5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: phân tích tác phẩm để tìm hiểu kỹ những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của Nguyên Hồng giai đoạn trước Cách mạng. Đó là cơ sở để có những nhận xét, đánh giá tổng hợp nhất về Thế giới nghệ thuậtcủa nhà văn.
- Phương pháp thống kê, phân loại: Phương pháp này được áp dụng trong quá trình khảo sát các tác phẩm cụ thể của nhà văn, thống kê và phân loại từng kiểu nhân vật, ngôn ngữ, không gian và thời gian nghệ thuật trong Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu: để có sự đối sánh và có cái nhìn sâu hơn về đối tượng nghiên cứu, chúng tôi nghiên cứu và so sánh sáng tác của Nguyên Hồng trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945; so sánh với một số tác phẩm, một số nhân vật trong tác phẩm của các tác giả cùng thời, cùng hoặc khác khuynh hướng sáng tác của Nguyên Hồng, nhằm chỉ ra những nét riêng, nét độc đáo trong Thế giới nghệ thuật của nhà văn.
- Vận dụng lý thuyết thi pháp học (về thời gian, không gian nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật...) để phục vụ trong quá trình nghiên cứu.
6. Dự kiến đóng góp mới của đề tài
6.1. Đây là công trình chuyên biệt đầu tiên nghiên cứu một cách khá toàn diện và hệ thống về Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Nguyên Hồng thời kỳ trước 1945. Luận án đi sâu vào khảo sát, nghiên cứu các sáng tác của Nguyên Hồng nhằm chỉ ra những đặc điểm nổi bật trong Thế giới nghệ thuật của nhà văn, nhất là trong việc dựng lên một thế giới nhân vật phong phú, phức tạp, độc đáo và sinh động của những con người lao động sống dưới đáy xã hội thực dân phong kiến; Chỉ ra những đặc điểm về không gian và thời gian nghệ thuật, cũng như những nét đặc sắc riêng về ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng tác của nhà văn. Qua đó khẳng định: Trong quá trình sáng tác của mình, Nguyên Hồng đã xây dựng được một Thế giới nghệ thuật riêng, độc đáo không lẫn với
Có thể bạn quan tâm!
- Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng thời kỳ trước năm 1945 - 1
- Tình Hình Nghiên Cứu Về Thế Giới Nghệ Thuật Trong Sáng Tác Của Nguyên Hồng
- Về Ngôn Ngữ, Giọng Điệu Nghệ Thuật
- Giới Thuyết Chung Về Thế Giới Nghệ Thuật
Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.
bất cứ nhà văn nào. Và qua Thế giới nghệ thuật này, nhà văn đã thể hiện được một cách sâu sắc và cảm động chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo cao cả của mình.
6.2. Kết quả nghiên cứu trên là cơ sở để khẳng định những đóng góp quan trọng của Nguyên Hồng vào quá trình phát triển trào lưu văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945 nói riêng và đối với nền văn xuôi Việt Nam hiện đại nói chung.
6.3. Nếu luận án này thành công, hy vọng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho học sinh, sinh viên và những người quan tâm đến tác giả Nguyên Hồng nói riêng và văn xuôi Việt Nam thời kỳ hiện đại giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám nói chung.
7. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Tài liệu tham khảo, kết cấu của luận án bao gồm bốn chương. Cụ thể như sau:
Chương 1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu.
Chương 2. Khái niệm Thế giới nghệ thuật và những cơ sở hình thành nên Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng.
Chương 3. Thế giới nhân vật.
Chương 4. Thời gian, không gian và ngôn ngữ nghệ thuật.
Chương 1
TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Tình hình nghiên cứu chung về Nguyên Hồng
Gần 3/4 thế kỷ trôi qua - kể từ khi cuốn tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng ra đời và được nhận Giải thưởng của Tự lực văn đoàn (1937) - đã có rất nhiều bài viết, những công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp, những đóng góp của nhà văn. Cho đến nay, việc nghiên cứu về Nguyên Hồng cũng vẫn đang được tiếp tục và đã đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng. Điều đó chứng tỏ sức sống của tác phẩm Nguyên Hồng rất bền vững trong lòng người đọc nhiều thế hệ, và theo thời gian những giá trị đặc biệt của nó ngày càng được phát hiện, được khẳng định một cách trân trọng.
Theo khảo sát của chúng tôi, đến nay đã có khoảng hơn 50 công trình nghiên cứu chung về Nguyên Hồng, trong đó có khoảng 20 bài nghiên cứu có đề cập đến phương diện Thế giới nghệ thuật. Bên cạnh đó có hàng chục luận án, luận văn khoa học nghiên cứu về sáng tác của ông. Đặc biệt khi ông qua đời, đã có hơn 20 bài viết về những Hồi ức và kỷ niệm về nhà văn, thể hiện tình cảm trân trọng tài năng và nhân cách của Nguyên Hồng trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc.
Ngay từ trước năm 1945, có một số nhà nghiên cứu đã phát hiện tài năng văn học của nhà văn, đã đánh giá được những mặt mạnh, mặt hạn chế của ngòi bút Nguyên Hồng. Theo khảo sát của chúng tôi, đã có một số bài viết nhận xét, đánh giá về văn chương của Nguyên Hồng của các tác giả: Thạch Lam, Trọng Quy, Trương Chính, Vũ Ngọc Phan… Cụ thể, khi tiểu thuyết Bỉ vỏ được nhận Giải thưởng của Tự lực văn đoàn, Thạch Lam đã nhận xét về văn của Nguyên Hồng như sau: ''Văn lúc nào cũng minh bạch, giản dị, một đôi khi thấm thía, rung động, có nhiều đoạn đẹp đẽ và sâu sắc… ông quan sát khéo, chỉ tả những cái gì đáng để ý, những tình cảm chân thật, những cảm giác đúng” [116, tr. 39]. Đồng thời tác giả cũng chỉ ra nhược điểm khó tránh khỏi của một người mới vào nghề viết văn, đó là:“Nhiều chỗ vụng về, cẩu thả, nhiều câu văn chưa gãy gọn. Nhưng đó là những lỗi của một người mới viết văn và sẽ mất đi với kinh nghiệm và từng trải trong nghề ” [116; tr. 39]. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nhận xét của một Giải thưởng, Thạch Lam mới chỉ dừng lại ở một vài dòng như vậy về tác giả trẻ tuổi này.
Cũng năm 1938, khi giới thiệu Bỉ vỏ, tác giả Trọng Quy đã nhận xét: “Tác phẩm không hổ thẹn với sự được Ban giám khảo chú ý đến”, vì đây là “một thiên phóng sự tả rò cách sinh hoạt của một hạng người” của “một cán bút linh hoạt mới mẻ”, “biết làm cho người khác phải cảm động” [127, tr. 8]). Trọng Quy đã khẳng định vị trí xứng đáng của Bỉ vỏ khi được nhận Giải thưởng Tự lực văn đoàn chính là ở sự mới mẻ của cây bút Nguyên Hồng cũng như tính nhân đạo của tác phẩm.
Tuy nhiên, không chỉ có những ý kiến ghi nhận sự thành công của Bỉ vỏ, mà còn có những đánh giá về hạn chế của tác phẩm này. Năm 1939, Trương Chính đã nhận xét về Bỉ vỏ khi ông nhìn nhận từ góc độ Dưới mắt tôi như sau: “Quyển Bỉ vỏ là một quyển tiểu thuyết tầm thường, không đặc sắc. Tác giả còn thiếu nghệ thuật, thiếu kinh nghiệm, ngòi bút của ông còn non nớt, vụng về”...; các tình tiết “được sắp đặt một cách thô sơ… Nhà văn ấy kiên tâm và thành thực, nhưng ông chỉ thành công lúc ông giản dị và sâu sắc hơn” [17, tr. 173], đây là một nhận xét nghiêm khắc và khách quan về nghệ thuật của một cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyên Hồng.
Năm 1940, khi viết Lời tựa cho tập tiểu thuyết tự truyện Những ngày thơ ấu, Thạch Lam đã nhận thấy khả năng thể hiện “những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại” của ngòi bút Nguyên Hồng… Tác giả của Gió lạnh đầu mùa đã rất tinh tế khi nhận thấy những cảm xúc chân thành của một trái tim dễ xúc động qua từng trang hồi ký đẫm nước mắt của nhà văn hiện thực trẻ tuổi này.
Trong cuốn Nhà văn hiện đại, năm 1942, Vũ Ngọc Phan đã công phu giới thiệu gương mặt 78 nhà văn Việt Nam, trong đó có nhà văn Nguyên Hồng. Về Nguyên Hồng, tác giả đã khẳng định sự thành công của nhà văn qua những sáng tác đầu tay, nhất là cuốn Bỉ vỏ của ông. Vũ Ngọc Phan nhận xét: “truyện thật là hay… cách viết có mạch lạc mà đi đến đoạn kết một cách tự nhiên”, đồng thời ông cũng đưa ra một nhận định khái quát khá chính xác về tư tưởng nghệ thuật của “nhà văn xã hội này”: “Ở tập văn nào của Nguyên Hồng cũng vậy, tư tưởng nhân từ, bác ái của tác giả bao giờ cũng tràn lan và đó chính là cái phần cốt yếu của nhà văn xã hội cầu mong ánh sáng” [116, tr. 48]. Như vậy, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã chỉ ra được cái cốt lòi, cái đặc trưng và giá trị trong sáng tác của Nguyên Hồng, đó là: Tư tưởng nhân đạo và khát vọng có một xã hội công bằng tốt đẹp hơn, nhất là đối với những người nghèo khổ.
Năm 1944, trong cuốn “Văn chương và xã hội” (Đại học Thư xã Hà Nội), khi nghiên cứu một số tác phẩm của Nguyên Hồng thời kỳ trước cách mạng như “Bỉ vỏ”, “Bảy Hựu”, “Những ngày thơ ấu”, tác giả Lương Đức Thiệp nhận xét: đây là “cây bút linh động cho ta cảm thấy sâu xa lòng yêu thiết tha của chính tác giả đối với các nhân vật trong truyện” [159, tr. 98]. Nhận xét này khẳng định thêm tính nhân đạo của nhà văn Nguyên Hồng.
Qua một số ý kiến, nhận xét trên, chúng ta nhận thấy khá rò một điểm: ngay đương thời, người ta cũng đã chỉ ra những mặt mạnh, những thành công của nhà văn Nguyên Hồng. Đó là chủ nghĩa nhân đạo, là tư tưởng nhân từ bác ái, cũng như đã chỉ ra những mặt hạn chế của Nguyên Hồng khi buổi đầu đến nghề văn còn đầy non nớt này.
Đồng thời cũng qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy: Trong vòng 10 năm (1936 - 1945), Nguyên Hồng đã có khá nhiều sáng tác (54 truyện ngắn, 03 truyện vừa, 01 hồi ký, 03 tiểu thuyết) với mảng nội dung hiện thực đặc sắc nhưng thực sự những sáng tác này của Nguyên Hồng cũng chưa thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình như những trường hợp nhà văn hiện thực khác. Hầu hết các ý kiến nhận định, phê bình chỉ tập trung vào hai tác phẩm nổi tiếng của Nguyên Hồng là: Bỉ vỏ và Những ngày thơ ấu, còn những sáng tác khác của ông đều chưa hoặc rất ít đề cập đến. Các tác giả (do những lý do chủ quan và khách quan nào đó) cũng chưa thấy hết được giá trị nhiều mặt của các sáng tác ấy, cũng như chưa phát hiện và đánh giá đúng mức được tài năng và cống hiến của Nguyên Hồng, mặc dù bước đầu cũng đã ít nhiều động chạm vào những vấn đề đó khi nhận xét đánh giá về ông.
Từ sau năm 1945 cho tới tận hiện nay, Nguyên Hồng và tác phẩm của ông tiếp tục được nhiều người quan tâm, chú ý nhìn nhận, đánh giá và khẳng định những giá trị nổi bật về nội dung và nghệ thuật. Những tác phẩm của nhà văn vẫn tiếp tục trở thành đối tượng nghiên cứu hấp dẫn trong đời sống nghiên cứu, phê bình văn học của nước nhà. Trong khi đó, một số những nhà văn hiện thực khác như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình, mà phải đợi đến thời kỳ đổi mới, các tác phẩm của họ mới được chú ý nghiên cứu và được đánh giá sâu sắc, công bằng và toàn diện hơn.
Có thể nhắc đến những công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, phê bình tiêu biểu như: Nguyễn Đăng Mạnh, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Vũ Ngọc
Phan, Chu Nga, Trần Đăng Suyền,... cùng các mục từ giới thiệu về Nguyên Hồng, tiểu thuyết Bỉ vỏ, Hồi ký Những ngày thơ ấu trong cuốn Từ điển Văn học của tác giả Nguyễn Hoành Khung; Những đề tài nghiên cứu về sáng tác của nhà văn Nguyên Hồng của các tác giả: Lê Hồng My, Bạch Văn Hợp, Phạm Hồng Lan, Nguyễn Duy Tờ, Lê Thị Hải Vân... Qua các công trình nghiên cứu này, chúng tôi thấy các vấn đề về tư tưởng nghệ thuật, phong cách nghệ thuật, lời văn nghệ thuật, cảm hứng sáng tạo,… trong sáng tác của Nguyên Hồng đã được đề cập đến ở những mức độ khác nhau. Các ý kiến, nhận xét đều sâu sắc và tinh tế nhưng phần lớn là những nhận xét, nhận định có tính chất khái quát, hoặc nghiên cứu sâu một phương diện nào đó thuộc về nội dung hoặc nghệ thuật trong sáng tác của Nguyên Hồng, cụ thể là một số ý kiến tiêu biểu như sau:
- Đánh giá sự đóng góp của Nguyên Hồng đối với sự vận động và phát triển khuynh hướng văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 nói riêng và đối với nền Văn học hiện đại Việt Nam nói chung trên những phương diện cụ thể. Tiêu biểu cho xu hướng đánh giá này là các công trình nghiên cứu: “Nguyên Hồng” [Phan Cự Đệ -116], “Nguyên Hồng, con người và sự nghiệp” [Nguyễn Đăng Mạnh -116], “Nguyên Hồng và quá trình sáng tác của anh” [Chu Nga -116]...
- Khẳng định chủ nghĩa nhân đạo thống thiết của Nguyên Hồng khi viết về các nhân vật dưới đáy xã hội thực dân phong kiến, đặc biệt là nhân vật người phụ nữ và trẻ em. Xu hướng này được thể hiện trong các công trình nghiên cứu: “Nguyên Hồng, con người và sự nghiệp” [Nguyễn Đăng Mạnh -116], “Một cuộc đời sáng tạo trong đau khổ” [Vương Trí Nhàn - 111], “Cảm hứng cần lao trong sáng tác của Nguyên Hồng” [Phan Diễm Phương -116]...
- Chỉ ra đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyên Hồng là “nhà văn của niềm tin và ánh sáng”, “nhà văn của lòng thương cảm thống thiết”, “một ngòi bút hiện thực giàu chất lãng mạn”… “Nguyên Hồng, nhà văn của những khát vọng sống” [Hà Minh Đức - 116], “Phong cách nghệ thuật của Nguyên Hồng” [77], “Nhà văn của tình thương” [1]...
- Khẳng định mặt mạnh của Nguyên Hồng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, cũng như trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ, giọng điệu... như bài viết: “Đặc sắc hồi ký Nguyên Hồng” [Nguyễn Đăng Điệp -116], “Giọt lệ lớn và đoàn tàu chợ” [Linh Thi - 116]; hay chuyên luận: “Lời văn nghệ thuật Nguyên Hồng” [Lê Hồng My - 101]...
Khi cắt nghĩa cảm hứng chủ đạo của Nguyên Hồng, Phan Cự Đệ cho rằng cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của nhà văn “Bắt nguồn từ một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc với những lớp người cùng khổ. Anh là một cây bút đôn hậu, luôn hướng tới cái cao đẹp, trong sáng, niềm tin yêu thắm thiết” [116, tr. 112]. Khái quát về “Nguyên Hồng và quá trình sáng tác của anh” tác giả Chu Nga đã giới thiệu và khái quát: “Nguyên Hồng sau cách mạng chỉ là sự kế tiếp một cách logic Nguyên Hồng những năm trước cách mạng” [116, tr. 157] - Đây là một nhận xét rất chính xác về sự nhất quán trong quan niệm sáng tác của Nguyên Hồng cả ở hai giai đoạn trước và sau năm 1945. Đồng thời Chu Nga cũng nhấn mạnh đến sự đóng góp riêng biệt của Nguyên Hồng vào dòng văn học hiện thực phê phán: “Trước tiên cần khẳng định ở anh những đóng góp đáng kể với tư cách là một nhà văn hiện thực phê phán tiến bộ nhất, tiếp cận gần nhất với cách mạng. Anh không chỉ hiểu cách mạng mà còn viết về cách mạng, cũng không phải chỉ viết một cách cảm tính, mà ít nhiều có quan điểm, có lý luận” [116, tr. 157], và đó còn là “tiếng nói yêu thương nhân đạo (…) sôi nổi, lạc quan, tràn đầy một lòng tin ở ngày mai tươi sáng vì nhìn thấy được những phẩm chất đẹp đẽ ở những con người nghèo khổ hôm nay”[116, tr. 158]… Như vậy, tác giả đã đề cập đến cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của Nguyên Hồng, đó là tình cảm yêu thương, trân trọng con người lao động.
Cùng quan điểm như trên, Phan Diễm Phương, Vương Trí Nhàn, Đỗ Trung Thoại... đều cho rằng cảm hứng sáng tác của Nguyên Hồng là cảm hứng về cuộc sống lầm than, đói khổ của người lao động trong xã hội cũ. “Cảm hứng cần lao… đã được phô diễn một cách ám ảnh, đầy sức lay động đối với những con người đồng cảm” [116, tr. 225]… “Cảm hứng cần lao và tranh đấu của Nguyên Hồng cũng chính là cảm hứng nhân đạo nơi ông” [116, tr. 227]… “Giá trị phổ biến của hàng ngàn, hàng ngàn trang sách được bắt nguồn vào những cảnh sống của con người, hướng về con người ” [116, tr. 229]. Vương Trí Nhàn khẳng định cuộc đời Nguyên Hồng là “Một cuộc đời sáng tạo trong đau khổ”, “Văn xuôi Nguyên Hồng là một thứ sản phẩm giàu chất tự truyện”, đồng thời tác giả cũng đánh giá Những ngày thơ ấu là tác phẩm đỉnh cao của Nguyên Hồng: “Khách quan và tỉnh táo mà đánh giá, phải nhận toàn bộ cuộc đời và sáng tác của Nguyên Hồng về sau không có cái nào vượt được Những ngày thơ ấu” [116, tr. 219]. Và “Trước đau khổ, Nguyên Hồng thấy nên cam chịu, và tìm thấy lẽ sống, cảm hứng
sáng tạo của mình trong chính sự đau khổ” [116, tr. 220]. Đỗ Trung Thoại thấy ở Nguyên Hồng là“một nhà văn lớn, một nhân cách lớn… chủ nghĩa nhân đạo là tư tưởng chủ đạo trong hầu hết các tác phẩm của ông… Nguyên Hồng là nhà văn của nhân dân lao động và ông thuộc về những người lao động” [119].
Trong giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tập 2, tác giả Lê Hồng My, Trần Đăng Suyền đã chỉ rò quan điểm nghệ thuật của Nguyên Hồng là “Đề cao vai trò của văn chương nghệ thuật, khẳng định ý nghĩa cao quý của nghề cầm bút” [134, tr. 134]... “Nhà văn, (người nghệ sĩ) phải trung thực, chân thành trên trang viết: say mê, tin tưởng vào cuộc sống; phải cần cù học hỏi và không ngừng sáng tạo” ”[134, tr. 135]... “Nghệ thuật phải “bắt rễ” vào cuộc sống của người lao động và hướng tới tương lai tốt đẹp. Bạn đọc quần chúng là “lẽ sống của ngòi bút” [134, tr. 137]. Đây chính là quan điểm nghệ thuật nhất quán của Nguyên Hồng trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Đánh giá Nguyên Hồng ở một góc nhìn khác, GS.TS. Trần Đăng Suyền đã phân tích một cách sâu sắc Sự gặp gỡ, giao thoa của những khuynh hướng, trào lưu văn học trong sáng tác của Nguyên Hồng trước cách mạng. Tác giả đã phân tích và khẳng định: “Văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 đã xuất hiện nhiều khuynh hướng, nhiều trào lưu văn ọhc: Chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực và khuynh hướng văn học cách mạng; chúng vừa đấu tranh với nhau, vừa bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Sáng tác của Nguyên Hồng thể hiện quy luật vận động và phát triển, sự gặp gỡ và giao thoa của nhiều khuynh hướng, trào lưu văn học… Có được điều đó là do ngòi bút Nguyên Hồng gắn bó sâu sắc với thời đại, với cuộc đời rộng lớn, với những người cùng khổ. Có được điều đó còn do những sáng tác hiện thực chủ nghĩa của ông được xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa nhân đạo, đi sâu vào bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật, thể hiện quy luật vận động và phát triển tất yếu của tiến trình lịch sử văn học dân tộc” [137, tr. 55-59].
Như vậy, về cảm hứng sáng tạo, chủ nghĩa nhân đạo của Nguyên Hồng, các nhà nghiên cứu, phê bình đều nhất trí rằng cảm hứng sáng tác của Nguyên Hồng là cảm hứng cần lao, bắt nguồn từ cuộc sống tăm tối, cực khổ của những người dưới đáy xã hội thực dân phong kiến trước Cách mạng. Cảm hứng sáng tác ấy được thể hiện qua một tấm lòng nhân đạo thiết tha, trĩu nặng với những cảnh đời đen tối trong xã hội đương thời.