Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 15


trọng. Cùng với nhiều yếu tố nghệ thuật khác, ngoại hình còn là thủ pháp hữu dụng để nhà văn truyền tải quan điểm, dụng ý nghệ thuật của mình. Những tác phẩm nổi tiếng thường là những tác phẩm mà ở đó ngoại hình nhân vật có nhiều điểm đáng chú ý. Nhân vật Quadimodo trong tiểu thuyếtNhà thờ đức bà Paris của Victo Huygô; Đônkihôtê trong tiểu thuyết cùng tên của Xecvantec; Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao… Có những hình tượng nhân vật chỉ với đặc điểm ngoại hình đã trở thành điển hình, có sức sống mãnh liệt trong lòng độc giả như “xấu như thị Nở” . Điều này chứng tỏ thành công của một tác phẩm có sự đóng góp không nhỏ của việc miêu tả ngoại hình nhân vật.

Trong các tiểu thuyết đã dẫn của Lê Lựu, hầu như không có một tác phẩm nào nhà văn tập trung miêu tả chi tiết ngoại hình nhân vật. Đại đa số nhân vật chỉ được điểm qua đôi nét về hình dáng xen kẽ với hành động, ngôn ngữ để làm nổi bật lên tính cách. Tuy vậy, các nhân vật của Lê Lựu dù được tái hiện dưới hình thức gợi chứ không phải tả nhưng vẫn tạo ấn tượng mạnh với độc giả. Khả năng khái quát cao kết hợp với miêu tả chi tiết, tỉ mỉ đã giúp Lê Lựu xây dựng thành công những kiểu nhân vật mang đặc trưng cho một tầng lớp người trong xã hội đương thời. Chính vì vậy nhân vật của Lê Lựu mang tính điển hình, sinh động, cụ thể, tuy chung mà lại rất riêng.

Không thể phủ nhận trong các tác phẩm của mình Lê Lựu đặc biệt chú ý khi miêu tả chi tiết, tỉ mỉ các nhân vật nữ còn các nhân vật nam được ông miêu tả một cách chung chung, khái quát. Song tỉ mỉ, cụ thể hay khái quát thì dưới ngòi bút Lê Lựu nhân vật đều bộc lộ rõ nét tính cách, số phận.

Với độ dài hơn 300 trang, tiểu thuyết Thời xa vắng đã kể lại tỉ mỉ đường đời, số phận của nhân vật Giang Minh Sài. Lê Lựu không chỉ miêu tả trực tiếp nhân vật mà còn tái hiện hình ảnh nhân vật qua lời kể, qua nhận xét của các nhân vật khác về Sài. Điều này tạo tính khách quan, đa nghĩa cho tác phẩm. Sài được người đọc hình dung qua những trang kể là nhỏ bé, nhanh nhẹn. Khi lớn lên Sài được miêu tả là mang vẻ đẹp của con nhà binh nhưng lại vô cùng nhút nhát, rụt rè, đặc biệt là hay đỏ mặt khi đứng trước phụ nữ. Một lần duy nhất Lê Lựu dừng lại miêu tả chi tiết về Sài qua hình


dung của Hương: “Đôi mắt buồn xa xăm. Đôi môi dày mím lại lặng lẽ mà vẫn như gợi mọi người phải nhìn vào nó[72, 213]. Dù chỉ miêu tả thảng hoặc đôi nét nhưng người đọc vẫn hình dung được tính cách, số phận, những trắc ẩn trong lòng nhân vật. Có lẽ bản thân tác giả không muốn quá khắc sâu những cái bên ngoài nhân vật mà hơn thế ông muốn người đọc tập trung vào cái chiều sâu cốt lõi trong tâm hồn nhân vật và qua đó làm nổi bật vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, giản dị của Sài.

