Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới - 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

-----------------------------------------------------


NGUYỄN KIM HOÀN


THẾ GIỚI NHÂN VẬT

TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI


LUẬN VĂN THẠC SĨ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Chuyên ngành: Văn học Việt Nam


Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới - 1

Hà Nội-2010


MỤC LỤC Trang


PHẦN MỞ ĐẦU 3

1. Lí do chọn đề tài 3

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 3

3. Phạm vi nghiên cứu 10

4. Phương pháp nghiên cứu 10

5. Bố cục luận văn 11

PHẦN NỘI DUNG 12

Chương 1: NHỮNG TIỀN ĐỀ DẪN ĐẾN SỰ ĐỔI MỚI 12

CỦA TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

1.1 Từ bối cảnh đổi mới của xã hội… 12

1.2… Đến những chuyển đổi toàn diện của văn học 15

1.2.1 Quan niệm về nhà văn 15

1.2.2 Quan niệm về sứ mệnh, bản chất, chức năng của văn chương 16

1.2.3 Quan niệm về hiện thực 18

1.2.4 Quan niệm về con người 23

1.3... Và sự đổi mới của tiểu thuyết32

Chương 2: ĐẶC TRƯNG CỦA THẾ GIỚI NHÂN VẬT 38

TRONG TIỂU THUYẾT THỜI KÌ ĐỔI MỚI

2.1 Từ con người lịch sử, cộng đồng chuyển sang con người cá nhân 38

2.2 Từ nhân vật đơn tính cách đến nhân vật đa tính cách 42

2.3 Từ nhân vật đơn bình diện đến nhân vật đa bình diện. 48

Chương 3: CÁC KIỂU LOẠI NHÂN VẬT CỦA TIỂU THUYẾT VIỆT 52

NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI

3.1 Nhân vật bi kịch 52

3.1.1 Bi kịch lịch sử 53

3.1.2 Bi kịch đời tư, thế sự 56

3.2 Nhân vật tha hóa 59

3.2.1 Nhân vật tha hóa bởi môi trường, hoàn cảnh 60

3.2.2 Nhân vật tha hóa bởi chính bản thân 62

3.3 Nhân vật sám hối, tự thú 71

3.4 Nhân vật cô đơn 74

3.5 Nhân vật dị biệt 80

3.5.1 Nhân vật dị dạng, bất bình thường về tâm lí 81

3.5.2 Nhân vật kì ảo 82

PHẦN KẾT LUẬN 88

TÀI LIỆU THAM KHẢO 91


PHẦN MỞ ĐẦU


1. Lí do chọn đề tài

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra kỉ nguyên mới: tự do, độc lập và phát triển cho dân tộc ta. Đây cũng là thời điểm tạo nên sự chuyển biến quan trọng trong văn học. Từ sau năm 1975, văn học đã có những thay đổi mang ý nghĩa chuẩn bị để đi tới công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc và đồng bộ với sự đổi mới của đất nước. Khi công cuộc đổi mới được nhen nhóm, người ta thấy một không khí sôi nổi bàn luận ở tất cả các lĩnh vực của đời sống: từ kinh tế đến văn hóa, văn nghệ, giáo dục... Với văn nghệ, diện mạo của hầu hết các lĩnh vực từ lí luận phê bình đến văn xuôi, thơ, kịch đã được thay đổi một cách tự giác. Trong đó, tiểu thuyết với những ưu thế riêng đã trở thành một thể loại năng động, tiên phong trong việc khám phá thế giới hiện thực và con người, là địa hạt của những thể nghiệm. Khảo sát tiểu thuyết thời kì đổi mới, chúng tôi nhận thấy có một sự thay đổi rất cơ bản trong quan niệm nghệ thuật về con người, quan niệm về hiện thực... Chính nhờ sự thay đổi này, tiểu thuyết đương đại đã xây dựng được một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng và mới mẻ. Mỗi tiểu thuyết trở thành một khám phá cho những số phận, những bí ẩn trong chiều sâu tính cách và thế giới tâm hồn con người. Vì thế, chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới - vấn đề trung tâm của thể loại tiểu thuyết nói riêng, của văn học đổi mới nói chung.

Từ việc nghiên cứu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới chúng tôi hi vọng có thể nhận diện được sự đổi mới trong thế giới nhân vật của tiểu thuyết đương đại nói riêng và văn học đổi mới nói chung. Đồng thời qua đó thấy được những chuyển đổi cơ bản của văn xuôi đương đại Việt Nam và góp phần vào việc tổng kết thành tựu văn học đổi mới nói chung, thể loại tiểu thuyết nói riêng.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Nhìn lại lịch sử nghiên cứu vấn đề, chúng tôi nhận thấy số lượng công trình


nghiên cứu về văn học đổi mới nói chung, tiểu thuyết thời kì đổi mới nói riêng là rất lớn. Mỗi công trình ít nhiều đề cập đến vấn đề nhân vật. Chúng tôi tạm chia các công trình đó thành một số tiểu mục như sau:

2.1 Các công trình, bàn về văn học đổi mới, có đề cập đến thể loại tiểu thuyết và vấn đề nhân vật.

1. Nguyễn Văn Long-Lã Nhâm Thìn (Đồng chủ biên) (2006): Văn học Việt Nam sau 1975 những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo dục.

Cuốn sách là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả trong Hội thảo Văn học sau 1975 – những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, do khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2005. Công trình được chia làm ba phần, trong đó chúng tôi chú ý đến một số bài viết ở phần thứ hai của công trình liên quan đến văn xuôi nói chung, tiểu thuyết và nhân vật nói riêng.

Đúng như tên gọi, đây là phần tập trung số lượng bài lớn nhất. Nội dung xoay quanh vấn đề thể loại. Chẳng hạn như Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975- nhìn từ góc độ thể loại của Bùi Việt Thắng; Ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 của PGS.TS. Nguyễn Bích Thu, Về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thập kỉ 80 đến nay của PGS.TS. Nguyễn Thị Bình…

- Trong bài viết về những thử nghiệm của tiểu thuyết từ cuối thập kỉ 80 đã đề cập đến khía cạnh “tính trò chơi” của tiểu thuyết, PSG.TS. Nguyễn Thị Bình đã đề cập đến sự xuất hiện của nhân vật dị biệt hoặc kì ảo. Đó là một số nhân vật trong Thiên sứ (Phạm Thị Hoài) như: Quang lùn, bé Hon; nhân vật Mai Trừng (Cõi người rung chuông tận thế, Hồ Anh Thái); Từ Lộ, Dã nhân, chàng cá bơn (Giàn thiêu, Võ Thị Hảo), Tính (Thoạt kì thủy, Nguyễn Bình Phương)… Những nhân vật này chối từ quan niệm điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực truyền thống.

Ở đây, tác giả mới đặt vấn đề về một hướng thể nghiệm của tiểu thuyết, chưa đi sâu, làm rõ vấn đề nguồn gốc, biểu hiện của loại nhân vật này.

- PGS.TS Nguyễn Bích Thu khi nhận định về ý thức cách tân trong tiểu thuyết việt nam sau 1975 đã đề cập đến vấn đề nhân vật với những bi kịch của nó. “Nhiều cuốn tiểu thuyết đã hướng tới miêu tả số phận những con người bình thường với


những bi kịch của đời họ. Bi kịch giữa khát vọng và thực trạng, giữa cái muốn vươn lên và cái kìm hãm, giữa cái nhân bản và phi nhân bản” [47, tr. 230]. Ý kiến trên đã cung cấp cho chúng tôi một số phương diện biểu hiện của bi kịch cá nhân.

- ThS. Phạm Xuân Thạch bằng một cái nhìn sắc sảo đã đưa ra một cái nhìn mới mẻ về mối quan hệ con người và lịch sử, về sự phản chiếu lịch sử trong cái nhìn và suy nghiệm của cá nhân trong bài viết “Nỗi buồn chiến tranh” viết về chiến tranh thời hậu chiến - từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp. Trong đó, bằng việc phân tích thế giới nhân vật trong tác phẩm, người viết đã chỉ ra một điểm rất đáng chú ý ở nhân vật Cha và dượng của Kiên: những con người “yếu đuối và lạc loài”, “không thể hòa nhập vào đời sống và thời đại hiện tại”, “họ như cái bóng hắt hiu của quá khứ giữa thời hiện đại” [47, tr. 245]. Đó là những phân tích sắc sảo mà chúng tôi có thể tham khảo khi viết về kiểu nhân vật cô đơn. Những người như cha và dượng của Kiên thực sự là những con người cô đơn trước thời cuộc.

- ThS. Thu Nguyên tìm hiểu Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Thiên sứ (Phạm Thị Hoài) cho rằng trong tiểu thuyết này có sự tồn tại của kiểu nhân vật trí thức, nhân vật huyền thoại (mang dáng dấp nhân vật chức năng trong văn học huyền thoại dân gian). Đó là Bé Hon- Thiên sứ pha lê, Quang lùn- bóng dáng của quỷ lùn trên sân khấu kịch phương Tây. Nghiên cứu này mới chỉ dừng lại việc xác định kiểu nhân vật trong một tác phẩm cụ thể

Bằng những nghiên cứu của mình, các nhà phê bình, nhà nghiên cứu đã có những đóng góp rất quan trọng về các vấn đề lí thuyết cũng như vấn đề thực tiễn cụ thể trong từng tác phẩm.

2. Nguyễn Thị Bình (1996): Những đổi mới văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975. Luận án Phó Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Công trình này là luận văn phó Tiến sĩ Ngữ văn của PGS. TS Nguyễn Thị Bình được hoàn thành năm 1996, tập trung vào các nội dung: Đổi mới quan niệm về nhà văn; Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người và một số phương diện đổi mới thể loại. Trong đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai đặc điểm:


- Từ quan niệm về con người sử thi đến quan niệm về con người kiểu thế sự, đời tư, con người cá nhân đầy phức tạp và bí ẩn.

- Mở rộng những bình diện khám phá con người: Con người lịch sử; Con người duy ý chí và có đầu óc hiện thực; Con người nhân loại; Con người tự nhiên và Con người tâm linh.

Đó là những phát hiện rất hữu ích đối với chúng tôi khi thực hiện đề tài này.

Tuy nhiên, là một công trình mang tính chất tổng quan nên tác giả chưa đi sâu vào nghiên cứu, nhận diện, phân loại những kiểu dạng nhân vật khi đề cập đến những đổi mới ở phương diện thể loại.

3. Bùi Việt Thắng (2005): Tiểu thuyết đương đại, Nxb Quân đội Nhân dân.

Công trình là tập hợp các bài viết riêng lẻ của tác giả đã từng được đăng tải trên nhiều phương tiện ở các thời điểm khác nhau. Nội dung của tập tiểu luận gồm hai phần:

- Phần một: Theo dòng chung.

Tác giả đề cập đến các vấn đề của tiểu thuyết: Hiện trạng tiểu thuyết; văn học về chiến tranh và cách nhìn của nhà văn; “Cái bi kịch” trong tiểu thuyết Xô Viết và Việt Nam về chiến tranh sau chiến tranh; Khuynh hướng giản lược nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại; Tiểu thuyết và cuộc tìm kiếm nhân vật...

Trong phần này, ở bài viết Hiện trạng tiểu thuyết: Tác giả đã xác định có một sự thật: con người tha hóa. Sự tha hóa diễn ra dưới nhiều dạng thức rất khác nhau. Tuy nhiên, tác giả mới đề cập vấn đề con người tha hóa mà khẳng định đó là kiểu nhân vật- nhân vật tha hóa, nhưng chưa đi vào phân tích, lí giải hiện tượng đó. Ở một bài viết khác: Phía trước của tiểu thuyết (In trên tạp chí Nhà văn số 4 - 2000), quan sát sự phát triển của tiểu thuyết từ năm 1980 đến nay, về cơ bản thấy xuất hiện các kiểu nhân vật:

+) Nhân vật bi kịch: trong điều kiện mới, cái bi kịch được vận dụng như một hình thức hữu hiệu để tái hiện đời sống trong toàn bộ tính chất bi tráng của nó. Người thành công trong xây dựng kiểu nhân vật bi kịch mới của văn học là nhà văn Lê Lựu (Ăn mày dĩ vãng), Dương Hướng (Bến không chồng), Bảo Ninh (Nỗi buồn


chiến tranh), Nguyễn Trí Huân (Chim én bay)....

+) Nhân vật anh hùng: là kiểu nhân vật xuất hiện trong tác phẩm về hai cuộc chiến tranh của dân tộc qua tiểu thuyết của Nam Hà, Phan Tứ, Hữu Mai, Hồ Phương

... Kiểu nhân vật này tiếp tục nhân vật anh hùng trong truyền thống nhưng có điểm khác biệt trong lí tưởng và tính chất phức tạp.

+) Nhân vật kì dị (hay còn gọi là dị biệt): Nhân vật Quỳ (Người đàn bà mộng du, Nguyễn Minh Châu), lão Khúng (Khách ở quê ra, Nguyễn Minh Châu), các nhân vật trong Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp)... là nhân vật dị biệt.

+) Nhân vật lập thân (lập nghiệp): là kiểu nhân vật khá mới mẻ, liên quan đến quan niệm giàu có và cách làm giàu.

Trên đây là sự phân loại và nhận dạng của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng về nhân vật trong tiểu thuyết sau 1980. Tuy nhiên, do khuôn khổ của bài viết, tác giả chưa đi sâu lí giải sự xuất hiện của từng kiểu nhân vật một cách thấu đáo. Đặc biệt, ở kiểu nhân vật kì dị và nhân vật lập nghiệp chưa thật rõ ràng về mặt khái niệm cũng như những đặc điểm có thể nhận diện kiểu nhân vật này một cách cụ thể. Thêm vào đó, các kiểu nhân vật được đưa chưa tương đương về mặt quy mô cũng như chưa có sự logic trong cách phân loại.

- Phần hai: Tác giả - tác phẩm.

Tác giả dành trên một trăm trang viết để phê bình một số tiểu thuyết: Sao đổi ngôi (Chu Văn), Phía sau vòm trời (Hồ Anh Thái), Người của biển (Đình Kính), Thời xa vắng (Lê Lựu), Tiễn biệt những ngày buồn (Trung Trung Đỉnh), Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà)... Khi viết về những tiểu thuyết này, tác giả thiên về xu hướng phân tích một số nét nội dung và nghệ thuật. Tuy nhiên, khi nói về nhân vật, người viết chưa đưa ra một kiến giải thấu đáo về nhân vật cũng như không gọi tên nhân vật thuộc kiểu nào.

4. Nguyễn Văn Tùng (Tuyển chọn và biên soạn) (2008): Tuyển tập các bài viết về tiểu thuyết ở Việt Nam thế kỉ XX, NXB Giáo dục.

Đúng như tên gọi của công trình, tác giả Nguyễn Văn Tùng công phu sưu tầm những bài viết bàn về tiểu thuyết ở nhiều phương diện theo tiến trình thời gian từ

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 19/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí