Yêu Cầu Thực Hiện Xã Hội Hóa Sản Xuất Trong Điều Kiện Kinh Tế Thị Thường


Những hạn chế và bất cập nói trên do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, có thể nêu một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động kiểm toán nhà nước chưa tương thích, đầy đủ và đồng bộ, mặc dù Luật Kiểm toán nhà nước đã quy định rõ địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định trong Hiến pháp như hầu hết các nước trên thế giới.

Thứ hai, nhận thức của các cấp, các ngành, công chúng và xã hội nói chung về vị trí pháp lý, vai trò, tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước còn chưa đầy đủ và toàn diện, thậm chí có lúc, có nơi còn sai lệch.

Thứ ba, cơ cấu tổ chức của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa hoàn chỉnh, còn thiếu Kiểm toán Nhà nước khu vực và các vụ chức năng; số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, các vấn đề liên quan đến các đo lường và tiêu chí đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của từng cuộc kiểm toán hoạt động vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, bổ sung...

Thứ năm, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát vẫn còn thiếu hiệu quả, có lúc còn trùng lắp, chồng chéo, bỏ sót đối tượng.

Thứ sáu, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan mới chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều việc vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Chương 3

PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA KIỂM TOÁN HOẠT ĐỘNG Ở VIỆT NAM DO KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 208 trang tài liệu này.


3.1. Sự cần thiết tăng cường vai trò của kiểm toán hoạt động ở Việt Nam do kiểm toán nhà nước thực hiện

Tăng cường vai trò của kiểm toán hoạt động ở Việt Nam do kiểm toán nhà nước thực hiện - 18


Mặc dù hoạt động kiểm toán nhà nước nói chung, kiểm toán hoạt động nói riêng có vai trò quan trọng, trong việc quản lý vĩ mô nền kinh tế nói chung, ngân sách nhà nước nói riêng. Tuy vậy việc nhận thức của xã hội nói chung, các ngành các cấp nói riêng về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước còn chưa được đầy đủ và toàn diện trên nhiều khía cạnh, từ đó dẫn tới việc quy định về chức trách và quyền hạn của Cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong các văn bản pháp luật hiện nay cũng còn nhiều điểm chưa được rõ ràng và tương xứng với chức năng và nhiệm vụ. Chính vì vậy, để tăng cường hiệu quả kiểm tra, kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế nói chung, ngân sách nhà nước nói riêng cần thiết phải nâng cao vai trò của kiểm toán hoạt động. Đó là vì:

3.1.1. Yêu cầu thực hiện xã hội hóa sản xuất trong điều kiện kinh tế thị thường

Lý luận và thực tiễn cho thấy từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, nền sản xuất xã hội hoá càng cao, càng đòi hỏi phải tăng cường vai trò kiểm kê, kiểm soát của nhà nước, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng gắn với công cụ kiểm toán hoạt động khi chuyển mô hình kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Lênin trong tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền Xô viết”, Người đã chỉ rõ trong 3 mặt xã hội hoá sản xuất; xã hội hoá lực lượng sản xuất; xã hội hoá quan hệ sở hữu đều quan trọng, nhưng nếu mặt tổ chức quản lý, thực hiện kiểm kê, kiểm soát việc sản xuất, phân phối cho hàng chục triệu người chưa làm tốt thì chưa có xã hội hoá thực tế sự sản xuất. Người nói:

Ngày nay, nhiệm vụ quản lý đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm...và toàn bộ đặc điểm của tình thế hiện thời, tất cả sự khó khăn là ở chỗ phải hiểu rõ những đặc điểm của bước chuyển từ nhiệm vụ chủ yếu là thuyết phục nhân dân và dùng lực lượng quân sự trấn áp bọn bóc lột, sang nhiệm vụ chủ yếu là quản lý[71;209].


Tuy nhiên luận điểm trên của Lê nin về nhiệm vụ kiểm kê, kiểm soát tại thời điểm đó gắn với mô hình kinh tế chỉ huy tập trung quan liêu bao cấp. Mô hình này có 3 đặc trưng;

- Tập trung quan liêu hoá về chính trị;

- Nhà nước hoá về kinh tế;

- Quan hệ hàng hoá - tiền tệ bị hình thức hoá.

Do đó nhiệm vụ kiểm kê, kiểm soát được thực hiện thông qua các tổ chức Thanh tra Nhà nước; Thanh tra Nhân dân, chưa có tổ chức Kiểm toán Nhà nước như hiện nay.

Ở nước ta khi chuyển đổi mô hình kinh tế cũ sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đặc điểm vốn có của kinh tế thị trường, làm cho nhiệm vụ kiểm kê, kiểm soát của nhà nước có nội dung mới, đòi hỏi các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế phải tiến hành hạch toán kinh tế, hạch toán kinh doanh; việc thực hiện thu chi của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương phải thích ứng với kinh tế thị trường, phải gắn liền với hiệu quả kinh tế - xã hội. Trong điều kiện đó, một công cụ vĩ mô có khả năng thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, kiểm soát, công cụ đó theo kinh nghiệm của các nước đi trước về kinh tế thị trường chỉ có thể là công cụ kiểm toán nhà nước, trong đó kiểm toán hoạt động là sự lựa chọn đầu tiên.

