Khái Niệm Về Kiểm Toán Hoạt Động


toán hoạt động thu, chi và thanh toán, kiểm toán hoạt động thông tin) và đặc điểm của kiểm toán hoạt động (như đặc điểm của kiểm toán hoạt động thu ngân sách nhà nước, kiểm toán hoạt động chi thường xuyên ngân sách nhà nước, kiểm toán hoạt động chương trình đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Ngoài các công trình tiêu biểu nghiên cứu về kiểm toán hoạt động như nêu trên, trong một số năm qua Kiểm toán Nhà nước cũng đã và đang tiếp tục nghiên cứu một số công trình sau: Xây dựng quy trình kiểm toán hoạt động ngân hàng thương mại nhà nước, Đề tài cấp bộ, 2002 và một số Đề tài cấp bộ năm 2007 như: Tổ chức kiểm toán hoạt động trong các cơ quan hành chính nhà nước trong điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; tổ chức kiểm toán hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước và cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng tiêu chí kiểm toán hoạt động trong kiểm toán đầu tư dự án.

Tóm lại: Các công trình nghiên cứu trên đã đề cập tới những khía cạnh khác nhau của kiểm toán cũng như kiểm toán hoạt động. Tuy nhiên các công trình này chủ yếu chú ý đến quy trình và phương pháp của công tác kiểm toán. Các nghiên cứu sâu về kiểm toán hoạt động và nhất là vai trò của kiểm toán hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đều chưa có nghiên cứu đầy đủ và toàn diện.

3. Mục đích nghiên cứu của Luận án

Trên cơ sở hệ thống hóa những vấn đề lý luận, phân tích và làm rõ thực trạng về kiểm toán hoạt động và vai trò của nó ở nước ta thời gian qua. Từ đó đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm tăng cường vai trò của kiểm toán hoạt động do kiểm toán nhà nước thực hiện trong thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Luận án

Đối tượng nghiên cứu của Luận án là vai trò của kiểm toán hoạt động, song kiểm toán hoạt động trong nền kinh tế rất rộng, nên nghiên cứu chủ yếu đề cập đến vai trò của kiểm toán hoạt động do kiểm toán nhà nước thực hiện, nhằm làm nổi bật vai trò của kiểm toán hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.


Thời gian nghiên cứu kể từ khi tổ chức Kiểm toán Nhà nước ra đời đến nay (chủ yếu từ năm 2001 đến năm 2010).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận án đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu chung của khoa học kinh tế và đã tiếp cận đối tượng nghiên cứu dựa trên cơ sở vận dụng phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa duy vật lịch sử, phương pháp trừu tượng hoá và nghiên cứu lý luận kết hợp với phân tích, so sánh, tổng hợp làm phương pháp luận chung. Ngoài ra, Luận án còn sử dụng một số phương pháp như nghiên cứu tài liệu, phân tích và tổng hợp, thống kê và so sánh…các kế hoạch và báo cáo kiểm toán của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước từ 2001 – 2009, để phân tích, đánh giá thực trạng kiểm toán hoạt động do kiểm toán nhà nước thực hiện và vai trò của nó trong thời gian qua ở nước ta. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, Tác giả đã thực hiện phân tích

Tăng cường vai trò của kiểm toán hoạt động ở Việt Nam do kiểm toán nhà nước thực hiện - 3

định tính và định lượng các nguồn tài liệu đã thu thập được về kiểm toán hoạt động và vai trò của nó từ rất nhiều các nguồn khác nhau như: về mặt lý luận đã nghiên cứu một số tác phẩm của Mác, của Lênin và của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về vấn đề kiểm tra, kiểm soát nói chung; các giáo trình, sách giáo khoa chuyên ngành của một số trường đại học ở trong nước và các bài viết trên các báo, tạp chí viết về kiểm toán hoạt động, còn về mặt thực tiễn đã thực hiện phân tích, tổng hợp kế hoạch kiểm toán và báo cáo kiểm toán của 09 cuộc kiểm toán có gắn với kiểm toán hoạt động do Kiểm toán Nhà nước thực hiện đã được công bố trong thời gian qua, nhằm làm rõ những thành tựu và bất cập, để từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường vai trò của kiểm toán hoạt động do kiểm toán nhà nước thực hiện ở trong thời gian tới.

6. Những điểm mới và đóng góp chủ yếu của Luận án

- Góp phần làm rõ thêm cơ sở lý luận về kiểm toán hoạt động và vai trò của nó ở nước ta hiện nay;

- Khái quát kinh nghiệm của một số nước phát triển và đang phát triển về kiểm toán hoạt động và vai trò của nó trong nền kinh tế;


- Đánh giá đúng thực trạng kiểm toán hoạt động ở nước ta hiện nay trên cơ sở thực tiễn kiểm toán hoạt động trong một số lĩnh vực như khoa học và công nghệ; tài nguyên môi trường; giao thông vận tải; mua sắm tài sản công…

- Đề xuất những quan điểm và giải pháp cơ bản nhằm mở rộng kiểm toán hoạt động và tăng cường vai trò của kiểm toán hoạt động do kiểm toán nhà nước thực hiện ở nước ta trong thời gian tới.

7. Bố cục của Luận án: Ngoài các phần Mở đầu và Kết luận, nội dung của Luận án được chia thành 3 chương:

Chương 1. Lý luận chung về vai trò của kiểm toán hoạt động;

Chương 2. Thực trạng vai trò của kiểm toán hoạt động ở Việt Nam do kiểm toán nhà nước thực hiện;

Chương 3. Phương hướng và một số giải pháp chủ yếu tăng cường vai trò của kiểm toán hoạt động ở Việt Nam do kiểm toán nhà nước thực hiện.


Chương 1

LÝ LUẬN CHUNG VỀ VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN HOẠT ĐỘNG


1.1. Bản chất của kiểm toán hoạt động

1.1.1. Khái niệm về kiểm toán hoạt động

Để làm rõ thế nào là kiểm toán hoạt động và mối quan hệ của nó với các loại hình kiểm toán khác (kiểm toán tuân thủ và kiểm toán báo cáo tài chính), trước hết chúng ta hãy bắt đầu làm rõ khái niệm chung về kiểm toán.

Kiểm toán là lĩnh vực mới, đến nay vẫn còn có khá nhiều cách định nghĩa khác nhau về kiểm toán. Theo Giáo trình Lý thuyết Kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện có 03 loại quan điểm cơ bản về kiểm toán:

Một là, Quan điểm của Vương quốc Anh trong Lời mở đầu giải thích các chuẩn mực kiểm toán cho rằng “Kiểm toán là sự kiểm tra độc lập và sự bày tỏ ý kiến về những bản khai tài chính của một xí nghiệp do một kiểm toán viên được bổ nhiệm để thực hiện những công việc đó theo đúng với bất cứ nghĩa vụ pháp định có liên quan”[73,30].

Hai là, Quan điểm của các chuyên gia kiểm toán Hoa Kỳ cho rằng “Kiểm toán là một quá trình mà qua đó một người độc lập, có nghiệp vụ tập hợp và đánh giá rõ ràng về thông tin có thể lượng hoá có liên quan đến một thực thể kinh tế riêng biệt nhằm mục đích xác định và báo cáo mức độ phù hợp giữa thông tin có thể lượng hoá với những tiêu chuẩn đã được thiết lập”[73,31].

Ba là, Quan điểm của Cộng hoà Pháp trong giáo dục và đào tạo kiểm toán cho rằng:

Kiểm toán là việc nghiên cứu và kiểm tra các tài khoản niên độ của một tổ chức do một người độc lập, đủ danh nghĩa gọi là một kiểm toán viên tiến hành để khẳng định rằng những tài khoản đó phản ánh đúng đắn tình hình tài chính thực tế, không che dấu sự gian lận và chúng được trình bày theo mẫu chính thức của luật định[73,31].

Cả 3 quan điểm nêu trên đều thiên về kiểm toán tài chính, với 5 yếu tố:

(1) Chức năng của kiểm toán là kiểm tra và xác nhận (hay còn gọi là chức


năng xác minh) và chức năng tư vấn (hay còn gọi là chức năng bày tỏ ý kiến); (2) Đối tượng trực tiếp của kiểm toán là các báo cáo tài chính hay tài khoản của các tổ chức hay một thực thể kinh tế; (3) Khách thể kiểm toán được xác định là thực thể kinh tế hoặc một tổ chức; (4) Chủ thể kiểm toán là những kiểm toán viên độc lập, có nghiệp vụ và (5) Cơ sở thực hiện kiểm toán là những luật định, tiêu chuẩn hay chuẩn mực chung.

Đặc biệt ở Việt Nam do kiểm toán mới xuất hiện với thời gian còn ngắn, nên các khái niệm chung về kiểm toán cũng mới được đề cập:

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 2) thì:

Kiểm toán (audit) là quá trình xem xét và thẩm tra các bảng kế toán của những tổ chức sản xuất kinh doanh và quản lý nhà nước về kinh tế, do các nhân viên gọi là kiểm toán viên (auditor) có đủ trình độ, có nghề nghiệp chuyên môn giỏi thực hiện. Các báo cáo quyết toán tài chính của doanh nghiệp, tổ chức xã hội…được kiểm toán kỹ lưỡng để xét xem báo cáo quyết toán đó được lập ra có đúng với các chuẩn mực nguyên lý kế toán và quy tắc thông dụng đã được quy định không, số liệu có phản ánh trung thực và chính xác tình hình tài chính của doanh nghiệp[22,564].

Theo Từ điển Kinh doanh Anh – Việt thì:

Kiểm toán (audit) là một cuộc kiểm tra chính thức những báo cáo và thủ tục kế toán của một doanh nghiệp, một cơ quan chính phủ do một nhân viên kiểm toán (auditor) tiến hành, nhằm kiểm tra sự xác nhận trong tình hình tài chính, chống mọi sự khai man. Cuộc kiểm tra có thể được thực hiện bởi một người trong nội bộ (internal audit, kiểm toán nội bộ) hoặc bởi một người từ bên ngoài (independant audit, kiểm toán độc lập)[66,47].

Theo Giáo trình Lý thuyết kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế quốc dân thì “Kiểm toán là xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động được kiểm toán bằng hệ thống phương pháp kỹ thuật của kiểm toán chứng từ và


ngoài chứng từ do các kiểm toán viên có trình độ nghiệp vụ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lý có hiệu lực”[73,38].

Theo Giáo trình Kiểm toán của Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội thì “Kiểm toán là quá trình các chuyên gia độc lập và có thẩm quyền, có kỹ năng nghiệp vụ, thu thập và đánh giá các bằng chứng về các thông tin có thể định lượng của một đơn vị nhằm mục đích xác nhận và báo cáo về mức độ phù hợp giữa các thông tin này với các chuẩn mực đã được xây dựng”[93,5].

Theo Giáo trình Kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh thì “Kiểm toán là quá trình thu thập và đánh giá bằng chứng về những thông tin được kiểm tra nhằm xác định và báo cáo về mức độ phù hợp giữa những thông tin đó với các chuẩn mực đã được thiết lập. Quá trình kiểm toán phải được thực hiện bởi các kiểm toán viên đủ năng lực và độc lập”[92,2].

Theo Luật Kiểm toán nhà nước thì “Kiểm toán là việc kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước”[81,8].

Theo quan điểm của Tác giả, các khái niệm kiểm toán nêu trên cơ bản tập trung vào một số nội dung cơ bản sau (1) kiểm toán là một hoạt động kiểm tra nhằm thu thập các bằng chứng kiểm toán; (2) do kiểm toán viên có trình độ chuyên môn thích hợp thực hiện; (3) so sánh và đánh giá các bằng chứng kiểm toán đã thu thập được với các chuẩn mực đã được xác lập. Từ đó theo Tác giả có thể rút ra khái niệm về kiểm toán như sau: "Kiểm toán là một quá trình mà trong đó các cá nhân độc lập (kiểm toán viên), có trình độ chuyên môn phù hợp, tiến hành kiểm tra và xác nhận về các thông tin có thật và có thể lượng hoá được của một cơ quan hoặc tổ chức nhằm mục đích xác định và báo cáo mức độ phù hợp giữa các thông tin thu thập được với những tiêu chuẩn đã được thiết lập”.

Về khái niệm kiểm toán hoạt động: Như đã nêu, kiểm toán hoạt động xuất hiện vào đầu những năm 40 của Thế kỷ trước, nhưng đến cuối những


năm 1960 mới được một số cơ quan Kiểm toán Nhà nước (SAIs) thực hiện. Do đó ngay từ khi ra đời kiểm toán hoạt động đã có nhiều tên gọi khác nhau và được các Cơ quan Kiểm toán Nhà nước ở các nước (kể cả ở Việt Nam)

đưa ra những định nghĩa khác nhau:

Cơ quan Tổng Kế toán Hoa Kỳ (The United States General Accounting Office – thành viên của INTOSAI) định nghĩa: “Kiểm toán hoạt động bao gồm kiểm toán tính kinh tế, tính hiệu quả và kiểm toán chương trình”, trong đó:

(a) Kiểm toán tính kinh tế và tính hiệu quả bao gồm việc xác định:

(1) Đơn vị có được nguồn lực (nhân viên, tài sản và không gian), bảo vệ và sử dụng chúng có kinh tế và hiệu quả không?, (2) Nguyên nhân của những hoạt động thiếu hiệu quả và không có tính kinh tế, và (3) Đơn vị có tuân thủ theo pháp luật và các quy định liên quan đến những vấn đề về tính kinh tế và sự hiệu quả không?

(b) Kiểm toán chương trình bao gồm việc xác định: (1) Mức độ hoàn thành theo kết quả mong muốn hoặc lợi ích do các cơ quan lập pháp hay đơn vị có thẩm quyền đề ra, (2) Sự hữu hiệu của các tổ chức, các chương trình, các hoạt động hoặc chức năng, và (3) Đơn vị có tuân thủ luật pháp hoặc các quy định có liên quan đến chương trình đó không?[77].

Theo Cơ quan Tổng kiểm toán Canada (Office of the Auditor General of Canada) định nghĩa kiểm toán giá trị tiền bạc (Kiểm toán VFM) hay còn gọi là kiểm toán hoạt động như sau:

Kiểm toán hoạt động là một việc kiểm tra có hệ thống, có mục tiêu, có tổ chức và khách quan các hoạt động của Chính phủ. Nó cung cấp cho Quốc hội các đánh giá về hoạt động bằng việc đưa ra các thông tin, quan sát và các khuyến nghị nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ, tính hiệu quả và phù hợp của các dịch vụ, hàng hoá công đồng thời đảm bảo sự phát triển và bảo vệ luật pháp và truyền thống của Canada[23,4].


Hai định nghĩa trên thuộc phạm vi của kiểm toán hoạt động trong khu vực nhà nước. Trong khu vực tư nhân, Hiệp hội Kiểm toán viên nội bộ (IIA) định nghĩa như sau: “Kiểm toán hoạt động là một quá trình đánh giá có hệ thống về sự hữu hiệu, tính hiệu quả và tính kinh tế của các hoạt động dưới sự kiểm soát của nhà quản lý và báo cáo cho các cá nhân thích hợp về kết quả của việc đánh giá, đồng thời đưa ra những kiến nghị để cải tiến”[75,13].

Chuẩn mực Kiểm toán của INTOSAI (Chuẩn mực Kiểm toán 1.0.38 và 1.0.40) có nêu như sau “Toàn bộ lĩnh vực kiểm toán nhà nước bao gồm kiểm toán tính tuân thủ, tính hợp pháp và kiểm toán hoạt động” và “kiểm toán hoạt động bao hàm việc kiểm toán tính tiết kiệm, hiệu quả và hiệu lực” nó bao gồm:

(a) Kiểm toán tính tiết kiệm trong các hoạt động quản lý trên cơ sở các nguyên tắc và thực hành quản lý hợp lý với các chính sách quản lý;

(b) Kiểm toán hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính và các nguồn lực khác, trong đó kiểm tra cả các hệ thống thông tin, các tiêu chí hoạt động và các cơ chế giám sát cũng như các quy trình do các đơn vị được kiểm toán áp dụng để khắc phục những yếu kém đã được phát hiện và

(c) Kiểm toán hiệu lực của kết quả hoạt động liên quan đến việc đạt được mục tiêu của đơn vị được kiểm toán và kiểm toán tác động thực tế của các hoạt động so với tác động dự kiến đạt được[15,9].

Ở Việt Nam, kiểm toán nói chung, kiểm toán hoạt động nói riêng mới xuất hiện từ đầu những năm 1990 nên cho đến nay cũng có nhiều cách định nghĩa khác nhau:

Theo Giáo trình Kiểm toán hoạt động của Trường Đại học Kinh tế quốc dân thì “Kiểm toán hoạt động là một loại hình kiểm toán hướng vào việc đánh giá hiệu lực của hệ thống thông tin và quản trị nội bộ, hiệu quả của hoạt động và hiệu năng của quản lý các hoạt động đã và đang diễn ra trong một tổ chức, cơ quan”[75,14];

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/12/2022