc những bề tôi trung thành hay phản nghịch. Các nhân vật thái hậu hay vương phi, cung nữ ít khi được đề cập đến .
Ngoài ra cũng giống như hàng loạt các bộ sử cổ khác trên thế giới Đại Việt sử ký toàn thư còn là nguồn tư liệu cho nghiên cứu và sáng tác văn học. Rất nhiều các nhà nghiên cứu về văn học trung đại như: Bùi Duy Tân, Nguyễn Đăng Na, Trần Nho Thìn …đều coi Đại Việt sử ký toàn thư là tư liệu gốc cho nghiên cứu tác phẩm văn học. Sở dĩ như vậy vì Đại Việt sử ký toàn thư là văn bản khắc in sớm nhất (1697). Hơn nữa đây là công trình quốc gia do nhà nước tổ chức biên soạn. Các tác giả tham gia biên soạn đều là những tiến sĩ, những bậc trí thức đại tài như: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ…
Những quan điểm, những tư tưởng của các nhà sử học và hiện thực lịch sử phản ánh trong Đại Việt sử ký toàn thư là cơ sở khách quan để soi sáng nội dung của một số sáng tác văn học. Như cách hiểu chữ “đế” trong hai bài thơ Nam quốc sơn hà và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Ngoài ra Đại Việt sử ký toàn thư còn là nguồn tư liệu tin cậy để kiểm nghiệm triết lí “tại đức bất tại hiểm” mà một số tác giả đã đề cập đến trong các sáng tác văn học. Lịch sử góp phần củng cố thêm rằng; sự chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm hay trong công cuộc trì vì đất nước là do nhân đức của người người lãnh đạo . Nhân đức của người
lãnh đạo giống như một nguồn năng lượng toả phát đến mọi thần dân mà họ cai trị. Nguồn năng lượng của “Đức” sẽ tập hợp thần dân, các thần dân lại hướng về các bậc đế vương như các vì sao trên trời đều chầu về một ngôi sáng nhất –Ngôi Bắc thần. Như vậy vấn đề hàng đầu mà nhà nghiên cứu văn học trung đại phải quan tâm là độ tin cậy của văn bản thì Đại Việt sử ký toàn thư đã đáp ứng được yêu cầu đó. Ngoài việc đóng vai trò là nguồn tư liệu gốc cho nghiên cứu, Đại Việt sử ký toàn thư còn là chất liệu cho sáng tác các tiểu thuyết lịch sử Khối lượng các tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử là rất lớn, trong đó không ít những tác phẩm đã sử dụng nguồn chất liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư. Tiêu biểu như Truyện Trâu Canh ở xã Tử Trầm trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, An Tư của Nguyễn Huy Tưởng, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo…Viết về đề tài lịch sử xa xưa của dân tộc không phải là hình thức chạy trốn thực tại của các nhà văn hiện đại mà đây là cách “hâm nóng”lại lịch sử hào hùng cho thế hệ trẻ ngày đang bị cuộc sống hiện đại cuốn hút làm quên đi lịch sử dân tộc .
Người ta thường nghĩ đến lịch sử là khô cứng, là chính xác nhưng riêng nguồn chất liệu trong Đại Việt sử ký toàn thư lại là nguồn tư liệu hay và hấp dẫn bởi bản thân tác phẩm đã mang giá trị văn học, đã mang dấu ấn chủ quan của người cầm bút. Cách chép sử của các nhà nho khác với cách chép sử thông thường là không dừng lại ở những sự kiện lịch sử mà sâu chuỗi các sự việc, sự kiện lại để nâng nhân vật lịch sử lên có chân dung như các nhân vật trong tác phẩm văn học. Hơn nữa khi chép về nhân vật lịch sử các nhà sử học đã khéo lồng vào đó những câu truyện hay và hấp dẫn về đời tư làm cho lịch sử được kể thêm sinh động .
Cả tiểu thuyết lịch sử bằng chữ Hán và tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỷ XX đều mượn chất liệu lịch sử trong Đại Việt sử ký toàn thư nhưng mức độ sử dụng nguồn sử liệu là khác nhau. Nếu như các tác phẩm viết bằng chữ Hán mượn cả cốt truyện trong Đại Việt sử ký toàn thư như Truyện Trâu Canh ở xã Tử Trầm trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề thì các nhà tiểu thuyết đầu thế kỷ XX chỉ sử dụng
một vài sự kiện, vài nhân vật hay bối cảnh làm nền cho sự hư cấu của mình. Điều đó có nghĩa là các nhà tiểu thuyết đầu thế kỷ XX thiên về “hư bút” nhiều hơn. Nhìn chung việc nghiên cứu nguồn sử liệu để viết tiểu thuyết lịch sử là công việc không thể thiếu của người cầm bút . Đại Việt sử ký toàn thư là nguồn sử liệu tin cậy và là mảnh đất màu mỡ cho các nhà viết tiểu thuyết lịch sử khai thác .
Với những giá trị to lớn về sử học, triết học và văn học như trên Đại Việt sử ký toàn thư xứng đáng là di sản văn hoá dân tộc. Tác phẩm là nguồn tư liệu phong phú , tin cậy cho các nhà nghiên cứu thuộc nhiều ngành khoa học xã hội .
Tài Liệu Tham khảo
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập I(1998), NXBKHXH.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II(1998),NXBKHXH.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III(1998),NXBKHXH.
4. Lại Nguyên Ân, Tiểu thuyết và lịch sử, VietNamNet, ngày 30/10/2005.
5. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng(2003), Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên
.
6. Nguyễn Du, Truyện Kiều, NXB Hà Tĩnh.
7. Phan Đại Doãn (1998), Ngô Sĩ Liên và Đại Việt sử ký toàn thư, NXB chính trị Quốc gia
8. Quang Đạm (1998), Nho giáo xưa và nay, NXB Văn hoá thông tin.
9. Phan Cự Đệ (2006), Tuyển tập, NXB Đại học Quốc gia.
10. Phan Cự Đệ, Tiểu thuyết lịch sử , Tạp chí Nhà văn số 1năm 2003.
11. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Minh Đức .., Văn học Việt Nam (thế kỷ X- nửa đầu thế kỷ XVIII), NXBGD.
12.Vũ Phương Đề(2001), Công dư tiệp ký, NXB Văn học.
13. Hà Minh Đức( chủ biên)(2003)- Lý luận văn học, NXBGD.
14. Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ –(1966), Nguyễn Huy Tưởng, NXB Văn học.
15. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử ,Nguyễn Khắc Phi(2006), Từ điển thuật ngữ văn học, NXBGD.
16.Võ Thị Hảo (2005), Giàn thiêu, NXB Phụ nữ.
17. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá(2004), Từ điển văn học, NXB Thế giới .