3.1.2. Yêu cầu bức xúc của xã hội về kiểm tra tài chính công

Như đã biết việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả các nguồn lực tài chính công là một trong các mục tiêu cơ bản của hoạt động điều hành và quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy để đạt được mục tiêu trên, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thành lập một cơ quan kiểm tra tài chính công trực thuộc cơ quan quyền lực cao nhất, đó là Cơ quan Kiểm toán Nhà nước, để kiểm toán các hoạt động tài chính – ngân sách...

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về mối quan hệ giữa tăng gia sản xuất và tiết kiệm, Người chỉ rõ “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con


đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”[21,257]. Người còn nói sản xuất mà không tiết kiệm khác nào gió và nhà trống và Người yêu cầu tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm vật tư, thời gian và sức lao động.

Thực tế ở nước ta trong những năm đổi mới vừa qua, mặc dù đã đạt được khá nhiều thành tựu trong kinh tế cũng như trong công tác quản lí kinh tế – tài chính, song việc quản lý về kinh tế – tài chính vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải quan tâm xem xét một cách toàn diện, cụ thể:

Một là, Bộ máy nhà nước nói chung, bộ máy quản lý kinh tế nói riêng còn chưa thật sự trong sạch. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn tương đối nghiêm trọng, nhưng chưa có nhiều các biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi. Từ đó dẫn tới hiệu lực quản lý, điều hành về kinh tế chưa nghiêm, kỷ cương xã hội bị buông lỏng làm giảm sút lòng tin của nhân dân;

Thứ hai, Quản lý nhà nước về kinh tế chưa ngang tầm với đòi hỏi của tình hình mới; chưa phát huy đầy đủ các mặt tích cực và từng bước hạn chế tính tự phát, tiêu cực của kinh tế thị trường. Đất đai, tài sản công chưa được quản lí chặt chẽ, tình trạng sử dụng lãng phí và thất thoát vẫn còn xảy ra khá nghiêm trọng ở nhiều địa phương, nhiều đơn vị…;

Thứ ba, Tổ chức bộ máy nhà nước còn khá nặng nề (vừa thừa, vừa thiếu), sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện giữa các chức năng: lập pháp, hành pháp và tư pháp còn nhiều điểm chưa rõ ràng về chức năng và nhiệm vụ. Còn quá nhiều đầu mối kiểm tra, thanh tra (như Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tài chính; Kiểm toán Nhà nước…) dẫn đến hiệu quả và hiệu lực thấp.

Thứ tư, Môi trường pháp luật trong hoạt động kinh tế - tài chính và kiểm tra, kiểm soát chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, pháp chế còn bị buông lỏng.


Trước thực trạng trên đòi hỏi chức năng kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lí nhà nước cần phải được củng cố và tăng cường. Từ những đòi hỏi của thực tiễn Đại hội VIII của Đảng đã khẳng định:

“Thực hiện chặt chẽ chế độ kế toán, kiểm toán và chế độ kiểm tra, thanh tra tài chính”[18; 102].

“Kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng, chi tiêu ngân sách nhà nước. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý vốn trong doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài sản công; hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật; chấn chỉnh chế độ thống kê, kế toán, kiểm toán…”[18; 134].

Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng một lần nữa đã khẳng định: Đổi mới chế độ kế toán, kiểm toán, thanh tra tài chính, chế độ báo cáo, thông tin, bảo đảm hoạt động kinh doanh phải công khai, minh bạch đối với tài chính doanh nghiệp. Xây dựng Luật Quản lý vốn và tài sản của nhà nước. Ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ mới trong quản lý tài chính, nâng cấp và từng bước áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về công khai và nghiệp vụ kế toán, kiểm toán đối với hệ thống tài chính. Thiết lập cơ chế giám sát tài chính, tiền tệ nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, kiểm soát các luồng vốn, các khoản vay nợ, trả nợ, mở rộng các hình thức công khai tài chính. Nâng cao hiệu lực pháp lý và chất lượng kiểm toán nhà nước như một công cụ mạnh của nhà nước[19;328].

3.1.3. Yêu cầu tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

C.Mác khi nghiên cứu nền sản xuất lớn Tư bản chủ nghĩa gắn với lao động chung Người viết:

Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hoà những hoạt động cá nhân và thực hiện những


chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó. Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc phải có nhạc trưởng…[8;480].

Từ chỉ dẫn trên cho thấy: Muốn chỉ huy, phối hợp, điều hoà thống nhất nền sản xuất xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường phải thực hiện giám sát các hoạt động, nhất là hoạt động ngân sách thông qua công cụ vĩ mô đó là kiểm toán nhà nước nói chung, kiểm toán hoạt động nói riêng.

