III/ Những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng hấp dẫn, thu hút khách du lịch
Đối tượng kinh doanh du lịch, chủ thể kinh doanh du lịch và sản phẩm du lịch đều có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành kinh doanh dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, ngày nay thực tế càng cho thấy sự thoả mãn nhu cầu khách du lịch đang đóng vai trò quan trọng hơn cả. Vì vậy cần xem xét những nhân tố nào sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp dẫn, thu hút khách du lịch bên cạnh ba nhân tố cơ bản trên.
1. Những nhân tố chung
1.1. Sự phong phú và hấp dẫn của tài nguyên du lịch
Điều kiện đầu tiên để hình thành và phát triển ngành du lịch là tài nguyên du lịch. Theo Luật Du lịch: “tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn các công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch”.
Các tài nguyên này tạo nên những yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch, mà thiếu nó không thể tạo ra sự hấp dẫn du lịch và đương nhiên không thể hình thành và phát triển ngành kinh tế du lịch. Khung cảnh thiên nhiên độc đáo, khí hậu mát mẻ, trong lành, thế giới động, thực vật đa dạng là những yếu tố rất quan trọng để hấp dẫn và thu hút khách. Con người thường phấn đấu để cuộc sống của mình ngày càng đầy đủ về tiện nghi, để đạt được mục đích ấy họ đã làm cho cuộc sống của mình ngày càng xa rời thiên nhiên. Trong khi đó, với tư cách là một thành tạo của thiên nhiên, con người muốn quay về gần với thiên nhiên. Do vậy, du lịch trở về với thiên nhiên đang trở thành một xu thế và nhu cầu phổ biến.
Bên cạnh đó, các tài nguyên có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá cũng có sức thu hút đặc biệt đối với du khách, những tài nguyên này phục vụ một cách đắc lực cho nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu ham hiểu biết của con người.
Để hiểu rõ ràng là tính đa dạng, trình độ phát triển và chất lượng tài nguyên du lịch càng cao là một trong những điều kiện tiêu chuẩn trước tiên tạo nên sự hấp dẫn và thu hút khách của một quốc gia và một vùng. Khi đánh giá các điều kiện tài nguyên du lịch, không nên đánh giá ở trạng thái tĩnh, mà phải nhìn nhận tài nguyên du lịch ở khả năng phát triển của nó. Hơn nữa, cũng không nên nhìn nhận tài nguyên du lịch theo kiểu khép kín ở từng địa phương, mà phải đặt tài nguyên du lịch của địa phương đó trong mối quan hệ với các địa phương khác.
1.2. Sự ổn định chính trị, an ninh, an toàn cho khách du lịch
Có thể bạn quan tâm!
- Thực trạng và giải pháp về việc thu hút khách du lịch tại tỉnh Hòa Bình trong những năm gần đây - 1
- Thực trạng và giải pháp về việc thu hút khách du lịch tại tỉnh Hòa Bình trong những năm gần đây - 2
- Uy Tín Của Doanh Nghiệp Kinh Doanh Dịch Vụ Du Lịch
- Đường Lối, Chính Sách Của Tỉnh Hoà Bình Nhằm Hướng Dẫn Du Lịch Phát Triển Ổn Định, An Toàn, Bền Vững
- Cơ Cấu Khách Du Lịch Tỉnh Hoà Bình Trong Giai Đoạn 2000-2007 Trong 8 Năm Từ Năm 2000 Đến Năm 2007, Cơ Cấu Khách Du Lịch Đến
Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.
Nền chính trị ổn định đảm bảo cho việc mở rộng các mối quan hệ kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hoá và chính trị giữa các dân tộc. Trong phạm vi các mối quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng phát triển và mở rộng. Du lịch nói chung, du lịch quốc tế nói riêng chỉ có thể phát triển trong bầu không khí hoà bình, ổn định trong tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Về phương diện quốc gia có thể dễ dàng nhận thấy, những đất nước ít xảy ra các biến cố chính trị, quân sự thường có sức hấp dẫn đối với đông đảo quần chúng nhân dân, các du khách tiềm năng. Du khách thích đến những đất nước và vùng du lịch có nền chính trị ổn định, họ cảm thấy an toàn cho tính mạng và tài sản của mình. Tại những nơi này, du khách có thể đi lại tự do mà không có sự chú ý đặc biệt nào. Những điểm du lịch mà tại đó không có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, không có khủng bố giao tranh, du khách có thể gặp gỡ dân bản xứ, giao tiếp và làm quan với phong tục tập quán của địa phương sẽ thu hút được nhiều du khách hơn những nơi họ bị cô lập với các dân cư sở tại.
Sự phát triển của du lịch sẽ gặp phải những khó khăn nếu ở đất nước xảy ra những sự kiện làm xấu đi tình hình chính trị ổn định, hoà bình, trực tiếp hoặc gián tiếp đe doạ đến sự an toàn của du khách. An ninh và an toàn xã hội không đảm bảo là nhân tố ảnh hưởng rất xấu đến số lượng du khách.
Đất nước ta trong suốt những năm qua, tình hình chính trị luôn ổn định, đường lối chính trị và phát triển kinh tế của Việt Nam là muốn làm bạn với tất cả các nước trên tinh thần hoà bình và hữu nghị. Mặc dù trên thế giới đang xảy ra chiến tranh, khủng bố ở nhiều nước, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến thân thiện, an toàn. Đây là những yếu tố rất thuận lợi đã góp phần hấp dẫn, thu hút một lượng khách đáng kể trong thời gian vừa qua, trong đó khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
1.3. Chính sách của Nhà nước
Chính sách của Nhà nước có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển của du lịch nói chung, thu hút khách du lịch nói riêng. Một đất nước, một khu vực có tài nguyên du lịch phong phú, mức sống của nhân dân không thấp nhưng chính quyền địa phương không hỗ trợ cho các hoạt động du lịch thì hoạt động này cũng không thể phát triển được. Thái lan là một trường hợp điển hình. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thành công của Thái lan đó là những chính sách linh hoạt, tiến bộ của Chính phủ Thái lan. Cụ thể như năm 2003 có dịch SARS bùng nổ. Năm 2003 đã đem lại thất thu lớn cho ngành du lịch Thái lan, vậy Chính phủ Thái lan đã đưa ra biện pháp, chính sách gì để khắc phục tình trạng này? Theo như nghiên cứu, tổng hợp của tác giả từ một số bài báo thì Chính phủ Thái lan đã đặt ra và triển khai các chính sách vĩ mô như: tăng cường quảng cáo tại nước ngoài, đưa ra chính sách giảm giá các dịch vụ liên quan như giảm giá vé máy bay, dịch vụ khách sạn, lữ hành… Ngoài ra, thủ tướng Thaksin Shinawatra đã cho đài truyền hình phát hình mình đang ăn gà rán đi khắp thế giới để chứng tỏ Thái lan đã kiềm chế
được dịch SARS.. Không những vậy Bộ Thể thao và Du lịch Thái đã “ đầu tư” 193 triệu Baht để quảng bá hình ảnh không còn dịch SARS, và tiến hành chính dịch “ Nụ cười Thái và hơn thế nữa” nhằm thu hút khách du lịch quay trở lại đất nước này. Điều này cho thấy rằng chính sách của Chính phủ là hết sức quan trọng đối với việc thúc đẩy du lịch phát triển.
Về phía Việt Nam, trong những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến sự phát triển của ngành du lịch. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trên quan điểm chung này, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo một cách xác thực: ban hành một loạt các văn bản quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hành lang pháp lý cho du lịch phát triển, thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch ở Trung ương, chủ trương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu du lịch quốc gia và khu du lịch ở các tỉnh. Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo các Sở Du lịch, Sở Thương mại - Du lịch, Sở Du lịch - Thương mại và các doanh nghiệp du lịch triển khai đồng bộ, khẩn trương Chương trình hành động quốc gia về du lịch trên tất cả các mặt trong giai đoạn 2000-2005 và 2006-2010, đồng thời tuyên truyền quảng bá du lịch, gắn hoạt động du lịch với các hoạt động văn hoá, làng nghề truyền thống, nâng cao chất lượng an toàn, an ninh ở các điểm, khu du lịch, giải quyết các thủ tục tạo thuận lợi cho các hoạt động du lịch.
1.4. Hệ thống cơ sở hạ tầng của địa phương phục vụ cho du lịch
Du lịch là một ngành kinh doanh dịch vụ có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó hệ thống cơ sở hạ tầng là một trong những điều kiện cần thiết, có quan hệ chặt chẽ với các hoạt động kinh doanh du lịch. Trình độ cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hiện đại hay lạc hậu có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến sự phát triển của du lịch. Cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố
rất quan trọng góp phần bổ sung cho yếu tố đầu tiên giúp thu hút khách du lịch đó là cơ sở hạ tầng sẽ tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của tài nguyên du lịch. Một điểm du lịch, nếu có cơ sở hạ tầng tốt, sẽ góp phần tích cực trong việc hấp dẫn và thu hút du khách. Sớm ý thức được điều đó, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện chính sách ưu tiên, đầu tư vốn cho việc xây dựng sân bay, bến cảng, điện, nước...cùng với kết cấu hạ tầng khác theo hướng ngày một hiện đại, phục vụ trực tiếp hay gián tiếp cho hoạt động du lịch, nhờ đó tăng nhanh doanh thu và thu nhập ngoại tệ từ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển và ngày càng thu hút nhiều du khách.
Là một nước còn nghèo về cơ sở hạ tầng và vật chất kĩ thuật, Việt nam nhìn chung không khỏi gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển một ngành du lịch hiện đại sánh vai với ngành du lịch hiện đại của các nước khác. Vì thế hiện nay, du lịch Việt nam đang không ngừng được cải thiện về cơ sở hạ tầng, tuy tốc độ còn chậm và vẫn còn tồn đọng nhiều bất cập. Song nó đã có những tín hiệu đáng mừng, và đầy khả quan.
1.5. Cộng đồng dân cư địa phương
Ngoài các yếu tố trên, thì cộng đồng dân cư cũng có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc hấp dẫn và thu hút khách. Trình độ dân trí, truyền thống văn hoá, phong tục tập quán...của các cư dân địa phương luôn là mục tiêu muốn khám phá của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Khách du lịch thường có xu hướng muốn tìm hiểu lối sống, văn hoá của vùng đất họ đến thăm quan để từ đó thu lượm được những kiến thức hữu ích cho bản thân. Hoặc đôi khi cũng chỉ là để thỏa mãn trí tò mò đối với những gì còn nhiều mới lạ đối với những du khách đến từ các miền đất khác, dân tộc khác.
Tại những nơi có truyền thống văn hoá độc đáo, phong tục tập quán cổ xưa, du khách có thể dễ dàng hoà mình, gặp gỡ, giao tiếp với cư dân địa phương và được đón tiếp một cách thân thiện, hiếu khách, những nơi mà thái
độ cư xử của dân chúng đối với khách văn minh, lịch sự... Tất cả những điều tốt đẹp của cộng đồng dân cư địa phương sẽ là thông điệp có sức hấp dẫn rất lớn trong việc thu hút và lưu giữ khách. Chẳng những vì thế mà nhiều quốc gia, địa phương đã tìm cách quảng bá hình ảnh của những người dân địa phương mình tới khắp mọi nơi để cuốn hút khách du lịch.
Việt Nam cũng đang nỗ lực hết mình quảng bá cho thế giới biết về một đất nước giàu truyền thống văn hoá và phong tục tập quán thông qua các kỳ hội chợ quốc tế, qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm lôi kéo khách du lịch quốc tế tới Việt Nam. Một kết quả khá lạc quan là bạn bè Quốc tế đã từng đến Việt Nam đều đánh giá Việt Nam là đất nước của lòng hiếu khách, cởi mở và thân thiện giữa con người với con người nói chung và giữa dân cư bản địa với khách Quốc tế nói riêng.
2. Những nhân tố thuộc về các doanh nghiệp kinh doanh du lịch
2.1. Chất lượng phục vụ du lịch
Chất lượng phục vụ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tiêu dùng của khách du lịch. Doanh nghiệp trong ngành dịch vụ du lịch cần quan tâm trước hết là đến việc nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Chất lượng phục vụ của các doanh nghiệp lữ hành thể hiện thông qua chất lượng thiết kế chương trình du lịch và chất lượng thực hiện chương trình du lịch. Chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp lữ hành phụ thuộc vào tài nguyên du lịch, cách tổ chức thực hiện chương trình, chất lượng hướng dẫn viên du lịch và chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp. Một chương trình du lịch hấp dẫn cần đạt được điều kiện đầu tiên trong quá trình xây dựng chương trình là làm sao cho việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch phái phù hợp với chủ đề chính và chủ đề bổ sung. Các tuyến, điểm tham quan trong chương
trình mang nội đung chủ đề chính phải xuyên suốt, đóng vai trò trung tâm. Đồng thời cũng phải có sự phù hợp giữa các tuyến, điểm tham quan với tổng thời gian các chương trình.
Chất lượng phục vụ của doanh nghiệp khách sạn được thể hiện thông qua chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng của đội ngũ nhân viên, tính đa dạng và phong phú của các dịch vụ bổ sung trong khách sạn, chất lượng tổ chức các cung ứng dịch vụ.
Chất lượng dịch vụ được coi là nhân tố không thể thiếu trong việc tạo ra sức hấp dẫn, thu hút khách, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy các doanh nghiệp cần coi trọng việc nâng cao chất lượng phục vụ.
Nâng cao chất lượng phục vụ phụ thuộc vào bốn nhân tố sau:
- Chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật: cơ sở vật chất kỹ thuật phải đảm bảo tính hợp lý trong hoạt động của các doanh nghiệp du lịch. Trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật phải đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với loại hạng khách sạn, nhà hàng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách, phù hợp với môi trường và loại hình du lịch.
- Chất lượng của đội ngũ nhân viên: quá trình cung cấp dịch vụ là quá trình tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng với nhân viên. Vì vậy cung cách đối xử, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên trong doanh nghiệp du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định hiệu quả kinh doanh và chất lượng phục vụ.
- Văn minh phục vụ: trong kinh doanh du lịch, văn minh phục vụ là một yêu cầu không thể thiếu, thái độ cư xử văn minh, thân thiện sẽ rút ngắn khoảng cách và bỡ ngỡ ban đầu của khách du lịch với đội ngũ nhân viên phục vụ, khách sẽ cảm thấy hài lòng và có ấn tượng tốt đẹp, điều này góp phần quan trọng trong việc thu hút và lưu giữ khách. Văn minh phục vụ thể hiện qua các yếu tố: tinh thần, thái độ phục vụ, khả năng thuyết phục, khả năng
nắm bắt tâm lý, khả năng làm chủ quy trình phục vụ, mối quan hệ ứng xử giữa các nhân viên.
- Tính đa dạng và phong phú của sản phẩm du lịch: nguồn khách du lịch thường rất đa dạng, có sự tham gia đầy đủ mọi thành phần và lứa tuổi, xuất phát từ nhiều quốc gia khác nhau, khác biệt về trình độ văn hoá, khả năng kinh tế. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp du lịch phải quan tâm để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách. Đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ du lịch là một trong những biện pháp có ý nghĩa lớn trong việc hấp dẫn và thu hút khách.
2.2. Giá cả các sản phẩm dịch vụ du lịch
Giá cả của sản phẩm du lịch là nhân tố rất nhạy cảm đối với quyết định mua của khách du lịch. Giá cả và chất lượng có mối quan hệ biện chứng với nhau, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần chú ý đến mối quan hệ này đề đưa ra mức giá thích hợp nhằm thu hút khách nhiều hơn.
Giá cả sản phẩm dịch vụ du lịch được xác định trên cơ sở nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng như: chất lượng dịch vụ, tính độc đáo của sản phẩm du lịch, mức độ hấp dẫn của tài nguyên du lịch, mức giá trên thị trường.
Khách du lịch chú ý đến sản phẩm của du lịch trước hết thông qua mức giá của sản phẩm du lịch mà doanh nghiệp này chào bán. Gía của sản phẩm du lịch nên gắn liền với những yếu tố liên quan, không nên xa rời thợc tê. Không phải cứ giá rẻ mới là giá cạnh tranh, thu hút được khách hoặc cũng như không phải cứ là giá đắt, “trên mây” mới chứng tỏ được đẳng cấp của doanh nghiệp mình. Vì thế trước khi áp dụng mức giá nào thì doanh nghiệp nên có sự tính toán kĩ lưỡng. Doanh nghiệp du lịch nên áp dụng chính sách giá linh hoạt cho từng đối tượng khách cụ thể và theo mùa du lịch để vừa không lãng phí cơ sở vật chất, vừa thu hút được khách.