Tình Trạng Dinh Dưỡng Và Sự Phát Triển Cơ Thể Trẻ Em

Những khẩu phần ăn không đủ dinh dưỡng làm chậm khả năng phát triển của trẻ, dẫn đến tình trạng SDD. Tuy nhiên, sư mất cân bằng về kinh tế cũng làm cho tình trạng TC-BP đang ở mức cao. Hiện nay ở nước ta, khi nền kinh tế đang có sự thay đổi theo xu hướng tăng trưởng thì chế độ ăn hàng ngày cũng đang thay đổi rất nhanh: tỷ lệ chất béo và chất ngọt cao hơn và cũng đa dạng phong phú hơn. Những người có thói quen ăn nhiều chất ngọt sẽ dễ bị béo phì. Theo nghiên cứu khẩu phần ăn của Nguyễn Tố Mai năm 1988, tỷ lệ P: L: G là 12:10:78 [42]. Năm 1992, nghiên cứu khẩu phần ăn của Nguyễn Thị Ngọc Trâm có tỷ lệ P: L: G là 14:11:75 [63], nghiên cứu của Trần Thị Phúc Nguyệt năm 2002 tỷ lệ P: L: G là 15:23: 62 [50]. Có thể thấy rằng năng lượng do lipid cung cấp tăng nhanh từ 1992 đến 2002, năng lượng do Protein cung cấp tăng từ từ. Điểm chú ý là tỷ lệ năng lượng từ Glucid giảm dần theo thời gian (78-75-62%). Bên cạnh đó tỷ lệ Protein động vật so với tổng số tăng lên khá nhanh (28,2-43,2-57,3%), nhưng tỷ lệ Lipid thực vật lại giảm đi (40,3-34,0-26,3%) [50]. Đây chính là hình ảnh cơ cấu bữa ăn của nền kinh tế trong thời kỳ chuyển tiếp.

1.1.3.3. Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền có vai trò nhất định đối với tình trạng dinh dưỡng của trẻ, đặc biệt là với béo phì. Nhiều nghiên cứu cho rằng cả hai yếu tố gen và môi trường đều góp phần làm phát triển béo phì ở trẻ em[34]. Người ta thấy có đến 200 gen có quan hệ đến tính nhạy cảm với béo phì ở các cá thể khác nhau trong đó có gen Ob với sản phẩm là leptin được chú ý nhất [35]. Thực nghiệm trên chuột người ta thấy mối tương tác giữa insulin và leptin giữ vai trò trung tâm trong cơ chế gây béo phì và thèm ăn, leptin ức chế thèm ăn ở trung ương còn insulin thúc đẩy sự tạo thành mô mỡ [38]. Nghiên cứu của Ritchie L. et al cho thấy nếu chỉ có bố hoặc mẹ TC-BP thì con có nguy cơ mắc béo phì là 3 lần, nếu cả hai bố mẹ TC-BP thì nguy cơ là 13 lần [149].

1.1.3.4. Yếu tố môi trường

Môi trường ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Ở những khu vực còn giữ phong tục tập quán lạc hậu, bố mẹ không có tư duy thay đổi trong cách chăm sóc trẻ làm cho trẻ không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng rất dễ dẫn đến tình trạng SDD. Ngoài ra, các bệnh như tiêu chảy, viêm phổi, sởi, lao,

giun, sốt rét v.v. gây rối loạn chuyển hóa các chất, làm cho trẻ biếng ăn, sụt cân. SDD là nguyên nhân thuận lợi cho các bệnh phát triển, ngược lại bệnh tật lại làm nặng thêm tình trạng SDD [18].

Tại các khu vực thành phố, môi trường sống góp phần làm tăng tình trạng TC-BP của trẻ. Nguyên nhân là do lối sống tĩnh làm giảm các hoạt động thể lực của trẻ. Hầu hết các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy nguy cơ tăng cân, thừa cân và béo phì ít hơn ở những người tham gia đều đặn vào các hoạt động thể lực hiện tại với số lượng từ trung bình tới nhiều [182]. Các hoạt động thể lực giảm đi đặc biệt ở các nghề nghiệp có tính chất tĩnh tại, vui chơi giải trí không tích cực như xem vô tuyến nhiều đã thúc đẩy sự tăng cân không lành mạnh. Theo dòi ở trẻ em Mehico cho thấy nguy cơ béo phì giảm đi 10 % nếu mỗi ngày có tập luyện từ mức độ trung bình đến mức độ nặng [101].

1.1.4. Dinh dưỡng và sự phát triển cơ thể trẻ em

1.1.4.1. Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ

Giai đoạn trước 6 tuổi là giai đoạn các cơ quan chức năng của trẻ đang dần hoàn thiện, hơn nữa các loại thức ăn cũng ngày càng phong phú và cơ cấu bữa ăn càng giống người lớn trong gia đình. Đây là giai đoạn quan trọng để hình thành tập quán ăn uống và thói quen dinh dưỡng vì thế cần tôn trọng nguyên tắc cho ăn như lứa tuổi trước đó. Khi cho trẻ ăn cần phải cho ăn đúng giờ và giữ yên tĩnh khi ăn, không cho ăn quá nhiều trong một bữa, cho ăn bàn riêng, ăn sớm hơn người lớn và không cho ăn đồ ngọt trước bữa ăn [44].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.

Về nhu cầu dinh dưỡng đối với trẻ em, khái niệm đậm độ dinh dưỡng thường được dùng trong hướng dẫn chế độ ăn hơn là các nhu cầu tuyệt đối về các chất dinh dưỡng. Đậm độ dinh dưỡng thể hiện tương quan giữa các chất dinh dưỡng (protein và các vi chất thiết yếu) với năng lượng. Một khẩu phần có đậm độ dinh dưỡng thấp có nguy cơ bị thừa năng lượng trong điều kiện thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu. WHO có khuyến nghị về độ đậm các chất dinh dưỡng cho các đối tượng khác nhau [104, 177]. Dựa vào hướng dẫn của WHO, phần lớn các nước đều xây dựng bảng nhu cầu cho các đối tượng người dân của nước mình. Ở Việt Nam, Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2016 đã xây dựng tháp dinh dưỡng cho trẻ em 3-5 tuổi giai đoạn 2016-2020 [77] [Phụ lục 4].

1.1.4.2. Tình trạng dinh dưỡng và sự phát triển cơ thể trẻ em

Nghiên cứu sự phát triển hình thái cơ thể và các yếu tố liên quan của trẻ 2-5 tuổi ở một số khu vực miền Bắc - 3

Suy dinh dưỡng và TC-BP là trạng thái dinh dưỡng liên quan tới việc hấp thụ không đủ hoặc thừa hoặc hấp thụ không đúng nhu cầu về thức ăn và phản ứng của cơ thể với hàng loạt các bệnh lây nhiễm dẫn tới hấp thụ không tốt hoặc không có khả năng sử dụng các chất dinh dưỡng một cách hợp lý để duy trì sức khỏe. Về mặt lâm sàng, SDD và TC-BP được đặc trưng bởi sự hấp thụ thiếu hoặc thừa protein, năng lượng và các vi chất như vitamin và hậu quả là sự xuất hiện của các bệnh lây nhiễm và rối loạn [36, 179, 180].

Theo WHO, tình trạng dinh dưỡng được phân thành các loại sau: SDD thể thấp còi , SDD thể nhẹ cân, SDD thể gầy còm, thừa cân-béo phì [185].

Nhân trắc học dinh dưỡng có mục đích đo các biến đổi về kích thước và cấu trúc cơ thể theo tuổi và tình trạng dinh dưỡng. Phương pháp nhân trắc học có những ưu điểm là đơn giản, an toàn và có thể điều tra trên một mẫu lớn. Có thể khai thác đánh giá được các dấu hiệu về tình trạng dinh dưỡng trong quá khứ và xác dịnh được mức độ SDD. Tuy nhiên phương pháp nhân trắc học cũng có một vài nhược điểm như: không đánh giá được sự thay đổi về tình trạng dinh dưỡng trong giai đoạn ngắn hoặc không nhạy để xác định các thiếu hụt dinh dưỡng đặc hiệu.

Một số kích thước thường được dùng trong các cuộc điều tra dinh dưỡng tại thực địa là: chiều cao, cân nặng, vòng cánh tay, vòng đầu, vòng ngực.v.v.

Hiện nay, tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em được đánh giá chủ yếu dựa vào 3 chỉ số: chiều cao theo tuổi, cân nặng theo tuổi và cân nặng theo chiều cao.

Chiều cao theo tuổi (chiều cao/tuổi) phản ánh sự tăng trưởng về chiều dài của cơ thể, những thiếu hụt về chiều dài (cao) theo tuổi phản ánh những nguy cơ dài hạn về sức khỏe và dinh dưỡng của cơ thể trẻ. Chiều dài cơ thể và chiều cao đứng là hai thuật ngữ đều chỉ chiều cao nhưng chiều dài là thuật ngữ sử dụng đối với những trẻ em chưa thể đứng vững (khi đo người ta để trẻ nằm) và chiều cao đứng sử dụng với những trẻ đã đứng vững (thường 3 tuổi trở lên). Để thuận tiện, người ta sử dụng thuật ngữ chiều cao để chỉ chung cho cả chiều dài và chiều cao đứng của trẻ.

Chiều cao/tuổi thấp hơn so với bình thường: “ Thể thấp còi” là một thuật ngữ thường dùng khác để đề cập tới tình trạng chiều cao thấp là do bệnh lý, thuật ngữ này chỉ sự tăng trưởng không bình thường của cơ thể và nguyên nhân của điều này có thể là do sức khỏe hoặc tình trạng dinh dưỡng không tốt hoặc cả hai lý do này.

Chiều cao/tuổi cao hơn so với bình thường là chỉ số ít có ý nghĩa về phương diện sức khỏe cộng đồng. Về phương diện lâm sàng, chỉ số này chỉ được quan tâm ở những khu vực phát triển do có các rối loạn nội tiết (ví dụ: khối u gây tăng sinh hormone tăng trưởng có thể dẫn tới sự tăng trưởng quá mức bình thường).

Cân nặng/tuổi thấp hơn bình thường: “Nhẹ cân” cũng được sử dụng để đề cập tới quá trình bệnh lý của cơ thể.

Cân nặng/tuổi cao hơn bình thường: chỉ số này hiếm khi được sử dụng vì các chỉ số khác như cân nặng/chiều cao thường được sử dụng trong việc đánh giá tình trạng TC-BP.

Cân nặng/ chiều cao là chỉ số thường được sử dụng khi gặp những khó khăn trong quá trình xác định tuổi, đặc biệt là ở các khu vực đang phát triển. Tuy vậy, điều đáng chú ý là chỉ số này không thể thay thế cho chiều cao/tuổi hoặc cân nặng/tuổi bởi mỗi chỉ số phản ánh một tổ hợp các quá trình sinh học khác nhau.

Cân nặng/chiều cao thấp hơn bình thường là thể gầy còm. Thể gầy còm là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để mô tả quá trình sụt cân đáng kể xảy ra do hậu quả của thiếu ăn hoặc bệnh tật. Thuật ngữ “gầy còm” dùng để chỉ những trẻ bị gầy do nguyên nhân bệnh lý, thuật ngữ này cũng có thể được áp dụng với những quần thể có tỷ lệ trẻ gầy vượt quá 2-3% tổng số trẻ (ở những quần thể như vậy, có thể hầu hết những trẻ gầy đều bị gầy còm).

Cân nặng/chiều cao cao hơn bình thường là thừa cân và béo phì. Trên phương diện quần thể, chỉ số cân nặng/chiều cao cao có thể được dùng để chỉ tình trạng TC-BP bởi đa số những trẻ có cân nặng/chiều cao cao đều dẫn đến TC-BP. Tuy vậy, chỉ nên sử dụng thuật ngữ béo phì khi đo đạc các chỉ số về tình trạng béo phì như bề dày lớp mỡ dưới da.

Ở trẻ, chiều cao theo tuổi (chiều cao/tuổi) bị ảnh hưởng bởi cả chiều cao và cân nặng điều này sẽ gây nhiều phức tạp khi giải thích về chỉ số này. Tuy nhiên, nếu

trong một quần thể có tỷ lệ trẻ bị gầy còm cao thì các chỉ số cân nặng/tuổi và chiều cao/tuổi đều cho các thông tin tương tự nhau, cả hai chỉ số này đều phản ánh tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe dài hạn của cá thể hoặc quần thể.

Để kiểm soát sự tăng trưởng của trẻ nói chung thì việc chỉ sử dụng chỉ số chiều cao/tuổi và cân nặng/tuổi là không đủ mà người ta thường sử dụng chỉ số BMI/tuổi để bổ sung trong việc đánh giá mức độ gầy còm (BMI/tuổi thấp), TC-BP (BMI/tuổi cao) đối với trẻ em và người trưởng thành [138]. Sử dụng riêng chỉ số cân nặng/tuổi chỉ có thể đánh giá sự tăng trưởng của trẻ trong giai đoạn trước 10 tuổi, bởi vì sau 10 tuổi thì chỉ số này không phân biệt được chiều cao và cân nặng khi có nhiều trẻ đang trải qua đỉnh tăng trưởng dậy thì và nhiều trẻ có biểu hiện thừa cân nhưng thực tế là do chúng chỉ cao lên đơn thuần. BMI/tuổi là chỉ số đơn giản dựa trên cân nặng theo chiều cao thường được dùng để phân loại tình trạng TC-BP [186].

Tình trạng dinh dưỡng có thể được đánh giá theo thang phân loại của WHO năm 2006 dựa vào cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao để xác định tình trạng nhẹ cân, thấp còi, gầy còm, TC-BP của trẻ.

Ngoài ra, số đo vòng cánh tay trái duỗi cũng là một kích thước nhân trắc cho phép đánh giá nhanh được tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Chu vi vòng cánh tay trái duỗi thường được khuyến cáo để đánh giá các tác động của dinh dưỡng bởi vì có thể đo dễ dàng và sử dụng công cụ đo lường rẻ tiền. Chu vi vòng cánh tay cũng được đề xuất như là một kĩ thuật học thích hợp dùng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở cộng đồng bởi vì nó cho phép tiến hành một cách nhanh chóng, không đòi hỏi cân, thước đo để đánh giá tình trạng dinh dưỡng. Một nghiên cứu tiến hành ở Malawi đối với những trẻ từ 12 đến 48 tháng tuổi, điểm cắt 13,5 cm của vòng cánh tay trái duỗi là hợp lí để đánh giá SDD: nó có độ nhạy cảm 82% và độ đặc hiệu 70% [88]. Tuy vậy tác giả Siziya khi nghiên cứu trẻ em Zimbabwe cho rằng điểm cắt của chu vi vòng cánh tay là 15,5 cm mới là hợp lí và có độ nhạy cảm 66,7% và độ đặc hiệu 76,2% [157]. Các nghiên cứu này cho thấy tính giá trị của vòng cánh tay trong đánh giá dinh dưỡng là khá cao nhưng điểm cắt thích hợp để chẩn đoán SDD thay

đổi ở các cộng đồng khác nhau. Một điểm cũng còn gây nhiều tranh luận là số đo vòng cánh tay trái duỗi phản ánh sự thiếu hụt cân nặng theo tuổi hay sự thiếu hụt cân nặng theo chiều cao tốt hơn. Nghiên cứu ở Guatemala cho thấy ở trẻ SDD thể nhẹ cân mặc dù trọng lượng so với chiều cao là bình thường nhưng chu vi vòng cánh tay lại giảm rò rệt [129], giảm cả khối lượng mỡ và khối lượng cơ cánh tay. Điều này gợi ý sử dụng số đo vòng cánh tay để xác định tình trạng SDD thể nhẹ cân theo tuổi của trẻ. Một số nghiên cứu có kết quả phù hợp với nhận xét này: một nghiên cứu ở Mexico cho thấy vòng cánh tay có độ đặc hiệu và nhạy cảm tốt đối với tình trạng SDD thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) nhưng có độ đặc hiệu thấp đối với SDD thể gầy còm (BMI/tuổi) [185].

1.1.5. Hậu quả của tình trạng suy dinh dưỡng và thừa cân-béo phì

1.1.5.1. Hậu quả của tình trạng suy dinh dưỡng Tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong

Suy dinh dưỡng làm tăng gấp đôi nguy cơ bệnh tật và tử vong so với trẻ em không bị SDD. SDD làm tăng gánh nặng cho xã hội, ước tính mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 2,1 triệu trẻ dưới 5 tuổi chết vì lý do SDD, đồng thời SDD cũng gây ra 35% gánh nặng bệnh tật ở trẻ duới 5 tuổi [121, 122].

Ảnh hưởng đến nhận thức, phát triển trí tuệ và khả năng lao động

SDD ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ trong giai đoạn trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ bị SDD cũng thường chậm chạp, lờ đờ vì vậy giao tiếp xã hội thường kém, kéo theo học hỏi, tiếp thu kém. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những trẻ SDD thể thấp còi có khả năng chậm đi học, thi lại và tỉ lệ bỏ học cao hơn trẻ bình thường [82, 123].

Ảnh hưởng đến vóc dáng, chiều cao khi trưởng thành

Chiều cao của trẻ được quy định bởi di truyền nhưng dinh dưỡng chính là điều kiện cần thiết để trẻ đạt tối đa tiềm năng di truyền của mình. Ở tất cả các nước đã tiến hành nghiên cứu về chiều cao của trẻ cho thấy, chiều cao của những trẻ bình thường cao hơn nhiều so với những trẻ bị SDD thể thấp còi khi dưới 5 tuổi. Những trẻ SDD thể thấp còi đến khi trưởng thành sẽ trở thành người có chiều cao dưới mức bình thường [7, 92].

1.1.5.2. Hậu quả của tình trạng thừa cân-béo phì

Nguy cơ đầu tiên của trẻ em là khả năng béo phì kéo dài đến tuổi trưởng thành cùng với các hậu quả của nó. TC-BP cũng dễ xảy ra khi béo phì lúc nhỏ và tuổi thiếu niên hoặc béo phì mức độ nặng [37].

Bệnh đái tháo đường

Có khoảng 177 triệu người trên thế giới bị đái tháo đường, dự kiến vào năm 2030 con số này sẽ tăng gấp đôi. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa béo phì và đái tháo đường typ II. Nếu giảm trọng lượng cơ thể được 5-10 kg là giảm được cả nguy cơ đái tháo đường typ 2, giảm cholesterol và tăng huyết áp [140]. Một nghiên cứu gần đây cho thấy có thể giảm tới 64% trường hợp đái tháo đường týp II ở nam và 74% ở nữ nếu BMI không vượt quá 24. Các nguy cơ trên tiếp tục tăng lên khi mắc béo phì ở giai đoạn trẻ mầm non và thiếu niên, hoặc tăng cân liên tục hoặc béo bụng [35].

Bệnh tim mạch

Có tới 30% trẻ em béo phì bị tăng huyết áp, mức độ nguy hiểm càng cao khi tuổi càng trẻ [35]. Theo Dzoãn Thị Tường Vi và Nguyễn Thị Lâm, người lớn béo phì ở Việt nam có tỷ lệ tăng huyết áp cao 3,2 lần so với người không bị béo phì, Lipid và đường máu cũng cao hơn [71], có khoảng 65% người béo phì có Triglyxerit cao hơn bình thường [48], béo phì thúc đẩy quá trình dẫn đến suy tim nếu không điều trị kịp thời.

Rối loạn hô hấp, gan nhiễm mỡ

Trẻ mắc béo phì thường bị khó thở đường hô hấp trên, đặc biệt khi ngủ có khó thở kèm theo ngáy to. Nghiên cứu trẻ 2-18 tuổi ở Mỹ thấy có mối liên quan tăng lên tỷ lệ trẻ mắc hen phế quản với béo phì [124].

Theo ước tính hiện nay có khoảng 3% trẻ em mắc bệnh gan nhiễm mỡ ở tất cả các vùng khác nhau trên trái đất, trong đó có 23-53% là trẻ béo phì và 70% trong số này mắc xơ gan [124]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoa tại bệnh viện Nhi Đồng I (TP. Hồ Chí Minh) cho thấy trẻ em mắc béo phì có rối loạn lipid máu là 74,3% và gan nhiễm mỡ 39,1% [19].

Hậu quả về mặt tâm lý

Trẻ béo phì phải trải qua nhiều khó khăn về mặt tâm lý hơn trẻ không béo phì, trẻ nữ có nguy cơ cao hơn trẻ nam và nguy cơ mắc các bệnh về tâm lý tăng lên theo tuổi. Strauss cho biết, 34% trẻ nữ béo phì 13-14 tuổi có tính tự trọng kém hơn trẻ nam so với trẻ không bị béo phì (8%) [161], chúng dường như kém nhanh nhẹn và đôi khi còn xấu hổ hoặc gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động thể thao [153].

1.1.6. Lịch sử nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng

1.1.6.1. Lịch sử nghiên cứu tình trạng suy dinh dưỡng

Nghiên cứu trên thế giới

Năm 1984, WHO đã tổ chức một hội nghị về dinh dưỡng ở Fiji để đánh giá tình hình và kinh nghiệm phòng chống suy dinh dưỡng ở các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Hội nghị kết thúc đã đưa ra một quyết định quan trọng: “SDD trẻ em có rất nhiều nguyên nhân, cho nên việc phòng chống SDD trẻ em không thể hoạt động riêng rẽ của từng ngành (ngành nhi, ngành phòng dịch, ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm), mà phải do những người đứng đầu các nước đứng ra nhận trách nhiệm phối hợp các ngành và giáo dục vận động nhân dân, các gia đình tự giác tham gia bằng khả năng và phương tiện hiện có của mình”. Hội nghị đã đưa ra việc phòng chống SDD bắt đầu từ thời kì nhi khoa chuyển sang thời kì phòng dịch [theo 22].

Tại Hội nghị thượng đỉnh về dinh dưỡng diễn ra tại Roma năm 1992, các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra chương trình hành động, có sự cam kết của các quốc gia nhằm giảm tình trạng SDD trẻ em xuống còn một nửa vào năm 2000 so với năm 1990 [172].

Năm 1995, WHO đã đề nghị lấy Quần thể NCHS (National Centre of Health Satistics) của Hoa Kỳ làm Quần thể tham chiếu. Từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, đề nghị này được ứng dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới trong đó có cả Việt Nam. Trong đó, WHO lưu ý rằng không nên coi quần thể tham chiếu là chuẩn mà chỉ là cơ sở để đưa ra các nhận định thuận tiện cho các so sánh trong nước và quốc tế [174].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/07/2022