Lênin trong tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền Xô viết”, khi nói đến vai trò quản lý của nhà nước, Người cho rằng trước đây ta thắng trong trấn áp cách mạng, bây giờ và sau này ta phải thắng về quản lý. Nhưng vì quản lý không phải là cái bẩm sinh mà quản lý vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Để thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý theo Lê nin vấn đề mấu chốt có ý nghĩa quyết định trước tiên là việc:

Thực hiện ở khắp mọi nơi và hết sức nghiêm ngặt sự kiểm kê, kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm, tăng năng suất lao động, thật sự xã hội hóa sản xuất...[71,208]. Người yêu cầu hãy tính toán tiền nong cho cẩn thận và thành thực, hãy chi tiêu tiết kiệm, đừng lười biếng, đừng tham ô, hãy triệt để tuân theo kỷ luật lao động…[71;211] và trong tác phẩm “Bàn về thuế lương thực” khi nói đến vai trò của kiểm kê, kiểm soát, Người chỉ rõ giai cấp tiểu tư sản chống lại bất cứ sự can thiệp, kiểm kê và kiểm soát nào của nhà nước, dù là chủ nghĩa tư bản nhà nước hay chủ nghĩa xã hội nhà nước. Đó là một sự thật không thể tranh cãi vào đâu được, một sự thật không thể tranh cãi vào đâu được, một sự thật mà không hiểu nó thì gây ra nhiều sai lầm về kinh tế...[72,249].

Những chỉ dẫn trên cho thấy việc kiểm kê, kiểm soát là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của nhà nước. Thông qua hoạt động


kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách sẽ được nhìn nhận, đánh giá một cách xác đáng hơn dưới nhiều góc độ. Trên cơ sở đó có cơ sở thực tiễn, để tạo lập căn cứ cho việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, làm gọn nhẹ bộ máy quản lý hành chính nhà nước, để các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực cao hơn. Thực trạng bộ máy quản lý hành chính nhà nước Việt Nam các cấp, nhất là ở địa phương hiện nay hoạt động kém hiệu quả, quá cồng kềnh, sử dụng lãng phí các nguồn lực ngân sách. Tình trạng tham nhũng tràn lan gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho lợi ích quốc gia trong hiện tại và tương lai. Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra đối với quản lý vĩ mô nền kinh tế về kiểm soát chặt chẽ ngân sách nhà nước đang trở thành một vấn đề hết sức bức xúc trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.

Chính vì vậy cần thiết phải tăng cường vai trò của kiểm toán nhà nước nói chung, kiểm toán hoạt động nói riêng trong giai đoạn hiện nay là công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài. Có thể nói, hoạt động kiểm toán nhà nước cần phải được thể chế hoá trong hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật và cần phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tài chính…Mặc dù kiểm tra, kiểm soát tài chính công là dạng hoạt động không thể thiếu của quá trình thực hiện quyền lực nhằm quản lý vĩ mô nền kinh tế và quản lý xã hội. Bản thân từng thiết chế thanh tra, kiểm tra, kiểm soát có những đặc trưng khác nhau, được cụ thể hoá bằng các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của từng cơ quan. Hoạt động của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát có tính chất tương đối ổn định, được quy định trong các văn bản pháp luật và định hình thông qua thực tiễn. Nhìn chung các hoạt động kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm sát không tách rời mà ngược lại có sự gắn bó chặt chẽ với những yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ của nhà nước trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.


Cơ quan Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm tra, kiểm soát về tài chính công nhưng quyền hạn này không tách rời hoặc vượt khỏi quyền hạn của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Hoạt động của kiểm toán hoạt động không có mục đích tự thân mà mục đích chính của nó là nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước... Xu hướng trong một số năm gần đây ở các quốc gia trên thế giới nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế bằng cách tăng cường vai trò của kiểm toán hoạt động.

3.1.4. Yêu cầu đảm bảo tính kinh tế, tính hiệu quả của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu bắt nguồn từ xu hướng toàn cầu hoá kinh tế. Nước ta đã tham gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), đã gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO)... Trong quá trình hội nhập việc nước ta ký kết các Hiệp định song phương và đa phương qua các điều khoản trong đó có điều khoản “tính công khai, minh bạch”. Không thể thực hiện điều khoản này nếu không có kiểm toán hoạt động do kiểm toán nhà nước thực hiện. Trong bối cảnh đó các thông tin về hoạt động của các cơ quan kiểm tra, kiểm soát của đất nước nói chung, Cơ quan Kiểm toán Nhà nước nói riêng đang được sự quan tâm từ rất nhiều phía, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước. Chính vì yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi các thông tin về tài chính cần phải được kiểm toán, trước khi công khai với các nước có quan hệ và dân chúng. Điều đó bắt buộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công phải sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.

3.2. Quan điểm và phương hướng tăng cường vai trò của kiểm toán hoạt động ở Việt Nam do kiểm toán nhà nước thực hiện những năm tới

3.2.1. Quan điểm tăng cường vai trò của kiểm toán hoạt động ở Việt Nam những năm tới

Xem tất cả 208 trang.

Ngày đăng: 27/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí