bùn” tội lỗi. Đặc biệt nhà văn đã định hình, mơ ước một ngày nào đó có nhiều hơn mẫu người văn hóa mang tính lý tưởng của thời đại mới.
Qua việc khảo sát các mẫu người văn hóa, chúng ta có thể thấy cái nhìn sâu sắc của nhà văn trong việc lý giải các hiện tượng của đời sống xã hội hiện đại. Theo quan điểm của chúng tôi, việc khảo sát các mẫu người văn hóa trên đây có nhiều ý nghĩa như tác giả Đỗ Lai Thúy cũng từng khẳng định: “Vấn đề con người cá nhân hiện nay đang làm “đau đầu” toàn thế giới. Ở các xã hội công nghiệp tiên tiến, cá nhân ở tình trạng đối lập với xã hội, sa vào cô đơn nên gây ra nhiều bi kịch. Ở các nước đang phát triển, cá nhân cổ truyền đang được coi là sự cản trở để đất nước đi vào thế giới hiện đại.
Nước ta hiện nay đang đứng trước sự lựa chọn, đi theo con đường phát triển cá nhân cực đoan của phương Tây hay đi tìm một con người khác, vừa thích nghi với thế giới hiện đại, vừa kế thừa những ưu điểm của xã hội phương Đông cổ truyền?” [35, 35]. Qua việc xây dựng các kiểu nhân vật như trên, chúng ta có thể thấy được cái nhìn nghệ thuật của nhà văn về những mẫu người hiện đại. Tác phẩm đã phản ánh chân thực đời sống con người miền núi phía Bắc trong những năm gần đây qua những bức chân dung sinh động và cố gắng định hình một kiểu người phù hợp nhất cho tương lai. Mẫu người văn hóa mới ấy đã xuất hiện nhưng chưa nhiều, vì chưa có được môi trường văn hoá thực sự thuận lợi để phát huy hết tài năng, khát vọng cống hiến của mình, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi xa xôi, hẻo lánh. Nhưng khi xung đột văn hóa ở buổi ban đầu đã qua đi, cái cũ và cái mới đã hoà hợp, cùng với quan điểm của nhà văn, chúng tôi tin tưởng rằng: mẫu người văn hóa mới mang tính lý tưởng ấy thực sự là chủ nhân đích thực của đất nước.
KẾT LUẬN
1. Sáng tác của nhà văn dân tộc thiểu số là bộ phận hợp thành của nền văn học Việt Nam hiện đại. Trong mảng sáng tác này, bên cạnh những đặc điểm phẩm chất chung của bộ phận nằm trong chỉnh thể, được quy định bởi phương pháp sáng tác chung và cảm hứng thời đại, chúng tôi còn bắt gặp vẻ đẹp riêng ánh lên từ bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, với tính dân tộc được hiểu theo cả hai góc độ thuộc tính và phẩm chất. Bên cạnh các sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số như Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Nông Minh Châu, Triều Ân… sáng tác của Cao Duy Sơn đã có một vị trí danh dự trên văn đàn mà tiểu thuyếtĐàn trời là một tác phẩm đặc sắc, được bạn đọc yêu mến, được các nhà nghiên cứu - phê bình văn học quan tâm tìm hiểu và đánh giá.
2. Tiểu thuyết Đàn trời cùng các tác phẩm khác của Cao Duy Sơn đã được nghiên cứu ở nhiều góc độ và cấp độ khác nhau. Các hướng tiếp cận Thi pháp học, Tự sự học, Xã hội học đã đem lại những kết luận khoa học có giá trị. Nhưng cùng một đối tượng khảo sát, với những phương pháp nghiên cứu khác nhau, chúng ta vấn có thể tìm thấy những vẻ đẹp và giá trị mới từ một đối tượng không mới. Nghiên cứu tiểu thuyết Đàn trời từ hướng tiếp cận văn hóa, chúng tôi mong muốn tìm thấy “cội nguồn” hình thành nên quan niệm nghệ thuật về cuộc sống và con người của nhà văn, tìm được căn nguyên sâu xa tạo ra vẻ đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa quen vừa lạ, vừa dữ dội bi tráng vừa thơ mộng trong tác phẩm này.