Khác với Giang Minh Sài, hình ảnh nhân vật Phạm Quang Núi trong Sóng ở đáy sông lại được tái hiện qua cái nhìn của các cô gái đi qua đời Núi. Núi được hình dung là ưa nhìn, khéo léo, tế nhị vừa đủ, sỗ sàng vừa đủ, bạo dạn vừa đủ, hiền lành vừa đủ, lưu manh vừa đủ và chính vì vậy hắn vừa đủ mọi yếu tố để dễ dàng chinh phục được các cô gái. Khi chuyển tài từ tác phẩm văn học sang tác phẩm điện ảnh, đạo diễn NSƯT Lê Đức Tiến đã gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn diễn viên đóng vai Phạm Quang Núi để có thể toát lên những đặc điểm nổi bật của nhân vật này và diễn viên trẻ Xuân Bắc đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình.

Nhân vật Tâm trong tiểu thuyết Hai nhà cũng được khắc họa một cách chung chung về ngoại hình. Ngoại trừ đôi lúc nhân vật được tác giả khắc họa cụ thể: “những ranh giới các hóc xương ở mặt đã được đẩy lên mềm phúng phính. Cái bụng như cái bong bóng đựng bia cũng phình ra…” [76, 245] nhưng trên tổng thể từ đầu đến cuối tác phẩm người đọc cũng chỉ lưu lại những kí ức ít ỏi về ngoại hình nhân vật này là một anh nhà báo đẹp trai, mặt mũi ưa nhìn, tóc thưa mềm. Chính điều này đã khiến người đọc bất ngờ khi Tâm lấy được Linh Anh, một cô gái thành thị xinh đẹp, tháo vát, nhanh nhẹn.

Nhân vật Lưu Minh Hiếu trong Chuyện làng Cuội là sự đặc biệt, ngoại lệ của tác giả. Đây là nhân vật nam duy nhất được tác giả chú ý miêu tả chi tiết từ ngoại hình đến tính cách. Nhân vật này khác hẳn môtip ngoại hình đã thấy ở các nhân vật nam của Lê Lựu. Nhân vật Lưu Minh Hiếu cũng là nhân vật tác giả bày tỏ sự phê phán một cách trực tiếp. Ngay từ cái tên nhân vật đã cho thấy điều này. Lưu Minh Hiếu hay chính là Lưu Manh Hiếu – Hiếu lưu manh? Cả quãng đời của nhân vật được tác giả khắc họa

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.


một cách chi tiết, cụ thể. Đó là một người đàn ông có “khuôn mặt nhỏ, gò má cao, trán rộng, miệng hơi vẩu, sang và đôi mắt thì đểu thực sự. Hiếu còn được miêu tả qua cái nhìn của những người xung quanh. Dưới con mắt của anh phóng viên Hiếu để lại ấn tượng bởi “cái mắt và cái mồm của hắn rất chửi nhau. Cái mồm là cái mồm thằng tán gái thành phần. Con kiến trong lỗ cũng phải chui ra với nó. Cái mắt lạnh tanh, bạc. Kinh. Cái mắt gian ngoan, xảo quyệt, mưu mẹo và tàn nhẫn lắm” [76, 276]. Những lời nhận xét của anh chàng nhà báo có tác dụng đánh giá một cách khách quan theo kiểu tướng số, nhận dạng. Lưu Minh Hiếu là nhân vật đại diện cho một kiểu người thực dụng, thủ đoạn trong xã hội. Thông qua nhân vật nhà văn cũng lên tiếng báo động về thực trạng tha hóa nhân cách của con người. Miêu tả nhân vật này Lê Lựu chịu ảnh hưởng của lối miêu tả truyền thống – nhân vật phản diện thường mang những nét ngoại hình xấu, từ ngoại hình bộc lộ rõ nét tính cách nhân vật và dụng ý nghệ thuật của tác giả.

Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 15

Song song với việc miêu tả ngoại hình các nhân vật chính, tác giả cũng khắc họa các nhân vật phụ theo lối chấm phá nhưng có chọn lựa chi tiết điển hình. Trong tiểu thuyết Thời xa vắng, nhân vật phụ để lại ấn tượng sâu sắc nhất là Toàn gã thợ điện – nhân tình một thời của Châu, kẻ khiến Châu mê mẩn, điêu đứng. Đó là con người “trắng trẻo, đẹp trai, thư sinh, lúc nào hắn cũng gọn gàng, nhẹ nhàng, lịch lãm đầy cuốn hút. Đây là tuyp người mang lại bất hạnh cho người phụ nữ, phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Nhân vật này chính là nguyên nhân dẫn đến bi kịch và sự tan vỡ của gia đình Sài.

Trong Chuyện làng Cuội, đội Lăng chỉ xuất hiện thoáng qua trong những ngày cải cách ruộng đất nhưng y đã gắn bó chặt chẽ với Xuyến – vợ Hiếu bằng một cuộc tình lén lút vụng trộm nhưng mãnh liệt. Dù chỉ là thoáng qua nhưng ấn tượng về nhân vật này lại rất rõ rệt: “nước da trắng săn sít lại rất hợp với khuôn mặt thon thon của anh, anh có đôi mắt vừa sắc sảo vừa mơ màng dù một bên là con mắt giả, lại có cái cười nửa miệng hốm, lại nói năng lưu loát” [76, 156]. Đội Lăng là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc biến đổi từ Lưu Minh Hiếu thành Lưu Manh Hiếu. Khi chứng kiến


cảnh ngoại tình của vợ và đội Lăng, Hiếu đã vô cùng căm hận. Y đã mường tượng trong đầu ý định phải trả thù và trả thù như thế nào. Có lẽ cảnh ăn nằm của vợ và đội Lăng là cảnh ám ảnh Hiếu nhất trong cuộc đời.

Trong tiểu thuyết Sóng ở đáy sông, ông Đại là người được tác giả chú ý miêu tả: “cha hắn là người cao to, hồng hào, không có râu nên rất khó đoán tuổi và không biết lúc nào đang vui hay đang buồn, vì rất ít khi ông nói cười với vợ con” [79,56]. Chỉ sơ lược vài dòng miêu tả nhưng cũng khái quát được tính cách nổi bật của nhân vật này. Đó là con người nguyên tắc, cứng nhắc đến lạnh lùng, tàn nhẫn. Mặc dù là bố đẻ nhưng dường như ông Đại không có một sợi dây tình cảm liên kết nào với Núi. Tính cách độc đoán, nhẫn tâm của ông là câu hỏi lớn đối với Núi và người đọc. Có thể nói ông là nhân tố đầu tiên, dai dẳng, mạnh mẽ nhất triệt tiêu, kìm hãm mọi sự phát triển, mọi đường sống của Núi.

Nếu trong Sóng ở đáy sông, hành trình cuộc đời Núi ở mỗi chặng đều có dấu chân của một người phụ nữ thì trong Hai nhà, bức tranh phác họa nhân vật Linh Anh đều có sự tham gia, góp mặt của những gã đàn ông. Đó là chú Thiệt lái xe tải – người đàn ông đầu tiên bước chân vào cuộc đời Linh Anh. Ông Thiệt được miêu tả: 53 tuổi, “gầy guộc, môi thâm, răng hơi quặp vào trông lắt nhắt như răng chuột” [80, 154]. Không chỉ trăng gió với Linh Anh khi đã có vợ, Thiệt còn là người tình lý tưởng của bà Nhân – Di đen, hàng xóm của Linh Anh sau này. Sự chênh lệch về tuổi tác, hình thức, hoàn cảnh không ảnh hưởng gì đến tình yêu của hai người. Điều này cho thấy sự dễ dãi quá trớn trong quan niệm tình yêu thời mở cửa. Đáng buồn hơn, sau này xảy ra một cuộc đánh ghen ầm ĩ xoay quanh nhân vật Thiệt nhưng không phải là cơn ghen của vợ y mà là cơn ghen giữa hai người đàn bà cùng là nhân tình. Thời bấy giờ, những con người như Thiệt không khó tìm trong xã hội. Xã hội càng phát triển, tinh thần tự do càng mạnh mẽ thì đạo đức, nhân cách con người càng suy thoái. Còn có những con người như Thiệt, như Toàn thì trong gia đình còn nhiều những người vợ hư hỏng như Linh Anh, như Châu và người chồng, người cha bất hạnh như Tâm, như Sài.


Miêu tả ngoại hình, tính cách nhân vật nữ là thế mạnh của Lê Lựu. Dù là nhân vật chính hay nhận vật phụ; nhân vật chính diện hay phản diện, các nhân vật nữ thường được Lê Lựu miêu tả, khắc họa một cách cụ thể, chi tiết hơn. Nhắc đến các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Lê Lựu, trước hết phải kể đến Hương và Châu, hai người phụ nữ lưu lại ấn tượng mạnh mẽ nhất trong cuộc đời Sài. Cùng xuất phát từ tình yêu nhưng khi miêu tả hai nhân vật này Lê Lựu sử dụng hai bút pháp nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Hương là người phụ nữ được Lê Lựu ưu ái, dành nhiều tình cảm chân thành và ngợi ca. Hương đẹp ở mọi góc độ, mọi cái nhìn và đó là vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện: “Cái gáy trắng nõn nà, tóc gọn gàng đen mướt trùm xuống hai bờ vai, đôi mắt mở to rất đẹp và thông minh, đôi má ửng đỏ, bộ ngực căng phồng lên… đẹp như tượng phật, hàm răng rất trắng và đều đặn, đôi môi mòng mọng, khi cười làm người khác không bao giờ quên, dù chỉ thấy một lần”. Có thể nói nếu tạo hóa ban cho người phụ nữ nét đẹp nào thì Lê Lựu hào phóng gửi tặng tất cả vào Hương. Không chỉ đẹp về ngoại hình, Hương còn thánh thiện, trong sáng cả về mặt tâm hồn. Cô dịu dàng, nhẹ nhàng, chu đáo và chân thật. Mặc dù đến với Sài khi anh đã có gia đình nhưng người đọc không thể trách cứ Hương. Cô mới là người phụ nữ Sài yêu thương nhất và cũng chính cô là người đã cho Sài sống thật nhất với tình cảm của chính mình. Được sống với mình là điều xa xỉ nhất mà Sài gần như không bao giờ có được.

Cũng đẹp, cũng cuốn hút nhưng Châu lại được tác giả miêu tả theo một cách khác. Cái đẹp của Châu mang đến cảm giác lo sợ, bất an, hụt hẫng cho người chiếm giữ: “hàm răng trắng bóng, cái cười tủm tỉm vô cùng duyên dáng khiến tất thảy đàn ông đều mềm lòng”. Vẻ đẹp của Châu làm mềm lòng tất thảy đàn ông thì cũng có nghĩa nó làm đau lòng mọi đàn ông trong đó bi kịch nhất là Sài – chồng của Châu. Một gã trí thức quê mùa, chân thành. Hành trang bước vào cuộc đời chỉ có chữ nghĩa và lòng chân thật, chân thật đến ngô nghê, ngờ nghệch thì làm sao có thể nắm giữ, sở hữu riêng cho mình một vẻ đẹp đa tình, sắc sảo đến như vậy. Với Châu, sắc đẹp không chỉ là quà tặng vô giá của tạo hóa mà còn là thứ vũ khí hữu dụng giúp cô tấn công, sở hữu, điều


khiển đối phương. Nó là thứ đồ trang sức tô điểm thêm cho sự lọc lõi, sắc sảo của Châu.

Nhân vật Linh Anh trong tiểu thuyết Hai nhà có nhiều nét giống Châu cả về ngoại hình và tính cách. Lê Lựu miêu tả vẻ đẹp của Linh Anh bằng những mỹ từ mạnh: “Đôi mắt sóng sánh của cô bất kể lúc nào cũng có thể thành giông bão, làm chao lật những gã đàn ông si tình… hai mi mắt dài, đen, ẩm ướt của đôi mắt sóng sánh ấy, chỉ cần một cái liếc nhẹ cũng làm tan nát, rụng rời bất cứ kẻ nào mon men để trêu đùa tán tỉnh… Cái lúm đồng tiền xoáy tròn lại, tạo nên những hũm rất sâu, có thể làm hàng trăm người chìm nghỉm một lúc” [80, 106]. Đó là lí do tại sao có biết bao chàng trai sẵn sàng chết dưới chân Linh Anh trong đó có cái chết thật của ông Hoàng Địa và cái chết tâm hồn của Tâm.

Không giống những cô gái trẻ đẹp, sắc sảo như Châu, như Linh Anh, nhân vật bà Đất trong Chuyện làng Cuội lại mang một vẻ đẹp chân chất, thuần phác, mộc mạc. Tuy vậy vẻ đẹp ấy cũng mang đến một dự cảm về sự bất trắc, sóng gió. Bà Đất và Hương là những nhân vật nữ ít ỏi xinh đẹp nhưng nữ tính, đoan trang trong thế giới nhân vật nữ của Lê Lựu. Trong tác phẩm các nhân vật khác như Xuyến, Hiền, Nho, Linh Chi… cũng đều được tác giả dành sự quan tâm nhất định. Dường như, trong ngòi bút và quan niệm của Lê Lựu, ông không mấy thiện cảm với người phụ nữ đẹp. Cái đẹp về ngoại hình của người phụ nữ trong dự cảm của ông thường mang theo bất hạnh và bi kịch cho người đàn ông sở hữu nó.

Trái ngược với những người phụ nữ đẹp như Hương, Châu, Linh Anh… Lê Lựu còn xây dựng nhân vật nữ bất hạnh, thiệt thòi về ngoại hình mà Tuyết là một minh chứng. Đây là vợ cả, người vợ được định đoạt sẵn cho Sài trong Thời xa vắng. Khi miêu tả nhan sắc của Tuyết, Lê Lựu có cái nhìn mỉa mai, trào lộng đến xót xa. Dường như tác giả muốn so sánh sự đối nghịch đến tận cùng giữa Tuyết và Hương để từ đó làm nổi bật bi kịch của Sài. Theo cách nhìn nhận, đánh giá của Sài thì Tuyết có cái mặt: “chảy ra phèn phẹt như cái mẹt bánh đúc, người có khác gì cái chĩnh đựng đỗ giống… mỗi khi chạy trông cứ như lăn” [72,40]. Bộ dạng của Tuyết còn thê thảm vô


cùng khi cô lên đơn vị thăm chồng. Chính điều này càng làm Sài đau đớn, chán chường và đẩy anh ra xa cô hơn nữa: “Một cái áo sơ mi nõn chuối, một cái áo lót đông xuân màu hồng mặc phía trong nhưng vẫn thể hiện được cái màu hồng hoe ấy lộ ra ngoài ở cổ và cả một đoạn thừa chừng nửa đốt ngón tay thò dưới áo ngoài. Đầu chải bê xăng- tin nhếch nhoáng lật ngược lại và được đè ập xuống bởi vòng khăn vấn bằng vải voan nhuộm màu nâu non còn mới trông nó chặt chằng như một cái đai. Chiếc quần láng súng sính dài quét gót, nhưng lại sắn vận vào, kéo ống ngang lên cổ chân để lộ đôi bàn chân to bè bè, chi chít những vệt đen như gai cào. Nó căng lệch, nứt nở bởi những quai dép cao su chằng cả ở phía trước và phía sau” [72, 90]. Tất cả những gì đẹp nhất Lê Lựu đã dành cả cho Hương vì vậy bao xấu xa, thô kệch là phần của Tuyết. Sự đối lập giữa ngoại hình và tính cách của Hương và Tuyết càng gay gắt bao nhiêu thì nỗi khổ, bi kịch của Sài càng tỉ lệ thuận bấy nhiêu.

Qua bốn cuốn tiểu thuyết của Lê Lựu có thể thấy, ngòi bút miêu tả ngoại hình của Lê Lựu rất chân thực, toàn diện và đều mang dụng ý nghệ thuật của tác giả. Qua ngoại hình nhân vật, phần nào người đọc thấy được số phận, tính cách, dự cảm được tương lai của nhân vật. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Lê Lựu dù đông đúc, có tính khái quát cao nhưng vẫn mang tính cá thể, đặc trưng, riêng biệt một phần nhờ khả năng miêu tả ngoại hình của nhà văn. Không chỉ là phương tiện hữu dụng trong việc truyền tải quan điểm, dụng ý nghệ thuật mà việc miêu tả ngoại hình nhân vật sắc nét cũng cho thấy tầm quan sát, khái quát, nhìn nhận con người một cách sâu sắc của Lê Lựu.

Ngoài hai thủ pháp xây dựng, khắc họa nhân vật là tạo tình huống miêu tả ngoại hình thì các thủ pháp nghệ thuật khác như xây dựng tính cách nhân vật qua lời nói, ngôn ngữ, hành động… cũng góp phần to lớn trong việc xây dựng thế giới nhân vật phong phú của Lê Lựu, từ đó làm nổi bật giá trị, ý nghĩa của tác phẩm. Có thể khẳng định Lê Lựu là nhà văn có biệt tài trong việc xây dựng những nhân vật vừa mang tính khái quát vừa mang tính điển hình cho một thời, một xã hội cụ thể. Nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Tôi cho rằng một nhà văn lớn phải có những nhân vật


lớn, những nhân vật điển hình gắn liền với tên tuổi của họ. Nếu như Xec-van-tec gắn liền với nhân vật Đông-ky-sốt, Nguyễn Minh Châu gắn liền với nhân vật Lão Khúng thì Lê Lựu gắn liền với nhân vật Giang Minh Sài. Nói khác đi, có thể làm tượng Giang Minh Sài thay cho tượng Lê Lựu được. Có không ít nhà văn viết rất hay, quy mô tác phẩm lớn, nhưng lại không tạo ra được nhân vật điển hình của mình. Lê Lựu không chỉ tạo ra Giang Minh Sài, mà còn có nhân vật anh Núi trong Sóng ở đáy sông cũng rất ám ảnh”.


PHẦN KẾT LUẬN

Lê Lựu là một trong những cây bút có đóng góp quan trọng đối với nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Trong bối cảnh lịch sử, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi từ sau chiến tranh đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) với đường lối chủ trương dân chủ hóa văn học, Lê Lựu đã cảm nhận tinh tế, nhạy bén nhu cầu phản ánh thực tại với tất cả những mặt biểu hiện của nó.

Lê Lựu khởi duyên với văn học từ thể loại truyện ngắn nhưng sau này ông lại gặt hái được nhiều thành công ở thể loại tiểu thuyết. Từ thành công vang dội của Thời xa vắng, Lê Lựu đã trình làng khá nhiều tác phẩm: Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông, Hai nhà… Hầu hết các tác phẩm của Lê Lựu đều phản ánh trung thực hiện thực, đi sâu vào đời sống của con người với muôn mặt biểu hiện của nó. Ở lĩnh vực nào của việc biểu hiện đời sống ông cũng cố gắng tối đa trong việc phản ánh bản chất sự việc và con người, nhìn nhận, đánh giá nó theo lăng kính đa chiều, không phiến diện. Cảm hứng nhận thức lại lịch sử, cảm hứng bi kịch cảm hứng đời tư thế sự thấm đẫm trong mỗi trang viết của nhà văn. Điều này đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho các sáng tác của Lê Lựu. Với gần 40 năm cầm bút, bằng sự trăn trở kiếm tìm, bằng nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ với lý tưởng và đạo đức của người cầm bút, Lê Lựu đã tạo được phong cách nghệ thuật riêng trong đó ông nổi bật là nhà văn mở đường cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam thời kì đổi mới.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/02/2024