quả nghiên cứu của Iqbal S trên sinh viên Y khoa ở Ấn Độ là 51,3% và thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của sinh viên Y khoa tại Cameroon là 65,2% nhưng tỷ lệ sinh viên bị trầm cảm mức độ rất nặng (3,1%) trong nghiên cứu của em lại cao hơn so với nghiên cứu tại Cameroon (0,8%) [11], [73]. Cần có những nghiên cứu lâm sàng để đánh giá lại những trường hợp sinh viên bị trầm cảm nặng và rất nặng.
4.1.3. Thực trạng lo âu của sinh viên
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sinh viên trường Đại học Y dược - ĐHQGHN năm 2021 - 2022 bị lo âu là 59,5%. Trong đó, sinh viên bị lo âu mức độ nhẹ là 14,7%, mức độ vừa là 29,2%, mức độ nặng là 9,5%, mức độ rất nặng là 6,1%. Kết quả nghiên cứu này cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Thành Trung trên đối tượng sinh viên Y tế công cộng (2017) là 42% và nghiên cứu của Trần Kim Trang trên đối tượng sinh viên Y năm thứ 2 là 28,8% [17], [16]. Sự khác biệt này có thể là do cách lựa chọn đối tượng nghiên cứu. Trong đó, tỷ lệ lo âu ở sinh viên năm thứ sáu là cao nhất (71,4%). Tỉ lệ của sinh viên năm 6 khá cao có thể do ảnh hưởng của quãng thời gian giãn cách xã hội khá dài từ giữa đến cuối năm 2021, lịch học, lịch đi lâm sàng bị dồn xuống kì 2 cộng thêm là sinh viên năm cuối sắp ra trường vẫn còn mơ hồ, chưa rõ định hướng sau tốt nghiệp hoặc đang ôn thi kì thi nội trú nên xuất hiện nhiều lo âu.
Tỷ lệ lo âu của sinh viên trong nghiên cứu này cũng cao hơn so với tỷ lệ lo âu của sinh viên Y tại một số nước trên thế giới. Ở Brazil và Malaysia tỷ lệ lo âu của sinh viên lần lượt là 37,2% và 33% [34], [74]. Nhưng bên cạnh đó, tỷ lệ lo âu ở sinh viên trường Đại học Y dược - ĐHQGHN thấp hơn so với một số nghiên cứu như nghiên cứu của Mohamed Fawzy và Sherifa Hamed trên sinh viên Y khoa tại Ai Cập cho thấy tỷ lệ sinh viên Y khoa bị lo âu là 73%, và cũng thấp hơn so với nghiên cứu của Iqbal cũng trên sinh viên Y khoa Ấn Độ là 66,9% [75], [11]. Tuy nhiên, tỷ lệ lo âu ở sinh viên trường Đại học Y dược – ĐHQGHN trong nghiên cứu cao hơn nhiều so với tỷ lệ trên toàn thế giới năm 2013 (dao động từ 0,9% đến 28,3%) [76]. Sự khác biệt này có thể giải thích do thời gian thực hiện nghiên cứu nằm trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Theo các nghiên cứu trên thế giới, trong đó nghiên cứu của Debowska trên sinh viên đại học ở Ba Lan cho thấy tỉ lệ lo âu và stress đều
có ý nghĩa thống kê với các yếu tố liên quan từ trước đại dịch, nhưng ảnh hưởng đại dịch Covid – 19 đóng vai trò quan trọng như là yếu tố làm nặng thêm sự khác biệt này [77]. Điều này cho thấy lo âu là một vấn đề sức khỏe cần được quan tâm và hỗ trợ cho sinh viên Y khoa.
4.1.4. Thực trạng stress của sinh viên
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sinh viên trường Đại học Y dược - ĐHQGHN năm 2021 - 2022 bị stress là 48%. Trong đó, sinh viên bị stress mức độ nhẹ là 25,3%, mức độ vừa là 15,2%, mức độ nặng là 5,4%, mức độ rất nặng là 2,2%. Kết quả nghiên cứu này cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Thành Trung trên đối tượng sinh viên Y tế công cộng là 34,4% và nghiên cứu của Vũ Dũng trên sinh viên điều dưỡng năm thứ 2 và 3 là 32% [17], [42]. Tại trường Đại học Y Hà Nội, nghiên cứu của Phạm Thị Huyền Trang năm 2013 cho kết quả sinh viên bị stress là 63,6%, cao hơn rất nhiều so với nghiên cứu của em [51]. Sự khác biệt này có thể do sự khác nhau về điều kiện kinh tế xã hội của đối tượng nghiên cứu và công cụ thu thập số liệu. Kết quả nghiên cứu của em cũng thấp hơn so với các nghiên cứu về stress trên sinh viên của các trường đại học không thuộc khối Y, Dược. Tại trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, tỷ lễ sinh viên stress ở mức độ căng thẳng và rất căng thẳng lần lượt là 56,5% và 13,3%, một nghiên cứu khác tại trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội cho thấy tỷ lệ sinh viên được phân loại có stress là 68,29% [78], [79].
Tỷ lệ stress của sinh viên Y khoa trong các nghiên cứu trên thế giới khá cao. Tại Brazil, Ai Cập và Thái Lan lần lượt là 49,9%, 59,9% và 61,4% [75], [80], [81]. Sự khác biệt này có thể do khác biệt về chương trình học, văn hóa và điều kiện kinh tế cũng công cụ thu thập số liệu.
4.2. Một số yếu tố liên quan đến nguy cơ trầm cảm, lo âu và stress của sinh viên Trường Đại học Y Dược – ĐHQGHN năm học 2021 – 2022
4.2.1. Một số yếu tố liên quan đến trầm cảm ở sinh viên
Có thể bạn quan tâm!
- Tỷ Lệ Trầm Cảm, Lo Âu, Stress Ở Sinh Viên Theo Giới Tính
- Mô Tả Mối Liên Quan Giữa Yếu Tố Cá Nhân Với Lo Âu
- Mô Tả Mối Liên Quan Giữa Yếu Tố Gia Đình, Bạn Bè Xã Hội Với Stress
- Thực Trạng Stress, Lo Âu Và Trầm Cảm Của Sinh Viên Trường Đại Học Y Dược – Đhqghn Năm Học 2021 - 2022
- Thực trạng trầm cảm, lo âu, stress và một số yếu tố liên quan ở sinh viên trường Đại học Y dược – ĐHQGHN năm học 2021-2022 - 12
- Thực trạng trầm cảm, lo âu, stress và một số yếu tố liên quan ở sinh viên trường Đại học Y dược – ĐHQGHN năm học 2021-2022 - 13
Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.
Trong nghiên cứu của em, các yếu tố liên quan đến trầm cảm của sinh viên bao gồm đặc điểm cá nhân, yếu tố học tập và mối quan hệ với bạn bè, gia đình và xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác nhau giữa các khối học không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng trầm cảm ở sinh viên
(p>0,05). Kết quả này trái ngược với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thành Trung trên sinh viên Y tế công cộng là sinh viên năm thứ 3 có nguy cơ trầm cảm gấp 1,8 lần so với sinh viên năm thứ nhất và kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Nguyên trên sinh viên Đại học Y Hà Nội là sinh viên Y3 có nguy cơ trầm cảm gấp 1,76 lần so với sinh viên Y1 [17], [67]. Sự khác biệt này có thể do sự khác nhau giữa chất lượng đào tạo sinh viên, sự hướng nghiệp cho sinh viên cũng như chất lượng của mỗi sinh viên học tập tại mỗi địa điểm nghiên cứu là khác nhau. Những nghiên cứu có sự khác nhau có ý nghĩa giữa các khối học và nguy cơ trầm cảm có thể do tại thời điểm nghiên cứu, sinh viên khối Y1 đang có góc nhìn tích cực về ngành học đồng thời tâm lý háo hức với môi trường học tập mới do đó có rất ít những suy nghĩ tiêu cực, còn đối với sinh viên khối Y3, sau những trải nghiệm qua các kỳ học phần nào đã thấy những sự thất vọng về ngành học và những hy sinh cần có khi mong muốn trở thành bác sỹ giỏi. Đối với nghiên cứu của em, không có mối liên quan có ý nghĩa giữa các khối học với nguy cơ trầm cảm có thể do các đối tượng nghiên cứu là sinh viên trường Đại học Y dược – ĐHQGHN, với chất lượng giảng dạy và đào tạo tốt, liên tục cập nhật, thay đổi để phù hợp, thích nghi với từng trường hợp cũng như tạo điều kiện học tập cho sinh viên ở những Bệnh viện lớn tuyến trung ương hàng đầu cả nước, do đó tạo được đam mê cho sinh viên với ngành nghề, tích cực học tập, vì vậy tại thời điểm nghiên cứu này cho thấy sự khác nhau giữa các khối học không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng trầm cảm ở sinh viên. Sinh viên nam có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn sinh viên nữ, cụ thể tỷ lệ sinh viên nam có nguy cơ bị trầm cảm gấp 1,5 lần so với sinh viên nữ, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=1,5; 95%CI: 1,1 – 1,97). Kết quả nghiên cứu này tương đương với nghiên cứu của Maher Fuad trên đối tượng sinh viên Y khoa ở Malaysia năm 2014 cho kết quả sinh viên nữ ít có nguy cơ bị trầm cảm hơn sinh viên nam (OR=0,33; 95%CI: 0,18 – 0,61) [56]. Theo kết quả nghiên cứu, sinh viên hài lòng với ngoại hình của mình ít có nguy cơ bị trầm cảm hơn so với sinh viên không hài lòng với ngoại hình của mình, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=0,64; 95%CI:0,48 – 0,86). Nghiên cứu của em cũng chỉ ra rằng, sinh viên từng bị rối loạn lo âu, trầm cảm có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp gần 1,8 lần so với sinh viên không bị rối loạn lo âu, trầm cảm trước đó, sự khác biệt có ý nghĩa
thống kê (với OR=1,8; 95%CI:1,2 – 2,8). Kết quả nghiên cứu này tương tự với nghiên cứu của Hà Thị Hạnh khi cho rằng sinh viên từng bị rối loạn lo âu, trầm cảm có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp hơn 2 lần so với sinh viên không có các rối loạn này trước đó (với OR=2,39; 95%CI: 1,26 – 4,49) [82]. Cần có những sàng lọc ban đầu bằng các trắc nghiệm tâm lý với sinh viên để phát hiện những rối loạn tâm lý và từ đó cung cấp những phương pháp kịp thời cho sinh viên Y khoa.
Học tập là công việc quan trọng đối với sinh viên Y, áp lực học tập trên sinh viên Y là rất lớn khi đây là một trong những lợi thể để xin việc. Điều này đòi hỏi sinh viên Y phải không ngừng nỗ lực, trau dồi kiến thức và cố gắng đạt kết quả cao trong học tập. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự hài lòng với kết quả học tập không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng trầm cảm ở sinh viên (p>0,05). Kết quả này trái ngược với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Nguyên trên sinh viên Y Hà Nội là sinh viên không hài lòng với kết quả học tập có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2,07 lần so với sinh viên hài lòng về kết quả học tập và kết quả nghiên cứu của Trần Quỳnh Anh trên sinh viên Y khoa cả nước là 1,62 lần [67], [10]. Nghiên cứu của em cũng chỉ ra rằng, nguy cơ có dấu hiệu trầm cảm trong sinh viên phải thi lại cao gấp 1,9 lần so với nhóm sinh viên không phải thi lại, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=1,9; 95%CI:1,2 – 3,002).
Trong nghiên cứu này, sinh viên mâu thuẫn với người thân có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gấp 1,7 lần (OR=1,7; 95%CI: 1,28 – 2,3) so với sinh viên không có mâu thuẫn. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Hà Thị Hạnh tại Trường Đại học Y Hà Nội và Trần Quỳnh Anh trên sinh viên Y khoa cả nước là sinh viên bất đồng với cha mẹ có nguy cơ bị trầm cảm lần lượt cao gấp 2 lần và 3 lần so với sinh viên không bất đồng với cha mẹ [82], [10]. Nghiên cứu của Nguyễn Thành Trung chỉ ra rằng sinh viên không thường xuyên chia sẻ với gia đình có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 2,1 lần so với những sinh viên thường xuyên chia sẻ với gia đình [17]. Kết quả này tương tự với kết quả nghiên cứu nước ngoài. Nghiên cứu của Lu Chen (2013) cho thấy những sinh viên có mối quan hệ không tối với bố mẹ có nguy cơ trầm cảm cao gấp 1,4 lần so với nhóm có mối quan hệ tốt với bố mẹ [27]. Nghiên cứu của Kumar và cộng sự năm
2012 trên sinh viên y khoa Ấn Độ cũng cho thấy vấn đề gia đình, đặc biệt là các mâu thuẫn trong gia đình có mối liên quan chặt chẽ với mức độ trầm cảm của sinh viên [32]. Sự tương đồng này cho thấy mối quan hệ với gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định tình trạng trầm cảm ở sinh viên. Việc thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và thiếu sự chia sẻ sẽ làm giảm sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ với sinh viên, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tâm thần của bản thân sinh viên. Mâu thuẫn giữa sinh viên với gia đình là không thể tránh khỏi nên việc trang bị các kỹ năng nhận biết và kiểm soát cảm xúc của bản thân và những người xung quanh là hết sức cần thiết. Điều này giúp ngăn cản các mâu thuẫn này leo thang, hỗ trợ cho việc giải quyết các mâu thuẫn một cách ổn thỏa nhất. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cho thấy nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa tình trạng hôn nhân của bố mẹ, thu nhập bình quân của gia đình và sự chứng kiến bố mẹ bất hòa với dấu hiệu trầm cảm của sinh viên (p>0,05).
Theo nghiên cứu, nguy cơ có dấu hiệu trầm cảm trong nhóm sinh viên gặp khó khăn trong việc tìm bạn mới cao gấp gần 2 lần so với nhóm sinh viên không gặp khó khăn trong việc tìm bạn mới, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=2; 95%CI:1,52 – 2,7). Sự khó khăn trong việc tìm bạn mới có thể là hậu quả của việc cách ly xã hội một thời gian dài do dịch bệnh Covid
– 19. Trong một nghiên cứu trên 530 sinh viên y khoa, 234 (44,1%) sinh viên có cảm giác bị xa cách về mặt tình cảm với bạn bè và 202 (38,1%) sinh viên cho thấy cảm giác tuyệt vọng, khó chịu hoặc vô cảm trong thời gian cách ly xã hội [83]. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc có bạn thân có mối quan hệ với tình trạng trầm cảm ở sinh viên. Tỷ lệ sinh viên có bạn thân thì nguy cơ biểu hiện trầm cảm ít hơn tỷ lệ sinh viên không có bạn thân, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=0,63; 95%CI: 0,44 – 0,91). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ sinh viên có nhóm bạn thân thì nguy cơ biểu hiện trầm cảm ít hơn so với tỷ lệ sinh viên không có nhóm bạn thân, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=0,6; 95%CI: 0,4 – 0,86). Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Phan Thị Diệu Ngọc năm 2014: sinh viên không có người tâm sự làm tăng nguy cơ bị rối loạn trầm cảm vừa và nặng lên 3,1 lần so với sinh viên có bạn bè giúp đỡ (p<0,05) [48]. Điều này cho
thấy tầm quan trọng của việc có bạn bè, nhóm bạn thân trong việc bảo vệ sinh viên khối ngành Y trước các dấu hiệu của trầm cảm.
4.2.2. Một số yếu tố liên quan đến lo âu ở sinh viên
Trong nghiên cứu của em, những yếu tố liên quan đến lo âu của sinh viên bao gồm các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác nhau giữa nơi sinh không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng lo âu ở sinh viên (p>0,05). Kết quả này trái ngược với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Nguyên trên sinh viên hệ bác sĩ Y Hà Nội là những sinh viên sinh ra và lớn lên ở nông thôn có nguy cơ bị lo âu cao gần gấp 2 lần so với sinh viên sinh ra ở thành thị [67]. Sự khác biệt này có thể do môi trường học tập xung quanh và cách lựa chọn đối tượng nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, không có mối liên quan có ý nghĩa giữa những sinh viên đã từng bị rối loạn lo âu, trầm cảm với nguy cơ bị lo âu (p>0,05). Kết quả này trái ngược với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Nguyên là những sinh viên đã từng bị rối loạn lo âu, trầm cảm có nguy cơ bị lo âu cao gấp hơn 2 lần so với sinh viên không bị rối loạn lo âu trầm cảm từ trước (với OR=2,29; 95%CI: 1,45 – 3,60) [67]và nghiên cứu tại Brazil năm 2014 cho thấy những sinh viên Y khoa có bệnh lý trước khi vào đại học có nguy cơ bị lo âu cao gấp 2,13 lần so với sinh viên không có bệnh lý (95% CI: 1,24 - 3,66) [84]. Sự khác biệt này có thể do cách lựa chọn đối tượng nghiên cứu.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mâu thuẫn với người thân có liên quan đến tình trạng lo âu của sinh viên, cụ thể nguy cơ có biểu hiện lo âu trong nhóm sinh viên có xung đột với thành viên trong gia đình cao gấp 1,36 lần so với nhóm sinh viên không có xung đột với gia đình, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=1,36; 95%CI:1,01 – 1,8). Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Nguyễn Thành Trung là sinh viên có mâu thuẫn thường xuyên với gia đình có nguy cơ bị lo âu gấp 1,7 lần so với sinh viên không có mâu thuẫn thưởng xuyên [17]. Gia đình là nơi sinh viên có thể chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và nhận lại những lời khuyên của người thân. Những mâu thuẫn và bất hòa sẽ khiến sinh viên gặp khó khăn trong việc chia sẻ với gia đình, từ đó dẫn đến những lo lắng về công việc và cuộc sống không thể giải quyết được. Như đã đề cập ở trên, việc phải cách ly tại nhà quá lâu do Covid –
19 (ở nhà gần như cả ngày, chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết) đã phần nào ảnh hưởng đến biểu hiện lo âu của sinh viên, dẫn đến những mâu thuẫn với thành viên trong gia đình. Tương tự, các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt và kiểm soát di chuyển cũng có thể đã hạn chế khả năng tiếp cận các cơ sở tư vấn, dẫn đến tình trạng rối loạn lo âu đã được hình thành trước đó trở nên tồi tệ hơn.
Theo nghiên cứu, nguy cơ có biểu hiện lo âu trong nhóm sinh viên gặp khó khăn trong việc tìm bạn mới cao gấp 1,73 lần so với nhóm sinh viên không gặp khó khăn trong việc tìm bạn mới, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=1,73; 95%CI: 1,3 – 2,3). Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ có biểu hiện lo âu trong nhóm sinh viên gặp khó khăn trong việc thích nghi với xóm trọ hoặc nhà người quen cao gấp 1,46 lần so với nhóm sinh viên không gặp khó khăn trong việc thích nghi với xóm trọ/nhà người quen, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=1,46; 95%CI:1,06 – 1,9).
4.2.3. Một số yếu tố liên quan đến stress ở sinh viên
Những yếu tố liên quan đến stress của sinh viên Y trong nghiên cứu của em bao gồm đặc điểm cá nhân, mối quan hệ bạn bè, gia đình, xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự khác nhau giữa giới tính không có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với tình trạng stress ở sinh viên (p>0,05). Kết quả này trái ngược với kết quả nghiên cứu của của Đoàn Vương Diễm Khánh trên sinh viên Y tế công cộng Đại học Y Dược Huế là sinh viên nữ có nguy cơ bị stress cao hơn so với sinh viên nam (p=0,02) và kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Nguyên là sinh viên nữ có nguy cơ bị stress cao gấp gần 2 lần so với sinh viên nam (với OR=1,57; 95% CI: 1,04 - 2,43) [36], [67]. Sự khác biệt này có thể do cách lựa chọn đối tượng nghiên cứu. Theo nghiên cứu, những sinh viên sinh ra và lớn lên ở nông thôn có nguy cơ bị stress cao gấp 1,34 lần so với sinh viên sinh ra ở thành thị, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=1,34; 95%CI:1,008 – 1,7). Sinh viên khi phải học tập và làm việc xa nhà, ở môi trường thành phố khác với cuộc sống ở nông thôn đã chịu nhiều áp lực, từ đó dẫn đến những stress về cuộc sống. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà cũng như sự hạn chế di chuyển do Covid – 19 đã dẫn đến những khó khăn, thiếu thốn trong sinh hoạt, học tập, làm việc mà điều kiện ở nông thôn không được như thành thị, do đó có thể làm nặng thêm tình trạng stress. Nghiên
cứu cũng chỉ ra những sinh viên đã từng bị rối loạn lo âu, trầm cảm có nguy cơ bị stress cao hơn những sinh viên chưa từng mắc rối loạn lo âu, trầm cảm, cụ thể, tỷ lệ sinh viên đã từng bị rối loạn lo âu, trầm cảm có nguy cơ bị stress cao hơn gấp 1,74 lần so với sinh viên chưa từng mắc rối loạn lo âu, trầm cảm, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=1,74; 95%CI: 1,16 – 2,6). Mặc dù có tồn tại sự chênh lệch giữa tỷ lệ stress trong các nhóm năm học, tình trạng tài chính song sự khác biệt này là không đáng kể và không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, những sinh viên phải thi lại có nguy cơ bị stress cao gấp 1,56 lần so với những sinh viên không phải thi lại, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=1,56; 95%CI:1,01 – 2,4). Nghiên cứu cắt ngang của Mohamad Saiful Bahri Yusoff và cộng sự được tiến hành trên 1058 sinh viên y khoa của trường đại học Sains Malaysia đã chỉ ra nhóm nguyên nhân liên quan đến học tập (bài kiểm tra, bài thi, lượng bài tập nhiều, thiếu thời gian ôn tập, điểm kém, kỳ vọng cao từ bản thân, thiếu các kỹ năng thực tập y khoa, học chậm, khối lượng bài tập nhiều, không hiểu kiến thức được giảng dạy) là nguyên nhân chính gây nên stress [46].
Trong nghiên cứu này, nguy cơ có dấu hiệu stress trong nhóm sinh viên có xung đột với thành viên trong gia đình cao gấp 1,46 lần so với nhóm sinh viên không có xung đột với gia đình, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=1,46; 95%CI:1,09 – 1,94). Kết quả này tương tự với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Nguyên trên sinh viên hệ bác sĩ Đại học Y Hà Nội cho thấy sinh viên có mâu thuẫn với người thân trong gia đình có nguy cơ bị stress cao gấp gần 3 lần so với những sinh viên không có mâu thuẫn với người thân (với OR=2,49; 95%CI: 1,53 – 4,09). Theo nghiên cứu của Nguyễn Thành Trung thì kết quả này là 1,8 lần (95%CI:1,1 – 2,9) [67], [17]. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ sinh viên gặp khó khăn trong việc tìm bạn mới có nguy cơ bị stress cao hơn 1,52 lần so với sinh viên không gặp khó khăn trong việc tìm bạn mới, với p<0,05, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (OR=1,52; 95%CI: 1,14 – 2,01). Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy việc có nhóm bạn thân là yếu tố liên quan đến nguy cơ stress của sinh viên. Sinh viên có nhóm bạn thân ít có nguy cơ bị stress hơn so với sinh viên không có nhóm bạn thân