3. Nghiên cứu tiểu thuyết Đàn trời từ cái nhìn văn hóa, trước hết chúng tôi đi sâu khảo sát, phân tích, đánh giá về không gian văn hóa vừa đậm sắc thái miền núi, vừa có những âm vang văn hóa của thời đại dội vào. Đó là không gian văn hóa của vùng đất Cao Bằng, một bộ phận nằm trong chỉnh thể là “Vùng văn hóa” Việt Bắc. Đây là một không gian văn hóa vừa có sự dữ dội của vùng biên ải, vừa có thơ mộng trữ tình của non nước cây lá đại ngàn. Trong không gian văn hóa ấy, một bản sắc văn hóa đa sắc thái đã hiện diện - như một
tấm thổ cẩm mà trong đó Bản sắc văn hóa Tày là gam màu chủ đạo nhưng “đan dệt” cùng bao sắc màu văn hóa của các tộc người khác cộng cư trong không gian ấy. Tất cả tạo nên một bản sắc văn hóa miền núi vừa đa dạng vừa thống nhất. Trong không gian văn hóa này, chúng tôi chia tách và khảo sát hàng loạt kiểu không gian xuất hiện như các yếu tố gắn kết, tương giao, tương hỗ với nhau, để tạo thành một hệ thống: không gian bản, không gian phố thị, không gian xa lạ, không gian tâm linh. Nguyên tắc tương phản được sử dụng khi xây dựng các kiểu loại không gian kể trên tái hiện một không gian văn hóa miền núi đang biến đổi, vận động dữ dội trong xung đột văn hóa ở thời điểm sau Đổi mới. Xung đột giữa các giá trị văn hóa truyền thống đã “rạn vỡ” trước mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình đô thị hóa ở vùng cao. Xung đột văn hóa này có ý nghĩa điển hình bởi nó cũng đang diễn ra trên đất nước ta, để lại nhiều hệ lụy đáng lo ngại, bởi vì: Mất văn hóa là mất tất cả! .
Nếu ở chương 2, chúng tôi tập trung nghiên cứu không gian văn hóa trong tiểu thuyết Đàn trời của Cao Duy Sơn thì đến chương 3, những mẫu người văn hóa xuất hiện như một hệ quả tất yếu của việc hình thành các kiểu loại không gian văn hóa kể trên. Con người vừa là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội vừa có khả năng cải tạo hoàn cảnh ấy. Với không gian văn hóa và các mẫu người văn hóa cũng thế. Gắn bó với không gian văn hóa Bản là mẫu người văn hóa truyền thống. Như là sản phẩm của không gian văn hóa Phố thị là mẫu người văn hóa “rạn vỡ” và mẫu người tha hóa. Kiểu không gian xa lạ vừa thể hiện ước mơ vượt ra ngoài “ranh giới” và không gian quen thuộc của con người miền núi, vừa chất chứa những thử thách nghiệt ngã, buộc các nhân vật hoặc phải vượt qua hoặc gục ngã trước nó. Đặc biệt không gian tâm linh xuất hiện với hai ý nghĩa: vừa là biểu hiện cho những giá trị văn hóa truyền thống có khả năng “neo giữ” và “gột rửa” cho nhân cách con người trước “bão lũ” là mặt trái của cơ chế thị trường, của lối sống thực dụng, vừa là biểu tượng cho niềm tin tâm linh của con người miền núi. Niềm tin vào lẽ công bằng, vào sự chiến thắng của cái thiện với cái ác, vào luật nhân - quả trong cuộc đời.
