Các Số Đo Nhân Trắc Trong Đánh Giá Tình Trạng Dinh Dưỡng


mắc các bệnh ký sinh trùng như sốt rét, ký sinh trùng đường ruột (Brooker, và CS, 1999).

Nhiễm giun là nguyên nhân quan trọng gây thiếu máu (Stoltzfus, và CS, 1997). Nhiễm ký sinh trùng đường ruột là bệnh thường gặp ở trẻ em tại các nước đang phát triển. Một nghiên cứu triển vọng trên trẻ em ở Bangladesh cho thấy tiêu chảy ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và tăng cân, mặc dù nhiễm khuẩn hô hấp không gây ảnh hưởng tương tự (Torres AM, và CS, 2000).

1.5. Các số đo nhân trắc trong đánh giá tình trạng dinh dưỡng

Nhân trắc học dinh dưỡng là đo các kích thước và cấu trúc cơ thể để đánh giá tình trạng dinh dưỡng (TTDD). Phương pháp nhân trắc học có những ưu điểm là đơn giản, an toàn và có thể điều tra trên một mẫu lớn. Trang thiết bị không đắt, dễ vận chuyển. Có thể khai thác đánh giá được các dấu hiệu về TTDD trong quá khứ và xác định được mức độ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên phương pháp nhân trắc học cũng có một nhược điểm như: không đánh giá được sự thay đổi về TTDD trong giai đoạn ngắn hoặc không nhạy để xác định các thiếu hụt dinh dưỡng đặc hiệu.

Quá trình phát triển là kết quả tổng hợp của các yếu tố di truyền và môi trường bên ngoài, trong đó yếu tố dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy dinh dưỡng hầu như giữ vai trò chi phối chính trong sự phát triển của trẻ em, ít nhất đến 5 tuổi. Vì vậy, thu thập các kích thước nhân trắc là rất quan trọng trong các cuộc điều tra dinh dưỡng. Có thể chia ra nhóm kích thước nhân trắc sau đây:

a) Khối lượng cơ thể, biểu hiện bằng cân nặng.

b) Các kích thước về độ dài, đặc hiệu là chiều dài nằm, chiều cao đứng.

c) Cấu trúc cơ thể và các dự trữ về năng lượng và protein, thông qua các mô mềm bề mặt: Lớp mỡ dưới da và cơ...


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 142 trang tài liệu này.

Một số kích thước sau đây thường được dùng trong các cuộc điều tra dinh dưỡng tại cộng đồng hiện nay:

Tuổi Kích thước

Thực trạng thiếu dinh dưỡng, một số yếu tố liên quan và đề xuất giải pháp can thiệp ở trẻ em dưới 5 tuổi tại huyện Việt Yên - Bắc Giang, 2006-2008 - 4


Từ 0 đến 1 tuổi Cân nặng Chiều dài nằm

Từ 1 đến dưới 5 tuổi Cân nặng

Chiều dài nằm (dưới 24 tháng) Chiều cao đứng (từ 24 tháng trở lên) Đo bề dày nếp gấp da

Vòng cánh tay



1.5.1. Các số đo nhân trắc

a) Cân nặng: là số đo thường dùng nhất. Cân phải được đặt ở vị trí ổn định và bằng phẳng, chỉnh cân về vị trí cân bằng ở số 0. Hàng ngày phải kiểm tra cân 2 lần bằng cách dùng quả cân chuẩn (hoặc vật tương đương, ví dụ một can nước 5 kg) để kiểm soát độ chính xác và độ nhạy của cân. Kiểm tra thăng bằng của cân.

Nên cân vào buổi sáng, khi đối tượng mới ngủ dậy, sau khi đã đi đại, tiểu tiện và chưa ăn uống gì. Hoặc cân vào những giờ thống nhất trong những điều kiện tương tự (trước bữa ăn, trước giờ lao động). Với người lớn: nam giới khi cân chỉ mặc quần đùi, cởi trần, không đi giày dép, nữ giới mặc quần áo gọn nhất và phải trừ bớt cân nặng trung bình của quần áo khi tính kết quả. Với trẻ em: mặc quần áo tối thiểu, mùa đông thì cởi áo khoác, áo len và trừ cân nặng của quần áo. Trường hợp trẻ quấy khóc, khó thực hiện thì có thể cân mẹ của trẻ rồi cân mẹ bế cả con, sau đó trừ ngay để lấy cân nặng thực tế của trẻ.


Đối tượng đứng giữa bàn cân, không cử động, mắt nhìn thẳng, trọng lượng dồn đều vào hai chân. Kết quả cân được ghi theo đơn vị kilogam (kg) với 1 số lẻ (0,0 kg) hoặc 2 số lẻ (0,00 kg) tùy theo loại cân có độ nhạy 10g hoặc 100g.

b) Chiều cao

Đo chiều dài nằm: là kỹ thuật được thực hiện khi trẻ dưới 24 tháng tuổi. Để thước nằm trên mặt phẳng nằm ngang. Đặt trẻ nằm ngửa, người phụ đo giữ đầu trẻ, để mắt trẻ nhìn thẳng lên trần nhà. Mảnh gỗ chỉ số 0 của thước áp sát đỉnh đầu. Người đo ấn thẳng đầu gối và đưa mảnh gỗ di động áp sát gót, khi gót chân sát mặt phẳng nằm ngang và bàn chân thẳng đứng thì đọc kết quả. Kết quả được ghi theo đơn vị cm với 1 số lẻ (0,0cm).

Đo chiều cao đứng: đối với trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn. Đối tượng bỏ guốc dép, đi chân không, đứng quay lưng vào thước đo. Lưu ý cố định thước đo theo chiều thẳng đứng. Gót chân, mông, vai và đầu theo một đường thẳng áp sát vào thước đo đứng, mắt nhìn thẳng ra phía trước theo đường thẳng nằm ngang, hai tay bỏ thõng theo hai bên mình. Dùng ê-ke hoặc mảnh gỗ có góc vuông áp sát một cạnh vào đỉnh đầu đối tượng và một cạnh vào thước đo. Kết quả được ghi theo đơn vị xen-ti-met (cm) với 1 số lẻ (0,0cm).

c) Đo chu vi vòng cánh tay (MUAC):

Sự phát triển kém hoặc suy mòn các cơ là những biểu hiện chính của suy dinh dưỡng thiếu protein - năng lượng, nhất là trẻ bé. Ở người lớn và người trưởng thành, khối lượng cơ lại tỷ lệ với sự tăng vận động của một nhóm cơ nào đó. Trong thực hành dinh dưỡng, đánh giá khối lượng cơ thường được thông qua vòng đo trực tiếp các chi.

Vòng đo thường dùng nhất là vòng đo cánh tay trái, tư thế bỏ thõng tự nhiên. Dùng thước mềm, không chun giãn với độ chính xác 0,1cm. Vòng đo


đi qua điểm giữa cánh tay tính từ mỏm cùng xương vai đến mỏm trên lồi cầu xương cánh tay. Xác định điểm giữa cánh tay, trước hết cần xác định mỏm cùng vai, sau đó gập khủyu tay vuông góc, xác định mỏm trên lồi cầu xương cánh tay. Đặt vị trí số 0 của thước đo vào mỏm cùng xương vai, kéo thẳng thước đo đến mỏm trên lồi cầu xương cánh tay, đánh dấu điểm giữa cánh tay. Duỗi thẳng cánh tay của đối tượng, vòng thước đo quanh điểm giữa cánh tay, mặt số của thước đo hướng lên trên, áp sát thước đo vào cánh tay của đối tượng, đảm bảo sao cho thước đo có độ căng vừa phải không quá chặt, hoặc quá lỏng, đọc kết quả chính xác đến 0,1cm.

d) Nếp gấp da (Bề dày lớp mỡ dưới da):

Người ta thường chọn nơi đo ở những chỗ có nhiều mỡ nhất như mặt sau cánh tay, mạng sườn trên mào chậu, góc dưới xương vai, cạnh rốn… Chỗ đo hay dùng nhất ở mặt sau cánh tay hay còn gọi là nếp gấp da trên cơ tam đầu: đo ở tay trái, tư thế thõng tự nhiên, véo da ở mặt điểm giữa sau cánh tay cho sát tới lớp cân cơ nông và dùng compa đặc hiệu đo ở bề dày của lớp da véo lên. Như vậy, kết quả đo được bằng hai lần bề dày lớp da và lớp mỡ dưới da vùng đó. Kết quả được đọc với đơn vị mi-li-met (mm). Khi đo, bề mặt của compa song song với trục cánh tay.

Khi đo nếp gấp da dưới xương vai, người kỹ thuật viên cần lần theo cột sống để xác định bờ xương vai và góc dưới. Ở người béo, nên quặt tay nhẹ ra phía sau sẽ xác định dễ dàng hơn.

Loại compa hay sử dụng nhất là loại compa Harpenden, hai đầu compa là hai mặt phẳng, tiết diện 1cm2. Có một áp lực kế gắn vào compa, đảm bảo khi compa kẹp vào da bao giờ cũng có một áp lực không đổi khoảng 10 – 20g/mm2.

e) Vòng bụng, vòng thắt lưng, vòng mông:


Đối tượng đứng thẳng, tư thế thoải mái, tay buông thõng, thở bình thường, đo lúc đói. Vòng bụng thường đo qua rốn, thước đo ở trên mặt phẳng ngang. Vòng thắt lưng là vòng bé nhất ở bụng đi qua điểm giữa bờ dưới xương sườn và đỉnh mào chậu trên mặt phẳng nằm ngang. Vòng mông là vòng lớn nhất đi qua mông. Đối tượng ở tư thế trên, mặc quần lót, vòng đo ở mặt phẳng nằm ngang. Đo ở mức chính xác 0,1cm. Người ta tính tỷ số vòng thắt lưng và vòng mông để đánh giá mức phân bố tổ chức mỡ dưới da và mỡ trong ổ bụng, tỷ số này tăng theo tuổi và tình trạng thừa cân.

1.5.2. Nhận định kết quả

Đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em từ sơ sinh đến dưới 60 tháng tuổi:

Hiện nay, người ta nhận định tình trạng dinh dưỡng trẻ em chủ yếu dựa vào 3 chỉ tiêu: cân nặng/tuổi (CN/T), chiều cao/tuổi (CC/T), và cân nặng/chiều cao (CN/CC).

Muốn nhận định các kết quả về nhân trắc, cần phải chọn một quần thể tham chiếu (reference population) để so sánh. Không nên coi quần thể tham chiếu là chuẩn (standard) nghĩa là mục tiêu mong muốn, mà chỉ là cơ sở đưa ra các nhận định thuận tiện cho các so sánh trong nước và quốc tế. Do nhận thấy ở trẻ em dưới 5 tuổi được nuôi dưỡng hợp lý và điều kiện sống hợp vệ sinh thì khả năng lớn không khác nhau theo chủng tộc, Tổ chức Y tế thế giới năm 1985 đã chọn Quần thể tham khảo NCHS của Hoa Kỳ làm quần thể tham chiếu để so sánh đánh giá TTDD của trẻ em. Từ 1997, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xây dựng một quần thể tham chiếu mới với các số liệu được tổng hợp từ các châu lục khác nhau. Tiêu chuẩn mới này của WHO đã được áp dụng ở Việt Nam từ năm 2006.

Người ta sử dụng các giới hạn ‘ngưỡng’ (cut - off point) theo các cách

như sau :


- Theo phân bố thống kê, thường lấy -2SD của số trung bình làm giới hạn ngưỡng. Từ đó người ta tính được tỷ lệ ở dưới hoặc trên các ngưỡng đó.

- Theo độ lệch chuẩn (Zscore hay SDscore):

Kích thước đo được - Số trung bình của quần thể

tham chiếu

Zscore hay SDscore =

Độ lệch chuẩn của quần thể tham chiếu

Cách biểu hiện theo tỷ lệ % dưới giới hạn ngưỡng cho một kết luận tổng quát nhưng để so sánh hiệu quả các can thiệp thì cách so sánh số trung bình (± SD) hoặc số trung bình của Zscore tỏ ra thích hợp hơn.

- Theo Xentin : Nhiều khi người ta sắp xếp các kích thước nhân trắc theo xentin so với quần thể tham chiếu. Ở mốc 3 xentin (nghĩa là có 3% số trẻ dưới mốc này) gần tương đương với -2SD (chính xác là -1,881SD), nên dưới mốc này có thể xếp vào loại thiếu dinh dưỡng. Thường các bảng xentin lấy mốc 3 và 97 xentin để phân loại tình trạng dinh dưỡng.

Khi áp dụng các chỉ tiêu nhân trắc để nhận định tình trạng dinh dưỡng, cần chú ý rằng chỉ tiêu thích hợp nhất để đánh giá tình trạng dinh dưỡng cấp tính là cân nặng theo chiều cao, do đó nên sử dụng trong các đánh giá nhanh sau thiên tai, các can thiệp ngắn hạn. Chiều cao theo tuổi lại là chỉ tiêu thích hợp nhất để đánh giá tác động dài hạn, nghĩa là để theo dõi ảnh hưởng của các thay đổi về điều kiện kinh tế xã hội.

Chỉ tiêu cân nặng theo tuổi là một chỉ tiêu chung không mang giá trị đặc hiệu như hai chỉ tiêu trên. Người ta không phủ nhận giá trị tương đối của nó, nhưng trong các cuộc điều tra dinh dưỡng, việc thu thập cả cân nặng, chiều cao và tuổi là cần thiết để tính ra các chỉ tiêu trên. Đồng thời, bên cạnh tính các tỷ lệ dưới một ‘ngưỡng’ nào đó, nên tính số trung bình (hoặc trung


bình Zscore) cùng với độ lệch chuẩn để các nhận định được toàn diện hơn,

nhất là khi có ý định so sánh.

Cân nặng theo tuổi: đây là chỉ tiêu được sử dụng phổ biến nhất. Cân nặng của trẻ được so sánh với cân nặng của trẻ cùng tuổi, cùng giới của chuẩn WHO, lấy điểm ngưỡng dưới 2Zscores được coi là SDD thể thiếu cân. Cụ thể thang phân loại TTDD như sau:

Từ dưới -2 Zscores đến -3 Zscores: Suy dinh dưỡng vừa (độ I) Từ dưới -3 Zscores đến -4 Zscores: Suy dinh dưỡng nặng (độ II) Từ dưới -4 Zscores: Suy dinh dưỡng rất nặng (độ III)

Từ -2 Zscores đến +2 Zscores: Bình thường

Trên +2 Zscores: Thừa cân. Đây là ngưỡng để sàng lọc. Còn để xác định béo phì cần phải đo bề dày lớp mỡ dưới da và sử dụng chỉ tiêu cân nặng theo chiều cao

Phân loại TTDD bằng chỉ tiêu cân nặng theo tuổi có nhược điểm là không phân biệt được suy dinh dưỡng cấp hay mạn tính.

Chiều cao theo tuổi: Chiều cao của trẻ được so sánh với trẻ cùng tuổi, cùng giới của chuẩn WHO. Thang phân loại như sau:

Từ -2 Zscores trở lên: Bình thường

Từ dưới -2 Zscores đến -3 Zscores: Suy dinh dưỡng độ I (thấp còi độ I)

Dưới -3 Zscores: Suy dinh dưỡng độ II (thấp còi độ II)

Chỉ tiêu chiều cao/tuổi thấp (dưới -2Zscores) phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài hoặc SDD trong quá khứ làm đứa trẻ bị SDD thể thấp còi (thấp hơn so với chiều cao có thể đạt được của trẻ cùng tuổi cùng giới).

Cân nặng theo chiều cao: Cân nặng/chiều cao thấp so với điểm ngưỡng là dưới -2 Zscores theo chuẩn WHO phản ánh SDD ở thời điểm hiện


tại, mới xảy ra làm đứa trẻ ngừng lên cân hay tụt cân bị SDD thể gầy còm

(SDD cấp tính). Các điểm ngưỡng giống 2 chỉ tiêu trên:

Từ -2 Zscores đến dưới +2 Zscores: Bình thường

Từ dưới -2 Zscores đến -3 Zscores:Suy dinh dưỡng cấp vừa (gầy

còm độ I)

Dưới -3 Zscores: Suy dinh dưỡng cấp nặng (gầy còm độ II)

Trên +2 Zscores là trẻ có biểu hiện thừa cân. Để chẩn đoán béo phì ở nhóm tuổi này cần kết hợp với đo dự trữ mỡ.

Khi cả hai chỉ tiêu chiều cao/tuổi và cân nặng/chiều cao đều thấp hơn điểm ngưỡng (-2 Zscores) đề nghị thì đứa trẻ đó bị SDD thể phối hợp (mạn tính và cấp tính), vừa gầy còm vừa thấp còi.

MUAC: theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2006, chủ yếu dùng để làm sàng lọc tìm SDD cấp tính trên cộng đồng vì phương pháp đơn giản và có chung một điểm ngưỡng mà không phụ thuộc vào tuổi của trẻ. Trẻ được coi là suy dinh dưỡng cấp tính nặng khi MUAC <11,5cm (tương đương < -3 Zscores Cân nặng/chiều cao với quần thể tham khảo của WHO).

Trẻ được coi là suy dinh dưỡng cấp tính vừa khi MUAC ≥11,5cm - <12,5cm (tương đương ≥-3 Zscores -< -2 Zscores cân nặng/chiều cao với chuẩn của WHO).

1.6. Các can thiệp dinh dưỡng tại cộng đồng

1.6.1. Những nguyên tắc cơ bản của xây dựng chương trình can thiệp dinh dưỡng cộng đồng

Hỗ trợ và khuyến khích tham gia của cộng đồng và xã hội

Cộng đồng tham gia tích cực vào chương trình can thiệp sẽ tăng cường khả năng tự giải quyết vấn đề về dinh dưỡng và sức khoẻ khác còn tồn tại trong cộng đồng. Quá trình đó còn đảm bảo cho chương trình áp dụng những biện pháp, những kỹ thuật phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của cộng đồng

Xem tất cả 142 trang.

Ngày đăng: 21/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí