có số lượng đồng bào DTTS chiếm số đông, gồm Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn và Hiệp Đức. Mục tiêu của đề án là huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy văn hóa đặc trưng các DTTS; nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của cộng đồng, lấy cộng đồng dân tộc các thôn làm chủ thể trong việc bảo tồn. Một trong các nội dung hỗ trợ của đề án này là đầu tư xây dựng Làng truyền thống tại các xã, phù hợp với phong tục tập quán của mỗi dân tộc, địa phương. Làng truyền thống được xây mới sẽ bao gồm không gian văn hóa làng, không gian trưng bày các giá trị văn hóa, không gian biểu diễn và hệ thống các công trình phụ trợ (với mức hỗ trợ với một Làng truyền thống xây mới là 5 tỷ đồng; hỗ trợ trưng bày không gian các nhà làng đã có sẵn là 3,5 tỷ đồng). Đối với nhà làng truyền thống của thôn sẽ được tận dụng các gươl, nhà rông và đầu tư hỗ trợ các không gian trưng bày, biểu diễn (với mức hỗ trợ của đề án là mua sắm cồng/trống chiêng cho 120 thôn và 8 trường phổ thông dân tộc nội trú có mức 60 triệu đồng/bộ).
Ngoài ra, hỗ trợ bảo tồn, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, bao gồm truyền dạy kỹ năng thực hành di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch (100 triệu đồng/1 di sản/huyện/năm); hỗ trợ quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc (100 triệu đồng/huyện); phục dựng bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống (100 triệu đồng/huyện). Đối với hoạt động của các câu lạc bộ, đội nghệ thuật truyền thống sẽ được hỗ trợ hằng năm với mức 10 triệu đồng/câu lạc bộ. Cũng theo dự thảo đề án, việc đưa di sản văn hóa các DTTS vào giảng dạy tại trường phổ thông sẽ nhận mức hỗ trợ 200 triệu đồng/năm... Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 106 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn 2019 - 2020 và 2021 - 2025.
Đối với Đề án “Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025” được triển khai trên địa bàn huyện Bắc Trà My ở 6 nội dung được hỗ trợ, với nguyên tắc mỗi điểm du lịch chỉ được ngân sách hỗ trợ 1 lần. Trường hợp được hỗ trợ là các khu, điểm du lịch có tiềm năng phát triển và
kết nối thành tuyến; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động kinh doanh du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn 9 huyện miền núi. Trong đó, đề án này hướng đến đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng bằng cách mở các đợt tập huấn, với mức kinh phí hỗ trợ thực hiện 5 tỷ đồng; công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các điểm du lịch cũng sẽ được hỗ trợ ở mức 13 tỷ đồng. Riêng việc đầu tư hạ tầng tại các điểm, khu du lịch, bao gồm hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe, nhà đón tiếp, nhà vệ sinh công cộng, biển báo hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng phòng lưu trú chiếm kinh phí lớn nhất với mức hơn 87 tỷ đồng. Ngoài ra, Đề án này còn tính đến việc hỗ trợ 4 tỷ đồng để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm; triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực với tổng mức kinh phí 7,4 tỷ đồng và hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gần 5 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đề án trên 121 tỷ đồng cho 20 điểm du lịch.
Bên cạnh đó, trước thực trạng cấp bách giải quyết vấn đề ở địa phương, UBND huyện Bắc Trà My đã ký ban hành Kế hoạch số 88/KH- UBND ngày 23 tháng 5 năm 2017 triển khai thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2020" trên địa bàn huyện; và giao cho Phòng Dân tộc huyện chủ trì triển khai thực hiện. Theo đó, Phòng dân tộc huyện Bắc Trà My đã phối hợp với UBMTTQVN, Phòng Tư pháp huyện tổ chức tuyên truyền nội dung, kế hoạch của đề án. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, các Pháp luật điều chỉnh Luật Hôn nhân và gia đình, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 02 xã vùng cao của huyện là Trà Giác và Trà Ka.
Để bảo tồn và phát huy bản sắc riêng mỗi dân tộc, chính quyền huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo phòng Văn hóa-Thông tin huyện xây dựng đề án Nhà làng truyền thống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện - với mục đích giúp khôi phục “tái sinh” Nhà làng, là một trong các chính sách bảo tồn
53
Có thể bạn quan tâm!
- Hệ Thống Các Chính Sách, Pháp Luật Của Nhà Nước
- Khái Quát Chung Về Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Ở Tỉnh Quảng
- Một Số Đặc Trưng Chung Của Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Ở Tỉnh Quảng Nam
- Giải Pháp Hoàn Thiện Hệ Thống Chính Sách Bảo Tồn Và Phát Triển Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Ở Huyện Bắc Trà My, Tỉnh Quảng Nam Hiện Nay
- Giải Pháp Về Hoạt Động Của Địa Phương Khi Hiện Thực Hoá Các Chính Sách Bảo Tồn Và Phát Triển Văn Hóa Các Dân Tộc Thiểu Số Ở Huyện Bắc Trà My,
- Thực hiện chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam - 11
Xem toàn bộ 98 trang tài liệu này.
văn hóa truyền thống cho đồng bào. Nên nhiều năm qua, việc triển khai dự án này dưới sự quản lý điều hành của chính quyền huyện Bắc Trà My đã từng bước khôi phục 04 kiểu nhà ở truyền thống của các tộc người bản địa sinh sống, gồm các tộc người: Cor, Xê Đăng, Ca Dong, Mơ Nông để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết thực hàng ngày. Cụ thể là:
Ngôi nhà truyền thống của người Cor được gọi là "Nhà Xlúp" là kiểu nhà dài của một làng chung cư trú với cấu trúc được chia làm 3 phần theo chiều dọc nhà. Truôk, là đường hành lang chạy suốt từ đầu đến cuối nhà, hai phía đều thông ra ngoài qua cửa. Tum là phần không gian sinh hoạt cho từng hộ, ở đó có đặt bếp lửa, chỗ ngủ của các cặp vợ chồng, con cái và các vật dụng, đồ đạc, từ các buồng đó đều mở thông ra Truôk. Gươl là phần diện tích để thoáng, không ngăn thành các buồng. Nơi đây chủ yếu dùng làm chỗ sinh hoạt cho đàn ông: tiếp khách, uống rượu, gõ chiêng... Hiện nay, kiểu nhà trệt có từ 3-5 hộ hay 6-7 hộ cùng cư trú còn khá phổ biến.
Người Xê đăng ở nhà sàn, trước kia là nhà dài thường cả đại gia đình ở chung. Nhà ở trong làng được bố trí theo tập quán, mỗi nóc có khoảng vài hộ gia đình được bảo vệ bằng hàng rào lồ ô khép kín có lối ra và cổng vào. Họ ở nhà sàn thấp vừa hình chữ nhật, mái lợp tranh, vách bằng gỗ, sàn trên dùng để ở và sinh hoạt, phần dưới để đồ dùng và nuôi gia súc.
Nhà của người M'nông ở là nhà sàn, mái nhà được làm bằng lá cọ, sàn nhà bằng lồ ô, phên tường làm bằng vỏ cây ươi hay cây chò. Trong một làng sẽ có nhà "xu-ậc" là nơi tổ chức tất cả mọi lễ hội trong làng.
Người Cadong ở huyện Bắc Trà My trước kia ở nhà dài nhiều căn hộ, có nóc dài đến trăm mét, gồm 20 - 30 căn, đến nay những ngôi nhà này đã hiếm thấy.Thay vào đó bây giờ người Cadong ở nhà sàn mái thấp lợp bằng lá nón (la xeet) hoặc lá mây. Sàn nhà thấp được làm cây lồ ô. Phên, giát thông thường làm bằng vỏ cây ươi, vỏ cây chò và cây lồ ô. Hiện nay thì đã xuất hiện nhiều nhà có kiến trúc kiên cố, hiện đại.
Chính nhờ vậy, sau hàng chục năm vắng bóng, nhà làng truyền thống của đồng bào các DTTS trong tỉnh Quảng Nam đang dần được phục hồi, tạo không gian sinh hoạt cho cộng đồng miền núi. Nếu trước đây, nhiều nhà làng truyền thống (nhà sinh hoạt cộng đồng) của đồng bào tộc người bản địa trên địa bàn huyện đã bị mai một trong đời sống cộng đồng, thì đầu thập niên 2000 ở vùng dân tộc miền núi Quảng Nam nói chung và huyện Bắc Trà My nói riêng dưới sự tác động bằng cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tiến hành phong trào khôi phục tái sinh “Nhà - Làng truyền thống” tạo cơ hội thuận lợi cho các làng dựng lại Nhà làng để bảo tồn văn hóa truyền thống cho cộng đồng tộc người. Đến nay, toàn huyện vẫn gìn giữ, khôi phục được 20 ngôi nhà rông văn hóa truyền thống tại 78 thôn, làng/13 xã, thị trấn trong huyện[44]. Nhà làng của đồng bào tộc người trên địa bàn huyện được phục hồi đáp ứng sự phục vụ khá tốt đối với nhu cầu sinh hoạt đời sống hàng ngày. Có Nhà làng chính là sự hiện diện một cách sinh động những nét văn hoá cộng đồng làng: Người dân trở lại với những tập quán chung vai, chung sức lo việc làng, nhiều loại hình văn hoá văn nghệ dân gian, lễ hội cộng đồng, nghệ thuật tạo hình, kinh nghiệm kỷ thuật kiến trúc truyền thống được khôi phục, người nghệ nhân được tôn vinh, làng có được một thiết chế văn hoá vừa cổ truyền vừa hiện đại, có một ngôi nhà chung để dân làng hội họp.
Mặt khác, để bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc riêng văn hóa truyền thống của từng tộc người thiểu số trên địa bàn, từ năm 2013 chính quyền huyện Bắc Trà My đã tổ chức nhiều hoạt động tái hiện không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc được tổ chức như: Lễ hội văn hóa dân tộc Cor, tại xã Trà Kót vào tháng 3-2013; Lễ hội mừng lúa mới của người Cadong, Lễ ăn trâu huê của đồng bào các dân tộc Cadong, Cor,…; đồng thời huyện đã tổ chức các đợt điều tra, sưu tầm văn hóa vật thể, phi vật thể với 65 hiện vật về nhạc cụ, đan lát, đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, đồ dùng săn
bắn... được lưu giữ trong các thôn (làng) của bà con dân tộc Cadong, Cor, hiện đang trưng bày tại Nhà truyền thống văn hóa huyện. Bên cạnh đó, huyện Bắc Trà My còn phối hợp với Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư tổ chức hội thảo khoa học về tiếng nói và chữ viết của dân tộc Cor[44].
Mới đây, chính quyền huyện cũng đã tiếp tục chỉ đạo phòng Văn hóa - Thông tin xây dựng và triển khai đề án điều tra, sưu tầm văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện và tiến hành khôi phục, phát triển làng rượu cần tại xã Trà Bui. Đồng thời, UBND huyện đã hỗ trợ mỗi xã vùng tộc người thiểu số với mức 10 triệu đồng để mua sắm, bổ sung bộ cồng chiêng; và hàng năm địa phương đều tổ chức các lễ hội như tết mùa, ăn trâu huê, ăn trâu lá, lễ cầu mưa, cúng máng nước… Tổ chức các giải thể thao nhằm bảo lưu những môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, bắn ná, kéo co, leo núi… Ngoài ra, hàng năm huyện cũng tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật quần chúng nhằm bảo lưu các làn điệu dân ca, dân vũ, các nhạc cụ truyền thống và các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Qua đó, đồng bào các dân tộc ở trên địa bàn huyện duy trì được các tập tục truyền thống tiến bộ trong ma chay, cưới hỏi, tết mùa và duy trì phát triển các hoạt động văn hóa truyền thống như múa cồng chiêng, hát lý, hát đối đáp.. cũng như duy trì việc sử dụng các nhạc cụ mang bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc như đàn nước, amáp, bró, katóc… đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc riêng của từng tộc người thiểu số trên địa bàn huyện, đóng góp vào sự chuyển động tích cực trong nhịp điệu phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Nhìn chung, cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội, nhiều giá trị văn hóa truyền thống (các di tích, lễ hội, nghề và làng nghề thủ công,..) ở các xã trong huyện được bảo tồn và phục hồi. Sự phục hồi của các giá trị văn hóa truyền thống không những khẳng định những khía cạnh đặc
sắc của văn hóa tộc người thiểu số, mà còn cho thấy những giá trị ấy được cộng đồng coi trọng và gìn giữ. Sự phục hồi của những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa xã hội, mà còn là nhân tố tích cực (những chuẩn mực về đạo đức, thẩm mỹ) góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng môi trường xã hội ở địa phương lành mạnh.
Lồng ghép tích cực vào thực thi chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, chính quyền huyện Bắc Trà My đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo trực tiếp qua mô hình sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng tác động đến việc giảm nghèo, sắp xếp dân cư… Ngoài ra, việc thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc các tộc người thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Trà My cũng đã được gắn liền với việc chú trọng tạo dựng đội ngũ cán bộ ưu tú, có uy tín là các tộc người bản địa đều có mặt đại diện cho tộc người mình, tham gia tích cực với vai trò cán bộ và công chức trong cơ cấu nhân sự ở các cấp trong hệ thống chính trị, kể cả cấp tỉnh.
Nhờ những nỗ lực trong triển khai chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam (bao gồm cả huyện Bắc Trà My) - nếu tính từ năm 2011 đến năm 2019[21], ngân sách tỉnh Quảng Nam với hơn 7.700 tỷ đồng tập trung cho công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển bảo vệ rừng và giữ vững an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm từ 47,93% (năm 2011) còn 20,85% (cuối 2019). Đến nay 100% xã miền núi có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện thắp sáng, độ che phủ rừng tăng từ 55,7% (2011) lên 66,45% (2019)… Riêng đối với Bắc Trà My, tỷ lệ hộ nghèo vào cuối năm 2019 của huyện là 33,64% (còn 3.704 hộ nghèo), so với kết quả cuối năm 2015 giảm được 1.661 hộ nghèo (tỷ lệ 18,42%)[40].
2.3. Một số vấn đề thực tiễn đặt ra trong thực hiện chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam
Một là, ở khía cạnh chính sách, đề án, các già làng trên địa bàn huyện Bắc Trà My có cùng chung quan điểm rằng ngay cả Đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các DTTS tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” vẫn chưa nêu đầy đủ về đặc trưng cụ thể của từng nhóm dân tộc, nội dung xây dựng chưa xuất phát từ nhu cầu cần thiết, thực tế ở cơ sở.
Đề án bảo tồn văn hóa miền núi mới chỉ chú trọng nêu vấn đề hỗ trợ kinh phí mua sắm, xây dựng các hạng mục là chủ yếu, trong khi mỗi nhóm dân tộc hiện nay có nhu cầu khác nhau, bảo tồn và phát huy văn hóa khác nhau; thậm chí nội dung hỗ trợ của đề án này còn nhiều bất hợp lý, nặng về việc xử lý kinh phí, thiếu căn cứ và không bền vững (theo TS. Lê Anh Tuấn - Phân viện phó Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã nêu rằng[10]: Cụ thể con số thống kê 333 làng chưa có cồng chiêng là thiếu thực tế; từ đó đề xuất trang bị cho mỗi làng một bộ và 8 trường học là không khả thi và không hiệu quả khi chưa khảo sát thực tế về nhu cầu của từng làng, thôn). Nội hàm xây dựng làng truyền thống mà đề án nêu chưa thực sự rõ, nhất là chưa cụ thể những hạng mục cần phải đạt được sau đầu tư; thiếu sự liên kết với làng văn hóa, làng định canh định cư, làng thanh niên lập nghiệp, làng tái định cư thủy điện...
Hai là, Đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các DTTS tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” mới chỉ đề cập việc hỗ trợ phục hồi các lễ hội truyền thống và mỗi huyện trong đó có Bắc Trà My chỉ phục dựng một lễ hội tiêu biểu trong mỗi giai đoạn, như vậy là thiếu quan tâm đến các loại hình di sản khác...
Vì kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của các tộc người miền núi Quảng Nam nói chung và nói riêng với huyện Bắc Trà My là không chỉ dừng lại ở các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mà các tộc người miền núi nơi đây còn đang bảo lưu
nhiều di sản văn hóa đặc sắc quan trọng (lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian, nghệ thuật tạo hình...), thể hiện tinh hoa, bản sắc tộc người; song trên thực tế thì chưa chú trọng công tác khảo sát từ cộng đồng, địa phương để sưu tầm, thống kê danh mục di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào miền núi,...
Ba là, ở khía cạnh thực hiện chính sách phát huy bản sắc các DTTS trong quá trình lồng ghép vào phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch văn hóa ở huyện Bắc Trà My hiện vẫn chưa coi trọng sự lồng ghép dựa vào yếu tố cộng đồng tộc người (theo kiểu phần vỏ thì có mà phần ruột thì rỗng), khiến cho ngôi làng “mồ côi” vì thiếu hơi ấm, thiếu bếp lửa, thiếu nếp sinh hoạt của đồng bào.
Bốn là, trên thực tế đó có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đang rơi vào tình trạng dần bị mai một do chịu sự tác động rất lớn từ truyền thông hiện đại, sự chuyển đổi cơ cấu xã hội, nếp sống, quy hoạch phát triển kinh tế.
Minh chứng cho thấy, hiện nay đối với các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Bắc Trà My nói riêng, tại khu vực thị trấn, các xã, thôn làng ở vùng thấp, vùng có trục lộ giao thông đi qua, mô hình làng truyền thống đã bị phá vỡ; thay vào đó xu hướng lập làng và làm nhà rãi ra, kéo dài theo trục lộ là phổ biến; nhiều làng muốn di dời đến nơi gần trục giao thông[36]. Hiện trạng này đặt ra thách thức đối với việc duy trì bản sắc văn hóa của làng các tộc người bản địa nơi đây.
Năm là, các tộc người thiểu số thường cư trú ở các vùng miền núi - vùng sâu; và ở môi trường cư trú đó đã đóng góp vai trò quan trọng cho việc duy trì, bảo tồn các tập quán văn hóa của các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng chính sự xa cách và hiểm trở của vùng địa lý đó đã gây ra những khó khăn rào cản trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công như: y tế và giáo dục.