2.1. Nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương
Tìm hiểu thơ Hồ Xuân Hương nói chung, một số công trình nghiên cứu đã ít nhiều đề cập tới những biểu hiện mang đặc điểm riêng của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương, có thể xem là đã đề cập tới khía cạnh "giới" có liên quan tới đề tài.
Hướng nghiên cứu này gồm các giáo trình đại học và các chuyên luận về thơ Hồ Xuân Hương. Các giáo trình đại học như giáo trình Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) với phần viết của PGS Nguyễn Lộc; giáo trình Đại học Sư phạm Hà Nội qua các thời kì với các phần viết của PGS Lê Hoài Nam, PGS Hoàng Hữu Yên, PGS.TS Lã Nhâm Thìn. Các chuyên luận về Hồ Xuân Hương như chuyên luận của GS Lê Trí Viễn, PGS.TS Đỗ Lai Thuý, PGS.TS Đào Thái Tôn, Luận án tiến sĩ của Ngô Gia Võ...
Trong Lời giới thiệu in trong tập Thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1982), bài viết này của Nguyễn Lộc đã xem hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương như là hình tượng đại diện cho toàn thể người phụ nữ bị áp bức trong xã hội phong kiến Việt Nam. Vì vậy, đối với ông, những nội dung trữ tình trong thơ Hồ Xuân Hương cũng phản ánh nội dung tình cảm của những người phụ nữ bị áp bức. Tuy nhiên, Nguyễn Lộc không xem vấn đề nghĩa ngầm, dâm và tục là phương tiện chính đả kích sự dâm đãng. Mặt khác, ông luôn đặt hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương trong tiến trình lịch sử văn học, bên cạnh trào lưu nhân văn chủ nghĩa trong văn học thế kỉ XVIII –XIX. Điều này soi sáng được mối liên hệ giữa thơ Hồ Xuân Hương và các sáng tác khác, góp phần cho thấy hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương không phải là hiện tượng lạ lẫm, bất thường.
Những công trình nghiên cứu thơ Nôm Hồ Xuân Hương theo hướng tiếp cận văn hoá cũng có đề cập đến vấn đề giới tính như công trình Hồ Xuân Hương
– Hoài niệm phồn thực của Đỗ Lai Thuý. Ông vận dụng hai khái niệm chủ chốt của nhân học văn hoá là “biểu tượng phồn thực” – âm vật và dương vật, “vô thức
tập thể” để soi chiếu và giải mã hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương. Theo ông “tín ngưỡng phồn thực” là cơ sở chính tạo nên hiện tượng thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Ở công trình này, Đỗ Lai Thuý cũng đã lý giải hiện tượng tục dâm trong thơ Hồ Xuân Hương bắt nguồn từ điểm nhìn văn hoá. Ý kiến này giải thích phần nào sức hấp dẫn của thơ Hồ Xuân Hương trong đời sống dân gian.
Cùng quan niệm trên phải kể đến Lê Hoài Nam viết về phần Hồ Xuân Hương trong cuốn Lịch sử văn học Việt Nam, tập 3, thời kì I (Gs Lê Trí Viễn chủ biên). Về vấn đề tục dâm ông cho rằng muốn nhận định một tác phẩm nghệ thuật dâm hay không dâm, trước hết phải căn cứ vào thái độ, mục đích của tác giả khi sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật, phải tìm bắt cho được cái nỗi niềm kín, cái rung động sâu xa mà người nghệ sĩ muốn thổ lộ với người đời. Ông cho rằng những đòi hỏi hạnh phúc ái ân trong thơ Hồ Xuân Hương là chính đáng khi đặt nó trong hoàn cảnh xã hội nhất định, trong những điều kiện nhất định của một cá nhân . Điều đáng chú ý là trong công trình này, ông là một trong những người đầu tiên nhấn mạnh rằng thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một khía cạnh đầy cá tính, đó là ý thức về giá trị của mình.
Có thể bạn quan tâm!
- Thiên tính nữ trong thơ Nôm truyền bản của Hồ Xuân Hương - 1
- Thiên Tính Nữ Qua Đối Tượng Người Phụ Nữ Trong Thơ Hồ Xuân Hương
- Thiên Tính Nữ Qua Vẻ Đẹp Và Khát Vọng Người Phụ Nữ
- Thiên tính nữ trong thơ Nôm truyền bản của Hồ Xuân Hương - 5
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Giáo sư Lê Trí Viễn trong bài Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương có một số nhận xét về thơ Nôm Hồ Xuân Hương khi viết về người phụ nữ: “Nó chính là sự sống gốc nguồn và cuộc sống trần tục. Nhìn thân thể người phụ nữ mà thành “Đèo Ba Dội”, nhìn cái riêng của phụ nữ thành “cái quạt”, “cái giếng”, “hang Cắc Cớ” thì đó là “vật chất xác thịt được khuyếch đại đến mức khổng lồ” tựa thần thoại về nòi giống như Ông Đùng Bà Đà, Tứ Tượng, Nữ Oa mà thôi, bởi đó là hình ảnh của tập thể nhân dân luôn luôn phát triển và luôn luôn đổi mới”. [39, tr.31]
Trong cuốn Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, PGS – TS Lã Nhâm Thìn, có viết những lời nhận xét thật chân xác về cuộc đời và thơ bà từ góc độ thiên tính nữ: “Cuộc đời Hồ Xuân Hương chưa đến mức là một “tấm gương oan khổ” cho bi kịch của người phụ nữ trong xã hội
xưa. Nhưng cuộc đời nữ sĩ đã điển hình cho những đau khổ riêng của người phụ nữ: tình duyên trắc trở, thân phận lẽ mọn,…Chính vì vậy Hồ Xuân Hương viết về mình mà tiếng nói của bà lại trở thành phát ngôn chung cho giới phụ nữ và ngược lại, khi Hồ Xuân Hương nói về nỗi khổ đau chung của giới mình thì người đọc nhận ra ngay những dấu án riêng của chính cuộc đời nhà thơ”. [30, tr.87]
Ngô Gia Võ trong bài " Nghệ thuật với ý nghĩa khẳng định khát vọng nhân văn trong thơ nôm Hồ Xuân Hương" in trong cuốn Hồ Xuân Hương tác gia và tác phẩm đã khẳng định: "...Thơ Hồ Xuân Hương là khúc hát bay bổng và rạo rực ngợi ca, khẳng định hạnh phúc trần tục của con người. Thơ bà xoay đi, xoay lại cuối cùng chủ yếu để nhằm xoáy vào việc khẳng định khát vọng tự nhiên, ngợi ca hạnh phúc trần tục, đòi giải phóng bản năng con người khỏi mọi trói buộc khổ hạnh của cường quyền và thần quyền...". [42]
2.2. Nghiên cứu chủ đề người phụ nữ
Nghiên cứu chủ đề người phụ nữ trong văn học, các tác giả ít nhiều có đề cập tới những vấn đề người phụ nữ có liên quan tới đề tài như nghiên cứu về chủ đề người phụ nữ trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ với các bài viết của PGS Bùi Duy Tân, PGS.TS Lã Nhâm Thìn, PGS.TS Vũ Thanh...; chủ đề người phụ nữ trong các khúc ngâm như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, với các bài viết của GS Đặng Thai Mai, PGS Nguyễn Lộc, GS Đặng Thanh Lê...; chủ đề người phụ nữ trong các truyện thơ Nôm với các bài viết của GS.TS Kiều Thu Hoạch, GS Đặng Thanh Lê, PGS.TS Đinh Thị Khang... Đặc biệt là chủ đề người phụ nữ qua Truyện Kiều với nhiều công trình nghiên cứu của nhiều nhà khoa học.
GS Lê Trí Viễn trong cuốn Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương,đã ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ: "Đức hạnh với lòng kiên trinh, sức chịu đựng và nghị lực của người phụ nữ trong cuộc sống, từ lâu đã thành truyền thống. Cuộc đời đầy ắp những bất công, giăng giăng những trói buộc. Tất cả điều đó chỉ để nhằm tô điểm thêm cho đức hạnh của người phụ nữ được rèn luyện trong lao động và đau thương". [39, tr.22]
Trong Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam tập I (PSG.TS. Lã Nhâm Thìn chủ biên) PGS.TS. Vũ Thanh có viết “Nhà văn đề cao những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, thậm chí là những người phụ nữ có thân phận hèn kém trong xã hội Túy Tiêu, một con hát, thực chất là nô lệ trong dinh thự một vị quan nhà Trần trong Chuyện nàng Túy Tiêu, hay “ả kĩ nữ” tên Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị…Họ là những người mang trong mình những phẩm chất mẫu mực của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, như nàng Vũ Thị Thiết “thùy mị, nết na”, chung thủy chờ chồng, hiếu nghĩa nhất mực với mẹ chồng (Chuyện người con gái Lam Xương), hoặc như nàng Nhị Khanh tiết nghĩa, khuyên chồng chịu theo cha đến nhậm chức ở nơi “tử địa…lam chướng nghìn trùng”, rồi ở nhà một mực thủ tiết chờ chồng, “quyết không mặc áo siêm của chồng để đi làm đẹp với người khác” khi bị ép gả cho kẻ giầu có…nhưng những con người với những đức tính cao đẹp đáng được ca ngợi và trân trọng đó dường như không phải sinh ra để hưởng hạnh phúc mà để chịu đau khổ. Tất cả họ đều rơi vào bi kịch không lối thoát và đều phải tìm đên cái chết đôi khi đầy oan khốc dành cho những người như Vũ Thị Thiết, Nhị Khanh…”. [31, tr.214 - 215]. Nhận định trên đã ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ trong Truyền kì mạn lục cũng như của người phụ nữ nói chung. Thế nhưng sống trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ họ “dường như không phải sinh ra để hưởng hạnh phúc mà để chịu đau khổ”.
Viết về Truyện Kiều của Nguyễn Du trong bài Quan niệm của Nguyễn Du về cuộc đời và thân phận con người, TS. Lê Thị Lan (Viện Triết học, Viện KHXHVN) có viết: “Trong Truyện Kiều, ông đã gửi gắm tất cả niềm yêu thương, xót xa và kỳ vọng vào người phụ nữ khi xây dựng hình tượng nàng Kiều, một phụ nữ đa tài, đa sắc, lại thánh thiện và nhân ái. Trọn vẹn những lý tưởng thẩm mỹ, đạo đức và con người lý tưởng của Nguyễn Du được ông gửi gắm vào nàng Kiều. Đó là hình tượng người phụ nữ đẹp nhất mà văn học Việt Nam thời phong kiến đã đạt được. Nhân vật “nàng Kiều” là sự hình tượng hoá các phẩm chất cao quý của người phụ nữ: tài năng, giàu đức hy sinh, biết dũng
cảm đương đầu với số phận, thách thức số phận, chiến thắng số phận bằng chính sự tôi luyện theo lẽ thiện, vì thế cải biến được số phận” .[42]
Như vậy, với những nghiên cứu về chủ đề người phụ nữ trong văn học trung đại, các nhà nghiên cứu đã khẳng định và ca ngợi vẻ đẹp hình thức, vẻ đẹp tâm hồn, nghị lực phi thường của họ. Đồng thời các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra được những bi kịch của người phụ nữ trong xã hội cũ.
2.3. Nghiên cứu giới trong văn học
Đây là hướng nghiên cứu mới nên các bài viết theo hướng này ở mảng văn học trung đại Việt Nam chưa nhiều. Phần lớn các bài viết nghiên cứu giới trong văn học là ở mảng văn học hiện đại. Tuy nhiên có một số bài viết về Hồ Xuân Hương ít nhiều có liên quan tới vấn đề giới như các bài viết của của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu), Văn Tân, Trần Thanh Mại...
Trước hết phải kể đến Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, đầu những năm hai mươi của thế kỉ XX, đã viết về thơ Hồ Xuân Hương: “Thơ Hồ Xuân Hương thật tinh quái, những câu thơ hay đọc lên đến ghê người. Người ta thường có câu: “Thi trung hữu hoạ”. Nghĩa là trong thơ có vẽ. Nhưng thơ Hồ Xuân Hương thì lại là: “Thi trung hữu quỷ”. Nghĩa là trong thơ có ma! Song mà nhận ra thời tục”. [24]. Như thế, Tản Đà đã khẳng định có yếu tố “tục” trong thơ Xuân Hương.
Đến năm 1961, Trần Thanh Mại trong bài: “Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương” đã khiến cho văn đàn bàn về thơ Hồ Xuân Hương lại có dịp trở nên sôi động. Từ đó thêm nhiều ý kiến về góc nhìn này trong nội dung thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
Đến Trương Tửu, dường như người ta thấy trong thơ Hồ Xuân Hương chỉ có thuần tục và dâm. Trương Tửu còn gọi Xuân Hương là “thiên tài hiếu dâm”. Trương Tửu cho rằng trong thơ Hồ Xuân Hương có những “khát vọng tiềm thức” và những “ám ảnh”, bệnh thần kinh vì dục tình không được thoả mãn. [36]
Sau đó, Nguyễn Văn Hanh đã phát triển quan điểm của Trương Tửu dựa trên quan điểm của học thuyết phân tâm học. Trong công trình Hồ Xuân Hương, tác phẩm, thân thế và văn tài, Nguyễn Văn Hanh viết: “Dục tình ngày càng tăng, càng nén lại càng bồng bột. Ngày qua tháng qua, sức ép tình dục càng tăng vì sự cần kia càng khẩn cấp. Kết quả: Hồ Xuân Hương khủng hoảng tình dục. Khủng hoảng nặng sẽ kết bệnh thần kinh”. [36]. Nguyễn Văn Hanh đã thông qua thơ ca để tái hiện lại cuộc đời, con người Hồ Xuân Hương, từ đó ông rút ra kết luận là Hồ Xuân Hương bị khủng hoảng tình dục. Nhà nghiên cứu này đã đi sâu, lí giải cội nguồn hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương từ bên trong, qua sự uẩn ức tâm lý.
Tiếp cận thơ Nôm Hồ Xuân Hương theo hướng này còn có Văn Tân, trong bài Ý nghĩa và giá trị thơ Hồ Xuân Hương (trích quyển: Hồ Xuân Hương với các giới phụ nữ, văn học và giáo dục đặt vấn đề tục dâm, nhưng khi phân tích, ông lại bị lôi cuốn theo bởi ám ảnh của vấn đề thiếu thốn cái sinh lí: “Ở Xuân Hương, dâm và tục gặp một khu đất màu mỡ thuận tiện cho sự phát triển: sự khủng hoảng tính dục luôn luôn sôi sục và trầm trọng của con người rất mực đa tình là Xuân Hương. Dâm và tục đã ăn sâu vào ý thức tư tưởng Xuân Hương, chi phối hầu hết thi phẩm của Xuân Hương”.
Như vậy có thể thấy, mặc dù không trực tiếp đề cập tới vấn đề giới nhưng khi các nhà nghiên cứu bàn về vấn đề tính dục, vấn đề dâm và tục trong thơ của nữ sĩ họ Hồ thì cũng đã ít nhiều có sự nhìn nhận từ góc độ giới.
Kế thừa những thành tựu của các nhà nghiên cứu trước, luận văn của chúng tôi trực tiếp nghiên cứu thơ Nôm truyền bản của Hồ Xuân Hương từ góc độ thiên tính nữ.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng
Những bài thơ Nôm truyền bản của Hồ Xuân Hương. Những bài thơ nữ sĩ được lấy từ cuốn Thơ Nôm Hồ Xuân Hương của GS.TS Kiều Thu Hoạch, NXB Văn học, Hà Nội, 2008. Ngoài ra chúng tôi có tham khảo một số văn bản khác về thơ Hồ Xuân Hương.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài tập trung vào một số phạm vi nghiên cứu chủ yếu sau:
a. Thiên tính nữ qua chủ đề người phụ nữ
b. Thiên tính nữ qua thơ thiên nhiên
c. Thiên tính nữ qua nghệ thuật thơ
d. Ngoài ra luận văn còn mở rộng, so sánh thiên tính nữ trong thơ Hồ Xuân Hương với một số sáng tác của tác giả cùng thời như: Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm…
Trong những phạm vi nghiên cứu nói trên thì ba phạm vi nghiên cứu đầu là trọng tâm.
4. Phương pháp nghiên cứu
Những phương pháp chủ yếu được sử dụng khi làm luận văn:
4.1.Phương pháp thống kê, phân loại:
Thống kê, phân loại những bài thơ Nôm của Hồ Xuân hương theo tiêu chí và nội dung nghiên cứu của đề tài. Phương pháp này giúp cho quá trình nghiên cứu có cơ sở dữ liệu về văn bản, tránh những khái quát mang tính võ đoán, tư biện.
4.2.Phương pháp phân tích - tổng hợp:
Phương pháp này giúp chúng tôi tiếp cận và khảo sát trực tiếp văn bản, phân tích trực tiếp những bài thơ của Hồ Xuân Hương, từ đó khái quát, tổng hợp những kết luận mang ý nghĩa khoa học.
4.3. Phương pháp cấu trúc - hệ thống:
Xem xét các yếu tố tạo nên cấu trúc tác phẩm, tìm ra nguyên tắc chi phối sự hình thành của chúng. Đặt các tác phẩm trong toàn bộ hệ thống thơ Hồ Xuân Hương để tìm hiểu vấn đề
4.4. Phương pháp liên ngành:
Vấn đề thiên tính nữ có liên quan tới vấn đề giới, vì vậy đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành văn học - xã hội học, văn học – tâm lí học…
Ngoài ra trong quá trình làm luận văn, người viết còn sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu khác như phương pháp so sánh, phương pháp lịch sử...
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn gồm ba chương: Chương 1: Thiên tính nữ qua chủ đề người phụ nữ
Chương 2: Thiên tính nữ qua thơ thiên nhiên Chương 3: Thiên tính nữ qua nghệ thuật thơ
6. Đóng góp của luận văn
Kế thừa những thành tựu của các nhà nghiên cứu trứơc, luận văn của chúng tôi nghiên cứu thơ Nôm Hồ Xuân Hương từ góc độ thiên tính nữ. Qua luận văn này đóng góp cho việc giảng dạy thơ Nôm Hồ Xuân Hương trong nhà trường từ THCS đến THPT. Đồng thời luận văn còn mang ý nghĩa về vấn đề bình đẳng giới trong xã hộ hiện nay.