4. Không gian văn hóa và mẫu người vă hóa xuất hiện trong tiểu thuyết Đàn trời có ý nghĩa khái quát và tính điển hình cao bởi vì: trong những “khoảng giao thời” của thời đại, khi những giá trị văn hóa cũ và mới va đập với nhau và chưa đi tới sự hòa hợp, thống nhất, những xung đột văn hóa dẫn tới bi kịch và đổ vỡ là điều tất yếu. Những mẫu người văn hóa của thời đại mới sẽ hình thành là chủ nhân của tương lai. Nhà văn đã định hình và dự báo về mẫu người văn hóa ấy qua các nhân vật mang tính lý tưởng của mình. Những nhân vật mang tính lý tưởng ấy đã và đang xuất hiện nhưng còn cần nhiều hơn thế nữa. Và cần phải có nhiều hơn nữa những không gian văn hóa tốt đẹp để mẫu người văn hóa này có thể phát huy cao độ tài năng cùng khát vọng cống hiến cho đất nước, cho nhân dân của mình. Đó cũng chính là một thông điệp khẩn thiết vượt lên trên đề tài chống tham nhũng của tác phẩm, được nhà văn tha thiết gửi tới bạn đọc. Chính thông điệp này khiến cho tư tưởng nghệ thuật và giá trị của tác phẩm Đàn trời sâu sắc hơn, mang tầm vóc lớn lao hơn những gì mà người đọc cảm nhận ở lớp nghĩa “bề mặt” của nó.
Có thể bạn quan tâm!
- Tiểu thuyết đàn trời của Cao Duy Sơn từ góc nhìn văn hóa - 9
- Tiểu thuyết đàn trời của Cao Duy Sơn từ góc nhìn văn hóa - 10
- Định Hình Một Mẫu Người Văn Hóa Của Thời Đại Mới
- Tiểu thuyết đàn trời của Cao Duy Sơn từ góc nhìn văn hóa - 13
Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.
5. Việc nghiên cứu không gian văn hóa và mẫu người văn hóa trong tiểu thuyết Đàn trời của Cao Duy Sơn còn cho thấy quan niệm nghệ thuật về cuộc sống và con người của nhà văn. Không chỉ có tình yêu sâu nặng dành cho quê hương và con người miền núi, lòng căm ghét cái xấu, cái ác “giả danh cái đẹp, cái thiện đang hoành hành, gieo tai họa cho những con người lương thiện và dũng cảm, làm nghèo đi những vùng đất vốn đã quá khó khăn, nhà văn còn thể hiện trách nhiệm công dân và tư cách nghệ sỹ chân chính trước những vấn đề bức xúc nổi cộm trong đời sống xã hội hôm nay. Nạn tham nhũng, sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận quan chức hôm nay, sự xuống cấp về văn hóa diễn ra ngày càng ghê gớm ở nhiều lúc nhiều nơi… Nhưng vượt lên trên tất cả là niềm tin của nhà văn vào sự chiến thắng của lẽ phải, của tình người trước các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, niềm tin vào những mẫu người văn hóa mới mang phẩm chất cao đẹp như ánh sáng sẽ xua tan bóng tối, chiến thắng cái xấu, cái ác, vượt
qua thử thách, xây dựng và làm chủ cuộc sống mới.
6. Nếu tiếp tục nghiên cứu sáng tác của Cao Duy Sơn ở cấp độ cao hơn, chúng tôi nghĩ còn nhiều vấn đề lý thú đang chờ đợi các nhà nghiên cứu văn học: Sáng tác của Cao Duy Sơn từ góc nhìn văn hóa, Bản sắc dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn, Sự kết hợp phẩm chất văn hóa Tày và phẩm chất văn hóa Việt trong sáng tác của Cao Duy Sơn…
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Thuỳ An (2007), Thi pháp nhân vật tiểu thuyết trong tiểu thuyết Người lang thang và Đàn trời của Cao Duy Sơn, luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm
Hà Nội.
2. Toan Ánh (2005), Làng xóm Việt Nam, Nxb Trẻ, Hà Nội.
3. Nguyễn Trần Bạt (2007), Khái niệm văn hóa và bản chất của văn hóa,
chung ta.com.
4. M. Bakhtin (1993), Những vấn đề thi pháp tiểu thuyết Doxtoiepxki, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. R. Barthes (1997), Độ không của lối viết (Nguyên Ngọc dịch), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
6. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (1969), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (bản dịch tiếng Việt của NXB Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du),
7. Mai Ngọc Chừ (1998), Văn hóa Đông Nam á, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
8. Đặng Anh Đào (2001), Tài năng và người thưởng thức, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Hà Minh Đức sưu tầm và tuyển chọn (2002), Nam Cao toàn tập (Tập I), Nxb Văn học, Hà Nội.
10. Đinh Thị Minh Hảo (2009), Đặc điểm truyện ngắn Cao Duy Sơn, luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
11. Nguyễn Văn Hạnh, Cái cá biệt và cái khái quát trong sáng tác văn học và nghệ thuật, Tạp chí Văn học số 5, 6.
12. Chu Thu Hằng, Nhà văn Cao Duy Sơn: Cả đời tôi chỉ đeo đuổi đề tài về người miền núi, baovanhoa.vn, 2008.
13. Lê Bá Hân - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà nội.
14. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
15. Nguyễn Kim Hồng, Làng quê Việt Nam trong văn xuôi hiện thực trước 1945, Nxb Văn học Hà Nội.
16. Samuel Hungtington (2003), Sự va chạm của các nền văn minh, Nxb Lao động, Hà Nội.
17. Nguyễn Quang Huy, Thử dẫn vào nghiên cứu văn học từ góc nhìn cổ mẫu (archétype), tapchisonghuong.com, 2012.
18. Nguyễn Thị Từ Huy (2009), Sự thật và diễn giải, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội
19. Sông Lam (2009), Cao Duy Sơn, giọng văn nhẹ nhàng mà sắc bén, cema.gov.vn.
20. Phan Huy Lê - Vũ Minh Giang (Chủ biên) (1996), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay, Đề tài KX 07 - 02.
21. Đào Thuỷ Nguyên (2010), Cội nguồn văn hoá dân tộc trong truỵên ngắn Cao Duy Sơn, Tạp chí Văn học 06 - 2010.
22. Phương Lựu (1995), Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, Nxb Văn học, Hà Nội.
23. Phan Ngọc (2006), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
24. Nhiều tác giả (2001), Văn học Việt Nam (1900 - 1945), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
25. Nhiều tác giả (1999), Nam Cao về tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
26. Y Phương (2010), kungfu người Co Xàu, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội
27. Lý Thị Thu Phương (2010), Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Cao Duy Sơn, luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
28. Cao Duy Sơn (2006), Đàn trời, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
29. Đặng Đức Siêu (2006), Sổ tay văn hóa Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội.
30. Trần Đình Sử (2001), Văn học và thời gian, Nxb Văn học, Hà Nội.
31. Trần Đình Sử (2004), Tự sự học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
32. Nhất Thanh (Vũ Văn Khiếu) (2001), Đất lề quê thói, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
33. Trần Ngọc Thêm, Lời ngỏ, vanhoahoc.com.
34. Bích Thu (Tuyển chọn và giới thiệu) (1999), Nam Cao về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
35. Đỗ Lai Thúy (1999), Từ cái nhìn văn hóa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.
36. Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2001), Nghệ thuật như là thủ pháp - lí thuyết chủ nghĩa hình thức Nga, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
37. Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2004), Sự đỏng đảnh của phương pháp, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
38. Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2004), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
39. Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2004), Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
40. Đỗ Lai Thúy (2005), Văn hó a Việt Nam nhì n từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội.
41. Đỗ Lai Thúy (2006), Mối quan hệ văn hóa - văn học nhìn từ lý thuyết hệ thống,
vienvanhoc.org.vn.
42. Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2006), Theo vết chân những người khổng lồ, Nxb Văn hóa thông tin, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.
43. Đỗ Lai Thúy (biên soạn) (2007), Phân tâm học và tính cách dân tộc, Nxb Tri thức, Hà Nôi.
44. Đỗ Lai Thúy (2010), Tiếp cận mẫu người văn hóa từ ba làn sóng văn minh, vanhoahoc.vn.
45. Lâm Tiến (2002), Văn học và miền núi, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
46. Lê Trí Quế, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ (1990), Văn học dân gian Việt Nam, Tủ sách trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội.
47. Vũ Dương Quỹ tuyển chọn và biên soạn (1999), Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội.