Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Những điểm mới về nội dung và nghệ thuật - 11


Cùng thời với Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Lý có bài Uỷ gia nội, Phan Thúc Trực có tới 13 bài khóc thương vợ. Những bài ấy đều rất cảm động, song đều là những tiếng khóc nghẹn ngào dành cho vợ khi người vợ của các ông đã ở nơi chín suối. Cao Bá Quát diễn tả xúc động được tình cảm vợ chồng quấn quýt, mặn nồng khi đang cận kề bên nhau, đồng cam cộng khổ bên nhau trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Đây là điểm riêng của Cao Bá Quát khi diễn tả tình cảm vợ chồng nói riêng, tình cảm gia đình nói chung.

Một điểm mới rõ rệt nữa của thơ chữ Hán Cao Bá Quát ở chủ đề gia đình là cách thi sĩ tự sự bằng các chi tiết chân thực, cụ thể, sinh động. Trước hết là sự biểu lộ tình cảm của bản thân mình với gia đình qua kí ức về những hành động thực của người thân trong sinh hoạt gia đình, trong đó, nổi bật lên là hình ảnh vợ con: Chuyết thê ỷ chẩm sơ bồng mấn/ Trĩ tử khiên y tạ khúc quăng (Bà vợ vụng về tựa vào gối chải mái tóc rối/ Con trẻ ngây thơ kéo áo khoanh tay để gối đầu - Bệnh trung), Đối tháp bần thê phanh Bắc mính/ Xao môn tiểu nữ lộng Nam âm (Ngồi bên giường người vợ nghèo đun ấm chè Bắc/ Gõ vào cửa con gái bé chơi khúc nhạc miền Nam - Bạc mộ tư gia), Tha thời khan bút chỉ/ Thử nhật tiếu gia nương (Hôm nào đó xem giấy bút/ Hôm nay vui đùa cùng mẹ cha - Ức tử), Luyến mẫu đề cơ xứ/ Khiên ông học bái thì (Nào lúc bám lấy mẹ kêu đói/ Nào khi níu lấy ông học vái - Hữu sở tư)…

Kí ức bao giờ cũng là sự thanh lọc từ ngồn ngộn các hoạt động, sự kiện; giữ lại những gì ấn tượng nhất, sâu sắc nhất. Qua kí ức, Mẫn Hiên đã khắc hoạ được sống động những đặc điểm bản chất nhất của vợ, con. Đó là dáng điệu ân cần của người vợ quê khi chăm chồng đau ốm (chải tóc, đun thuốc bắc…). Đó là những hình ảnh thơ ngây, ngộ nghĩnh đặc trưng của con nít. Chúng hồn nhiên trong nhu cầu - đói đòi ăn, khát đòi uống (níu mẹ kêu đói). Chúng thích bắt chước người lớn (níu lấy ông học vái). Chúng tò mò, nghịch ngợm (xem giấy bút). Chúng vui đùa, nũng nịu (kéo áo, khoanh tay để gối đầu)… Tất cả đều là những hình ảnh cụ thể, chân thực đến từng chi tiết khiến cho tình cảm của Mẫn Hiên dành cho người thân được thể hiện sinh động, phác thực, hồn nhiên, thấm thía, khác xa tính chất chung chung, ước lệ thường thấy của văn chương thời trung đại.

Một điều đáng chú ý là, trong mảng thơ này, Cao Bá Quát không chỉ diễn tả tình cảm của mình với người thân mà còn luôn cảm động trước sự yêu thương và chăm sóc của người thân dành cho mình. Ở phương diện này, ông cũng diễn tả bằng những hành động, lời nói cụ thể của người thân. Cao Bá Quát cho thấy vợ ông rất ân cần chu đáo. Bà


luôn “nâng khăn sửa túi” chu tất cho chồng. Lúc phu quân chuẩn bị lên đường đi xa, bà để:

Tiểu kính kí viễn khiếp, Hàn y cố lưu phòng.

(Tự quân chi xuất hĩ)

(Chiếc gương nhỏ đã gửi vào tráp người đi xa, Tấm áo rét để lại trong phòng cũ.)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.

Bằng việc làm đó, vợ Mẫn Hiên gửi tới chồng biết bao tình ý. Chiếc gương là lời dặn dò thuỷ chung, mong chồng hiểu mình luôn ở bên phu quân (tích “gương vỡ lại lành”). Chiếc áo rét là niềm ước muốn luôn có được hơi ấm của chồng kề bên, giống như người con gái trong ca dao: “Chàng về để áo lại đây/ Phòng khi em đắp gió tây lạnh lùng”, “Áo xông hương của chàng vắt mắc/ Đêm em nằm, em đắp lấy hơi”…! Ở đây, có sự gửi đi và để lại, song người vợ đã xoá đi sự chia li bằng việc làm đầy ý nghĩa của mình. Những vật dụng ấy mang hộ hồn của người này đến với người kia. Vợ chồng vẫn như hình với bóng, luôn bên nhau. Đủ thấy, ý trung nhân của Cao Bá Quát không chỉ “từng giã gạo mướn”, đảm đang, chịu thương chịu khó mà còn là một thiếu phụ có chiều sâu văn hoá, rất mực đằm thắm, hồn hậu!

Một lần khác, phẩm chất vàng ngọc của bà lại khiến Cao Bá Quát cảm động rơi nước mắt. Chồng vướng cảnh ngục tù lao lí, bà gửi thư cùng với:

Thơ chữ Hán Cao Bá Quát - Những điểm mới về nội dung và nghệ thuật - 11

Hàn y ổn thiếp phong tân tứ, Tố quản tiêm minh tẩy cựu đề.

(Tiếp nội thư tính kí hàn y bút điều sổ sự) (Chiếc áo rét xếp phẳng phiu, gói ghém bao ý mới, Ngọn bút trắng, nhọn, xoá sạch những lời đề xưa.)

Những tính từ “thiếp” (phẳng phiu), “tố” (trắng), “tiêm” (nhọn) cho thấy sự cẩn thận, nâng niu của vợ Mẫn Hiên. Bà đã sửa soạn những đồ đạc thiết yếu gửi cho chồng bằng cả trái tim chan chứa yêu thương của mình. Và điều đáng nói thêm là Cao Bá Quát đã không xem đó là trách nhiệm, nghĩa vụ đương nhiên phải làm của người vợ theo quan niệm phương Đông truyền thống. Ông chú ý đến cái tình thẳm sâu của người vợ, ở việc “bàn chữ gấm”, “gói ghém bao ý mới”, “xoá sạch những lời đề xưa”, và “không để cho


đôi ta quên nhau”. Điều này khiến cho Cao Bá Quát trở thành người đàn ông tiến bộ, khác xa với lối gia trưởng trong thời đại của mình!

Còn đây nỗi niềm của Mẫn Hiên trước sự hi sinh thầm lặng, gánh vác việc nhà, thay hai em trai chăm sóc song thân của chị gái:

Nhị đệ phiêu linh vi khách nhật, Lão thân tiều tuỵ kí cư thì.

(Khốc vong tỉ)

(Ngày hai em trai phiêu bạt phương xa,

(Là) lúc cha mẹ tiều tuỵ sống nhờ nhà ngươi.)


“Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, vậy mà hai con trai của song thân Cao Chu Thần đều “phiêu bạt” - không phụng dưỡng được mẹ cha chu đáo khi mẹ cha còn sống theo yêu cầu trước tiên của chữ “hiếu” Nho giáo. “Hữu” thành “vô” và ngược lại! Câu thơ vừa khắc khoải về tội bất hiếu của bản thân, vừa bộc bạch niềm thương cảm xót xa về gánh nặng đổ lên vai gầy của người chị, đồng thời thể hiện nỗi xót thương cha mẹ tuổi xế chiều mà không mái ấm, không trưởng nam, thứ nam thần hôn báo đáp.

Xúc động hơn nữa là những câu thơ Mẫn Hiên diễn tả “Tư tử tình vô hạn” (Lòng thương nhớ con là vô hạn - Tự sơn tống Ngọc Tiên quy tỉnh) của song thân dành cho cho ông. Đó là hình ảnh: “Bạch phát cao đường ỷ vọng thâm” (Cao đường tóc bạc tựa ngóng phương xa - Để gia), là cảnh “Mẫu thân sạ kiến hỉ giao bi” (Mẹ già chợt trông thấy con, mừng mừng, tủi tủi - Quy cố trạch). Đặc biệt là chuyện khi Mẫn Hiên Quy cố trạch (Về đến nhà):

Cảm tạ song thân nhục, Bất khí thượng tư tồn.

(Cảm động và đội ơn nhất là thấy song thân cũng đến, Tỏ lòng gắn bó thương nhớ con.)

Hoàn toàn không phải là những phụ mẫu của lễ giáo tôn ti thứ bậc yêu cầu con mỗi sáng phải đến thăm hỏi, chúc phúc cho mình. Cha mẹ của người con họ Cao nghe tin con của mình về đã là người đến trước để “tỏ lòng thương nhớ”. Người cha, người mẹ ấy đã hành động theo sự thôi thúc thuần nhất của tình phụ tử, tình mẫu tử, nóng lòng muốn gặp ngay đứa con mang nặng đẻ đau đi xa mới trở về! Cao Bá Quát đã xếp thứ nhất về tình cảm và sự biết ơn cha mẹ trong trái tim! Phút giây sum họp với gia đình của Mẫn


Hiên không có chữ “lễ” của Nho giáo, không có sự khách sáo, chỉ có tình yêu từ trái tim đến trái tim, tấm lòng ruột rà, ân nghĩa!

Song có lẽ, với người đọc, sự cảm động hơn cả là niềm tin của Cao Bá Quát về tình cảm của đứa con dành cho mình trong bài Thất tử. Đây là một trong những bài thơ đặc sắc, nghẹn ngào về tình cha con. Mất con, ông “kêu toáng người đời”, rồi đến trời, đòi trả lời câu hỏi vì sao con ông mất! Một gã tóc đỏ - có lẽ là kẻ đại diện phát ngôn cho chốn âm ti địa ngục giải thích rất dài và cuối cùng kết luận rằng: nguyên nhân chính là tại “cha mày đức mỏng” đã gây ra cái chết oan nghiệt ấy! Căn vặn từ đối tượng này đến đối tượng khác, từ người đời chốn trần gian đến đối tượng siêu nhiên - trời, rồi lại tưởng tượng ra cái gã tóc đỏ phát ngôn cho bộ máy huyền vi của trời đất để hắn đưa ra lời kết tội hết sức vô lí và độc ác - lấy tội của cha đổ lên đầu con trẻ, bắt sinh linh vô tội phải đến nỗi chết trẻ - nỗi đau của Cao Bá Quát được diễn tả tới cùng cực. Song niềm đau thương không chỉ dừng lại ở đó. Người đọc buốt xé tim gan khi Cao Bá Quát hình dung đứa con tha thứ cho mình:

Cao tử dạ mộng, Hữu hài nhi tuỳ.

Cụ xưng thần ngôn, Khẩu tạ thủ huy.

Bái đảo khung mân, Hoằng ngã tích hi.

(Chàng Cao đêm nằm mơ,

Có đứa con đi theo. Nói đủ lời thần bí, Miệng tạ, tay vẫy.

Cầu lạy cao dày,

Ban cho ta phúc lành.)


Đến tội lỗi ấy mà con cũng rộng lượng được với cha, lại còn mong phúc lành cho cha nữa! Đứa bé thực “người lớn” - sâu sắc và bao dung! Đáng yêu biết chừng nào! Thật là khó có biểu hiện nào xúc động, thấm thía hơn nữa của tình cha con nói riêng, tình cảm gia đình nói chung của Cao Bá Quát!

Được hưởng tình yêu thương chan chứa như thế dễ hiểu vì sao Cao Chu Thần Uý hướng gia nhân ngữ biệt li (Đối với người nhà, không dám nói tới hai chữ biệt li nữa - Để gia). Với Cao Bá Quát, hạnh phúc là được về với gia đình, ngược lại,“Tội tật chính li


hương” (Tội tình khổ đau chính là xa quê nhà - Ức tử). Cao Bá Quát đặc biệt chú ý đến tình người chốn quê nhà. Ông về đến quê hương là được hưởng vòng tay chào đón nồng nhiệt, thắm thiết của người nhà. Có cảm giác, họ không bao giờ thiếu nồng ấm dành cho ông. Cảm động diễn tả chân tình vẻ đẹp đó, Cao Bá Quát rõ ràng đã mang đến cho văn chương trung đại một cảm xúc rất mới mẻ.

3.3.2.2. Tình cảm bạn bè


Cùng với tình cảm gia đình, tình bạn là một chủ đề nổi bật trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát.

Thời trung đại, do có lối thơ thù tạc, xướng hoạ, nên thường có các bài thơ giao lưu từ người này tới người khác. Các tác giả thời trung đại thường có tên những người bạn cụ thể trong thơ mình. Song không ai có tên bạn bè xuất hiện trong thơ nhiều như Cao Bá Quát. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quận đã thống kê và kết luận: “Những người bạn xuất hiện trong thơ Cao Bá Quát nếu kể tên có thể đến hàng trăm nhân vật” [130,93]: Trần Ngộ Hiên, Phương Đình (Nguyễn Văn Siêu), Trần Thận Tư , Lê Bảo Xuyên, Di Xuân, Thúc Minh, Phạm Đôn Nhân, Phan Hành Phủ, Lê Hy Vĩnh, Chuyết Hiên, Đoàn Tính, Phan Sinh, Hoài Phủ, Thương Sơn, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Chính Tự, Hoán Phủ, Ngô Dương Đình, Nguyễn Đài, Nguyễn Mã Trai, Đỗ Lý An, Lưu Nguyệt Trì, Cao Tú tài… Trong đó, “Phương Đình (Nguyễn Văn Siêu) được nhắc đến trong 25 bài và chùm (nếu tính đơn vị thủ là 52 bài), Thận Tư (Trần Văn Vi) 18 bài và chùm (tính thủ: 44 bài), Thương Sơn công (Nguyễn Miên Thẩm) 23 bài… là những ví dụ tiêu biểu nhất” [130,93]. “Cao Bá Quát là tác gia có thơ viết về bạn bè nhiều nhất và có tỉ lệ cao nhất trong toàn bộ sáng tác của ông so với các tác gia tiêu biểu cùng giai đoạn”, Thơ chữ Hán Nguyễn Du, “250 bài thì có 19 bài viết cho bạn (chiếm 7,6%) trong đó, 7 bài ghi tên bạn, còn lại chỉ ghi chung chung là “giản”, “kí hữu”, “tống nhân”, “tặng nhân”, “lưu biệt…”, thơ đáp hoạ chỉ có 3 bài” [130,95], Thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, 104 bài, “có 10 bài thuộc loại trên, chiếm tỉ lệ 9,6%”, Thơ văn Phạm Văn Nghị, “chỉ có 5 bài”, “chiếm tỉ lệ 5,9%”. Còn thơ Cao Bá Quát, “có 633 bài (trên tổng số 1267 bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát đã được xác định), chiếm tỉ lệ 50%! (chính xác là 49,96%). Con số và tỉ lệ này quả là bất ngờ, có ý nghĩa đặc biệt xét trong tiến trình lịch sử thơ ca trung đại” [130,95].

Thành phần bạn bè của Cao Bá Quát rất phong phú. Họ là “bạn ở Thăng Long từ thưở còn đi học, bạn ở cùng vườn, bạn láng giềng (lân hữu), bạn văn chương thù tạc, bạn


ngao du trên bước đường 10 năm phiêu lãng trước khi làm quan, bạn tù (cấm sở… hữu nhân), bạn thơ (thi hữu), bạn đồng niên, bạn vong niên, bạn làm quan ở Bộ, bạn sơ giao Hoa kiều ở Hạ Châu, bạn đồng chí cùng chiến hào chống lại triều đình… Nhiều người đỗ đạt làm quan ở các Bộ, làm quan các tỉnh, huyện khắp nước, từ Tuyên Quang, Lạng Sơn đến An Giang, Trấn Tây” [130,91].

Với thế giới bạn bè đông đảo ấy, thơ Cao Bá Quát có đủ mọi chủ đề: gặp gỡ, vui chơi, xướng hoạ cùng bạn (Dạ bán nạp lương đồng Trần Ngộ Hiên, Lê Trực Hiên; Đặng Ngự sử trạch, phùng Diệp Di Xuân cộng tức; Đối cúc Chuyết Hiên trạch đồng chư hữu phúc…), tiễn bạn (Tống hữu nhân xuất tái, Tống Nguyễn Trúc Khê xuất lị Thường Tín kiêm trí Lê Hy Vĩnh lão khế, Tống Sơn Tây học chính Nguyễn Đài chi lị…), mong bạn đến chơi (Đề Trần Thận Tư học quán, thứ Phương Đình vận (thập nhất thủ)- kì lục), mơ được gặp bạn (Mộng Ngô Dương Đình; Bạc xuân giản Nguyễn Chính Tự, Đề Trần Thận Tư học quán, thứ Phương Đình vận (thập nhất thủ) - kì lục), thương bạn (Đắc Lưu Thị độc vong tín cảm niệm tồn ai hiện hồ từ; Thị vệ Đoàn Tính đắc trích Cam Lộ kí hữu sở tặng), mừng cho bạn đỗ đạt (Hạ Phổ Nghị Lưu Hiệu Phủ tiến sĩ vinh hồi), mừng bạn sinh được con trai (Tặng hữu nhân sinh tử tinh ngữ), mừng bạn được thăng chức (Văn Thận Phu tân trạc học sĩ hỉ nhi hữu tặng), ngợi ca, thán phục bạn (Kí Nguyễn cố hữu hồi tịch; Phục hoạ Phương Đình thứ vận; Vĩnh Tường thành đồng Trần Cung Trọng dạ túc), tâm sự với bạn về cảnh ngộ, nỗi niềm của mình (Cấm sở cửu nguyệt trình chư hữu nhân; Dạ thoại thị Phan Hành Phủ; Dữ Hoàng Liên Phương ngữ cập hải ngoại sự, triếp hữu sở cảm, tẩu bút dữ chi… ), trách bạn nhẹ nhàng (Hí tặng Phan Sinh)…

Ấn tượng về tình bạn của Cao Bá Quát không chỉ là ở sự giao thiệp rất rộng rãi mà còn là chiều sâu trong mối tương giao tri kỉ. Ông quan niệm, gặp được bạn thân như uống rượu thuần giao, như khát mà được uống trà ngon:

Thời thời năng kiến quá, Hà xí thắng thuần giao.

(Đề Trần Thận Tư học quán, thứ Phương Đình vận (thập nhất thủ) - kì lục)

(Mong sao hằng được bạn qua chơi,

Thật không khác gì uống rượu thuần giao vậy.)


Có bạn là có cảm hứng bay bổng và quên cả thời gian trôi: Bồi hồi chung nhật ý/ Thi hứng dục phiêu không (Suốt ngày ý dùng dằng/ Ý thơ muốn vút trong không - Đề Trần Thận Tư học quán, thứ Phương Đình vận, kì thập nhất), Đàm tiếu ưng vong hiểu


lậu can (Nói cười đã quên cả trời sáng - Hàn vận hoạ Thận Tư), Tư quân thúc vong dạ (Nhớ anh quá quên cả đêm đã đến - Bộ nguyệt đồng Phạm Hoà Phủ), Luận tâm khả vong quy (Cùng nhau luận về chữ tâm nên quên về - Đặng Ngự sử trạch, phùng Diệp Di Xuân cộng túc)… Sắc thái cảm xúc và thời gian tâm lí ấy chỉ có thể có được khi sự tâm giao bạn bè đạt đến độ tâm giao đặc biệt, đem đến niềm vui, sự hứng khởi đối với con người.

Trong tình bạn, Cao Bá Quát cũng thường dùng lối diễn đạt thể hiện cảm xúc ở mức cao độ của văn học trung đại để thể hiện tình cảm của mình. Ông đã nhớ bạn là “nhớ ngày mấy lần”, “nhớ hàng trăm lần”: Tương tư nhật kỉ hồi (Nhớ nhau ngày mấy lần - Tống Nguyễn Tuần Phủ hồi kinh, kì nhị), Hốt nhĩ hoài nhân nhật bách tao (Có khi nhớ bạn mỗi ngày hàng trăm lần - Thù hữu nhân uý vấn)… Những con số chỉ số lượng lớn ấy cho thấy nỗi nhớ bạn suất hiện với tần xuất dày đặc, thường trực trong lòng Cao Bá Quát. Lúc nào trong tâm trí ông cũng có hình bóng của bạn. Hình ảnh bạn bè còn đi cả vào giấc chiêm bao của ông: Chỉ kim lai vãng thục/ Do tác mộng trung du (Như nay qua lại quen thuộc như thế/ Vẫn còn cùng nhau du hưởng như trong giấc chiêm bao - Đề Trần Thận Tư học quán, thứ Phương Đình vận (thập nhất thủ)- kì lục), Mộng trung do tiếp khứ niên hồn/ (…)Nhất sàng triển chuyển cánh vô ngôn (Trong giấc mơ còn chuyện trò với hồn hồi năm trước/ (…) Nằm trên giường cứ trằn trọc mãi càng không nói được lời nào - Mộng Ngô Dương Đình),

Cao Bá Quát còn khóc khi gặp gỡ, tâm sự, chia tay với bạn. Nước mắt ông đã rơi là chan chứa: Cánh vi thử biệt lệ triêm cân (Nay lại phải chia tay, khiến cho chiếc khăn đẫm lệ - Đoàn Tính lâm hành bả tửu vi biệt, tẩu bút dữ chi), Tiễn chúc luân tâm lệ tiễn y (Khêu ngọn đèn, nói chuyện tâm sự mà lệ rảy khắp áo - Đồng Bùi Nhị Minh Trọng Trà giang dạ bạc), Tha niên tương kiến khủng triêm cân (Năm ấy gặp nhau e nước mắt sẽ thấm ướt cả khăn - Thừa tuý toại giản Thúc Minh), Hận biệt hoa kinh mộng/ Sầu thần lệ tiễn bôi (Giấc mộng hoa kinh hãi lúc chia tay/ Lệ sầu rơi vào chén - Tống Nguyễn Tuần Phủ hồi kinh, kì nhị), Trướng vọng độc triêm khâm (Trông vời xót xa, riêng ta nước mắt đầm đìa vạt áo - Đắc Lưu Thị độc vong tín cảm niệm tồn ai hiện hồ từ), Tòng thử lệ thanh minh (Từ đây lệ như mưa đổ đầy trời - Tống Nguyễn Tuần Phủ hồi kinh, kì tam)...

Nhưng cũng có nhiều khi Cao Bá Quát chẳng thể khóc khi nói về bè bạn. Ông rơi vào trạng thái “vô ngôn”: Sạ kiến nan vi ngữ (Thình lình gặp nhau không nói lên lời - Đáp Trần Ngộ Hiên), Dao trữ bích vân đầu (Đứng lặng hồi lâu dưới khoảng trời trong xanh - Bảo Xuyên Ông nhục kiến thứ hoạ, tẩu bút thù chi)...


Đối lập với thế tĩnh “chết lặng” bên ngoài ấy là sự tan nát gan ruột, tâm hồn: Dục thuyết bất nhẫn tận/ Sử ngã tồi tâm can (Muốn nói mà không nỡ nói hết/ Làm cho ta ruột gan rối bời - Trấn An lệnh Lê tử chi nhiệm, đặc lai tương phỏng, kỳ hữu sở tặng, thư dĩ dữ chi), Kí đắc tiêu hồn phú biệt nhân (Nhớ đến nẫu ruột làm bài thơ chia tay - Khách trung hữu hoài Nam Ngãi Nguỵ hầu quân thứ Ngộ Hiên vận), Nhất thuỷ tương tư khước đoạn hồn (Dòng sông tương tư lại càng tan nát tâm hồn - Tứ nhật hoạ Đôn Nhân kiến kí thứ vận), Ác thủ tương khan tiếu bất ngôn/ Biệt hoài nan nhẫn cộng tiêu hồn (Bắt tay nhìn nhau cười không nói/ Nỗi lòng từ biệt khó kìm nén, cùng (như kẻ) mất hồn - Lưu biệt Hoàng Liên Phương), Tương tống minh triêu các đoạn hồn (Sáng mai tiễn biệt nhau cả bọn đều tan nát tâm hồn - Tịch thượng nhân đại Phan Hành Phủ)…

Với những cách diễn đạt ấy, tình cảm với bè bạn của Cao Bá Quát được diễn tả nồng nàn, mãnh liệt. Ở đó, không có sự chung chung, mờ nhạt; không có sự tác động của lí trí, chỉ thuần tim gan cháy bỏng, thiết tha.

Tuy nhiên, yếu tố khiến cho tình bạn của Cao Bá Quát có chiều sâu và sự mới mẻ so với các tác giả khác là ở cách diễn đạt cụ thể những dấu mốc thời gian, những hành động và sự chia sẻ. Vì sâu sắc, tình cảm nên tình bạn của Cao Bá Quát thường có dấu mốc thời gian cụ thể: Dĩ tứ niên lai bất tương kiến (Đã bốn năm nay không gặp nhau - Biệt Phạm Đôn Nhân Lang trung), Nhất biệt vi tam hữu/ Trùng lai cận lục tuần (Một lần chia tay, giã từ ba bạn/ Nay lại đến sau sáu tuần - Châu Long tự ức biệt), Phân thủ Hà Thành thập quá xuân (Đã hơn mười năm rồi chúng ta chia tay nhau ở Hà Thành - Thiên Áo thành phùng cố nhân Cổ Vân Khê văn kì cận phả đắc ý ư hoạ dữ ẩm cập chi), Thập tải tương phùng chuyển cánh bi (Xui chi gặp bạn mười năm, phút đã xa nhau thực là đau đớn - Biệt Nguyễn Vĩnh Trai tinh trí Phương Đình), Tứ niên phục kim tịch (Bốn năm lại có đêm nay - Phục hoạ Đôn Nhân thứ vận), Sa đà bán tải dư (Lần lữa quá nửa năm - Tống Nguyễn Tuần Phủ hồi kinh)… Người đọc xúc động khi ông nhắc đến cả những “sự kiện” thời gian gắn liền với sự sống và cái chết: Đoạn sài phi diệp loạn lưu trung (Lá bay, củi gẫy ngổn ngang giữa dòng sông - Đồng Lê Ứng Khanh dạ ẩm), nguyên chú: Cửu dạ phong lạo kiêm phát, dư dữ Lê Ứng Khanh Đỗ Tự Phủ cơ vẫn vu hải ngư chi phúc - (Chín đêm sóng gió, lụt lội cùng nổi lên. Tôi cùng Lê Ứng Khanh, Đỗ Tự Phủ cơ hồ tưởng chết trong bụng cá biển)… Những dấu ấn thời gian ấy cho thấy Cao Bá Quát ghi nhớ sâu sắc những kỉ niệm với bè bạn. Theo thời gian, tất cả đều trở đẹp đẽ, khó mờ phai trong kí ức tác giả.

Xem tất cả 208 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí